Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Nắng ngoài ô cửa sổ

Nắng ngoài ô cửa sổ

Bà ngồi đung đưa, đôi mắt hướng ra ngoài ô cửa sổ một cách vô định. Ông ngồi bên, nắm nhẹ tay bà cùng nhìn ra hướng ấy. Hình như bà rất thích nắng. Hôm nào ngoài trời có nắng, bà có thể ngồi yên như thế cả buổi. Tiếng lá cây trứng gà lạo xạo vào nhau theo từng nhịp gió nghe buồn man mác. Năm nay cây trứng gà có vẻ ít quả hơn mọi năm.
Hồi bé, thằng Phương từng thắc mắc sao ông bà lại trồng thêm cái cây bé xíu xiu ấy làm gì vì vườn nhà nhiều cây to lắm rồi. Ông đùa con trai, ông muốn trồng một cây nào đó để lớn thi cùng con trai và nó phải là cây có thể cho nhiều quả. Thằng Phương liền reo lên, cây trứng gà nhất định sẽ cho nhiều quả và con sẽ đẻ nhiều trẻ con. Ông bà nhìn nhau phì cười. Bây giờ cây trứng gà bé xíu xiu ấy đã thành một cây cao lớn, tán lá sum suê, đều đều đơm hoa kết trái. Còn thằng Phương của ông bà cũng đã lấy vợ nhưng mới chỉ sinh được một thằng cu thì nhất định vợ nó không chịu đẻ nữa. Con dâu ông bảo, sinh được quý tử cho dòng họ là nó xong nghĩa vụ. Nó phải tập trung cho công việc. Nó còn bao nhiêu dự định ở phía trước. Rồi con dâu cất giọng mỉa mai, hậm hực mà rằng, trong ngôi nhà này lúc nào chẳng có trẻ con. Ông ngậm hòn đắng quay đi. Chẳng bao giờ ông dám nhắc đến chuyện sinh thêm cháu trước mặt con dâu nữa. Ông phải công nhận từ khi có con dâu, ngôi nhà này được thay da đổi thịt. Nó làm ra kinh tế, lại nhanh nhẹn, một tay nó sắp xếp chu toàn việc gia đình. Ông không thể không nể nó. Ông không quan trọng chuyện đẻ con trai, con gái. Con nào cũng là con, cháu nào cũng là cháu. Nhưng nhà có phúc là nhà có con đàn cháu đống kia. Mỗi lần ngắm nhìn chùm quả trứng gà sai trĩu trịt ông buồn rười rượi. Ông bà sinh được duy nhất thằng Phương, sau đó dù chẳng kế hoạch gì, ông bà không sinh thêm được nữa. Ông vẫn nghĩ có thể do hồi trước đi lính, sau khi bị chấn thương thì để lại di chứng gì đó nên ảnh hưởng một chút đến vấn đề sinh lý. Cũng thiệt thòi cho bà. Thời gian như chuyến tàu cao tốc, lao vun vút qua cuộc đời ông, ngoảng đi ngoảng lại, ông chưa kịp làm gì ý nghĩa dành cho bà thì chuyến tàu đã sắp dừng.
Buổi sáng im ắng quá. Vợ chồng thằng Phương đã đi làm cả, cháu trai đi học, chỉ còn hai cái bóng vật vờ, chênh vênh trong căn nhà vắng lặng nương tựa vào nhau. Ông thèm nhìn thấy nụ cười của bà, lâu lắm rồi bà không cười. Đúng hơn, bà chẳng biểu lộ cảm xúc gì với mọi thứ xung quanh. Duy nhất có nắng ngoài ô cửa sổ thu hút được ánh nhìn của bà. Bà bị tai biến liệt nửa người cách đây một năm.
Sau đợt đó, bà không nhớ nổi ai trong nhà, ngay cả ông. Bà bỗng biến thành một người lơ ngơ chỉ biết ngồi đợi bàn tay ai đó đến chăm bẵm. May mà bà vẫn biết đòi ăn nếu muốn ăn, biết bảo đi vệ sinh khi có nhu cầu. Vợ thằng Phương xếp sắp cho bà một phòng riêng, nó bảo phòng này cạnh vườn, có hai mặt cửa sổ thoáng đãng, không khí dễ lưu thông. Hình như nó rất sợ mùi phòng bà. Ngoài việc tắm rửa cho bà là bắt buộc thì có việc gì thật cần nó mới vào căn buồng. Còn thằng Phương bận lắm, nó đi làm cả ngày, có hôm trời khuya khoắt, ông bà đi ngủ rồi còn chưa thấy mặt con trai nên cũng chẳng mấy khi nó vào phòng riêng của bà. Nhiều đêm ông nằm với thằng cháu mà lòng cứ phấp phỏng, lo lo, nếu có cơn gió độc nào lùa vào phòng vật bà thì khổ. Ông lại choàng dậy lật đật sang buồng bà kiểm tra lại, nhỡ may ông quên chưa đóng một trong hai cái cửa sổ hoặc bà ngủ quên không để ý đắp chăn, bà không đắp chăn là ho ngay. Đã định nhiều lần, nhưng ông ngại con cháu, già rồi, bảo muốn ngủ cùng bà chúng nó cười cho.
Trời thương còn cho ông sức khỏe, thỉnh thoảng nhấc bà lên xe lăn ra ngoài vườn chơi và ngồi trò chuyện cùng bà, chứ không, ngày qua ngày, chỉ mình bà ngồi lặng lẽ trong căn buồng vắng vẻ.
Mái tóc bạc của bà lòa xòa vào mặt ông. Ông đưa tay vén từng lọn tóc giúp bà. Ông không nhớ từ khi nào mình đã biết chải tóc rồi quấn gọn gàng từng lọn tóc cho bà. Khi con cháu có mặt ở nhà, ông ngại không dám ngồi bên, ngắm kĩ và chăm chút bà như thế này. Vợ chồng trẻ chúng có đặc quyền thể hiện tình cảm với nhau, còn người già tuy tình cảm dành cho nhau ấm áp là thế mà vẫn phải giả vờ cứng nhắc, nghiêm túc hết mức có thể. Nhưng nghĩ cũng lạ, trong ngôi nhà của mình ông có cảm giác đôi vợ chồng trẻ sao sao ấy, không hiểu có chuyện gì mà chúng cứ chạm mặt là giận dỗi, lườm nguýt, cãi vã, thế nên làm gì có thời gian nào để chúng yêu thương, chăm chút cho nhau.
Con dâu khẳng định hiện giờ bà lẫn hẳn rồi, sao ông không thấy thế nhỉ, rõ ràng lúc ông thủ thỉ chuyện xưa với bà, khi thì bà mỉm cười thèn thẹn, khi thì bà như ngẫm ngợi đăm chiêu.
Ông còn nhớ hồi trẻ bà đẹp lắm. Đôi mắt cô gái mười tám ngày ấy như hồ nước mùa thu long lanh, trong vắt mê hoặc ông mất ăn mất ngủ. Nhiều trai làng đến “trồng cây si” trước cửa nhà bà, nhưng bà lại chỉ ưng ông. Bà quý cái tính hiền lành, chất phác và cũng rất tình cảm của ông. Hồi đó, hai bên gia đình đã thống nhất ngày giờ cưới hỏi, vậy mà ngày cưới cận kề, ông bặt vô âm tín, không một lá thư cho bà, không một tin tức báo về gia đình để xin trì hoãn đám cưới. Nhiều người trong làng đồn thổi, ông đã thay lòng đổi dạ. Mẹ bà riết róng giục bỏ đám này đi, chọn đám khác thôi, chứ biết đâu mà chờ với đợi. Bà vẫn một mực không tin ông có thể phản bội bà. Dù ai chêm nếm câu chuyện, bà mặc. Đúng ngày cưới thì ông về làng, hóa ra đơn vị đột ngột cử ông đi công tác nơi khác, khi được tin, ông chỉ đủ thời gian để khăn gói lên đường, không kịp biên thư về nhà. Vật lộn mấy tháng trời ở căn cứ mới, ông sụt 10 kg, mặt mũi đen nhẻm, hốc hác. Vừa nhìn thấy ông, bà cứ gục đầu vào ngực ông mà khóc nức.
Về sau, trong đám trai từng thích bà, có người thành quan chức to, ông nửa đùa nửa thật hỏi bà hối hận không. Bà lại nép vào ngực ông thủ thỉ, họ làm to, họ nhiều tiền nhiều của nhưng chắc gì họ đang hạnh phúc, còn bà đang thực sự hạnh phúc từng ngày, sá gì phải chờn lòng, so sánh hả ông. Sống mũi ông cay cay, ông thấy lòng mình được an ủi phần nào.
Sinh ra trong gia đình nhà nghèo, tài sản cha mẹ ông để lại chỉ có mảnh vườn, thớ ruộng để chăm lo việc cấy cầy. Nhưng vốn khỏe mạnh, chịu khó lăn lộn nên không đến nỗi để bà và con cái thiếu cái ăn cái mặc. Tuy thế, ông vẫn cảm thấy, nhiêu ấy chưa xứng với những gì lẽ ra bà phải được hưởng. Trong quá trình tăng gia sản xuất, ông đã mày mò sáng tạo ra nhiều cách thức để phát triển nông nghiệp. Ông được dân làng tin tưởng bầu làm trưởng thôn, làm trưởng thôn một thời gian lại được dân “đẩy” lên làm cán bộ xã. Năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng xả thân mình vì dân, vì nước… Nghe có vẻ rất khẩu hiệu, nhưng thực tình tính tình ông từ khi mặc áo lính đến bây giờ vẫn vậy. Ai mà không quý, không yêu ông. Cơ mà làm trưởng thôn chỉ cần nhanh nhạy, dân tin cạy là được, còn làm cán bộ xã phức tạp hơn nhiều. Cái tính nghiêm túc một cách thái quá của ông lại hại ông, họ nhận ra khi ông ngồi vào cái ghế cán bộ xã thì đường dây dợ loằng ngoằng, nhất thiết phải cần sự móc nối, liên kết chặt chẽ có nguy cơ bị đứt đoạn. Thế là họ gài ông mắc lỗi rồi đuổi ông về làng. Giai đoạn đầu ông ngồi trầm ngâm cả ngày, ánh mắt buồn thê thiết. Ông không cam tâm chịu tủi nhục như vậy. Ông trăn trở đêm ngày tính toán này nọ, ông muốn lật mặt những kẻ đểu cáng đã hất ông. Cơ mà chúng đông và mạnh, ông lại là nhân sự mới, ăn thua gì. Bà an ủi ông, rốt cuộc thế cũng hay. Về làng, nhiều thời gian gần gũi vườn ao đồng ruộng, thảnh thơi trí óc lẫn chân tay, ông có thể trực tiếp tham gia, đóng góp công sức xây dựng thôn xóm. Không biết có phải do lời bà khuyên, hay do thời gian, hay do sự bất lực của bản thân mà ông buông dần. Còn giờ đã có tuổi, bà lại bị thế này, thực lòng ông chỉ mong được quanh quẩn bên bà, họ có cho ông làm cán bộ nữa ông cũng chẳng thèm.
Tiếng loạch xoạch mở khóa cổng. Con dâu về. Sao tầm này nó về nhà nhỉ?
– Bố ơi, bố ra mở của cho con với nào. Sao ở nhà rồi còn khóa cổng làm chi.
Ông loay hoay tìm cái chìa khóa cửa cổng, lật đật chạy ra.
– Bố khóa cổng cho chắc vì bố ở phía trong buồng mẹ nên không ngó ngàng
được nhà ngoài. Bố mở khóa đây. Sao hôm nay con về sớm thế?
Con dâu có vẻ khó chịu, gằn giọng:
– Bố làm gì mà lâu thế? Con đang làm nhưng phải chạy ù về nhà nhận gạch
người ta chở đến.
– Hả? Nhà mình có xây xướng chi đâu con. Mua gạch làm gì?
– Bọn con quên nói với bố, bọn con tính xây thêm phòng.
Ông ngơ ngác nhìn con dâu. Đang ở cùng với bố mẹ mà làm nhà cửa chúng không bảo với ông một câu là sao. Gạch mua chở về nhà rồi mới nói thì khác chi ép ông vào thế sự đã rồi. Nhà không thiếu phòng, chúng nó xây thêm phòng làm gì. Hình như vội quá nên con dâu chẳng nhận ra ánh mắt sững sờ của bố chồng, nó lướt nhanh qua ông như lướt qua một khúc gỗ chơ vơ, vô dụng, không xúc cảm.
Ông bần thần đi ra sau vườn. Ông không biết từ khi nào mình đã trở thành người thụ động. Ông cảm giác có cái gì đó không ổn trong gia đình mình. Sợ phật lòng con dâu nên mỗi lần có chuyện gì dù chưa được ưng ý, ông vẫn cố cho qua để gia đình êm ấm. Nhưng ông càng kiệm lời thì con dâu càng lấn lướt. Còn con trai yêu quý của ông bà thì dần dần trở nên xa lạ. Hình như quá lâu rồi, bố con ông không đủ thời gian để dành một buổi cho nhau. Ông từng thầm trách móc sự vô tâm của con trai. Lẽ ra nó cần chăm sóc mẹ nó nhiều hơn. Lẽ ra nó nên ngồi lại, hỏi han chuyện trò với bố nó nhiều hơn. Lẽ ra nó phải thế này nó phải thế kia…Nhưng chính ông, ông đã bao giờ nói chuyện thẳng thắn với con trai mình chưa?
Thằng Phương gần một tuổi. Ông nhớ rõ mồn một cái dáng hình bé bỏng, đôi chân lon ton hăm hở bước đi mà chưa vững của nó. Bà đứng ở đầu này giục nó bước đi, ông lại đứng ở đầu kia vỗ tay đón chờ. Lần đầu nó đi được tới chỗ ông, ông cười sung sướng chảy cả nước mắt. Ông ra đập đập vào thân cây trứng gà thầm thì: “Mày thấy chưa, mày nhìn thấy con tao bước đi hùng hổ chưa”. Chả là sinh ra thằng Phương có cái tật ở chân, bác sĩ bảo cần theo dõi, nếu sau này khó đi lại thì phải quay lại gặp bác sĩ xử lý, nên ông bà cứ thấp thỏm từng ngày, đến khi nó đi đứng được hẳn hoi mới yên tâm.
Thằng Phương năm tuổi. Nó ngang ngạnh và nghịch ngợm lắm. Chẳng còn cái chén uống nước nào trong nhà yên lành, một số cái đã vỡ tan, cái còn thì sứt quai hoặc mẻ miệng. Bà ở nhà trông nó chật vật. Mà bà chẳng bao giờ nặng lời với nó. Ông cứ giơ roi lên định vụt là bà lại đứng ra can ngăn. Bà bảo trẻ con biết gì đâu, tinh nghịch thế mới thông minh. Ông thôi. Có lần bà mải nấu cơm dưới bếp, thằng Phương ở trên nhà leo lên bàn uống nước ngồi tung tẩy. Cả mặt bàn bằng kính dính vào bốn chân không chắc nên trượt rơi xuống sàn nhà vỡ choang. Nó khóc thét. Bà vội vã chạy lên, thấy máu me be bét ở chân tay nó, bà xây xẩm mặt mày. Bà ôm nó run rẩy rồi khóc tu hu. Đúng lúc ấy thì ông về chở cả hai mẹ con đi viện. Thằng Phương băng bó xong thì về, còn bà thì nằm viện mất hai ngày.
Thằng Phương mười tuổi. Nó tự đi bộ cùng bạn bè đến trường. Ông bà đang lụi hụi ở vườn thì có chị hàng xóm chạy vào nhà ông bà báo tin, Phương nó bị tai nạn, có người đi xe máy nhanh quá va vào nó. Mọi người đã đưa nó vào trạm xá, khâu bảy mũi rồi. Ông bà rụng rời chân tay. Ông vội lấy xe đèo bà đến trạm xá tìm con. Đến nơi, mắt bà đỏ hoe vì khóc, còn thằng Phương mặt vẫn hớn hở nằm trên giường. Từ hôm đó, sáng nào ông cũng tất tưởi đạp xe chở con đến trường, chiều lại đón con về.
Thằng Phương mười tám tuổi. Nó đi học xa nhà. Đêm bão nổi, bà xoay bên này trở mình bên kia, rồi bật dậy đi ra đi vào. Ông gặng hỏi mãi, bà mới nói là nhớ thằng Phương quá, lo nó ở phòng trọ ọp ẹp, không an toàn. Ông mắng bà lo không đâu, nó lớn rồi, khắc biết tự lo. Ông giục bà ngủ đi, rồi quay người ngược lại. Nhưng mãi ông cũng chưa ngủ được, mắt ông đăm đăm nhìn ra ngoài qua ô cửa kính. Gió đang rít lên từng hồi, thỉnh thoảng chớp lại rạch như xé rách trời . Sáng tinh mơ, bà đã dậy chạy sang nhà bà Khương nhờ gọi điện cho con trai. Nghe được giọng thằng Phương, thấy nó sống ở thành phố vẫn ổn bà mới thở phào nhẹ nhõm đi về.
Thằng Phương hai ba tuổi. Nó dẫn bạn gái về nhà, xin phép bố mẹ khi nào ra trường, xin việc xong xuôi chúng nó cưới. Ông bà lần đầu gặp bạn gái nó, dù cũng chưa thể nói là ưng nhưng con trai đã chọn nó rồi thì biết làm sao. Chỉ cần chúng nó sống với nhau hạnh phúc, ông bà thế nào cũng xong. Ông bà đưa ra duy nhất một điều kiện là vợ chồng nó phải về làm gần nhà.
Thằng Phương bây giờ. Mỗi sớm ngắm nó đĩnh đạc trong trang phục đi làm, ông tự hào lắm. Khu công nghiệp được mở ra ở huyện, con trai có nhiều cơ hội làm việc và thăng tiến. Nó làm tối ngày không hết việc. Ông mừng cho con trai. Nhưng nó càng bận bịu, thành đạt bao nhiêu thì không khí gia đình ông lại càng lạnh lẽo bấy nhiêu.
Cháu trai vừa về đến cửa đã gọi ông í ới. Mặt phụng phịu, miệng làu bàu. Ông hỏi làm sao. Nó đưa ông xem tờ giấy. Hóa ra bài làm văn của nó được ba điểm. Nó không hài lòng vì rõ ràng nó đã làm bài tốt. Cô phải chấm điểm cao mới đúng. Ông cầm bài làm văn của cháu, ngồi xuống ghế, thong thả đọc. Trời! “ Nhà tôi có nuôi một bà nội, hàng ngày bà chỉ biết nằm yên…”.
Chết thật. Nó rập khuôn bài văn mẫu miêu tả vật nuôi trong nhà để miêu tả bà nội nó. Ông ôm cháu trai vào lòng, từ tốn giải thích cho cháu.
Tối. Cả nhà đã cơm nước xong. Con trai chưa về. Ông ngồi đợi con trai rất lâu.
Đêm muộn. Nó về. Nom bộ dạng nó khá mệt mỏi. Ông định gọi con trai ngồi nói chuyện nhưng… lại thôi.
Sáng hôm sau. Ông đã dậy từ lúc nào. Ông ngồi trong buồng bà, mặt mũi phờ phạc như vừa trải qua một đêm dài mất ngủ. Thằng Phương đang sửa soạn quần áo đi làm.
– Phương. Vào đây bố bảo.
– Bố bảo gì ạ? Con chuẩn bị đi làm bố à.
– Cơ quan không có ngày nghỉ hả con? Con bận lắm phải không?
– Vâng bố, việc ở công ty làm con bù đầu, nhiều thứ rối ren, áp lực kinh khủng.
– Bố mẹ xin lỗi vì đã không giúp gì được cho con.
– Ơ. Sao bố lại nói thế.
Thấy bố có vẻ tâm trạng. Phương buông tập tài liệu trên tay, đi vào phòng mẹ.
– Bố mẹ ăn sáng chưa ạ? Để con bảo vợ con chuẩn bị.
– Người già ngủ ít nên dậy sớm, ăn sớm, bố ra đầu ngõ mua quà sáng cho cả hai rồi. Thế vợ chồng con định xây thêm phòng làm gì?
– Vợ con chưa thưa chuyện với bố sao? Con định chặt cây trứng gà đi, xây thêm phòng cho mẹ ở chỗ đó. Giờ mẹ vệ sinh tại chỗ, vợ con thì bận không thể lúc nào cũng dọn phòng được nên để mẹ con ở gần phòng khách không tiện, người ra người vào bố ạ. Cứ để mẹ con ở cách một phòng cũng được.
Ông trợn mắt nhìn con trai, nghẹn giọng:
– Có nghĩa là con định cô lập mẹ con à.
– Không phải thế, bố!… Nhưng…
– Đó là ý của con hay vợ con? Vợ chồng con muốn làm gì trong nhà này phải bàn bạc với bố trước. Bố vẫn còn sống sờ sờ ra đây mà. Con là con trai mà không nói với bố mẹ chuyện ấy cho đàng hoàng, lại để con dâu thưa chuyện.
Con bận công việc cơ quan bố hiểu, nhưng không phải vì thế mà mặc kệ chuyện gia đình, muốn ra sao thì ra. Con đọc bài văn miêu tả bà nội của con trai con này. Cái cách mà con ứng xử với mẹ con ra sao, sau này con trai con sẽ học như thế. Con hiểu không?
Ông đưa bài làm văn của cháu trai cho Phương, rồi nhìn bà âu yếm:
– Để tôi đưa bà ra vườn ngắm nắng sớm.
Trước khi đẩy chiếc xe lăn bà đang ngồi ra khỏi phòng, ông ngoái lại:
– Bố mẹ không muốn chặt cây trứng gà đâu. Bố mẹ trồng nó vì con. Nó gắn bó từng kỷ niệm tuổi thơ con, đối với bố mẹ kỷ niệm về con quý giá hơn mọi của cải trên đời. Chuyện đó rất quan trọng với bố mẹ nhưng có thể không quan trọng với con nên con muốn chặt nó đi phải không?…
Phương đứng đờ ra, sượng ngắt trước lời bố. Nhìn mắt bố đỏ sọng, anh có thể cảm nhận thấy mình khiến bố đau lòng thế nào. Phương đọc từng câu chữ trong bài làm văn của con trai.
Anh ngồi xuống giường của mẹ và đưa mắt hướng ra phía ngoài ô cửa sổ. Hồi nhỏ, ngày nào Phương cũng chơi dưới gốc cây trứng gà kia. Còn mẹ ngồi đây, đúng vị trí mà Phương đang ngồi, khi thì mẹ nhặt rau, khi thì mẹ khâu vá, chốc chốc mẹ lại ngẩng lên nhìn Phương chơi ngoài đó và mỉm cười. Phương vừa chơi lò cò vừa với vào nhà, vặn hỏi mẹ: “ Mẹ nhìn gì thế mẹ?”. Mẹ tủm tỉm trả lời: “Mẹ nhìn nắng lũn cũn của mẹ”. Rồi cả hai cùng cười khúc khích.
Đã lâu quá rồi Phương không gần mẹ, dù anh biết, mẹ vẫn ngồi đây và nhìn ra ô cửa mỗi ngày. Nhưng Phương không còn quan tâm đến ánh mắt mẹ tìm gì hay đúng hơn việc đó bỗng trở nên không quan trọng với anh từ lúc nào. Anh như cỗ máy quay cuồng, đam mê với công việc và danh vọng. Anh mơ hồ nghe đâu đó bên tai mình tiếng mẹ cưng nựng lúc anh ngã dúi dụi trên sân. Mẹ xuýt xuýt xoa xoa như chính mẹ đang đau lắm. Và anh thấy mình được tung lên cao, lênh khênh trên đôi vai vững chãi của bố. Anh là đứa trẻ may mắn, hạnh phúc nhất trên đời vì luôn được yêu thương một cách trọn vẹn.Vậy mà giờ, anh đã làm được gì cho bố mẹ?…
– Này, anh không đi làm đi, ngồi thừ ra đó làm gì? Bao giờ thì thuê thợ đây?
Vợ Phương ngó vào phòng. Phương vẫn không rời mắt khỏi ô cửa sổ.
– Mình thôi không xây nữa em.
– Anh điên à. Mua gạch xong xuôi lại kêu không xây. Bà ở đây hôi mù phòng bên, ai mà chịu được.
Phương quát lên:
– Đã bảo không xây là không xây.
Vợ Phương ngạc nhiên trước thái độ của chồng, liền dịu giọng thỏ thẻ:
– Có gì ngoài đấy thế anh?
– Nắng.
Vợ Phương nhìn theo ánh mắt chồng.
Ngoài ô cửa sổ, bố mẹ Phương đang ngồi yên lặng dưới bóng cây trứng gà.
Hôm nay nắng lóng lánh khắp khu vườn, nắng chưa bao giờ tràn trề đến thế.
30/12/2023
Trần Ngọc Mỹ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn

Dấu ấn văn hóa Trung Hoa trong truyện ngắn Lỗ Tấn Lỗ Tấn là nhà văn lớn có vai trò đặt nền móng cho văn học hiện đại Trung Quốc, từng được...