Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Khúc nhạc Trịnh giữa lòng Sài Gòn… trên cung đàn đá trăm thanh

Khúc nhạc Trịnh giữa lòng Sài Gòn… 
trên cung đàn đá trăm thanh

Những mặt nước mùa xuân, những mùa hạ khói mây, những mặt đường lặng câm, những con đường trút lá vàng, những quán không, những xe ngựa ngược xuôi, những đường trần phù du ôm tóc ngắn, những dấu chân địa đàng du mục trời mây, những thận phận, tình yêu và chiến tranh cùng nỗi đau của người mẹ hái trái bí non mang ra phố trong một ngày giã biệt quê nghèo khói lửa, những em bé lõa lồ khóc tuổi thơ bay… băng qua linh hồn trưa vắng, băng qua ngón tay phù vân, băng qua nỗi vui buồn của người nghệ sĩ và băng qua những phút giây ngắn ngủi, hữu hạn trong một cuộc tình cờ nơi mặt đất quạnh quẽ này… Tôi nhớ mãi rằng có một buổi trưa Sài Gòn như thế!
Người ta vẫn thường nghe nhạc của ông trên nền guitar với những thang âm dìu dặt, những cung bậc thăng trầm réo rắt, những giọt buồn trắc ẩn và thệnh thang về một khoảng trời xanh mây biếc âm âm chiều vàng xứ sở nhiệt đới vui buồn chiến tranh và hội ngộ, đoàn tụ và tha hương, lưu vong và trở về… Dường như tất cả những âm ba, dư sóng  của đời sống này, mặt đất này, tình yêu này, nỗi đau này đi qua ca từ của Trịnh đều gắn với hơi thở bập bùng của chiếc đàn nhỏ rất Tây mà cũng rất Việt, dường như ông sáng tác nhạc là để hát cùng guitar, và trong một ý nghĩa nào đó, guitar sinh ra để hội  ngộ với ca từ của ông cùng tiếng hát Khánh Ly. Giữa một buổi trưa “nắng vàng in trên tóc”* trên đường phố Sài Gòn xe ngựa ngược xuôi, người chưa kịp nhìn mặt người đã vội chào nhau bằng một tiếng không lời phía tít mù xa thẳm trí nhớ… Vòng qua những phố dài, hẽm nhỏ và ngõ cụt, đến Đền Thánh Trần – nơi có một cây đàn đá, một niềm tin sắt đá, cùng những con người dạn dày sương gió nắng mưa như núi đá ngồi gõ nhịp đàn, thả lơi bàn tay, buông rơi vài giọt… Trịnh giữa đời… trên thân đàn đá…
Nghệ sĩ Đức Lộc đang phối ngẫu 
trên cung đàn đá 100 thanh.
Nói về Trịnh, e rằng đã rất nhiều người; viết về ông, có lẽ con số bài viết không dưới vài ngàn, hát ca khúc của ông và hát về ông, con số ấy lên hàng triệu, và hiểu thấu ông, con số ấy sẽ chẳng bao giờ có. Và, với một bài ngắn của một người có tuổi đời còn rất nhỏ, kiến thức cũng hạn hẹp (trên mọi nghĩa) trước ông, trước cuộc đời, người viết chỉ xin giải bày những cảm nhận (cũng rất riêng tư) những gì mình nghe thấy, cảm nghiệm thông qua lần mục kích sở thị những cung bậc của Trịnh thánh thót, ngân nga trên thân đá, trên đôi bàn tay chai sần vì đá của những nghệ sĩ đã bỏ gần hết cuộc đời của mình để chế tác, thử nghiệm và trải nghiệm âm thanh của đá, âm thanh của máu lệ và âm thanh của trần lụy trên nỗi im lặng của đá, trên nỗi tịch lặng ẩn mình sau câu chữ Trịnh Công Sơn.
2.
Họ sống trong một căn nhà giọt nát giữa lòng Sài Gòn, căn nhà nằm liền kề với đền thờ Đức Thánh Trần [cũng giọt nát và ngồi trong nhà có thể nhìn thấy một ít trời xanh qua những lổ thủng], cây đàn đá nằm chiếm gần hết không gian của con người, một cây đàn chia làm hai thớt âm dương, được đặt hai bên bàn thờ theo hướng Đông – Tây tượng trưng cho năm mươi người con theo cha về biển (Đông) và năm mươi người con ở lại cùng mẹ nơi rừng núi (Tây) theo truyền thuyết Trăm Trứng Nở Trăm Con, tượng trưng cho tính hợp nhất Âm Dương Ngũ Hành bởi kết cấu chất liệu và cấu trúc cung bậc của cây đàn.
Họ đã mày mò suốt hai hai mươi chín năm (1981 – 2009) sưu tầm từng viên đá, nghiên cứu âm thanh, chế tác bầu cộng hưởng, tạo thân đàn, cân chỉnh âm thanh, cung bậc để cho ra đời chiếc đàn đá duy nhất và lớn nhất Việt Nam (cho đến thời điểm hiện tại) có một trăm thanh, có thể phối ngẫu ngũ âm phương Đông với thất âm Tây phương một cách hài hòa, tròn trịa… Họ làm như vậy để làm gì ư? Khó mà nói cho trọn vẹn, vì tính thực tiễn của cây đàn hầu như không có [xét trên mặt thương mại], vì không ai dám mua một chiếc đàn nhìn sồ sề, cục mịch và nặng nề về nhà đặt ở phòng khách, càng không có mấy người chơi được đàn đá ngoài chính họ, và nếu muốn học để biểu diễn trên đàn đá thì đó là chuyện vô cùng khó, ngay bản thân người chế tác đôi khi còn lúng túng khi chơi… (Và tấm bằng xác nhận Kỷ Lục độ lớn và tính độc nhất của cây đàn đá chỉ mang lại cho họ một chút niềm vui nhỏ về mặt tinh thần, không hơn không kém…). Nhưng họ đã làm, với nguyện vọng duy nhất: chơi những ca khúc Trịnh Công Sơn cùng một ít bản sonnatte dòng cổ điển, và họ đã làm với sự trả giá không hề nhỏ tí nào.
Nghệ sĩ Chí Trung đang phối ngẫu 
trên cung đàn đá 100 thanh. 
3.
Đầu năm 1981, khi đến báo cáo công trình sáo trúc 16 lỗ trước Viện Âm nhạc Việt Nam, họ (Nguyễn Chí Trung – Nguyễn Đức Lộc) đã gặp nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ông nhạc sĩ Chủ tịch hội đồng thẩm định nghệ thuật [cho chương trình báo cáo của họ] và là Chủ tịch Hội đồng khoa học về đàn đá đã trao cho họ một thanh đá phát ra âm thanh của nốt sol với lời nhắn gửi duy nhất là hãy nghiên cứu và chế tác loại nhạc cụ này. Và thú đam mê của họ trỗi dậy. Nhưng thú đam mê không đồng hành với những gì liên quan tới nó, họ không có kinh phí để trang trải cho quá trình sưu tập đá, vợ anh Chí Trung vào cuộc, chị đến Hội Phụ nữ phường, chạy vạy, vay cho anh mười triệu để lo liệu “việc lớn”. Suốt hai mươi mấy năm ròng, hai anh Trung và Lộc hết đi tìm đá lại ngồi mày mò đục đá, tiện đá thành từng thanh nhỏ rồi chỉnh âm, điều âm… Cho đến ngày cây đàn đá trăm thanh ra đời… Đúng 28 năm dài, 29 năm ngắn. Món nợ mười triệu đồng vẫn còn là nỗi lo và căn nhà mỗi lúc một thêm giọt nát…
4.
Nhưng khi hỏi về cây đàn đá, dường như niềm vui của một “hành giả đi trọn con đường” hiện lên trong nét cười của họ, cái nghèo lấp lánh nước mắt và hạnh phúc của một kẻ trót sinh ra trong thân phận “đến khi thác xuống vẫn còn vương tơ” trỗ dài trong câu chuyện buồn vui với nhạc Trịnh Công Sơn…
Xác Lập Kỷ Lục - Bộ đàn đá 
nhiều thanh nhất Việt nam.
5.
Giữa trưa Sài Gòn nắng như rót lửa, họ nhuễ nhại mồ hôi và mĩm cười, nhìn cây đàn một lúc và bắt đầu những giai điệu âm trầm réo rắt một thời. Những mặt nước mùa xuân, những mùa hạ khói mây, những mặt đường lặng câm, những con đường trút lá vàng, những quán không, những xe ngựa ngược xuôi, những đường trần phù du ôm tóc ngắn, những dấu chân địa đàng du mục trời mây, những thận phận, tình yêu và chiến tranh cùng nỗi đau của người mẹ hái trái bí non mang ra phố trong một ngày giã biệt quê nghèo khói lửa, những em bé lõa lồ khóc tuổi thơ bay… băng qua linh hồn trưa vắng, băng qua ngón tay phù vân, băng qua nỗi vui buồn của người nghệ sĩ và băng qua những phút giây ngắn ngủi, hữu hạn trong một cuộc tình cờ nơi mặt đất quạnh quẽ này… Tôi nhớ mãi rằng có một buổi trưa Sài Gòn như thế!
-   Chú thích: * Trích thơ từ Một Buổi Trưa – Mưa Nguồn – Bùi Giáng – Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc/ Mây trên trời xuống phủ ở trên vai/ Màu phương cảo mờ phai trên nét ngọc/ Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai/ Em có định sẽ cùng ai kể lể/ Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao/ Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ/ Một mùi hương hồng tụ ở phương nào/ Đường đi xuống khung đời sương lổ đổ/ Hờn dung nhan em có chịu bên người/ Con mắt ấy một lần không khép lại/ Cánh la đà sao chẳng chịu đưa tin… Dẫm trang đời lá rụng úa thu phai.
Phương Ngạn
   http://www.youtube.com/watch?v=bBVKS5VPYNA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...