“Ngàn Xưa
Ngàn Sau”, tuyển tập những ca khúc của chị Hoàng Hoa, phần lớn được phổ từ
thơ của nhiều người, cùng với vài bản được tác giả viết cả nhạc lẫn lời.
Minh Thao, một nhà soạn
nhạc ở cố đô Bergen- Norway trong lời tựa của tập nhạc đã nhận xét:
… đa số những bài hát
trong tuyển tập nầy cũng như những bài hát khác của chị mà tôi được hân hạnh
biết đến đều là những ca khúc được phổ từ thơ của nhiều tác giả. Đặc biệt, các
thi sĩ có thơ được Hoàng Hoa phổ nhạc thuộc nhiều thế hệ và phong cách khác
nhau… có những bài thật tình cảm, rất lãng mạn trong tình yêu trai gái; nhưng
cũng có những bài mang nặng nỗi lòng với quê hương, đất nước, hay thân phận con
người, đầy ắp những trăn trở, suy tư… điều nầy chứng tỏ sự mẫn cảm và rung động
với cái đẹp trong thi ca của Hoàng Hoa thật đa dạng và phong phú.
Ngoài sự đa dạng trong sự cảm ứng với cái đẹp như đã nêu trên; tôi
nhận thấy nhạc của chị cũng mang nhiều nét mới lạ, độc đáo. Với tinh thần chịu
khó học trong trường nhạc tại Ý quốc, nơi chị định cư, Hoàng Hoa viết ca khúc
với cấu trúc hợp âm đa dạng và chặt chẽ, khiến trong melody của chị có nhiều
note nhạc thật đẹp, rất ít khi thấy trong các ca khúc của những vị tiền bối. Dĩ
nhiên những note nhạc nầy rất khó cho ca sĩ hát khi muốn trình bày ca khúc của
chị như ý muốn. Có lẽ chị muốn có một phong cách thật mới lạ
hơn nữa, khác với truyền thống viết theo lối chân phương của ca khúc Việt Nam,
trong ca khúc của Hoàng Hoa hiếm khi gặp những đoạn cao trào ở phần điệp khúc
như những ca khúc Việt Nam thường gặp. Nhạc của chị theo lời thơ tuôn thành
mạch liên tục như suối nguồn bất tận.
Tôi hy vọng những
ca khúc của chị là những đóa hoa lạ trong vườn âm nhạc Việt Nam. (trích).
Về kỹ thuật
viết nhạc, cấu trúc hợp âm đã có nhận xét của anh Minh Thao: dòng nhạc mang nhiều nét mới lạ cũng như…sự mẫn cảm và rung động trước cái đẹp của thi ca. Cùng
những nhận xét của khán thính giả đã chứng minh cho khả năng của chị có một chổ
đứng vững vàng trong ngành nầy. Chị đã trải qua một thời gian dài làm nhạc sinh
tại trường Quốc Gia Âm Nhạc thành phố Padova- Italy. Theo đó khả năng của chị
đã đạt được những căn bản cần thiết cho một người soạn nhạc; đã thể hiện qua
những ca khúc là một minh chứng cho nhận xét của khán thính giả. Chị không chỉ
soạn nhạc mà còn hát nữa, cho nên không mấy ai ngạc nhiên với những nhận xét
trên đây. Tôi đã có lần được chị đàn và hát cho nghe những ca khúc do chị sáng
tác, nhận thấy tiếng đàn rất điêu luyện với giọng ca mang âm hưởng mới mẻ và
truyền cảm.
Nhớ ngày xưa tôi có anh bạn học nhạc Klassic, những ngón tay của
anh lướt trên phím đàn Guitar thấy rất thích, nghe mà rung cảm. Bây giờ, lại
gặp thêm ngón đàn của chị Hoàng Hoa mà thầm cảm mến những tài hoa đang tiếp nối
theo con đường phụng sự nghệ thuật.
Một lần chuyện trò
với chị, tôi muốn tìm hiểu thêm về âm nhạc và hỏi chị:- Trong chương trình học
Âm Nhạc, chị thấy môn nào khó nhất?
Chị tâm sự: “Khó
nhất là những giờ thầy ngồi lướt tay trên phím đàn, học viên ngồi dưới nghe và
ghi lại note nhạc. Vì thế mà người học nhạc phải khai thác tối đa các đức tính
như: Năng khiếu, đam mê và ý chí.”… phải luyện “cái nghe” cho thật điêu luyện,
thật nhạy bén mới ghi nhận đúng và đầy đủ những ký hiệu của nhạc lý.
Năng khiếu thì thuộc về thiên phú, còn đam mê và ý chí thì phải tự
mình triển khai tận cùng để luyện tập mới có được sự nhạy bén, cảm nhận một cách
sâu sắc.
Có lẽ nhờ vậy mà
những người sáng tác âm nhạc đều rất cần đến những yếu tố nhạy cảm, phải biết
vận dụng tối đa cái nghe và phân biệt âm thanh cho thật chính xác. Như tiếng
chim hót, tiếng mưa rơi, tiếng gió hú, tiếng sóng xao... để khi những âm thanh
ấy được ký hiệu vào nhạc, dệt thành lời ca mới đạt đến mức truyền cảm cao. Còn
nữa, cần phải hình dung về màu sắc, hình ảnh và những gì liên quan đến tình cảm
của con người, để hòa chung với cảm xúc.
Người ngày xưa ngồi
nghe những giọt mưa từ mái lá, tiếng gió ngừng đi, chim kêu chiêm chiếp và
tiếng lòng ai đang thổn thức, đã vẽ lại một khung cảnh mang chở hồn thu buồn
vời vợi, lan rộng mãi vào không gian bao la…
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn
mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ
hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ
Vài con chim non
chim chíp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh.
Gió ngừng đi, mưa
buồn chi
Cho cõi lòng lâm ly
Hồn thu tới nơi đây
nghe buồn lây
Lòng vắng muôn bề
không liếp che gió về
Ai nức nở thương
đời châu buông mau
Dương thế bao la
sầu (*)
Bước vào nội dung tuyển tập nhạc có tựa đề:- Ngàn Xưa Ngàn Sau, đặc biệt có hai bản nhạc mà
tác giả đã viết cả nhạc lẫn lời. Các bản nhạc: “đâu cõi đi về” và “xuân tha hương” đều mang một nỗi niềm bơ vơ,
lạc lõng và nỗi buồn của những người đi!
… bao ngày qua
lạc lối bên trời hoang. Lòng nát với cỏ cây ngày ngày quạnh hiu…
Rừng già im vắng
thu xác xơ buồn…
Xanh xao hương sắc
nhuốm bạc màu thanh xuân…
Sao rơi trăng tàn
khuất bóng.
Ta chợt tỉnh giấc
với cơn gió về cuốn đi nát tan cõi mộng phù du…
Rừng già im về kiếp
xưa còn chưa phai mờ.
Biển trầm luân ngàn
tiếng than triền miên. Sóng gào than cao tiếng hú gió lên.
Mai rồi đây có dứt
nợ trần gian vào cõi địa đàng nào biển ơi. (đâu cõi đi về)
Nỗi buồn quạnh hút
của lòng người tha hương được ghi lại như lời than của gió, tiếng vọng của rừng
xác xơ khi thu về trút vàng hết lá, để lại cành trơ vách đá. Như nỗi niềm hoang vu của lòng đang
thăm thẳm giữa trùng khơi. Biển vẫn thì thầm tiếng sóng, trầm luân trong tiếng
gió triền miên, vọng lại vào tiềm thức của người lữ thứ một nỗi niềm tan vơi
theo tháng ngày phiền muộn.
Như nỗi sầu mộng
của thiếu phụ mong cho đêm chóng tàn, để thấy được bình minh. Nhưng khi trăng
tàn khuất bóng, chợt tỉnh giấc mê giữa nỗi niềm khuất tạnh nơi chốn phòng khuê,
lại nghe nỗi niềm trống trải, nét tàn phai đang dâng lên bạc màu thanh xuân.
Mặc cho sao rơi, trăng tàn, gió cuốn, rừng có xôn xao lá hát, biển có mênh mông
thêm chiều, và thời gian có tàn nhẫn nhuộm tím hồn thu, thì cũng đành gói lại
ước mơ xưa cho ấm lòng nơi chốn quạnh.
“Chiều nay
bâng khuâng mùa xuân đã qua bao lần, nghe hồn thêm tê tái.
Giòng sông nào tiển
đưa người đi tận chốn xa.
Nghe gió xuân về
vương sầu. Biệt ly cố hương.
Năm dài đã nhạt
phai hình bóng ngày nao…”
(xuân tha hương).
Lời
nhạc nhẹ nhàng nhưng thiết tha vô cùng, như dìu dắt những tâm hồn khuất xa về
lại, mang chở nỗi sầu rất vương giả, nét lãng mạn thầm kín đông phương. Nỗi
bâng khuâng muôn đời của lữ khách bên trời, mỗi khi mùa xuân đến; rồi lại nghe
lòng tê tái mỗi lần xuân đi qua. Khi đời vẫn mãi chìm đắm trong một niềm xa mà
nghe cõi lòng như sắt se bởi nhớ nhung về một quãng đời, một hình bóng đã ngàn
trùng. Để rồi ước mơ làm dài thêm nhung nhớ, xa thêm khuất cách cho hương đời
chìm vào tàn phai. Cho mỗi lần giao mùa: nghe gió xuân về vương sầu … thế nên còn mãi ước mơ về lại, là niềm thao thức khôn nguôi.
“… Ước mơ tìm
lại hạnh phúc đã xa bao ngày.
Ấm êm phút
giây đoàn viên.
Mạch xuân trào
dâng lung lay cơn gió nắng reo vui ấm cõi lòng.
Tan băng giá đâm
chồi non cây lòng.
Nguyện cầu cho Quê
Hương.
Ngày an lành trên
Quê Hương.”
(xuân tha hương).
Nên lòng hoài
hương vẫn thăm thẳm ngút ngàn ấy, mãi làm khắc khoải mà những người đi đều mang
nặng bên lòng. Những ước mơ đoàn viên, mong ngày hội ngộ là ánh sáng dẫn lối để
muôn người hát lên lời nguyện cầu cho quê hương có một ngày thanh bình tươi
sáng. Hoài vọng ấy thật đẹp như những phiến mây không vương mang hệ lụy của đời
thường, cứ mãi thong dong theo ngày tháng rộng…
Tiếp theo là
những ca khúc phổ từ thơ của nhiều tác giả:
Với những: “ngàn xưa ngàn sau”- “khoảng cách chẳng bình yên”- “năm tháng gọi
tuổi tên mình bỗng lạ”- “nỗi đau tình cờ”- (thơ Phạm Ngọc).
Từ khuất một
bóng hình dấu yêu, có thể là thần tượng mang theo của bao người đi. Hình ảnh ấy
cho dù đã rơi chìm sau bóng phượng, sau bức tường rêu phong của ngôi trường
xưa, sau ký ức nhạt nhòa theo tháng ngày ly hương, nhưng mãi mãi vẫn còn ẩn
hiện nét đan thanh của khung trời kỷ niệm. Nên lời vọng lại từ ngàn xưa, sẽ
vọng mãi đến ngàn sau. Hình bóng ấy, tiếng vọng ấy, khoảng cách ấy, từ nơi chốn
xa xăm nào của một quê hương khuất cách, như đang thì thầm và muôn đời như con
sóng hằng đêm vẫn vỗ vào bờ đá lạnh.
Hẹn thề xin giữ mai
sau. Cùng em đi lại bước đầu nguyên sơ. Ngày xưa núi hẹn sông chờ. Ngày sau mưa
nắng vẫn chưa bạc lòng. (ngàn xưa ngàn sau).
Tấm lòng
chung thủy ấy vẫn luôn dàn trải theo không gian xa cách, theo thời gian tàn
phai để mong cho ngày tháng vẫn ngọt ngào, để em về giữa phố có nắng reo hồng,
để lòng mong vẫn còn mãi một thuở yêu người, còn vời vợi một trời xa nhớ…
Đời vẫn thế lối về
chia muôn ngã. Bóng mây xa hun hút ánh
trăng già. Năm tháng gọi tuổi tên mình bỗng lạ. Vẫn
yêu người lặng lẽ giữa xuân qua.
(năm tháng gọi tuổi tên
mình bỗng lạ).
Đến những:- “từ một ngày mưa”- “đưa em chiều mưa”- “xuân trong màu mắt em”- (thơ Tùy Anh).
Thân phận con
người và hoàn cảnh tha hương là niềm khắc khoải khôn nguôi của những người ly
xứ. Nỗi trăn trở muôn đời vẫn là niềm nhớ nhung về một quê hương đang còn chìm
đắm trong khốn khó, trong hệ lụy của bao thế lực mang chủ nghĩa ngoại lai về
dày xéo dân lành. Nên niềm mơ ước một ngày mai thanh bình là nỗi niềm chung của
những người đã và đang chung vai tranh đấu, để cầu mong quê hương sẽ có một
ngày xuân, như “xuân trong màu mắt em“ nở một nụ cười xuân thắm tuổi đời. Niềm
hy vọng ấy thì muôn đời vẫn đẹp, tình yêu dấu kia muôn đời vẫn thiết tha. Như
thiết tha một ngày về khi quê hương đang nở rộ đóa yêu thương để dâng hiến cho
đời:
Nhớ từ thuở ta
chung lòng tranh đấu. Cho quê hương bớt u tối lầm than. Bao hệ lụy xin cam đành
gánh chịu. Bao nợ nần xin trả lại thế gian.
(từ một ngày mưa)
Nhưng cuộc vô thường nầy, đã trôi dạt bước phiêu du càng xa nguồn
cội, nên quê hương vẫn mãi nghìn trùng, cho mỗi lần xuân đến mà thấy lòng vẫn
còn khuất lạnh bên trời:
Anh mãi phong
trần lạc dấu chân. Mỗi lần xuân đến mỗi bâng khuâng. Quê hương dù vẫn trong tầm
nhớ. Nhưng quá xa vời xuân hỡi xuân!
(xuân trong màu mắt em)
Đến những:- “có những điều chưa nói”- “gởi gió chờ mây”- (thơ Nguyễn Hữu Tùng).
Như những lời
thì thầm với người yêu dấu khi tình duyên chưa trọn, mộng ước chưa thành. Tưởng
như dòng đời khói sương và thời gian mong manh kia đã làm nên khung cảnh lỡ
làng…
Để cho “có những
điều chưa nói” cứ mãi đeo theo trong hồn như chùm hoa không sắc màu, vẫn lặng
lẽ trong bầu trời ngưng gió, như thời gian âm thầm trôi đi, khiến cho đời thêm
mênh mông nỗi nhớ: về những cánh khói, những áng mây và những bóng chiều tan
vội. Nên trong muôn trùng duyên khởi ấy, lặp lại những thắc mắc không vơi:
“Sao lạ nhĩ cứ
mơ về nơi ấy. Phải tại em hay tại nắng sân trường… Áo màu trắng bờ vai còn
thẹn. Nhớ con đường nơi gởi gió chờ mây.
(gởi gió chờ mây)
Khung cảnh ấy
đã in đậm trong hồn, để thỉnh thoảng soi lại cho người nơi chốn xa lúc hồi
tưởng. Cứ réo gọi giữa muôn trùng những tiếng lòng năm xưa còn đòng vọng. Nên
cho dù thời gian cứ trôi, người đi vẫn xa… nhưng “Lòng như tưởng còn đang tròn giấc mộng…
Đến những:- “mưa nơi xứ lạ”- “mênh mông kiếp lá”- “như chim lạc loài”- “bay
giữa thu chiều”- “về đâu”- “còn mãi Việt Nam”- (thơ
Đan Hà).
Những mảnh
vụn tâm sự của người đi đang rơi rụng như lá thu vàng bay trước gió. Từ lặng lẽ
đến xôn xao của tiếng lòng thổn thức, của cảnh chia ly nên người đành đứng
trông theo những cánh chim khuất bóng, để thương nhớ ngập tràn bước chân nuối
tiếc của buổi tiễn người:
Trong lặng lẽ
nhìn hoàng hôn dần tắt. Bóng chim về dáng phiêu bạt đơn côi. Chút yêu dấu như
tuyết rơi trắng mặt. Phủ lên đầy theo ngày tháng dần vơi… Anh bóng lạnh vẫn bên
trời biền biệt. Nhiều lúc buồn muốn ấp ủ mê thương… (như chim lạc
loài).
Để rồi trên
bước đường lữ thứ ấy, một lúc nào đó dừng lại bên trời nghe vọng về trong tiềm
thức một nỗi băn khoăn cội nguồn yêu dấu, rồi thầm hỏi biết về đâu?
Dừng chân trên
bến chiều nay. Trời vàng tha thướt chân mây. Trên cao chim về mỏi cánh. Ước mơ
đậu bến sống đầy. (về đâu)
Những tình tự buồn vui của cuộc đời, hay những cảm nhận về nhân
sinh quan trong cuộc sống tha hương đều mang một nỗi niềm. Còn mãi trong tâm
thức một ẩn chứa triền miên. Qua những hình ảnh rất thật trong cuộc đời đang
dung hòa vẫn là cảm nhận đang vẽ lên hiện tượng của đất trời. Mưa rơi, gió tạt,
nắng buông từng giọt long
lanh… hay thiên nhiên đang cùng cất tiếng hát.
Đến: “vàng đóa hướng dương” (thơ Phạm Thiên Thư).
Những ý tưởng
song hành, ẩn dụ lập thành một chuổi hiện tượng vừa thuận vừa nghịch, vừa xa
vừa gần, vừa còn vừa mất, vừa chia ly vừa đoàn tụ… làm biến trạng cảm xúc buồn
vui thành hình hài nhỏ bé giữa đất trời, trước tình yêu, mà cõi lòng thì mỏng
manh quá đến nỗi khi vô tình va vào cánh gió, đã nghe tiếng lòng ta vương…
Cõi lòng đã vàng
như một đóa hưóng dương, khi đêm đêm hồn còn ẩn náu trong một cõi xa tình. Khi
giấc khuya còn thổn thức, khi hồn buồn còn chơi vơi, khi niềm kia không có ai
an ủi. Biết bao giờ cơn gió xưa về đây hội ngộ với mây chiều, để cho hồn quạnh
còn một gốc nào nương náu. Trên từng ngón tay vụng dại đã một thời nắm bắt
chuổi ngày rơi mau theo thời gian trôi gió thoảng, như chiếc lá rời khỏi cành
cây. Và cứ thế thêm một ngày mất đi, để một mình ta ngồi gói lại những nỗi buồn
vào trong tà áo cũ, mơ nỗi niềm bay về đậu trong một làn tóc hương xưa. Biết có
còn ai đi bên đường, để vô tình đụng nhằm cánh gió, để được nghe tiếng lòng ta
vương. Cho đời mãi còn nhớ bến sông kia nửa trong nửa đục. Và cuộc đời vẫn mãi
ngồi thương những cánh bèo lục tím hay cõi lòng chừ đã vàng một đóa hướng
dương… Ai có đi bên đường. Vô tình va cánh giớ. Có nghe gì trong đó. Một
tiếng lòng ta vương. Một ngày như sông Thương. Một nửa trong nửa đục. Ta thương
con bèo lục. Vàng một đóa hướng dương. (vàng đóa hướng dương).
Đời đang trôi lênh
đênh vào những cuộc chia ly. Mà lẽ vô thường thì đang cuốn hút về cõi miền vô
tận. Không biết mai đây sẽ còn gì, khi người ở lại còn mang nặng những nỗi buồn
khi chiều xuống, nghe hắt hiu mà lặng lẽ những giọt lệ ướt mi, cho mặn môi ngày
tháng ngóng chờ… như buổi chiều trong sân chờ giọt nắng vàng, cho ai còn ngồi
hong tóc, để ngâm lại bài thơ vàng hoa cúc… còn biết bao nhiêu điều cần phải
nói, thế nhưng biết nói sao vơi khi lòng thì vẫn yêu mãi một mối tình, và tình
thì sắp sửa chắp cánh bay xa để đành mang lời lỗi hẹn… Lòng buốt nhói trước
cảnh chia ly đang chờ người nơi cõi tịnh, trong cảnh vô thường sẽ cuốn trôi,
chỉ để lại nỗi thao thức của lòng với những điều sao chưa kịp nói… Có những điều sao chưa kịp nói. Nói sao vơi yêu mãi một mối tình.
Dầu ngắn ngủi xin là tình miên viễn. Thôi lỗi hẹn người ở lại tôi đi.
(có những điều sao
chưa kịp nói).
Đến những:- “tình thiên thu”- (thơ Camille Huyền).
Một buổi sáng
trước sân những đóa hồng đua nở, lãng đãng trên trời những cụm mây theo gió sớm
bay về. Với hoa với nắng đang hòa vui khi người dang hai tay hứng giọt sương
lành… Khung cảnh ấy của thiên nhiên, của lòng người đang hòa quyện như một
thiên đường tình yêu đang rộng mở, đang khiêu vũ điệu nghê thường, đang rót
xuống cho cuộc đời bao hạnh phúc, khiến cho trái tim ta bát ngát lượng từ bi…
Hãy lớn lên trong không gian phơi phới ấy, trong tình yêu vạn vật, trong tiếng
hát của đất trời. Rồi mai đây có tan biến vào hư vô vĩnh cữu thì những đóa hoa
kia, hạt sượng nọ, là tình yêu thao thao bất tuyệt mà đất trời đã dành cho ta
một tình yêu vĩnh cữu, tình thiên thu… Hãy lớn lên trong tình yêu vạn vật. Trong anh trong em trong âm
nhạc muôn màu. Rồi nằm xuống rong chơi cùng sương khói. Hồn bay cao lên ngự
đỉnh trăng vàng…
Sự nghiệp âm nhạc của chị Hoàng Hoa cũng mới đến với khán thính
giả mấy năm gần đây thôi, có thể gọi là mới bắt đầu. Nhưng vốn liếng sẵn có với
trên hai mươi bản nhạc đã sáng tác, cùng với những buổi trình diễn như : “Đêm
Thơ Nhạc Thính Phòng” tại thành phố Padova- Italy vào ngày 02 tháng 6 năm 2007
vừa qua, một buổi trình diễn được ghi nhận là rất thành công cả lượng lẫn phẩm.
Có nhiều người đã lái xe từ hơn hai trăm cây số đến để tham dự, mọi người
thưởng thức với tất cả sự trân trọng; người trình diễn cũng với tất cả nỗi đam
mê nghệ thuật, đã hòa chung trong một khung cảnh chan chứa tình đồng bào thắm
thiết, tình quê hương mến yêu, đọng lại một nguồn cảm xúc tuyệt vời đã chứng
minh tài hoa của chị. Như vậy, chắc chắn trong tương lai sự đóng góp của chị sẽ
còn phong phú và nhiều hứa hẹn hơn nữa.
Cảm nghĩ về một tài
năng mới mẻ, vừa đang bước vào nền âm nhạc bằng những bước chân vững chải, với
một tình tự đam mê, cùng một ý chí vươn tới tương lai bằng những kinh nghiệm đã
gặt hái được… Là muốn giới thiệu đến quý khán thính giả khắp nơi một bông hoa
mới lạ, đã và đang đem hương sắc dâng hiến cho đời một nguồn cảm chan chứa tình
người và yêu mến quê hương muôn đời, cũng như đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà
bằng một tấm lòng vô ngại…
Ghi chú:
(*) Trích nhạc
phẩm Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong.
(**) chữ nghiêng là
trích thơ, nhạc hay lời phát biểu của các tác giả viết bài liên quan đến những
ca khúc này.
Đan Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét