Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Cháy lên khát vọng sáng tạo và cống hiến

Cháy lên khát vọng
sáng tạo và cống hiến

Nhà văn, nhà phê bình văn học Bùi Quang Tú sinh ngày 29.4.1948, quê quán xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1966, đến năm 1972 xung phong vào chiến trường miền Nam. Ông là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã đột ngột qua đời vì bạo bệnh ngày 4.7.2023 ở Đồng Nai, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng nghiệp, bạn văn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết về ông: “Bùi Quang Tú là thầy giáo viết văn, có lẽ vậy mà văn ông giản dị và hiền như tính cách của một thầy giáo của những thế hệ trước kia. Mỗi câu chuyện của ông luôn được kể một cách giản dị nhưng đều hướng tới tình người và những giá trị truyền thống”.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết cuối cùng của nhà văn Bùi Quang Tú sau khi ông dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật của cha mình là nhà văn Bùi Hiển (1919 – 2009).
Ngày 19.5.2023, tôi thay mặt gia đình dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật tại tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Hai tiếng đồng hồ dự lễ. Những cái tên lần lượt được xướng lên. Người đi kẻ ở. Những tác phẩm một lần nữa được vinh danh. Cũ mới. Trong không khí xúc động ấy, tôi miên man nghĩ về những người nghệ sĩ phải đợi chờ rất lâu, thậm chí nhiều người không thể chờ, để được cuộc đời gọi tên lần nữa.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chắc ngỡ ngàng vì bộ ảnh “Hai người lính” có một ngày lại đem đến cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh vô cùng danh giá. Sau cuộc chiến ở Quảng Trị tàn khốc năm 1972, vào năm 1973 ông lững thững đi trên đất Quảng Trị và chợt thấy hai người lính, một người là Quân giải phóng, một người là lính Việt Nam Cộng hòa đang ngồi chuyện trò thân mật, cùng uống nước, hút thuốc với nhau. Chợt thấy phóng viên ảnh đi qua, người lính Việt Nam cộng hòa đề nghị: “Anh chụp cho chúng em tấm ảnh kỷ niệm”. Trong đầu óc nghệ sĩ bỗng lóe lên cảm xúc: “Hòa bình, hòa hợp dân tộc là đây…”. Tấm ảnh ấy đã đi vào lịch sử của dân tộc. Mãi sau này nhờ nhà báo Dương Phương Vinh – phóng viên báo Tiền Phong kết nối, hai người lính ấy đã gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng. Người lính Quân giải phóng là Nguyễn Huy Tạo, người lính Việt Nam cộng hòa là Bùi Trọng Nghĩa. Bộ ảnh càng thêm ý nghĩa.
Tương tự, vào thời điểm tháng 8/2011 khi vùng biển đảo của chúng ta bị xâm phạm nặng nề, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn ngày đêm trăn trở phải sáng tác một tác phẩm thể hiện trách nhiệm công dân. Lang thang trên mạng, nhạc sĩ tình cờ gặp bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai – một nhà thơ đang sống ở nước ngoài. Đêm hôm đó, bên cây đàn piano, chỉ trong vòng hai mươi phút, ca khúc đã hoàn thành. Ông chưa từng có sáng tác nào nhanh và xuất thần như vậy. Khi đó, nhạc sĩ nghĩ rằng đó là tiếng lòng của riêng mình nhưng bài hát đã nhanh chóng lan tỏa từ miền núi tới hải đảo và vang xa tận nước ngoài. Âm nhạc có tính kết nối cao trong đời sống công chúng là vậy.
Nguyễn Thụy Kha là một trường hợp khác. Được chắp cánh bởi thơ và nhạc, Kha tung tẩy cả hai lĩnh vực ấy nhưng nổi trội hơn cả là nhạc, không phải về sáng tác mà về nghiên cứu. Anh đã nhận ra nền âm nhạc cách mạng Việt Nam vô cùng phong phú, ngắt ra hai giai đoạn: đạn bom và hòa bình nhưng chưa có ai làm một bản tổng kết về nó cả. Thế là hì hụi lao vào đề tài siêu khó, siêu rộng ấy chả phải để rắp ranh kiếm giải thưởng. Kha đã dày công, tâm huyết làm ra hai bộ sách Một thế kỷ âm nhạc, một thời đạn bom và Một thế kỷ âm nhạc, một thời hòa bình khiến giới âm nhạc phải ngỡ ngàng. Đinh Trung Cẩn và Nguyễn Thụy Kha đều được Giải thưởng Nhà nước trong buổi lễ này.
Với Nguyễn Huy Thiệp, ông khởi đầu là một ông giáo dạy sử ở chốn đèo heo hút gió Sơn La. Nhưng rồi văn chương mới là cõi để Thiệp dấn thân làm nên chuyện. Trở về Hà Nội, ông từng ngập ngừng đến báo Văn nghệ gửi những truyện ngắn đầu tiên. Khi đó, Thiệp vẫn chưa thật tự tin vào mình. Chỉ đến khi những truyện ngắn của ông gây xôn xao dư luận, người ta đã nhận ra Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng đặc biệt bởi đề tài và lối viết khác hẳn những nhà văn lớp trước và cùng thế hệ. Truyện ngắn của ông như một con dao sắc lạnh phẫu thuật xã hội thời hậu chiến, những vết mổ tuy đau đớn nhưng cũng đầy nhân văn. Một nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá ông là nhà văn xuất chúng của văn học Việt Nam. Giải thưởng Nhà nước được trao cho truyện ngắn Tướng về hưu và tập truyện ngắn Những ngọn gió Hua Tát là sự tưởng thưởng xứng đáng cho nhà văn đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học.
Nguyễn Văn Thọ sinh năm 1948 – Mậu Tý – cùng tuổi với tôi. Là bộ đội trong kháng chiến chống Mỹ sau đó sang Đức lao động, viết văn từ năm ba mươi tuổi. Thọ luôn day dứt về những thân phận người Việt sinh sống ở nước ngoài. Viết đi viết lại năm lần bảy lượt thì tiểu thuyết Quyên ra đời. Quyên được giới nghiên cứu đánh giá là tác phẩm viết về người Việt ở nước ngoài xuất sắc. Ở tuổi bảy lăm, Nguyễn Văn Thọ lên nhận Giải thưởng Nhà nước cùng với người em ruột của mình Nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim tài liệu Nguyễn Thước.
Nhà văn Bùi Quang Tú (1948 – 2023)
Trong Lễ trao giải, tôi chợt nghe tên một nhà văn từ cõi xa xăm trở về. Đó là nhà văn Nguyễn Thế Phương, với tiểu thuyết Đi bước nữa, ra đời cách đây vài chục năm. Nhà văn Nguyễn Thế Phương, quê Thanh Hóa, là tổ trưởng tổ văn của Nhà xuất bản Văn học thời ba tôi làm Phó Tổng biên tập. Ông đã khuất núi từ năm 1989. Cuốn tiểu thuyết Đi bước nữa từng được nhà phê bình Hoài Thanh đánh giá là “một đòn đánh mạnh vào chế dộ phong kiến” nay được trao giải. Đúng như chia sẻ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại buổi lễ, nhà nước sẽ không để sót, để lọt bất cứ trường hợp nào xứng đáng. Có lẽ từ cõi âm, nhà văn Nguyễn Thế Phương cũng ngạc nhiên và hạnh phúc vì sự đóng góp của mình không bị lãng quên.
Cuộc đời người nghệ sĩ song hành cùng thăng trầm của đất nước. Mỗi cá nhân có một số phận riêng, có một con đường sáng tạo riêng. Nhưng có lẽ, tấm chân tình dành cho cuộc sống, dành cho tầng lớp nhân dân và tư tưởng nhân văn đậm đà chính là chìa khóa nâng tầm giá trị của tác phẩm. Nói giản dị, tài và đức cần song hành.
Hai nhà văn, nhà thơ quê xứ Nghệ được Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này là một minh chứng. Nhà thơ Hoàng Trung Thông vừa sáng tác vừa nghiên cứu, mặt nào cũng có tác phẩm ghi dấu ấn. Nhìn vào bản lý lịch trích ngang của ông ta thấy hiện lên một quá trình cống hiến thông qua việc đảm nhận các chức vụ: Thường vụ Hội văn nghệ Liên khu Tư, Tỉnh ủy viên tỉnh Nghệ An, Thư ký Tòa soạn báo Văn nghệ và Tạp chí Tác phẩm mới, Gíam đốc nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ văn nghệ Ban tuyên huấn Trung ương, Viện trưởng Viện văn học, Uỷ viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Trung Thông được coi như là một chính ủy trên mặt trận văn hóa văn nghệ, có một cuộc sống như ông tự nhận “nhà thơ nghèo kiết xác” nhưng vô cùng khiêm tốn. Khi tổ chức định phong hàm giáo sư cho những cống hiến của ông trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học, ông nói “ tôi chỉ là một nhà thơ”. Cái danh xưng nhà thơ đối với ông là đủ sang trọng rồi.
Nhà văn Bùi Hiển trở thành Trưởng ty Văn hóa Nghệ An, Chủ tịch Hội văn hóa Cứu quốc tỉnh Nghệ An năm 1946, lúc 27 tuổi. Năm 1949 nhà văn đã có chuyến đi thực tế một năm rưỡi vào chiến khu Bình Trị Thiên – nơi chiến tranh xảy ra vô cùng khốc liệt. Trong những năm chống Mỹ, nhà văn thường đi thực tế ở tuyến lửa khu Bốn đến những vùng trọng điểm để dể sáng tác. Năm 1967, nhà văn còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An. Nhà văn Bùi Hiển luôn có cuộc sống khiêm nhường, từ tốn và độ lượng, là trung tâm đoàn kết của Hội nhà văn Việt Nam. Việc truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà thơ Hoàng Trung Thông và nhà văn Bùi Hiển là sự ghi nhận về những sáng tác có giá trị và cho sự cống hiến cho cách mạng, cho phong trào văn hóa nghệ thuật nước nhà và địa phương.
Trong thời đạn bom, cố thi sĩ Xuân Diệu từng tỏ lòng: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi cùng sống cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”. Vào thời bình, biên đạo múa Trần Ly Ly – một trong nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Nhà nước tâm sự: “Thời kỳ này có quá nhiều thách thức để tạo ra một tác phẩm có giá trị. Vì vậy các thế hệ trẻ cần phải hết sức chắt lọc, nghiên cứu để tạo ra những giá trị mới”.
Cuộc sống luôn đặt ra những thử thách vô cùng to lớn. Nhưng đó cũng là chất liệu khơi lên những khát vọng sáng tạo, cống hiến. Lao động nghệ thuật là một hành trình gian lao tìm kiếm những giá trị mới. Trên hành trình đó, những tài năng, những tấm lòng, rồi sẽ được ghi nhận. Bởi chân giá trị của nghệ thuật là đánh thức lương tri của con người, dẫu sự thấu cảm của thời đại có tới chút muộn màng.
6/6/2023
Bùi Quang Tú
Nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thế Là Thế Nào Trần Phúc Bảo An - 19 tuổi - Khoa Đạo diễn. Tự lập, lạnh lùng, đẹp trai, tài năng”. Những đứa con gái Sân khấu Điện ảnh...