Sáng tạo nghệ thuật trong tập
thơ
"Những nét vân tay"
TẬP THƠ “NHỮNG NÉT VÂN TAY”
CỦA TỐNG NGỌC HÂN
Sáng tạo nghệ thuật là một trong những yếu tố quyết định tới sức sống của một tác phẩm văn học nói chung và thơ nói riêng. Đấy cũng là điều mà nhà thơ trẻ Tống Ngọc Hân xác lập được phong cách riêng của mình và sẽ còn tiến xa trên con đường sáng tác thơ văn của chị. Chỉ cần đọc tập thơ: “Những nét vân tay”, NXB Hội nhà văn năm 2007 ta đã cảm nhận rõ được điều đó.
Tập thơ mang tên: “Những nét vân tay”, “vân tay” ấy chính là những thửa ruộng bậc thang: “mùa mùa tạc vào sườn núi” của những người dân Sa Pa nơi chị đang sinh sống. Nói về ruộng bậc thang, người ta hay thi vị ví với những bậc thang bắc lên trời, hay sóng nhạc lưng trời... nhưng chỉ có chị mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, gian khó của bao đời người dân cần cù lam lũ nơi đây, điều đó giúp chị “nhìn” và cảm nhận những thửa ruộng bậc thang như những: “Những nét vân tay”, kể cả những “vân tay” chìm trong đất đá, lẫn cả mồ hôi và máu của bao người. Và chính những “vân tay” ấy “Bấu chặt vào đất trời/ Những cánh tay cứ vươn cao mãi/ Ôm ước vọng sinh sôi” như sức sống mãnh liệt và khát vọng một cuộc sống ngày một no ấm của những người dân nơi đây. Trước chị chưa có ai dùng hình tượng thơ như vậy.
Trong bài “Sa Pa - nhuận nhớ nhuận thương”, chị cảm nhận: “Mùa xuân đang từ từ trang điểm cho sự bất diệt sung mãn của mình... Năm nay trời đất cảm kích tặng cho mùa xuân thêm một tháng hai. Như biết thế, hoa chẳng muốn tàn, những loại hoa vừa cho đời hương sắc, vừa cho đời trái ngọt... Thế là có thêm bốn phiên chợ tình mùa xuân... Tôi đến chợ để uống rượu, để hẹn hò. Tôi cũng tìm kiếm khôn nguôi và tìm kiếm. Thực ra tôi cũng đã biết, có một tình yêu đang ở trong tôi, đó là Sa Pa. Và mùa xuân rất gần gũi thân thương đang trang hoàng cho tình yêu ấy”. “Thế là có thêm bốn phiên chợ tình mùa xuân”, có mấy ai phát hiện ra điều thi vị mà tạo hóa ban tặng cho con người như vậy? Trời đất bốn năm một lần có tháng nhuận ai có lạ gì nhưng suy tư để có “Nhuận nhớ nhuận thương” thì thật là độc đáo và thú vị.
Nhà thơ Tống Ngọc Hân sinh năm 1976 ở Phú Thọ nhưng chị gắn bó với Sa Pa với bao thăng trầm, buồn vui, thậm chí cả những nghiệt ngã với người sáng tác văn thơ đầy cá tính như chị. Song chị vượt lên bằng bản lĩnh của người cầm bút chân chính, tìm tòi, khám phá những nét đẹp, những góc cạnh của muôn mặt đời thường, “trang hoàng” cho những rung cảm nghệ thuật, cho ngôn từ cùng những thủ pháp nghệ thuật của mình, hiện lên một vẻ đẹp mang bản sắc riêng mang thương hiệu Tống Ngọc Hân.
Trong thơ của chị, ta nhận thấy không gian nghệ thuật được mở đến tận cùng theo cảm xúc, tưởng tượng và tư duy của nhân vật trữ tình, thời gian nghệ thuật lại được gom về, cô đặc lại để làm nền cho cảm xúc mãnh liệt trào dâng. Bài “Sa Pa”, chị có phát hiện thật tinh tế: “Vẫn chỉ là nắng thôi/ Mà sao kiêu ngạo thế?/ Vẫn chỉ là gió thôi/ Sao sáng nay vội vã?”. Sa Pa từ bao đời vốn như thế đấy, nắng hừng lên như mật rồi lại thoáng ẩn trong sương, trong mây, những chi tiết đời thường được “lạ hóa” bỗng đầy ưu tư trăn trở. Hay trong bài: “Về chợ”, cái tôi trữ tình của chị hòa cùng nỗi niềm của bao đôi lứa: “Tìm em giữa phiên chợ đông/ Cõi lòng cồn cào lửa đốt/ Anh mượn được con ngựa tốt/ Chọn được ống sáo gọi tình/ Mà em chân trời tít tắp/ Để anh lạc chốn đông người”. Có thể nào diễn tả tâm trạng “như đứng đống lửa/ Như ngồi đống than” hay hơn, mang chất rừng núi hơn? Cũng trong motip ấy, bài: “Chợ yêu” lại đầy sự thôi thúc mời gọi của những trái tim yêu: “Là một ngày tay chợt nhớ bàn tay/ Ấm nóng từ thời xa vắng/ Đã hẹn rồi... mà thôi đừng đến/ Mặc tình lạc lối chợ yêu/ Tiếng khèn xanh như gió gọi cánh diều/ Vút vào khoảng trời cầu nguyện/ Bồi hồi bước chân tìm đến/ Lần đầu thương nhớ Sa Pa”. Gọi là lần đầu nhưng thực ra đấy là những rung cảm tinh khôi được nhen lửa qua lời hẹn hò cùng tiếng khèn thiết tha gọi bạn và lời nguyện cầu của đôi trái tim yêu, hình tượng thơ: “Tiếng khèn xanh như gió” thật đẹp, tình yêu vốn có sức sống diệu kỳ như thế đấy . Bài “Sơn nữ” lại đưa người đọc đến một không gian trữ tình độc đáo: “Tay với chiếc lá ướt mọng/ Đặt vào hơi thở mềm môi/ Khao khát, lá hát;/ ... Chiều xuống núi/ Sương lướt thướt theo sau/ Rừng vắng em lá không biết hát/ Mặt trời thiếu em muốn ngủ vùi.../ Đêm đến có chiếc lá tìm.../ Thao thức chân thang”. Không gian dồn nén đầy cảm xúc để rồi mở ra một thời gian vô tận của tình yêu, trong tiếng kèn lá chở đầy khao khát lời tâm sự cùng bạn tình, đất trời như thổn thức cùng những lời yêu. Trong bài: “Chiều Sa Pa”, tình yêu khắc khoải chờ mong hòa quyện tâm trạng cùng thiên nhiên, đồng điệu tương giao đầy chất hội họa: “Gió qua rồi thông trầm mặc ngẩn ngơ/ Giận ai, thác mãi mình trắng xóa/ Lời yêu đương, ai giấu trong màu lá/ Mà nhịp cầu nhung nhớ cứ đong đưa”. Có bài thơ Tống Ngọc Hân làm người đọc ngỡ ngàng trước những phát hiện và rung cảm nghệ thuật độc đáo như trong bài: “Chiều mưa Hàm Rồng”: “Chiều mưa Hàm Rồng/ Bụi trần rũ bỏ/ Em đi ra từ cõi nợ/ Thanh thản đôi vai/ Nắng, gió và mây cuối ngày/ Vụt sáng!/ Em bước xuống. Lắng nghe hồn đã khóc/ Đất trời rưng rưng…”. Mưa Hàm Rồng như nối đất với trời, người ta lên đó để thưởng ngoạn, để nguyện cầu, có mấy ai để ý đến nắng mưa, với Tống Ngọc Hân lại có một rung cảm hòa cùng vũ trụ, cảm nhận được những nỗi niềm của âm dương, đất trời cùng lòng người. Trong thơ Tống Ngọc Hân có những bài thơ đầy tâm trạng được diễn đạt với những hình ảnh nghệ thuật độc đáo, chạm tới đáy sâu trong tâm khảm người đọc như bài: “Bến sông”: “Bến sông một thời mong ngóng/ Mẹ về mỗi buổi chợ trưa/ Giờ còn lại vài đôi cánh trắng/ Chênh vênh cò bay trong mưa.../ Mẹ đi rồi trời chẳng bớt mưa/ Chum nước gốc cau đầy hương nắng/ Mình con gội đến bao giờ”. Câu hỏi trống ở cuối khổ thơ sao day dứt đắng cay lay động tâm can đến vậy, đầy ám ảnh và như một lời nhắn nhủ đồng vọng tha thiết giữa con với mẹ.
Gắn bó với vùng cao, chị đồng cảm với nỗi nhọc nhằn lam lũ của người dân nơi đây trong: “Ngày giáp hạt”: “Mẹ giữ mãi nên lửa chiều còn ấm/ Đợi những đứa con đi măng, củi chưa về/ Mẹ bán cây lúa non đang căng đòng chờ sấm/ Thở dài, muôn nỗi tái tê”. Cuộc sống của người dân vùng cao như vậy đấy, dẫu đã thay đổi nhiều nhưng cái nghèo, cái đói cứ bám ghì lấy mỗi phận người. Nhạy bén trong phát hiện, tinh tế trong cách thể hiện, Tống Ngọc Hân cảm nhận được cả những cái “Mỏng manh” của hạnh phúc, dẫu hai người đang nằm bên nhau: “Như sương như khói mỏng manh/ Ấy là gianh giới giữa mình với nhau/ Vũ trụ đã ngủ từ lâu/ Ngập ngừng chưa nói nổi câu giã từ.../ Vòng tay vừa chạm đam mê/ Đã nghe giông bão đi về trong tim”. Hình ảnh ẩn dụ ở đây thật là đắc địa. Tình yêu vốn như thế đấy, cái gianh giới của hạnh phúc, khổ đau, lầm lỡ và tan vỡ thật mỏng manh: “Vũ trụ ngủ rồi/ Còn hai trái tim lầm lỗi/ Thao thức tạ tội cùng đêm”. Chị hiểu thấu đáo điều đó nên chị biết trân quí những phút giây hạnh phúc như trong bài: "Thơ tặng em”: “Và anh gửi tặng cho em/ Câu thơ hát giữa đêm dài tháng năm/ Nhúm tơ rút ruột con tằm/ Sợi hồng sợi bạc dệt trăm nỗi niềm/”. Tình yêu của người đàn ông gửi qua bao lời hay ý đẹp: “Nước mắt vơi được ưu phiền/ Lời ngon ngọt để mềm lòng thế nhân/ Sa mạc buồn vắng dấu chân/ Em- mùa thu nhỏ ngại ngần bước qua”. Ngại ngần là thế nhưng ai không khát khao hạnh phúc, dẫu nhỏ nhoi: “Một đêm thôi, chỉ một đêm/ Anh như cánh võng khát thèm lời ru/ Dù mai, lá trút - mùa thu/ Heo may tê tái, xác xơ, cũng đành”. Bài thơ là sự trải nghiệm trên đường đời của chị mà khi đọc lên ta thấy như của mọi người. Tình yêu đơm hoa kết trái, chị dành cho con bao tình yêu, kỳ vọng cùng nỗi trăn trở khôn nguôi: “Dành cho con/ Và chỉ con thôi/ Những yêu thương trọn kiếp người day dứt/ Đời mẹ. Ôi trái chanh cạn nước/ Khô héo rồi còn vắt cho con.../ Đêm có nghe tiếng thở dài lặng lẽ/ Nơi ấy giờ này/ Có gọi mẹ không con”. Đức hy sinh cao cả của người mẹ được Tống Ngọc Hân diễn tả như chắt ra từ máu con tim, ngôn từ hiện đại nhưng vẫn mang âm hưởng dân gian. Có lúc chị nhớ lại cái thuở ngày xưa thì cái ngày xưa ấy cũng hiện lên trong thơ chị một cách nhẹ nhàng: “Em như bờ cát nóng hoàng hôn/ Đợi con sóng triều lên ve vuốt/ Con sóng ấy muôn đời đói khát/ Hôn một lần rồi vội vã đi xa”. Biển và tình yêu luôn là đề tài không bao giờ vơi cạn cho sáng tác của các văn nghệ sĩ. Tống Ngọc Hân đã tìm ra cách diễn đạt riêng của mình, chân thực mà sâu sắc đến vi diệu. Chị ví mình: “Em như hạt mưa lạc giữa bãi thơ/ Không đủ ướt giấc mơ anh thi sĩ/ Bóng đã ngang sông con đò chậm trễ/ Lơ đễnh tháng ngày mặc chèo khua”. Phận gái mười hai bến nước nhưng với chị không theo khuôn sáo cũ mà thể hiện theo một phong cách rất riêng: “Như sao Hôm cũng chợt thấy bơ vơ/ Có hẹn cùng ai mà đến sớm?/ Trăng còn nhớ mà sao trăng không đến/ Mây buồn đến xác xơ.../ Em có là em của ngày xưa”. Câu thơ như con thuyền chở phận người, trĩu nặng những hoài niệm cùng xót xa tiếc nuối. Mạnh mẽ là thế, bản lĩnh là thế nhưng cũng có lúc Tống Ngọc Hân không tránh khỏi chút yếu mềm như trong bài: “Chẳng thể”: “Chẳng thể nào giữ được/ Thời gian qua mất rồi/ Tiếng ve còm xao xác/ Đọng nỗi buồn xa xôi”. Đấy là cái rất thật, rất người của chị, buồn nhưng không bi lụy yếm thế, chị hiểu qui luật của cuộc sống, qui luật của đời người và gửi vào thơ những tâm sự dấu kín trong lòng: “Bơ vơ em cứ hát/ Khi chẳng thể khóc cười/ Sợ chi điều còn mất/ Chỉ buồn câu thơ thôi”.Nói là: “Chỉ buồn câu thơ thôi” những tưởng chị bị những nỗi buồn ghì níu nhưng đọc thơ chị ta thấy một con người đầy bản lĩnh, đầy đam mê, khao khát và hoài vọng một cuộc sống luôn đổi mới. Chị yêu hết mình những người thân yêu, yêu say đắm Sa Pa – quê hương thứ hai của chị và cảm thông cho những phận người. Những câu thơ dồn nén chất chứa trong lòng rồi bật ra như hơi thở, đầy những cảm xúc và những rung cảm tự đáy lòng.
Thơ của Tống Ngọc Hân ăm ắp hơi thở của núi rừng, cách nói của người miền rừng cùng sự vận dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn, không khuôn sáo, tạo nên một thế giới hình tượng nghệ thuật đặc sắc, đa dạng và phong phú. Từ những chất liệu đời thường chị đã khái quát, nâng lên tầm nghệ thuật. Mỗi câu, mỗi chữ như đang cựa quậy bứt phá khỏi những lối mòn sáo rỗng, nhẹ nhàng tinh tế mà không kém phần gai góc, tạo nên một không gian thơ đa chiều cùng những giá trị thẩm mỹ phong phú. Sự sáng tạo nghệ thuật ấy làm nên bản sắc riêng của một Tống Ngọc Hân, không hề pha trộn. Cũng vì vậy mà tập thơ đầu tay này đã được trao giải A của Tạp chí Văn nghệ Lào Cai năm 2007 và giải thưởng Tác giả trẻ của UBTQ Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN năm 2008. Chúng ta hy vọng và tin sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm hay hơn nữa của chị.
Sáng tạo nghệ thuật là một trong những yếu tố quyết định tới sức sống của một tác phẩm văn học nói chung và thơ nói riêng. Đấy cũng là điều mà nhà thơ trẻ Tống Ngọc Hân xác lập được phong cách riêng của mình và sẽ còn tiến xa trên con đường sáng tác thơ văn của chị. Chỉ cần đọc tập thơ: “Những nét vân tay”, NXB Hội nhà văn năm 2007 ta đã cảm nhận rõ được điều đó.
Tập thơ mang tên: “Những nét vân tay”, “vân tay” ấy chính là những thửa ruộng bậc thang: “mùa mùa tạc vào sườn núi” của những người dân Sa Pa nơi chị đang sinh sống. Nói về ruộng bậc thang, người ta hay thi vị ví với những bậc thang bắc lên trời, hay sóng nhạc lưng trời... nhưng chỉ có chị mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, gian khó của bao đời người dân cần cù lam lũ nơi đây, điều đó giúp chị “nhìn” và cảm nhận những thửa ruộng bậc thang như những: “Những nét vân tay”, kể cả những “vân tay” chìm trong đất đá, lẫn cả mồ hôi và máu của bao người. Và chính những “vân tay” ấy “Bấu chặt vào đất trời/ Những cánh tay cứ vươn cao mãi/ Ôm ước vọng sinh sôi” như sức sống mãnh liệt và khát vọng một cuộc sống ngày một no ấm của những người dân nơi đây. Trước chị chưa có ai dùng hình tượng thơ như vậy.
Trong bài “Sa Pa - nhuận nhớ nhuận thương”, chị cảm nhận: “Mùa xuân đang từ từ trang điểm cho sự bất diệt sung mãn của mình... Năm nay trời đất cảm kích tặng cho mùa xuân thêm một tháng hai. Như biết thế, hoa chẳng muốn tàn, những loại hoa vừa cho đời hương sắc, vừa cho đời trái ngọt... Thế là có thêm bốn phiên chợ tình mùa xuân... Tôi đến chợ để uống rượu, để hẹn hò. Tôi cũng tìm kiếm khôn nguôi và tìm kiếm. Thực ra tôi cũng đã biết, có một tình yêu đang ở trong tôi, đó là Sa Pa. Và mùa xuân rất gần gũi thân thương đang trang hoàng cho tình yêu ấy”. “Thế là có thêm bốn phiên chợ tình mùa xuân”, có mấy ai phát hiện ra điều thi vị mà tạo hóa ban tặng cho con người như vậy? Trời đất bốn năm một lần có tháng nhuận ai có lạ gì nhưng suy tư để có “Nhuận nhớ nhuận thương” thì thật là độc đáo và thú vị.
Nhà thơ Tống Ngọc Hân sinh năm 1976 ở Phú Thọ nhưng chị gắn bó với Sa Pa với bao thăng trầm, buồn vui, thậm chí cả những nghiệt ngã với người sáng tác văn thơ đầy cá tính như chị. Song chị vượt lên bằng bản lĩnh của người cầm bút chân chính, tìm tòi, khám phá những nét đẹp, những góc cạnh của muôn mặt đời thường, “trang hoàng” cho những rung cảm nghệ thuật, cho ngôn từ cùng những thủ pháp nghệ thuật của mình, hiện lên một vẻ đẹp mang bản sắc riêng mang thương hiệu Tống Ngọc Hân.
Trong thơ của chị, ta nhận thấy không gian nghệ thuật được mở đến tận cùng theo cảm xúc, tưởng tượng và tư duy của nhân vật trữ tình, thời gian nghệ thuật lại được gom về, cô đặc lại để làm nền cho cảm xúc mãnh liệt trào dâng. Bài “Sa Pa”, chị có phát hiện thật tinh tế: “Vẫn chỉ là nắng thôi/ Mà sao kiêu ngạo thế?/ Vẫn chỉ là gió thôi/ Sao sáng nay vội vã?”. Sa Pa từ bao đời vốn như thế đấy, nắng hừng lên như mật rồi lại thoáng ẩn trong sương, trong mây, những chi tiết đời thường được “lạ hóa” bỗng đầy ưu tư trăn trở. Hay trong bài: “Về chợ”, cái tôi trữ tình của chị hòa cùng nỗi niềm của bao đôi lứa: “Tìm em giữa phiên chợ đông/ Cõi lòng cồn cào lửa đốt/ Anh mượn được con ngựa tốt/ Chọn được ống sáo gọi tình/ Mà em chân trời tít tắp/ Để anh lạc chốn đông người”. Có thể nào diễn tả tâm trạng “như đứng đống lửa/ Như ngồi đống than” hay hơn, mang chất rừng núi hơn? Cũng trong motip ấy, bài: “Chợ yêu” lại đầy sự thôi thúc mời gọi của những trái tim yêu: “Là một ngày tay chợt nhớ bàn tay/ Ấm nóng từ thời xa vắng/ Đã hẹn rồi... mà thôi đừng đến/ Mặc tình lạc lối chợ yêu/ Tiếng khèn xanh như gió gọi cánh diều/ Vút vào khoảng trời cầu nguyện/ Bồi hồi bước chân tìm đến/ Lần đầu thương nhớ Sa Pa”. Gọi là lần đầu nhưng thực ra đấy là những rung cảm tinh khôi được nhen lửa qua lời hẹn hò cùng tiếng khèn thiết tha gọi bạn và lời nguyện cầu của đôi trái tim yêu, hình tượng thơ: “Tiếng khèn xanh như gió” thật đẹp, tình yêu vốn có sức sống diệu kỳ như thế đấy . Bài “Sơn nữ” lại đưa người đọc đến một không gian trữ tình độc đáo: “Tay với chiếc lá ướt mọng/ Đặt vào hơi thở mềm môi/ Khao khát, lá hát;/ ... Chiều xuống núi/ Sương lướt thướt theo sau/ Rừng vắng em lá không biết hát/ Mặt trời thiếu em muốn ngủ vùi.../ Đêm đến có chiếc lá tìm.../ Thao thức chân thang”. Không gian dồn nén đầy cảm xúc để rồi mở ra một thời gian vô tận của tình yêu, trong tiếng kèn lá chở đầy khao khát lời tâm sự cùng bạn tình, đất trời như thổn thức cùng những lời yêu. Trong bài: “Chiều Sa Pa”, tình yêu khắc khoải chờ mong hòa quyện tâm trạng cùng thiên nhiên, đồng điệu tương giao đầy chất hội họa: “Gió qua rồi thông trầm mặc ngẩn ngơ/ Giận ai, thác mãi mình trắng xóa/ Lời yêu đương, ai giấu trong màu lá/ Mà nhịp cầu nhung nhớ cứ đong đưa”. Có bài thơ Tống Ngọc Hân làm người đọc ngỡ ngàng trước những phát hiện và rung cảm nghệ thuật độc đáo như trong bài: “Chiều mưa Hàm Rồng”: “Chiều mưa Hàm Rồng/ Bụi trần rũ bỏ/ Em đi ra từ cõi nợ/ Thanh thản đôi vai/ Nắng, gió và mây cuối ngày/ Vụt sáng!/ Em bước xuống. Lắng nghe hồn đã khóc/ Đất trời rưng rưng…”. Mưa Hàm Rồng như nối đất với trời, người ta lên đó để thưởng ngoạn, để nguyện cầu, có mấy ai để ý đến nắng mưa, với Tống Ngọc Hân lại có một rung cảm hòa cùng vũ trụ, cảm nhận được những nỗi niềm của âm dương, đất trời cùng lòng người. Trong thơ Tống Ngọc Hân có những bài thơ đầy tâm trạng được diễn đạt với những hình ảnh nghệ thuật độc đáo, chạm tới đáy sâu trong tâm khảm người đọc như bài: “Bến sông”: “Bến sông một thời mong ngóng/ Mẹ về mỗi buổi chợ trưa/ Giờ còn lại vài đôi cánh trắng/ Chênh vênh cò bay trong mưa.../ Mẹ đi rồi trời chẳng bớt mưa/ Chum nước gốc cau đầy hương nắng/ Mình con gội đến bao giờ”. Câu hỏi trống ở cuối khổ thơ sao day dứt đắng cay lay động tâm can đến vậy, đầy ám ảnh và như một lời nhắn nhủ đồng vọng tha thiết giữa con với mẹ.
Gắn bó với vùng cao, chị đồng cảm với nỗi nhọc nhằn lam lũ của người dân nơi đây trong: “Ngày giáp hạt”: “Mẹ giữ mãi nên lửa chiều còn ấm/ Đợi những đứa con đi măng, củi chưa về/ Mẹ bán cây lúa non đang căng đòng chờ sấm/ Thở dài, muôn nỗi tái tê”. Cuộc sống của người dân vùng cao như vậy đấy, dẫu đã thay đổi nhiều nhưng cái nghèo, cái đói cứ bám ghì lấy mỗi phận người. Nhạy bén trong phát hiện, tinh tế trong cách thể hiện, Tống Ngọc Hân cảm nhận được cả những cái “Mỏng manh” của hạnh phúc, dẫu hai người đang nằm bên nhau: “Như sương như khói mỏng manh/ Ấy là gianh giới giữa mình với nhau/ Vũ trụ đã ngủ từ lâu/ Ngập ngừng chưa nói nổi câu giã từ.../ Vòng tay vừa chạm đam mê/ Đã nghe giông bão đi về trong tim”. Hình ảnh ẩn dụ ở đây thật là đắc địa. Tình yêu vốn như thế đấy, cái gianh giới của hạnh phúc, khổ đau, lầm lỡ và tan vỡ thật mỏng manh: “Vũ trụ ngủ rồi/ Còn hai trái tim lầm lỗi/ Thao thức tạ tội cùng đêm”. Chị hiểu thấu đáo điều đó nên chị biết trân quí những phút giây hạnh phúc như trong bài: "Thơ tặng em”: “Và anh gửi tặng cho em/ Câu thơ hát giữa đêm dài tháng năm/ Nhúm tơ rút ruột con tằm/ Sợi hồng sợi bạc dệt trăm nỗi niềm/”. Tình yêu của người đàn ông gửi qua bao lời hay ý đẹp: “Nước mắt vơi được ưu phiền/ Lời ngon ngọt để mềm lòng thế nhân/ Sa mạc buồn vắng dấu chân/ Em- mùa thu nhỏ ngại ngần bước qua”. Ngại ngần là thế nhưng ai không khát khao hạnh phúc, dẫu nhỏ nhoi: “Một đêm thôi, chỉ một đêm/ Anh như cánh võng khát thèm lời ru/ Dù mai, lá trút - mùa thu/ Heo may tê tái, xác xơ, cũng đành”. Bài thơ là sự trải nghiệm trên đường đời của chị mà khi đọc lên ta thấy như của mọi người. Tình yêu đơm hoa kết trái, chị dành cho con bao tình yêu, kỳ vọng cùng nỗi trăn trở khôn nguôi: “Dành cho con/ Và chỉ con thôi/ Những yêu thương trọn kiếp người day dứt/ Đời mẹ. Ôi trái chanh cạn nước/ Khô héo rồi còn vắt cho con.../ Đêm có nghe tiếng thở dài lặng lẽ/ Nơi ấy giờ này/ Có gọi mẹ không con”. Đức hy sinh cao cả của người mẹ được Tống Ngọc Hân diễn tả như chắt ra từ máu con tim, ngôn từ hiện đại nhưng vẫn mang âm hưởng dân gian. Có lúc chị nhớ lại cái thuở ngày xưa thì cái ngày xưa ấy cũng hiện lên trong thơ chị một cách nhẹ nhàng: “Em như bờ cát nóng hoàng hôn/ Đợi con sóng triều lên ve vuốt/ Con sóng ấy muôn đời đói khát/ Hôn một lần rồi vội vã đi xa”. Biển và tình yêu luôn là đề tài không bao giờ vơi cạn cho sáng tác của các văn nghệ sĩ. Tống Ngọc Hân đã tìm ra cách diễn đạt riêng của mình, chân thực mà sâu sắc đến vi diệu. Chị ví mình: “Em như hạt mưa lạc giữa bãi thơ/ Không đủ ướt giấc mơ anh thi sĩ/ Bóng đã ngang sông con đò chậm trễ/ Lơ đễnh tháng ngày mặc chèo khua”. Phận gái mười hai bến nước nhưng với chị không theo khuôn sáo cũ mà thể hiện theo một phong cách rất riêng: “Như sao Hôm cũng chợt thấy bơ vơ/ Có hẹn cùng ai mà đến sớm?/ Trăng còn nhớ mà sao trăng không đến/ Mây buồn đến xác xơ.../ Em có là em của ngày xưa”. Câu thơ như con thuyền chở phận người, trĩu nặng những hoài niệm cùng xót xa tiếc nuối. Mạnh mẽ là thế, bản lĩnh là thế nhưng cũng có lúc Tống Ngọc Hân không tránh khỏi chút yếu mềm như trong bài: “Chẳng thể”: “Chẳng thể nào giữ được/ Thời gian qua mất rồi/ Tiếng ve còm xao xác/ Đọng nỗi buồn xa xôi”. Đấy là cái rất thật, rất người của chị, buồn nhưng không bi lụy yếm thế, chị hiểu qui luật của cuộc sống, qui luật của đời người và gửi vào thơ những tâm sự dấu kín trong lòng: “Bơ vơ em cứ hát/ Khi chẳng thể khóc cười/ Sợ chi điều còn mất/ Chỉ buồn câu thơ thôi”.Nói là: “Chỉ buồn câu thơ thôi” những tưởng chị bị những nỗi buồn ghì níu nhưng đọc thơ chị ta thấy một con người đầy bản lĩnh, đầy đam mê, khao khát và hoài vọng một cuộc sống luôn đổi mới. Chị yêu hết mình những người thân yêu, yêu say đắm Sa Pa – quê hương thứ hai của chị và cảm thông cho những phận người. Những câu thơ dồn nén chất chứa trong lòng rồi bật ra như hơi thở, đầy những cảm xúc và những rung cảm tự đáy lòng.
Thơ của Tống Ngọc Hân ăm ắp hơi thở của núi rừng, cách nói của người miền rừng cùng sự vận dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn, không khuôn sáo, tạo nên một thế giới hình tượng nghệ thuật đặc sắc, đa dạng và phong phú. Từ những chất liệu đời thường chị đã khái quát, nâng lên tầm nghệ thuật. Mỗi câu, mỗi chữ như đang cựa quậy bứt phá khỏi những lối mòn sáo rỗng, nhẹ nhàng tinh tế mà không kém phần gai góc, tạo nên một không gian thơ đa chiều cùng những giá trị thẩm mỹ phong phú. Sự sáng tạo nghệ thuật ấy làm nên bản sắc riêng của một Tống Ngọc Hân, không hề pha trộn. Cũng vì vậy mà tập thơ đầu tay này đã được trao giải A của Tạp chí Văn nghệ Lào Cai năm 2007 và giải thưởng Tác giả trẻ của UBTQ Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN năm 2008. Chúng ta hy vọng và tin sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm hay hơn nữa của chị.
3/7/2013
Trần Vân Hạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét