Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Tản mạn đôi điều

 TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU ...

      “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
      Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”


      Đó là một đoạn lời ca trong ca khúc của Trịnh Công Sơn mà tôi rất ưa thích, ưa thích  là bởi vì ý tình trong đôi câu hát đó rất thích hợp với tâm trạng của những kẻ như tôi bây giờ. Giá như nếu có bảo ngồi xuống và muốn nửa đời nhìn lại thì có lẽ tôi cũng có thể làm được chuyện đó rồi đấy. Có cả một quãng đời niên thiếu chôn chặt đầy ắp những kỷ niệm thân yêu hương vị quê nhà. Có cả một thời thanh xuân rong ruổi xây đắp bao mộng ước trong những ngày du học nơi xứ Phù Tang. Rồi hơn một nửa phần đời còn lại lưu lạc trên xứ sở này. Chỉ mới kể ra ngần ấy thì đã thấy trong óc có bao nhiêu điều để nhớ, trong tim có bao nhiêu điều để thương, có bao nhiêu hoài bão ước mơ được vun trồng chất ngất và cũng có biết bao mất mát trong thoáng chốc nát lòng. Ấy vậy mà thỉnh thoảng vào những hôm thời tiết Cali trở lạnh đột ngột như hôm nay, thành phố như đang co ro trong cái không khí ướt át, sau một cơn mưa đầu mùa vừa đổ xuống lúc đêm khuya, còn vương vãi những đám lá vàng khô phủ đầy hai bên hè phố. Chen chân giữa hàng người qua lại, nhìn ngắm thiên hạ đã bắt đầu khoác thêm ít quần áo lạnh, khiến người ta cũng thấy được đôi chút cảm xúc buổi giao mùa. Xa xa một quán ăn góc đường, mùi phở Bắc thoang thoảng từ đâu đó đưa lại đột nhập qua khứu giác. Chao ôi! bình dị thôi, nhưng đó phải chăng là giấc mơ thật giản dị mà cũng không kém phần thần tiên của bao người Việt sống tha hương, từ những vùng xa xôi hẻo lánh chỉ mong thỉnh thoảng có dịp ghé về thăm, để tìm lại chút hương vị quê hương trong cái địa danh: khu phố Little Saigon?
     Quả đúng như vậy! Vào những buổi sáng chớm thu trở lạnh như hôm nay, có chút nắng vàng vương ngoài ngõ, trên cao bầu trời thu xanh ngắt, có một chút gió heo may héo hắt trở về, lòng chùng nhưng thanh thản như đôi phím đàn lâu ngày bám bụi thời gian. Khoác thêm chiếc áo lạnh lên người, ghé qua một góc phố quen thuộc, tìm vào một quán phở thân quen, ngồi xuống và... cứ để mọi sự việc tuần tự bắt đầu: Tôi đón lấy tờ thực đơn từ tay người hầu bàn mang đến như một thông lệ cố hữu, chỉ cần lướt qua đấy chiếu lệ, rồi bảo: “Anh cho tôi một tô chín nạm và nhớ nước dùng phải thật trong đấy nhé.”  Trong lúc chờ đợi, vẩn vơ nhìn qua bãi đậu xe rộng thênh thang còn vắng người qua lại, đôi đũa và cái thìa cũng vừa được lau chùi lại sạch sẽ nằm ngay ngắn trên bàn chờ đợi. Cùng lúc ấy người hầu bàn cũng vừa bưng ra tô phở nóng hổi, khói đang bốc lên nghi ngút, trông hấp dẫn quá. Ôi thật là tuyệt!
      Có những cái thú lắm lúc chỉ giản dị có thế, ấy vậy mà ba mươi năm trước đây, ai đó thì không biết thế nào, chứ riêng tôi mỗi khi có muốn nghĩ đến một tô phở đúng mùi vị quê hương, muốn thưởng thức một bát phở đúng nghĩa với đầy đủ gia vị, thêm vài ngọn rau thơm, ngò gai húng quế, thêm tí tương đen tương đỏ thì quả là một chuyện xa vời. Dạo ấy thử hỏi có ai là người đào đâu ra được một bát phở đượm quốc hồn quốc túy như thế giữa cái thành phố Tokyo, một nơi chốn phồn hoa đô hội vào bậc nhất thế giới, suốt ngày những chuyến tàu xanh, tàu đỏ, tàu vàng bận rộn như mắc cửi, chật ních toàn những người là  người, mà lúc nào ai nấy cũng vẫn chỉnh tề nghiêm túc.
       Quán Kirakunam của bà Định nằm trên con đường từ nhà ga Okubo đến trường Nhật Ngữ Kokusai, là tiệm ăn duy nhất ở Tokyo, hàng ngày có bán một ít thức ăn bình dân theo kiểu Việt Nam, mà đám thực khách chủ yếu của bà là những anh chị em du học sinh chúng tôi, họa hoằn lắm bà mới có được một bữa bán phở, và hương vị phở của bà chỉ là chất liệu còn rơi rớt lại, từ ký ức nơi một người đàn bà Việt lấy chồng Nhật, theo chồng hồi hương chắc cũng đã lâu lắm rồi. Đám anh em chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đến quán Kirakunam, có người chắc cũng vì mến bà trong cảnh ngộ một người đồng hương xa xứ, hoặc giả lâu ngày quá cũng muốn tìm lại chút hương vị nước mắm quốc hồn quốc túy. Những chén nước mắm nhỏ xíu được bà pha chế rất khéo, loang loãng hương vị mùi nước mắm thêm chút đường, tí tỏi ớt, điểm thêm ít sợi cà rốt thái nhỏ, khiêm tốn tươi màu theo phong vị Nhật Bản rất mực khiêm cung! Trong chúng tôi, cũng có kẻ đến thăm quán ăn của bà thường xuyên hơn, chắc chắn không phải vì nhớ đến hương vị của những món ăn ngon, những bữa phở hay tài nấu nướng của bà mà có lẽ vì hình bóng hai nàng con gái xinh đẹp tuổi đôi mươi, mang trong người hai dòng máu Việt Nhật rất thùy mị đoan trang.
   Chắc cũng phải mất mấy năm sau đó, đám sinh viên chúng tôi mới có được một nơi chốn tụ họp, câu lạc bộ Phan Sào Nam do sứ quán tổ chức được thành hình, tọa lạc gần cư xá Komaba, nơi đây lâu lâu mới có những bữa phở định kỳ bán giá tượng trưng cho sinh viên. Bây giờ tôi không còn nhớ câu lạc bộ ấy sinh hoạt được bao lâu và tôi ăn phở ở đấy được mấy lần. Miếng ăn nhớ lâu, cơ cầu nhớ dai!  Câu phương ngôn ấy không biết xuất phát từ bao giờ, ai nói ra, mà sao đúng thế. Đúng vừa vặn văn phong từng khúc ruột, đúng da diết như nỗi nhớ cồn cào than vãn của những cái dạ dày đã quá cưu mang những gói ramen tinh khiết những ngày cuối tháng. Cái nhớ cứ không chịu nằm yên, cái nhớ dai dẳng lan man rồi lây qua đến cái nhớ không khí ấm cúng gia đình. Cũng có khi cái nhớ quay quắt vùng lên như thèm một ánh mắt, một nụ cười gợi lại cả một mối tình êm dịu mà kín đáo nơi quê hương. Nhưng rồi một hôm cái nhớ ấy thực sự bùng lên mãnh liệt khi tôi có người bạn ở quê nhà gửi sang tặng cuốn sách Miếng Ngon Hà Nội của Vũ Bằng. Ôi thôi, dù đã biết biệt ly nhớ nhung từ đây, mà giờ như lại được tăng thêm cường độ qua từng trang sách, từng dòng chữ của Vũ Bằng. Cái tri âm vô hình, vô ảnh làm mắt tôi như dính chặt vào từng trang sách, từng dòng chữ, từng món ăn khi nghe ông kể, dù chỉ là những món ăn rất xoàng xĩnh giản dị, mới thoáng nghe thì chỉ tưởng là những món quà thôn dã, nhưng qua mảnh đất ngàn năm văn vật ấy, hình như đã được nâng cấp lên hàng nghệ thuật, được gói ghém bằng cả tấm lòng thương nhớ quê hương. Nỗi nhớ nhung người vợ hiền, với đôi bàn tay khéo léo, đã cho ông được thưởng thức những miếng ngon đất Bắc, đồng thời cũng chính người đàn bà tuyệt vời, đảm đang nội trợ ấy, đã cho ông nguồn cảm hứng để viết lên cuốn sách này. Một kẻ xuôi Nam, nhớ về những buổi tối mùa thu se lạnh, đìu hiu trên đất Bắc, nhớ da diết người vợ hiền còn ở lại đất Thăng Long...  Tất cả những tâm sự khắc khoải ấy của Vũ Bằng đã được lọc lõi, giàn trải trên giấy bút và trở thành lời hay ý đẹp trong văn học, như người nhạc sĩ trong một đêm về sáng, vào giây phút xuất thần đã dồn hết cảm xúc, thiết tha viết lên được ca khúc để đời... Thử hỏi như thế làm sao không động lòng trắc ẩn những kẻ xa nhà như chúng tôi. 
     Dạo đó tôi mê Món Ngon Hà Nội của Vũ Bằng, mê phở, món quà hàm thụ của ông. Phải nghe ông tả về phở, món quà căn bản của Hà Thành mới thấy được cái ngon lạ lùng đến thế nào: “...Thật thế, phở đối với một hạng người không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện,  ...từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào chùa trong rồi lại ra chùa ngoài... Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có...”  Hãy để ông vẽ thêm những nét tinh tế đáng yêu trong trí tưởng tượng của người đọc thì mới thấy bức tranh phở của ông lâm ly và tuyệt kỹ đến thế nào: “... Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng tươi thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức tranh lập thể của một họa sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt.” Nhưng trên hết mọi điều, bên cạnh cái khoan khoái khi thưởng thức một bát phở ngon đắc ý như thế ông vẫn không quên nhắn nhủ: “Quả vậy, ăn một bát phở như thế, phải nói rằng có thể “lâm ly” hơn là nghe thấy một câu nói hữu tình của người yêu, ăn một bát phở như thế, thú có thể ví như sau một thời gian xa cách, được ngã vào trong tay một người vợ đẹp mà đa tình vậy.”
   Không phải chỉ Vũ Bằng mới có những áng văn ẩm thực hay như vậy, thời còn trung học khi mà những tác phẩm của các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn còn là sách gối đầu giường, nhà văn Thạch Lam cũng đã tả về phở trong “Hà Nội 36 Phố Phường”, ông viết:“Phở là một thứ quà thật đặc biệt Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon”, nhưng phải thành thật mà nói gánh phở của Thạch Lam bình dị quá, không thể nào so sánh được với gánh phở của Vũ Bằng đượm tình hơn, phở Thạch Lam không để lại cái cảm giác lưu luyến trong lòng thực khách hay cái khao khát nhớ nhung vào những hôm trở trời, se se lạnh, để thấy bâng khuâng trong lòng một nỗi nhớ xa xăm.
      Dạo mới đặt chân đến Mỹ, gia đình tôi cũng như hàng vạn gia đình Việt Nam khác, được định cư tản mát đến tận những nơi vô cùng xa xôi hẻo lánh. Trong những thành phố nhỏ, chỉ có chừng một dúm người Việt, xa hẳn những nơi tập trung buôn bán thực phẩm của người Á Đông. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, hầu như nhà nào cũng biết nấu phở, mọi người hỏi nhau, mách cho nhau những công thức chế biến phở, rủ nhau đến những khu chợ Tàu, xa hàng mấy tiếng đồng hồ lái xe để khuân về nào là những thùng gia vị, thực phẩm khô, nào là từng nhúm bánh phở khô con con, khi ấy còn được buộc đơn sơ bằng những sợi cao su mộc mạc.
      Tôi còn nhớ có những quán phở tị nạn tại gia, chỉ mở vào buổi sáng chủ nhật cuối tuần rất được chiếu cố. Đó là nơi chốn hẹn hò tại nhà một gia đình nào đó, mà chủ nhân là người có chút biệt tài nấu nướng, chỉ cần thêm vài cái bàn, dăm ba cái ghế và số thực khách vỏn vẹn là những người Việt Nam cùng quen biết trong tỉnh. Thật khó mà nhớ hết hương vị khác nhau của những bát phở tị nạn ngày xa xôi đó. Cái lúc mà lòng người còn đơn giản chân tình, vị giác vẫn còn dễ dãi, thì sự đòi hỏi cầu kỳ, khó tính đã không có cơ hội để nhen nhúm. Chỉ cần nhìn thấy bát phở nóng đang bốc khói nghi ngút là đã đủ để ấm lòng. Trong cái cô đơn lạnh lẽo, những ngày đông tuyết phủ trên xứ lạ quê người, thì dù bát phở kia có thiếu đi vài ngọn ngò gai hay húng quế, nước dùng kia có hơi quá tay mùi hồi, hay non tay mùi quế thì có xá chi? Tình người Việt Nam lãng đãng nhẹ bay như hương vị phở, xa quê hương nhưng thơm ngát hơn bao giờ.
      Bây giờ ngồi trong quán phở, thực khách đủ hạng người, lác đác có cả những khuôn mặt bản xứ cũng đang hứng thú làm quen với nét ngon và lạ của văn hóa ẩm thực xứ mình. Tôi nhìn đĩa rau thơm đầy ắp, không thiếu một mùi vị nào từ những cọng giá sống trắng muốt, mập mạp dòn tan, vài miếng chanh mọng nước đến những ngọn húng quế, dăm lá ngò gai tươi mát như mới được hái từ nông trại đưa về, chỉ mộc mạc có thế nhưng có ai biết đâu cuộc hành trình này cũng lắm gian nan, cũng phải mất bao công khó, bao thời gian để hôm nay mới có được một nơi chốn mang danh hiệu Little Saigon. Dạo đó con đường Bolsa còn vắng vẻ, đây đó vài quán ăn mọc lên thưa thớt. Tôi còn nhớ rõ một trong những quán phở đầu tiên mang tên Hội Quán Việt Nam, nơi tụ họp thường xuyên của lớp người Việt tị nạn tiên phong. Rồi dần dà biết bao tiệm ăn, quán phở mọc lên mà chính tôi bây giờ cũng không sao nhớ hết. Ba mươi năm những sinh hoạt tưởng như đã gần hội nhập vào dòng chính mà hầu như những tiệm phở, tất cả vẫn là những quán ăn bài trí rất giản dị, hao hao giống nhau từ nội dung đến hình thức. Hình như phở thích hợp với những khung cảnh như thế, phở quen xuềnh xoàng, phở bình dân, phở là bạn của mọi người, mọi giới. Phở không câu nệ hình thức, chẳng thế mà ở những cao lâu tửu quán sang trọng, phở không mấy khi có mặt. Bởi cũng lẽ dễ hiểu, phở vốn là món quà căn bản dân dã như lối nói của Vũ Bằng: “... người đi ăn phở - nói cho thật đúng chữ ăn phở - không kỳ quản lắm đến sự bài trí cuả chỗ ăn, cũng như người ăn thuốc phiện, nghiện tiệm, không cứ là phải nằm hút ở một chỗ sang trọng có dọc đẹp, đèn pha lê và tiêm móc làm bằng bạc. Nếu ta đã thấy có những người giàu có, nghiện thuốc phiện, chui vào những cầu gác bẩn thỉu, hôi hám để ăn thuốc mới thấy ''đã thèm'', thì ta lại cũng thấy bao nhiêu người sang trọng lần mò tới chỗ rất tồi tàn, để ăn cho được một hai bát phở”. 
    Đâu cứ phải vào tiệm phở mới tìm được một bát phở ngon, bởi ngày trước bản chất ngon của phở thường chỉ là từ những hàng phở gánh, phở xe mà tên gọi thường được gán cho bởi thực khách. Có khi gọi bằng tên của con phố nơi người hàng phở đứng bán như phở Hàng Than, phở Cống Vọng, phở Nhà Thương Phủ Doãn... Có khi gọi theo cách phục sức nữa, như cái mũ tàu bay trên đầu một anh bán phở thời Tây trước kia, đã trở thành một thương hiệu trứ danh Phở Tàu Bay sau này. Thậm chí có khi chỉ là một cái tật nguyền không may của các bác bán phở cũng được người ăn thông cảm, thân mật gọi thành tên như phở Gù, phở Sứt... Nhà văn Nguyễn Tuân trong một bài viết về phở có những nhận xét rất tinh tế như sau: “Cái tên càng độc, âm ngắn cộc, càng đáng cho người mua tin cậy, cái tên một chữ như một nhát dao thái xuống miếng thịt chín”. Không ai hơn được ông trong cung cách thưởng thức nghệ thuật ăn uống: “Thật ra ăn phở cho đúng, đúng cái ''gu'' của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của phở... Theo tôi nghĩ cái nguyên tắc cơ bản của phở là làm bằng thịt bò...  Trong năm đói 1945, ở đáy nồi nước phở của thời đại, ở Hải Phòng và Hà Nội đã có những thùng phở có cả những bàn tay trẻ con, nhưng đó lại là chuyện khác .”
      Cũng một lần khác ghé vào một quán phở trong khu Little Saigon, tình cờ tôi phát hiện trong tờ thực đơn ngoại trừ tên những món phở cố hữu, lại còn có thêm món phở không người lái. Hỏi ra mới biết rõ căn nguyên và khéo khen người chủ nhân gốc Hà Nội kia đã có óc hài ước mang tính thời sự đương thời, khi gọi lại tên một món phở không thịtchỉ để nhằm giới thiệu với những thực khách ngần ngại ăn thịt vì có ý tưởng muốn giảm lượng cholesterol và chất béo trong cơ thể mà thôi, nhưng thử hỏi có mấy ai biết và hiểu rõ lai lịch của cái tên gọi khá là buồn cười ấy nhỉ?  Phải giở lại những trang viết về phở của Tô Hoài từ cái thời xa xưa, cái thời mà Hà Nội chìm đắm trong bom đạn chiến tranh và trong sự khốn khó tột cùng ấy, người dân ở đây chỉ mong sao no được bụng đã là một sự may mắn chứ còn nói đến thịt bò thì quả là một sự khan hiếm cực kì cho nên mới nảy sinh ra nhiều loại phở chỉ có bánh với lõng bõng nước dùng nhạt phèo...   Nhưng cái sự ví von trào lộng của người Hà Nội thì khôn cùng, chả là thời bấy giờ không lực Hoa Kỳ thường xử dụng một loại máy bay trinh sát không cần phi công điều khiển. Người dân đất Hà Thành đã nhanh chóng suy luận, diễn giải rằng phở mà không có thịt thì có khác chi những chiếc phi cơ trinh sát kia không có người lái.  Một khi đã vui được, cười được thì cái sự ăn uống cho dù đạm bạc đến mấy cũng cố nuốt trôi như nước chảy theo dòng ấy, chả thế mà có:  “... Những bác xích lô bưng ra hè một lúc ba bát phở không người lái. Cả ba bát phở bánh cao có ngọn bày ràn rạn: chỉ một thoáng đã lần lượt ăn hết...”.  Và gần đây nhất, nhà văn Băng Sơn trong một bài viết về những nét đan thanh Hà Nội, cũng nhắc đến hương vị của đất Hà Thành: “Hà Nội vẫn rất Hà Nội khi hương vị thơm ngon kỳ thú của món quà không sánh đâu kịp: Phở. Có lai tạp đấy, có thời thượng đấy, có xô bồ đấy, nhưng tinh hoa thì bao giờ cũng vẫn là tinh hoa. Người Hà Nội vẫn tìm ra những bát phở theo sở thích riêng mình, đó là bát phở chín, dù là chín nạm hay chín gầu, chín sụn, chín nhừ ... mặc ai ăn phở trứng tanh lòm, phở giò cho béo bổ, hoặc ngay một món quà dân dã, rẻ đến bất ngờ là bún riêu cua, vẫn còn nguyên hương vị của món riêu cua đồng ngọt mà thanh, sợi bún mềm mà mát, trắng tinh như mây trời đậu xuống, bất chấp ai phàm ăn cho đầy bát những giá đỗ, những đậu rán thái quân cờ, những thỏi giò bằng nửa cổ tay, thậm chí giầm vào đấy quả trứng vịt lộn, để lấy lại sức đã đánh mất đêm hôm trước.”
   Phở là món quà nơi nào cũng có, nước non ngàn dặm ra đi, Phở cũng biết xuôi Nam. Ba mươi năm nhìn lại, thấy Phở cũng đã vượt đại dương đi Tây, đi Mỹ. Phở dễ chế biến, dễ ăn, ăn lúc nào cũng được. Nhưng có lẽ phở Hà Nội vẫn có cái duyên riêng, chẳng thế mà nhiều địa phương làm món phở cứ phải trương cái biển lên là Phở Bắc, Phở Hà Nội, Phở Thăng Long, Phở Hồ Tây ... mới đông khách, cũng như phải đúng Bún bò Huế, Hủ tíu Mỹ Tho, Mì quảng Quảng Đà ... mới làm vừa lòng thực khách.
      Giữa cuộc hội nhập lắm đổi thay này, cái gọi là văn hóa hải ngoại cũng gặp nhiều thay đổi. Nhìn lại xứ sở Hoa Kỳ này chỉ mới hơn 200 năm lập quốc, mà hầu như mọi khác biệt lớn lao về văn hóa đã thu về một mối. Những thế hệ cha ông nào mà chẳng ra công, cố sức bảo tồn lấy cái hồn văn hoá tinh thần thiêng liêng của mình? Những mặt trận văn hóa, những tạp chí Văn học, Nghệ thuật, Văn chương, trò chơi chữ nghĩa cũng đã thưa thớt người tham dự. Thực chất của vấn đề là thế hệ cầm bút lão thành đã dần dần ra đi, bỏ lại cuộc chơi. Không chỉ riêng một hiện tượng lão hóa của các nhà văn, nhà làm văn hóa ở hải ngoại khiến chúng ta bận tâm, mà ngay cả đến thành phần độc giả trẻ tuổi, đấy là chưa kể các thế hệ thứ hai, thứ ba mà khả năng am tường tiếng Việt càng ngày càng trở nên kém cỏi. Sân chơi thực sự đã có những khoảng trống vắng to lớn khó bù đắp, vì đâu đâu cũng gặp bao chướng ngại về khả năng truyền đạt ngôn ngữ mẹ đẻ, còn tình tự dân tộc thì như một sợi dây xích sắt đã có những dấu hiệu từng mắt xích bị mở bung. Chút văn hóa ẩm thực còn xót lại không ngờ vẫn còn đó, tuy âm thầm nhưng vẫn lớn mạnh và như có một sức hấp dẫn kỳ diệu, như một thứ tình yêu tuy đến muộn màng nhưng khắng khít với những người đàn ông luống tuổi, trong một thứ tình cảm trái mùa, nên đôi khi ngại ngùng ít nói. Tình cảm ấy không qua bằng con đường ngoằn ngoèo tim óc mà lại trực chỉ bằng một ngõ tắt dạ dày.
      Tôi có thằng cháu trai. Cháu sinh ra và lớn lên ở xứ Mỹ này. Một buổi chiều, cu cậu đi học xa cuối tháng bất chợt về thăm nhà. Không sẵn sàng mà đôi khi tôi cũng thấy lười biếng khi nghĩ tới lúc phải săn tay vào bếp sửa soạn bữa cơm tối. Tôi hỏi vui:
      “Tối nay không sẵn cơm nhà, thế con muốn hai bố con mình sẽ đi ăn gì nào?”
      “Con nghĩ mình ăn phở đi bố, lâu con cũng bắt đầu thấy thèm phở rồi.”
      Nhìn thằng con trai đang tuổi trưởng thành trên xứ người cũng đã biết nhớ phở, trong lòng tôi một cảm xúc khó tả đang nhè nhẹ dâng tràn.
PHÙNG QUÂN

Hàng Gió , đầu thu 2003



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một ngày đi hôi gạo

Một ngày đi hôi gạo Đó là những ngày đầu tháng năm năm 1975. Tôi rảnh rổi không có việc gì làm, đạp xe qua nhà cậu tôi ở Cầu Kinh, một khu...