(Trích trong tập thơ
“Khung
Trời Mây Trắng”)
Đọc tập thơ Khung trời mây trắng của Phạm bá
Nhơn, ta nhớ đến những áng mây trắng lang thang trên xứ Đoài của Quang Dũng. Điều
dễ thấy hơn là ở tập thơ trên, nhà thơ đã kiến trúc bằng những “vật liệu’’ ngôn
từ mộc mạc và giản dị như chính những con người sinh ra và lớn lên trên khúc ruột
mềm miền duyên hải. Thêm nữa, ta còn tri nhận được một tấm lòng nhân hậu biết gửi
nỗi nhớ, niềm thương vào trong con chữ, biết sống bằng xúc cảm nồng hậu, chân
thành.
Thông thường, một tập thơ sau một quá trình
hoài thai, nó được thi nhân gửi lại cho ngày sau như một thông điệp thẫm mỹ
thay lời muốn nói. Người đọc sẽ lần theo dấu vết của đời sống văn hóa, của ngôn
từ mà phăng lần ra những tình cảm lớn, như tình yêu Tổ quốc, tình cảm nhân đạo,
giá trị nhân văn. Tuy nhiên, những tình cảm lớn trên lại được manh nha từ những
gì tưởng như bé nhỏ, xinh xinh và dung dị đời thường. Khung trời mây trắng là vậy.
Tình yêu của Bá Nhơn cũng mãnh liệt, bỏng rát như ngọn gió Lào làm cho da thịt
người con gái tuổi trăng tròn bỗng hây hây đỏ chín một cách quyến rũ, có
duyên. Anh trăn trở, lo âu cho những phận người mà suốt cả cuộc đời tảo tần
trên đất Hải Lăng. Đặc biệt, trên mảnh đất khô cằn trộn nhiều sỏi đá, chói
chang lóa mắt dưới ánh mặt trời, hình ảnh của người mẹ năm xưa cứ hiện về
bên triền ký ức. Người mẹ hiền của dải đất của miền Trung ấy cũng rất mực dung
dị, thân thương như những người mẹ Việt Nam ngàn đời vẫn vậy. Vẻ đẹp tâm hồn của
mẹ không chỉ hiện ra ở bề sâu của câu hát ru, ở một giọng ca dao làm dịu đi cái
im ắng, ngột ngạt giữa trưa hè. Ta thấy, ẩn sau hình ảng người mẹ nghèo mò cua,
bắt ốc “bới móc thân gà” trong cuộc mưu sinh, còn có cả một lớp dày trầm tích
văn hóa. Là cái dư vị ngọt ngào đang phả ra từ lời ru con của người mẹ thôn quê
bỏm bẻm nhai trầu. Đó là cả một “khung trời” của tuổi ấu thơ mênh mang mây trắng,
là một thuở ngày xửa ngày xưa trong ngần, bình yên như cổ tích.
Phải chăng, khi được trở về với Khung trời
mây trắng, Bá Nhơn đã thật sự tìm lại được một nửa của chính mình. Anh nhìn thấy
những thửa ruộng cằn khô khiến con trâu kéo cày càng thêm bướng bỉnh. Điều quý
hơn là trên mảnh đất cằn cỗi đó, những ước mơ của con người vẫn không bao giờ lụi
tắt, vẫn xanh thắm như bầu trời xứ sở. Bài học đầu tiên mà đứa trẻ thơ nhà
nghèo chắt chiu vẽ vào đất cát sẽ còn nguyên vẹn đến hôm nay
“Cha mẹ dạy tôi: “Làm người chỉ ăn một đọi”
Trước sau chỉ “nói một điều
Dù đói no đừng đánh mất tin yêu
Chớ vì lợi danh bỏ quên nguồn cội”
(Nhớ về Hải Lăng).
Trước sau chỉ “nói một điều
Dù đói no đừng đánh mất tin yêu
Chớ vì lợi danh bỏ quên nguồn cội”
(Nhớ về Hải Lăng).
Chắc chắn rằng, nếu nhà thơ không có một sự
trải nghiệm, không thường trực trong lòng mình một tình yêu quê hương như máu
thịt, tất yếu sẽ không có được những vần thơ dễ làm xúc động lòng người đến vậy.
Tình yêu đó dắt tay ta đi theo lối xưa đầy rong rêu sờn mòn theo năm tháng, và
hình như có một con đường quen vẫn không hề thay đổi. Theo đó, ta có thể lần
tìm lại được hình bóng những con người thật thà, chất phác, thủy chung với làng
với nước.
Cũng vậy, trong thơ Bá Nhơn còn có những cuộc
hành trình, những bước chân mò mẫm nhọc nhằn đi từ miền cháy gió Lào qua miền
gió chướng; nơi ấy còn trầm đầy một dấu chân son của kỷ niệm ngày xưa. Anh hoài
nhớ về cái đẹp, nhớ về một người em, người yêu, hay một người con gái thuở nào.
Chính vì vậy, vào những đêm buồn, hình bóng trên cứ ùa về trong giấc ngủ. Anh
nhờ gió gửi nắng cho em, gửi cả một tấm lòng về nơi xa lắc, gửi cho thơ và gửi
cho đời. Đây là những khoảng lặng lắng sâu, tuyệt vời trong một con ngườ giàu
lòng trắc ẩn, mà tâm hồn mình như thuộc về muôn năm cũ.
Có phãi xã hội ngày càng phát triển, con người
càng cảm thấy băn khoăn và tự đặt ra nhiều dấu hỏi, không biết vô tình hay hữu
ý mà họ ngày càng xa cách, từ bỏ nhiều hệ giá trị, có khi quên lãng cả
nguồn cội, gốc gác sinh thành của mình. Trên ngưỡng cửa tiến vào nền văn minh
công nghiệp, văn minh tin học, con người lại thấy mình hết sức cô đơn. Có thể
đúng và không đúng với Bá Nhơn, nhưng rõ ràng anh đã nhiều đêm thao thức để lắng
nghe tiếng côn trùng, tận hưởng thứ hương hoa sữa nồng nàn còn vương nơi góc phố,
lắng nghe tiếng lá vàng rơi xào xạc như rụng về cội, nghe tiếng mưa rơi xối xả
trên phố phường mà tưởng như hồn mình được thanh lọc và gột rửa bụi trần. Anh
nghĩ về những ngày theo cha gò lưng vác củi trên rừng. Thời ấy sao mà ám ảnh và
đen cháy như than, nhưng đổi lại là một lò than hồng của tình phụ tử ấm áp lòng
mình.
Trong bản trường ca khép lại tập thơ Khung trời
mây trắng, Phạm Bá Nhơn đã rút ra cho người đọc một bài học quý giá – bài học
làm người. Anh thương quý những giọt mồ hôi của người thợ ở công trường đấy
khói bụi, thương người mẹ già đã đi xa từ nhiều năm trước, nghĩ về người cha
đáng kính mà cả cuộc đời âm thầm và nhẫn nại nuôi con nên người… Có lẽ, trên đời
này, tất cả rồi sẽ như một chớp mắt phù du. Đằng sau cái còn, cái mất giúp ta
trăn trở và suy gẫm nhiều hơn những quy luật ở đời. Nhưng điều quan trọng nhất
là phải làm sao gieo trồng những hạt mầm nhân ái để lại bội phần hạnh phúc cho
đời sau. Đây là những điều thú vị mà tôi đọc được sau làn mây trắng ảo mờ, mà
chắc hẳn trong tôi và nhiều người còn tha phương vẫn còn nằng nặng bên lòng một
nỗi niềm hoài nhớ với quê hương.
Lương Minh Chung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét