Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Vẻ đẹp mới từ ca khúc Hương xưa

Vẻ đẹp mới từ ca khúc Hương xưa
Góp thêm một nét duyên cho cuộc giao lưu văn hóa trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam 18 - Charming Vietnam Gala in Singapore, lần đầu tiên sẽ có một ca khúc VN được chuyển ngữ để thể hiện bằng tiếng Anh. Và chỉ một ngày sau khi liên lạc, trao đổi về việc chuyển từ lời Việt sang Anh với nhạc sĩ Paulina Nguyễn (Giáng Tiên, đang sinh sống tại Mỹ), chúng tôi nhận được ngay "phiên bản mới" của Hương xưa: Scents of yesteryears.
Tại các buổi tập những ngày qua, nhìn đôi song ca Đức Tuấn - Nguyên Thảo khi thể hiện bài hát bằng lời Anh, có vẻ như họ đang tâm đắc lắm. Cả nhạc sĩ Đức Trí - người phối bài Hương xưa (Cung Tiến) cũng gật gù khi trò chuyện với mọi người về "chiếc áo mới" này. Và tác giả của lời bài hát bằng tiếng Anh thì chia sẻ: "Thật tình khi mới đọc e-mail của đại diện Ban tổ chức ở Báo Thanh Niên gửi, tôi hơi ngần ngại vì biết giai điệu và ca từ của bài hát đều rất "cổ điển".
Trước đó, tôi có nghe vài người quen hát karaoke bài này, chứ chưa nghe ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện. Mãi đến khi đọc phần lời trong e-mail vừa qua, tôi mới thật sự "nghiền ngẫm" nó. Thật sâu sắc và nhiều ẩn dụ! Chính ý tứ lãng mạn trong lời bài hát đã khơi mạch cảm hứng trong tôi. Và sau khi đọc lời Việt, tôi bắt tay vào việc ngay! Cũng nhờ chuyển ngữ Hương xưa mà tôi có dịp tìm hiểu ý nghĩa bài hát một cách kỹ càng, và thưởng thức được cái đẹp của tác phẩm này".


"Ban đầu, chính tôi là người phản đối việc chuyển ngữ này, vì từ trước đến nay, ít có ca khúc nào được dịch sang tiếng nước ngoài mà nghe thuyết phục. Khi Báo Thanh Niên chủ động làm rồi gửi bài cho tôi xem thử, đúng là tôi đã thật ngạc nhiên vì lời tiếng Anh hay quá. Nó vừa dễ hát, vừa toát lên được ý thơ của lời Việt, và cũng thật gần với ý nghĩa của bài gốc. Bởi vậy, thay vì lúc đầu chỉ định hát vài câu tiếng Anh, giờ chúng tôi quyết định để Đức Tuấn và Nguyên Thảo chỉ hát bằng tiếng Anh"
* Như vậy có lẽ chị cũng khá vất vả khi nghiên cứu bài hát để chuyển ngữ?
- Khó khăn nhất là làm sao giữ được ý nghĩa của phần lời tiếng Việt mà không làm cho bản tiếng Anh thô vụng, khó nghe. Phân đoạn khó nhất có lẽ là những câu mà nhạc sĩ Cung Tiến sử dụng lối ẩn dụ trong tích xưa (chẳng hạn như Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó). Mặc dù biết tác giả mượn chuyện tình bất hủ của Phạm Thái với Quỳnh Như để nói lên tình cảm của chính mình, nhưng câu này không thể dịch sát được mà chỉ phỏng theo ý thôi, và rất hy vọng là đã hiểu đúng ý nhạc sĩ!
* Với chị, điều quan trọng nhất khi chuyển ngữ một bài hát là gì?
- Tôi đặc biệt chú trọng đến phần trau chuốt ngôn ngữ, tuy nhiên, vẫn phải giữ đúng tinh thần của ca khúc, càng chính xác càng tốt (tất nhiên là theo cảm nhận của mình chứ không dám khẳng định là hiểu hết 100% ý tác giả). Bên cạnh đó, tôi cũng quan tâm đến vần điệu - sao cho trong một đoạn càng có nhiều câu có vần với nhau càng tốt; nhưng cũng phải chọn từ sao cho các âm tiết được phân bổ hợp lý, hay đặt trọng âm của chữ cho đúng nhịp mạnh cũng là một trong những việc làm quan trọng và mất thời gian.
* Sau khi hát lại ca khúc bằng lời Việt lẫn Anh, chị cảm thấy thế nào?
- Chắc là ai cũng thấy con mình đẹp hết mà, đúng không? Đùa thôi, chứ sau khi hoàn tất phần chuyển ngữ, phải nói là tôi rất hài lòng và cứ hát một mình hoài (cười), nhất là mỗi khi lái xe. Tôi có gửi cho anh Trịnh Nam Sơn (là bạn của chị - PV) xem thử và được anh cho điểm 9/10 đó!
Chẳng biết có phải vì thói quen hay vì thích ca khúc này mà ca sĩ Nguyên Thảo đã chép tay cẩn thận và lưu đàng hoàng trong một sơ-mi. Còn ca sĩ Đức Tuấn thì: "Tôi vốn đã yêu thích bài hát này, cũng hát nhiều lần rồi nhưng với lời Anh, khi thể hiện tôi cảm thấy nó như một bài hát mới, đầy cảm hứng. Cái hay chính là ý nghĩa lời Anh rất sát với ca từ tiếng Việt, và người chuyển ngữ đã giữ được nét đẹp, chất thơ của Hương xưa".
Hương xưa - Cung Tiến - Nguyên Thảo
Nguyên Vân
Theo http://thanhnien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian

Nhà văn Cao Duy Thảo và câu chuyện thời gian Với câu chuyện thời gian, tôi và nhiều người khác thường nghĩ ngay tới nhà văn Pháp vĩ đại Ma...