Chiều dài nỗi nhớ
Sẽ còn lại trong tôi mãi mãi buổi chiều mưa ấy.
Bóng anh đằng sau ô cửa thẫn thờ đưa bàn tay vẫy nhẹ vào khoảng không mờ giăng
mưa. Và ánh mắt anh nhìn vói theo tôi như thể một người đang hấp hối nhìn nuối
cái nơi mình đã sống qua hết một đời người.
Ngày tôi rời xa anh bước chân đi dứt khoát mà
câu chào sao ái ngại ngập ngừng. Tôi ra đi như một dự báo cuối cùng, kết thúc
ba mươi năm chung sống. Tôi ví tôi như con đò mà dòng sông anh không chở nổi.
Để rồi đêm nay, khi không còn anh bên cạnh,
ngồi một mình đếm giọt mưa rơi, tôi nhớ xiết bao ngôi nhà nhỏ có khung cửa sổ mở
ra một góc vườn. Ở đó, tôi hay ngồi buồn bã nghe tiếng nước rơi tí tách trên
tán lá trong những buổi chiều mưa. Hay tha thẩn dõi theo mấy con chim chìa vôi
chuyền cành làm rung rinh bóng nắng. Tôi nhớ xiết bao những bữa cơm chiều có
anh ngồi ở một góc bàn dù nó luôn diễn ra thật lặng lẽ, nặng nề. Tôi nhớ xiết
bao...
Nỗi nhớ cứ dài ra lơ lửng trong bóng đêm và nỗi
nhớ thật sự vỡ òa khi từ trên căn gác nhà bên vọng ra tiếng hát ai. Tiếng hát
chìm trong tiếng mưa rơi:
“Có một không gian nào đo chiều dài nỗi nhớ.
Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm hơn tình thương” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ:
Trần Hoài Thu).
Lần đầu tiên tôi biết mình nhớ anh. Nỗi nhớ
“mênh mông” “sâu thẳm” mà luôn phải giấu vào trong ngực. Nó làm cõi lòng tôi
chao nghiêng và trái tim đau thon thót.
“Ở đâu đây nỗi nhớ em mơ về bên anh. Ngôi sao
như xuống thấp cho ta gần nhau thêm”.
Ôi! Giấc mơ kia sẽ chẳng mãi mãi chỉ là giấc
mơ thôi. Nếu như tôi đừng mải mê xòe những ngón tay tìm kiếm ảo ảnh xa vời ở
bên kia kẽ ngón. Giá mà tôi biết khép ngón lại, biết nắm chặt tay vào để cảm nhận
rằng hạnh phúc không ở đâu xa.
Giá mà... thì đêm nay tôi đâu phải một mình
ngồi “nghe tiếng mưa rơi. Đếm mấy triệu hạt rồi. Mà chưa vơi nỗi nhớ”.
Ở hai đầu nỗi nhớ
Phan Huỳnh Điểu - Bảo Yến
Phan Huỳnh Điểu - Bảo Yến
Lần đầu tiên trong đời, tôi xa anh, xa lâu đến
như vậy và sẽ còn xa mãi mãi. Và khi tôi nhận ra rằng: “Ở hai đầu nỗi nhớ yêu
và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ nghĩa tình đằm thắm hơn” thì ở đầu nỗi nhớ
bên kia dòng sông anh đã xuôi về phía biển tan biến vào đại dương mênh mông.
Tôi biết tất cả muộn màng rồi.
Trên căn gác trọ, giọng hát đã ngừng buông và
tiếng đàn ai đã đánh rớt giọt cuối cùng. Ngoài trời, mưa cũng thôi rơi, trả đêm
về cho sâu thẳm. Tôi ngước nhìn lên trời tìm một ngôi sao xuống thấp.
Còn đâu rau đắng mọc sau hè!
Trương Nguyễn Trường An
Tôi trở về nơi chôn nhau cắt rốn sau thời
gian dài xa cách và thật ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay quá lớn ở quê mình. Con
đường này, ngày xưa là lối mòn quanh co uốn khúc, giờ thì thênh thang thẳng tắp,
nhựa đen bóng loáng dưới nắng hè. Cánh đồng trước mặt thuở ấu thơ tôi đào dế, bắt
cào cào, giờ san sát công ty, xí nghiệp.
Xa hơn nữa, những thửa ruộng liền bờ mà tụi
trẻ con chúng tôi thường mò cua, bắt ốc giờ tấp nập nhà máy, công trường. Đâu
còn mái tranh chái bếp, chỉ thấy ngói lợp đỏ tươi, tường rào kín cổng.
Tôi bước đi, đi mãi đến khi chân mỏi, cổ khô
mới tạt vào quán nước bên đường. Quán vắng, mình tôi thả hồn theo làn điệu dân
ca. Tiếng hát Hương Lan sao bỗng ngọt ngào, đầm ấm, lời bài ca sâu lắng tự đáy
lòng. Tôi đang khát khao tình thâm quyến thuộc, tôi đang thèm cái tình cảm quấn
quít của ruột thịt, họ hàng thì hình ảnh của hai chị em ở tuổi xế chiều còn ngồi
nhổ tóc bạc cho nhau sao mà đáng yêu đến thế. Mỗi lời của bài ca đều nói lên
đúng tâm trạng của tôi – nhớ quê da diết, nhớ từng hình ảnh thân thương, từng kỷ
niệm ấu thơ đã gìn giữ. Có lúc lại ao ước “Xin được làm mây mà bay khắp nơi
giang hồ, ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương. Xin được làm gió, dặt
dìu đưa điệu ca dao, chái bếp hiên sau cũng ngọt ngào một lời cho nhau” và đôi
khi cũng xốn xang “Ai cách xa cội nguồn ngồi một mình nhớ lũy tre xanh dạo
quanh khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh...”.
Cô chủ quán chiều khách, quay lại cuốn băng
cho tôi nghe bài hát đến ba lần. Chưa có ca khúc nào cuốn hút tôi mãnh liệt như
bài Còn thương rau đắng mọc sau hè. Tiếng hát Hương Lan đã chuyển tải lời ca
vào sâu tận tâm hồn tôi. Xin cảm ơn ca sĩ Hương Lan, xin cảm ơn nhạc sĩ Bắc Sơn
đã cho tôi cảm xúc này. Tôi coi như mình chưa về quê, mãi mãi là người xa xứ,
mãi mãi là kẻ ly hương để tôi còn có cội nguồn mà hoài tưởng, mà nhớ thương. Nhớ
thương, hoài tưởng tôi sẽ nhẩm khúc ca này dù trong lòng đôi lúc cũng chạnh đau
bởi còn đâu rau đắng mọc sau hè!.
Còn đâu rau đắng mọc sau hè - Hương Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét