Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Ước vọng đỉnh cao mới của âm nhạc VIỆT NAM

Ước vọng đỉnh cao mới của âm nhạc 
VIỆT NAM
Nguyễn Thụy Kha 
  Hôm qua ghé quán Sơn Cầm đường Văn Cao nâng vài ly Beluga tiễn Nguyễn Thuỵ Kha và Trần Tiến lên Nội Bài bay vào Sài Gòn. Kha bảo bay vào dự hội thảo do Hội đồng lý luận TW tổ chức. Bảo Kha chuyển bài tham luận để NTT đăng trước. Xin giới thiệu cùng bạn:
Thời chống Mỹ đã để lại một tầm vóc âm nhạc sừng sững với những giao hưởng “Quê hương” (Hoàng Việt), “Miền Nam – tuyến đầu” (Chu Minh), “Đồng khởi” (Nguyễn Văn Thương), “Đuốc sống” (Nguyễn Đình Tấn), “Cuộc đối đầu lịch sử” (Vĩnh Cát). Những Rhapsodie như “Bài ca chim ưng” (Đàm Linh), Rhapsodie số 2 (Nguyễn Văn Thương), Ourerture “Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc” (Nguyễn Đình Tấn). Những Opéra như “A Sao”, “Người tạc tượng” (Đỗ Nhuận), “Bên bờ Kroong-pa” (Nhật Lai) … và biết bao hợp xướng, ca khúc tạo nên một dãy Trường Sơn âm nhạc khiến thế giới phải nhìn vào thán phục.
          Sau ngày thống nhất, một thập kỷ hậu chiến (1975 – 1985), âm nhạc Việt Nam đứng trước một lựa chọn mới đầy thách thức. Ngoài việc toàn quốc hóa dàn nhạc điện tử và dòng âm nhạc đại chúng với các thể loại pop, rock, jazz … trong ca khúc, âm nhạc kinh viện dường như bế tắc trước trào lưu phát triển của âm nhạc thế giới. Việc cố gắng giới thiệu giao hưởng “Phù Đổng” của Nguyễn Thiên Đạo – nhạc sĩ Pháp gốc Việt theo trường phái Tiên phong hay nỗ lực viết opéra “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Đỗ Nhuận (không được dàn dựng), chỉ là những cố gắng đuối tầm của một đất nước chìm đắm trong cơ chế quan liêu, bao cấp, lại phải tiếp tục đối đầu với những tranh chấp biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.
          Ước vọng đỉnh cao mới của âm nhạc Việt Nam chỉ được xác lập lại bắt đầu từ thời đổi mới, mở cửa. Ngoài việc nhìn nhận lại đóng góp của dòng nhạc lãng mạn từ thời kỳ đầu Tân nhạc, các nhạc sĩ viết giao hưởng, nhạc không lời mới dần dà khởi động lại, nhen nhóm lại ước vọng có lẽ từ cú huých của một nhạc sĩ trẻ tu nghiệp ở Nga trở về qua “Rhapsodie Việt Nam” – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (con trai trưởng nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Thập kỷ 90 mới thực sự là thập kỷ hồi sinh của dòng nhạc kinh viện. Điều đó, được khởi xướng từ cuộc vận động sáng tác giao hưởng về đề tài chiến tranh do Bộ Quốc phòng phát động. Vậy là có những dấu hiệu khởi sắc khi các giao hưởng được trình diễn như “Đội cận vệ bất diệt” (Đàm Linh), “Khúc tưởng niệm” (Doãn Nho), “Rhapsodie Hàm Rồng” (Nguyễn Đình Tấn), “Trở lại Điện Biên” (Trần Trọng Hùng), “Người về đem tới ngày vui” (Trọng Bằng) … Năm 1995, nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo mới lại trở về nước qua “Hòa tấu 95”, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết qua “Đối thoại với thiên nhiên”. Cuộc trình diễn “Nửa thế kỷ âm nhạc” năm 1994 vừa có ý nghĩa tổng kết những đỉnh cao quá khứ, bắt đầu giới thiệu những tìm tòi mới trong lĩnh vực ca khúc qua đêm thứ tư của chương trình gồm 4 đêm. Bởi thế, năm 1998, nghị quyết 15 của Đảng về Văn hóa – Văn nghệ mà chủ yếu là việc tiến tới sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật trong đó có âm nhạc mang tầm vóc lớn lao mà lịch sử dân tộc đã tạo nên. Từ đó đến nay, qua 15 năm phấn đấu nỗ lực, âm nhạc Việt Nam đã bước đầu cho thấy những nhuận sắc theo đường hướng, ước vọng mà nghị quyết nêu ra. Khởi đầu là vệt tác phẩm viết về Hà Nội nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội và 300 năm Sài Gòn như “Sóng hồn” (Nguyễn Thiên Đạo), “Concerto Thăng Long” (Đàm Linh), “Hà Nội thiên kỷ mới” (Vĩnh Cát), Ouverture fantaisie “Chào thiên kỷ mới” (Trọng Bằng), “Mở đất” (Đỗ Hồng Quân) …
   Khoảng 10 năm gần đây, càng thấy những dấu hiệu đáng mừng trong việc xuất hiện trở lại vững chãi của các tác giả thời chống Mỹ như thanh xướng kịch “Hoa Lư – Thăng Long bài ca dời đô” của Doãn Nho, kịch múa “Ngọc trai đỏ”, opéra “Người giữ cồn” của Ca Lê Thuần, concerto viết cho đàn kìm và dàn nhạc “Bình Minh” của Quang Hải, 9 Sonat của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, các giao hưởng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, “Thăng Long – Hà Nội” của Vĩnh Cát … Thế hệ nhạc sĩ thời hậu chiến cũng đồng hành mạnh mẽ như “Trổ 1” của Đỗ Hồng Quân, “Ngày hội” của Đặng Hữu Phúc”, những giao hưởng Hà Nội của Trọng Đài, “Ký ức đồng khởi” của Võ Đăng Tín, “Giao hưởng không đề” của Đức Trịnh, “Lệ Chi Viên” của Trần Mạnh Hùng, “Vàng son” của Việt Anh, “Trẻ con ở Sơn Mỹ” của Lê Quang Vũ, “Ký ức 1995” của Vũ Nhật Tân, “Eo lưng” của Trần Kim Ngọc. Nhiều tác phẩm giao hưởng thính phòng Việt Nam đã vang lên trên các sàn diễn thế giới như “Rhapsodie Việt Nam” của Đỗ Hồng Quân, “Lệ Chi Viên” của Trần Mạnh Hùng … Sự trở về của các nhạc sĩ gốc Việt ở nước ngoài như Nguyễn Thiên Đạo, Lân Tuất cũng mang lại những tác phẩm có giá trị như “Khai giác” (Nguyễn Thiên Đạo), “Tổ quốc tôi” (Lân Tuất) … Bên cạnh dòng nhạc kinh viện, các nhạc sĩ như Ngọc Đại, Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc đã có những đóng góp ban đầu cho việc hòa nhập dòng nhạc đương đại thế giới mà cuộc biểu diễn gần đây của Trần Kim Ngọc cùng tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong ở Mỹ đã gây được tiếng vang tốt đẹp.
          Thể loại hợp xướng mới cũng đã dần được khẳng định trở lại qua sáng tạo của Minh Quang, Đào Hữu Thi, Ngô Quốc Tính, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Nguyễn Thụy Kha … Cùng việc sáng tác âm nhạc, những tác phẩm viết về các nhạc sĩ cũng đã bắt đầu xuất hiện như cuốn sách dày dạn về nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam “Giao hưởng một đời người” của Nguyễn Thị Minh Châu, “Những gương mặt âm nhạc thế kỷ” (gồm 5 chân dung 5 nhạc sĩ giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I là: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Việt), “Nguyễn Thiện Đạo – nhạc sĩ bị giời đày” và “Huy Du – đời và nhạc” của Nguyễn Thụy Kha … và đặc biệt là cuốn tuyển chọn “1000 ca khúc Thăng Long Hà Nội” được vinh danh kỷ lục quốc gia.

    Nghệ thuật biểu diễn âm nhạc cũng có những đóng góp đáng kể. Đó là việc dàn dựng được những tác phẩm tầm cỡ thế giới trình diễn tại Việt Nam như nhạc kịch “Cây sáo thần” của W.A.Mozart và nhiều nhạc kịch khác. Đó là việc dàn dựng những tác phẩm bề thế của G.Maler, L.V.Beethoven … Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã có những chuyến công du biểu diễn Châu Âu bằng những vở nhạc kịch đã dàn dựng nói trên. Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã trình diễn ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Italia … và đặc biệt tại Mỹ cuối năm 2011. Trong chương trình thật tự hào là đã trình diễn những tác phẩm Việt Nam như concerto viết cho violon và dàn nhạc “Thăng Long” của Đàm Linh, những chuyển soạn các làn điệu dân ca cho dàn nhạc của Ngô Hoàng Quân. Có lẽ 15 năm qua là khởi đầu cho một ước vọng về đỉnh cao mới của âm nhạc Việt Nam trong thời đại hòa nhập thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ấm áp tình quê

Ấm áp tình quê Buổi sáng ngày đầu tiên của năm 2021, chúng tôi tản bộ dọc công viên để tận hưởng bầu không khí thanh tao trong nắng sớm ng...