Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Hữu Loan đọng mãi một hồn thơ

Hữu Loan đọng mãi một hồn thơ

Thời đại thi ca Việt, gắn liền với những chặng đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Trong mỗi bước đi ấy, Lịch sử Văn học Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của nhiều nhà thơ lớn thời kỳ chống thực dân Pháp. Trong đó, thi sĩ Hữu Loan, một trong những người sáng lập tờ báo Văn Nghệ đầu tiên của nước nhà vẫn in bóng trên thi đàn Văn học Việt Nam hiện đại.
Năm tháng đi qua, dòng đời cuộn chảy, bao thăng trầm vất vả tưởng như lắng sâu vào đáy thời gian, nhưng hiện tượng Hữu Loan vẫn bật mầm, vươn lên thẳng đứng, như cây thông xanh ngút giữa trời, lưu đậm một hồn thơ bất hủ. Và con người ấy, đã để lại cho đời một cõi thơ huyền diệu, qua thi phẩm nổi tiếng Đèo Cả và Màu tím hoa sim. Chỉ cần như thế là đủ, để rồi, tạo nên một thi cách Hữu Loan rực sáng, vọng mãi một hồn thơ, cho nhiều thế hệ người yêu thơ ông, tôn vinh kính trọng.
1. Một nhân cách đáng kính.
Nhà thơ Hữu Loan họ tên đầy đủ Nguyễn Hữu Loan (1916 – 2010), sinh ra tại làng Vân Hoàn, xã Nga lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong giới văn nghệ, xem ông là người không những có tính cách đặc trưng của một sĩ phu yêu nước mà còn là một thi sĩ mang tầm vóc thời đại. Lớn lên bên dãy núi Vân Hoàn, nhìn ra sông Mã, ông đã có một tuổi thơ khó nhọc, vì gia đình nghèo. Dẫu vậy, là người có tư chất thông minh, ông đã vượt lên so với trang lứa bạn bè.
Thời học sinh, Hữu Loan học trường Collegede Thanh Hóa. Học tiếp, ông thi đỗ Tú tài năm 1938 tại Hà Nội, cùng khóa với nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Thi. Thời gian tiền khởi nghĩa cách mạng tháng Tám, Hữu Loan hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh năm 1943. Vì có tư duy trong công tác vận động quần chúng, lại có học thức, ông được tổ chức phân công làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khởi nghĩa huyện Nga Sơn, trực tiếp chỉ đạo phong trào chống thực dân Pháp. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Hữu Loan được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Năm 1946, Hữu Loan lên đường theo kháng chiến, là Trưởng ban Tuyên huấn sư đoàn 304 kiêm phụ trách Báo chiến sĩ của quân khu IV, dưới quyền tướng Nguyễn Sơn tài năng nổi tiếng. Cùng trong đơn vị với ông, nhà thơ Vũ Cao kể lại: “Thời ấy Hữu Loan có tính cách đặc biệt, rất mạnh mẽ nhưng cũng rất đa cảm. Anh dễ rơi nước mắt trước một cảnh khổ cực, nhưng cũng rất dễ giận dữ, quyết liệt trước những điều anh bất bình…”.
Hữu Loan có tính cách ngay thẳng cương trực, dù khó khăn gian khổ đến đâu, vẫn cố gắng vượt qua. Đấy là cốt cách của Hữu Loan, một người có khí phách, được thể hiện rất rõ trong thi phẩm Đèo Cả (1946). Sau 1954, Hữu Loan công tác tại Báo Văn Nghệ – Hội Văn nghệ Việt Nam, làm cộng tác biên tập thơ, tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông được xem, là một trong những người hăng hái xây dựng tờ báo Văn nghệ nước ta đầu tiên, góp phần thổi một luồng gió mới khởi sắc cho Văn nghệ nước nhà. Tại đây, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm do cụ Phan Khôi khởi xướng. Năm 1958, ông về quê làm công việc đủ nghề của một lực điền, rồi làm nghề thồ đá. Tuy nhiên, Hữu Loan vẫn không quên đèn sách như một ẩn sĩ, dẫu hàng ngày, ông vẫn quần quật lao động kiếm sống, nuôi mười người con ăn học. Với ông, không phải vì nghèo mà ông đã quên đi lòng tự trọng, kể cả trong những thời cảnh khó khăn nhất. Hàng ngày, ông vẫn lao động miệt mài, thồ đá trên núi Vân Hoàn, bán kiếm tiền nuôi cả nhà. Trông bề ngoài, ông Tú Loan có dáng như một lực điền, nhưng lại là một trí thức có cỡ. Mọi người trong thôn xóm đều rất quí bản tính ông, rộng hơn, được bạn bè khắp nơi quí trọng, bởi tính tình hiền lành, hay chia sẻ với mọi người trong mỗi lúc khó khăn. Mặt khác, bạn bè thi sĩ với ông rất tôn trọng tài năng nhân cách Hữu Loan. Chả thế mà nhà thơ Nguyễn Duy, thời ông đang làm Trưởng Văn phòng đại diện báo Văn Nghệ các tỉnh phía Nam, đã đón tiếp ông tại Thành phố Hồ Chí Minh thật chí tình, chí nghĩa. Trong sự ngưỡng mộ, kính trọng Hữu Loan, nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy đã làm bài thơ tặng ông:
“Ngang tàng ngang trái nghênh ngang
Hồn sim tím một chiều hoang bên đời
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hóa lên trời làm sao”.
Có thể nói, nhà thơ Hữu Loan với tâm hồn cao đẹp, và là một người có trái tim thi sĩ, nhân cách lớn, dù sống trong cõi vô thường, nhưng vẫn sáng lên tâm thế của một người thơ, không trộn lẫn với bất kỳ ai. Ông thật xứng đáng là một người có nhân cách đáng kính.
2. Hồn thơ vọng mãi tên người.
Hữu Loan làm thơ theo kiểu tự do, một hình thức thơ hiện đại, tân tiến, làm thức dậy những tri nhận của nhiều tác giả khác thời bấy giờ, còn băn khoăn với kiểu thơ ấy. Thực ra Hữu Loan viết không nhiều, chỉ trên dưới 20 bài thơ. Trong đó có các bài Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Những làng đi qua, Những tháp chuông giáo đường, Yên mô, Hoa lúa, tính cả bài được Dương Tường, Mạc Lân, khôi phục thêm như: Tình thủ đô, Khóc Nguyễn Sơn, Thánh Mẫu hài đồng… Nhưng có lẽ nổi bật nhất là hai bài Đèo Cả và Màu tím hoa sim. Hai bài có phong cách thơ khác nhau, song vẫn là những bài thơ ấn tượng nhất, làm nên tên tuổi Hữu Loan trong con mắt của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Năm 1946, ông viết bài thơ Đèo Cả in trong Tập văn cách mạng kháng chiến. Bài thơ có tiếng vang lớn, đã cùng với Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Đồng chí (Chính Hữu), Tây Tiến (Quang Dũng) tạo nên một giọng điệu riêng, dựng lên bức tượng đài chiến sĩ kiêu hùng, bi tráng, xứng đáng là niềm tự hào trong giới văn chương. Không những thế, Đèo Cả còn là một tác phẩm tiêu biểu cho sự cách tân thi pháp. Từ giọng điệu đến ngôn ngữ, đều thể hiện tinh thần anh hùng, bất khuất, tràn đầy khí phách của người lính Vệ quốc quân, dù khó khăn vẫn không nản chí, trong những ngày chống Pháp.
Núi cao ngút
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương
Dặm về heo hút…
Tóc nâu trùm vai rộng
không nhận ra người làng
Đêm canh gặp hùm lang thang
Rau khe cơm vắt
áo phai màu chiến trường.
Trong thơ Hữu Loan như ứa máu, ánh lên tinh thần dân tộc cao cả
Gian nguy lòng không nhạt
Căm thù trăm năm xa
Máu thiêng trôi dào dạt
từ nguồn thiêng ông cha.
Ở Đèo Cả ta bắt gặp tinh thần lạc quan vô tận của người Lính cụ Hồ với tâm thế: Sau mỗi lần thắng
Những người trấn Đèo Cả
về bên suối đánh cờ
Người hái rau rừng
Ăn nheo mắt
Người vá áo
thiếu kim mài sắt…
Người đập mảnh chai
vểnh cằm cạo râu
Suối mang bóng người
soi những về đâu?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng Đèo Cả là một thi phẩm mẫu mực sáng tạo của thi ca thời kỳ chống Pháp, xứng đáng là cái gạch nối rất chuẩn giữa thơ ca truyền thống và thơ ca hiện đại. Và hơn thế, nó hoàn toàn hợp với tính cách cương cường của Hữu Loan” thời kỳ 1946- 1948.
Nếu như âm hưởng chủ đạo của Đèo Cả là khúc tráng ca với tinh thần lãng mạn cách mạng cao đẹp, vượt lên gian khổ để chiến thắng kẻ thù, thì đến thi phẩm Màu tím hoa sim mang âm hưởng trữ tình đậm nét. Bài thơ đã tạc Hữu Loan vào tượng đài lịch sử thi ca Việt.
Từ khi Màu tím hoa sim ra đời năm 1949 đến nay, có lẽ tầm rộng dài trong ảnh hưởng của nó mang tầm vóc vô cùng lớn. Bởi Màu tím hoa sim được thâm nhập vào đời sống văn hóa toàn dân. Chính điều ấy, đã trả lại giá trị tác phẩm được định vị đúng vị trí của nó trong dòng chảy lịch sử thơ ca Việt.
Nhiều nhà nghiên cứu đã từng nói Màu tím hoa sim là máu thịt nhất của Hữu Loan. Đúng vậy. Bởi ông là hình bóng của nhân vật từ trong tác phẩm bước ra như một câu chuyện cổ tích. Nhắc tới điều này, lại nhớ đến thời Hữu Loan tham gia phong trào nhóm Nhân văn Giai phẩm nên tác phẩm Màu tím hoa sim được xem là thái độ, quan điểm sáng tác của tác giả bị theo dõi. Dẫu vậy, quan điểm lỗi thời của một giai đoạn đau lòng ấy, dù có cố tình che đi những phần sáng lấp lánh của nó, vẫn không làm hoen mờ vẻ đẹp trong sáng nhân văn của Màu tím hoa sim trên thi đàn, cho dù có lúc, người ta coi Hữu Loan và tác phẩm phải được ngăn cấm. Đến đây, tôi lại nhớ đến Bieelinxki nhà phê bình văn học Nga đã nói: “Tính nghệ thuật là sự sáng tạo”. Còn PieGramara viết: Thơ ca là sự sáng tạo của sáng tạo. Dẫn chiếu sang thơ Hữu Loan thì sự sáng tạo thi phẩm Màu tím hoa sim bắt nguồn từ hiện thực đời sống, được thi vị hóa bằng ngôn ngữ và hình ảnh, nên sức sống trường tồn của nó không thể nào bị che khuất. Với bài thơ này, Hữu Loan đã gửi gắm tâm sự xót thương của mình về người vợ thân yêu bé bỏng, đã ra đi quá sớm, làm cho “Người lính mang dáng vẻ tráng sĩ hào hoa trở thành một người âm thầm lặng lẽ”. Và cái lặng lẽ ấy, cứ dội vào lòng người, không chỉ trong tâm tác giả mà còn cho thời đại thi ca, có những chi tiết như một trích đoạn kịch, bi thương, da diết đến tận cùng.
Tôi ở đơn vị về/ Cưới nhau xong là đi/ Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại/ Lấy chồng thời chiến binh/ Mấy người đi trở lại/ Nhỡ khi mình không về/ thì thương người vợ chờ bé bỏng/ chiều quê/ Nhưng không chết người trai nơi khói lửa/ mà chết người gái nhỏ hậu phương.
Trong phương thức biểu đạt, “Màu tím hoa sim” hiện rõ phong cách sáng tác của Hữu Loan rất riêng và lạ. Nghệ thuật thể hiện, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, nhưng cái khác biệt khởi sinh từ tứ, và bật ra từ cách thể hiện sáng tạo hình tượng nghệ thuật. Thơ ông mang tính quê mùa chân chất trong chất trữ tình sâu lắng, giàu mĩ cảm. Nhân vật trữ tình xuất hiện trong thơ day dứt, ám ảnh, thấm sâu vào mạch nguồn nội sinh triết lý. Có lẽ, những câu thơ xé lòng, hóa nhạc: Nhưng không chết người trai nơi khói lửa/Mà chết người gái nhỏ hậu phương là những câu thơ giằng xé nội tâm cao nhất. Trước đây ý thơ này, đã có lần bị cho là làm giảm ý chí chiến đấu chống kẻ thù, nhưng càng đọc, càng thấy cảm xúc bi tráng có giá trị hiện thực rất lớn. Nó góp phần nâng cánh cho bài thơ của Hữu Loan lên một thang bậc mới. Có nhiều người yêu thơ ông, khi cao hứng hoặc đượm buồn, thường nghe thơ Hữu Loan phổ nhạc Chiều hành quân qua những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim dài trong chiều/ không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt. Và ca khúc ấy, đã định vị từ trường với âm hưởng trữ tình sâu lắng, thấm vào lòng người Việt nhiều thế hệ.
Hữu Loan tuy có những biến động trong cuộc đời, nhưng ông vẫn là người có chí khí, giữ được cốt cách thanh cao, có duyên nghiệp với văn chương sâu thẳm rộng dài. Và chính nhà thơ cũng không ngờ, một vài bài thơ của ông, trong đó có bài Màu tím hoa sim sống trường tồn vĩnh hằng với thời gian như thế. Tác phẩm thơ của ông như ngọn gió lay cả không gian, thời gian để tụ lại lòng người, tụ lại những gì mà cánh hoa sim vẫn bay trong chiều lộng gió, để rồi, nhớ về một Hữu Loan, người thợ đá năm xưa đã tạc bài thơ vào lòng người bất tử, trên núi Vân Hoàn ngày ấy. Chỉ có thời gian và lòng người hâm mộ thơ ông, là nhân chứng cho sự bất tử của thơ Hữu Loan, được xếp vào hàng thi bá của nền thơ Việt Nam hiện đại.
Tôi có cảm nhận, phong cách thơ Hữu Loan mang bóng dáng thời đại, có tính minh định trong lộ trình cách tân thi pháp. Ngoài ngôn ngữ trong sáng, thơ ông còn được tráng lên một men trữ tình sâu lắng. Cùng với lối diễn ngôn, tạo cấu trúc xếp dòng theo kiểu tự do, thơ ông còn là tấm gương sáng trong hành trình đổi mới thơ Việt Nam hiện đại. So với nền “thơ mới” ra liền kề trước đó, thì thơ Hữu Loan tính trữ tình không kém. Ông thật xứng đáng được tôn vinh như một mẫu hình sáng tạo trong sự cách tân thơ hiện đại Việt Nam khá nổi bật.
Có thể khẳng định, thơ Hữu Loan mặc dù cách chúng ta khoảng hai phần ba thế kỷ, nhưng đã để lại cho thi đàn Việt Nam những dáng nét thật hào hoa và trầm hùng đáng nhớ. Cùng với một số nhà thơ khác như: Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Lê Đạt, Quang Dũng,… Hữu Loan xứng đáng có được sự mến mộ của mọi người, về một hồn thơ trong vắt, bên những đồi sim tím, mà chiều chiều, ông vẫn ngóng vọng, hướng về Sông Mã xa xăm, về những con đường xưa mà ông đã từng gắn bó trong thời binh nghiệp và làm thơ. Chắc chắn chúng tôi và những “thế hệ người yêu thơ Việt Nam đời sau nhớ mãi một nhà thơ – chiến sĩ, nhớ mãi một thi nhân chở đá xây đời” như lời điếu văn của nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã đọc trong giờ phút tiễn ông về miền mây trắng. Trong tâm tưởng chúng tôi, ông sẽ không bao giờ mất, vì ông đã để lại cho những người yêu thơ Việt Nam, một hồn thơ đọng mãi với thời gian.
9/11/2023
Trịnh Vĩnh Đức
Nguồn: Báo Văn Nghệ số 35+36/2023
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...