Từ vào thu đến nay
gió thu hiu hắt
sương thu lạnh
trăng thu bạch
khói thu xây thành
lá thu rơi rụng đầu ghềnh
sông thu đưa lá bao ngành biệt ly
(Tản Đà)
Vâng, mùa thu đang hiện diện đang lồng chúng ta trong khung cảnh
thu tuyệt vời với những gió cùng mưa thu, mây cùng trăng thu và những chiếc lá
thu ngập đường. Bạn hẳn có những lúc đắm mình bên sắc thu và thả hồn triền
miên? Xin mời bạn cùng tôi, chúng ta lần nhẹ bước vào thế giới mùa thu trong
nét thơ và nhạc, trong những tích thu muôn thuở, sống lại bên những phong tục
thu của đất nước để rồi cùng nhau hòa mình với mùa thu nơi Québec này
nhé.
Mùa thu trong thơ
Hình ảnh chiếc thuyền câu nhẹ lướt trên mặt ao một ngày vào
thu trong bài vịnh thu của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Tưởng không còn thú giải trí nào tao nhã và thanh cao bằng
mùa thu lướt thuyền câu cá vậy. Hình ảnh mùa thu với những chiếc lá vàng
cũng như hoa với mùa xuân, cỏ xanh mùa hè và mùa đông với tuyết trắng.
Tản Đà nhìn mùa thu lá vàng bay với một niềm luyến nhớ người
tình xưa:
Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá bao thu vắng
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng
Thúc Gia Thị nhìn lá vàng trên cây mà chạnh tưởng tới tuổi
già:
Nhuốm hạt sương thu đã úa màu
Cây bủa lá vàng, người tóc bạc
Ừ cây với lão ngó nhìn nhau
Nhưng cây nó ngộ hơn mình
Rụng lá vàng rồi trổ lá xanh
Tóc bạc mình đây thêm bạc mãi
Bạc sao cho mãn kiếp phù sanh
Lưu Trọng Lư của Tiếng Thu êm ái, những xao động của lá vàng,
thầm hỏi người em yêu dấu:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Nếu mùa thu xưa ghi nhận những kỷ niệm, thì nay mỗi độ thu về
chỉ làm cho lòng người thêm luyến nhớ. Chế Lan Viên ngỡ ngàng vì mùa thu trở lại
Chao ôi! Thu đã đến rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào!
Mới độ nào đây, hoa rạng rỡ
Nắng hồng choàng ấp dãy bàng cao
Và trong mùa xuân luyến mùa thu
Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng
Với của hoa tươi muôn cánh rã
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!
Rồi T.T.Kh sợ vì mùa thu đến gợi kỷ niệm:
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò
Nét thu trong thơ Xuân Diệu bàng bạc hình ảnh màu không gian
lẫn màu tưởng nhớ:
Hàng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới- mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Gẩy đàn trong một đêm trăng thu, Nguyệt cầm gợi nhớ gì chăng?
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi!
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người
Trong vườn thơ thu của Đinh Hùng thấp thoáng cuộc tình mộng lẫn
trong mây, nắng, gió cùng lá thu:
Hôm nay mới thực bắt đầu vào thu
Chiều xanh nắng bóng mây xưa
Mấy năm trước đã viễn du trở về
Rung lòng dưới bước em đi
Lá vàng lại gợi phân ly mất rồi…
Ai về xa mãi cô thôn?
Mùa thu hai tâm hồn tìm đến nhau, kể cho nhau nghe những câu
chuyện lòng:
Em đến thăm tôi nắng đã chiều
Hai lòng nghe rõ ý đìu hiu
Vàng thu sắp sửa làm thương nhớ
Lời nói ai trầm đến tịch liêu…
Chiều nay nắng đọng hàng mi biếc
Tôi nghĩ trong lòng: em cũng yêu
Tìm nhau trong hơi thở của cuộc đời người ơi!:
Bên này là thu
Bên ấy là thơ
Tôi ra đón gió
Xin em hãy chờ
Gió ở bên nào?
Gió nhủ làm sao?
Em ra cửa nhỏ
Trông nắng hoa đào
Rước em sang nhà
Trời thu bao la
Mùa thu niên thiếu
Có nắng thướt tha
Và mây yểu điệu
Làm dáng xa xa
Tình yêu đến nhẹ nhàng như mây:
Từ giã hoàng hôn trong mắt em
Tôi đi tìm những phố không đèn
Gió mùa thu sớm bao dư vị
Của chút hương thầm kia mới quen
Và yêu nhau suốt mùa thu
Lá đỏ rơi trong rừng cũ
Thu về hai lòng còn yêu
Đường tình trải một làn rêu
Ngơ ngẩn hồn chiều tư lự
Rồi mùa thu tan, gió trở buốt, Đường Vào Tình Sử thi sĩ có
mang gì chăng?:
Thu hết rồi đây thu sắp hết
Sóng vàng đổi gió đìu hiu cũ
Bụi cuốn râu xanh, bãi cát hồng
Tình yêu đi, như mây trôi, anh mang gì?
Một linh hồn chết ư?
Một linh hồn chết ư?
Em không nghe mùa thu hết
Em không xem nắng thu tàn
Trời ơi! Giọt lệ này tan
Là lúc linh hồn anh chết
Cuối thu, kết thúc cuộc tình đẹp và bi thương. Phải chăng là
tình mộng ảo?
Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu
Để rồi…
Em hãy cười lên vang cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm
Mùa thu trong nhạc
Bước vào mùa thu trong nhạc của chúng ta. Mùa thu với những
chiếc lá vàng ngập đường gây xao xuyến chàng nghệ sĩ đang ru hồn trong tình yêu
và đưa chúng ta vào nét nhạc dập dìu của Thu Vàng:
“Mùa thu vàng tới,
là mùa lá vàng rơi.
Và lá vàng rơi khi
tình thu vừa khơi.
Nhặt lá vàng rơi xem màu lá còn tươi,
nghe chừng như đây màu
tê tái”
Chàng dạo bước một mình trên đường chiều, lòng nhủ lòng
thương
“Một mình đi lang thang trên đường.
Buồn vương vấn và nhớ
bâng khuâng.
Lòng xa xôi và sầu mênh mông.
Có nghe lá vàng não nề rơi
không?”
Rồi cách mạng tháng tám với máu xương tơi bời đầy mùa thu, với
Cung Tiến giờ đây chỉ còn lại Hương Xưa. Lòng ao ước tìm lại dư âm của mùa thu
thanh bình năm nào:
“Người ơi!
Chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi.
Người ơi!
Chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi”
Nếu mùa thu của Cung Tiến mang sắc lá vàng thì với Đoàn Chuẩn
và Từ Linh thu còn mang sắc thắm tươi của đất trời xanh lơ, của đàn bướm đùa
vui bên những bông hồng. Mùa thu quyến rũ chàng nghệ sĩ dạo cung đàn khi chiều
xuống:
“Anh mong chờ mùa thu.
dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai.
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay.
Mùa thu quyến rũ anh rồi!”
Người nghệ sĩ nhìn cảnh sắc thu qua lăng kính tình yêu. Thu
quyến rũ anh khi có em! Hình ảnh đẹp của mùa thu năm xưa đâu còn nữa:
“Thu nay vì đâu nhớ nhiều?
Thu nay vì đâu tiếc nhiều?
Đêm đêm
nhìn cây trút lá.
Lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về”
Thu vắng em chỉ như lá đổ muôn chiều và:
“Lá đổ muôn chiều, ôi! lá úa.
Phải chăng là nước mắt người
yêu?”
Vâng, lá vàng bay ví bằng tình anh và em vậy:
“Thôi thế từ đây như lá vàng bay tình lỡ rồi!
Cầm bằng như
không biết mà thôi!”
Lá vàng đã được nhạc sĩ tình yêu hóa. Nói theo nghĩa thực vật
học thì khi chiếc lá không còn mang sắc diệp lục và cũng chẳng còn gắn với cành
cây nữa, nhựa nguyên cùng nhựa luyện đã hết lưu thông thì thân xác lá với những
đường gân đây và hồn lá là tình yêu này vậy!.
Sang vườn nhạc thu của Đặng Thế Phong, tất cả bao
trùm trăng, gió cùng mưa thu. Hình ảnh mùa thu với những đêm trăng sáng, với
làn gió thu hiu hắt lung linh huyền ảo trong Đêm Thu:
“Qua lá cành ánh trăng lan dịu dàng.
Ru hồn bao nhớ nhung.
Đêm lắng buồn tiếng thu như thì thầm.
Trong hàng cây trầm mơ.
Làn gió lướt tới
cuốn đưa hồn ta
phiêu du theo mây trắng trôi lờ lững.
Ngàn muôn tiếng réo rắt
côn trùng
Nếu có một buổi nào bạn đi trong cơn mưa thu. Hạt mưa từng giọt
rơi tí tách bám nhẹ lên chiếc áo mưa khoác ngoài. Ngọn gió se sắt khiến bạn hơi
co người lại trong cảm giác lên men dịu dàng, một nỗi buồn mênh mang bao phủ. Ở
đây cũng có thể là nỗi buồn của buồn vì chẳng hiểu vì sao tôi buồn.Rồi
bỗng cảm thấy trên gò má mình những giọt nước ấm lăn dài, tình thương mến dâng
trào! Hoặc bạn ngồi trong thế bàng quang nhìn mưa rơi và lắng nghe:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi.
Trời lắng u buồn
mây hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ
trong mưa thu ai
khóc ai than thở”
Thời gian liên kết nhiều với tiết thu tốt nhất trong ngày là
lúc chiều xuống. Khi nắng đang tắt dần, cây cỏ ngừng nghỉ là lúc lòng người dễ
rung cảm, hòa trong hồn thu. Nguyễn Thiện Tơ đã Nhắn Gió Chiều:
“Chiều nay sớm về với sắc thu đắm u buồn.
Cùng gió vàng với
sương lam mờ buông.
Ai có về nẻo xa? Xin nhắn dùm người xưa”
Vì:
“Lòng sao vẫn còn mang nỗi sầu mỗi thu về.
Khi bóng ánh tà
khuất dưới lam sương chiều buông.
Còn đây núi kia, đây dòng sông này.
Nào ai biết
chăng cõi lòng nát tan”
Doãn Mẫn thả hồn trong Nhạc Chiều:
“Nhạc chiều êm ru.
Trong vườn thu lưu luyến.
Đêm nay lờ lững
hòa lời u huyền.
Làn gió như vương vấn.
Tiếng tơ như chơi vơi.
Thánh
thót lắng theo ngàn lá thu bay”
Và Dương Thiệu Tước đã:
“Nhờ mây thu nhắn ai đôi lời.
Cùng nhau ước hẹn chiều
thu”
Ngoài nét nhạc thu trong khung cảnh quê hương miền Bắc, tình
thu còn được lồng trong tiết thu Paris. Cung Trầm Tưởng trong Mùa thu Paris còn
biết lạnh cùng người em tóc vàng sợi nhỏ:
“Mùa thu Paris! trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề
Mùa thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm
Trong khung cảnh khác nhưng vẫn cùng một giao cảm, Phạm Trọng
đã sầu lên ray rứt vì Mùa thu không trở lại:
“Em ra đi mùa thu.
Mùa thu không trở lại.
Đếm lá úa mùa thu.
Đo sầu ngập tim tôi”
Em đã gắn chặt với mùa thu. Mùa thu là em:
“Giờ chia ly!
nghe rơi bao lá vàng,
ngập dòng nước sông
Seine.
Mưa rơi trên phím đàn,
chừng nào cho tôi quên”
Chúng ta thấy phảng phất nhạc thu ở trên một màu u buồn của sắc
trời, ủ vàng của lá và những cuộc tình ly biệt hoặc lỡ làng. Bước vào nhạc thu
gần đây của những nhạc sĩ sáng tác trong khung cảnh miền Nam hiền hòa. Mùa thu
lúc này phải chăng không còn biểu hiện cho chia ly sầu úa? Mùa thu
cho những cuộc tình thành hình hoặc chớm nở.
Ngô Thụy Miên đã tặng Mùa thu cho em, tặng vật vĩnh cửu cùng
không gian và thời gian:
“Em có nghe khi mùa thu tới.
Mang ái ân mang tình yêu tới.
Em
có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé!
Và em có hay khi mùa thu tới.
Bao trái tim vương màu xanh mới.
Em có hay, hay mùa thu tới tình anh ngất ngây!
Và em có mơ khi mùa thu tới.
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối.
Em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương”
Rồi Từ Công Phụng Như ngọn buồn rơi của cuộc tình chớm nở:
“Như mùa thu trút lá vàng.
Ngậm ngùi em khóc cho tuổi thơ qua
mau.
Hồn nhiên cũng rơi khỏi tầm tay với xa.
Trên từng thung lũng buồn, em về
cho chim khóc.
Trên từng thung lũng buồn,
mùa thu đã trở mình trên gót nhỏ.
Dìu
em đến người bằng tình yêu nâng niu hạnh phúc”
Như trăng tròn rồi khuyết, hoa nở rồi tàn, thu đến rồi thu đi. Thu đi để mùa đông giá rét đến Xưa người thiếu nữ trong nhạc Văn Cao đã Buồn
Tàn Thu vì manh áo nàng đan cho người yêu vẫn để trôi qua từng mùa đông. Nàng vẫn
mơ màng chờ chàng về:
“Ai lướt đi ngoài sương gió?
Không dừng chân đến em bẽ bàng!
ôi, vừa thoáng nghe mơ ngày bước chân chàng.
Từ từ xa đường vắng.
Để mùa thu chết.
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng”
Như người chinh phụ vọng chinh phu:
“Trong cửa này đã đành phận thiếp
Ngoài mây kia há kiếp chàng vay?
Đúng vậy:
“Em là gái bên song cửa
Anh là mây bốn phương trời”
Giờ đây trong nét nhạc Mùa thu chết của Phạm Duy thì người
con trai buồn cho mùa thu chết và chờ đợi người con gái:
“Em nhớ cho,
mùa thu đã chết rồi.
Mùa thu đã chết,
em nhớ
cho.
Mùa thu đã chết,
em nhớ cho.
Mùa thu đã chết,
đã chết rồi em nhớ cho,
em
nhớ cho...
rằng ta vẫn chờ em”
Mùa thu ghi dấu lịch sử
Đó là mùa thu 1945, đánh dấu ngày chung kết đô hộ của thực
dân Pháp trên đất nước, nhưng cũng là khởi đầu cho cuộc chiến chủ nghĩa dai dẳng gần
30 năm và cho đến nay đau thương đã nhiều, xác người ngã gục đã bộn, biết bao
hình ảnh băng hoại cùng đổ vỡ của chiến tranh. Rồi tiếp đến là hình ảnh mùa thu
1954 phân chia đất nước. Mùa thu ly hương của những người miền Bắc. Hình ảnh một
mùa thu năm xưa đoàn người đi xót xa. Riêng đối với những tâm hồn
nghệ sĩ, mùa thu này đã biểu hiện chia cách ngay chính ở trong con người họ. Mảnh
đất đã ôm ấp, đã tạo rung cảm, đã nuôi hơi thở và gắn bó với người nghệ sĩ như
người tình thân. Người khách ly hương mấy độ thu vàng đã ngậm ngùi nhủ với người
em Hà thành những lời thiết tha:
“Lìa xa thành đô yêu dấu.
Một sớm khi heo may về.
Lòng khách
tha hương vương sầu thương.
Nhìn em mờ trong mây khói.
Bước đi nhưng chưa nỡ rời.
Đượm men cay đắng biệt ly”
Và:
“Mơ, ước thấy em một ngày sáng tươi.
Tắm nắng hồng của một sớm
mai.
Say hương thanh bình khắp nơi”
Mùa thu và điển tích.
Hẳn bạn còn nhớ tích Đường Minh Hoàng đêm trung thu du nguyệt
điện? Nhà vua si mê nàng Dương Quý Phi đến quên cả trị vì, để giặc An Lộc Sơn
tràn vào đến kinh thành. Quân lính phải bắt Dương Quý Phi treo cổ tự vẫn.Thế rồi
sau khi nàng chết, nhà vua vẫn còn thương nhớ nàng khôn nguôi, đam mê tình đến
độ vào một đêm trung thu sáng trăng, nhà vua nhờ Thân thiên sư dùng pháp thuật
đưa lên cung trăng để gặp người yêu. Nơi đây Dương Quý Phi và bầy tiên nữ vũ
khúc nghê thường mừng đón nhà vua. Nhưng hỡi ơi, tiên giới và trần tục cách biệt
Quý Phi chỉ biết nhìn với hoàng thượng rồi ném trao lại
chiếc vòng ngọc, tặng vật của nhà vua cho nàng rồi lẫn biến, nhà
vua mơ màng và chợt tỉnh trên gối mộng, trên tay còn cầm
chặt chiếc vòng
“Giấc
mộng Minh Hoàng không trở lại
Trăng ơi! ai chép nhạc Nghê thường”
(Huy
Cận)
Những cơn mưa rả rích của mùa thu gợi chúng ta nghĩ đến đôi vợ
chồng Ngâu cách biệt. Tích rằng ở hướng đông sông Ngân Hà có Chức nữ là cháu Trời
thêu dệt rất giỏi, trời gả cho chàng Khiên Ngưu Lang tức chàng Ngâu.
Từ khi có chồng, nàng biếng nhác bỏ việc nữ công không thêu thùa nên trời bắt
phạt đôi vợ chồng phải xa lìa nhau, mỗi năm chỉ được gặp nhau vài giờ đêm mồng
bảy tháng bảy tại bến sông Ngân Hà. Trước khi hội họp có chim Ô thước
bắc cầu đội đá, bắc cầu sông Ngân. Đêm ấy xem lên trời thấy ở Bến Ngân tức là
đoạn bóng sáng mờ mờ giăng ngang trời, ngó xa như một vùng nước, có hai ngôi
sao gặp nhau trong ít lâu rồi lìa xa nhau.
“Nọ thì ả Chức, chàng Ngâu
Tới trăng thu lại bắc cầu sang sông”
Và suốt mùa thu Chức nữ khóc khôn nguôi vì chia lìa Ngưu
lang, vì thế nên mùa thu trời mưa rả rích mãi
“Thuở xưa Chức nữ buồn sông Ngân
Có kẻ ngồi thương ở dưới trần”
(Huy
Cận)
Đêm trung thu vầng trăng thường sáng tỏ. Nhìn bóng chị Hằng
những người xa nhà cảm thấy một nỗi buồn dâng lên, nỗi nhớ nhung bàng bạc. Bạn
bước đi một bước chị Hằng theo bạn một bước
“Siêu không trống giục đường xa
Thu về cánh nhạn bay qua gợi sầu
Đêm nay sương trắng bắt đầu
Tích rằng Hằng Nga nguyên là vợ Hậu Nghệ, vì uống trộm thuốc
trường sinh nên thành tiên bay lên cung trăng ở.
Không hiểu từ ngày chàng Armstrong lên được cung
trăng, chiếm được trái tim chị Hằng. Rồi không còn lẻ loi nữa chị Hằng có còn
dõi theo chúng ta nữa không nhỉ? Người thiếu phụ có chồng đi lính ngoài biên
khu có buồn chăng?
“Từ ngày chàng ra ải quan
Mình em với bóng trăng tròn lẻ loi
Trăng đừng tròn mái hiên ngoài
Xin trăng hãy vỡ làm hai mảnh lòng
Mảnh thì rơi xuống cô phòng
Mảnh gài ngọn ải cho chồng em soi”
Mùa thu với những phong tục rằm.
Ở miền Bắc tôi chỉ được nghe người lớn kể lại, mặc dầu sinh ở
chốn ấy nhưng tôi chưa hề một lần được hưởng hương vị mùa trung thu nơi đây.
Vào dịp đó tiết trời trở lạnh, mùa của những trái hồng và bưởi, mọi người được
dịp thưởng thức cốm vồng ăn với chuối trứng cuốc. Nơi những phố hàng Gai, hàng
Hài, hàng Mã, hàng Bông, hàng Trống các tiệm đua nhau treo bán các thứ đèn: nào
đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn bươm bướm, đèn thỏ, đèn xếp... rồi kèn trống, đầu
sư tử. Những ngày ấy nơi các phố này sáng rực ánh đèn và tấp nập người qua lại
mua sắm. Rồi vào đúng đêm rằm, mọi nhà đều giăng đèn sáng trước cửa và đặt một
án thư, một bàn cỗ. Phương thức bày tựu chung gồm: hai con thỏ mẹ hai bên, giữa
để một cái lư trầm rồi đặt ông Lã Vọng câu cá ở giữa. Tục truyền nhà
nào có con cái đi thi đặt ông Lã Vọng thì rất có hy vọng đỗ. Hai bên
là hai con chó tết bằng tép của quả bưởi bổ ra, mắt làm bằng hai hột nhãn, hai
bên hai bát hạt dẻ, giữa là bốn bát chiết yêu gạo nếp trắng bao lấy bốn chữ
cũng bằng gạo nếp được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng đề chữ “Trung thu nguyệt
bính”. Còn bàn cỗ bày hơi khác nhau tùy từng nhà, đại khái trên mỗi ghế để một
thứ đồ chơi như đàn lợn làm bằng carton, cô tiên đánh đàn, cái đầu sư tử và các
thứ bánh trái như bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh, bánh chữ, bánh Tô châu.
Một cái bánh dẻo to nhất được bày ở giữa, trên một cái kỷ kê ở trước án thư,
trên đó đặt một con thạch sùng bằng bột, còn các giống khác như kỳ lân, con phượng,
trái đào, quả chuối, cành hoa bày chung quanh. Xong xuôi rồi đốt nhang thắp nến,
lễ Trời lễ Phật, trong khi người lớn ngồi ăn ốc hấp trông trăng, trẻ
con đánh trống và múa lân trước sân gạch có trăng chiếu sáng.
Riêng ở thôn quê, tinh thần địa phương được thắt chặt hơn, mọi
nhà đều họp mặt chung vui. Ngày ấy mỗi làng đều có mở Trẩy hội trăng rằm. Trai
gái họp nhau trước sân đình, trên bãi cỏ dưới bóng trăng để hát trống quân với
nội dung đối đáp giao duyên, đề cao tình bạn, ca ngợi cảnh đẹp thiên
nhiên. Tất cả nhạc cụ chỉ gồm một cái hố sâu, có cái thùng bằng thiết úp
lên trên và trên thùng có một sợi dây kẽm dài chừng năm sáu thước căng giữa hai
cái cọc. Cầm mảnh gỗ gõ nhẹ vào đầu dây, cái dây bật vào thùng phát ra một thứ
âm thanh giòn giã nhịp theo tiếng hát. Đó là mùa trung thu nơi đất Bắc, thời tiền
chiến.
Ở trong Nam, hẳn mọi người đều đã từng trải qua nhiều mùa
trung thu. Tôi còn nhớ Sàigon bắt đầu từ tháng tám ta, dọc theo đường phố các
khu chợ, các cửa tiệm đều treo bán đèn trung thu và căn những tấm biển để hiệu
bánh trung thu như Đông Hưng Viên, Tân Tân, Bảo Hiên rồng vàng...Những tủ kính
bày nào bánh nướng, bánh dẻo đủ loại trông rất ư ngọt ngào quyến rũ! Nhất là
khu cửa đông và cửa bắc chợ Bến thành, các hàng trái cây, các hàng bánh dọc con
đường Lê Thánh Tôn và Gia Long gần phía chợ, người người chen chúc nhau đi mua
sắm. Nếu có dịp đi vào khu Chợ lớn sẽ thấy thiên hạ ở đây ăn trung thu nhộn nhịp
với những đoàn múa lân ồn ào náo nhiệt.
Đón trung thu hầu như là thông lệ hàng năm, mặc dù chiến
tranh ngày càng căng thẳng, biết bao việc khác cần được chú ý hơn. Tuy hình thức
đón rằm được giản dị hóa đi nhiều, hầu như chỉ thu hẹp trong từng gia đình. Nếu bảo
rằng phong tục tập quán là biểu hiện tinh thần dân tộc thì nay chúng ta nghĩ thế
nào về tinh thần ấy? Riêng tôi, mùa trung thu năm nay, mùa thu đầu tiên thực sự
xa nhà, trong khung cảnh thu Québec, tôi bùi ngùi ôn lại những kỷ niệm trung
thu của thời ấu thơ. Mặc dầu ngay khi còn ở nhà, mấy năm về sau tôi không còn
náo nức mong đợi Tết, không còn cùng bạn bè rước đèn trong ngõ hát những khúc
ca trung thu, không còn chơi nấu sáp nến, nhưng bây giờ tại sao tôi mới biết tiếc
nuối? Đúng vậy, vì nay tôi mới thực cảm thấy mất hết cả rồi, giờ chỉ còn vang
bóng! Nếu quá khứ đã tạo nên ta thì những kỷ niệm đó đã nhập vào cõi sâu vô thức,
đã thành ra tôi rồi. Như mùa thu trút lá vàng, ngậm ngùi em khóc cho tuổi
thơ qua mau. Hồn nhiên cũng rơi khỏi tầm tay với xa. Nơi đây, những buổi
trưa sau giờ học buổi sáng và chờ những giờ lab buổi chiều, bên gốc cây này,
trên sườn đồi nằm cạnh sông St-Laurent, tôi đã ngồi mơ màng trong tư
thế bất động, đầu óc không thoáng một ý nghĩ, chỉ có hơi
thở và nhịp tim đập tôi như cảm thấy hòa hẳn trong chốn thanh tịnh này. Nếu những
Yogin cần ngồi theo thế kiết già để tham thiền nhập định, tìm những giây phút
xuất nhập thần thì tưởng không gì hơn bằng ngồi bình lặng ở chốn đây. Chung
quanh tôi những hàng cây đan kết nhau đang thay màu lá, bãi cỏ xanh mát dịu, dọc
sườn đồi xuống cũng toàn những lùm cây bao phủ. Rồi đến dòng sông trong trắng lờ
lững. Bên kia sông một màu xanh biếc, lấp ló những căn nhà im lìm tưởng như
không một sinh hoạt nào hiện diện bên ấy. Tôi mơ hồ cảm thấy thoát nhẹ lẫn
trong vùng cây cỏ, mây nước mênh mang bất tận này: hiền hòa và trìu mến.
“Ôi nếu đời ta dừng bước lại
Một giờ một buổi một mùa thu…
Mùa thu lọt giữa vòng tay khép
Bỡ ngỡ nhìn nhau trọn cuộc đời”
(Đinh
Hùng)
Mùa thu Québec và những con đường
Những ai từng sống lâu năm ở đây hẳn biết rõ nhiều con đường
thơ mộng trải những hàng cây. Riêng tôi, tôi yêu những con đường nhỏ ở khu
Sillery này. Những hàng cây peupliers cao chơi vơi, con đường Bois Joli dẫn ra
đường Gouverneurs, rồi Terrasse Stuart êm ái đưa vào campus Laval. Hẳn không ai
lạ Chemin St-Louis, con đường chạy dài hun hút như bất tận nằm sát hướng sông.
Con đường mang tên thánh nên có nhiều chủng viện, nhất là mạn đi gần
về khu Sillery cảnh vật thật lặng lẽ, u hoài. Có những chiều đi bộ nơi đây
khung cảnh đã cuốn hút tôi đi thật xa. Một vùng trời sắc thắm. Nếu mùa thu của
Cung Tiến tràn ngập màu vàng, thì mùa thu chốn này còn được tô điểm thêm với những
sắc lá màu cam mát dịu, màu đỏ thắm trong dễ thương chi lạ! Ngang tầm mắt, một
vùng lá cây với sắc màu xanh vàng cam đỏ hòa lẫn vào nhau,thướt tha yểu điệu và
thật quyến rũ. Vâng, mùa thu quyến rũ tôi rồi!
Những giây phút này tôi liên tưởng đến những con đường của
Sài gòn một thời trung học. Những con đường cây dài bóng mát. Con đường Nguyễn
Bỉnh Khiêm nằm trên ngôi trường thân yêu. Con đường đã in mòn bao gót giày guốc
của bảy năm trung học. Con đường Gia Long mạn hướng về tu viện
St-Paul mà bạn bè mình vẫn thường gọi đùa là rue des amoureux. Con
đường của những chiều tan học ở Centre Culturel Français; những ngày cuối năm học
thi ở thư viện Quốc Gia hay ở Alliance Française. Rồi những con đường tôi vẫn
thường đi qua, những con đường RMK không làm lồi lõm. Con đường Duy Tân lặng lẽ.
Con đường Hồng Thập Tự, con đường Phan Thanh Giản nối dài hướng về phía nghĩa
trang Mạc Đĩnh Chi. Một vùng ký ức trở về bên tôi nhưng tôi mơ màng cảm thấy thật
xa xôi.
“Nước non bao tình.
Sao tâm hồn ta thấy xót xa.
Buồn nhớ cố
hương.
Lòng ta có bao giờ thắm tươi.
Lúc ta mới nhìn bóng quê người.
Ôi quê
hương biết bao tình mến!
Dẫu phương trời xa ta bao giờ quên.
Bóng tre xanh ngắt
khi sương chiều xuống”
Rồi về cuối thu, trời giá buốt, những ngọn gió lốc mạnh làm rụng
dần lá vàng, như thể thúc dục mùa đông với tuyết trở về. Tôi không còn ngồi bên
gốc cây này, không còn thả bộ trên những con đường thu này nữa!
Ý thu bất tận. Rừng thu mênh mông. Bạn cùng tôi chúng ta vừa
lạc bước vào cửa ngõ của rừng thu, giờ đây chúng ta hãy lần bước ra
nhé. Để tiễn thu, xin mượn ý thơ Tản Đà, tặng những ai cũng cảm thu vậy:
“Thôi nghĩ cho
thu tự trời
cảm tự người
người đời ai cảm? ta không biết
ta cảm thay ai viết mấy lời
thôi, thôi
cùng thu tạm biệt
thu hãy tạm lui
chi để khách đa tình, đa cảm
một mình thay cảm những ai ai”.
Tháng 10/1972
Phạm Thị Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét