Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Bài ca cuộc sống

Bài ca cuộc sống
(Kính tặng người em gái vô danh)
Như một con chim non vừa rời tổ, em tung tăng bước trên con đường quen thuộc. Trời hôm nay trong xanh quá, dịu dàng và bao la như lòng Mẹ. Nhưng con đường không dành chỗ cho em. Lũ trẻ con vừa phát hiện ra em. Chúng la lối, hò hét ầm ĩ:
- Ê! quỉ sứ hiện hình chúng mày ơi...
- Che mặt lại, cút ngay về nhà đi - Ôi! Ghê rợn quá...
Những thằng con trai một tay bưng mắt, một tay xua đuổi lia lịa. Có thằng nhặt đá ném, có thằng chạy đi bẻ cành cây. Mấy đứa con gái co rúm người lại, có đứa suýt ngất xỉu, ngã lăn ra đất.
Em đưa tay sờ lên mặt. Đôi mắt trợn trừng, lồi hẳn như hai con ốc, hai bên mi mắt dãn nhau ra, không bao giờ còn nhắm lại được nữa. Chiếc cắm xệ xuống giữa ngực, kéo theo cái miệng chảy dài, lởm chởm những răng, thịt đỏ lòm. Cả khuôn mặt em là một vết sẹo, sẹo chằng chịt, không dấu vết một khuôn mặt con người. 
Em hoảng hốt đưa hai bàn tay cũng chằng chịt sẹo bưng lấy mặt, quay đầu chạy vội về nhà. Túp lều hoang xiêu vẹo dúi dó ở góc mảnh vườn hẹp vừa bằng manh chiếu. Em rú lên, ngã nhào vào lòng mẹ.
Người mẹ ôm con vào lòng, bàn tay run rẩy kéo hai mi mắt cho em chớp, chớp, nâng cằm lên cho em bật ra tiếng khóc của con người. Không cần phải hỏi, bà hiểu ra tất cả.
Cách đây không lâu, trận hỏa hoạn đã xảy ra nơi đây. Ngọn lửa đã tàn phá một khuôn mặt thiên thần.
Rồi sau đấy cũng không lâu, thằng con trai của ông ấy đăng quang, lên thay chức của ông bố để lại.
Ông ấy đã từng là ân nhân, là cứu tinh của mẹ con người đàn bà góa. Em bấy giờ lên ba, bụ bẫm và xinh đẹp như bao bé gái khác. Ông có chức có quyền, ông quan tâm đến chúng sinh... mẹ con em có gì là ngoại lệ. Người đàn bà góa còn đầy xuân sắc và đứa trẻ mồ côi cần nơi dựa dẫm. Ông đã tới đúng lúc và quả là chỗ dựa một thời. Với quyền hạn rộng lớn của mình, ông cấp cho mẹ con em cả một mảnh vườn rộng, có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hẳn hoi. Lúc ấy, hẳn ông cũng không ngờ có ngày...
Giá đất leo thang khiến con người tối tăm mặt mũi. Đất với vàng đã hát bản đồng ca, chúng trộn lẫn vào nhau, mắt thường không làm sao phân biệt. Chúng nắm tay nhau, dắt nhau lên ngôi tối thượng, bắt lòng tham phải làm nô lệ đời đời. Mẹ con người đàn bà góa đã trở nên vô vị, thấp hèn và yếu đuối kia làm sao tự nhiên lại có vàng một cách đơn giản thế.
Đơn giản là lúc ấy ông cho, bây giờ ông lấy lại. Mảnh vườn được ông chia nhỏ ra, biến thành hàng đống vàng chui vào túi ông. Mẹ con em bị dồn tới cái góc cuối cùng của miếng đất trời không cho không, manh chiếu đời không bán thiếu ấy.
Giặt giũ và lau nhà thuê, mài hai bàn tay chai sạn trên nền nhà của hết gia đình này đến gia đình khác, người mẹ góa đã hết thời vẫn lầm lũi nuôi em. Em càng lớn càng xinh đẹp thiên thần.
Rồi một buổi chiều, thằng con trai ông ấy mò đến. Nó lớn tiếng tố cáo người mẹ tội nghiệp của em:
- Mẹ mày ngày xưa quyến rũ bố tao, lợi dụng bố tao để có tiền, có vườn. May mà mẹ tao vì danh dự, uy tín của bố tao nên làm ngơ. Mày lớn được như ngày hôm nay chính là nhờ tiền của bố tao. Còn miếng đất này, túp lều này, không "cẩn thận" sau này lên thay bố tao, tao thu hồi nốt...
Em non nớt đã hiểu thế nào là quyến rũ. Chỉ đơn giản cảm nhận mình sắp gặp nguy, thứ cảm nhận của một con cừu non đứng trước loài ăn thịt. Nhưng chỉ đến thế mà thôi, trời không chuẩn bị cho em khả năng tự vệ. Thằng con trai kia không cần dọa dẫm nữa. Nó lao vào em với một sự thèm khát điên cuồng. 
Nó ngấu nghiến em bằng những động tác không cần úp mở, nó cưỡng hiếp em với một sự thành thạo di truyền...
Em úp mặt xuống nền đất nghẹn ngào, tủi nhục và đau đớn. Thằng con trai đã thỏa mãn, con thú đã no nê. Nó đứng lên cài khuy quần. Sự tỉnh táo, khôn ngoan của nó đã kịp thời trở lại. Nó mơ hồ lo lắng đến cái tương lai xán lạn con ông cháu cha của nó. Em có đủ can đảm tố cáo nó không? Biết đâu đấy. Dân bây giờ đang được luật pháp bảo vệ cơ mà. Đường công danh của nó mới là điều quan trọng, quan trọng gấp nghìn lần số phận bèo bọt như em. Nó bỏ em nằm đấy, chui ra khỏi túp lều, rút từ trong túi ra chiếc quẹt ga. Không một chút ngần ngừ, nó đưa tay lên, dí chiếc quẹt ga vào mái rạ...
Người mẹ lôi em ra từ trong đám cháy...
Gã là một kẻ vứt đi, một thứ rác rưởi mà bất cứ ai cũng đều ghê tởm. Cái thứ bột trắng hồng mà người ta quen gọi là ma tuý đã huỷ hoại đời gã, biến gã thành thân tàn ma dại. Cũng từng có những lời khuyên răn, những giọt nước mắt của người thân. Cũng từng ba bốn lần ra vào trung tâm cai nghiện... Mặc. Thứ ma quỷ ẩn trong cái chất bột vô hồn ấy quyết không buông tha gã. Gia đình đành dứt bỏ, xã hội đành bó tay. Gã lay lắt kiếp sống thừa ở mọi nơi cống rãnh, đâm đầu vào bất cứ việc gì miễn là có chút bột trắng cầm cơn...
Thế mà hôm nay gã đứng kia, hồng hào và khoẻ mạnh. Gã đã đoạn tuyệt với quá khứ, đã trở lại làm người tử tế, có ích cho đời...
Trung tâm cai nghiện ma tuý, nơi gã rời bỏ lần cuối cùng nhận về mình công lao ấy. Quả là một thành tựu tuyệt vời. Vị giám đốc trung tâm, người đã mang gã đến đây đang ngồi trên hàng ghế danh dự. Gã là một bằng chứng bằng xương bằng thịt cho những biện pháp tuyệt vời của ông, gã chứng minh giá trị của các công trình nghiên cứu, gã là kết quả sự quan tâm của xã hội, sự nhân ái của con người...
Cả hội trường đang nghe gã kể lại cuộc đời mình. Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất. Trong một phút tỉnh táo hiếm hoi, gã đã gặp ân nhân, có người đã giúp gã thoát ra khỏi con đường nghiện ngập, giúp gã quyết tâm làm lại cuộc đời... Mọi người dồn ánh mắt về phía vị giám đốc. Tự dưng ông ưỡn ngực, ngẩng cao đầu. Suốt những năm làm công việc được xã hội phân công là dọn dẹp rác rưởi cho cuộc đời này, chưa bao giờ ông cảm thấy vinh dự đến thế.
Mọi người nín thở chờ gã nói ra tên tuổi người ân nhân ấy. Chẳng ông ta thì ai vào đây?... Gã im lặng một phút rồi đưa tay vào trong ngực áo, rút ra một cuộn giấy. Gã từ từ mở cuộn giấy ra, đặt nó lên trước ngực.Tất cả chợt ồ lên một tiếng rồi bất chợt lặng đi... Trước mắt mọi người là một tên tuổi lẫy lừng? Không! Một câu nói bất hủ? Không! Một bức tranh? Cũng không. Đó là một bức chân dung. Chân dung... em đấy.
Sau khoảnh khắc sững sờ, khi đã nhìn rõ đấy là ảnh của em, tất cả dường như hoảng sợ. Không ai bảo ai, ngàn cặp mắt bất ngờ... cúi gằm xuống, không ai đủ can đảm nhìn tiếp bức chân dung. Khủng khiếp quá. Có người yếu bóng vía phải bíu lấy người bên cạnh cho khỏi bị ngã nhào. Hội trường lặng ngắt một không khí hoảng hốt như địa ngục vừa ập xuống nơi đây. Họ không dám nhìn bức ảnh của em. Nhưng tai họ bắt đầu nghe giọng kể của gã...
Gã tình cờ bắt gặp hình ảnh của em trên một trang báo cũ vứt lăn lóc vỉa hè. Người ta viết về em, về nỗi bất hạnh của em, và nhất là em đang... sống!
"Chẳng có thằng đếch nào lại quan tâm đến một kẻ như tôi lúc ấy. - Giọng nói của gã, cái giọng vỉa hè đã ngấm sâu vào máu - Lột con mẹ nó cái mặt nạ giả dối đi, cuộc đời này đầy những lưu manh, trong đó có các người, có những thằng như tôi, những quân kẻ cướp, những kẻ giết người... Nhưng không có khuôn mặt thiên thần kiêm quỷ sứ này (gã trỏ vào bức chân dung)”. - Giọng gã có vẻ xúc động mạnh. Không ai cảm thấy tức giận vì cái kiểu nói thiếu văn hoá ấy, có lẽ tại bức chân dung, vả lại mọi người còn đang mải cúi đầu. - “Giữa chập chờn cõi mê, tỉnh ấy, - gã tiếp tục, giọng đã chùng xuống - tôi nhìn thấy bức ảnh này. Bức ảnh cũng làm tôi hoảng sợ như các người đang hoảng sợ đây. Một kẻ sống một thứ kiếp người không khác gì kiếp chó như tôi, mà lúc ấy vẫn còn biết hoảng sợ. Nhưng khi đọc những dòng chữ, được biết thiên thần mang khuôn mặt quỉ sứ trong bức ảnh này đang cố sống ở một nơi nào đó.
Các người có biết trong tôi bất ngờ nhận ra một cảm giác gì không? Thương xót ư? Không phải. Cảm phục ư? Cũng không. (gã buột miệng thốt ra tiếng chửi thề) Con mẹ nó! Đó chính là lòng biết ơn! Biết ơn! Hiểu chưa? Tôi chắc rằng bất cứ đồng loại nào, khi biết nỗi bất hạnh này đang cố nghiến răng mà sống, thì thằng chó nào cũng cần phải biết... biết ơn như tôi lúc ấy..."
Gã biết ơn em? đồng loại cần phải biết ơn em chính vì em đang sống? Đang cố "nghiến răng" mà sống, sống với bộ mặt của ma quỷ để viết thành bài ca cuộc sống, để chứng tỏ rằng cuộc sống này đáng phải sống biết bao... Và đó chính là lý do khiến gã quyết làm lại cuộc đời?...
Giọng gã đã im bặt từ lâu. Khi mọi người ngẩng mặt lên thì gã đã không còn ở chỗ cũ nữa. Cả bức chân dung của em cũng biến mất, để lại một khoảng trống trên diễn đàn. Nhưng nỗi kinh hoàng thì vẫn còn đọng lại. Có người vẫn không dám nhìn vào cái khoảng trống ấy. Vẫn là sự im lặng đến ghê người.
Bất ngờ có tiếng vỗ tay. Một kẻ trên hàng ghế dành cho các quan khách chợt nhận ra kết quả một tội ác mình đã từng thực hiện. Hắn là ai vậy? Thằng con trai "ông ấy", kẻ đã cưỡng hiếp em bằng cái khả năng “di truyền” ngày đó chăng? Không biết có phải nó không, bởi đâu chỉ có mình nó trên đời.
Có ai ngờ tội ác lại "có hậu" đến mức ấy. Ha! Ha!... Tội ác lại “có hậu” đến mức có thể "cứu rỗi" con người, biến một kẻ đã tự vứt mình đi trở lại làm người tử tế... Nhưng cái khoảng trống khủng khiếp thì vẫn hiện diện sờ sờ, như thách thức lòng xấu hổ của ai đó. Kết thúc đi thôi. Chuyện của gã nghiện trở lại làm người cần phải được kết thúc. Và không có cách kết thúc nào hoàn hảo hơn một tràng vỗ tay. Kẻ nghĩ ra đầu tiên đưa hay tay lên vỗ vào nhau. Quả nhiên sau tiếng vỗ tay đột ngột ấy, tất cả dường như bừng tỉnh. Cả hội trường trào lên một tràng vỗ tay, vỗ tay vang dội...
Người ta lần lượt rời khỏi hội trường. Song cái khoảng trống vẫn còn nguyên chỗ cũ. Không ai dám nhìn vào đã đành, người ta còn đi vòng lối khác, cố gắng tránh càng xa càng tốt.
Em có nghe được tiếng hoan hô rào rào ấy?. Không ai dạy em có suy nghĩ văn hoa hơn được, dù em mãi mãi vẫn là thiên thần: "Chao ôi, sao mà chó má đến thế". Người ta vỗ tay vì cái gì? Vì em ư? Hay là vì câu chuyện của gã cảm động đến lòng người? Biết đâu được. Có khi chỉ vì cần phải vỗ tay mỗi khi kết thúc một bài diễn văn! Bởi nơi đây chuyên diễn ra những hội nghị của con người.
Phạm Lưu Vũ
Theo http://www.vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư gửi người làng từ giữa "Mép xanh"

Thư gửi người làng từ giữa "Mép xanh"* Người làng ạ! Người làng đã bao giờ nghe tiếng gà trưa? Người làng đã khi nào nghe tiếng ...