Đọc tập thơ LÀNG NHẠN 3 có tựa là "BẾN SÔNG TƯƠNG"
Hôm trước Trần Công
Cường đến chơi mang theo một số sách vở giúp tôi "giải sầu" lúc nhàn
rỗi. Trong số sách Cường mang đến có tập thơ Làng Nhạn, tập 3 do câu lạc bộ thơ
làng Nhạn Tháp xuất bản có tựa đề "Bến sông Tương". Nhạn Tháp cách
làng tôi hơn cây số, nếu đi theo lối tắt giữa đồng; khoảng hai cây số nếu đi
theo quốc lộ 7 rẽ vào. Nhạn Tháp từ xưa là xứ nổi tiếng "địa lợi, nhân
hòa". Làng nằm dưới chân một ngọn đồi nhỏ có tên là Rú Tháp (rú theo tiếng
quê tôi là đồi, núi). Có lẽ những căn nhà vây quanh Rú Tháp theo hình con nhạn
đang soải cánh bên rú nên làng có tên là Nhạn Tháp chăng? Dù tên làng bắt nguồn
từ sự tích nào nhưng theo tôi biết thì mảnh đất ấy vẫn là "địa linh, nhân
kiệt" của xã. Nhân kiệt ở Nhạn Tháp phải kể đến dòng họ Nguyễn Đăng. Nhiều
người trong dòng họ Nguyễn Đăng có học vấn cao và một số có địa vị trong xã
hội.
Bìa tập thơ làng Nhạn 3 "Bến sông
Tương".
"Bến sông Tương" tập
hợp 98 bài thơ của của 20 tác giả, trong đó có một tác giả dịch 9 bài thơ Đường.
Trong tập thơ có 4 tác giả được tuyển chọn đến 8 bài thơ vào tập sách gồm Đào
Công Chính, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Đăng Quỳ và Nguyễn Văn Xước. Các tác giả
còn lại được chọn đăng một bài, hai bài hay sáu bài, bảy bài.
Tên tập thơ được
lấy từ một bài thơ của thành viên câu lạc bộ Nguyễn Đăng Quỳ. Bài thơ như một
tiếng thở dài khi nghe tin bạn đã qua đời:
Nghe tin bạn đã qua đời
Mấy lời thơ để tỏ lời nhớ thương
Người thương ơi hỡi người thương
Bến Tình còn đợi, sông Tương còn chờ
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Để ai ai để bơ vơ một mình.
(Bến sông Tương- Nguyễn Đăng Quỳ)
Đọc bài thơ, độc
giả nhận ra sự nuối tiếc một cuộc tình không thành của người trong cuộc. Chỉ
đến khi người bạn tình mất, tâm trạng của người còn lại trở nên thẫn thờ tiếc
nuối. Bài thơ ngắn đưa người đọc liên tưởng đến hoàn cảnh của các nhân vật
trong bài thơ: mối tình dang dở ấy có thể do chiến tranh chia cắt, do định kiến
của gia đình cản trở...
Nhưng tập thơ
không hoàn toàn chứa nét buồn như "Bến sông Tương" mà mang nhiều nét
cảm xúc, nhiều suy nghĩ khác nhau khi tác giả của bài viết từng trải, chiêm
nghiệm. Một nét trong bài thơ " Nàng hóa đóa xương rồng khóc mãi với thời
gian" của Nguyễn Đăng An viết ở xứ Mônacô xa lắc cũng có tâm trạng gần
giống với "Bến sông Tương":
..."Nàng lang thang cả đời đợi chồng
Thời chiến chinh chồng nàng không về nữa
Chàng nằm lại nơi đạn bom khói lửa
(Nàng hóa đóa xương rồng khóc mãi với thời gian- Nguyễn Đăng An)
Hoàn cảnh của
"nàng xương rồng" na ná giống nàng Tô Thị hay hòn Vọng Phu của cổ
tích Việt nhưng khác ở địa giới và điển tích.
Ngoài những chuyện
tình mang nét "Bến sông Tương", nhiều bài thơ trong tập sách viết về
những cảnh đẹp, tình người và cảm xúc của tác giả khi đi qua những vùng đất mới
trong các bài "Dừng bước Nha Trang" (Đào Công Chính), :"Đà
Lạt" (Phan Thị Lệ Dung), "Biển vắng" (Nguyễn Văn Đoàn),
"Gửi Sa Pa", "Phiên chợ Bắc Hà", "Với Hà Giang",
"Chiến trường xưa" (Nguyễn Đăng Hoàn); "Đất Quảng Trị mấy lần em
đến", "Ơi dòng sông phố", "Anh với Quy Nhơn",
"Một thoáng Hà thành"... Với những vùng đất mới đặt chân đến, tình
cảm của các nhà thơ cũng nặng lòng và rất thật lòng:
"Thành phố thông đồi rực sắc hoa
Sẵn lòng đón khách đến từ xa
Thiền lâm trúc viện nơi yên tĩnh
Thung lũng tình yêu cảnh mượt mà
Cưỡi ngực đường đèo vui già trẻ
Ngắm hồ nữ sĩ thỏa tâm già"...
(Đà Lạt- Phan Thị Lệ Dung).
Hay:
"...Lặng ngắm cô tiên- Thần Vệ nữ
Lãng quên tóc bạc trắng phơ phơ".
(Dừng bước Nha Trang- Đào Công Chính)
Hoặc sự da diết,
bâng khuâng khi về lại chiến trường xưa:
"Mình về nhớ chiến trường xưa
Hai mươi năm ấy bây giờ ra sao
Tháng năm khói súng chiến hào
Tóc xanh xanh áo xanh bao núi đồi
Phố Ràng ơi! Phố Ràng ơi!"...
(Chiến trường xưa- Nguyễn Đăng Hoàn).
Nổi bật hơn cả
trong tập thơ là những bài nói lên sự kính trọng, sự thương tiếc trước sự ra đi
của "người Anh Cả" quân đội và tình yêu thương làng Nhạn Tháp mỗi khi
các thi nhân về thăm quê khi mùa Xuân đến hay lễ hội... Tình yêu cha mẹ, anh
em, bà con láng giềng... thật tha thiết ấm lòng người đọc. Tình cảm ấy không
còn như "Chuyện tình sông Tương" được nêu ra làm tựa cho tập thể mà
nó rất thật, rất gần gũi và chảy dạt dào trong trái tim người đọc, người thưởng
thức. Trong bài "Thương tiếc anh Văn", tác giả viết:
..."Hôm nay từ trẻ đến già
Dự truy điệu nhớ người anh Cả
Ngoài trời đen mưa rơi tầm tã
Cùng toàn dân gánh nặng đau thương
Chịu tang vị Đại tướng nhân dân
Bác ra đi thương tiếc vô ngần
Cả sông núi nỗi đau quằn quại"...
(Nguyễn Đăng Quỳ)
Tập "thơ làng
Nhạn" tập 3 chỉ có 4 bài (chiếm khoảng 5%) viết về làng Nhạn. Mỗi bài viết
về làng Nhạn mang một sắc thái, một vị thế khác đưa đến độc giả tình cảm thân
thương đối với vùng quê rất đỗi thơ mộng này. Nguyễn Thị Hồng Đơn viết về làng
Nhạn với niềm tự hào:
"Ngày xưa rú Đảo vắng tanh
Ngày nay rú Đảo muôn hình đẹp sao
Bác về chắp cánh bay cao
Quê hương đất Vĩnh ấm bao tình người"...
(Làng Nhạn quê tôi).
Đào Xuân Đỉnh viết
về làng Nhạn trong dịp hội thơ nhưng lại nhắc đến ngày xửa ngày xưa, đó là mảnh
đất "chôn nhau cắt rốn" của bà ngoại, người đọc có thể liên tưởng tới
đời con, đời cháu, đời chắt của bà lớn lên, trưởng thành bắt nguồn từ vùng quê
ấy:
"Về với hội thơ làng Nhạn
Nơi bà ngoại tôi khóc chào đời
Làng Nhạn bây giờ bao đổi mới
Nhà cao, đèn điện sáng ngời"...
`
(Về làng Nhạn).
Nhiều bài thơ dành
tình cảm cụ thể cho những người thân yêu ở làng quê Nhạn Tháp. Bài thơ
"Mẹ" viết về người phụ nữ tảo tần, từng làm nghề dệt vải rồi khi về
làm dâu làng Nhạn đã phải vất vả sớm hôm ngoài ruộng đồng. Với sự nỗ lực phi
thường mẹ trở thành "vua cấy cày" ngay tại quê chồng và nuôi các con
khôn lớn, thành người có ích cho xã hội:
"Nối đời Phượng lịch Diễn Hoa
Nghề dệt vải cứ ngỡ là dài lâu
Thế rồi đến tuổi làm dâu
Mẹ về vùng trũng dãi dầu nắng mưa
Cấy cày tập tễnh sớm trưa
Dần quen mẹ trở thành "vua" cấy cày"...
(Mẹ- Nguyễn Đăng Chế)
Và những dòng của Nguyễn Văn Bốn chia sẻ với mẹ khi nghe tin anh
trai mất lúc tác giả đang ở xa với nỗi lòng đau đáu:
Anh mất, chắc mẹ khóc nhiều
Bóng già in vách dáng liêu xiêu
Con ở xa không về thăm được
Đêm ngày thương nhớ biết bao nhiêu.
(Mẹ)
Còn có nhiều áng
thơ nói về tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống giản dị, mộc mạc nơi vùng
đất yêu dấu này mà tôi không thể kể ra hết...
Thật cảm động khi
những người con sinh ra, lớn lên từ làng Nhạn Tháp rồi ra đi khắp bốn phương
trời, trở thành người có địa vị trong xã hội; nay trở về gia nhập "Câu lạc
bộ thơ" của làng viết nên nhiều tập thơ về quê hương yêu dấu của mình. Dẫu
rằng các bài thơ trong tập sách được giới thiệu này chưa phải là những
"tuyệt tác thơ văn" và nhiều bài còn khá lủng củng chưa tròn vần,
đúng điệu nhưng tập sách đáng được trân trọng. Thạch Minh xin có đôi lời mạo
muội luận bàn hầu giới thiệu tập thơ cùng độc giả gần xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét