Xin mơ là mây trôi về ngày tháng cũ, che mát cho ba một đời
hiền lành nhọc nhằn rong ruổi. Xin mơ là mây bay về ôm choàng dáng má liêu xiêu
chiều về bóng ngả.
Bước thời gian êm trôi không lối, không lối nên không nẻo
quay về! Tóc cũng theo màu chiều, nhạt dần, mà lòng còn xanh như trẻ thơ, nên
đôi khi vẫn tin vào những chuyện xưa cổ tích.
Đứa trẻ nhắm mắt thiệt thà ước mơ, mong tìm thấy lại lối
ngõ lẩn khuất đâu đó, mà những bước thời gian qua, đang ẩn mình… Mơ ước, rồi
ngơ ngẩn. Biết bao nhiêu nẻo đường đan nhau giữa đời, vậy mà cái lối ngõ xưa
kia tìm hoài không ra.
Từng cụm mây dìu nhau trên bầu trời kia, trôi lang thang
khi tụm khi rời. Tôi cũng loanh quanh lẩn thẩn đúng nghĩa tuổi già vướng víu nhớ
lại điều này không ra, lại lan man nhớ xọ điều này qua điều khác.
Kỷ niệm mà, vụn vặt thôi, nhưng đã gọi tên là kỷ niệm, với
tôi là tất cả. Nó có nghĩa là quê nhà, là ba là má, là anh chị em tôi lớn lên
chung một bầu sữa mẹ, là hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn...
Mây dạo chơi lơ lửng ngó xuống vườn bông ở đầu chợ Biên
Hòa. Vườn bông được quây quanh bằng những sợi xích đòng đưa nối nhau bằng các cột
sắt thấp, khoảng dài chỉ từ đầu chợ ở ngã tư Phan Chu Trinh đến đối diện phòng
ngủ Diên Hồng thôi. Nói vậy chứ, vườn bông ngày ấy cũng đủ mướt mồ hôi cho lũ
trẻ tụi tôi thênh thang chạy chơi.
Vườn bông chiều về, nắng tắt. Mấy chị lớn dắt em nhỏ ra
vườn bông đút cơm, mấy cô chú lớn tuổi ngồi đọc báo trễ kính xuống tận chóp
mũi. Tôi, em tôi và mấy đứa ở xóm khác cười vui hỉ hả, với đủ thứ trò chơi thuở
ấy. Mộc mạc thôi, trò chơi cùng một đống dây thun gặp đâu cũng lượm, rồi ngồi bệt
ra đất móc sợi thun vào hai ngón cái bàn chân, mê mải thắt cho dài đủ để chơi
nhảy dây, nhảy lèo, nhảy cao...
Khi là trò với bịch hột me có lúc được cho tiền mua ăn,
lúc thì đi lòng vòng tìm lượm để dành đầy bịch. Rồi rủ nhau ra vườn bông chơi
búng hột me, búng đã tay, có hôm đầy thêm, có hôm xị mặt vì búng thua, chỉ còn
le que dúm hột. Có khi là trò với những lon sữa bò méo mó thảm thương vì bị tạt
tơi bời của đám nhóc tì tụi tôi ngày ấy...
Tôi nhớ có lần Út, em tôi ngồi chơi đòng đưa trên dây
xích nối với hai cột sắt, không hiểu sao dây xích bị đứt, em tôi té chống tay
xuống đất nên bị gãy tay. Ba má tôi mỗi tuần phải đưa Út xuống Sài Gòn thay bó
bột, tôi đều đi theo. Thấy em tôi bị vậy, nên má mua nhiều đồ ăn ngon cho Út,
và hồi đó tôi khoái muốn chết (dù em mình đang bị gãy tay) vì được ăn ké cùng
em.
Nương theo cánh gió ham chơi, tôi thấy mình băng ngang đường
để sang nhà mấy đứa bạn ở đối diện phía bên kia. Nó là nhỏ Dung con bác Chín
Sanh, là bé Tư - bạn tôi rất tội nghiệp vì mẹ mất sớm, là nhỏ Mai - nhà có lò
bánh mì tỏa thơm dọc cả con đường, mỗi khi bánh mới ra lò. Tôi hớn hở sang chơi
cùng tụi nó, mà không để ý, nên bị xe đụng. Tôi nhớ mình nằm gọn dưới lòng xe,
mơ hồ là tiếng la khóc của má, và tôi cũng nhớ mình đau nhiều lắm khi tỉnh dậy.
Lần đó tôi đã nằm một chỗ trên giường rất lâu. Và dĩ nhiên, cũng giống như lần
em tôi bị té gãy tay, má tôi mua nhiều đồ ăn ngon cho tôi, nhưng lần này vì
chính mình bị đau, nên tôi không khoái chí chút nào.
Tôi nhớ xe bán kem Esquimo của nhà bác Sáu Mì. Cứ mỗi lần
chị Nghĩa hay Danh (con bác Sáu) giở nắp tủ để lấy kem bán cho khách là tôi ghé
mặt vào cho hơi lạnh phà ra phủ mát mặt mình. Chỉ có vậy thôi mà khi đó nghe sướng
rên trong lòng. Chưa kể đến chuyện hôm nào được má cho tiền chạy ù ra mua kem,
thèm muốn chết mà chỉ dám thè lưỡi liếm hoài cây kem cho đến hết. Vì con nhỏ
tôi ngày ấy nghĩ rằng, ăn kem như vậy thì sẽ ăn được nhiều hơn, cây kem sẽ lâu
hết hơn.
Ôi, cái vòm trời thơ dại ngày ấy! Biên Hòa quê tôi thênh
thang ngày ấy. Biên Hòa rong chơi mưa nắng hai mùa của con nhỏ tôi ngày ấy, đâu
rồi?
Mây trôi dìu dặt về căn nhà cũ đậu lại trên mái ngói thấm rêu. Chỉ là hoài niệm
thôi, mà tôi thấy như đang cố co mình trong vòng tay ba. Ba ơi, con ham chơi
thơ dại, nên cứ nhấp nhổm và vụt khỏi lòng ba, vì ngoài kia, mấy trò chơi bên
hè đang rủ rê con.
Nếu bây giờ được ba ôm con như ngày cũ, con sẽ nằm bình
yên bên ba, để được ba ôm con thật lâu, ba con mình sẽ nằm à ơi theo cánh võng
đong đưa. Đứa trẻ thơ nấp ở trong tôi mơ ước dại khờ: nếu với được tay vào đám
mây xanh lang thang khắp cùng trời đất kia, tôi xin được nương về qua lối cũ, để
được ngủ ngon trong tay quạt mát của má giữa giấc trưa nồng. Rồi khi dụi mắt thức
dậy, má sẽ vẫn để dành cho dĩa bánh đúc tròn trĩnh trắng phau điểm lấm tấm tôm
chấy đỏ cam...
Trời! Chỉ là ước mơ thôi, mà sao tôi nghe được cả vị béo
thơm mềm mại, cả cái vị mặn ngọt của chén nước mắm trong vắt với li ti ớt bằm
nhuyễn trôi trong chén.
Bất giác, nhắm mắt ngậm ngùi, cố nuốt thật sâu... Nhớ ba
quá, nhớ má quá. Xin mơ là mây trôi về ngày tháng cũ, che mát cho ba một đời hiền
lành nhọc nhằn rong ruổi. Xin mơ là mây bay về ôm choàng dáng má liêu xiêu chiều
về bóng ngả. Mơ được hôn lên đôi bàn tay nhăn nheo năm tháng, đôi bàn tay ru
nôi nuôi nấng đám con từ thuở thơ dại đến khôn lớn ra ràng, rồi lại tiếp tục gầy
guộc giơ ra khuya sớm chăm bẵm lũ cháu nội, ngoại vừa mới chào đời...
Làm sao có tình yêu nào trong đời này lớn hơn thế nữa?
Rưng rưng, tôi hôm nay, nghẹn lòng: "... Rồi vài
mươi năm sau đi qua trần thế. Con cõng mẹ về, con cõng mẹ về thiên thai... Hôm
nay cõng mẹ đi chơi một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai
mẹ bỏ con rồi. Mẹ để con mồ côi... Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai ngồi khóc
bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai mẹ bỏ con rồi... Mẹ đành rời xa, rời
xa con rồi... Cuối đời là trò chơi. Trò chơi lên trời...".
Những cụm mây dìu nhau trôi trong màu chiều chạng vạng.
Khoảng trời đêm cuối năm thênh thang lối ngõ, không biết những cụm mây ấy có
dìu nhau đến được chốn về, hay lạc lối tan rơi ở khoảng không nào giữa những
ngõ trời mênh mông ấy? Cuối năm rồi. Cái cảm giác bóc tờ lịch cuối cùng ra khỏi
giá luôn làm tôi ngậm ngùi. Cái thả tay cho rơi tờ lịch vào sọt rác, càng làm
tôi ngậm ngùi hơn.
Như mây, tôi đang thả rơi tôi. Mỗi năm một lần, cái ngày
cuối cùng này tôi thả rơi mình chìm sâu không cưỡng lại. Không có đời thường
nào réo gọi tôi được. Tôi rơi day dứt. Tôi rơi chìm lỉm, ngộp thở vào chữ xưa
nghĩa cũ của câu "chôn nhau cắt rốn...".
Tôi rụng về nguồn!.
Bùi Tuyết Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét