Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Thế Lữ, người góp phần làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại

Thế Lữ, người góp phần làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại

Vu Gia
Khoảng nửa thế kỷ đặt nền móng đô hộ tại Việt Nam, từng bước người Pháp mở các trường Pháp – Việt để đào tạo đội ngũ công chức bản xứ. Dần dà, chủ nghĩa cá nhân tư sản và trào lưu văn học lãng mạn xâm nhập vào lớp trẻ xuất thân từ nhà trường Pháp – Việt. Như mưa dần thấm lâu, những thập niên đầu của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam đã nảy sinh nhu cầu đòi hỏi giải phóng bản ngã, đòi tự do và đời sống tình cảm riêng tư chống lại sự kiềm hãm, đè nén của xã hội phong kiến có từ ngàn năm qua. Và văn chương nhận ấn tiên phong. Nhiều thể loại văn học mới đã hình thành làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại…
Người khẳng định thơ mới đắc thắng
Ở Việt Nam, trước những năm đầu thập niên 30 (thế kỷ XX), người đọc Việt Nam vẫn còn mặn mà với lối văn biền ngẫu, với lối thơ Đường phải đúng niêm đúng luật, phải có đối nhau chan chát, phải có những điển tích ở đâu đâu và càng ít người biết thì mới giỏi, mới gọi là hay… Hoài Thanh cho biết: “Báo Phong hóa tập mới ra đời ngày 22 septembre 1932. Ngay số đầu tiên đã có bài công kích thơ Đường luật và kết luận rằng: “Thơ ta phải mới. Mới văn thể, mới ý tưởng”. Từ đó đến cuối năm 1932, Phong hóa không đăng thơ mới nhưng cũng không đăng thơ cũ. Phong hóalại còn diễu thơ cũ bằng cách diễu Tản Đà, người đại biểu chính thức cho nền thơ cũ. Bài “Cảm tiễn thu” của Tản Đà đã làm đầu đề cho một bức tranh khôi hài của Đông Sơn (Nhất Linh – V.G) và một bài hát nói khôi hài của Tú Mỡ. Họ so sánh cảnh thực với cảnh mộng trong trí tưởng thi nhân. Tú Mỡ viết:
 Cây tươi tốt, lá còn xanh ngắt,
Bói đâu ra lác đác lá ngô vàng!
Trên đường đi nóng dẫy như rang.
Cảnh tuyết phủ mơ màng thêm quái lạ![1].
Ngày 24-1-1933, Thế Lữ có bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Phong hóa. Đó là bài Con người vơ vẩn. Sau này, Thế Lữ cho biết: “Bài thơ được đăng ở một tờ báo có uy tín, có thể coi như một đảm bảo về giá trị: Tôi quyết định sẽ gửi những bài tiếp sau (nhưng trước đó, tôi đem đọc cho nhiều bạn tân nghe để thu lượm ý kiến đã)”[2]. Bước sang năm 1933, báo Phong hóa đăng nhiều thơ mới của các cây bút trẻ, như: Tứ Ly, Nguyễn Thế Lữ, Tân Việt, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư… Và từng bước, Thế Lữ qua “cầu nối” của người bạn để đến với Tú Mỡ, rồi từ Tú Mỡ, Thế Lữ đến với ban biên tập tuần báo Phong hóa, trở thành thành viên thứ sáu của Tự lực văn đoàn. Thơ Thế Lữ đăng trên báo Phong hóa chưa phải là nhiều và cũng không phải là những người đầu tiên khởi xướng thơ mới, cũng không phải người tranh luận về thơ mới – thơ cũ,… nhưng qua tập bản thảo, Nhất Linh phát hiện ra tài thơ của Thế Lữ và đã viết bài Nguyễn Thế Lữ - Một nhân vật mới trong làng thơ mới, đăng trên báo Phong hóa, ngày 7-7-1933. Về đại thể, Nhất Linh viết: “Sợ cái mới tức là sợ tương lai (…) Về thơ ca, ông Thế Lữ cũng là một người trong bọn người không muốn theo con đường cũ vạch sẵn, ông muốn đi tìm một lối khác, tuy chưa biết chắc đưa đến đâu, nhưng lúc ông lần theo lối đó, ông có cái thú của người đi tìm những sự mới lạ.
Không những về lối thơ của ông, đến cả ý tưởng và cách dùng chữ cũng khác hẳn với các bài thơ từ xưa tới nay. Ông chịu khó tìm tòi những điệu thơ riêng, chịu khó cân nhắc chữ dùng để tỏ ra rằng câu thơ An nam cũng mềm mại, uyển chuyển, có thể tả nổi được những ý tưởng mới, những sự rung động của một tấm linh hồn thi sĩ. Ta đã chán những bài thơ vịnh cái điếu, vịnh con cóc, mừng làm nhà mới, những bài thơ tự vịnh, tự trào bao giờ cũng theo một khuôn sáo, trăm nghìn bài đều giống nhau, chán quá, chán lắm rồi. Vì thế ta khát khao muốn có một nhà chân thi sĩ, gẩy cho ta nghe những tiếng mới, những điều lạ.
Ông Thế Lữ là một người trong bọn đó (…) Tả cảnh, ông tả khác hẳn các điệu thơ khác, ông bỏ hẳn những ý tưởng cũ rích, ông đặt câu, dùng chữ một cách mạnh bạo. Ông thật hoàn toàn là một nhà làm thơ quả quyết xoay về lối thơ mới”[3]. Và Nhất Linh rất tin vào tài thơ của Thế Lữ, chứ chưa thể nói gì nhiều vì thơ Thế Lữ chưa ra mắt bạn đọc được bao nhiêu. Cuối năm 1934, Tự lực văn đoàn đã gom 28 bài thơ của Thế Lữ để in thành sách. Tháng giêng năm 1935, nhà xuất bản Đời nay của Tự lực văn đoàn đã cho ra mắt bạn đọc gần xa tập thơ Mấy vần thơ của Nguyễn Thế Lữ. Tập thơ này thuộc về loại sách mỹ thuật của nhà xuất bản; tranh phụ bản do họa sĩ Trần Bình Lộc vẽ và khắc. Hai mươi tám bài thơ cho một tập thơ quả là quá mỏng so với nhiều tập thơ khác, nhất là những tập thơ của những ngày hôm nay. Tập thơ Mấy vần thơ của Nguyễn Thế Lữ mỏng thì có mỏng mà không hề “nhẹ” chút nào. Hoài Thanh cho biết: “Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước vững vàng mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”[4].
Vậy thơ của Nguyễn Thế Lữ như thế nào mà chỉ có mấy bài đã khiến cho “hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ” trong “khoảnh khắc” sau một thời gian dài cả hai phái thơ cũ và thơ mới đấu tranh quyết liệt “giành quyền sống” trên thi đàn?
Bài thơ mở đầu tập thơ Mấy vần thơ là bài Nhờ rừng (Lời con hổ ở vườn Bách thú) – Tặng Nguyễn Tường Tam.
Bài thơ gồm 5 khổ (khổ 1 có 8 dòng, khổ 2 có 12 dòng, khổ 3 có 10 dòng, khổ 4 có 9 dòng và khổ 5 có 8 dòng). Tổng cộng bài thơ Nhớ rừng có 47 dòng, trong đó khổ 4 lẻ 1 dòng (9 dòng); 2 dòng 7 tiếng, 36 dòng 8 tiếng, 7 dòng 9 tiếng và 2 dòng 10 tiếng. Năm 1941, Mấy vần thơ, tập mới, ra mắt bạn đọc, bài Nhớ rừng, được Thế Lữ thêm bớt một số chữ, nhưng vẫn còn 3 dòng 9 tiếng, 1 dòng 10 tiếng. Và hơn 70 năm qua, bài thơ Nhớ rừng được nhiều nhà nghiên cứu nói đến nhất.
Bên cạnh những cuộc tranh luận về thơ giữa hai phái cũ – mới, thì những bài thơ làm theo “lối thơ mới” của lớp người trẻ ảnh hưởng văn hóa phương Tây – lớp người xa cách hoàn toàn với những “chi, hồ, dã, giả” – được đăng đều đặn trên những tờ báo đang có uy tín ở hai miền Nam Bắc, như Phụ nữ tân văn, Phong hóa… Và qua những bài thơ ấy, “Thế Lữ như vừng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”[5]. Theo Hoài Thanh, “thơ Thế Lữ về thể cách mới không chút rụt rè, mới từ số câu, số chữ, cách bỏ vần, cho đến tiết tấu âm thanh”[6]. Khi đọc những câu: “Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Với khi thét khúc trường ca dữ dội/ Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc”, Hoài Thanh cho rằng, “không ai có quyền bĩu môi trước cuộc cách mệnh thi ca đương nổi dậy. Cho đến những bài thất ngôn, ngũ ngôn, lục bát, song thất lục bát của Thế Lữ cũng khác hẳn xưa. Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”[7].
Hơn sáu mươi năm sau, Phạm Đình Ân cũng thấy… bài thơ Nhớ rừng có nhạc điệu “cuồn cuộn, trào dâng”[8]. Với Nguyễn Đăng Điệp, thì “Nhờ rừng chính là điệu thơ nổi bật nhất. Giọng điệu bao trùm thi phẩm là giọng điệu bi tráng, là “khúc trường ca dữ dội” cất lên từ “niềm uất hận ngàn thâu””[9]. Những năm cuối đời, Xuân Diệu nhìn lại và cho rằng: “Nhớ rừng là trứ tác của Thế Lữ”[10]. “Bước vững vàng” của Thế Lữ làm cho hàng ngũ thơ xưa tan rã trong khoảnh khắc như Hoài Thanh nhận xét, thì Xuân Diệu cũng cho đó là bài Nhớ rừng. Là người cùng thời, cùng là thành viên của Tự lực văn đoàn, Xuân Diệu khẳng định như thế và cho biết, “bài Nhớ rừng, thu hút được sự hoan nghênh của mọi người. Bài thơ về một con mãnh thú, mà có cái không khí của anh hùng ca, thật là dõng dạc, đường hoàng, thật là một “khúc trường ca dữ dội”; vì người ta chỉ nhớ nhất cái thần của bài thơ, khi con hổ “tung hoành, hống hách”; cái không khí sơn lâm là do Thế Lữ hồi nhỏ sống ở Lạng Sơn; câu thơ 8 tiếng mở rộng ra đến 9 tiếng, 10 tiếng, rất phù hợp ở đây, thành ưu điểm: hơi thơ, chất thơ, hình thức thơ đều mới”[11].
Nhưng nào đâu chỉ có thế. Chỉ vỏn vẹn 28 bài thơ, nhưng thời nào, thơ Thế Lữ cũng được nhiều nhà nghiên cứu văn học quan tâm. Theo Xuân Diệu, “Tiếng sáo Thiên Thai có 18 câu, là một bài thơ nghệ thuật thật hoàn chỉnh, không lọt một kẽ hở non tay nào. Những câu không có chữ “tiên”, không có Kim Đồng, Ngọc Nữ còn hay hơn những câu có chữ đó. Câu mở đầu Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi, viết thời ấy, chỉ mới có thế, mà đã mới, đã trẻ rồi. Chúng ta mở các truyện thơ lục bát truyền thống, bao gồm cả Truyện Kiều, xem có câu nào tả xuân như vậy không? Cành lê trắng điểm một vài bông hoa, câu thơ rất đẹp, nhưng vẫn tĩnh; Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi, một số câu thơ nói như cảnh thật, viết gần với văn xuôi, lúc đó lại là đưa đến cái mới, bài thơ cũ ước lệ nhiều quá, cách điệu hóa nhiều quá và lâu quá, trở thành khô cứng, và gò gẫm quá, văn hóa quá, hóa thành giả tạo”[12]. Với Lê Quang Hưng, thì “Tiếng sáo Thiên Thai dẫn ta vào một thế giới du dương, cao siêu, trong đó nỗi buồn cũng dìu dịu, trong sáng”[13]. Hoàng Như Mai cũng khá thích thú khi đọc Tiếng sáo Thiên Thai, và cho rằng đó là “Bài thơ thật đẹp, Thế Lữ yêu tha thiết cái đẹp, cảm thụ, nhận thức, phân tích cái đẹp và thể hiện cái đẹp thật tinh tế”[14], v.v.
Xuân Diệu rất thích thú khi đọc câu “Trời cao xanh ngắt. Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”. Với Xuân Diệu, nếu 8 câu đầu quá tĩnh, thì đến đây “bức tranh giật mình, trở lại với sự sống. Thế Lữ có lần viết: “Suốt đêm thức để trông ai – Ơ kìa ánh lửa đỏ ngời phương Đông”, thì “ơ kìa” đứng ở đầu câu, và lại là ơ kìa chứ không phải “ô kìa”. Ô kìa ngạc nhiên hơn và thanh tú hơn nhiều: “ô kìa! xem đẹp quá”, “ơ kìa, sao lại thế này?”. Một lần khác, nhà thơ cũng kêu lên: “Sau trúc, ô kìa! xiêm áo ai?”. “Ô kìa” trong Tiếng sáo Thiên Thai đứng lẩy hẳn ở cuối câu, và là bắt đầu cho một câu khác; trong thơ Việt Nam có Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ! Của Hồ Xuân Hương, và có Trời cao xanh ngắt! Ô kìa của Thế Lữ; câu thứ hai sáng tạo về nghệ thuật hơn”[15]. Cách bình này nghe cũng mới, cũng có tìm tòi và cho thấy lớp người trẻ xuất thân từ nhà trường Pháp - Việt đã tiếp thu và đưa vào thơ Việt cách thể hiện tâm tư, tình cảm không còn giống như ông cha ảnh hưởng Tứ thư, Ngũ kinh. Nhưng tôi tin Thế Lữ không chủ tâm lựa vần, sắp chữ như thế, bởi người nghệ sĩ là người sáng tạo theo tài năng, sở trường của mình chứ không ai thử tính toán giá trị tới đâu, thế nào… Một khi người nghệ sĩ mãi suy nghĩ như thế thì khó có thể có được tác phẩm để đời. Nhờ vậy mà hơn 70 năm qua, người yêu thơ không chỉ nhớ bài Nhớ rừng, Tiếng sáo Thiên Thai mà còn những bài khác, như: Vẻ đẹp thoáng qua, Giây phút chạnh lòng, Hoài xuân, Thức giấc, Tiếng trúc tuyệt vời, Ngày xưa còn nhỏ, Sáng, Trưa, Chiều, Tối… Có lẽ vì vậy mà ngay từ những năm đầu thập niên 40 (thế kỷ XX), Vũ Ngọc Phan đã không ngần ngại nói như định đóng cột: “Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy ở tương lai của thơ mới”[16].
Thời tuổi trẻ, thơ Thế Lữ đã góp phần “nuôi sống” tâm hồn chúng tôi. Những lúc ngồi tán chuyện thời thế, thì không thiếu người nhún vai rất kịch, lên giọng kiêu bạc và không thiếu phần tuyệt vọng: “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”. Hồi trước ở đô thị miền Nam, câu thơ này Thế Lữ được lớp trẻ chúng tôi áp dụng vào thực tế cuộc sống khá nhiều, trở thành câu nói đầu môi mỗi khi chấp nhận số phận, chấp nhận cuộc sống hiện hữu không đúng với ước nguyện ban đầu. Thơ Thế Lữ có nhiều câu trở thành gan ruột với lớp trẻ chúng tôi lúc bấy giờ. Những năm học xa nhà, ngày tết không sum họp gia đình được, có khi vì thiếu tiền, có khi vì đường sá không mấy an toàn, nên đành nằm gác trọ đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Lúc tiếng pháo giao thừa nổ ran, nhà trên xóm dưới cúng giao thừa, chúng tôi cũng tủi lòng và câu thơ của Thế Lữ thường vụt hiện: “Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan/ Trong lúc gần xa pháo nổ ran/ Rũ áo phong sương trên gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang”. Và có lúc, chúng tôi khóc ngon lành dù trước đó mấy phút không ai nghĩ mình sẽ khóc. Thế Lữ còn có những câu thơ mà ngày đó lớp trẻ chúng tôi, cả nam lẫn nữ không ai không thuộc, ít ra cũng có một lần vận vào cuộc đời mình: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta có thế thôi/ Đã quyết không mong sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa phút chia phôi”“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”
Bây giờ, tôi vẫn yêu thơ Thế Lữ, cho thấy thơ Thế Lữ đã đi vào lòng người đọc nhiều thế hệ. Và không ai khác, chính Thế Lữ đã khẳng định thơ mới đắc thắng trên thi đàn, đồng nghĩa với việc thơ Thế Lữ làm rạn vỡ lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại trong lịch sử văn học Việt Nam.

Người mở đầu loại truyện trinh thám
Khi tham gia Tự lực văn đoàn, ngoài việc làm thơ, viết báo, Thế Lữ còn viết loại truyện quái dị, rùng rợn nhưng giải thích sự việc bí hiểm bằng lý luận và phân tích khoa học… Đó là truyện trinh thám, một thể loại văn học rất mới với bạn đọc Việt Nam lúc bấy giờ. Ở thể loại này, Thế Lữ ảnh hưởng Conan Doyle[17] khá rõ qua nhân vật Lê Phong. Lê Phong chính là Sherlock Holmes của Thế Lữ. Báo Ngày nay, ngày 2-4-1935, khởi đăng Lê Phong, phóng viên trinh thám của Thế Lữ, kéo dài đến ngày 21-5-1935. Khi in thành sách, Thế Lữ lấy nhan đề gọn hơn: Lê Phong phóng viên. Được độc giả ủng hộ, ông viết tiếp những truyện trinh thám khác trên báo Ngày nay, như: Mai Hương và Lê Phong, Gói thuốc lá, Đòn hẹn, Thuốc bả chuột, Những nét chữ, Cái chết ghê gớm của Lê Phong,v.v.
Ảnh hưởng Conan Doyle trong cách dựng truyện, cách xây dựng nhân vật cùng những tình tiết…, nhưng không xa lạ với bạn đọc nước nhà là Thế Lữ có đầu tư công sức và chọn lọc khá kỹ trong “rừng” tác giả phương Tây viết truyện trinh thám lúc bấy giờ. Tôi nói điều này, vì đầu năm 2008, tờ Daily Telegraph “bình chọn top 50 cây bút trinh thám mà độc giả cần đọc trước khi chết”[18], thì tác giả Connan Doyle được xếp thứ hai với tác phẩm The Hound of the Baskervilles, sau K. Chesterton với tác phẩm The Complete Father Brown. Trên trang mạng về Sir Arthur Conan Doyle, tôi thấy nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle đã xuất hiện trong 4 tiểu thuyết (A Study in Scalet, 1887; The Sign of the Four, 1890; The Hound of the Baskervilles, 1901; The Valley of Fear, 1915), và 56 truyện ngắn. Những truyện ngắn này được Conan Doyle đăng trên các báo, tạp chí, sau đó dồn vào 5 tập truyện (The Adventures of Sherlock Holmes, The Memoirs of Sherlock Holmes, The Return of Sherlock Holmes, His Last Bow, The Case-Book of Sherlock Holmes).
Với số lượng như vậy, tôi không có thì giờ và cũng không muốn đọc hết, vì chưa có ý định nghiên cứu về Conan Doyle. Nhưng chuyện chữ nghĩa cứ như có ma. Lướt qua những dòng chữ: “When Conan Doyle decided that he had written enough Sherlock Holmes stories, he wrote once in which Moriary killed the great detective. There was a public outcry. Doyle’s readers were quite angry, and he had to write a story in which Holmes appeared again – he hadn’t died, after all!” (Khi Conan Doyle quyết định rằng ông đã viết đủ nhiều về truyện Sherlock Holmes, ông đã viết một truyện trong đó Moriary giết chết nhà thám tử tài ba. Công chúng đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Bạn đọc của Doyle vô cùng tức giận và vì vậy ông phải viết một truyện khác trong đó Holmes lại xuất hiện – sau cùng Holmes vẫn chưa chết!), tôi nhớ đến truyện Cái chết ghê gớm của Lê Phong của Thế Lữ, đăng trên báo Ngày nay, ngày 25-4-1937. Cái chết của Lê Phong không gây xôn xao dư luận như cái chết của Sherlock Holmes, bởi cuộc sống của phần lớn nhân dân Việt Nam ngày đó đâu cho phép bạn đọc làm mình làm mẩy với nhà văn như bạn đọc Vương quốc Anh. Cha chết không bằng hết ăn, huống chi cái chết của nhân vật tiểu thuyết Lê Phong. Biết vậy, nên cuối truyện, Thế Lữ cho đó là “trò chơi” của Lê Phong. Đọc lời ghi chú của bác sĩ Watson (A note from Dr Watson), tôi thấy có đoạn: “Sherlock Holmes was one of the cleverest and most important detectives in all England some years ago. The police often asked him to help them. My name is Dr Watson, and I helped Holmes with many of his cases” (Sherlock Holmes là một trong những nhà thám tử quan trọng nhất và thông minh nhất trên toàn nước Anh cách đây vài năm. Cảnh sát thường nhờ anh ta giúp đỡ. Tôi là bác sĩ Watson, đã giúp Holmes trong rất nhiều vụ), và Watson đã kể lại những vụ phá án của Sherlock Holmes.
Ngày đó, Việt Nam làm gì có thám tử tư nên Thế Lữ cho phóng viên Lê Phong làm thám tử để phục vụ bạn đọc qua những bài điều tra của mình. Và chủ bút Văn Bình làm nhiệm vụ kể lại cho bạn đọc nghe về công việc của phóng viên Lê Phong. Báo Thời Thế - nơi Lê Phong làm việc - là tờ báo có số lượng bạn đọc đông nhất so với thị trường báo chí ở Bắc kỳ lúc bấy giờ, và Lê Phong là phóng viên thông minh nhất, nhạy bén nhất, chuyên viết về những vụ án ly kỳ nhất của báo. Do đó, chúng ta dễ dàng nhận ra nhân vật Lê Phong của Thế Lữ chính là nhân vật Sherlock Holmes của Conan Doyle, còn bác sĩ Watson chính là chủ bút báo Thời Thế Văn Bình.
Nếu ở truyện The Six Napoleons, Conan Doyle có tình bạn giữa thám tử sở cảnh sát Lestrade với thám tử tư Sherlock Holmes: “Mr Lestrade, a detective from Scotland Yard, often visited my friend Sherlock Holmes and me in the evening. Holmes enjoyed talking to Lestrade because he learned useful facts about what was happening at London’s most important police station. Lestrade liked these visits too, because Holmes was a good detective and always listened carefully if Lestrade had a difficult case. Holmes could often help Lestrade” (Lestrade, viên thám tử của sở cảnh sát Hoàng gia Anh (Scotland Yard), thường ghé đến thăm Sherlock Holmes và tôi vào buổi tối. Holmes rất thích trò chuyện với Lestrade vì ông có thể biết được nhiều điều bổ ích đang xảy ra tại một đồn cảnh sát nổi tiếng nhất ở London. Lestrade cũng thích những cuộc viếng thăm này vì Holmes là một thám tử tài ba và luôn biết lắng nghe khi Lestra gặp khó khăn. Holmes thường có thể giúp đỡ Lestrade), thì trong truyện Mai Hương và Lê Phong, Thế Lữ cũng xây dựng một tình bạn như vậy: “Ông T. Phụng đứng lại, ông này vào trạc hăm chín, ba mươi tuổi, mặc đồ xám, gọn ghẽ, lịch sự, người nhỏ nhắn nghiêm nghị, nhưng dễ thương, khuôn mặt xương xương, vẻ mặt thông minh và thành thực. Ông T. Phụng làm ở sở liêm phóng Hà Nội, một người thiếu niên làm việc rất cẩn thận và minh mẫn, thường gặp Lê Phong trong các vụ bí mật mà ông ta khám phá được rất chóng ít khi chịu trái ý kiến Lê Phong. Lê Phong không bao giờ giấu những “bí thuật” của mình. Anh khéo bày diễn những điều xét đoán của anh một cách khiêm tốn, khiến cho nhà trinh thám của sở liêm phóng bao giờ cũng không bị tổn đến lòng tự ái, và thường nhất nhất theo lời chỉ dẫn của người phóng viên. Tuy hai bên nhiều khi cũng không ăn ý nhau, tuy thỉnh thoảng sự ganh cạnh nhà nghề có làm cho họ coi nhau như hai địch thủ, và tuy một đôi khi Lê Phong có trêu tức “nhà liêm phóng” vì bài tường thuật lý thú hóm hỉnh, nhưng bao giờ gặp mặt, hai người cũng chào hỏi nhau một cách thực như hai người bạn thân”[19].
Ở truyện The Golden Glasses, Conan Doyle có một thám tử khác: “It was Stanley Hopkins, a young detective from Scotland Yard. Holmes and I had helped him with a few cases in the past” (Đó là Stanley Hopkins, nhà thám tử trẻ của sở cảnh sát Hoàng gia (Scotland Yard). Holmes và tôi trước đây đã từng giúp anh ta vài vụ), thì ở truyện Gói thuốc lá, Thế Lữ có “Mai Trung làm Thanh tra mật thám ở sở liêm phóng. Ông ta là người rất mẫn cán, thường lập nhiều công trạng trong mấy năm gần đây. Ông thành công vì kiên tâm, vì chịu đem hết mưu mẹo “kinh điển” trong khoa do thám ra thực hành, nhưng cũng vì nhờ có những tai mắt của ông ở khắp nơi, tức là những người “điểm chỉ” rất lanh lợi (…) Phong lại hay khám phá “giúp” ông những cái bí mật”[20]
Nếu ở truyện The Norwood Builder, Sherlock Holmes than: “There seem to be no interresting cases any more, Watson”, Sherlock Holmes said to me. “London isn’t interesting now”(“Dường như chẳng còn vụ nào hấp dẫn nữa, Watson ạ”, Sherlock Holmes nói với tôi. “London bây giờ chẳng còn thú vị tí nào”), thì ý này ta cũng gặp trong một số truyện trinh thám của Thế Lữ. Cụ thể trong truyện Gói thuốc lá, Văn Bình trên đường đến báo cho Lê Phong biết Đường đã chết, “Anh biết chắc Lê Phong sẽ ngạc nhiên, sẽ kinh dị nữa cũng nên. Mà có kinh ngạc thì Lê Phong mới thấy cuộc đời có đủ ý vị. Người phóng viên trinh thám ấy ít lâu nay buồn vì phải nghỉ ngơi nhiều quá”[21]. Hoặc ở truyện Những nét chữ: “Vẻ mặt rất nghiêm trang trầm mặc, Phong như đang để hết tinh thần vào cả bức thư. Cái bản năng của con nhà nghề lại thấy rõ rệt phát lộ ra, tuy rằng ít lâu nay anh không có việc gì bí mật phải khám phá hết.
Lê Phong không được dịp làm phóng viên như trước vẫn lấy làm bực dọc”[22]. Hoặc ở truyện Cái chết ghê gớm của Lê Phong: “Đã lâu nay anh phàn nàn rằng chẳng gặp một chuyện nào ly kỳ để bắt anh ta phải bận trí”[23]. Hoặc ở truyệnThuốc bả chuột: “Đối với chàng, đời không có án mạng ly kỳ là đời không đáng kể, cũng như đối với Lý Bạch, đời không có rượu là đời vứt đi!”[24]
Bác sĩ Watson là người bạn, người giúp việc tận tụy của Sherlock Holmes, nhưng Sherlock Holmes hay coi thường cách suy nghĩ, cách phân tích sự việc của Watson. Ví dụ, trong truyện The Norwood Buider, Sherlock Holmes trả lời đề nghị của Watson: “No, it isn’t necessary; you can’t help me” (Không, không cần thiết; anh không giúp gì được cho tôi đâu). Trong một số truyện trinh thám của Thế Lữ cũng có những ý tương tự. Chẳng hạn, trong truyện Gói thuốc lá, Lê Phong nói với Văn Bình: “Anh hay vô ý lắm, hỏng việc của tôi mất…”[25], hoặc ngăn không cho Văn Bình đến nhà Đường nữa, “vì anh đến thì nguy cho việc của tôi. Vì… vì anh hay hớ hênh lắm”[26]… Hoặc trong truyện Thuốc bả chuột, Lê Phong nói với Văn Bình: “Anh đã không có tài, không có trí lại không chịu tra cứu, đã thế lại còn không chân thực”[27]; lại còn nói: “Nghĩa là, điều thứ nhất, anh là đồ dốt, điều thứ hai anh là đồ tồi, người ta chưa nói xong đã hỏi dớ dẩn”[28]
Ở truyện The Norwood Builder có đoạn: “Holmes showed me a plan he had made of Oldacre’s house and garden”(Holmes cho tôi xem sơ đồ căn nhà và vườn của Oldacre mà anh ta đã vẽ), thì ở truyện  Lê Phong – phóng viên trinh thám, Thế Lữ cũng vẽ trực tiếp bản đồ nhà Lường Duỳn để minh họa (dĩ nhiên cũng có phần lấp chỗ trống, song không thể không nghĩ tới gợi ý này)[29].
Nếu ở truyện The Six Napoleons, Sherlock Holmes lợi dụng báo chí để lừa thủ phạm: “What Mr Harker wrote in the newspaper helped us. He made Beppo think that the police had the wrong idea” (Những điều ông Harker viết trên báo chí đã giúp chúng ta. Ông ấy đã khiến cho Beppo nghĩ rằng cảnh sát đã sai lầm), thì ở truyện Gói thuốc lá, Lê Phong cũng có hành động tương tự: “Thạc chết rồi, tôi biết. Có lẽ họ đã cho vào nhà xác và đợi giờ mổ tử thi nữa cũng chưa biết chừng. Nhưng anh cứ đăng báo là Thạc chưa chết, anh nghe không?”[30], vân vân và vân vân.
Chúng ta đang sống trong “Thế giới phẳng”, người biết chữ nhiều hơn thời của Thế Lữ, nói đúng hơn, gần 100% người Việt Nam biết chữ; trình độ học vấn của rất nhiều người Việt Nam cũng cao gấp bội lần so với hầu hết lớp nhà văn thời Thế Lữ; thế nhưng đến nay trên văn đàn chưa có tác phẩm nào có “độ rung” cần thiết để làm nên cuộc cách mạng văn học như thời của Thế Lữ, dù từ lâu, Tố Hữu đã nói chắc như bắp rằng: “Dưới chế độ tàn khốc trước kia, ta đã có Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm thì dưới chế độ chúng ta, thời đại mới của chúng ta sẽ sinh ra được hàng trăm thiên tài lớn như vậy và lớn hơn như vậy”[31]. Chúng ta cần phải suy nghĩ!



[1] Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam 1932-1941, NXB Văn học, H, 1988, trg 24-25.
[2] Đề cương hồi ký của Thế Lữ, báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 30-5-1992.
[3] Nhất Linh, Nguyễn Thế Lữ - Một nhân vật mới trong làng thơ mới, báo Phong hóa, ngày 7-7-1933.
[4] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[5] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 57.
[6] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[7][7] Thi nhân Việt Nam 1932-1941, sđd, trg 58.
[8] Phạm Đình Ân, Thế Lữ với những đóng góp vào tiến trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật Việt Nam.- Dẫn theoThế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 32.
[9] Nguyễn Đăng Điệp, Nhớ rừng, điệu thơ nổi bật nhất của cây đàn muôn điệu.- Dẫn theo Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 343.
[10] Xuân Diệu, Đọc thơ Thế Lữ.- Dẫn theo Tuyển tập Thế Lữ, NXB Văn học, H, 1983, trg 591.
[11] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 591.
[12] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 583-584.
[13] Lê Quang Hưng, Một lần trở về.- Dẫn theo Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, trg 388.
[14] Hoàng Như Nai, Tiếng sáo Thiên Thai.- Dẫn theo Tủ sách văn học trong nàh trường: Vũ Đình Liên – Nguyễn Nhược Pháp – Phạm Huy Thông – Thế Lữ, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1998, trg 69.
[15] Đọc thơ Thế Lữ, sđd, trg 584-585.
[16] Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, T. 2, NXB KHXH, H, 1989, trg 691.
[17] Sir Arthur Conan Doyle (1859-1930), nhà văn Anh xứ Scotland.
[18] 50 nhà văn trinh thám giỏi nhất mọi thời, website VnExpress.net, ngày 25-2-2008.
[19] Thế Lữ, Mai Hương và Lê Phong, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1996, trg 28-29.
[20] Thế Lữ, Gói thuốc lá, NXB Đời nay, S, 1963, trg 42-43.
[21] Gói thuốc lá, sđd, trg 18.
[22] Những nét chữ.- Dẫn theo Thế Lữ truyển tập – Truyện trinh thám, NXB Thanh niên, H, 2006, trg 87.
[23] Thế Lữ, Cái chết ghê gớm của Lê Phong, báo Ngày nay, ngày 25-4-1937.
[24] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[25] Gói thuốc lá, sđd, trg 42.
[26] Gói thuốc lá, sđd, trg 97.
[27] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[28] Thế Lữ, Thuốc bả chuột, báo Ngày nay, ngày 25-7-1937.
[29] Thế Lữ,  Lê Phong – phóng viên trinh thám, báo Ngày nay, ngày 30-4-1935.
[30] Thế Lữ, Gói thuốc lá, NXB Đời nay, S, 1963, trg 107.
[31] Tố Hữu, Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, NXB Sự thật, H, 1982, trg 176.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện Xưa Cầu Cá “Tôi viết lên đây với tất cả chân thành của lòng tôi trao em. Ngày nào đã quen nhau, vì chung hướng đời, mình trót...