Để nhận ra anh
Em ngủ say không biết
anh đang nhìn hạt mưa
bóng tối xơ xác
ngoài cửa sổ
tán cây đè nặng ngực
mình...
chợt thấy con đường
tự nghiêng trong đêm.
Ẩn hiện hôm qua trong
hơi thở em:
một bảng tin mới quét
gánh hàng rong, đám cưới
qua đường
buổi
tan ca, vài con cá ngáp
một họa sỹ mới để
râu đến chơi...
Những ngọn thác câm
lặng đang đổ xuống rất mạnh
những đế giày chuẩn bị
vỡ tung
chân tường mở cánh
cửa thoát hiểm
bụi mưa phùn hay châu
chấu bay qua
cả ngôi nhà lao đi
chóng mặt
sửng sốt, rã rời khi
gặp bình minh...
Anh bấm số điện thoại
tưởng tượng
để em biết mọi điều
từ trong giấc mơ.
Lời bình của nhà văn
Phạm Thùy Linh
Không khó để có thể nhận
ra một con người, nhưng lại khó có thể nhận ra họ đang nghĩ gì, khao khát gì và
cần gì nữa. Dù đó có thể là người tối lửa tắt đèn có nhau, dù đó có thể là
người vợ “đầu gối, tay ấp”. Nỗi cô đơn trong bài thơ “Để nhận ra anh” của Mai
Văn Phấn mênh mông hơn những gì người ta có thể phác họa thành lời. Và bi kịch
của nhân vật trong bài thơ này cũng mênh mông như thế… Em ngủ say không
biết/ anh đang nhìn hạt mưa/ bóng tối xơ xác ngoài cửa sổ/ tán cây đè
nặng ngực mình.../ chợt thấy con đường/ tự nghiêng trong đêm.
Xuất phát của tứ thơ như
trong lời kể, lời tự sự của nhà thơ hẳn ai cũng có thể tưởng tượng ra. Đó là
màn đêm. Đêm đã khuya lắm. Người phụ nữ đã ngủ say, không biết người đàn ông
đang ngồi lặng nhìn hạt mưa và bóng tối xơ xác ngoài cửa sổ. Người đàn ông ấy
hẳn rất nặng ưu tư, có tâm sự không biết ngỏ cùng ai. Chỉ biết nhìn mông lung
ra bóng đêm, để thấy “tán cây đè nặng ngực mình”. Nỗi cô đơn trong
đêm càng làm người ta thấy nặng nề hơn. Giá như, lúc ấy, lời tâm sự có thể
thoát ra khỏi lòng ngực. Giá như, lúc ấy, nhân vật “em” tỉnh giấc thì có lẽ,
người đàn ông đang nhìn hạt mưa ngoài cửa sổ sẽ không bao giờ“chợt thấy con
đường/tự nghiêng trong đêm”.
Những người đã từng có
nỗi lo, nỗi ưu tư sẽ hiểu được vì sao Mai Văn Phấn lại ví tâm sự trong đêm như
“tán cây đè nặng ngực”. Có lúc, nỗi bức bối không được giải thoát tâm trạng đến
tức ngực, ngực trở nên nặng hơn. Và con tim trong lồng ngực nhỏ bé ấy cũng bức
bối muốn thoát ra ngoài. Trong nỗi cô đơn ấy, người đàn ông đọc được những lo
toan, suy nghĩ của vợ mình.
Phập phồng trong từng hơi thở, nhọc nhằn như những giọt mồ hôi vẫn đang thánh thót rơi. Những vụn vặt đời thường theo hơi thở mệt mỏi của người vợ vào cả trong giấc ngủ. Để người đàn ông thấy: Ẩn hiện hôm qua trong hơi thở em: / một bảng tin mới quét/ gánh hàng rong, đám cưới qua đường/ buổi tan ca, vài con cá ngáp/ một họa sỹ mới để râu đến chơi...
Phập phồng trong từng hơi thở, nhọc nhằn như những giọt mồ hôi vẫn đang thánh thót rơi. Những vụn vặt đời thường theo hơi thở mệt mỏi của người vợ vào cả trong giấc ngủ. Để người đàn ông thấy: Ẩn hiện hôm qua trong hơi thở em: / một bảng tin mới quét/ gánh hàng rong, đám cưới qua đường/ buổi tan ca, vài con cá ngáp/ một họa sỹ mới để râu đến chơi...
Chỉ những hơi thở bình
thường mà người đàn ông thấy khắc họa lại cả một bức tranh cuộc sống sinh hoạt
với bộn bề suy nghĩ. “Một bảng tin mới quét/ gánh hàng rong, đám cưới
qua đường…” – đó là những gì hiển hiện trong ánh mắt người phụ nữ ngày
ngày phải lo cơm nước, chợ búa. Đó là cuộc sống với những lát cắt rất đời
thường. Chỉ một gánh hàng rong, một đám cưới qua đường, phiên chợ cuối chiều
thức ăn, thịt cá đều ôi cả… Sự nhọc nhằn không được nói ra nhưng chỉ qua những
hình ảnh của cuộc sống lại khắc họa được khuôn mặt và nếp nghĩ mệt mỏi của
người phụ nữ. Hiển hiện lên đó, trong hơi thở là cả chuỗi thời gian dài dằng
dặc trong ngày. Mệt mỏi, vất vả, quay cuồng. Vãn chợ chiều, hình ảnh vài con cá
ngáp giúp người đọc liên tưởng đến bóng tối chạng vạng, người bán, người mua
đều thưa vắng. Chỉ còn những mẹt hàng ế ẩm, dăm ba con cá không còn tươi chờ
đợi người phụ nữ đi chợ muộn thôi. Nhưng…, còn có một tiếng thở dài rất khẽ,
rất mệt mỏi trong giấc ngủ của người vợ ấy mà người chồng cảm nhận được. Đó là
câu kết của khổ thơ này “một họa sỹ mới để râu đến chơi”. Người vợ thấy mệt
hơn, thấy khó có thể chia sẻ khi chị đang lo toan những vất vả đời thường. Còn
khi về đến nhà, lại thấy…, những người nghệ sĩ để râu đang mạn đàm nghệ thuật.
Trong suy nghĩ của chị, nghệ thuật phải dành cho những phút thư nhàn, những lúc
không phải lo về cuộc sống, bữa cơm, manh áo. Đằng này…, suy nghĩ vẫn quẩn
quanh dăm con cá, mớ rau, gánh hàng rong nhọc nhằn với những vệt mồ hôi rịn
thẫm mảng lưng áo thì làm sao có thời gian dành cho nghệ thuật.
Cho nên, người chồng
nghệ sĩ đang thức đây – độc thoại trong đêm để thấy lồng ngực mình nặng trĩu.
Và thấy…
Những ngọn thác câm
lặng đang đổ xuống rất mạnh
những đế giày chuẩn bị
vỡ tung
chân tường mở cánh
cửa thoát hiểm
bụi mưa phùn hay châu
chấu bay qua
cả ngôi nhà lao đi
chóng mặt
sửng sốt, rã rời khi
gặp bình minh...
Thời gian dồn dập cũng
như sự trĩu nặng của tâm tư dồn nén xuống đế giày. Đến mức, “những đế
giày chuẩn bị vỡ tung”. Cứ ngùn ngụt nỗi cô đơn mênh mông không có lỗi
thoát, không có chỗ để trút bỏ. Và đêm cũng qua tự lúc nào không biết. Nên
người đàn ông kia mới “sửng sốt, rã rời khi gặp bình mình…”
Một đêm cô đơn, câm nín,
lặng nhìn hạt mưa rơi ngoài cửa sổ của người đàn ông trôi qua như vậy. Lặng lẽ,
nhưng lại bồn chồn và thôi thúc ở trong lòng. Những thôi thúc, ghìm nén ấy nếu
được giải tỏa, có lẽ sẽ làm cả căn nhà vỡ tung. Nhưng, lại cứ nuốt vào lòng vậy
thôi. Vì hơi thở nhọc nhằn của người đàn bà với những lo toan vất vả đã khép
tâm trạng người đàn ông chất ngất nghệ sỹ ấy.
Hai câu kết trong bài
thơ này nói lên mong mỏi được sẻ chia của người đàn ông cô đơn xuyên suốt bài
thơ này:
Anh bấm số điện thoại
tưởng tượng
để em biết mọi điều
từ trong giấc mơ.
Người đàn ông ấy đã ước,
giá như người phụ nữ kia tỉnh giấc, giá như có một số điện thoại tâm hồn kết
nối họ lại với nhau, có lẽ, người phụ nữ sẽ hiểu người đàn ông của mình đang
nghĩ gì, đang mong muốn gì. “Để nhận ra anh”, tựa đề của bài thơ cũng là mã số
giải đáp những ẩn khuất trong tâm hồn đầy trĩu nặng. Và một mong ước giản đơn
để hai tâm hồn hòa vào làm một, vĩnh viễn sẽ không còn nỗi cô đơn nào đè nặng
lồng ngực trong đêm mưa như thế nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét