Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Tường thành cổ dưới biển

Tường thành cổ dưới biển
Đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định) là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, quyết định số phận của các vương triều như: Chămpa, Tây Sơn, triều Nguyễn...
Bờ thành ở vùng biển Nhơn Hải được 
nhìn thấy khi thủy triều xuống - Ảnh: Ngọc Nhuận
Vùng biển gần bờ xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) tồn tại một bờ thành chìm trong lòng biển, chỉ nhìn thấy khi thủy triều xuống. Bờ thành này nối liền vách đá thôn Hải Nam ra đến đảo Hòn Khô của thôn Hải Đông. Bề mặt thành phẳng, rộng hơn 10 m, độ cao của thành chưa xác định được. Những ngư dân làm nghề thợ lặn khẳng định bờ thành này không xây bằng đá hoặc gạch mà bằng hồ vữa đặc nguyên khối.
Thôn Hải Giang (cách bờ thành nói trên hơn 5 km) cũng có bờ thành chìm dưới lòng biển, thủy triều xuống sẽ nhìn thấy đoạn dài hơn 3 km ở gần bờ, người dân địa phương gọi là Rạng Cầu. Hai đoạn bờ thành này có kết cấu giống nhau, nên nhiều người cho rằng đó là một tường thành kéo dài. Tuy nhiên, không ai tính chính xác tường thành này dài đến đâu và được xây dựng từ thời nào.
Vùng núi thôn Hải Giang lại có một lũy đá kéo dài, bao quanh đỉnh núi Tam Tòa (thuộc hệ thống núi Phương Mai) của khu vực Hải Minh (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn). Lũy được xây dựng bằng cách xếp chồng những viên đá núi có nhiều kích cỡ khác nhau. Ở những nơi còn nguyên vẹn, chiều cao của lũy đá khoảng từ 1 - 1,5 m, đáy rộng 2 m, bề mặt rộng 1,2 m.
Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, bờ thành Nhơn Hải và lũy đá trên núi Tam Tòa là những công trình phòng thủ khác nhau. Theo thư tịch cổ để lại thì người Chămpa xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định gồm: Thị Nại (H.Tuy Phước), Đồ Bàn (TX.An Nhơn), Chas (TX.An Nhơn), Uất Trì (H.Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác. Nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện có tư liệu nào nhắc đến bờ thành được xây dựng ở vùng biển Nhơn Hải. “Bờ thành ở Nhơn Hải là một di tích rất lạ, tường thành nằm dưới nước hàng trăm năm qua vẫn còn nguyên vẹn chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người Chămpa rất độc đáo”, TS Hòa nói.
Theo TS Đinh Bá Hòa, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ có ghi chép vào tháng 8 năm Canh Tý (1840), vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Hổ Ky ở cửa biển Thị Nại, chính quyền địa phương đã huy động trên 500 dân phu tham gia xây dựng. Sau lưng pháo đài Hổ Ky, trên đỉnh núi Phương Mai là một hệ thống thành lũy yểm trợ, được xây dựng tại 2 nơi riêng biệt là gò Vũng Tàu và gò Kinh Để. Phòng tuyến gò Kinh Để có nhiệm vụ ngăn không cho quân địch tiến từ sườn phía đông để tấn công pháo đài Hổ Ky vào phía bên trong cửa Thị Nại. Còn phòng tuyến gò Vũng Tàu để ngăn quân bộ tấn công mặt tây của pháo đài Hổ Ky và chiếm cửa biển Thị Nại.

“Thị Nại có âm gốc tiếng Chămpa gọi đầy đủ là Thi Lị Bi Nại, tên phiên âm chữ Cri - Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Chămpa. Thời Chămpa và thời Tây Sơn, Thị Nại có vai trò rất quan trọng, vừa là quân cảng và vừa là thương cảng rất sầm uất”.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn (TP. Quy Nhơn, Bình Định)
Những trận thủy chiến nổi tiếng
Đầm Thị Nại là cửa ngõ ra vào Bình Định bằng đường thủy nên triều đại nào cũng xây dựng hệ thống phòng thủ để trấn giữ. Thời Chămpa có xây thành Thị Nại, tháp Bình Lâm. Thời Tây Sơn, thủy quân cũng đóng bản doanh tại đầm Thị Nại và núi Tam Tòa. Thành Thị Nại đóng vai trò là tiền đồn bảo vệ cho kinh đô Đồ Bàn của Chămpa nên các cuộc tấn công bằng đường thủy thường nhắm vào thành này.
Trận thủy chiến đầu tiên tại thành Thị Nại được sử sách ghi lại là trận chiến chống quân Nguyên - Mông do Toa Đô chỉ huy xâm lược Chămpa vào cuối năm 1282. Thủy binh do Toa Đô chỉ huy tiến đánh thành Thị Nại quá mạnh, quân Chămpa phải rút lui.
Khoảng thời gian từ năm 1792 - 1801, thủy quân của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đã có 5 lần giao chiến tại đầm Thị Nại. Các trận năm 1792, 1793, thủy quân Nguyễn Ánh tấn công Thị Nại nhưng đều phải lui binh. Lần thứ 3, năm 1799, đại quân Nguyễn Ánh vượt qua được cửa Thị Nại, đánh chiếm luôn thành Hoàng Đế (cũng là nơi xây dựng thành Đồ Bàn cũ). Năm sau, quân Tây Sơn từ kinh thành Phú Xuân (Huế) do Trần Quang Diệu chỉ huy vào đánh lấy lại được Thị Nại rồi giao cho Võ Văn Dũng trấn thủ, sau đó kéo quân vây đánh thành Hoàng Đế. 
Năm 1801, Nguyễn Ánh cho đại binh ra đánh Thị Nại nhằm giải vây cho thành Hoàng Đế. Đây là trận đại chiến lớn nhất từ trước đến nay tại đầm Thị Nại. Trong sách Nhân vật Bình Định, tác giả Đặng Quý Địch dẫn lại tư liệu của ông Barizy (một người ngoại quốc có mặt trong đoàn quân của Nguyễn Ánh tấn công Thị Nại) khẳng định quân Tây Sơn tại cửa Thị Nại gồm có 557 tàu chiến lớn nhỏ, 1.827 đại bác các cỡ và 53.250 thủy quân. Thủy quân của nhà Nguyễn có 91 thuyền chiến, 91 đại bác, 10.400 lính và lực lượng rất đông quân bộ ở Phú Yên tấn công ra.
Theo ông Barizy, quân hai bên đánh nhau rất dữ dội vào đêm rằm tháng giêng năm Tân Dậu (1801). Quân Nguyễn tập kích rất bất ngờ, đốt rất nhiều thuyền chiến của quân Tây Sơn. Các thuyền chiến và pháo hạm hai bên cầm cự đến chiều ngày 16 tháng giêng thì quân Tây Sơn bị vỡ trận, Võ Văn Dũng dẫn thủy quân rút lui. Trận này, 4.000 quân của Nguyễn Ánh bị tử thương, thuyền quân Tây Sơn bị đốt gần hết. “Lũy đá cổ trên núi Tam Tòa đã được nhắc đến trong sử sách triều Nguyễn nhưng có thể đã có từ các triều đại trước và nhà Nguyễn cho xây dựng lại. Cuối thế kỷ 18, quân Tây Sơn đã thiết lập đồn, đặt đại bác ở núi Tam Tòa, khống chế cửa biển Thị Nại. Ngày nay, người dân và các cơ quan chức năng đã trục vớt 14 khẩu súng thần công tại đầm Thị Nại là những chứng tích còn lại của trận thủy chiến giữa quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn. Chắc chắn trong khu vực đầm Thị Nại còn rất nhiều dấu tích liên quan đến những trận chiến này nên cần phải được nghiên cứu thêm”, TS Đinh Bá Hòa nói.
Hoàng Trọng
Theo http://thanhnien.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...