Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2017

Người từng gặp... cảnh chùa

Người từng gặp... cảnh chùa!
Dạo này hay nghĩ về quá vãng, nhớ về những điều đã từng xảy ra một cách mơ hồ, nhớ nhớ quên quên, nhưng nếu không viết ra thì những hoài niệm sẽ như những thước phim đen trắng nhập nhọe, cảm giác không quan trọng mà có thời điểm lại tự nhiên lởn vởn, rè lên đâu đó trong cái CPU cần phải được giải phóng và sắp xếp gọn gàng. Thỉnh thoảng viết lưu lại vài điều trước khi ta cằn cỗi đi và ta quên đi mất...
Thỉnh thoảng ta sẽ nhớ đâu viết đó - những gì có thể viết được cho thế gian xem và cho chính ta lưu, để không vào lãng quên...Và có những điều sẽ không bao giờ được viết ra và không cần phải viết ra, vì bản thân chúng đã đi vào cuộc đời ta mà không thể nào bôi xoá hay lãng quên đi được...
....Người từng gặp (1)
....Cảnh chùa!
Hồi thời gian học cấp 3, nhà tôi ở gần một cái chùa, đẹp lắm. Giờ nghĩ lại chắc cũng khá đẹp thôi, nhưng hồi đó rõ ràng là đẹp. Chùa xây kiên cố, lát đá hoa, xung quanh có ghế đá, có cây, thơm ngát mùi hoa và rất là thoáng mát, yên tĩnh. Cô bé tôi thích lắm, rất hay ôm cặp vở sang lê lết ở chùa, để học bài và có khi chỉ là để trốn nhà, trốn những phiền não dai dẳng, nhọc lòng của cái kiểu tuổi thơ mà "thượng vàng hạ cám" gì cũng phải chứng kiến. Có khi tôi vào lạy Phật, xong ngồi tựa vào những cột đá to mát lạnh của sảnh lớn trong chùa mà ngắm những bức tường được vẽ hình rất đẹp về chư Phật, được viết lên những lời răn dạy mà tôi câu hiểu câu không nhưng thấy thích thú lạ thường. Có khi tôi trải tập vở ra hành lang, bò ra mà làm bài, đến khi học xong, làm xong thì lại thu xếp ra về như rời khỏi cái góc tự học nho nhỏ quen thuộc của mình. Cũng có khi tôi vào chùa chỉ để được ngồi ghế đá, được cảm nhận không gian yên tĩnh, mát mẻ, ngát mùi hoa, và suy nghĩ linh tinh những câu chuyện không đầu không cuối của mình... Trong chùa chỉ lanh quanh vài vị sư già rất ít khi xuất hiện và một số chú tiểu bé con sống trong chùa từ bé... Chẳng ai xua đuổi hay dò xét gì tôi. Chắc họ cũng thấy rằng một cô bé ôm cặp vào chùa học bài cũng không có gì đáng hỏi đến...
Tôi cứ qua chùa chơi và học bài như thế, cho đến một ngày nọ, trong chùa tự nhiên ở đâu xuất hiện một nhà thơ, hay chính xác hơn là một vị sư. Nhà sư mà lại làm thơ, mà làm thơ lại hay và được xuất bản đàng hoàng, thế có lạ không cơ chứ. Thầy là một nhà sư rất trẻ, chắc chỉ khoảng hơn tuổi anh Hai tôi, lúc đó có khuôn mặt rất thanh tú, đẹp trai với sống mũi cao và khuôn mặt khá gầy gò, nhưng ở gương mặt làm cho người ta nhớ nhất đó chính là đôi mắt. Đó là một đôi mắt đẹp như mắt con gái với ánh nhìn rất sâu, đen láy và phảng phất nét cương nghị.
Vô tình gặp tôi trong chùa, thầy cũng hỏi qua về gia đình, và ngạc nhiên là cũng quen biết anh tôi mà ko hề biết tôi trước đó. Thầy cho tôi xem tập thơ "Ngừơi đẹp" mới được xuất bản của thầy - do Hoàng Phủ Ngọc Tường đề tựa. Lạ quá, nhà sư mà lại biết làm thơ, thơ tình hẳn hoi, với những câu thơ khá đẹp và trong trẻo, có bài man mác buồn, có bài viết về thiên nhiên và suy tư về cuộc sống...
"Em làm cho đất thêm xinh
Cho cây nẩy lộc, cho tình nở hoa
Em từ cổ họa bước ra
Em người duy nhất làm ta ngập ngừng"
"...Em chở hoa tươi trong nắng ngời
Ong bướm ngập ngừng bay không nổi
Xuân này anh chới với em ơi"
"...Xuân là xuân của trời
Hoa là hoa của mẹ
Em là em của tôi
Trăng là trăng của Đời"....
"...Nhớ khi trời chiều lên nắng
Ta dìu bước em đi
Qua từng con phố nhỏ
Nay trở về xóm cũ
Nhớ những buổi chiều đầy hoàng hôn
Nắng vàng lên thôn xóm
Ta yêu em như nắng vương thềm..." 

v.v...

Thơ khá nhiều nhưng giờ tôi không còn nhớ rõ, tập thơ được tặng tôi cũng đánh mất tự bao giờ...Thầy tính tình lúc đó trầm lặng, thế nhưng không hiểu sao lại rất hay bắt chuyện với tôi, hỏi tôi nhận xét, cảm nhận về những bài thơ mới của thầy, và tỉ mỉ tâm sự về cách cảm nhận cuộc đời, về những câu chuyện nghệ thuật... Thầy chơi guitar rất giỏi, biết sáng tác nhạc và mỗi lúc tôi qua, thầy lại mang guitar ra đánh cho tôi nghe một vài bài hát mới. Tôi không rành nhạc lý lắm nhưng thi thoảng cũng nhận xét bài nọ bài kia nó hay nó dở chỗ nào, chỗ nào tôi thấy thích và không thích, thơ cũng vậy... Có lúc tôi cũng thắc mắc, là thầy là thầy tu mà làm nhiều thơ tình thế thì có vi phạm luật lệ gì của nhà chùa không, và có gây ảnh hưởng gì đến sự tĩnh tâm không. Thầy trả lời chung chung là cái Đẹp là cái chẳng ai cấm ngợi ca, và thơ tình của thầy là "thơ chỉ để mà thơ" chứ không tục lụy. Và lúc đó cho tới bây giờ, tôi cũng hoàn toàn tin là vậy.
Có điều, tôi hơi ngại là tại sao tôi luôn gọi thầy là "thầy" và luôn xưng "con", nhưng thầy thì chỉ gọi tôi bằng tên và thường xuyên nhầm lẫn xưng tên với tôi nữa. Chắc hay nói chuyện rồi coi tôi là bạn chăng? Nhưng điều đó chưa làm tôi bối rối bằng chuyện càng ngày thầy càng tỏ ra quyến luyến tôi và quý mến tôi quá mức. Lâu tôi bận không qua chùa là khi sang, thầy tự nhiên vui mừng quá trớn và bắt đầu tỏ ra hơi kỳ lạ. Thầy bảo rằng thỉnh thoảng có những bóng hồng trong đời tự nhiên lướt qua, và thầy cảm thấy yêu một tình yêu không tục luỵ, và chỉ để làm thơ, và "Chi cũng là một điều như vậy", và dường như có lúc thầy định chạm tay tôi, nếu tôi ko giật mình rụt lại và xin phép ra về thì...
Và đột nhiên tôi thấy sợ, đột nhiên tôi thấy không còn tự nhiên được nữa. Cô bé tôi lúc đó đột nhiên ý thức rằng hình như mình cũng đã lớn rồi, và vào chùa, gặp một vị sư biết đánh đàn, đọc thơ tự nhiên trở nên... kỳ cục. Và tự nhiên tôi cảm thấy ghét thầy! Tôi mơ hồ nhận thấy một cái gì đó rất đẹp và rất trong sáng mà tôi tin đã trở nên không còn đẹp và đáng tin như vậy nữa...
Từ đó tôi tránh mặt, tôi bỏ hẳn thói quen qua chùa, tôi tự học ở nhà. Có lúc anh tôi báo rằng thầy qua nhà có hỏi tôi, nhưng tôi luôn dặn anh rằng hãy nói là tôi đi vắng...
Cứ như thế rồi tôi vào Đại học, cứ như thế rồi tôi lấy chồng, rồi đi học xa, rồi về nước... Trong suốt quá trình đó, anh Hai bảo với tôi rằng thầy vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm, biết tình hình về tôi. Thầy giờ đã chuyển lên Bảo Lộc - Lâm Đồng sống trong một cái am, hay cái chùa nhỏ gì đó, tự trồng lương thực để ăn, và vẫn làm thơ, viết nhạc. Một đôi lần thầy xuất bản tập thơ mới, ra CD ca khúc mới là lại liên lạc với tôi để tặng. Có lúc mời tôi một bữa cơm chay, thực sự như những người bạn gặp lâu ngày. Thời gian và cuộc sống đã khiến thầy trông có vẻ mệt mỏi hơn, trải nghiệm hơn và cũng...lập dị hơn... Lần cuối cùng tôi gặp thầy là lúc tôi đang mang thai Otto, bụng lúp xúp, thầy mời vợ chồng tôi gặp cafê, để nói về một dự định mới của thầy, đó là trồng một rừng sim, làm mật sim và xây dựng một khu sinh thái thiên nhiên ở Bảo Lộc, cho khách thập phương đến ngồi thiền và thưởng thức mật sim, trong đó sẽ làm một "vườn ca dao" bằng những tấm đá do chính tay thầy khắc ca dao Việt Nam lên... Trông thầy già và khắc khổ đi rất rất nhiều so với thời tôi còn là cô bé cấp 3. Thầy kể về những tháng ngày trồng sim vất vả, khiêng từng thùng nước lên đồi, từng tảng đá lên đồi, ngã trật chân một mình một bóng... Kể về những bài thơ mới về mẹ thiên nhiên và về tư tưởng tôn thờ tự nhiên...Thầy mời vợ chồng tôi sau này có dịp thì cả gia đình lên Bảo Lộc nghỉ ngơi ở khu sinh thái của thầy... Thầy bảo rằng tôi vừa mang thai trông lại đẹp hơn xưa, rằng chồng tôi nên chụp cho tôi một tấm hình kỷ niệm, giống như ngày xưa cha thầy đã chụp cho mẹ thầy một tấm hình lúc bà đang mang bầu, và sau này đó là tấm hình đẹp nhất... Chúng tôi vâng dạ, và cười, và chia tay ra về...Và đời cuốn tôi đi đến nỗi có lúc tôi suýt quên là tôi đã từng quen biết một người như thế...
Cho đến một ngày thầy lại gọi cho tôi để thông báo rằng tivi sắp chiếu về đồi sim của thầy. Tôi vâng dạ, bảo là sẽ xem, thế mà lại bận bịu rồi quên mất... Cái CD nhạc thầy tặng (mà thầy là tác giả của tất cả ca khúc trong đó), tôi và chồng tôi cũng chỉ thích nghe bài đầu tiên do chính thầy hát: "Trên những con đường xinh tươi nhất, có ta đi ca hát một mình, đồi cây xanh và rừng cây xanh, ôi những đồi cây xanh ôi những rừng cây xanh, tôi đứng lại để nghe chim hót...". Một giọng hát tự nhiên, ko cần thanh nhạc - hát 'bài hát cuộc đời", lại hay hơn tất cả những bài hát còn lại do toàn ca sĩ nổi tiếng như Quang Dũng, Thanh Ngọc, Thùy Dương, Tạ Minh Tâm...hát. Tôi cũng không hiểu tại sao thầy lại quen biết rất nhiều, có rất nhiều mối quan hệ với rất nhiều những văn nghệ sĩ nổi tiếng, và có lúc tôi bâng quơ cảm nhận được ở thầy cả những khía cạnh của tham vọng rất thực tế và rất "đời"... Và cũng không hiểu vì sao thầy hay nhớ đến tôi khi muốn hồn nhiên "khoe" một sản phẩm mới nào đó...
Và tôi cũng ko hiểu thế nào mà tôi lại rất hay quên. Có lẽ vì tâm hồn tôi đã bị cuộc sống làm cho cằn cỗi đi. Ngay cả những điều này, nếu tôi không viết ra thì chắc cũng có ngày tôi sẽ quên đi mất...
Và tôi hầu như chẳng liên lạc với thầy. Thỉnh thoảng có cuộc gọi nhỡ nhưng có lúc tôi cũng quên gọi lại... Hình như rằng tôi cảm nhận rằng, tôi đã không còn như cô bé học trò trong sáng ngày nào, tôi bắt đầu xa lạ với thế giới trong sạch và... kỳ dị của nghệ thụât. Nhưng tôi cũng xa lạ cả với những mơ hồ trần trụi thực tế của cuộc đời về chữ "danh"... Tôi bâng quơ cảm thấy những mâu thuẫn, nhưng không bao giờ cố hiểu hay phán xét... Nhịp đời cũng đã gõ khác ngày xưa... Vậy nên chúng ta hãy trân trọng kỷ niệm, nhưng chỉ nhìn về nó từ xa, thật xa... Có lẽ bởi vì cái gì cũng nên còn phải có những cái đẹp để mà dư âm...
10/11/2011
Diệp Phương Chi
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...