Tôi chợt nhìn ra tôi
Nguyễn Thanh Hương
Nghe những bài hát của Trịnh Công Sơn, tôi như bị bỏ bùa mê.
Say đi, thoát tục mà không hiểu vì sao!. Những lời ca mà có phân tích rạch ròi
cũng không hiểu hết. Đôi khi lại như vô lý mà cứ thấm sâu vào con tim với một
cảm xúc lạ lùng, dịu êm như dòng suối nhỏ len lách qua khe núi. Những ca từ
làm tôi ngỡ ngàng, giật mình thảng thốt “tôi chợt nhìn ra tôi” (Bài hát “Như
một lời chia tay”) hóa ra trái tim mình cũng không cằn cỗi như mình tưởng.
Có lúc nghe hát mà gai người ớn lạnh như bất chợt có ai đó nhìn sâu vào trái tim mình, hiểu được cả những điều mà trong mơ chính mình cũng muốn chối bỏ. Từ xưa đến nay tôi luôn nghĩ đá sỏi, đất cát là khô khan, vô tri vô giác Nhưng khi nghe giọng ca Khánh Ly tha thiết “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa) rồi “Tuổi đá buồn”, “Rồi như đá ngây ngô” ….tôi đã ngây người thán phục: Sao Trịnh Công Sơn dùng từ đắt thế? Từ “ngây ngô” hay quá! Có yêu, có đau, có bị “trăm vết thương” mới “ngây ngô” như thế được! Rất nhiều bài hát ta thấy nét tài hoa của một họa sỹ chấm phá trong những lời ca như thơ rung động sâu lắng làm người nghe như được lột xác trong cuộc đời sống động mà đẹp vô cùng. Mưa bỗng có màu hồng như một bức tranh của trường phái ấn tượng “Trời ươm nắng cho mây hồng” (Mưa hồng). Mọi cảnh vật bỗng có hồn, lung linh gần gũi trong một thể thống nhất giữa thiên nhiên và con người” “Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên” (Mưa hồng), “Mưa thì thầm dưới chân ngà” (Gọi tên bốn mùa) hay “Bàn im hơi bên ghế ngồi” (Nghe những tàn phai). Con người cùng thiên nhiên hòa quyện âu yếm như người tình: “Và gió hôn tóc thề và mùa thu bay đi” (Nhìn những mùa thu đi)… “Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hồng ngủ quên trên vai”, “mưa có còn buồn trong mắt trong”, “suối đón từng bàn chân em qua, lá hát từ bàn tay thơm tho, lá khô vì đợi chờ…” (Như cánh vạc bay). Đôi khi lời ca như có gì phi lý, nhưn gnghe và cảm thấy đó là điều phi lý trong cái có lý của con tim: “Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh” (Như cánh vạc bay) hay “Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi” (Rồi như đá ngây ngô). Khi nghe “Nguyệt ca” : “Từ khi trăng là Nguyệt trong tôi có những mặt trời” tôi thấy ngạc nhiên “Trăng là nguyệt thì có gì lạ đâu?” nhưng nghe lại mới thấy giật mình hiểu ra dù chỉ là một chút đồng cảm: danh từ chung giờ đã hóa riêng rồi! Giờ trăng đã hóa thân thành một em thôi dành riêng cho anh, như một mình đến với trăng, tâm sự cùng trăng trong mối giao cảm ngất ngây. Tự nhiên tôi nhớ đến những vần thơ về trăng của Hàn Mặc Tử thấm đẫm nỗi cô đơn. Những lời ca của Trịnh Công Sơn tuy buồn nhưng không thấy sầu thảm bi lụy mà buồn một cách kiêu sang như ai đó đã nói : buồn mà thấm đẫm yêu thương, hy vọng. “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về” “Ngày mai em đi đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ”, hình ảnh người yêu dù ở bên hay đã đi xa, dù chung thủy hay đổi thay… vẫn đẹp và đáng yêu vô cùng. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh “Em mang cho ta một chút tình, miệng cười khúc khích trên lưng” trong bài “Quỳnh hương”, sao mà gợi cảm và thân thương đến thế. Hình ảnh người yêu trong lời ca của Trịnh Công Sơn luôn làm cho con người yêu nhau hơn “Em về giữa thiên nhiên, em cười, em nói , như sóng đùa biển khơi” (Tuổi đời mênh mông), “Lùa nắng cho buồn vào tóc em” rồi “Chiều đã đi vào vườn mắt em” (Nắng thủy tinh). Lần đầu tiên thấy tính từ về màu xanh thật diệu kì không thể thay thế được trong câu hát “Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa” (Diễm xưa), tôi thật sự thán phục tài năng dùng từ của nhạc sỹ. Và không bao giờ ta có thể hiểu hết được những gì nhạc sỹ đã rút ruột ra để giãi bày, tâm sự … Nhưng có một điều tôi cảm thấy rất rõ ràng : đó là tôi vô cùng biết ơn nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhờ ông mà tôi dã biết cảm thụ cuộc đời sâu rộng hơn và biết yêu thương những hạnh phúc quanh mình dù đó là điều nhỏ bé nhất bởi vì ‘Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mây hồng) |
Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014
Tôi chợt nhìn ra tôi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét