Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Năm trăm - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Năm trăm - Truyện ngắn của Hồ Anh Thái

Cái hội chợ sách ở châu Âu là điểm hẹn hàng năm cho cánh làm sách. Thôi thì dập dìu tài tử giai nhân. Từ trong nước lũ lượt kéo sang. Nườm nượp kéo sang. Không chỉ sang trong một tuần hội chợ mà có khi từng nhóm rủ nhau đi trước cả tháng. Loanh quanh mấy nước Bắc Âu: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy. Tiến dần sang Tây Âu: Anh, Pháp, Ý, Áo, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ. Có khi còn dung dăng dung dẻ Đông Âu: Bun, Ru, Séc, Hung.
Cùng là cánh có dính dáng đến sách, thế là hẹn nhau đến một quán bia tươi đúng kiểu Tây Âu. Anh ấy bảo anh ấy có hai quán bia ở Sài Gòn, một quán ở Hà Nội. Công ty truyền thông mà chỉ trông chờ vào lợi nhuận của sách thì trăm nhân viên chỉ có thể sống vật vờ. Đằng này nhân viên anh sống khỏe là vì anh còn đầu tư đất cát và kinh doanh mấy quán bia. Làm sách là để duy trì cho công ty có màu sắc chữ nghĩa chứ thời buổi này sách vở chẳng là gì. Lợi lộc thấp. Sách in ra thì chín mươi phần trăm là nhảm nhí và vô dụng.
Tôi thuộc loại dễ hồi hộp dễ lo lắng. Đi xem một chương trình ca nhạc, toàn những ca sĩ một thời lừng lẫy, giờ cao tuổi phải cố vận mình lấy hết gân sức. Xem và nghe kiểu ấy rất dễ đau tim, vì cứ sợ giọng hát hổn hển kia có thể gẫy bất cứ lúc nào. Thời nay quan sát một doanh nhân cũng rất dễ đau tim. Họ là những người dũng cảm, họ như nghệ sĩ xiếc đi trên dây, có thể ngã bất cứ lúc nào. Xem mấy ông bà đầu tư làm phim đấy. Ông bà nào cũng chỉ có mỗi cách tiếp thị là chủ ý lan truyền tin đồn rằng phim mình lãi hàng chục tỉ hàng trăm tỉ. Rồi một ngày đẹp trời, ông bà tuyên bố vỡ nợ, té ra mười phim có lãi trước đó đều âm, giờ thì vỡ nợ rồi, đến cái nhà con con cũng phải đi thuê mà ở.
Mình yêu sách, mình mọt sách, cho nên quan sát mấy anh chị em làm sách là hồi hộp lắm. Cũng là một kiểu nghệ sĩ xiếc trên dây, chẳng biết họ có thể giữ được thăng bằng bao lâu nữa. Ấy thế, quanh năm thấy họ rủ nhau sang bia bọt Đức, Séc. Quanh năm thấy kéo nhau sang sâm panh vang trắng vang đỏ Pháp, Úc. Hứng lên là thấy lang thang châu Âu đánh gôn đặt cược đua ngựa hoặc vào sòng bạc. Tư bản mới nouveau riche đấy còn gì. Trong ưu tư có cái mừng cho họ. Trong ưu tư có cái ưu tư hơn khi thấy họ đã coi thường người chuyên tâm làm sách. Trong ưu tư lại càng khó vô ưu hơn, chẳng biết họ có thể trụ được bao lâu, và cái phồn vinh của công ty sách kia có phải chỉ là vay vốn ngân hàng chưa đến hạn.
Biết vậy đã. Ngồi vào bàn bia ở xứ Tây Âu này thì trước hết hẵng vui. Giờ anh ấy đã giống một công dân toàn cầu có trụ sở chính ở Việt Nam. Chẳng cần cư trú đâu xa sang trọng oai vệ thế nào, chẳng cần, cứ ta về ta tắm ao ta, nhà cửa cứ ở Việt Nam, cần uống cốc bia Đức hay nghỉ cuối tuần ở hồ Balaton thì chỉ là một chuyến bay, ban đêm lên máy bay ở Hà Nội thì sáng sớm hôm sau đã giữa lòng châu Âu.
Ngồi uống và nhớ. Gần hai chục năm trước anh ấy còn là một chú thanh niên buôn sách cũ. Không có tiền thuê địa điểm làm hiệu sách, chỉ có cách đem sách cũ đến gửi vào một nhà sách nào đó. Lấy công làm lãi, cần cù bù khả năng, cứ thế dần dần in mấy đầu sách đã hết bản quyền hoặc có khi in lấn số lượng, lâu lâu sau làm được cái hiệu sách nhỏ rồi lên hiệu sách to. Từ chỗ mình in sách phải đem gửi bán trong các nhà sách chậm thu hồi vốn, giờ đã có một chuỗi nhà sách và có quyền chậm thanh toán cho người ký gửi sách. Đấy là một cuộc cải cách thay đổi ngôi thứ, từ vai trò đối tác thế yếu chuyển lên thành địa vị chủ nhân ông. Vốn là anh chàng ấp úng đôi ba câu ngoại ngữ sai trọng âm và bất chấp ngữ pháp, giờ là ông chủ vẫn chẳng cần ngoại ngữ mà tung hoành khắp thế gian. Sao giỏi thế, tiếng tăm chẳng thạo, đi tung tăng vậy biết giao tiếp thế nào.
Anh bảo người Việt mình bây giờ có mặt khắp hành tinh. Ở Việt Nam mình chỉ cần báo sang số hiệu chuyến bay và ngày giờ bay, đến sân bay có lái xe người Việt ra đón, có sinh viên người Việt làm phiên dịch dẫn đi tham quan mua sắm, lúc về lại có người Việt đưa ra tận sân bay giúp làm thủ tục. Thế giới phẳng này, ai học gạo thì cứ việc học gạo, còn thì ngày càng nhiều những thành phần không cần ngoại ngữ mà vẫn hưởng thụ vô tư hồn nhiên.
Mới hôm qua anh còn đến vùng trồng nho làm rượu vang. Cuối thu rồi, lá đã ngả vàng, thu vàng, vàng hết những cánh đồng nho trong thung lũng và trên các sườn núi. Xe đưa lên đỉnh núi, từ trên ấy đi cáp treo xuống thung lũng. Cáp treo là loại ghế trần, lộ thiên, không có hộp kính bao bọc, cứ thế mà ngồi thở hít khí trời trên thung lũng trong lành. Xuống đến thị trấn bên sông, bỏ cáp treo, lên một chuyến tàu thủy đi dọc theo dòng sông nhỏ, hai bên bờ lại cũng là thu vàng, những lò cất rượu vang chen lẫn trong những rặng sồi rặng phong sáng tưng bừng. Dừng lại ở một bến tàu, tản bộ qua những trang trại rượu vang. Lò ủ rượu cất rượu hàng trăm năm tuổi, là tài sản thừa kế của dòng họ. Mấy loại ly to nhỏ được xếp theo thứ tự. Ông chủ trang trại tự tay rót từng loại và hướng dẫn du khách cách nếm rượu. Nhắp môi từng ngụm nhỏ, giữ rượu ở trong miệng khoảng mười giây cho lưỡi có đủ thời gian cảm nhận. Rồi không vội nuốt ngay mà nín thở đẩy hơi rượu vang lên phía trên để cho mũi cảm nhận. Sau đó thì mới nuốt nhẹ để cho thực quản và toàn bộ cơ thể được kích hoạt. Vâng, kích hoạt.
Vui chuyện, anh kể thêm. Thị trấn rượu vang này có lịch sử năm trăm năm. Tức là từ khi có những người đầu tiên đến khai khẩn lập trang trại và bắt đầu trồng nho làm rượu vang. Họ vốn là dân bộ tộc trên thượng nguồn du cư xuống. Hàng năm họ có ngày giỗ tổ gọi là lễ hội rượu vang. Nho được thu hoạch, chất đầy trong những cái thùng gỗ tô nô hình tròn, to gấp vài ba lần cái miệng giếng. Khai hội, trẻ con được xua vào trong những cái thùng gỗ ấy thi nhau giẫm nát nho. Giẫm đến mỏi rời chân. Đứa nào mót đái thì cứ việc bắt chim ra mà đái xuống thùng nho. Đồn rằng nước tiểu trẻ con chưa dậy thì càng làm cho rượu thêm dậy mùi. Thị trấn có năm nghìn dân, lũ con trai chưa dậy thì chiếm mười phần trăm, tức là hàng năm có năm trăm thằng bé thuộc lực lượng sản xuất đủ sức để giẫm nho.
Anh kể lễ hội rượu vang hàng năm thu hút năm vạn du khách từ khắp thế giới. Và ai có thể hình dung được điều này: sau mỗi mùa lễ hội, trong thị trấn lại có thêm năm trăm đứa trẻ ra đời. Không cha.
Tôi nhìn lại anh. Chàng thanh niên bán sách cũ ngày trước và ngoại ngữ xọt xoẹt. Giờ thì anh như đã là người bản địa của xứ Tây Âu này.
Ít lâu sau, tôi lại có việc đến vùng ấy và gặp một doanh nhân khác mới từ Việt Nam sang. Doanh nhân này có nhân thân cũng gần giống như anh bạn làm sách kia. Lại ngồi uống bia và nói chuyện lễ hội rượu vang. Doanh nhân lại kể tôi nghe cái giai thoại thị trấn năm nghìn người mỗi năm sau lễ hội thì lại đẻ ra năm trăm đứa trẻ.
Lúc chia tay, doanh nhân bảo người lái xe cho anh đưa tôi về khách sạn. Vậy là trên đường về, chỉ có chú lái xe người Việt và tôi, tôi được biết về một con người khác.
Chú lái cao ráo trẻ măng. Chú cứ gọi anh xưng em thoải mái, chuyện trò một lúc, tôi hỏi tuổi thì chú bảo, nói về tuổi thì chắc anh phải ngang tuổi bố em, nhưng quan hệ xã hội thì xin được xưng anh em cho tiện. Chú khai hăm ba tuổi, thế thì đúng là còn ít tuổi hơn con trai tôi. Hăm ba tuổi nhưng đã có thâm niên tám năm lăn lộn làm ăn ở nước ngoài. Nước ngoài ở đây là khái niệm số nhiều, cũng đã dăm bảy nước rồi. Quê chú ở miền Trung, một làng ven biển nhưng dân làng không đánh cá, tàu cá đậu trong vịnh đều là của làng khác, còn dân làng chú từ xưa đã chạy chợ buôn bán. Mười lăm tuổi, chú đã cao gần mét tám, chú làm lại giấy tờ khai sinh và làm hộ chiếu, theo bố sang Dubai. Học nữa cũng được, nhưng chú nhìn gương mấy anh chị đại học mà phải mất hàng trăm triệu xin việc. Thôi, hai bố con sang Dubai lái xe tắc xi hoặc lái xe tải hợp đồng. Hơn một năm sau thì sang Hàn Quốc, vẫn lái xe. Rồi vẫn chỉ là cần cù bù điều kiện, thử quay về Singapore gần nhà hơn. Ở đâu cũng chỉ được một vài năm, thấy mình vẫn chỉ là con trâu kéo cày. Giờ thì hai cha con không còn mộng tưởng cao xa. Phận cu li thì ở đâu cũng là cu li. Người nghèo không phải cứ sang nước giàu là mặc nhiên sẽ giàu, mình sang đấy làm lái xe hay mở quán ăn cũng chỉ là làm ô sin cho người giàu bản địa mà thôi. Hai cha con bảo nhau những chuyến đi thế này hẵng coi là sự trải nghiệm. Ta đúc rút kinh nghiệm để quay về quê nhà làm ăn.
Quê nhà. Sau bốn năm, cha con quay về quê, mua được hai cái xe bán tải, đi thu mua trấu và mùn cưa rồi dựng xưởng sản xuất, ép trấu và mùn cưa thành than, loại nhiên liệu này lành chứ không bị coi là gây ung thư như than đá. Được một năm thì bạn bè cũng lao vào làm giành giật hết khách hàng. Cha con chuyển sang thu mua trấu làm hỗn hợp phân vi sinh. Lại cũng một năm thì vừa mất khách hàng vừa bị triệt nguồn nguyên liệu. Thế giới này mật ít ruồi nhiều, người khôn của khó.
Lần này người cha ở lại nhà tiếp tục duy trì lay lắt xưởng sản xuất. Chú chàng lên đường sang châu Âu. Tiếng tăm ấp úng thì sống với cộng đồng người Việt thôi. Ban đầu vào làm móng tay móng chân. Cái hiệu làm móng Nails Parlour thuê người Việt thì bé tí hin, kín như hũ nút, không có cửa sổ hoặc quạt thông khí, bọn người Âu đến xin việc thoáng nhìn thấy thế đã bỏ đi, kêu là điều kiện lao động không bảo đảm. Bọn chúng có làm thì cũng chỉ nhận làm ở những cửa hiệu chỉ sơn móng chứ không mài giũa mà chúng cho là độc hại. Rốt cuộc chỉ có bọn nghèo Việt chấp nhận, băm băm bổ bổ đâm đầu vào mài mài giũa giũa. Ngửi sơn không hại bằng hít bụi móng toàn chất sừng. Cửa sổ không có, căn phòng toàn bụi móng và sặc mùi hóa chất. Chú làm được gần năm thì một anh hăm bảy và một chị ba chín đi khám về, nhận cái tin mình ung thư họng và ung thư phổi mà khóc như cha chết, cha chưa chết mà mình đã chết. Thấy hai người ung thư khóc, chú bỏ việc luôn, quyết không chờ đến lượt người thứ ba là chính mình.
Lại lái xe, nhưng giờ là anh lái xe đưa đón khách từ trong nước sang. Người Việt hiểu người Việt. Vào tận băng chuyền lấy giúp hành lý và đẩy qua cửa hải quan. Biết những quán ăn nhà hàng hợp với người Việt vốn bảo thủ về ẩm thực. Biết những trung tâm mua sắm có mặt hàng mà người Việt thích. Biết những điểm du lịch hợp với dân ta, thường là trừ nhà hát bảo tàng triển lãm, may, vì chú cũng chẳng thạo mấy món này.
Nữa, chú nghiệm thấy đề tài ưa thích của dân ta là đất cát địa ốc, ra đến nước ngoài rồi vẫn vô cùng quan tâm đất cát. Vô cùng, cực kỳ. Mua nhà ư, chú lúc nào mà chẳng có mối. Lái xe ở xứ người, giờ kiêm vai trò này mới là nguồn thu đáng kể. Nhà dao động từ vài trăm nghìn cho đến vài ba triệu. Tính bằng euro đấy, tiếng Anh là iurơ, tiếng Pháp ưrô, tiếng Đức ơrô, ngoại ngữ vẹo vọ nhưng chú cũng cố uốn lưỡi cho được mấy cái phát âm ấy. Ai cũng bảo nước mình nghèo, nhưng người trong nước đổ ra nước ngoài mua nhà ngày càng nô nức. Doanh nhân mới phất đã đành, đằng này mấy ông bà quan chức đô thị vốn đồng lương ba cọc ba đồng. Đằng này mấy ông bà quan chức các tỉnh nghèo luôn phải nhận hỗ trợ trung ương và các dự án xóa nghèo từ NGO phi chính phủ nước ngoài. Quan chức các tỉnh về mua nhà Hà Nội Sài Gòn, dấn thêm một bước sang mua nhà Âu – Mỹ. Quan chức Hà Nội Sài Gòn mua trang trại biệt phủ ở các tỉnh, dấn thêm tí sang mua nhà Âu – Mỹ. Ở Việt Nam mà có nhà ở trời Âu, hồn Âu xác Việt. Chú dẫn đi hết, xem nhà mua nhà. Cũng chẳng cần ngoại ngữ, mua nhà là người Việt mà bán nhà cũng là người Việt. Cái nhà của vợ một ông nguyên thứ trưởng, giờ thích chuyển sang thành phố khác, bán. Người tiếp cận là một ông giám đốc sở về hưu ở tận tỉnh miền núi, mua. Giấy tờ người Việt làm cho người Việt, không phức tạp rắc rối như mua nhà của người Âu.
Người trung gian là chú, trong nước gọi là cò. Cái cò lặn lội bờ sông. Lấy công làm lãi. Từ ngày dính vào địa ốc người Việt cho người Việt, đời chú lên hương.
Xong cái hợp đồng, người mua được nhà tinh thần lên phơi phới. Có tiền mua cái nhà tiền vạn tiền triệu, có tiền đi du lịch chơi gôn uống bia, chẳng ai cò kè từng đồng dịch vụ. Chẳng hạn, cái sim điện thoại châu Âu, bán chuyền tay trôi nổi trong nước giá sáu trăm nghìn đồng, ở bên này chú trữ sẵn cả đống để cung ứng cho khách. Cái sim ấy có thể gọi khắp châu Âu trong vòng một tháng, lạ lùng sao có thể lấy cả lố ngay từ trong nước. Người tính toán thì bảo người Việt sang đến Âu – Mỹ vẫn là người Việt, nó mua trong nước sáu trăm nghìn tương đương hăm bốn ơrô, sang bán cho khách du lịch ba mươi ơrô, chẳng thà mua ngay cái sim du lịch ở sân bay châu Âu, giá xấp xỉ mà có thể dùng nhiều năm sau. Nhưng như đã nói, người Việt du lịch sang đây mua cả một cái nhà thì chẳng ai tính toán mấy đồng ơrô vặt. Thỏa mãn mua sắm rồi, họ phơi phới lên xe làm một chuyến du lịch đi nếm rượu vang.
Sang châu Âu mới vài ba năm, lái xe đưa đón hàng trăm nhóm, chú đã tích lũy được chút kiến thức. Không chỉ lái xe mà còn là hướng dẫn viên. Nghe mấy anh bạn hướng dẫn viên người Việt kể chuyện về lễ hội rượu vang, chú đã biết thêm dấm thêm ớt vào, biến nó từ một câu chuyện trà dư tửu hậu thành một giai thoại. Người ta kể chuyện mấy thằng nhóc buồn đái đứng đái luôn vào thùng nho lên men thì chú thêm chi tiết đồn rằng nước tiểu bọn con trai chưa dậy thì tạo hương vị lạ cho vang. Người ta bảo sau mỗi mùa lễ hội, trong thị trấn lại sinh ra một đám trẻ không cha thì chú biết vẽ rắn thêm chân bằng những con số. Thị trấn năm nghìn dân, sau mỗi mùa lễ hội thì sinh ra thêm năm trăm đứa trẻ. Không phải bốn trăm chín mươi chín. Không phải năm trăm linh một. Con số tròn có thể khó thuyết phục về thực tế, nhưng lại là con số đẹp của giai thoại.
Tôi nghe chú lái xe kể mà mang máng hình như đã nghe ở đâu. Chi tiết số học, thoạt nghe có vẻ mang tính thống kê. Nhớ ra rồi. Đúng là đã nghe có người nhắc đến con số ấy. Năm trăm.
3/11/2023
Hồ Anh Thái
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vườn xưa

Vườn xưa Vườn xưa, ấy là cái vườn của gia đình tôi ở quê, thôn Khê, nằm bên tả ngạn con sông Cái thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô chừng và...