Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

Hai cánh cửa một cuộc đời

Hai cánh cửa một cuộc đời

Mới hơn ba giờ chiều Bãi Dương đã bắt đầu dậy mùi của món ăn chế biến từ hải sản, mùi thơm tỏa ra khắp các quán hàng dọc trên bờ. Khói bếp không thơm mùi rơm rạ. Khói bếp mang hơi thở tanh nồng của biển quanh quẩn trên bếp lửa, luồn ra khỏi quán rồi tan biến vào không trung.
Theo đoàn của Hội nhà văn thành phố xuống đây trong chuyến đi trại sáng tác văn học, đã năm ngày qua, cái đầu tôi vẫn trống rỗng. Lẽ ra tôi không nên nhận lời tham gia khi tâm trạng không được tốt. Nhưng từ hôm nghe nói tôi được mời, Nguyên cứ một hai động viên tôi đi. Nguyên nói anh không sao mặc dù anh mới vừa qua một đợt phẫu thuật. Tôi đã từng nghĩ ông trời sinh ra người đàn ông ấy và phái xuống dương trần chỉ với mỗi một nhiệm vụ là để yêu tôi. Ý nghĩ tào lao xí đế ấy làm tôi thấy phấn chấn hẳn lên, tôi mỉm cười một mình và không dưng nghe bụng đói cồn cào.
Phát hiện dưới gốc cây dừa nằm ngã ngọn cạnh đó có gánh hàng rong với một đầu là bếp than nhỏ rực lửa, đầu kia bày hải sản các loại, rau sống, gia vị pha sẵn, mỡ, hành… nhìn thật quyến rũ. Tôi sà xuống. Em nhìn tôi cười, mời tôi chọn món. Nụ cười em lấp lánh đằng sau đôi mắt rười rượi buồn, tôi nhìn thấy ở đó đôi mắt của một người mang số phận đầy u ẩn. Bất giác tôi nhận ra đây chính là nhân vật của mình. Một nhân vật mà tôi sẽ không phải dùng quyền lực của người viết để gán ép cho họ một số phận.
Đó là một cô gái trẻ, gương mặt sáng, cái mũi thanh tú, nước da màu bánh mật mịn màng, mái tóc dài dợn sóng lấp ló sau vành nón lá. Em giống “… con gái trong khung cửi…. Dệt lụa quanh năm với mẹ già. Lòng trẻ còn như cây lụa trắng…” (Mưa xuân – Nguyễn Bính) hơn là một người phụ nữ bươn chải với gánh hàng rong.
Tôi vừa ăn vừa hỏi thăm: “Em chỉ còn chừng này thôi à?” Em nhỏ nhẹ: “Dạ! nay em tốt mối mở hàng. Hết sớm”. “Đoàn chị tới gần 20 người. Em gói hết cho chị, chị mang về khách sạn, tối đãi mọi người”. Tôi nói mà không nhìn thẳng vào em như kiểu người có tật giật mình, sợ bị lộ ý đồ.
Em ngồi cạnh tôi, mặt hướng về phía biển, gió từ ngoài thổi thốc ngược vào làm mái tóc em bay tung ra phía sau đẹp như một bức tranh. Tôi đang suy nghĩ xem mình sẽ  bắt đầu câu chuyện với em như thế nào, thì vừa kịp lúc nhìn thấy em đang đăm đắm nhìn về phía Hòn Phụ tử, hình như em đang muốn kể cho tôi nghe một câu chuyện gì đó về hòn đá này. Thế là tôi quên luôn ý định hỏi em tên gì.
Từ bãi Dương nhìn ra biển, hòn Phụ Tử nằm cách bờ không bao xa. Người ta quen gọi nó là hòn Phụ Tử nhưng thật ra ngày nay chỉ còn lại hòn Tử đứng một mình. Cách đây tròn 17 năm, trong một đêm giông bão, hòn Phụ đã bị gãy thành 2 đoạn và chìm xuống nước. Hòn Phụ sụp đổ làm những ai từng biết đến nó không khỏi bàng hoàng. Theo các nhà khoa học, đó là hiện tượng đổi thay, sự dịch chuyển của tự nhiên, sự bào mòn của đá do sóng biển… Còn với những ai cảm nhận được đá núi cũng có linh hồn thì người ta ngậm ngùi cho một cuộc chia ly phụ tử tình thâm. Nhìn hòn Tử lẻ loi, cô độc, “không còn cha”, du khách không khỏi chạnh lòng. Gần hai thập kỷ trôi qua, hòn Tử vẫn mồ côi đứng lạc loài giữa mênh mông biển cả.
Em kể trong khi đôi mắt em vẫn dõi ra hòn Phụ Tử: “Năm em ba hay bốn tuổi gì đó thì má em bỏ đi. Má bỏ em đi khi cái bộ nhớ non nớt của em còn chưa có khả năng ghi lại hình ảnh. Em chỉ mang máng nhớ, chiều hôm ấy, biển lặng gió, bầu trời cao và khô không khốc, ba ôm chặt lấy em ngồi trước mũi thuyền neo ở đằng kia (em chỉ vào chỗ có mấy chiếc thuyền neo đậu) nhìn theo dáng má chấp chới dọc bờ cát. Cả người ba em rung lên bần bật theo từng tiếng nức nở của em. Em nhớ hình như khi má em đi tới chỗ này (ý chỉ chỗ em và tôi đang ngồi) em cố hết sức gào lên: “Má ơi”. Tiếng thét của em theo gió dạt vào bờ thành một thứ thanh âm méo mó, gảy gập. Hình như má có nghe thấy. Bà khựng một bước, ngoái đầu lại và vấp vào thân dừa ngã nằm gần sát mặt đất té nhào xuống. Nhưng ngay lập tức, má đứng dậy te tái bước đi, những bước đi như róng riết, như quyết liệt, như trút bỏ hậm hực tức tối, má bước đi không ngoảnh lại nữa. Sau này lớn lên, nghe người ta nói má bỏ ba con em đi theo người đàn ông khác. Em chạy về hỏi ba. Ba không trả lời đúng sai, ông chỉ nói: “Con đừng trách má, tại ba nghèo quá, không có đến cái nhà cho má con ở. Má con là người phụ nữ đẹp. Đàn bà đẹp không chịu nổi khổ cực, đa đoan, trong lòng họ hay dậy sóng. Cũng tại tình yêu với ba không đủ lớn nên má con đã để bị sóng cuốn đi”. Năm đó, em mười hai tuổi.
Không hiểu rõ lắm lời ba nói, không hiểu con sóng trong lòng má có giống như con sóng biển ngoài kia không nhưng em cứ đinh ninh “Đàn bà đẹp thì không chịu nổi khổ cực, đa đoan…”. Ý nghĩ ấy trở thành nỗi ám ảnh khi càng ngày càng có nhiều người khen em đẹp giống má. Một hôm em tò mò soi mình trong giương. Em bần thần thấy mình hoàn toàn đổi khác, những nốt mụn li ti của tuổi dậy thì đã biến mất hồi nào, da dẻ em mịn màng hơn, mái tóc dài và mượt hơn, hơi thở thơm tho hơn, đằng sau lớp áo mỏng, bầu ngực em căng tràn, nhấp nhô theo từng hơi thở. Năm đó em 15 tuổi, đẹp tinh khôi.
Không biết khi trở thành đàn bà – đàn bà đẹp – thì em có chịu nổi khổ cực, đa đoan không, chứ hiện tại khi đó, chỉ cần có ba, được ở bên ba là em hạnh phúc lắm rồi, không cần biết cuộc sống vất vả thiếu thốn thế nào. Ngần ấy năm, ba vẫn sáng sáng ra thị trấn Kiên Lương, vác xi măng cho nhà máy. Em tan buổi học về lê la hết mấy dãy hàng trên phố lại tha thẩn dọc bờ cát, đợi mặt trời lặn, ba về xách theo một món gì đó làm buổi tối cho hai ba con. Sau đó em thì học bài còn ba ra trước mũi thuyền ngồi nhìn ra biển. Có những đêm học bài xong em vẫn không thấy ba vô ngủ. Dưới bóng trăng suông, dáng ba thu lu in hình chú cuội trên trăng. Đêm nào không trăng, bóng ba đen ngòm như một hòn đá. Ông ngồi lặng lẽ nuốt nỗi buồn đau vào lòng bằng sự im lặng đến buốt giá.
Chiếc thuyền từ cái hồi ông chủ tàu mà ba đi bạn thương cảnh đôi vợ chồng trẻ nghèo khó không nhà, tặng cho ba má làm nơi nương náu, theo thời gian vốn đã cũ kỹ càng thêm rã nát. Ở đây, em được sinh ra và lớn lên. Không thể để mẹ con em ở dưới ghe một mình, đi theo những chuyến ra khơi dài ngày, ba ra nhà máy xi măng Hà Tiên xin một chân vác xi măng. Ba làm quần quật vẫn không mua nổi cho má cái nhà. Má không biết trút nỗi hận nghèo nàn vào đâu. Thế là má bỏ đi. Ba tiếp tục vác xi măng nuôi em. Ba làm ngày làm đêm, ca ba ca bốn, nhiều lần em nói với ba, mai mốt lớn, con đi làm mua nhà cho ba ở, ba không cần làm nhiều như vậy. Nhưng ba không nghe. Hậu quả là hai lá phổi của ba sau nhiều năm hứng khói bụi xi măng đã tắc nghẽn mãn tính. Những cơn ho vật vã đã làm sức khỏe ba cạn kiệt. Không vác xi măng nổi nữa, ba ra bãi gánh cá thuê cho bạn hàng lên chợ. Đêm nào ba cũng lên cơn, sù sụ ho, nước mắt nước mũi tràn ra cả gương mặt hốc hác nhưng ba nhất định không đi viện. Ba nói ở đó buồn và cô đơn lắm.
Ngoài kia, du khách bắt đầu lục đục kéo nhau lên bờ sau khi đã thỏa thích tung tăng giỡn sóng. Tôi cảm thấy tò mò vì câu chuyện của em vẫn chưa có chi tiết nào liên quan đến hòn Phụ Tử trong khi nãy giờ ngồi nói chuyện với tôi nhưng đôi mắt em vẫn không rời khỏi nó.
Cũng vào một ngày tháng 9 như hôm nay, bệnh ba em trở nặng, ông quằn người tựa như một sản phụ đang cơn chuyển dạ. Tiếng ho dội vào vách đá, lan dài trên mặt biển, cứa vào trái tim em rướm máu. Cả đêm, hai ba con không ai chợp mắt. Rạng sáng, em nghe tiếng ba hước lên, cổ họng phát ra những âm thanh rọt rẹt. Em đặt tay lên ngực ông. Tiếng gõ nhẹ và ngắt quãng. Bỗng nhiên “bựt” một cái, nghe như tiếng đứt của cọng dây thun bị căng hết cỡ, tiếng gõ cuối cùng của một con tim héo úa. Em điếng hồn đập tay như điên dại vào khuôn ngực ba. Vừa lúc em chuẩn bị thét lên thì… “ầm” một tiếng, âm thanh nghe rất lạ kèm theo một cơn giông nổi lên.
Em nhìn ra, hòn Phụ đổ sập xuống, chìm vào lòng biển. Lúc đó là khoảng 3h45 phút sáng ngày 08/9/2006. Nhiều người rất ngạc nhiên không hiểu vì sao em có thể nhớ chính xác thời gian hòn Phụ sụp xuống như vậy. Có gì đâu, vì em và hòn Tử mồ côi cha cùng một lúc mà. (Em cười. Đây là nụ cười thứ hai mà tôi bắt gặp từ lúc nhìn thấy em. Khi em cười gương mặt em giãn ra, thánh thiện).
Thế là em mồ côi cha. Năm đó em 16 tuổi: Không hẳn là nụ, không hẳn là hoa nhưng đã bắt đầu thoảng hương thơm khiến ong bướm dập dìu bay đến. (Như sực nhớ ra, em quay sang tôi: À! em quên, chưa nói với chị em tên là Hàm Hương, tên ba đặt cho em, vì ba mê phim Hoàn Châu Cách Cách). Hàm Hương trong phim đẹp rực rỡ và có mùi thơm lôi cuốn loài bướm, nàng đã biến mất một cách bí ẩn, người ta đồn rằng nàng đã hóa thành bướm, bay lên trời. Đã có lúc em ước chi mình cũng hóa thành bướm bay lên trời như Hàm Hương.
Nhưng sau cái đêm hãi hùng ấy thì em mặc kệ, biến thành con gì cũng được, chui sâu vào lòng cát hay chìm đắm xuống biển sâu cũng mặc, miễn là em biến mất khỏi mặt đất…
Đó là một đêm cuối năm, biển như bị lòng đất nuốt chửng, chỉ còn lại một khoảng trống đen ngòm mênh mông. Ba mươi tết, ai nấy đều trở về nhà để đón giao thừa. Cái tết đầu tiên không còn ba. Chỉ một mình, nhưng không hiểu sao em không hề sợ một chút nào. Bao trùm trong em khi đó chỉ có nỗi nhớ ba kinh khủng. Nỗi nhớ chắt cạn kiệt mọi sức lực. Em nằm rũ riệt khóc cho đến khi lã đi. Trong chập chờn cơn mê tỉnh, em mơ thấy thuyền và em trôi đi. Tròng trành. Mặt biển đen ngòm làm em chết khiếp.
Em chưa kịp phân định được đó là mơ hay thực thì nhận ra có một vật gì đó đang đè nặng lên người làm em ngộp thở, em cố sức giãy giụa… xung quanh em là bóng tối, chỉ có tiếng gió biển rút hu hu vào vách đá. Sau khi thỏa mãn thú tính, con quái vật kia bỏ lên bờ, bóng nó khật khưởng gật gù, cái đầu gập lên gập xuống liên hồi như con bửa củi. Trong em một cảm giác trống rỗng, lộn xộn…
Sau đêm đó, như kiểu truyền tai nhau, cứ ít hôm lại có đứa canh tối trời mò xuống. “Xong việc”, chúng hăm dọa đòi chém đòi giết. Không ai nói cho em biết em phải làm sao.
Cũng một lần như thế, nhưng lần này không phải một mà tới những ba thằng. Khi lũ kền kền kia vừa bước lên bờ, em cột chặt tấm di ảnh của ba vào người, định nhảy tòm xuống biển thì đúng lúc đó Sơn hiện ra. Anh nói, anh vừa tận mắt nhìn thấy lũ quái thú kia từ dưới thuyền bước lên bờ, nghe chúng nó cười đùa thú tính.
Sơn níu em lại, em ngã chúi vào anh, cứ thế mà khóc rưng rức cho đến khi mọi thứ cân bằng trở lại. Lần đầu tiên, em biết bờ ngực con trai rộng và êm, da thịt con trai săn chắc và ấm áp, hơi thở con trai gấp gáp và nồng nàn. Hình như Sơn không nhận ra em đã thôi khóc… Anh cứ thế đứng yên bất động. Bất giác em ước gì cả Sơn, cả em, cả thuyền sẽ biến thành tượng đá, sẽ đi vào truyền thuyết cũng giống như hòn Phụ Tử. Em chưa kịp nghĩ xem người ta sẽ đặt cho nó tên gì thì Sơn gõ gõ tay vào lưng em: “Em ổn chưa?”.
Nhà Sơn ở bên kia dãy núi An Hải Sơn. Ở bên Sơn em đã từng nghĩ cuộc đời rất sòng phẳng. Rằng cuộc đời lấy đi của ai cái này ắt sẽ bù lại cho họ cái khác. Con sóng lòng của người đàn bà đẹp là mẹ em đã lấy đi của em tình mẫu tử từ khi em còn quá bé, thì bù lại đã cho em tình yêu thương bằng hai lần gộp lại của ba em. Khi tử thần cướp ba đi, em lại gặp Sơn, người đàn ông đã yêu em không kém gì ba, chỉ là nó mang một tên gọi khác: Vợ chồng. Em cũng đã từng nghĩ ba và Sơn – một người là bầu trời, một người là mặt đất – hai người đàn ông ấy hiện diện trên cõi đời này là để yêu thương em.
“Như vậy có phải là tiền hung hậu kiết? Có phải là ở hiền gặp lành? Có phải là khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra hôn chị?”. Tôi gật đầu: “Đúng rồi! Câu chuyện của em hay quá, chị viết thành truyện được hôn?”. Em gật đầu không một chút đắn đo: “Được chứ! Chị là người đàng hoàng mừ!”. “Sao biết chị đàng hoàng?”. “Biết chứ, vì chị là nhà văn. Đàng hoàng mới làm nhà văn được. Chị có thấy thằng lưu manh nào làm nhà văn chưa?”.
Nói rồi em cười khanh khách. Lần thứ ba tôi thấy em cười, nụ cười đã trở về không: không oán hận, buồn tủi. Nụ cười làm khuôn mặt em thanh thoát và hồn nhiên, “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh” (lời bài hát của TCS). Tôi tin như vậy. Cũng như tôi hằng tin rằng Nguyên của tôi sẽ vượt qua được căn bệnh nghiệt ngã của tuổi già vì cũng như Sơn của em: Người đàn ông ấy hiện diện trên cõi đời này là để yêu tôi.
Ráng chiều đã nhuộm tím không gian. Tia mặt trời đỏ ối phản chiếu xuống mặt biển lung linh. Biển hoàng hôn thật đẹp.
13/10/2023
Ngô Thị Thu Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...