Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Nguyễn Sĩ Đại và ''Sắc trời thu Hà Nội''

             Nguyễn Sĩ Đại và ''Sắc trời thu Hà Nội'' 

“Dưới sắc cờ và trời thu Hà Nội” là tập thơ mới của Nguyễn Sĩ Đại ( Nhà xuất bản Hà Nội-2010)  ra mắt đúng vào dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Cái tên của tập thơ đã nói lên cái cốt lõi của tập thơ và đó chính là nguồn cảm hứng sáng tạo khơi gợi những cảm xúc, thể hiện những cảm nhận tinh tế, đa chiều về Hà Nội nghìn năm lịch sử.
Tập thơ 51 bài nhưng có tới  gần 20 bài viết về Hà Nội. Còn hình ảnh Hà Nội thấp thoáng, lung linh  trong mỗi bài như bóng Tháp Rùa ẩn hiện trong sóng biếc Hồ Gươm thì nhiều lắm. Thế mới biết tình yêu Hà Nội trong Nguyễn Sĩ Đại sâu sắc đến nhường nào. Dẫu rằng như anh tâm sự: “Hà Nội không phải là nơi tôi sinh ra. Không phải ai cũng có may mắn đó. Nhưng Hà Nội là nơi tôi có những năm tháng tuổi thơ học tập sơ tán ở trường Xuân La bên Hồ Tây mênh mông sương khói; Hà Nội là nơi tôi bước chân vào Đại học; nơi tôi có được tình yêu; nơi tôi “Giã trang sách trước mùa hoa phượng cháy” để lên đường vào Nam đánh giặc; nơi tôi về bên Hồ Gươm làm báo suốt cả cuộc đời ở báo Nhân dân”.
Vâng, có mấy ai có cái may mắn được sinh ra ở Hà Nội nhưng Hà Nội luôn trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Từ mối tình lớn lao ấy Nguyễn Sĩ Đại viết lên những câu thơ bằng tất cả tình yêu sâu nặng của mình:
Như bài thơ mang tứ thuở dời đô
Tôi ấp ủ với mùa thu Hà Nội
Ba mươi sáu đường cờ năm ấy
Sắc đỏ bay trong mắt mẹ sinh thành”
(Thu nay Hà Nội)
   Câu thơ xuyên suốt một chiều dài lịch sử của Hà Nội, sâu nặng ân tình mà chân thành như nói về Mẹ, về Cha, về những gì thân yêu nhất.
“Lời mùa thu em lại hát tôi nghe
Ô cửa nhỏ đóa cúc vừa trổ thắm
Mùa thu nay tôi đã đầy đặn lắm
Hà Nội ơi, Hà Nội giữa tay mình…”
(Thu nay Hà Nội)
Giữa cái vừa thực vừa ảo của hình ảnh “em” là một sắc vàng thu cúc, để rồi ta bất ngờ trước hình ảnh “Hà Nội ơi, Hà Nội giữa tay mình…”. Viết về mối tình lớn lao nhưng chân thật, hồn nhiên, ẩn chứa trong cái tưởng chừng nhỏ bé lại là cái lớn lao một cách dung dị như thế phải “có nghề” mới dám viết.
Yêu Hà Nội, Nguyễn Sĩ Đại xót xa trước những nét cổ kính mang hồn cốt Hà Nội cứ bị mất dần đi: “Chót vót tháp truyền hình, những mặt hồ bị lấp, mở mắt nhìn không thấy một gương xanh. Người thành phố giữa hai hàng phố hẹp, Đài Nghiên khô mực tả thanh thiên, nước thải chôn rùa chôn cả kiếm” – (Mới và cũ, ba mươi sáu phố phường Hà Nội).
Người ta đôi khi mải mê với những sự phát triển kinh tế đô thị mà quên đi những cái cần phải bảo vệ. Nguyễn Sĩ Đại thật tinh tế và sâu sắc tìm trong những rêu phong cổ kính nét đẹp mang hồn Hà Nội: “Thì vâng đẹp, những tòa nhà đá rửa, nhưng tôi yêu những vết mực trên tường, có khung cửa cô gái chiều tựa má, thả tóc vào thăm thẳm trời xanh”. Anh đâu có hoài cổ đến cực đoan, mà anh có cách yêu Hà Nội theo lối của riêng mình, một Hà Nội dân tộc và hiện đại: “Cái mới tôi cần, vâng: Cái mới! Cho tôi hết lòng yêu nhiều cái cũ, cũ như là bạn gặp vẫn chào tôi” – (Mới và cũ, ba mươi sáu phố phường Hà Nội). Thì Hà Nội dẫu có hiện đại đến đâu mà nếu thiếu đi những Hà Nội trong tranh phố Phái thì rồi mấy ai sau này biết Hà Nội xưa và nay thế nào và hình ảnh Hà Nội sẽ ra sao?
Nguyễn Sĩ Đại không chỉ hiểu mà còn thấm vào huyết quản Hà Nội “máu và hoa”  trong thăng trầm lịch sử:
“Dẫu lịch sử ngoằn ngoèo và khốc liệt
Áo Thăng Long lửa máu vấy bao lần
Dẫu vua chúa có kẻ từng theo giặc
Xe ngựa lũ bất tài nhiều thuở nghênh ngang”
(Hà Nội tuổi ba mươi)
     Bởi tuy có vậy nhưng trong cảm nhận của Nguyễn Sĩ Đại đồng thời đó cũng là thực tế lịch sử :
Thì còn một Thăng Long nguồn mạch tự nhân dân
Cô bán chiếu Hồ Tây biết dựng nghiệp cùng chồng
đi kháng chiến
Người đan sọt biết trở thành tướng lĩnh
Xong việc rồi vua gõ mõ nhẹ nhàng không
Để Hà Nội hôm nay mỗi góc phố con đường
Những chứng tích dày lên như dát ngọc”
(Hà Nội tuổi ba mươi)
Thơ đấy mà như tái hiện lại cả một quá trình lịch sử và cái cốt cách của người Hà Nội được thể hiện sao mà khéo đến thế!
Yêu Hà Nội, anh mang theo cả Hà Nội vào chiến trường:
Hà Nội xa rồi, Hà Nội nhớ tôi không
Thạch đen đá mắt lớp mười bẻ liễu
Tôi mặc áo Tô Châu cửa ô nhìn không nói
Đêm Trường Sơn hoa phượng cứ rơi về”
(Hà Nội)
    Cái cách đặt câu hỏi tu từ ấy càng làm cho người đọc hiểu nỗi lòng của người lính luôn mang theo hình ảnh quê hương. Và rồi cái ánh “mắt lớp mười bẻ liễu” thân thương kia và mầu hoa phượng cháy đỏ trong mỗi đêm Trường Sơn vô cùng ác liệt ấy tiếp sức cho anh cùng đồng đội chiến đấu và chiến thắng.
    Từng là người lính, Nguyễn Sĩ Đại hiểu rõ hơn ai hết cái giá để có hòa bình, anh nói với con bằng tất cả khát khao và mong ước:
“Con hãy cùng cha ra khỏi căn phòng
Để nhìn rõ hơn bầu trời và mặt đất
Rồi ngày mai con vào lớp học
Có mùa thu nay da diết ở trong lòng”
(Với con dưới sắc cờ và trời thu Hà Nội)
Vâng, nếu mỗi người không ra khỏi “căn phòng” mang đầy cái tôi của riêng mình thì sao có thể thấy được bầu trời và mặt đất, làm sao có được “mùa thu nay da diết ở trong lòng”, giản dị như một chân lý mà đâu có kém chất thơ.
Cứ ngỡ nhà báo, lại làm ở báo Nhân Dân thì thơ anh cũng không tránh khỏi đôi lúc mang hơi hướng tuyên truyền nhưng thật bất ngờ khi đọc:
Tóc em và gió hồ
Bay xanh chiều Hà Nội
Tầng không đầy bối rối
Trước một mùa cốm non
Anh đi qua mùa xuân
Anh đi qua mùa hạ
 Gặp mùa thu lạ quá
Như lần đầu biết yêu”
(Ca từ cho mùa thu)
      Thực, ảo, riêng, chung hòa quyện rất khéo léo, câu thơ tự nhiên như hơi thở, đẹp như một ca khúc trữ tình.
      Cũng cái tứ đó, Nguyễn Sĩ Đại tâm sự với mối tình của mình, mà Hồ Gươm như một chứng nhân đau đáu một nỗi niềm cùng anh:
“Nắng rót giơ tay là hứng được
Chốn em đã có níu chân người?
Hồ Gươm như thể con mắt ướt
Nằm nhớ xa xanh dưới đáy trời”
(Hồ Gươm nước biếc chiều nay lắm)
Tôi tin chắc nơi Hồ Gươm có rất nhiều kỷ niệm trong anh, dẫu ai cũng hiểu Hồ Gươm với Tháp Rùa như trái tim Hà Nội.  Để dẫu khi có một mình dạo bước, anh vẫn tìm về những kỷ niệm trong sáng đầy trong ký ức, rồi yêu người, yêu Hà Nội một cách hồn nhiên:
“Có phải em vừa đi qua đây?
Mà Hồ Gươm sóng nước dâng đầy
Mà xôn xao gió bâng khuâng liễu
Hà Nội muôn đời ta đắm say…”
(Hồ Gươm nước đầy)
    Như anh từng thổ lộ: “Hà Nội là nơi tôi có được tình yêu”, tôi hiểu đấy không chỉ là tình yêu theo nghĩa thông thường, mà lớn hơn đó là tình yêu quê hương đất nước nhưng trong thơ anh cái chung và cái riêng hòa vào nhau, nâng lên một tầm cao mới:
“Mùa thu dừng lại ở Long Biên
Mùa thu dừng lại ở mắt em
Ta không đừng được, không đừng được
Vĩnh viễn mùa thu một nỗi niềm”
(Mùa thu dừng lại)
Anh nói mùa thu dừng lại ở… khiến người đọc hơi ngỡ ngàng nhưng rồi khi ta đọc câu: “Ta không đừng được, không đừng được” mới hiểu và đồng cảm cái tình thôi thúc mãnh liệt ở trong anh với Hà Nội: “Vĩnh viễn mùa thu một nỗi niềm”.
Chính tình yêu Hà Nội vĩnh viễn một nỗi niềm trong anh đã trở thành động lực trong suốt hành trình sống, học tập, phấn đấu và yêu của anh. Hiểu anh, ta càng đồng cảm và chia sẻ ước mong được cống hiến, được đóng góp cho Hà Nội:
Tôi biết Hà Nội vẫn còn em
Còn tất cả dịu dàng và mơ mộng
Dẫu Hà Nội nhìn tôi trong phố cao, nhà rộng
Với sông Hồng, tôi ngấn một phù sa”
(Với sông Hồng tôi ngấn một phù sa)
    Trong tập thơ đôi câu, đôi chỗ vẫn chưa thoát ra được sự khuôn sáo và gợn sạn, gọt giũa chưa được công phu nhưng không vì thế mà làm giảm giá trị của tập thơ, bởi những giá trị biểu cảm và mỹ cảm. Tập thơ “Dưới sắc cờ và trời thu Hà Nội” của Nguyễn Sĩ Đại thêm một tiếng lòng ngợi ca Thủ đô yêu dấu. Thơ anh giầu hình ảnh, nhịp và nhạc, luôn tìm tòi cách thể hiện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm hứng trữ tình thế sự và cảm hứng trữ tình công dân, làm nên một tiếng thơ khá độc đáo. Nhiều bài tạo nên không gian đa chiều, đem lại những hiệu quả cảm thụ bất ngờ. Một Hà Nội bộn bề những chứng tích rêu phong cổ kính, một Hà Nội hiện đại đang từng ngày vươn tới những tầm cao, một Hà Nội vẹn nguyên trong tâm hồn những người dân đất Việt hiện lên tinh khôi như mối tình đầu và những con người Hà Nội đang ngày đêm lặng thầm cống hiến vì một Hà Nội dân tộc và hiện đại.
  Hoàng Đạo Chúc - Trần Vân Hạc  
Nguồn: Phongdiep.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...