Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Mênh mang biển trời Đông Bắc

Mênh mang biển trời Đông Bắc

Cuộc thi Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30.10.1963 – 30.10.2023) nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người vùng than miền biên cương.
Sau gần 5 tháng phát động, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 1.253 tác phẩm (trong đó có 1.032 tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật và 221 tác phẩm thuộc lĩnh vực báo chí) của các văn nghệ sĩ, nhà báo, không chỉ đang sống, làm việc tại tỉnh Quảng Ninh mà còn đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Kết quả có 4 loại hình có tác phẩm đạt giải nhất là lĩnh vực văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh và sân khấu.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, với tác phẩm bút ký Mênh mang biển trời Đông Bắc do Nhà xuất bản Lao động ấn hành quý 2/2023 đã được trao giải nhất lĩnh vực văn học. Tác phẩm gồm 40 bút ký văn học và báo chí viết về vùng đất, con người miền văn hóa than biển Quảng Ninh mà tác giả đã viết trong thời gian gần mười năm qua. Mỗi tác phẩm là một bức tranh về sự cống hiến của con người Quảng Ninh cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một Quảng Ninh giàu mạnh trên mỗi chặng đường.
Vanvn.vn chúc mừng nhà văn Vũ Thảo Ngọc và xin giới thiệu bút ký Mênh mang biển trời Đông Bắc ở trong tập sách cùng tên của chị được trao giải thưởng.
Trước thềm Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30.10.1963 – 30.10.2023) tôi chợt nhớ, tôi cũng sắp tròn một vòng hoa giáp cùng với sự kiện đặc biệt này. Một cảm xúc thú vị dâng lên trong trái tim tôi, 60 năm là một hành trình rất đặc biệt của đời người, của một vùng đất, của lớp lớp các thế hệ quân và dân các dân tộc miền văn hóa than biển Quảng Ninh đã đi qua chặng đường 60 năm mang tên Vùng mỏ Quảng Ninh.
Quảng Ninh những mốc son đáng nhớ
Tôi nhớ ngày đầu tiên trên đường về mỏ than Cọc Sáu nhận công tác, khi bước lên phà Bãi Cháy, giữa âm thanh ầm ào của tiếng người, tiếng xe, tôi bất chợt được nghe ca khúc Trên biển trời Đông Bắc của nhạc sĩ Trần Chung qua sóng phát thanh. Giữa khung cảnh trời biển đó, lời ca da diết như xoáy vào tâm can của người lần đầu đến với mảnh đất này: “Đi qua Hòn Gai tôi đến với biển trời Đông Bắc/ Hạ Long biếc xanh, mây núi sao long lanh…”. Âm thanh bài hát Trên biển trời Đông Bắc ấy đã mãi mãi neo giữ tôi ở lại với miền than biển Quảng Ninh…
Quảng Ninh có một niềm tự hào to lớn là khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 9 lần đến Quảng Ninh thăm hỏi động viên quân và dân các dân tộc Quảng Ninh. Một điều đặc biệt hơn cả là Người đã đồng ý cho dựng tượng Người tại hòn đảo nhỏ bé xa xôi là Cô Tô giữa mênh mang biển trời Đông Bắc, khi Người đến thăm đảo từ tháng 5 năm 1961. Mỗi chuyến về thăm và làm việc với quân và dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh của Người là những chuyến đi cực kỳ ý nghĩa. Từ tầng than Đèo Nai tháng 3 năm 1959 đến cuộc gặp mặt các công nhân, cán bộ ngành than tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội ngày 15 tháng 11 năm 1968 là những dấu mốc đặc biệt của Người luôn hướng về mảnh đất phên giậu miền Đông Bắc của Tổ quốc. Thẳm sâu trong mỗi chuyến đi, đến mỗi địa phương của Người đều mang một thông điệp riêng, ý tứ sâu xa của Người về mảnh đất có than, có biển, có biên giới trên đất liền và biên giới biển. Vì thế nên trái tim của Người cứ hướng về, đau đáu, tràn ngập thương yêu.
Sự quan tâm của một bậc vĩ nhân ân cần, hiền từ dung dị như của một vị Cha già đối với gia đình của mình là Đất nước là Dân tộc! Mãi mãi mang ơn Người – Hồ Chí Minh – bậc vĩ nhân đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc thoát khỏi ách áp bức, lệ thuộc vào đế quốc, và thực dân xâm lược. Người đã đưa dân tộc Việt Nam được sánh vai với các cường quốc năm châu, Người đã khai sinh ra nước Việt Nam mới từ bản Tuyên ngôn ngày 2 tháng 9 năm 1945, tuyên bố với cả thế giới rằng Việt Nam là một nước có chủ quyền, có độc lập, tự do và hòa bình. Nhờ thế mà dân tộc Việt Nam nói chung, những người phu mỏ Quảng Ninh nói riêng đã được thoát khỏi kiếp dân nô lệ, thoát khỏi kiếp phu lầm than nhọc nhằn đói khổ…
Ngược dòng lịch sử, để nhận biết thêm những giá trị vô song của đất và người Quảng Ninh từ chặng đường sau ngày giải phóng miền Bắc năm 1954. Rồi đến mốc son  ngày tiếp quản là ngày 25 tháng 4 năm 1955 – Quảng Ninh đã bừng bừng khí thế của một vùng công nghiệp sôi động, dù còn nhiều gian khó nhưng đã được là người làm chủ, được sống trong nền hòa bình độc lập với một vị thế mới.
Là đỉnh non thiêng Yên Từ kỳ vỹ, là chiến thắng quân Nguyên Mông của vua tôi nhà Trần trên dòng Bạch Đằng giang năm 1288, là Cuộc đình công năm 1936 của hơn ba vạn thợ mỏ, đi đến thắng lợi góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến khu Trần Hưng Đạo (Đông Triều) vang danh một thuở hào hùng trong kháng chiến chống Pháp. Là có một phiên hiệu mang tên Binh đoàn than lừng lẫy, phiên hiệu chỉ có ở Quảng Ninh, những người thợ mỏ rời tay búa, tay kìm lên đường vào Nam chiến đấu. Những người thợ mỏ ấy đã góp phần vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Có những người đã ngã xuống và trở thành Anh hùng, họ đã mãi mãi góp phần tô thêm trang sử vẻ vang trong chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh.
Là những công nhân, nông dân, ngư dân… từ Đông Triều đến Móng Cái, từ Quảng Yên đến Bình Liêu hay Đầm Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn… cứ mênh mang sóng nước ở vùng biển trời Đông Bắc, đã tạo nên thế và lực bền vững mang tên Quảng Ninh… Mỗi vùng đất, mỗi con người ở nơi này đều cho ta những niềm tự hào vô biên về đất và người Quảng Ninh.
Quảng Ninh những thế và lực từ tiềm năng vùng đất than biển
Là tôi ở mỏ than, ở vùng công nghiệp than sôi động Cẩm Phả ấy đã cho tôi cơ man những cảm xúc dâng trào về công việc, về con người nơi được coi là “xứ bụi” ấy. Ở đó, từ sâu thẳm lòng moong Cọc Sáu đã cho tôi những ân tình cuộc đời giữa bộn bề sự nhọc nhằn nhưng vô cùng ấm áp mang tên tình thợ mỏ. Ở đó đã cho tôi bắt đầu từ trang viết đầu tiên và để tôi đi xa hơn nơi lòng moong vạm vỡ những tầng than ấy…. Để hôm nay lại được ngồi viết những cảm xúc rưng rưng này, hoàn thành tập sách để xuất bản đúng dịp tỉnh Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Đấy như một ân nghĩa của vùng đất tôi đã đến và ở lại và gắn bó!
Các lĩnh vực khác trong sự nghiệp xây dựng phát triển Quảng Ninh trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh theo các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh. Sự kiện khánh thành cầu Bãi Cháy là sự kiện vô cùng đặc biệt ở thế kỷ 20 của  vùng đất Quảng Ninh. Tôi nhớ mãi niềm vui tràn ngập của nhân dân trong tỉnh khi sứ mệnh của bến phà Bãi Cháy Anh hùng đã kết thúc vai trò của nó sau hơn 100 năm nối đôi bờ Cửa Lục đã được thay thế bằng cây cầu Bãi Cháy vào tháng 11 năm 2006. Niềm vui ấy là niềm tự hào không của của nhân dân Quảng Ninh mà của cả nước vì mỗi khi đến với Quảng Ninh bớt đi bao nhiêu khê, bao nhiêu phiền toái, ám ảnh sự chờ đợi phà đò đầy ngại ngần nữa. Mỗi công trình văn hóa, mỗi cây cầu, con đường được hiện thực hóa từ nghị quyết qua các kỳ Đại hội đảng bộ tỉnh. Sản phẩm từ nghị quyết đã trao cho nhân dân bằng những chuyến xe qua cầu nhanh hơn cả một chớp mắt để bạn bè, đối tác đến với nhau nhanh chóng như thời công nghệ 4.0…
Là sau một chặng đường dài, tiếp nối niềm vui có cây cầu bãi Cháy, thì Quảng Ninh đã hoàn thành con đường cao tốc nối Hạ Long đi Hà Nội vào tháng 9 năm 2018. Trên con đường này, cây cầu nối đôi bờ đôi bờ Bạch Đằng giang cũng là một thành tựu lớn của hai địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng, là ngoài sức tưởng tượng của nhân dân hai bên bờ Bạch Đằng giang lịch sử. Là niềm vui lan tỏa của nhân dân trong và ngoài tỉnh đi và đến Quảng Ninh, đến Hải Phòng và Hà Nội hơn cả một giấc mơ. Nhưng giấc mơ chỉ là giấc mơ, còn đây là thực hiện được ý chí quyết tâm của thế hệ lãnh đạo tỉnh và các sở ngành cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đồng hành để hiện thực hóa giấc mơ từ nghị quyết đến hiện thực đời sống trên tiềm năng sẵn có của vùng đất.  Là tiếp nối đến con đường cao tốc nối Vân Đồn với Móng Cái, trục đường xuyên suốt từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố vùng biên cương Móng Cái vào tháng 9 năm 2022 đã trở thành sự kiện có một không hai trước thềm kỷ niệm 60 năm hành trình xây dựng phát triển tỉnh Quảng Ninh. Niềm vui nối tiếp niềm vui của nhân dân trong và ngoài tỉnh khi có được con đường cao tốc ven biển đẹp như một công trình nghệ thuật và có giá trị góp phần vào phát triển  kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế vùng với các nước khu vực Bắc Á, chứ không chỉ riêng là sự kết nối với các huyện miền đông của tỉnh.
Mỗi con đường, mỗi cây cầu đã kết nối với các địa phương khác nhanh hơn, đẹp hơn, và những giấc mơ cứ liên tục được hiện thực hóa không chỉ những con đường, những cây cầu bắc qua sông, mà Quảng Ninh đã có sân bay Quốc tế Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn được xây dựng là sân bay hiện đại, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn,  là điểm nối đến các châu lục trên thế giới. Sân bay Vân Đồn còn trở thành trung tâm tiếp nhận hậu cần hàng không, các nhà quản lý kinh tế gọi là trung tâm logictic, một hoạt động kinh tế đang phổ biến trên thế giới rất năng động và hiệu quả…
Là tôi và lớp lớp thế hệ đã luôn mang trong trái tim mình niềm tự hào có biết bao tên gọi về mảnh đất than bụi mà ai đã từng đã gắn bó. Là khi dùng các thuật ngữ dân dã, nôm na thôi, dù không gọi là Quảng Ninh thì ai cũng biết ấy là Quảng Ninh, ấy là tôi. Những tên gọi đã trở thành “mã văn hóa”, là “căn cước” về miền đất ấy, như là miền vàng đen của tôi, miền mỏ bất khuất của tôi, vùng mỏ của tôi; miền biên cương Đông Bắc của tôi… là nhận diện ra nhau đó là Quảng Ninh.  Thật tự hào, niềm tự hào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người đã và đang được gắn với bó với mảnh đất chứa chan những yêu thương ấy…
Là vô vàn những cảm xúc dội về biết bao nhiêu khúc thức cảm hứng cho các nhạc sĩ có ca khúc hay về Quảng Ninh. Các nhà văn sáng tạo nên những nhân vật mang hồn vía, hơi thở của Quảng Ninh. Dù chưa đến Quảng Ninh thì ai cũng sẽ nhớ câu hát của Hoàng Vân da diết trầm hùng từ thập niên sáu mươi xa lắc, để đến bây giờ mỗi khi cất lên đều thấy dâng niềm tự hào vô biên trong câu hát đó: “Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ…” Hoặc những tác phẩm văn học định hình trên văn đàn cả nước của nhà văn Võ Huy Tâm từ trong kháng chiến chống Pháp với tiểu thuyết Vùng mỏ đầy nỗi thương đau của kiếp cu li mỏ khi đất nước còn trong những ngày bị thuộc Pháp. Là rất nhiều hình tượng nhân vật đã đi vào văn học trong các tác phẩm của lớp nhà văn thế hệ tiếp nối….
Sáu mươi năm qua, chặng đường ấy biết bao nhiêu câu chuyện về mảnh đất con người ở Quảng Ninh đã gắn bó và làm nên “thương hiệu” hai tiếng Quảng Ninh hào sảng như người dân chài trên biển và vâm váp như chàng thợ lò ở mỏ than. Để rồi chúng ta lại vi vu hát theo Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ – người nghệ sĩ từng là công nhân mỏ than Cọc Sáu – cất cao lời ca Tôi là người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ… Cất cao bài ca về than, về những thành tựu mới của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam vẫn giữ vững nhiệm vụ giữ vững an ninh năng lượng của đất nước…
Chúng ta lại cùng vi vu với nhạc sĩ Đức Minh trong ca khúc Chiều Hạ Long da diết: “… Hạ Long ơi biết bao trìu mến, những lúc ánh chiều xuống, những khi vầng trăng lên, biển lung linh, ánh vàng theo muôn sắc, nhìn cánh buồm nâu ngỡ cánh chim hải âu. Bay trong không gian muôn câu hát thiết tha, là tiếng mẹ hiền tiếng biển khơi…soi trong gương than anh như thấy có em, màu mắt đen  huyền trong tầng than lung linh, em yêu anh như yêu sắc nước xanh, mảnh đất quê mình Hạ Long mênh mông…”
Sáu mươi năm với biết bao bề bộn của những thế hệ cầm lái con thuyền giữa biển trời Đông Bắc đã tạo nên một Quảng Ninh giàu đẹp hơn từ tiềm năng sẵn có và có vị thế vững vàng trên mọi phương diện kinh tế, văn hoá quốc phòng…Sáu mươi năm như là một bài ca đẹp nhiều cảm xúc da diết và kiêu hãnh hai tiếng Quảng Ninh. Sáu mươi năm qua Quảng Ninh đã và đang đi qua, đi đến những niềm kiêu hãnh mới mang tên Quảng Ninh. Những niềm kiêu hãnh đã được hun đúc từ tinh thần nhà Trần với chiến thắng Bạch Đằng giang lịch sử, với Yên Tử linh thiêng, với mũi Sa Vỹ Địa đầu Tổ quốc đến những tầng than ngạo nghễ bền bỉ Kíple. Và là vẻ đẹp làm say lòng người từ những cánh ruộng bậc thang đẹp như dải lụa ở biên giới Bình Liêu như cõng những con sóng dập dìu từ Vịnh Hạ Long Di sản thiên nhiên thế giới làm đắm say lòng người trong nước và quốc tế!
Là tự hào hai tiếng Quảng Ninh.
Hạ Long, 9/11/2023
Vũ Thảo Ngọc
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...