Chùa Thập Tháp (ở P. Nhơn Thành, TX. An Nhơn, Bình Định) có nhiều
câu chuyện truyền miệng hoang đường, nghe đến không ít người phải rùng mình.
Cổng chùa Thập Tháp
Quần thể di tích Phật giáo
Nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch khẳng định chùa Thập Tháp (tên đầy đủ là Thập Tháp Di Đà Tự) do
thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728) kiến tạo rồi làm lễ khai sơn vào năm 1683.
Thiền sư họ Tạ, tự Hoán Bích (người Trung Quốc), theo thuyền
buôn đến phủ Quy Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Định) năm 30 tuổi. Sau chùa Thập
Tháp, thiền sư Nguyên Thiều ra đất Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, chùa Quốc n,
tháp Phổ Đồng rồi mất tại đó. Tên chùa Thập Tháp là do nguyên trước đây trên
khu đồi xây dựng chùa có 10 ngôi tháp Chăm đã sụp đổ. Ban đầu, chùa Thập Tháp
được xây dựng từ gạch của 10 ngôi tháp cổ này.
Chùa Thập Tháp là di tích kiến trúc nghệ thuật thế kỷ 19 đã
được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Hiện chùa còn lưu giữ quần thể
kiến trúc rất độc đáo, như ngôi chánh điện do thiền sư Thiệt Kiến Liễu Triệt
cho trùng kiến vào năm 1749, nhà phương trượng do Quốc sư Phước Huệ xây vào năm
1924... Thời hòa thượng Minh Lý trụ trì chùa Thập Tháp (1871 - 1889) cũng đã tạo
lập rất nhiều tượng Phật đến nay vẫn còn.
Trong khuôn viên chùa có khoảng hơn 20 tháp mộ của các đời trụ
trì với kiến trúc rất độc đáo. Năm 1876, trong lúc tổ chức khai khẩn vùng đất
hoang sau chùa, gặp rất nhiều hài cốt của lính Tây Sơn và nhà Nguyễn chết trong
trận chiến ở thành Hoàng Đế, hòa thượng Minh Lý cho gom lại, xây một tháp để thờ
cúng, ngày nay gọi là tháp Hội đồng.
Đến nay, các hòa thượng và người dân trong vùng vẫn còn lưu
truyền câu chuyện về ông Bạch Hổ đi tu tại chùa Thập Tháp. Sau khi sư phụ là
hòa thượng Minh Giác mất, hòa thượng Thiệt Kiến Liễu Triệt đang làm trụ trì
chùa Thiên Mụ (ở Huế) được gọi về làm trụ trì chùa Thập Tháp.
|
Một thời gian sau, trong đêm mưa gió, có hai mẹ con nằm trước
cổng chùa Thập Tháp. Người mẹ bị câm nên không ai hỏi được gì. Hòa thượng Liễu
Triệt cho xây một cái am gần chùa cho hai mẹ con nương náu. Từ đó, người dân
trong vùng đồn đoán rằng trong thời gian làm trụ trì chùa Thiên Mụ, hòa thượng
Liễu Triệt thường được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời vào cung và đã có tơ tình với
một phi tần. Kết quả mối tơ tình này chính là đứa con, còn phi tần kia là người
mẹ bị câm. Hòa thượng Liễu Triệt không một lời giải thích.
Cũng trong thời gian này, đêm nào chùa Thập Tháp cũng có một
con Bạch Hổ đến ngồi trước chánh điện nghe kinh khiến ai cũng sợ hãi. Hòa thượng
Liễu Triệt bảo mọi người đừng sợ vì con cọp này không hại ai rồi ra ngoài nói với
con cọp: “Hỡi Bạch Hổ! Vì nghiệp nặng phải làm thân súc sinh, hãy cố gắng nghe
kinh tu hành có ngày sẽ được thoát kiếp”.
Thời gian sau, chúa Nguyễn triệu hòa thượng Liễu Triệt ra Huế
để giảng dạy Phật pháp. Đêm trước khi đi, hòa thượng nằm mơ thấy một ông lão đến
nói: “Xin thầy ở lại vài hôm để làm lễ cho con, tuổi thọ của con còn ngắn, con ở
sau chùa”. Vài hôm sau, không thấy Bạch Hổ đến nghe kinh, hòa thượng biết cọp
đã thoát kiếp nên sai đệ tử đi tìm và phát hiện được xác cọp sau vườn chùa. Hòa
thượng cho mai táng con cọp tại chỗ, xây tháp và làm lễ đúng 49 ngày. Ban đầu,
tháp Bạch Hổ được xây dựng bằng gạch Chăm nhưng đã bị sụp đổ, hiện đã được xây
dựng lại, còn bộ xương thì bị kẻ gian lấy mất trong những năm kháng chiến chống
Pháp.
Trước khi viên tịch, hòa thượng Liễu Triệt tập trung đệ tử lại
dạy dỗ lần cuối và đưa ra lời bảo chứng: “Người đời nói oan cho ta dính án tình
với cung phi. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của
ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”. Quả nhiên, cho đến ngày nay, tháp của hòa thượng
Liễu Triệt vẫn còn trắng và mọi người quen gọi đó là Tháp Trắng.
Hòn đá chém oán hờn
Tương truyền rằng, sau khi chúa Nguyễn Ánh chiếm được thành
Hoàng Đế, liền chiêu dụ những người trong hoàng tộc nhà Tây Sơn ra đầu thú với
lời hứa hẹn sẽ không trả thù. Nhiều người ra trình diện thì Nguyễn Ánh nuốt lời,
mang ra chém sạch. Tảng đá dùng để kê đầu tôn thất nhà Tây Sơn lên chém được đặt
ngay cổng thành Hoàng Đế. Từ đó, hằng đêm trong tảng đá vẳng ra tiếng than khóc
ai oán, đòi mạng thống thiết, người dân và quan quân nhà Nguyễn không ai dám đi
ngang qua cổng thành.
Để cứu chúng sinh, một vị trụ trì chùa Thập Tháp xin được lập
đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất. Sau 3 ngày đêm kinh kệ, nhà sư cho người
mang hòn đá kia về chùa Thập Tháp. Hòn đá được đặt cạnh cây thị cổ thụ 300 năm
tuổi nằm phía nam tường thành của nhà chùa và được đặt tên là Hòn Đá Chém.
Nhưng nỗi oan khiên trong Hòn Đá Chém vẫn còn vất vưởng. Vào những đêm mưa gió,
người ta thường thấy một phụ nữ mặc áo cụt trắng, quần đen bước ra từ Hòn Đá
Chém. Khi chó trong chùa sủa là bóng người phụ nữ kia biến mất.
Đến thời hòa thượng Phước Huệ làm trụ trì, Hòn Đá Chém được
chuyển vào để ngay bậc tam cấp trước khu Phương Trượng, sau lưng Chánh điện của
chùa để thường xuyên được nghe kinh kệ, giải tỏa những oan khiên. Theo nhà sư Mật
Hạnh, đệ tử của nhà sư Phước Huệ, cách đây vài chục năm, những đêm nhà chùa tổ
chức cúng hành binh, hành khiến hằng năm vào lúc giao thừa trước Tết Nguyên
đán, đến khi đổ 3 hồi trống chiêng là tự nhiên có một dải lụa trắng, tỏa ra ánh
hào quang sáng rực xuất hiện bay lượn ngang chánh điện một lần rồi mất.
Ngày nay, Hòn Đá Chém vẫn còn đặt tại cửa khu phương trượng của
chùa Thập Tháp (cao khoảng 40 cm, dài 1,5 m, rộng 1,3 m) nhưng chuyện ma quái
không còn xuất hiện. Hằng năm, đến ngày giỗ hòa thượng Phước Huệ (18 tháng
giêng âm lịch), hàng ngàn phật tử đến dự, nhìn Hòn Đá Chém, không ít người rơi
nước mắt nhớ đến những anh hùng, hào kiệt thời Tây Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét