Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Ven sông hoa cải nở vàng

Ven sông hoa cải nở vàng
1. Đã mấy hôm nay, cứ chiều là bà lọ mọ ra sông. Ngồi trên mô đất đã phẳng lì, nhìn mặt nước sông trôi lênh láng ánh nắng vàng vọt. Những chiếc lá bị gió hất tung từ cụm cây già thả xuống, trôi lững lờ. Con đò cũ nát nằm trên bến, dập dềnh theo từng nhịp sóng. Bà vẫn ngồi lặng lẽ như thế. Đến khi hoàng hôn buông xuống, phủ tràn khắp nẻo, bà mới uể oải đứng dậy.
Mùa này cải bắt đầu đơm hoa. Dọc đường về, hai bên ngút ngàn hoa. Bà nhìn đầy cuốn hút, mê say. Cặp mắt đã kèm nhèm, ánh lên rạng rỡ. Dưới ánh ngày tàn, những cụm hoa lay động trước gió.
Bà ở một mình trong căn nhà nhỏ, buồn vắng quanh năm. Nơi xóm gần bờ sông heo hút này, hình như bà là người già nhất và định cư sớm nhất nên ít người biết thân nhân bà. Chỉ biết bà không phải người làng này. Bà lưu lạc ở trong Nam ra từ sau giải phóng. Bà đi tìm người yêu, một chàng lính trinh sát, từng tấn công sào huyệt kẻ thù trong trận đại chiến mùa xuân năm ấy. Bà đã từng nhiều lần nói về điều này. Có người tin kẻ không. Tấm di ảnh người đàn ông ngoài hai mươi tuổi cũng không nói lên điều gì cả. Là người yêu hay con trai bà? Bà không nói gì cả. Cứ thầm lặng sống. Biết bao mùa hoa cải đã đi qua cuộc đời bà.
2. Bà là dân thành phố. Ở “phố lính”. Nơi tập trung nhiều lính Mỹ và mấy cô vợ người Việt. Họ sống khác với mọi người. Rượu ngon và nhạc nhẽo thâu đêm. Bà thì khác, cùng con phố, đi đường gặp nhau nhưng chưa một lần trò chuyện. Mỗi buổi sáng bà đến trường trên chiếc xe đạp, áo dài cùng tóc tung bay trước gió, khiến bao lính Mỹ ngẩn ngơ. Có người lò dò theo bà về đến nhà. Cha mẹ bà không nói gì, xem như bình thường. Bà hiểu họ đang muốn gì ở tên lính mê gái kia. Bà chừng mực, khoảng cách, điều này càng khiến cho kẻ si tình say mê. Bà vẫn đến trường, có hôm được ngồi trên xe Jeep. Tuổi mười tám như vầng trăng ngời sáng, như đóa hoa rạng rỡ. Bao chàng trai dập dìu, vào ra. Cha bà tiếp họ ở chiếc bàn trước hiên. Họ nói với nhau nhiều chuyện. Bà ngồi trong phòng, không mảy may nghĩ về một ai trong đám lính ngoại quốc, cả những anh lính người Việt cũng thế. Bà đang nghĩ về những chàng trai mười tám, đôi mươi từ miền Bắc vào. Họ đang nằm rừng, ở lán, bơi xuồng, lội rạch đầy vắt và đỉa. Bà từng gặp họ khi mấy lần theo cha vào cứ. Bà khâm phục họ. Bà từng ăn cùng với họ những vắt xôi, rau rừng và chia nhau từng chút lương khô. Bà nghe họ đàn hát. Kỷ vật của anh, người lính trinh sát gan dạ là bức chân dung, bà tặng cho anh chiếc khăn tự tay bà đan thêu. Họ tâm sự suốt đêm bên bờ kênh, dưới gốc tràm. Họ đã trao nhau nụ hôn đầu rồi vội vã chia tay, khi căn cứ bị địch phát hiện. Bà trở về thành. Ngày ngày đến lớp. Bọn lính phố vẫn ngấp nghé, cợt nhả bà. Những chuyến vào cứ của cha bà dày hơn.
3. Giải phóng. Bà bắt tàu ra Bắc. Hành trang mang theo là bức chân dung của anh. Anh chưa kịp nói với bà về quê quán, chỉ biết miền quê ấy đầy hoa cải. Mỗi năm, cứ tháng mười một, nhiều vạt hoa cải dọc triền đê bắt đầu nở. Anh kể cho bà nghe về cánh đồng hoa cải đã trổ vàng rực rỡ dưới ánh nắng tinh khôi khiến tiết trời đông trở nên ấm áp lạ thường. Hoa cải vàng là thứ hoa chỉ nở đúng dịp đầu mùa đông, khi đất trời se se lạnh, xao xác dưới nắng hươm vàng. Bà đã mê mẩn chỉ qua lời anh kể. Bà ước được cùng anh dạo bước trên cánh đồng hoa cải. Ngày ấy không xa. Anh nhìn bà trìu mến, đầy tin cậy.
Bà đã tìm anh qua bức chân dung và qua thông tin ít ỏi là miền quê có nhiều loài hoa ấy. Mới giải phóng, người xuôi kẻ ngược, lũ lượt trở về, thêm nữa phương tiện giao thông nghèo nàn, nhiều khó khăn đâu có dễ tìm nhau. Không ai biết cả nhưng ai cũng giúp cũng hứa sẽ chuyển tin, nhắn tin giúp bà.
Cuối cùng bà đành chấp nhận chọn miền quê có nhiều hoa cải này để tìm anh, để đợi chờ anh. Những ngày đầu đến mảnh đất này, bà tá túc trong căn nhà sát bờ sông cùng với người mẹ nuôi tật nguyền. Bà đưa đò cho người trong xóm đi chợ, lên thị trấn bên kia sông. Bà cùng mẹ nuôi chăm sóc vạt cải trổ ngồng cũng nỗi chờ mong héo hắt. Mẹ nuôi an ủi động viên bà cố chờ đợi, nay mai người ta sẽ tìm về. Mà biết đâu mà tìm. Đơn vị rút quân trong đêm một cách vội vã. Một dòng địa chỉ, một lá thư không kịp gửi lại. Lúc ấy, gia đình bà đang “lánh nạn” ở một nơi an toàn. Nếu anh có tìm cũng khó mà gặp được.
Biết chuyện, sau mấy lần ra vào, phần thì không làm bà đổi ý được, phần thì thấy bà cũng bình yên, ba mẹ bà đành đồng ý để bà ở lại.
4. Con chó nhỏ thấy chủ về, rối rít mừng. Bà mắng yêu nó rồi bật đèn. Căn nhà nhỏ lan tỏa ánh sáng dịu, ấm áp. Bà thắp hương. Bức di ảnh nhạt màu theo thời gian nhìn bà hiền từ, độ lượng. Bà nén nỗi xúc động vào trong, đi xuống bếp bới cơm chan nước cá cho con chó. Bà rầu rĩ nói chuyện với nó. Con chó nhỏ nằm ngoan dưới chân bà, lâu lâu kêu lên ư ử. Ngoài kia, dưới ánh trăng mờ ảo, hoa cải ngạt ngào tỏa hương.
Buổi tối, bà hay bắc ghế ngồi nhìn mông lung ra hướng bờ sông, nơi bến đò cũ, lau lách và cây cối um tùm. Bà nhớ bến đò, con thuyền nhỏ và quán cóc liêu xiêu, tạm bợ bán nước chè và mấy thức quà quê đơn sơ.
Mẹ nuôi qua đời sau cơn đau tim. Bà phải sống một mình trong nỗi cô đơn và niềm tin ngày càng mất dần. Mỗi lần nhìn thấy những thanh niên trong quân phục xanh là tim bà như bóp nghẹt. Bà muốn chạy ào đến trong nỗi vui mừng, gặp gỡ. Nhưng rồi, bà thất vọng. Người lính trẻ bước xuống đò, lễ phép chào cô. Nước mắt của bà bao lần tuôn rơi, rát bỏng tâm hồn.
5. Chiều nghiêng, ánh sáng cuối ngày lọt qua tán lá như muốn níu lại chút gì của thời khắc cuối ngày. Bà lại ra bờ sông, ngang qua những vạt cải ngồng vàng ruộm. Có lúc, bà dừng lại ngắm nghía sắc hoa mang đậm hồn quê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm trước những nhớ nhung vắt mòn trí não. Bà đưa tay chạm khẽ vào ngọn hoa, những chú ong giật mình bay lên, loạn xạ. Bà chợt nheo mắt nhìn. Lần đầu tiên người dân xóm bờ sông thấy bà cười. Bờ sông vắng chợt sáng rực lên. Sau này nhiều người bảo chưa bao giờ khúc sông vắng kia lại rực lên như thế trong buổi chiều hôm ấy.
Bà không còn buồn nữa. Sau bốn mươi năm xa cách, người lính trinh sát đã tìm được bà. Cuối cùng những người nhân hậu như bà cũng phải được một chút gì chứ!
Thực ra, ông đã nấn ná mấy năm trong Nam để tìm bà sau ngày giải phóng. Có biết đâu rằng, bà cứ y hẹn ra Bắc nếu đất nước thống nhất trong mùa vàng hoa cải trổ. Ông quay về quê, nghĩ rằng bà không còn sống hay đã quên ông. Ông lập gia đình nhưng cô gái “phố lính” theo cha liên lạc, truyền tin cho bộ đội cứ hoài lẩn quẩn bên ông. Cứ mỗi mùa hoa cải vàng cả triền sông, ông lại nhớ quay quắt khi nghĩ đến bà, đến mong ước của bà là được đi giữa đồng hoa vàng trong chiều nhạt nắng, chiếc vòng hoa đội đầu cũng rực rỡ sắc vàng.
Họ gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Chương trình tìm kiếm người thân trên ti vi đã kết nối được họ. Bà sung sướng vỡ òa bao cảm xúc. Ông chết lặng trước bức chân dung của mình trên bàn thờ. Bà khóc nghẹn trong vòng tay ông. Ông ôm chặt lấy bà như sợ bà sẽ tan biến ngay trong chốc lát.
SƠN TRẦN
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Du Tử Lê, Từ Công Phụng - Con dế buồn tự tử giữa đêm sương

Du Tử Lê, Từ Công Phụng Con dế buồn tự tử giữa đêm sương! Du Tử Lê viết bài thơ 67, Khúc Thêm Cho Huyền Châu vào năm một ngàn chín trăm sá...