Ai cũng biết “Đức” là cái vô hình, thế mà có dày, có mỏng. Lại
có hậu, có bạc. Thì ra “Đức” không chỉ đơn giản là sự tử tế, ăn hiền ở lành hay
xử việc đúng đắn,v.v… Thậm chí không chỉ được tạo nên ở đời này, mà còn được tạo
nên từ những đời trước đó. “Đức” là một thứ “của cải” thuộc về “mệnh” vậy.
Phạm Lãi sau khi giúp Câu Tiễn diệt được nước Ngô, trở về nói
với người nhà: “Đức ta tuy hậu, song không thể vì thế mà tiêu xài hoang phí
trong một vài đời được.” Nói rồi bèn không nhận quan tước, đem vợ con trốn vào
ngũ hồ. Trước khi đi còn đến bảo Văn Chủng: “Tôi tự biết mình đức hậu, song
cũng không dám lạm dụng điều đó mà làm quan, sợ thiệt mất đức của con cháu. Vì
thế mới phải trốn đi. Một khi tôi đã đi rồi, thì triều đình còn ai tài hơn ông
nữa. Đã thế đức của ông lại bạc. Trộm nghĩ điều đó nguy cho ông lắm. Hay là ông
trốn đi còn hơn”. Văn Chủng không nghe, rốt cuộc ở lại bị Câu Tiễn giết.
Trương Lương sau khi giúp Hán Cao Tổ lấy được thiên hạ, bảo với
Trần Bình: “Trộm nghĩ đức của tôi dày gấp mười lần ông, công của tôi cũng không
kém ông. Vậy mà tôi vẫn không dám nhận quan tước của nhà Hán, sợ đức bị hao tổn,
con cháu ngày sau phải làm lại từ đầu. Còn ông, tài thì vượt lên trên kẻ khác,
song tiếc rằng đức lại mỏng. Thiết tưởng đó là điều vô cùng bất trắc, cho dù có
trọn vẹn được đời mình, thì đến đời sau, con cháu cũng chẳng ra gì. Sao ông
không bỏ quan mà đi?” Trần Bình không nghe, rốt cuộc đến ngay đời con đã trở về
hạng khố rách áo ôm.
Trọng sinh con nhà khá giả, bố làm quan to. Thế mà sống rất
giản dị, chan hòa với mọi người, thường giao du rộng rãi, đàn hát rất hay. Mạnh
Tử yêu lắm, muốn kết làm bạn. Mạnh mẫu (mẹ Mạnh Tử) thấy vậy can: “Ta xem thằng
bé ấy bề ngoài tuy giản dị song ánh mắt tham lam. Tiếng đàn tuy réo rắt mà những
âm phụ vào thường hay bị nghẹn tiếng. Người như thế là đức bạc, không đáng kết
bạn.” Trọng sinh về sau quả nhiên càng ngày càng trở nên một kẻ tham lam bất
tín, kết giao toàn những hạng bèo bọt. Rốt cuộc phá tán hết cơ nghiệp của bố để
lại.
Xem thế thì biết, “Đức” không phải là thứ có thể đem ra để
khen, chê. Càng không phải là thứ đem ra để ca ngợi, hay mắng nhau (là đồ thất
đức) như xưa nay vẫn nghĩ được. “Đức” tuy vô hình. Song đó là thứ không những
có thể cân đong, đo đếm, mà quan trọng là chỉ có thể “tích”, chứ không nên
“tiêu”…
Những chuyện trên chưa thấy chép trong Sử ký… Nay xin lạm
chép ra đây để thay cho “Lời tựa” trong Luận ngữ Tân thư kỳ này. Đoạn
trích kỳ này như sau:
Người nước Việt xưng là Mạt Tử, làm nghề mò trai mò hến trên
sông. Một hôm đang chổng mông lặn ngụp, chợt bắt gặp một thằng bé ở đâu trôi đến.
Thằng bé khoảng 10 tuổi, sắc mặt nhợt nhạt, người lạnh toát, bụng căng đầy nước,
mười phần đã chết đến chín rưỡi. Mạt Tử vội vàng vớt lên bờ, nắm hai chân nó dốc
ngược lên cho ộc hết nước trong bụng ra rồi xoa bóp, thổi hơi vào mồm nó. Khoảng
nửa giờ thì thân thể thằng bé dần dần ấm lại, mũi nó đã bắt đầu thở nhẹ tuy người
vẫn còn mềm nhũn. Mạt Tử bèn bỏ giỏ hến lại đấy, vác nó lên vai mang về nhà. Gần
đến nhà, bỗng có một ông lão ở đâu đi đến. Ông lão trỏ thằng bé bảo:
“Nom tướng thằng này thuộc hạng người bạc đức, sau này thể
nào cũng phải nếm cứt người khác. Cứu nó làm gì cho phí công.”
Mạt Tử nghe nói, lưỡng lự một lát rồi chép miệng vác quay trở
lại, định ném trả quách thằng bé xuống sông cho trôi đâu thì trôi. Đến chỗ lúc
nãy, Mạt Tử đang chuẩn bị ném thì ông lão kia lại hớt hải chạy đến bảo:
“Khoan đã! Nó tuy phải nếm cứt người khác nhưng làm vua nước
Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói bèn thôi ý định. Lại vác thằng bé quay trở về...
Gần đến nhà, ông lão kia lại vội vã chạy tới, xua tay bảo:
“Xin hãy cân nhắc cho kĩ đã! Nó tuy làm vua nước Việt, song bụng
dạ hẹp hòi, đầu óc tăm tối. Vừa ưa nịnh, vừa bịp bợm, lại tham quyền cố vị, ác
hơn thú dữ, suốt đời chỉ lo bức hại kẻ trung thần…”
Mạt Tử nghe nói tức thì nổi giận, lập tức vác quay trở lại,
phen này quyết quẳng thằng bé xuống sông. Tới bờ sông, Mạt Tử đang lấy đà định
quẳng thì ông lão kia lại hồng hộc chạy đến, vừa thở vừa nói:
“Khoan đã, khoan đã! Nó tuy ác hơn thú dữ, nhưng sau này diệt
nước Ngô, làm nên cái oai danh cho nước Việt thì chính là nó đấy.”
Mạt Tử nghe nói lại bỏ ý định ném thằng bé xuống sông mà vác
nó quay về nhà. Người vợ trông thấy hỏi:
“Ở đâu ra cái thằng chết trôi này?”
Mạt Tử bèn kể lại đầu đuôi. Người vợ bảo:
“Nó sau này dẫu có phải nếm cứt, thì hiện giờ cũng vẫn là một
ông vua con. Tôi nghe nói nuôi vua khó lắm. Chỗ của nó phải ở bàn thờ chứ không
thể bạ đâu đặt đấy được. Đã thế nó lại là cái giống bạc đức, sau này tất không
ra gì. Nuôi một kẻ như thế trong nhà nguy như trứng để đầu gậy, không khéo lợi
bất cập hại.”
Mạt Tử nghe vợ nói, lại tính ném quách thằng bé xuống sông.
Song nghĩ lại thấy không nỡ, bèn chép miệng bảo vợ:
“Thôi thì ta cũng vì cái oai danh của nước Việt sau này mà cứu
nó một phen vậy. Nay hãy chịu khó để nó lên bàn thờ, nuôi mấy hôm cho nó hoàn hồn,
cứng cáp như trước đã rồi đem bỏ ra giữa chợ, mặc ai nhặt thì nhặt, mình cũng đỡ
phải tội.”
Số là Mạt Tử không biết. Thằng bé đó chính là tiểu công tử của
nước Việt. Hôm ấy mải chơi đùa trên sông, chẳng may trượt chân té xuống nước.
Nước sông đang chảy mạnh lập tức cuốn nó đi. Lúc bọn hầu cận phát hiện ra thì
đã trôi đến mấy dặm. Mọi người hốt hoảng mò khắp một đoạn sông song không thấy.
Mấy hôm sau, bọn hầu cận được phái đi tìm bắt gặp thằng bé đang lê la đói khát ở
giữa chợ, vội vàng đem kiệu tới rước về cung. Thằng bé về sau quả nhiên được
truyền ngôi, trở thành vua nước Việt. Bấy giờ đã 21 tuổi, bèn tự phong vương, tỏ
ra là một ông vua có chí lớn.
Vua mới lên ngôi, có cây sung cổ thụ bỗng dưng trổ hoa, thơm
ngào ngạt ba ngày liền, thiên hạ tấm tắc khen là điềm lạ. Cả nước nổi cơn điên
vì sướng. Có điều trong cái mùi thơm ấy, thỉnh thoảng vẫn thấy lẫn vào một thứ
mùi gì đó ngửi rất khó chịu. Vài ngày sau rõ dần. Đích thị là mùi thối. Cuối cùng
chỉ còn toàn mùi thối, kéo dài mấy tháng chưa hết. Quạ ở đâu ùn ùn bay về, đậu
kín các cành. Thiên hạ càng cho là điềm lạ.
Mạt Tử nghe tin vua mới của nước Việt chính là thằng bé mình
cứu ngày trước thì hãnh diện lắm, đi đâu cũng khoe. Mọi người bảo sao không
nhân đó mà vào cung, xin đức vua ban cho ít ruộng hoặc một phẩm tước nào đó, khỏi
phải làm nghề mò trai mò hến nữa... Mạt Tử lấy làm phải bèn xin vào
cung ra mắt vua. Chưa kịp nhắc lại ơn cũ thì Việt Vương đã ngửa mặt cười lớn mấy
tiếng rồi vỗ bàn quát:
“Nhà ngươi tưởng cuộc đời này giống chuyện cổ tích lắm hay
sao? Nhà ngươi dẫu cứu ta thoát khỏi chết đuối, song đã mấy lần định quẵng ta
trở lại xuống sông. May mà mạng ta còn lớn khiến ngươi không làm nổi việc đó.
Nay lại còn vác mặt đến đòi ta trả ơn? Ta không thèm tìm ngươi hỏi tội là phúc
cho ngươi lắm rồi. Chính ngươi mới là kẻ phải biết ơn ta về điều đó đấy.”
Nói xong quát tả hữu đuổi Mạt Tử ra ngoài. Mạt Tử nhục quá lủi
thủi ôm đầu chuồn khỏi cung. Rốt cuộc lại trở về bến sông làm nghề mò trai mò hến
như cũ.
Xin không kể tiếp những việc sau đó của vị tân vương ấy, vì mọi
chuyện đều đã được chép trong Sử ký. Chỉ biết rằng sự nghiệp của ngài diễn ra
đúng như những gì mà ông lão ngày xưa đã nói. Đại khái cũng nếm cứt, cũng diệt
nước Ngô, cũng bức hại trung thần... Ở đây chỉ xin kể một chuyện xảy ra vào lúc
cuối đời ngài.
Bấy giờ nước Việt vô sự. Kẻ sĩ chân chính người thì bỏ đi ở ẩn,
người thì đã trở thành thiên cổ. Trong triều, lũ cơ hội, nịnh thần tha hồ làm
mưa làm gió, suốt ngày chỉ nghĩ đến việc ăn cướp của dân cho thật nhiều. Ngoài
đời, đám kẻ sĩ vì bản chất tham lam, hèn hạ, nên vốn đã cam tâm làm tôi tớ từ lâu.
Bọn họ luôn nghĩ cách làm vui lòng Việt vương để cầu tước vị, bổng lộc. Hăng
hái nhất trong đám này là 2 gã quan văn tên Hư Tỉ và Lê Lết. Năm đó nhân sắp đến
tiết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng), Hư Tỉ bàn với Lê Lết:
“Đại vương ta rất thích nghe âm nhạc. Lâu nay việc nước bề bộn.
Đám con cháu, tay chân Ngài nhiều người ăn cắp lộ liễu quá. Thành ra trong dân
gian, khối kẻ chửi thầm chửi vụng, làm đại vương ta cũng có chút phiền lòng.
Nay nhân dịp tiết Nguyên tiêu, âu là ta tổ chức một đêm nhạc thật hoành tráng ở
sân nhà Thái miếu, mời đại vương tới nghe cho Ngài khuây khoả. Chẳng hay ý ông
thế nào?”
Lê Lết tuy nghề văn, song vốn có máu con buôn, bèn hưởng ứng:
“Tuyệt đấy. Nhân đó ta chọn lấy 99 điệu nhạc thật hay. Sao
cho trên thì khoái tai đại vương, dưới thì vừa bụng dân chúng để dâng lên cho
Ngài ngự bút ban thưởng, rồi khắc in bán ra thiên hạ, chắc cũng kiếm được khối
tiền.”
Hư Tỉ nghe Lê Lết nói liền vỗ tay khen:
“Diệu kế. Ông thật không hổ là vị quan không ngai của triều
đình, là bậc đứng đầu đám văn hóa con buôn của cả nước. Pháp khẩu (giọng lưỡi)
của ông xưa nay được thiên hạ tôn là thần thông quảng đại. Vậy xin nhường việc
đọc diễn văn khai mạc cho ông. Chúng ta sẽ bắt chước cái chuyện nghe nhạc của
vua nước Tấn ngày trước, có cả chim hạc đến vỗ cánh thì công trạng của ta hẳn sẽ
càng to lắm...”
Đúng đêm Nguyên tiêu, sân nhà Thái Miếu được trang trí lộng lẫy,
khắp nơi kết đèn hoa sáng rực. Tài tử giai nhân khắp kinh thành ăn mặc lòe loẹt
kéo tới đông như trảy hội. Các phường nhạc hay nhất nước được tuyển chọn đến để
hầu thánh nhĩ (tai vua). Lê Lết đích thân đứng ra đọc diễn văn khai mạc. Đại
khái tập trung ca ngợi sự nghiệp vẻ vang của Việt vương. Bài diễn văn có đoạn
viết (những chỗ trong ngoặc đều do Lê Lết dẫn tư tưởng Khổng Tử):
“Đại vương ta, khởi sự từ Lễ (“lập ư lễ”), đã làm nên những
chiến công vô cùng hiển hách, từ xưa tới nay chưa có bao giờ... Tiếp theo, Ngài
chấn hưng văn hóa, vỗ về muôn dân, làm cho nước ta trở thành một nước văn hiến
(“hưng ư thi”). Nay chính là lúc mà các thành tựu của Ngài đã đạt đến mĩ mãn
(“thành ư nhạc”), cũng là lúc chúng ta thay mặt cả nước tổ chức đêm quốc nhạc
này để tỏ lòng đời đời biết ơn...”
Thế rồi hết điệu nhạc này đến điệu nhạc khác được đem ra
trình diễn. Cứ mỗi điệu nhạc lại có mười sáu thiếu nữ đẹp như tiên sa, trang phục
bay bướm như những cánh hạc ở đâu xuất hiện. Có khi từ hai bên cánh gà, có khi
dòng dây thả từ trên trời xuống... Những “nàng” chim hạc này vừa xuất hiện, lập
tức sắp thành hai hàng, múa lượn theo điệu nhạc cực kỳ điêu luyện, kết hợp với
ánh đèn mờ ảo làm cho không khí đêm nhạc đượm vẻ Bồng Lai, cung Quảng, khiến
người xem vỗ tay không ngớt. Nhiều kẻ phải lắc đầu lè lưỡi. Tất nhiên Việt
vương vô cùng hài lòng. Ngài luôn tay ban rượu thưởng cho các quan đứng hầu hai
bên, đặc biệt là Hư Tỉ và Lê Lết.
Tiếp đến danh sách 99 điệu nhạc hay do Lê Lết và Hư Tỉ đích
thân chủ trì việc chọn lựa được đọc trước công chúng. Đọc xong đem dâng lên Việt
vương. Việt vương không chần chừ cầm bút phượng phê ngay mấy lời vàng ngọc.
Khán giả và các quan vỗ tay rầm rĩ. Riêng Hư Tỉ và Lê Lết thì vừa mừng thầm
trong bụng, vừa không giấu nổi vẻ hãnh diện trên nét mặt.
Ngày hôm sau, Việt vương ra thiết triều, các quan tiến lên
dâng biểu chúc mừng. Người nào cũng hết lời ca ngợi những điệu nhạc mà Việt
vương nghe tối hôm qua. Rằng những điệu ấy còn hay hơn điệu nhạc mà vua nước Tấn
được nghe ngày trước. Ngay cả 16 con chim hạc cũng lộng lẫy chẳng kém gì... Bỗng
ở cuối hàng bên tả có một người bước ra, phủ phục xuống đất. Việt vương nhìn
xem ai thì ra một vị quan thuộc hàng bét phẩm họ Thân tên Cô. Thân Cô dập đầu
tâu:
“Thần càng nghe các quan ca ngợi thì càng lấy làm nguy cho đại
vương lắm. Họ chỉ nhắc lại việc vua nước Tấn ngày trước sướng tai vì nghe nhạc,
mà giấu nhẹm cái việc vua nước Tấn chết vì nghe nhạc. Nước Tấn chẳng bao lâu
sau đó cũng mất, khởi sự cũng từ cái việc nghe nhạc ấy. Nay thần xin liều chết
kể lại toàn bộ câu chuyện ấy ra đây. Cúi xin đại vương minh xét...” Tiếp đó,
Thân Cô liền kể lại câu chuyện của vua nước Tấn ngày trước (chuyện này về sau
có chép trong sách Đông Chu của Phùng Mộng Long tiên sinh. Nhân tiện
xin phép trích những chỗ cần thiết ra đây để thay cho lời kể của Thân Cô, tuy
cũng có sửa chữa chút đỉnh, mong tiên sinh thứ lỗi – chú thích của người
viết). Nội dung câu chuyện như sau:
“Vua nước Tấn là Tấn Bình công thích nghe âm nhạc. Thấy Sư
Khoáng - một nhạc sư được coi là bậc “thánh nhạc” đời bấy giờ nói đến điệu
“Thanh chủy”, đòi nghe. Sư Khoáng nói:
“Không nên. Ông vua có đức mới được nghe điệu ấy. Nay chúa
công bạc đức, nếu nghe tất có tai họa.”
Tấn Bình công cứ nằng nặc đòi nghe cho bằng được. Sư Khoáng bất
đắc dĩ phải cầm lấy đàn mà gảy. Gảy được một khúc, có một đàn chim hạc ở phương
nam bay đến, đậu trước cung môn, đếm cả thảy được tám đôi. Gảy khúc nữa thì
chim hạc bay xuống, đứng sắp hàng ở dưới thềm, mỗi bên tám con. Gảy thêm khúc nữa
thì chim hạc vỗ cánh mà múa, vươn cổ mà kêu, theo vần cung thương, tiếng vang đến
tận trời. Tấn Bình công vỗ tay mà khen. Các người đứng xem ai cũng lắc đầu lè
lưỡi.
”Âm nhạc mà đến như điệu Thanh chủy thì chắc không còn gì hơn nữa!”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh chủy tuy cũng thuộc hàng “thánh nhạc”. Song
còn chưa bằng điệu Thanh dốc.”
Tấn Bình công ngạc nhiên hỏi:
“Trên đời lại còn có điệu hay hơn điệu Thanh chủy nữa ư? Sao
nhà ngươi không cho ta nghe nốt?”
Sư Khoáng nói:
“Điệu Thanh dốc không như điệu Thanh chủy, tôi không dám gảy.
Ngày xưa vua Hoàng Đế đến hội các thần ở núi Thái Sơn, rồi làm ra điệu Thanh dốc.
Các vua sau này càng đời sau càng bạc đức, không sai khiến được các thần, vậy
nên thần và người cách biệt nhau. Nếu bây giờ gảy khúc ấy, ngộ nhỡ các thần lại
hiện xuống cả thì làm thế nào?
Tấn Bình công bảo:
“Các thần hiện xuống thì càng vinh dự cho nước Tấn ta chứ
sao?”
Sư Khoáng nói:
“Kẻ ngu này không cho là thế. Nội nghe một điệu “Thanh chủy”
kia cũng đã đủ gây tai vạ cho chúa công rồi. Nay chúa công lại còn đòi nghe điệu
“Thanh dốc” nữa thì nguy đến cả nước Tấn chứ chả phải chuyện chơi...”
Tấn Bình công không tin, cứ cố ép mãi. Sư Khoáng bất đắc dĩ lại
phải ôm đàn mà gảy. Mới gảy được một khúc, có đám mây đen ở phương tây hiện
lên. Gảy khúc nữa, bỗng nổi một cơn dông, ngói trên nóc điện bay tung lên, cột
hiên gãy hết, lại thấy có tiếng sét dậy trời, rồi thì mưa như trút nước... Tấn
Bình công sợ hãi, nằm phục vào một nơi. Mãi đến khi mưa gió tạm yên, nội thị mới
dám chạy lên vực Tấn Bình công từ trên đài xuống...
Sau hôm ấy, Tấn Bình công quả nhiên lâm bệnh nặng. Vài tháng
thì chết. Nước Tấn từ đó càng ngày càng nát, chẳng bao lâu cũng mất...”
Việt vương nghe Thân Cô kể đến đây thì hoảng hốt rụng rời, ngồi
chết lặng đi hồi lâu. Sực nhớ lại câu chuyện suýt chết đuối ngày trước, Việt
vương biết mình cũng thuộc hạng bạc đức. Nay trót tin lời lũ nịnh hót mà say
sưa đi nghe âm nhạc như thế. Không khéo cũng gặp phải tai vạ như Tấn Bình công
thì uổng cả công gây dựng sự nghiệp. Càng nghĩ, Việt vương càng lo sợ, đến nỗi
tâm thần bấn loạn, luống cuống không biết nên phải làm thế nào bây giờ? Vừa lúc
ấy, cuối hàng bên hữu lại có một người khác bước ra. Mọi người nhìn xem thì là
một viên quan cũng thuộc hàng bét phẩm tên là Thế Cô. Thế Cô tâu:
“Câu chuyện mà ngài Thân Cô đây vừa kể quả không sai. Thần
cũng đã từng được nghe việc ấy. Song trên đời còn có một bậc Thánh nhân là Khổng
Tử, hiện đang ở nước Lỗ. Sao đại vương không sai người sang cầu khẩn Ngài, để
Ngài chỉ cho cách về mà tạ lỗi các thần. May ra thì tránh được tai vạ.”
Việt vương nghe nói, tức thì mừng rỡ như bắt được của, bao
nhiêu lo sợ tạm thời lui qua một bên. Lập tức sai ngay Thế Cô tìm đường đi gấp
sang nước Lỗ, đem theo lễ vật đến cầu kiến Khổng Tử.
Thế Cô tới nước Lỗ, tìm đến xin ra mắt Khổng Tử. Gặp lúc Khổng
Tử đang đóng cửa san định kinh sách. Ngài dặn các học trò không tiếp bất cứ người
nào. Thế Cô thấy vậy giật mình hoảng hốt, nghĩ lo cho vua Việt quá. Sợ chờ lâu
sẽ không kịp. Bèn học theo cách của Thân Bao Tư nước Sở ngày trước, cứ đứng
ngoài cửa Khổng gào khóc suốt đêm. Quả nhiên Khổng Tử phải sai học trò ra mở cổng
cho vào. Thế Cô đem lễ vật trình lên rồi quỳ xuống tâu:
“Đại vương tôi biết mình bạc đức. Song tiết Nguyên tiêu vừa rồi,
trót theo lời bọn lưu manh cơ hội, cùng với lũ con buôn xu nịnh mà đi nghe nhạc
ở sân nhà Thái miếu. Khi trở về mới sực nhớ lại câu chuyện của Tấn Bình công
ngày trước. Từ đó rất lấy làm lo sợ. Vậy nên sai tôi đến đây hỏi Phu Tử xem có
cách gì để tạ lỗi các thần?”
Khổng Tử nghe Thế Cô nói xong, quay sang bảo các học trò:
“Các ngươi đã từng nghe nói ở nước Việt bây giờ, có điệu nhạc
nào bằng điệu “Thanh dốc” ngày xưa hay không?”
Rồi quay lại phía Thế Cô, Ngài điềm nhiên trả lời:
“Kẻ bạc đức chỉ không nên nghe “thánh nhạc” mà
thôi. Nay vua nước Việt tuy cũng thuộc hạng bạc đức, song những thứ nhạc ấy đều
do bọn “bạc nhạc” làm ra cả. “Bạc đức” mà nghe “bạc nhạc” thì
có gì phải lo ngại. Về bảo vua nước Việt chả cần phải sợ hãi, cứ việc gối cao đầu
mà hưởng phú quý.”
Lời bàn của Lê Anh Hoài:
Câu chuyện trùng trùng lớp lang và cuốn hút ở hàng loạt chi
tiết và đối thoại.
Luận anh hùng thì cổ thư đã làm nhiều, nhưng đa phần dưới giọng
anh hùng ca. Ở đây, Tân thư “luận” bằng cách cho ra một hoạt cảnh rất
động giữa Mạt Tử với ông lão, rồi dùng dằng với vợ... Vác trên vai một ông vua
con, đáng bỏ sông hay đáng cứu về để trên bàn thờ? Cái “lập trường” phân vân giữa
đức dày - đức mỏng, vinh - nhục, công - tội... của người dân trước một nhân vật
thật khó lắm thay. Mới biết, lòng dân thì vẫn canh cánh “vì cái oai danh của
nước Việt”, nhưng bao dung cho vua ấy chứng tỏ người dân nước Việt xưa đức đã sớm...
bạc.
Còn màn dâng nhạc cho ông vua bạc đức, phảng phất như chuyện
vừa mới đây thôi. Những kẻ xu phụ, phải đâu thuộc loại “nhân bất học”. Cũng biết
không ra gì, nhưng vẫn biết nói “Lập ư lễ, hưng ư thi, thành ư nhạc”, biết
chim hạc không đến, vẫn biết dùng gái tạo hình hạc làm vui lòng người trên...
Ấy vậy nên câu: “bạc đức” nghe “bạc nhạc” thì có gì phải
lo ngại” hạ đúng chỗ, gây sướng! Sướng nhất là chữ “bạc nhạc”, nó đa
nghĩa mà nghĩa nào cũng sâu sâu (xin lỗi Phạm Lưu Vũ tiên sinh), đểu đểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét