Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Không gian - Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết "ĐẮM THUYỀN" của R. TAGORE

Không gian - Thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết "ĐẮM THUYỀN" của R. TAGORE 

  Không - thời gian nghệ thuật là những phương diện quan trọng của thi pháp học. Nó có thể giúp chúng ta khám phá ra quan niệm nghệ thuật về con người cũng như những thành công khác ở tiểu thuyết Đắm thuyền - một trong số 12 bộ tiểu thuyết của R. Tagore – tác phẩm được giới phê bình Bengan coi là điểm mốc quan trọng trong sự phát triển và củng cố chủ nghĩa hiện thực trong văn học Ấn Độ và cũng là một trong những tiểu thuyết xuất sắc viết về tình yêu. Không gian tương thông, không gian con đường cũng như thời gian định mệnh, thời gian thiên nhiên là những nét đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của R.Tagore.
1. Không gian nghệ thuật trong Đắm thuyền
Con người không thể tồn tại ngoài không gian. Tất cả mọi hành vi cho tới những hành động, sự kiện lớn lao đều thực hiện trong không gian. Chính vì thế, cùng với thời gian, không gian là một vấn đề quan trọng của thi pháp. Nó là phạm trù của hình thức nghệ thuật, là phương tiện tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật để chiếm lĩnh đời sống.
Trước hết, nổi bật lên trong Đắm thuyền là không gian tương thông. Quan điểm triết học cổ phương Đông coi con người là một bộ phận của vũ trụ, ngôi nhà là một tiểu vũ trụ nên một trong những nguyên tắc của quan điểm triết học này là đề cao sự gắn bó và giao lưu của con người với vũ trụ.
Nguyên tắc này đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống sinh hoạt hàng ngày như một nét đặc trưng tư duy Á Đông, trong đó có cả Ấn Độ: làm nhà đã có cửa tiền nhưng vẫn phải có cửa hậu, đã làm cửa chính đồng thời cũng phải làm cửa sổ. Cửa tiền, cửa hậu, cửa chính, cửa sổ ngoài nhiệm vụ mở lối đi, đón nắng, gió, không khí còn có nhiệm vụ quan trọng khác là tương thông với vũ trụ lớn - ngôi nhà của tất cả mọi sinh vật.
Nguyên tắc đề cao sự gắn bó và giao lưu của con người với vũ trụ không chỉ ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống sinh hoạt hàng ngày mà còn chi phối việc sáng tạo không gian tương thông trong thơ trữ tình cổ xưa và cả trong những ngôi nhà văn học hiện đại mà Đắm thuyền là một minh chứng. Vậy không gian tương thông là gì? Không gian tương thông là không gian mở thông giữa không gian đời tư (không gian nhỏ của con người) và không gian lớn của vũ trụ.
Soi chiếu khái niệm không gian tương thông vào Đắm thuyền, có thể nhận thấy nhà văn đã rất chú ý xây dựng ngôi nhà. Ngôi nhà xuất hiện dưới nhiều hình thức đa dạng khi là ngôi nhà, khi là con thuyền, khi là toa tàu… Nhưng dù ở dạng nào, R.Tagore đều không quên thiết kế cửa: cửa sổ (18 lần), cửa chính (19 lần) tạo nên không gian tương thông với những đặc điểm độc đáo sau:
Thứ nhất, tất cả cửa sổ và cửa chính đều được mở tạo nên sự tương thông giữa không gian sinh hoạt đời tư với vũ trụ. Sự tương thông này không chỉ để ngôi nhà được đón nắng, gió, không khí mà còn để giúp con người từ trong ngôi nhà có thể quan sát, chiêm ngưỡng thiên nhiên tạo vật ở bên ngoài mà thấy “một màn sương trắng như tấm chăn mỏng phủ lên mặt nước tỉnh lặng”, “mặt sông bắt đầu bừng sáng lên như suối vàng lóng lánh”. Đồng thời, không gian ấy giúp các nhân vật khám phá ra những bí ẩn trong con người và thế giới tự nhiên, nhờ vậy mà có cách ứng xử với cuộc đời, số phận một cách hợp lý. Ví dụ, khi Ramesh nhìn qua cửa sổ, anh đã chìm vào suy tư suy tưởng khiến cho “con người sâu thẳm trong anh như trôi dạt vào tận một vũ trụ, ở đó hết thảy đều vĩnh hằng, yên tĩnh và cùng khắp”. Anh còn phát hiện ra những vấn đề lớn lao của triết học: sinh - tử, khó nhọc - nghỉ ngơi, bắt đầu - kết thúc. Từ đó anh xác lập trong mình một chân lý bất di, bất dịch và định hình được con đường giải quyết vấn đề hiện tại: “Chỉ trong xung đột không ngừng của con người mới không có tạm nghỉ, lúc thịnh cũng như lúc suy, đời người là cuộc đấu tranh không ngừng chống lại những rủi ro”.
Thứ hai, không gian tương thông trong Đắm thuyền có quá trình tự hoàn thiện. Biểu hiện ở chỗ, phần đầu tác phẩm, tác giả mới để cho cửa, đặc biệt là cửa sổ, mở ra cái nhìn một hướng từ không gian sinh hoạt tới không gian vũ trụ, nghĩa là các nhân vật đứng trong của sổ nhìn ra ngoài, chẳng hạn như “Hemnalini đang đứng bên cửa sổ, lặng lẽ chăm chăm nhìn ra ngoài đường”. Nhưng càng về sau sự tương thông hô ứng của không gian sinh hoạt riêng tư và không gian vũ trụ càng rõ nét. Cửa sổ là nhân chứng chứng kiến sự hướng ra của con người và sự hướng vào của ánh nắng. Điều này tạo nên sự chan hòa hô ứng khiến cho ngôi nhà bừng sáng và con người ở trong đó như được tiếp một nguồn năng lượng vô biên nên thường đạt tới trạng thái siêu thoát.
Thứ ba, không gian tương thông trong Đắm thuyền còn thực hiện nhiệm vụ mở thông hai thế giới tinh thần qua cửa sổ tâm hồn làm cho tâm hồn người này nắm bắt được những rung động và diễn biến tâm trạng phức tạp trong tâm hồn người kia. Bằng chứng là đoạn R.Tagore viết về Ramesh và Hemnalini “…thế là hai người yêu nhau đứng kề nhau bên ô của sổ vắng vẻ, bốn mắt nhìn nhau. Dù không nói một lời nhưng cả hai đều cảm thấy bình ổn, hạnh phúc, họ trải qua niềm sung sướng thần tiên trong trạng thái ngây ngất do sự yên lặng đem lại”. Nhờ vậy các nhân vật hiểu nhau, tin tưởng vào nhau, từ đó có thêm sức mạnh để vượt qua mọi trắc trở trong cuộc sống để đến với nhau.
Tóm lại, việc sáng tạo ra không gian tương thông trong Đắm thuyền là thành công đáng ghi nhận của R.Tagore. Không gian này không chỉ giúp cho R.Tagore biểu hiện thành công quan niệm về con người trong văn học cổ (con người có thể xuất thể hay nhập thế nhưng bao giờ cũng ở trong vòng trời đất cả, là một bộ phận của vũ trụ), mà còn giúp R.Tagore thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người hành động (con người muốn tồn tại và phát triển trước hết phải hòa đồng với vũ trụ, không đối lập và xa rời thiên nhiên, hòa nhập vào thiên nhiên để tìm quy luật tự giải phóng cho mình, phục vụ cuộc sống của mình).
Thứ hai là không gian con đường. ở các tiêu chí, góc độ khác nhau, khái niệm “Con đường” cũng có cách hiểu khác nhau. Từ điển Tiếng Việt có viết: “Đường là lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi”. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Con đường là biểu tượng của sự thống nhất của không gian và thời gian, là không gian vận động, không gian của con người đi tới”. Còn trong tôn giáo Ấn Độ thì con đường là lối đi giải thoát khỏi sự đau khổ của vòng luân hồi, dẫn đến sự yên tĩnh của tinh thần.
Kết hợp các cách hiểu khác nhau về không gian con đường được trình bày ở trên, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thống kê trong tác phẩm Đắm thuyền và nhận thấy cụm từ con đường xuất hiện 25 lần. Làm phép so sánh với con đường trong thơ Tố Hữu hay con đường trong văn hóa lễ hội Cacnavan, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Một là, con đường trong Đắm thuyền là một không gian thực, không gian công cộng, không gian vận động nhưng rất tĩnh lặng: không âm thanh, không lời nói, chỉ có hình ảnh bước chân và những suy nghĩ miên man. Hình ảnh con đường này gợi ra một đất nước ấn Độ huyền bí mà chứa đựng trong đó những cá nhân, cá thể bị khép kín trong ốc đảo của mình.
Hai là, con đường trong Đắm thuyền còn là một không gian mang tính biểu tượng. Với đại đa số người Ấn Độ, con đường đi của họ là con đường phục tùng số phận mòn và hẹp mà có lúc Ramesh đã “ước gì số phận đặt mình vào một con đường mòn nào đó như viên thư ký kia, con đường ấy hẹp nhưng xác định rõ ràng”. Con đường mòn, hẹp này sẽ làm cho con người mất đi tinh thần phản kháng, chỉ biết chấp nhận số phận, mong chờ sự thay đổi ở kiếp sau.
Còn với những người như Ramesh, sau nhiều băn khoăn day dứt, khám phá, anh đã chọn con đường khác hẳn con đường mà nhiều người Ấn Độ đã, đang và sẽ đi . Con đường ấy là đường đời đầy trở ngại, đầy niềm vui và đau khổ, phức tạp vô cùng. Đi trên con đường ấy, anh phải chiến đấu chống lại định mệnh và cả những hủ tục lạc hậu của phong tục Ấn Độ để mang lại hạnh phúc cho mình và những người anh yêu quý. Nói một cách khái quát là Ramesh chiến đấu để diệt cái cũ, cái lạc hậu vô nhân tính vì một thế giới nhân đạo. Như vậy, con đường mà Ramesh lựa chọn là con đường của lương tâm, đạo đức, bổn phận và tình yêu.
Có thể nói, con đường trong Đắm thuyền được tác giả miêu tả theo quá trình trừu tượng hóa, từ con đường thực tĩnh lặng đến con đường biểu tượng; từ con đường truyền thống Ấn Độ có nhiều bảo thủ, lạc hậu đến con đường văn minh, tiến bộ và nhân đạo mà R.Tagore đề xuất. Ông đặt các nhân vật của mình trên những con đường, đòi hỏi các nhân vật phải suy ngẫm, phát hiện và hành động nhằm giải phóng cá tính, phát triển nhân tính để đến với tự do và tính thiện.
2. Thời gian nghệ thuật trong Đắm thuyền
Có thể thấy, cũng như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là nhân tố nằm trong mạng lưới nghệ thuật của tác phẩm văn học. Nó thể hiện cái nhìn tâm lý chủ quan về thời gian, cách cảm nhận và ứng xử đối với cuộc sống theo quan điểm, ý đồ riêng của tác giả một cách có hiệu quả nghệ thuật. Trước hết, thời gian nghệ thuật trong Đắm thuyền là thời gian định mệnh. Thời gian định mệnh là thời gian do một lực lượng huyền bí định sẵn, con người không cưỡng lại được theo quan điểm duy tâm. Vì vậy “Đặc điểm của thời gian định mệnh là tất cả mọi sự kiện chuyển biến kết cục của một đời người đều đã được định sẵn từ trước như một tất yếu”.
Soi chiếu khái niệm thời gian định mệnh vào tác phẩm Đắm thuyền, chúng tôi nhận ra sự xuất hiện của hai dòng thời gian định mệnh tồn tại song song với nhau nhưng ở thế đối cực và đấu tranh với nhau:
Dòng thời gian định mệnh thứ nhất được thể hiện rõ qua lời của các nhà tiên tri, qua suy nghĩ của các nhân vật về một lực lượng siêu nhiên vô hình nào đó có quyền lực tối cao chi phối cuộc đời các nhân vật Ramesh, Kamala, cụ thể là qua các từ ngữ như: cả một năm rủi ro, cái ngày định mệnh ấy, thời hạn ấy, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, con giao phó chuyện ấy vào tay trời, số phận… Cùng với những từ ngữ trên, thời gian định mệnh còn được thể hiện qua những từ ngữ có nét nghĩa chung thường gắn liền với những biến cố sự kiện biểu hiện sự ngẫu nhiên, bất ngờ, đột ngột, không lường trước được như: bỗng (10 lần),đột nhiên (9 lần), đột ngột (10 lần), thình lình (3 lần), tình cờ (2 lần)… Hệ thống từ ngữ này tạo ra khoảnh khắc thời gian gấp khúc có tốc độ nên vừa có tác dụng thúc đẩy tiến trình của truyện vừa tạo ra những khúc ngoặt cho cuộc đời nhân vật một cách ngẫu nhiên làm cho các nhân vật bị đặt vào thế bị động: Ramesh đã tốt nghiệp Luật khoa đang yêu Hemnalini đột nhiên cha ở quê gọi về lấy một người vợ chưa hệ biết mặt; trong đám rước dâu về làng, đám cưới phải đi bằng thuyền đột ngột gặp bão nên thuyền bị đắm, Ramesh bị sóng đẩy lên bờ; lúc tỉnh dậy đột nhiên nhìn thấy một cô dâu (Kamala) sống sót nằm gần đó khiến Ramesh tưởng đó là vợ mình và Kamala cũng ngỡ Ramesh là chồng mình; chung sống với nhau được vài ngày đột nhiên, Ramesh phát hiện ra Kamala không phải người vợ mà cha cưới cho mình… Chính những ngẫu nhiên này đã góp phần dệt thành thời gian định mệnh, khẳng định sự định sẵn đầy nghiệt ngã của lực lượng siêu nhiên huyền bí.
Dòng thời gian định mệnh thứ hai chủ yếu được thể hiện qua những cảm nhận, suy ngẫm của các nhân vật về sự ràng buộc của sợi dây duyên phận mà có thể tạm gọi là thời gian định mệnh tình yêu. Thực chất của dòng thời gian này làthời gian con người được R. Tagore sáng tạo và biểu hiện cụ thể qua nhịp điệu đặc biệt về thời gian với một lớp từ ngữ như: vội, vội vàng, lập tức, hối hả, hấp tấp... nhằm làm nổi bật ý thức của con người trước thực tại, thể hiện sự mong muốn chống lại định mệnh, số phận để giải phóng mình và cuối cùng đã đến được với tình yêu và hạnh phúc.
Có thể nói, việc xây dựng thời gian định mệnh với hai lớp thời gian song song tồn tại và đấu tranh với nhau cho thấy R. Tagore đã thành công trong việc biểu hiện quan điểm của mình về con người. Đó là con người hành động với thông điệp:con người muốn có tình yêu và hạnh phúc cần phải mạnh mẽ, dũng cảm, chủ động vượt qua và đấu tranh với số phận, với những hủ tục lạc hậu của Ấn Độ truyền thống. Đây là sự đổi mới đáng ghi nhận ở R. Tagore so với quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học ấn Độ truyền thống.
Thứ hai là thời gian thiên nhiên trong Đắm thuyềnĐối với mỗi người trong cuộc sống, thiên nhiên có vai trò vô cùng quan trọng. Đối với người Ấn Độ, thiên nhiên đặc biệt cần cho sự yên tĩnh của tinh thần. Bởi, nó giúp người ấn tách biệt khỏi mọi việc đời, tập trung tâm trí suy nghiệm chân lý.
Trong Đắm thuyền, thiên nhiên là một bộ phận hữu cơ “nhiều lúc là nhân chứng, là người đồng cảm, hòa hợp trong quá trình diễn biến tâm trạng của các nhân vật trong truyện”. Nó phục vụ đắc lực cho chủ trương con người hòa đồng với vũ trụ, hòa nhập thiên nhiên, năng động xông pha tích cực đi tìm qui luật để giải phóng con người. Vì vậy, trong Đắm thuyền, thiên nhiên gắn bó, gần gũi với con người tới mức khi đó, xác định thời gian các nhân vật chủ yếu dựa vào sự quan sát bằng trực giác hoặc cảm giác với một lớp từ ngữ chỉ thời tiết, mùa màng dày đặc: mùa mưa, mùa thu, ban trưa, ban chiều, trăng, sao, ánh nắng, bóng tối cùng với hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc tự nhiên. Trong đó, trăng (xuất hiện 21 lần), ánh nắng (15 lần), bóng tối (12 lần), mùa thu (10 lần), mặt trời (6 lần).
Đặc biệt và ấn tượng nhất có lẽ là hình ảnh trăng. Trong Đắm thuyền, trăng là đối tượng thưởng thức, đối tượng giao tiếp. Nó không đứng yên mà luôn trong trạng thái vận động: mảnh trăng khuyết đã mọc, ánh trăng non nhợt nhạt, mảnh trăng non tí xíu, trăng huy hoàng rực rỡ, trăng đã lặn… nên chỉ cần nhìn trăng người ta có thể biết được thời gian trong tháng và thời điểm trong đêm.
Tuy nhiên, các nhân vật ngồi dưới trăng không phải chỉ để ngắm trăng mà quan trọng hơn là nhờ ánh trăng soi rọi vào thế giới tâm hồn để khám phá ra mình, khám phá ra nhau. Chẳng thế mà mỗi khi ngồi dưới trăng, các nhân vật lại phát hiện ra một điều mới mẻ như việc Ramesh nhận ra trong suy nghĩ của anh không có chỗ nào dành cho Kamala; còn Kamala mơ hồ phát hiện ra những điều bất ổn trong thế giới nội tâm của Ramesh và cô nhận thấy “cô không có trong suy nghĩ của anh”, khoảng cách giữa anh và nàng là có thật… Vì vậy, mỗi khi bức tranh trăng được khép lại, các nhân vật thường tìm được đường hướng, triển vọng để giải bài toán cuộc đời.
Cùng với trăng, ánh nắng, màn đêm, bóng tối cũng góp phần tích cực để thông báo thời gian và tiếp thêm sinh lực hoặc tạo động lực cho nhân vật khám khá ra bản thân mình. Nắng mai xuất hiện thường tạo ra những khoảng khắc thời gian có tốc độ làm sáng mà thường là bừng sáng những căn phòng vốn ảm đạm tăm tối để tiếp thêm nguồn sống, nghị lực cho nhân vật, cổ vũ nhân vật như Hemnalini, Kamala vững bước vào ngày mới với những dấu hiệu tốt lành. Đối lập với nắng mai, nắng chiềumàn đêm, bóng tối được R. Tagore vẽ ra như một bà già sức tàn lực kiệt kéo thời gian lê chầm chậm đưa nhân vật vào cái tôi bề sâu, làm Ramesh nhận ra tình yêu đích thực của mình mà những ngày qua anh mới chỉ đứng ở những cửa bên ngoài của tình yêu, thấy mình khát khao yêu thươnghơn bao giờ hết và thấy mình không thể bỏ rơi Kamala. Còn Kamala nhận ra khát vọng về gia đình trong trái tim bé nhỏ của mình: Gia đình! Tim nàng rộn lên với suy nghĩ ấy. Giá như nàng có một gia đình nhỏ ở đâu đó ! Nhưng ở đâu ?
Nếu nắng mai tạo ra khoảnh khắc thời gian có tốc độ, nắng chiều cùng vớimàn đêm và bóng tối làm cho thời gian kéo lê chầm chậm thì nắng thu rực rỡ, dìu dịu lại tạo ra bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ với cảm giác phi thời gian mang lại cho nhân vật sự siêu thoát, thăng hoa để được bồng bềnh trên mặt biển niềm vui huyền bí: “Nắng thu làm miền quê phô ra muôn hình, muôn vẻ mà dòng sông ánh vàng là cái nền chung”, “con tàu cứ rẽ sóng đều đều và trong nắng thu rực rỡ sắc màu, đôi bờ lướt qua như một ảo ảnh bình yên song luôn biến đổi…”.
Như thế, R.Tagore đã sử dụng một cách có ý thức và hiệu quả những từ ngữ chỉ thời gian thiên nhiên để không chỉ vẽ ra bức tranh thiên nhiên đậm đà phong vị Ấn Độ mà còn làm nổi bật hình ảnh con người hòa đồng với vũ trụ, hòa nhập thiên nhiên, năng động xông pha tích cực đi tìm quy luật để giải phóng con người.
Tóm lại, qua việc tìm hiểu không - thời gian nghệ thuật trong tác phẩmĐắm thuyền của R.Tagore, chúng ta không chỉ có thêm hiểu biết về đặc trưng tư duy của người Ấn Độ, là quan điểm duy tâm định mệnh, tư duy hướng nội, tư tưởng thoát tục để suy nghiệm chân lý, mà còn thấy quan niệm nghệ thuật về con người của R.Tagore rất mới mẻ và thấm đẫm tính nhân văn. Con người phải luôn có sự gắn kết với truyền thống với cộng đồng và thiên nhiên nhưng cũng phải biết hành động vì tình yêu, hạnh phúc của mình và vì tính thiện. Đây chính là hình ảnh con người Ấn Độ mới có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và thời đại, có khả năng làm chủ cuộc sống của mình và đất nước.
 Nguyễn Thị Huân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết là hành lạc

Viết là hành lạc Lý luận văn học cổ điển Á Đông cho rằng “Tâm sinh ngôn”, ngôn viết ra là văn. Nguyễn Du nhận định: “Chữ tâm kia mới bằng ...