Khi nàng vùng chạy khỏi buồng bệnh thì cơn mưa giông ào ào
trút xuống, cuốn phăng theo dòng nước những bông phượng đỏ thắm. Có điều gì thuộc
về định mệnh khắt khe đến nỗi gắn lên nàng – người con gái đẹp như thiên thần –
căn bệnh nghiệt ngã. Nàng chạy, chạy mãi về đâu để lộ tấm thân ngà ngọc. Mà
chao ôi! Chỉ có tạo hóa mới tạo ra được vẻ đẹp thánh thiện đó.
-Thiên Ngân chạy kìa!
Cho đến lúc các bệnh nhân cất tiếng la inh ỏi, tôi mới sực tỉnh
rồi lao vút theo nàng.
Đã bao nhiêu bộ đồ, đã bao lần chúng tôi bắt nàng mặc vào, thế
mà không có bộ nào Ngân không xé hoặc vứt ra cửa sổ. Áo quần trở nên vô nghĩa,
với nàng hình như còn là một kẻ thù.
Nàng huơ tay, múa chân, quỳ xuống bất động giữa vườn hoa hồng.
Mái tóc ướt mềm xõa lên bờ vai trong cơn mưa gió. Đôi mắt buồn dịu vợi nhìn về
xa vắng như khấn nguyện điều gì huyền bí.
Có những khoảnh khắc thiêng liêng suốt đời làm ta xao xuyến…
Có những bóng hình chỉ một lần lưu luyến ngàn năm…
Bàng hoàng, sửng sốt, mộng hay là thực? Tôi cúi xuống, bàn
tay tôi run run khẽ nắm tay nàng rồi từ từ đỡ nàng đứng dậy. Tôi dìu nàng về.
Nàng bước theo thẫn thờ, hoang dại. Ôi! Tôi cứ ngỡ mình đang sống giữa cảnh
hoang sơ từ muôn triệu năm về trước… Đang vu vơ, mơ màng thì tôi đi tới phòng
trưởng khoa lúc nào không hay:
- Thưa bác sĩ, bệnh nhân Ngân lên cơn kích động, cởi bỏ áo quần,
vừa chích ba ống an thần nhưng vô hiệu.
Từ nhiều tuần nay, một lượng thuốc chống loạn thần và chống
trầm cảm rất lớn đưa vào Thiên Ngân, nhưng cơn bệnh vẫn còn kịch liệt. Bác sĩ
trưởng khoa đích thân điều trị, không giấu vẻ lo ngại, đắn đo một lát rồi bảo
tôi:
-Thêm hai ống thuốc nữa.
Chích xong nàng dịu lại, nằm yên trong bộ đồ trắng. Lúc này
Ngân đẹp một cách hồn nhiên, yên ả. Mắt nàng nhắm lại, vẻ buồn vụt bay.
Đêm nay, bước vào phiên trực, bóng trăng hạ tuần chênh chếch
mà sao không gian lại trở nên u tịch, tự dưng tôi thấy lòng mình buốt lạnh.
Hình như có điều gì chẳng lành! Đã mười năm trong nghề, tiếp cận hàng ngày với
thế giới phức tạp và kỳ dị này, vậy mà người điên luôn luôn bí ẩn. Tôi kiểm tra
hơn hai trăm bệnh nhân, tôi nhìn Thiên Ngân một lần nữa. Nàng đang ngủ, ánh
trăng luồn qua khung cửa soi sáng bóng nàng. Ôi! Biết bao giờ nàng mới hồi phục.
Tôi thầm nghĩ rồi quay về phòng trực. Đêm đã khuya, khó ngủ, tôi choàng dậy,
tha thẩn dọc vườn hoa. Dưới ánh trăng, những bông hồng vừa nở sáng nay càng diễm
ảo. Tôi đứng đó, trầm tư và lặng lẽ rất lâu… Tự dưng trong mắt tôi, vẻ đẹp của
những đóa hoa hồng trở nên xa xăm như thế nào, mờ mờ như thế nào và dường như ẩn
chứa điều gì thật mong manh, dễ vỡ. Tôi cảm thấy buồn buồn, rồi quay về. Bỗng từ
buồng bệnh từng đợt âm thanh ập tới, mỗi lúc mỗi dồn dập:
- Không!... Không!...
- Trời ơi! Lại tiếng của nàng!
Hằng đêm, tiếng thét của Thiên Ngân như xé từng thớ không
gian, vọng lại từ thinh không nghe rờn rợn. Mà buồn, mà tha thiết, mà huyền ảo.
Hình như nàng dồn hết sinh lực cho những âm thanh của riêng mình mà trong một
khoảnh khắc của đời nàng, nàng còn giữ lại.
Ai hỏi, hỏi gì, kiên trì đến mấy nàng cũng không hé một lời.
Đối diện nàng như đối diện với hư vô, lặng thinh, trống vắng, vậy mà trong cơn
mê sảng nàng thét lên cuồng nộ, phũ phàng.
Có điều gì thiêng liêng buông lìa trong chuỗi âm thanh đứt
quãng, bẽ bàng dội từng đợt về miền quá khứ.
Ngày đó, bên dòng sông êm đềm, thơ mộng, gia đình nàng đang sống
bình yên thì đột nhiên mẹ nàng phát bệnh. Bà tự dưng hoảng sợ lạ thường, sợ gia
đình tan nát, sợ quê hương giặc giã tràn về. Nửa đêm, bà gọi tên chồng, tên con
rồi thiếp đi trong ác mộng. Một lần, bà vùng dậy, huơ tay hét lớn: “Thiên Ngân…
Thiên Ngân…”. Hoảng sợ, nàng ôm chầm mẹ nức nở. Cảnh nhà rối tung. Cha nàng tìm
thầy chạy chữa khắp nơi, đi hết am này miếu nọ. Không đỡ, buộc lòng ông phải
đưa vợ vào bệnh viện. Ngày ngày ông đạp xe hơn ba mươi cây số xuống thăm và
chăm sóc vợ sau khi đã cuốc đất, vỡ rẫy. Một lần, ông băng qua cổng bệnh viện với
cà mèn cơm đem cho vợ, thì một chiếc xe U-oát phóng tới cán lên người ông. Ông
thét lên: “Trời ơi! Sao tức tưởi thế này!”, rồi bất tỉnh. Tài xế là một sĩ quan
vừa lái xe vừa nghe tường thuật bóng đá!
Chao ôi! Đã bao năm rồi mà tiếng thắng xe rít lên ngày đó còn
nghe rờn rợn bên tai, vết trượt xe dài hơn mười mét, đen sì, tưởng chừng còn
bám chặt giữa lòng đường quốc lộ.
Trong tích tắc, tiếng còi xe cấp cứu hú lên inh ỏi chở ông thẳng
vào trung tâm phẫu thuật thành phố, bỏ lại đám đông đang nhốn nháo, bàng hoàng.
Bảy bình máu, ba cuộc đại phẫu tiến hành trong ba ngày dưới những đôi tay phẫu
thuật lành nghề, nhưng các tạng phủ bị vỡ, giập một cách nghiêm trọng. Đến rạng
sáng ngày thứ tư thì giọt máu cuối cùng trên đường truyền ngừng lại, cắt đứt
vĩnh viễn sự sống một con người tận tụy, thủy chung. Ông cao gần một mét tám,
dáng phong sương rắn rỏi, tóc xoắn bồng bềnh nghệ sĩ. Nằm bên cạnh ông dưới gầm
xe U-oát hôm đó là đôi dép Nhựt đứt, cột dây thép làm quai và cái mũ cũ vá chằng
chịt, ngả màu. Lúc quan tài vùi sâu vào lòng đất, có bà mẹ già còng lưng chống
gậy khóc con, có người anh ruột cụt hai chân lết quanh mộ khóc em và đàn con dại
nháo nhác, nháo nhác như gà lẻ mẹ khóc cha.
Đất trời như tối sầm lại, dòng sông phút chốc tưởng ngừng
trôi.
Tai họa ập xuống ngút trời, Ngân quỵ ngã bao lần rồi gượng dậy.
Mẹ Ngân đứng ngồi không yên, chiều chiều bà ra hiên ngóng chồng. Mới hôm nào
ông luôn ở cạnh bà mà giờ đây ngỡ như biệt tích. Bà đâm nghi rồi chìm vào linh
cảm. Từ ngày cha chết, Ngân trở nên lúng túng. Mẹ đã không thấy mặt cha lần cuối,
rồi mỗi bữa xuống thăm, đau đớn nhất là Ngân phải tháo cất khăn tang. Trong khi
mẹ cứ nằng nặc đòi về, mà nói dối cầm chân thì không được nữa, mà nói thật thì
mẹ chết mất! Làm sao bây giờ?
Một hôm, tay bưng bát cháo, Ngân vừa đi vừa suy nghĩ điều gì
thì bước tới giường mẹ lúc nào không hay.
-Tại sao con khóc? – Mẹ Ngân bất giác phát hiện.
-Dạ…
Ngân ấp úng đánh rơi bát cháo ngã vào lòng mẹ, bật khóc. Bà
ôm Ngân sững sờ, bất tỉnh.
Ngân thét lên:
-Cứu mẹ tôi!... Cứu mẹ tôi!...
Khẩn cấp, toàn kíp trực vào cuộc. Hai giờ sau, bà hồi tỉnh và
được đặt trong sự theo dõi nghiêm ngặt kèm những loại thuốc an thần cực mạnh…
Đối với bà, không có ngày ra viện, bà trở về trong tang tóc,
ngậm ngùi.Từ đó bà ray rứt, ân hận. Giá như ngày trước không ngã bệnh, thì đâu
đến nông nỗi này. Bà như cây trốc gốc, thẫn thờ, héo hon. Ông chết quá kinh
hoàng, tinh thần bà sụp đổ, sống mà như đã chết, không làm gì được, cảnh nhà trở
nên khó khăn, túng bẩn. Con bà từng đứa bỏ học, cố gắng làm lụng, cố an ủi bà
nhưng đành chịu. Chấn thương tinh thần đã đẩy bà xuống vực, khó mà cứu vãn.
Nhìn mẹ, nhìn em, Ngân không cầm được nước mắt. Quanh năm
chân lấm, tay bùn vẫn thiếu trước, hụt sau. Thương mẹ, thương em nhưng nàng
đành bất lực. Đêm đêm nức nở một mình mà nước mắt đâu làm vơi nỗi khổ. Quê
hương chừ không nuôi nổi con người.
Đêm mãn tang cha, nàng ra bờ sông ngồi khóc, khóc cho phận
mình sao sớm bẽ bàng. Dòng sông Thu bồng bềnh trong nước mắt, những kỷ niệm
ngày thơ lần lượt hiện về… Nàng nhớ da diết những ngày tung tăng cắp sách đến
trường trên những chuyến đò xuôi ngược, nhúng tay trong làn nước mát rượi tình
quê… Nhớ những đêm trăng sáng lung linh đi hái trộm nhãn lồng, kéo ra bờ sông,
giành nhau í ới, dậy cả góc trời… Rồi lớn lên, bạn bè đứa đi lấy chồng, đứa đã
có con… Nàng cũng là một con người mà tựa như cái bóng, bước lẻ loi bên cạnh cuộc
đời. Nàng bỗng thấy tuyệt vọng. Sông ơi! Có thấu tỏ lòng ta?
Đêm xuống càng khuya, đầu xóm văng vẳng tiếng gà gáy sáng. Một
vài ánh đèn khi tỏ, khi mờ hắt lại từ những chiếc ghe chài. Thỉnh thoảng, tiếng
gõ cá khua kêu từng hồi rồi không gian lại rơi vào tĩnh lặng. Bến vắng lành lạnh.
Trên trời, một ngôi sao băng vụt tắt. Nàng đứng dậy, đi ra sát bờ, tháo chiếc
khăn tang, rưng rưng nước mắt, thả xuống dòng sông. Sông mang theo một kỷ vật,
trôi, trôi mãi…
Thế rồi, một sớm tinh mơ, lúc trời còn chưa tỏ mặt người,
Ngân lặng lẽ bỏ nhà, bỏ quê ra thành phố. Chao ôi! Nàng còn quá ngây thơ, trinh
trắng để hiểu muộn màng rằng, thành thị có một bộ mặt, thôn quê có cả một tâm hồn.
Tựa cánh bèo trôi dần xa bến cũ, nàng mỏng manh trước cạm bẫy
cuộc đời
Một đêm… Nàng rơi vào bàn tay của quỷ…
Trong đau đớn, hãi hùng, nàng lê từng bước về phòng rồi gục
khóc. Giọt lệ trinh nguyên Thượng đế không ban cho lần nữa trong đêm phán xử cuối
cùng. Căn phòng trọ rùng mình nghiêng ngả. Khúc hát ngày thơ xa xót vọng về.
“Thế là hết, mẹ ơi!”. Đêm đó có người con gái bơ vơ, lạc lõng giữa thành phố xa
lạ rồi quỵ ngã bên đường. Hàng phượng vĩ từng đêm khép lá, lao xao trong gió.
Những bông phượng đỏ thắm, nghiêng nghiêng, rụng xuống bên nàng. Trên suối tóc
còn xanh… Một cánh hoa tan tác…
Bình minh lên, những người bộ hành đưa nàng vào bệnh viện,
trong cơn mê sảng nàng quằn quại thốt lên: “Không… Không…” Rồi ngất lịm.
“Có những cái điên của người điên làm người tỉnh thêm tỉnh.
Người điên là những người mất tất cả nhưng còn lại linh hồn. Hãy đến với họ -
góc khuất bi trángcủa cuộc đời. Và, ở đó, trong khổ hạnh chênh vênh giữa hai bờ
vực - ảo, con sẽ tìm ra lời giải cho câu hỏi lớn: Con người?”.
Tôi nhớ lại lời thầy. Tôi nhớ Thiên Ngân. Thấm thoát đã bốn
năm rồi, vậy mà, hình bóng của nàng, âm thanh của nàng cứ còn ray rứt mãi trong
tôi. Biết là bao âm thanh và cuồng nộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét