Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Thế giới siêu tưởng trong "Nhật ký người xem đồng hồ" của Nguyễn Quang Thiều

Thế giới siêu tưởng trong "Nhật ký
người xem đồng hồ" của Nguyễn Quang Thiều

Khám phá thơ Nguyễn Quang Thiều luôn là một thử thách, nhưng cũng là một niềm kỳ thú. Ông xuất hiện trong đời sống văn chương với dáng vẻ độc đáo và luôn gây được chú ý bởi đã mang đến một tư duy và ngôn ngữ khác với những gì mà chúng ta từng quen thuộc. Với tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” này cũng vậy.  Đọc tập thơ, tôi có cảm giác như đang tham gia vào một cuộc du hành đến một cảnh giới kỳ lạ mà mọi sự vật, hiện tượng, con người trong đó luôn chuyển động theo một quy luật đặc biệt, mỗi câu thơ, hình ảnh thơ gợi ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nguyễn Quang Thiều làm thơ thực chất là đang vẽ nên một bức tranh bằng ngôn từ. Chúng ta thấy trong đó có sự kết nối, hòa điệu, hoặc đối lập giữa những không gian khác nhau, giữa các sự kiện hoặc hình ảnh đa sắc màu để từ đó phản ánh một tâm tư, gợi mở một liên tưởng hoặc xác lập một tư tưởng.
Đây là một ví dụ về sự song hành của các sự kiện đối nghịch trong cùng cùng một không gian hiện thực:
“Viên cảnh sát da trắng
Bắn tám viên đạn vào một thanh niên da đen
Bình luận viên đi ăn trưa
Ở bên kia trái đất
Và nơi tôi – nửa đêm
Một cảm giác
Lấn át sợ hãi
Lấn át đau đớn
Loang ra như máu
Trên chiếc khăn trải bàn.
Bên kia là giữa trưa
Bên này là nửa đêm
Tôi nhìn thấy
Những con cá bị kẹt trong nước.”
(Bản tin ngày)
Ngắn gọn, kiệm lời, câu chữ mở ra những nét phác của một hiện thực đa chiều. Ông nhắc lại hai lần “bên kia là giữa trưa/ bên này là nửa đêm”, cùng là ở thời hiện tại, cùng trên một mặt đất, nhưng thời gian đã phân mảnh, không gian đã phân mảnh và mọi chuyện khác biệt xẩy ra. Đó là cái nhìn hiện đại giúp ta như thấy nhiều hiện thực trong một hiện thưc và ngược lại. Đó là cách suy tư giúp ta vượt qua sự hời hợt và hiểu sự phức hợp của sự sống với muôn mặt của nó. Hình ảnh thơ tự có tiếng nói, tự có thông điệp, đi sâu vào tâm cảm người đọc, khiến người ta phải thao thức và suy ngẫm.
Tập thơ “Nhật ký người xem đồng hồ” của Nguyễn Quang Thiều
Nhưng hơn thế, còn đậm đặc hơn, kỳ lạ hơn khi Nguyễn Quang Thiều tạo ra một thế giới nghệ thuật mà ở đó có sự hòa trộn của không gian hiện thực và không gian siêu thực. Hơn một thế kỷ trước các nhà thơ siêu thực đã chú trọng đến cái hiện thực không nhìn thấy được như là đối tượng quan trọng nhất của nghệ thuật. Tôi không nghĩ Nguyễn Quang Thiều là tín đồ của chủ nghĩa siêu thực, nhưng rõ ràng trong thơ ông có dấu vết của nó và ông đã đi xa hơn bởi đã hòa trộn cái hiện thực và cái siêu thực để tạo nên thực thể nghệ thuật của mình. Ở tập thơ này, cái nhìn thấy được và cái tưởng chừng chỉ tồn tại trong thế giới huyễn tưởng bỗng nhiên hiện hình, cùng tồn tại:
“Dưới đám mây mùa thu
Những cái cây từ từ đóng cửa
Một người đứng ngã ba rừng
Hỏi đường về chân mây
Dưới đám mây mùa đông
Những ngôi nhà chìm một nửa vào đất
Bên bếp lửa ấm
Một người đã chết
Trở về kể tiếp câu chuyện”
(Mây ngũ sắc)
Chỉ bằng mấy câu thơ, nhà thơ đã vẽ lên cả một hành trình thời gian và gợi mở câu chuyện về sự trở đi trở lại của một linh hồn xuyên qua thế giới âm dương. Cái thực, cái ảo ở đây trộn lẫn. Day dứt và gợi mở. Qua những câu thơ, ta nhìn thấy cái vô hình trong cái hữu hình, nghe thấy âm thanh trong thinh lặng với bời bời tâm sự kiếp người.
Suốt cả tập thơ chúng ta gặp nhiều bài thơ, nhiều hình ảnh thơ thể hiện cái nhìn xuyên thấu vào những cảnh giới khác nhau như vậy.
Ta xem thêm một  bài thơ nữa:
“Có một người gọi cửa
Giọng vang từ mù sương
Và một người kiếp trước
Đứng như cây bên đường
Một con chim cất tiếng
Trong vòm họng hàng cây
Một bông hoa chợt sáng
Hồ ban mai dâng đầy
Ngày cuối của mùa đông
Đã lên đường rất sớm
Gửi lại trên cánh đồng
Dải khói mờ tháng chạp
Và một người mở cửa
Cười trong hoa góc vườn
Ngôi nhà vừa nhóm lửa
Mùa đã về reo vang”
(Người mở cửa buổi sáng)
Đây có thể xem như một bản hòa tấu của âm thanh và tĩnh lặng, của cái hiện hữu và cái hư tưởng, của tương lai và quá khứ. Cái ấn tượng nổi trội trong bài thơ là tiếng người gọi cửa, là tiếng chim, là tiếng reo vang của mùa và những chuyển động của bông hoa, của hồ ban mai và bước dịch chuyển của thời gian, nhưng cái lắng đọng, ghim lại trong tâm trí người đọc lại là hình ảnh “một người kiếp trước” đứng lặng. Nguyễn Quang Thiều luôn tạo được bất ngờ trong những chi tiết, những hình ảnh ám ảnh như vậy.
Tôi đã nói đến đặc điểm không gian và những hòa trộn của cái hiện thực, cái siêu thực tạo thành một thế giới phức hợp, hỗn mang và kỳ lạ có màu sắc siêu tưởng trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nhưng điều đáng nói thêm là, không gian trong thơ ông lại được tái hiện trong trục thời gian đa chiều, đa nhịp. Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng thời gian nghệ thuật một cách có chủ ý để tạo nên những nhịp điệu của vận động, sự xoay chuyển của những chiều tư duy và trục phản ánh.
“Có một đứa trẻ vừa gọi mẹ vừa lớn
Chợt già đi trong những cúc thẩm chiều”
(Mưa gần sáng)
Ở đây thời gian vừa được tiết đoạn, được nhận diện lại vừa như hòa lẫn vào nhau qua hành trình “trẻ”, “lớn”, “già” của con người (nhân vật trữ tình trong bài thơ). Hành trình này không tuần tự đều đặn mà đột biến.
Hoặc trong những câu thơ sau đây:
“Tôi đứng trên vùng giấc mơ vừa bị tàn phá
Trong bóng tối vô tận của sự hủy diệt cảm xúc
Thế gian bạt ngàn những thân xác đang thở
Nhưng ký ức đã chết.”
(1:53 ngày 4 tháng 3 năm 2018)
Thời gian của giấc mơ, thời gian hiện tại và thời gian ký ức bị phong kín trong “thân xác” của hiện hữu cùng tồn tại và gợi mở những tầng suy tưởng của tác giả trong một đoạn thơ  ngắn. Chính điều đó đã giúp nhà thơ gợi nên những ấn tượng lạ thường. Có thể nói, thời gian nghệ thuật là một công cụ vô cùng hữu dụng đối với người sáng tạo. Nguyễn Quang Thiều như là một phù thủy đã sử dụng thời gian để tạo nên một thế giới thơ đa tầng, đa chiều, đa hướng.
Có thể nói, trong các nhà thơ Việt Nam ít có một ai đã sử dụng thời gian biến hóa, không gian đa dạng phức tạp như Nguyễn Quang Thiều trong tập thơ này. Đó là một dụng ý nghệ thuật đã tạo nên cả những khác biệt so với các tập thơ khác của chính ông trước đây.  Và điều đặc biệt này đã trở thành một “ổ khóa” để ông mở ra cả vũ trụ thơ của riêng mình. Bước vào đó, ta gặp biết bao điều kỳ lạ, ám ảnh. Rất nhiều hình ảnh được bố trí, tái hiện qua những mối quan hệ chằng chịt trong những không gian và thời gian khác nhau đan cài vào nhau, tạo thành một hệ thống ký hiệu nghệ thuật đặc sắc.
Ở trên tôi đã nói về ấn tượng nổi bật, những dấu hiệu khác lạ của tập thơ này. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những bài thơ hay nói lên những niềm tâm sự, những nỗi lòng da diết nhớ thương với mẹ đã qua đời, với con gái đang ở bên kia đầu trái đất, với cháu nội và tình yêu sâu thẳm với quê hương của nhà thơ:
“Hoa mẫu đơn mỗi mùa nở nhiều hơn
Chỉ cải vàng đã tắt
Từ ngày mẹ đi xa
Không còn ai gieo hạt
Con giờ đã là một ông già
Cô đơn theo cây mùa rụng lá
Một ông già lạc mẹ
Trên lối mòn đầy bóng tối thời gian.”
(Thư gửi mẹ)
Ở những câu thơ thế này người đọc hòa vào niềm rung cảm, với những nỗi lòng nức nở của người con nghĩ về người mẹ ở thế giới bên kia.
Ta hãy đọc thêm những câu thơ ông viết cho con gái:
“Gió thổi mãi trong đêm giờ con đã ngủ
Giấc mơ có hiện lên con đường nhỏ về nhà
Nơi con đợi cha những tháng năm thơ ấu
Nơi những mùa thương nhớ vắng mây bay”
(Nói với con gái trước ngày từ Mỹ trở về Việt Nam)
Trường hợp này Nguyễn Quang Thiều trở lại với lối thơ truyền thống, với lối dãi bày quen thuộc, đầy xúc động. Những vần thơ của ông nói với chúng ta rằng, thơ hay khởi phát từ những rung động chân thành mãnh liệt của tâm hồn, nó bay lượn lên trên đôi cánh rực rỡ của tài năng và biểu lộ ra bằng những hình ảnh độc đáo. Trong cõi mênh mông và xa lạ của thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn có những vùng thân yêu, gần gũi với mỗi chúng ta.
Nguyễn Quang Thiều là một nhà cách tân đã làm một cuộc dấn thân hơn ba thập kỷ nay. Ông để lại những dấu ấn và gây tranh cãi trong một thời đại mà thơ Việt chuyển mình, giằng co, đau đớn xác lập diện mạo mới của nó. Nguyễn Quang Thiều là một người đã đi rất xa so với thơ ca đương thời (tập thơ này là một ví dụ tiêu biểu và tập trung nhất). Nhưng, điểm khởi phát của thơ ông lại chính là vẻ nguyên sơ, xưa cũ, đằm thắm, thiết tha đã làm nên vẻ đẹp nguyên thủy của tâm hồn Việt. Từ khởi nguồn đó, Nguyễn Quang Thiều đi vào siêu tưởng, tái dựng nên thơ ca của chính ông.
13/12/2023
Thiên Sơn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mê 3000000

Cõi mê 3 Mười Sài Gòn, ngọc viễn đông, ngọc phương nam Ông Trọng vừa ăn xong bữa cơm tối một cách mệt mỏi. Ăn mà mệt, đó là bữa ăn của một...