Nét mới trong tập thơ “Đường mây” của Đàm Hải Yến
Đàm Hải Yến, quê ở huyện Quảng
Uyên là cây bút trẻ của tỉnh. Thơ của Hải Yến được công chúng biết đến rất tình
cờ, khi cô bạn cùng học Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đem thơ Hải Yến về cho bố,
là nhà thơ Lô Hưởng Ninh đọc. Nhà thơ Lô Hưởng Ninh đọc xong đem đến Hội Văn
học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh thẩm định. Đó chính là tập thơ đầu tay của Đàm Hải
Yến “Ru giải yếm chàm” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2006.
Năm 2011, Đàm Hải Yến lại lặng lẽ
công bố tập thơ thứ hai “Đường mây”. Thơ Hải Yến có những phát hiện mới, khá
đằm thắm, chân chất, mộc mạc, song là cả tình yêu thương chất chứa bao dung của
cô gái trẻ, ví như: Mẹ gói nắng mùa lúa mới/Cha trao khăn gối mây hồng…/Người
ngả dã quỳ nhuộm áo/Thơm vàng bảy bậc cầu thang… (Chiềng Họ). Có thể gọi
đây là một phát hiện lắm chứ! Nếu không có tình yêu bằng cả tâm hồn mình với
quê hương, thì làm sao có thể yêu từ ngọn gió đầu non, đến vàng thơm cả bảy bậc
cầu thang?
Vẻ đẹp hoang sơ của miền núi Cao
Bằng đã được Hải Yến biến đổi cái chỉ nhìn thấy đến cầm và gói được! Có lẽ cái
tâm của một nhà giáo trẻ đã làm cho hồn thơ của cô thêm phong phú, đa sắc màu
và đĩnh đạc hơn chăng? Dường như càng viết, Hải Yến càng chuyên nghiệp hơn.
Dòng thơ của cô dù không mới, không cách điệu nhưng việc sử dụng ngữ từ, lối ví
von thì quả là tinh tế: Theo em lên núi tìm mùa chín/Bắt cuộn mây rơi mắc lưng
trời/Chị em phơi váy trên hoa cỏ/Bướm ùa ra đón khách đường xa... (Về Bản).
Đọc thơ Hải Yến, ta hiểu rằng cô
đã dành trọn tình yêu, chân chất mà thiêng liêng cho quê hương mình, nơi có
người cha hiền lành chất phác, có người mẹ, người chị thật dịu dàng và giàu
tình yêu thương… Hải Yến như muốn đem theo tất cả những hình ảnh của quê hương
đi với mình tới vùng đất xa lạ cũng còn gặp rất nhiều khó khăn - vùng đất huyện
Bảo Lâm, nơi cô đang công tác, đó là: Mẹ trồng cây đót nuôi mệnh cho con/Ở nơi đầu ngõ đất thịt
mỡ màng…/Con hồn nhiên đi giữa cuộc đời/Mẹ chăm sóc mệnh con ngày ngày/Bằng đôi
tay chai sạn…/Con ở ngoài kia dông bão/Nhớ mẹ và những búp mệnh xanh... (Cây Mệnh).
Phong tục của người Tày, Nùng ở
Cao Bằng có những nơi khi cha mẹ sinh con ra, những mong cho cuộc đời của con
mình mau lớn khôn, không gặp bất cứ một trở ngại nào, họ đã trồng cây, gọi là
cây mệnh,
cây càng mau lớn, tươi tốt thì cuộc đời của con mình càng gặp được may mắn.
Phải chăng, Hải Yến đã viết bài thơ này như một lời tri ân với cha mẹ mình?
Là cây bút còn rất trẻ (Hải Yến
sinh năm 1984) nhưng thơ Hải Yến ít thiên về tình yêu đôi lứa, lụy tình! Ngược
lại, Hải Yến như muốn gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, về
ông bà, cha mẹ và những người thân của cô. Hải Yến viết về những người thân của
mình như mở lòng tự sự: Con lại về bên cha chiều thu/Mặc chiếc áo mẹ cho ngày
cưới…/Khung cửi nằm buồn thoi ngừng đưa/Lấy chồng xa ba mùa con nước mới.../Tóc
mẹ bạc nhiều vì ngóng cánh nhạn bay... (Về với cha).
Nhiều cây bút trẻ hiện nay đã tìm
cách “phá phách”, thơ họ viết bạo dạn, viết theo sở thích và người đọc cũng khó
nhận biết được họ là người vùng, miền nào! Với Hải Yến thì không, thơ của cô âm
điệu đầy bản sắc, đầy hình ảnh của con người miền núi, Hải Yến viết theo mạch
tự nhiên, không gò ép, như dải mây trắng thong thả lướt qua non ngàn vừa nhẹ
nhàng, vừa dễ lan tỏa đi vào lòng người. Đó là phiên chợ của đôi lứa khi chia
tay nhau, tiếng khèn say trong nhịp múa: Chợ tan rồi/Khèn tìm ai nữa…/Gùi nắng trên lưng/Cong cong
sải bước…/Mang theo lời hát sớm nay/Và dáng hình ai trong men say múa khèn.../Điệu vút lên cao kéo mây xuống bản/Điệu chảy xuống lòng
thung cho người thương tắm... (Khèn ơi).
Phiên chợ miền núi luôn nhộn
nhịp, đông vui và đợi chờ của trai gái tìm nhau, phiên chợ năm ngày họp một
lần, con gái, con trai trao nhau câu sli, câu lượn, điệu khèn của con trai Mông
say đắm bổng trầm, níu bước chân người tình. Hải Yến mô tả phiên chợ tan với
cái nắng gùi nặng trên lưng, bước chân chậm chạp leo núi, dư âm của điệu khèn
bè lẫn vào mây núi, buông xuống thung sâu. Hải Yến đã rất thành công với lối mô
tả tượng thanh trong thơ của mình.
Hải Yến đến với thơ chưa lâu,
nhưng bằng sự quan sát tinh tường cùng với tấm lòng nhân hậu đã tạo nên ấn
tượng trong thơ của cô. Người đọc không tìm thấy sự khiên cưỡng, giả tạo trong
lối viết của Hải Yến. Có lẽ đây chính là điều làm cho người đọc đã cảm nhận
được cái “thích lắm” trong thơ của cây bút trẻ này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét