Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Hoàng Trần Cương với “Quà tặng hành tinh”

Hoàng Trần Cương với 
“Quà tặng hành tinh” 
(Đọc tập thơ: “Quà tặng hành tinh” 
của Hoàng Trần Cương - NXB Hội Nhà văn năm 1999)
Đã có lòng, thì cứ việc đem ra mà tặng, dẫu chẳng cần biết người được tặng có thích thú hay không. Nhưng đây là tặng cả hành tinh, thì nghe hơi liều, và có cả “đại ngôn” vào đấy. Tôi giật mình chợt nhìn thấy tập thơ có cái nhan đề như thế. Tập: “Quà tặng hành tinh”của Hoàng Trần Cương, xuất bản từ năm 1999, đã sáu năm nay, giữa thời đại thông tin nhanh nhạy như điện, trùm khắp như gió này, mà hình như vẫn chưa thấy cái “hành tinh” này - kẻ được tặng có “phản ứng” gì...
Thực ra đó là nhan đề của một bài thơ trong tập. Cái nhan đề ấy là một cách nói gọn. Còn một chữ “của” ẩn trong đó. Cũng như nói: “vợ tôi”, “cơm tôi”... mà không cần dài dòng: ”vợ của tôi”, “cơm của tôi”... Bài thơ ấy té ra là: “Quà tặng (của) hành tinh”. Một bài thơ khá hay và ngắn, có chia ra sáu câu khấp khểnh không đều nhau cho nó mang dáng dấp của cái tuồng thơ tự do, nhưng tất cả chỉ gồm ba mươi chữ đọc kiểu gì cũng được (thế mới đúng là tự do). Ba mươi chữ, bằng số ngày trong tháng, hợp với một vòng quay của mặt Trăng quanh Trái đất. Thế là số chữ cũng có ý gắn với hệ Mặt Trời này. Giá vương thêm cái dấu ba chấm (...) nữa, thì có phải hợp với cả tháng thừa lẫn tháng thiếu... không. Xin dẫn ra cả ba mươi chữ ấy: “Ngày nối ngày/ Hành tinh biền biệt quay/ Rải lại sau lưng/ Những vệt sao mang hình lông ngỗng/ Những mảnh vỡ phiêu diêu bụi bặm/ Lóe sáng gươm trời.” Các nhà Thiên văn học đừng thắc mắc với cái vũ trụ này của thi sĩ. Vũ trụ của thi sĩ cũng gồm nhiều hành tinh. Nhưng cái hành tinh có tên là Trái đất, nơi thi sĩ đang sống đây thì xem ra khổ nhất, “lắm chuyện” nhất. Dẫu có rãi lại sau lưng những “vệt sao...”, thì cũng đồng thời kèm theo “mảnh vỡ...”. Và liệu hồn đâu đó vẫn chực chờ: “Lóe sáng gươm trời”. Bài thơ quả có chút tâm thế, được vẽ nên bằng toàn hình ảnh. Đến đây, người ta không khỏi chạnh nghĩ tới một bài thơ gồm vỏn vẹn hai câu thần bút, hay đến rợn người của thi hào Xuân Diệu: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Trôi như giọt lệ giữa không trung.” Hai câu ấy không chỉ là Thơ. Đó còn là một bản tuyên ngôn vĩ đại và... giản dị của quả Đất giữa thời... nước mắt này.
“Quà tặng hành tinh” còn một bài nữa dẫn cả Trái đất ra, bài: “Chiều xuống”. Nhưng không “phiêu diêu” như bài trên, đây là một bài thơ “thực” vào loại tuyệt hay. Đến mức này thì có thể gọi Hoàng Trần Cương là một “thợ săn hình ảnh” đạt cỡ tuyệt luân. Thơ ông tràn ngập hình ảnh, những hình ảnh dung dị mà ghê gớm: “Trái đất quay quảy nặng xóm buồn”. Quá giỏi! Có một “xóm buồn” thôi, mà khiến Trái đất quay như nặng hơn. Tiếp theo là những hình ảnh “thực” như ở giữa cơn mơ: “Đêm chạy rông”, “Ngày vội về nhà”... Rõ ràng là một buổi chiều giông gió đang kéo đầy trời, làm cho cả người lẫn bóng nháo nhào... Cuối cùng là ba câu kết mê ly, cũng toàn hình ảnh: “Gió thả về trời bày lá vàng lêu lổng/ Còn lại cây rơm đứng gác cánh đồng/ Và bóng mẹ loay hoay tìm hơi cha trong chiều xuống...”
Kẻ viết những dòng này bị hình ảnh “cây rơm đứng gác cánh đồng...” làm cho ngơ ngẩn, đến nỗi không đọc thêm bài khác được, phải gấp tập thơ lại. Mấy hôm sau mới giở ra đọc tiếp, cố tránh nhìn mấy chữ kia. Thì đây, gặp ngay một bài thơ rất cảm động viết về Cha, bài “Chân dung”. Sau tiếng mở đầu: “Cha tôi” là: “Huyết thống tổ tiên trích ngang bản mặt/ Trán rộng cộm nỗi đau/ Rụa ràn cơn sóng đất/ Thấm vào đêm/ Thấu cả sang ngày “... Những câu thơ dõng dạc tả người Cha hay đến rùng mình. Một  bức chân dung được “tạc” bằng những “nhát” vạm vỡ ghê hồn. Bài thơ dạt dào kí ức về người Cha, Cha và Con trong cuộc đời chật chội, như một căn bếp chật, chật đến nỗi khói cũng phải tự tìm lấy lối mà bay: “Bếp chật/ Khói phân vân”... Hoàng Trần Cương là một “kẻ sĩ” có bản lĩnh át cả người xung quanh. Tôi biết ông được hưởng một nền giáo dục rất kĩ lưỡng, uyên thâm trong cái “đạo” “Hiếu”, “Đễ” của cõi người. Người Cha của ông, cụ Hoàng Trần Trực sinh thời là một bậc đáng tôn kính, tả như thế thì không gì chính xác hơn. Vì thế, những ai quen Hoàng Trần Cương từng đánh giá về ông thế nào thì không biết, riêng tôi, tôi gọi ông trước tiên là một thi sĩ Gia đình, một nhà thơ của Gia tộc. Sau đó mới là của... Thơ, của Tình yêu, của cuộc Đời... và cuối cùng là của... Hội Nhà văn. Cứ xem những gì ông viết về Cha, Mẹ, về anh chị em, về những ký ức tuổi thơ trong tập này, và đặc biệt, trong “Trầm tích” - một trường ca từng được nhiều giải thưởng... thì biết.
Trong “Quà tặng hành tinh”, có những câu thơ viết về những người bạn đã khuất của thi sĩ rất cảm động và lồng lộng nỗi nhân sinh: “Sao không là tao mà lại là mày/ Sao không cả hai thằng một lúc/ Nhớ chiều mày hy sinh/ Đất Quảng trị ghì vào mình những chùm thơ chưa hái/ Những nỗi niềm đang ráo riết xanh” - (bài “Chùm thơ chưa hái”). Mỗi cuộc chiến tranh chôn vùi đi bao nhiêu “chùm thơ chưa hái”, dập tắt bao nỗi niềm đang “ráo riết xanh”. Để làm gì? Không biết. Chỉ biết rằng: “Xương cốt anh hùng chôn chật đất...”. Hoàng Trần Cương thi sĩ luôn giữ trong mình nỗi đau một thuở ấy: “Khi anh viết những dòng này/ ở rừng xanh mộ bạn anh đã mấy lần thay cỏ...”, đến nỗi: “Bây giờ anh vào tuổi bốn mươi/ Vẫn hốc hác khuôn mặt thời lính trận” - (bài “Sấp ngửa bàn tay”).
Sẽ thật là thiếu sót nếu không “bàn” đến thơ tình Hoàng Trần Cương. Ông là một đấng “trượng phu” trong tình yêu, một nhân cách (ga lăng) thứ thiệt, một người mê cái đẹp (của phụ nữ) đến mức sẵn sàng quên cả thân mình. Từ rất lâu rồi, người viết đã thuộc lòng những câu thơ tình của ông: “Mỗi ngày anh xa em/ Là già thêm một tuổi/ Mỗi lần ta bên nhau/ Lại âm thầm tiếc nuối...”. Nhưng cơ mà nói thật, tất cả những “em” trong thơ tình của ông đều còn ở trong mơ, mà chưa có lấy một phần sự thực. Bằng chứng là những câu thơ tình rất hay như thế này: “Anh mong mà chưa thấy/ Anh tìm mà chưa ra/ Chiều như là em vậy/ Càng trông càng thẳm xa”...Vì thế, tình yêu trong thơ ông chỉ là những nỗi khát khao đến văng mất cả hồn vía: “Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng...” - (bài “Đợi”). Ngay cả câu thơ hay đến tuyệt bút: “Ngang qua em có thấy/ Nỗi buồn còn run cây” - (bài “Vô tình”), nếu là thơ tình viết lại (giùm) cái thuở ban đầu mới yêu thì còn tin được. Chứ đã đến tuổi ngoài bốn chục như thi sĩ tự khai rồi, thì cái người hẹn hò ấy, cả cái gốc cây kia, cũng chẳng qua chỉ là... tưởng tượng đấy mà thôi.
Hoàng Trần Cương thi sĩ có những cảm xúc bất chợt rất tuyệt vời, đặc biệt nếu cảm xúc đó làm gợi nên ký ức, làm nhớ đến quê hương. Những câu thơ đọc lên nghe lặng người: “Một sáng ra đường/ Anh lạng người trước những chiếc ba lô/ Trên vai các em quàng vào phố xá/ Những chiếc ba lô vừa quen vừa lạ/ Bàng hoàng anh nắn lại bờ vai”... - (bài “Ba lô trên phố”). Hoặc: “Vạt mưa chừng xanh hơn/ Khi chạm vào bóng cỏ/ Xa nhà đến cả gió/ Cũng lần hồi lang thang”... - (bài “Bóng cỏ”). Nhưng phải đạt đến tình nghĩa như thế này thì mới thật đi tới cái chốn sâu thẳm, nhằng nhịt của kiếp người: “Dẫu chân mòn gót mỏng/ Rong ruổi khắp thị thành/ Khi năm tròn tháng mọng/ Lại đèo bòng bóng quê...” - (bài “Tất niên”).
Thơ Hoàng Trần Cương phóng khoáng khi xuống dòng, tự do về câu chữ, mạnh mẽ với hình ảnh, ông “hiện đại” theo cách của mình. Tuy nhiên, vì mải miết chạy theo hình ảnh, mà ông suýt trở thành nô lệ của chính hình ảnh như bài “Quyết toán”, một bài nửa thơ nửa đồng dao trong tập là một thí dụ. Ông vì phóng khoáng nên mới có những câu thơ nghe thương ơi là thương: “Nhiều lúc quá khứ bị chính anh lơ đãng bỏ rơi/ Ngước lên bàn thờ bắt gặp đôi nén hương đói lửa/ Những nén hương khắc khoải cong xoắn vòng dấu hỏi“... - (bài “Giải pháp”). Nhưng đôi lúc, ông lẩn thẩn giọng cổ điển thì nghe cứ điều điệu, sáo sáo, lại giả giả thế nào ấy: “Anh ngồi ngăn nắp trong chiều vắng/ Nhặt một cành xanh chiết nỗi buồn”... - (bài “Hơi ấm ban ngày”), câu thơ đọc lên khiến... ngượng chết đi được. Ấy thế nhưng ông lại tỏ ra viết lục bát có nghề, mặc dù rất hiếm gặp lục bát trong thơ ông. Có lẽ đây là bài đầu tiên mà người viết chứng kiến, lại là một bài thơ hay, hay như ca dao. Những hạt đá rải đường đâm ra lại từng trải với tình đời ghê. Xin dẫn ra đây cả bài: “Đá dăm rơi rụng lề đường/ Lạc loài hay trốn phố phường về đây/ Chiêm mùa rải nắng hây hây/ Nhớ ai rơm rạ nằm ngây cổng làng/ Tháng Năm chín, tháng Mười vàng/ Em như gạo tám bàng hoàng rượu tăm/ Đường dài còn lắm đá dăm/ Thương anh khép mắt lá răm em chờ” - (bài “Đá dăm”). “Nhớ ai rơm rạ nằm ngây cổng làng” thì quá hay rồi, lại còn: “Em như gạo tám bàng hoàng rượu tăm”, thì ca dao chắc cũng đến thế mà thôi, mặc dù chẳng ai lại đi nhắm rượu với cơm, dẫu có là cơm gạo tám đi chăng nữa. Giá như không phải vì câu trước đó (Tháng Năm chín, tháng Mười vàng) là lời viên đá chứng kiến hai mùa thóc, thì kẻ viết những dòng này quyết đọc trại ra thành: “Em như “thịt chó” bàng hoàng rượu tăm”. Trong tập thơ còn một bài lục bát khác, bài: “Hoàng hôn xanh”, nhưng hơi bị uốn éo, bẻ vần, không thích bằng bài này...  
Trong bối cảnh thơ đang trở thành một món “cám hấp”, đang “xuống đường” tràn ngập như hiện nay, trí thức trình độ Đại học, trên Đại học (kĩ sư, tiến sĩ...), ối người cứ nghe nói đến thơ là lập tức nhao nhao: “Bút tre chứ gì?, đọc bút tre đi...”, thế rồi những khuôn mặt đang khôn ngoan, thoắt cái đần ra như mặt cái người không biết chữ. Thì ra đối với họ, kiến thức về thơ chỉ là đồng nghĩa với... bút tre, thơ= bút tre! Đời buồn như thế đấy. Tại ai? Tại chính thơ hay tại cả cái nền giáo dục (chuyên môn hẹp) đương thời này thì không bàn. Thế nhưng “Quà tặng hành tinh” của Hoàng Trần Cương thì có thể coi là một trong số ít những tập thơ có nhiều bài hay, có bài tuyệt hay. Ngoại trừ bài đầu tiên (bài “Di sản”) là một loại thơ thuộc (phạm trù) ca ngợi lãnh tụ, mà người đọc thường gặp nhan nhản trên các tờ... báo tường từ giữa thế kỷ trước cho tới tận bây giờ...
6/2005
Phạm Lưu Vũ
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Căn Nhà Trong Hồn Thế là thu đã tàn. Những chiếc lá cuối cùng cũng đã bị mưa gió cuốn đi đêm qua. Trận gió bất chợt đưa mưa về thật mạ...