Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Sông Đáy một chiều thu

Sông Đáy một chiều thu

Sau khi rời khu rừng trúc nơi có đền thờ danh tướng Lý Thường Kiệt bên sông Đáy chúng tôi về thành phố Phủ Lý. Tất cả dừng chân trên cầu Hồng Phú để ngắm hợp lưu ngã ba giữa sông Đáy và sông Châu Giang.
Bất ngờ loa thành phố vang lên bài ca “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” của nhạc sĩ Đoàn Bổng (phổ thơ Lai Vu). Dân thành phố Phủ Lý luôn tự hào với quê hương của mình: “Dòng sông Đáy quê em/ Sông trăng hay sông lụa/ Nong kén vàng như lúa/ Tròn vành một góc trời…”.
Sông Đáy chảy vào đời tôi 
Người hướng dẫn viên bồi hồi kể về con sông quê với bao ký ức dội về. Anh chậm rãi đọc những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều để bắt đầu câu chuyện. Hình ảnh con sông âm vang lên nỗi niềm: “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi”. Sau đó anh khoát tay nói sông Đáy dài tới hơn 250km chạy quanh như một dải gấm phơi trên những cánh đồng cùng bên núi non xanh thắm. Đây là nguồn nước bắt nguồn từ sông Hồng vùng cửa khẩu Phúc Thọ (Hà Nội). Khi nhập với sông Châu Giang ở Phủ Lý, nước sông Đáy mênh mông chảy xuôi về Nam Định và Ninh Bình rồi đổ ra biển Đông.
Vùng đất thành phố Phủ Lý có những con hồ rộng đều nối mạch nguồn từ sông Đáy nên quang cảnh thật kỳ thú. Đầu tiên là hồ Chùa Bầu rộng hơn 6ha không bao giờ cạn nước và có chùa Bầu soi bóng hàng trăm năm qua. Điều thú vị là, đường bao quanh hồ lấy tên Nguyễn Du và kề bên là công viên Nguyễn Khuyến (thuộc phường Hai Bà Trưng). Hai danh nhân này đã gắn bó với sông Đáy một thuở với tình cảm thân thương.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến quê ở Hà Nam cũng đã than buồn vì cảnh ngập lụt ngày nào trên quê hương: “Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi/ Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi/ Gạo dăm ba bát cơ còn kém/ Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi” (Nước lụt Hà Nam). Riêng nhà thơ Nguyễn Du có dịp đi thuyền tới ngã ba hạ lưu sông Đáy, tại cửa Gián Khẩu. Ông ngẩn ngơ vì cảnh sắc hữu tình: “Cầu nối cuối thôn mở cánh đồng/ Núi xanh lớp lớp mắt ngóng trông/ Nước lên ngư đẩy thuyền tàn nắng/ Lối cũ tiều về gánh sáng trăng”. Tâm hồn thi nhân bay bổng cùng những hoài niệm nhớ nhung và đã viết tiếp: “Khói tỏa đôi bờ nhà lác đác/ Cây xuân mấy khóm nước mênh mông/ Cố nhìn quê quán nơi đâu nhỉ/ Trắng một màu mây cánh cánh hồng” (“Chiều sông Đáy” – Thảo Nguyên dịch).
Sông Đáy trở thành dòng sông thi ca khi càng có nhiều thi nhân đã theo những đoàn thuyền về phương Nam. Cùng thời với Nguyễn Du, chúa Trịnh Sâm và nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã để lại dư vị đáng ngạc nhiên khi đi trên sông Đáy. Đặc biệt khi dong thuyền qua dãy tường núi Kẽm Trống (cách Phủ Lý tám dặm) để vào hang động, Hồ Xuân Hương hứng khởi reo lên: “Hai bên là núi, giữa là sông/ Có phải đây là Kẽm Trống không/ Gió dập cành cây khua lắc cắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”. Rồi cái hóm hỉnh tài hoa của nữ sĩ vẫn lồ lộ hiện hình khi chơi chữ: “Ở trong hang núi cong hơi hẹp/ Ra khỏi đầu non đã rộng thùng/ Qua cửa mình ơi nên ngoái lại/ Nào ai có biết nỗi bưng bồng”.
Sông Đáy đã làm nên thành phố Phủ Lý bởi lẽ nguồn phù sa nơi đây đã giữ chân người tụ về lập ấp, trồng trọt cấy lúa sinh sôi. Từ ngọn nguồn sông được gọi tên Hát Giang (Phúc Thọ – Hà Nội) nơi Hai Bà Trưng thất bại sau khởi nghĩa đã trẫm mình không để giặc nhà Hán bắt giữ (năm 43). Đây cũng là khởi nguồn cho nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết bài ca “Hát Giang trường hận” (viết khoảng 1942-1943).
Sau này bài ca chia sẻ yêu thương này đã được nhà nước ta dùng và đổi tên là “Hồn tử sĩ”. Sau nhà thơ Lai Vu viết lời cho bài hát: “Dòng sông quê em, dòng sông quê anh”, còn có nhà thơ Tế Hanh, Nguyễn Hoa, Nguyễn Quang Thiều… cũng đã để lại những kỷ niệm sâu sắc với sông Đáy. Nhà thơ Tế Hanh xúc động khi trở lại nơi sơ tán cũ: “Sông vẫn như xưa chảy một dòng/ Theo mùa nước đục nước xanh trong/ Sơn Tây đất rắn, Hà Đông mịn/ Sông Đáy nơi đâu cũng mát lòng”.
Đất và lửa ngọn nguồn gốm Son
Giờ thành phố Phủ Lý đã có những khách sạn 5 sao và những khu đô thị hiện đại. Nhưng điều kỳ lạ ở bên sông Đáy vẫn còn đó một khu đất vàng dành cho những lò gốm thủ công. Đó chính là hồn cốt của Hà Nam và của thành phố trẻ này. Người Hà Nam là vậy luôn lấy phù sa ngọn nguồn của sông Đáy làm lẽ sống. Trở về với cố hương bởi con người cũng có lúc trở thành cát bụi. Đúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cất tiếng: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày/ Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”.
Một không gian lầm lũi của Phủ Lý là đây. Đó là những mỏ đất cách thành phố chừng mươi cây số. Khói nung củi và than vẫn bay bên triền núi Ngọc và chùa Bà Đanh. Sông Đáy hiền hòa trôi về phương suối Yến chùa Hương mang theo mùi đất thơm của gốm son. Đây là một xứ sở gốm độc đáo đã từng ngự trị 600 năm từ thời triều Trần. Tới nay các nghệ nhân ở miền gốm Quế Sơn này vẫn đang phục dựng lại những đầu rồng hay nghê Việt cho những đền Trần ở Nam Định hay những chùa cổ ở Hà Nam.
Trấn Quế Sơn (Kim Bảng) được coi là cái nôi văn hóa cổ phong của Phủ Lý với những ngôi chùa và đền nức tiếng như Tam Chúc, Bà Đanh, Quế Lâm và động Thi Sơn (núi Quyển Sơn). Giờ đây là sự nghiệp khôi phục lại nghề gốm Quế Sơn (làng Đanh Xá cũ) nay là Quyết Thành. Niềm tự hào xưa về nghề nghiệp ông cha vẫn luôn vang vọng: “Quê tôi chạy dẻo bờ đê/ Bên bờ sông Đáy có nghề thổ hoa/ Trai gái khéo léo tài hoa/ Chăm chỉ công việc nặn ra thước dùng”. Hoặc nói về phiên chợ luôn nhắc rằng: “Chợ Quế thì bán nồi niêu/ Qua chợ Giầm Giải thì nhiều luồng Thanh”. Thật thú vị biết bao khi nói về con gái Quế Sơn cũng được truyền tụng: “Đã nhìn thấy gái Quế Sơn/ Dẫu căm cũng nhớ, dẫu hờn cũng mê”.
Chum rượu Quế Sơn.
Người đón chúng tôi tại xưởng gốm là nghệ nhân Lại Văn Tiến (sinh năm 1957). Ông cho biết đất bên sông Đáy có sắc vàng mịn, quánh và ít tạp chất, khi nung ánh lên màu sắc đỏ trầm độc đáo. Men được tạo nên từ đá ong non khi phủ lên vật phẩm tạo sắc son thắm mà không vùng gốm nào có được. Riêng bình hay hũ rượu ở đây nung già (1200 độ) nên có khả năng khử độc tố của rượu nhanh.
Ông còn xởi lởi kể có người rất mê tiểu sành ở đây vì có men son nuột nà. Tiếng ngân lên như chuông mỗi khi gõ vào thành tiểu. Người khách đó cứ thỉnh thoảng lại mua để tặng những ông bạn già chuẩn bị về cõi. Ông ta coi đó là món quà sang trọng cho hồn cốt tâm linh dù chỉ chôn cất tàn tro. Tiểu sành ở đây được nung từ đất sét vàng sông Đáy. Vậy nên có người coi đó là lâu đài cuối cùng cho cát bụi cuộc đời. Câu chuyện thật bất ngờ với chúng tôi. Và lời ca về thân phận của Trịnh lại vang lên từ một góc lò nung bập bùng ánh lửa: “Ôi cát bụi tuyệt vời/ Mặt trời soi một kiếp rong chơi”.
Bài hát về cố hương
Vòm lò nung Quế Sơn và chiếc tiểu sành có tiếng ngân của hồn vía thân phận bất ngờ xuất hiện trong thơ của Nguyễn Quang Thiều khi anh trăn trở bên sông Đáy. Những câu thơ trong “Bài hát về cố hương” của anh như sự chia sẻ nỗi yêu thương khôn cùng về miền đất ông cha. Hình ảnh sông Đáy trở đi trở lại trong thơ, truyện ngắn cùng kịch bản sân khấu “Mùa hoa cải bên sông”. Hình ảnh làng Chùa (Ứng Hòa – Hà Nội) bên sông Đáy luôn biến ảo trong sắc màu mà nhà thơ cặm cụi hàng giờ để vẽ trong ký ức nồng ấm của mình. Tranh của Nguyễn Quang Thiều luôn xuất hiện những chiếc bình gốm nghiêng đổ trong tâm khảm mơ mộng về quê hương.
Trong “Bài ca về cố hương” chiếc tiểu sành lại ngân lên tiếng lòng tác giả khi anh viết: “Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi”. Sông Đáy thật mỹ lệ trước ánh hoàng hôn rơi xuống. Thành phố sẫm tím, chiều buông cùng tiếng chuông nhà thờ ngân nga nơi ngã ba cuộn gió.
3/11/2023
Vương Tâm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...