Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng tên thật là gì? Đọc qua gần 300
trang tập bản thảo được phác họa cuộc đời ông, tôi vẫn chưa nhận ra tên thật của
ông từ lúc nhỏ. Tuy rằng ông sinh ra tại ấp Bến Bạ, làng Thạnh Hưng, quận Giồng
Riềng, tỉnh Rạch Giá; quê ngoại ở Mặc Cần Dưng, Long Xuyên. Tên chính thức ông
khi đi học lớp đồng ấu ở trường Tân Phong là Phạm Văn Hổ, tên mượn khai sinh một
người bạn thời niên thiếu bởi do hoàn cảnh cha ông bị tù viễn xứ, mẹ lận đận
bôn ba theo chồng khắp nơi nên không làm khai sinh được cho con. Rồi đến tên Tiệu,
tên khai sinh của một người cùng lứa, chết mà không khai tử được gán cho ông đến
hết bậc sơ học. Song điều chắc chắn ông họ Trương Gia mà trong đó Cúc Nông
Trương Gia Mô, ông chú nội ruột là người nổi tiếng đất Nam Kỳ lục tỉnh. Trong
cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã nhiều lần thay tên đổi họ. Ngoài
các tên Trần Bạch Đằng, Trương Gia Triều, nhiều người biết đến ông với cái tên
và bút danh khác như nhà thơ Hưởng Triều, nhà lý luận phê bình Trần Quang, nhà
văn Nguyễn Trương Thiên Lý, Nguyễn Hiểu Trường, các bí danh Năm Quang, Tư Ánh…
Những cái tên và bí danh mà ông lấy theo yêu cầu của thời
gian và công tác cách mạng. Với ông, mỗi một cái tên đi kèm theo đó là những hoạt
động đầy sung mãn của người chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh giành độc lập,
tự do, thống nhất nước nhà; là một khối lượng lớn tác phẩm của tư duy lý luận
và cảm nhận sâu sắc, trên nhiều lĩnh vực học thuật và cuộc sống.
Trần Bạch Đằng, một con người đậm chất Nam Bộ không chỉ bởi
quê quán, nơi sinh trưởng mà còn ở ngay trong tính cách, ngôn từ, hành xử. Khi
nói hay viết, ông luôn trình bày thẳng những suy nghĩ của mình, không úp mở,
quanh co; đi thẳng vào thực chất vấn đề; ghét khoa trương, kiểu cách. Cuộc đời
và hành trạng của ông toát lên một con người nghĩa tình, tài hoa, song không
kém phần ngang ngạnh. Từ những dòng ký ức của ông, ta luôn bắt gặp những hoài
niệm sâu lắng về hình ảnh của song thân; tình yêu tha thiết thủy chung với người
bạn đời; những nỗi niềm da diết về nơi chôn nhau cắt rốn; những kỷ niệm trong
trẻo, tươi nguyên về những người bạn ấu thời; về những vùng miền khắp dải đất
Nam Bộ đã cưu mang, đùm bọc và chở che ông từ thuở ấu thơ cho đến những
năm tháng trưởng thành.
Suốt chặng đường hoạt động cách mạng trong kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ, những kỷ niệm đẹp nhất luôn gợi nhớ trong ông là những câu chuyện
về những đồng đội, đồng chí, đồng bào kể cả khi cách mạng đang thắng lợi dâng
cao hay khi thoái trào. Tất cả phác họa nên một bức tranh sinh động lịch sử
cách mạng miền Nam trong dòng chảy lịch sử hiện đại của dân tộc Việt.
Nhắc nhở dày đặc nhất trong các trang viết của ông thời kỳ này là các tên tuổi
quen thuộc như Vũ Huy Xứng, Phan Trọng Bình, Nguyễn Oanh, Trần Văn Giàu, Phạm
Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Hà Huy Giáp, Ung Văn Khiêm, Huỳnh Tấn Phát, Kha Vạng
Cân, Nguyễn Văn Linh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Văn Trấn, Võ Văn
Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Thành Vĩnh, Nguyễn Ngọc Nhựt,
Lưu Chi Lăng…
Qua những câu chuyện kể của ông, tôi ấn tượng nhất và
thú vị những chi tiết hết sức lạc quan đậm chất lãng tử của người
dân Nam Bộ, nơi những nghệ sĩ, diễn viên Amateur là cán bộ Đoàn Thanh
niên Cứu quốc Nam Bộ khi tổ chức diễn kịch vui Huất Trì cưới vợ đón
xuân Mậu Tý tại vùng kháng chiến Đồng Tháp Mười hay khi các học viên Trường Đảng
Trường Chinh III với đêm diễn cương vở Trần Hưng Đạo bình nguyên tại
vùng chiến khu Cà Mau Tết Nhâm Thìn 1952.
Đặc biệt khâm phục sự chịu đựng, gan góc, trung kiên của những
người cộng sản hoạt động trong những điều kiện khó khăn của vùng kháng chiến
hay khi bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn.
Tiếp xúc với ông qua công việc và đọc những dòng ký ức cuộc đời
ông càng xác quyết những cảm nhận chúng tôi về ông: một nửa uyên bác của nhà
khoa học, một nửa tài hoa, lãng tử của một anh giang hồ. Điều này cũng đã được
ông xác tín khi kể về thời thơ ấu của mình: “Trong tôi có phần Thiên địa hội của
cha, phần Tân văn hóa tùng thư của ông dượng Trần Hữu Độ…”
Một ấn tượng nữa nơi ông là trải qua cuộc đời thăng trầm, Trần
Bạch Đằng luôn toát lên một con người có tâm trong sáng, tấm lòng bao dung; đặc
biệt có sức qui tụ tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp trí thức với nhiều nguồn gốc
xuất thân và lịch sử chính trị khác nhau. Với mảnh đất miền Nam và đặc
biệt thành phố Sài Gòn do đặc thù lịch sử, Trần Bạch Đằng là một trong ít cán bộ
cộng sản đã qui tụ, tập hợp và khai thác được sức đóng góp trí tuệ cho thành phố
từ nhiều nguồn trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam trong chế độ cũ cũng như các lớp
trí thức văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa trong cả nước sau này. Không chỉ quy tụ,
tập hợp khơi mạch nguồn cho sức đóng góp trí tuệ cho thành phố mà ông còn tìm
hiểu đồng cảm, chia sẻ với những trở ngại khó khăn của từng người, thậm chí tìm
công ăn việc làm cho những người ấy từ khi thành phố mới giải phóng.
Trần Bạch Đằng là người có tầm nhìn chiến lược. Trong các
công trình nghiên cứu khoa học cách đặt vấn đề, phản biện, những lý giải phân
tích và đúc kết luôn mang tầm khái quát sáng tạo, thông tuệ, mới mẻ, thuyết phục.
Và hiển nhiên với phương pháp tư duy rộng thoáng, lý luận sâu
sắc, lối viết giản dị, trong sáng, lôi cuốn cùng với sự trải nghiệm cuộc sống,
các tác phẩm Ngày về của ngoại, Ván bài lật ngửa, Chân dung quản đốc, Ông
Hai cũ, Bác Sáu Rồng… của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý đã làm say mê bao
lớp người đọc một thời.
Dân Nam Bộ thường nói Nam Bộ có ba chiến đấu viên họ Trần mà
trí tuệ và những đóng góp cho thành phố nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung
đáng cho hậu thế ngưỡng mộ. Đó là Trần Văn Giàu- Một nhà yêu nước, một
nhà cách mạng, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu uyên thâm, ông đã có nhiều đóng
góp cho cách mạng miền Nam, nhiều công trình để đời và là người thầy của bao thế
hệ thầy dạy và nghiên cứu khoa học. Đó là Thượng tướng Trần Văn Trà, người
con của mảnh đất khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử, trải qua khắp chiến trường oanh liệt
mà tâm hồn vẫn minh triết, trí, tuệ:
“Ra đi hai bàn tay trắng
Trở về một dải giang san
Trăng xưa hạc cũ dòng sông lặng
Mây nước yên bình, thiên mã thăng”
Và Trần Bạch Đằng, một nhà cách mạng thông thái trên nhiều
lĩnh vực. Sài Gòn, Nam Bộ với ba Trần, mỗi người có một vẻ tài hoa, đóng góp
trí tuệ và công sức riêng cho cuộc kháng chiến, xây dựng thành phố và cho đất
nước.
Trong tập ký ức này, ở mục “Tôi làm báo”, ông viết: “Tôi
chưa bao giờ tự coi mình là nhà báo chuyên nghiệp, tôi xem báo chí là trận địa
mà tôi ưa thích, viết báo với tất cả hứng thú sẽ cùng đi với tôi cho đến khi
tôi không còn viết được”.
Với tư cách là người đọc, tôi không đồng ý với ông về nhận định
này, bởi ông đã bỏ cả đời ra để làm báo, từ báo tường, báo nói, báo viết, từ
thuở báo chí kháng chiến còn sơ khai đến báo chí phát triển sau này.
Trong kháng chiến, ông là một trong những người đầu tiên gầy
dựng, lãnh đạo và thực hiện nhiều việc liên quan đến báo chí. Thời hòa bình,
ông là một trong những người viết báo khỏe nhất. Có thể thấy đều đặn trên các tờ
báo từ trung ương đến địa phương: Nhân Dân, Lao Động, Sài
Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Công An,… Ông
viết khỏe hơn thanh niên, viết báo với một phong cách khoa học, có lịch làm việc
đều đặn mà mọi người phải nể phục. Những bài viết của ông luôn có những phát hiện
khơi gợi mới mẻ gây sự hứng thú, thu hút, lôi cuốn, gợi lên nhiều điều suy ngẫm
nơi người đọc. Phải nói ông là một nhà báo chuyên nghiệp, làm báo không chỉ bằng
trí tuệ mà còn bằng tấm lòng và bằng con tim thao thức với nhịp sống của nhân
sinh và thời đại.
Cảm động nhất trong Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức khi
ông còn viết về cuộc Tiễn đưa một nửa thân mình. Tiễn đưa người vợ vô
cùng thân thương, một người bạn, một người đồng chí gần gũi nhất về bên kia thế
giới như tiễn đưa một nửa con người của chính mình. Bởi nửa thế kỷ chung sống với
nhau, hơn ai hết ông hiểu và tự hào về tấm lòng của bà đối với đất nước, với Đảng;
tự hào về nhân cách sống ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn bởi chiến tranh và những
năm đầu sau giải phóng; sự thủy chung trọn vẹn với chồng; tình cảm yêu thương đối
với con cháu.
Lớp hậu sinh chúng tôi, với tư cách là công dân trẻ thành phố
những năm đầu sau giải phóng, vẫn nhớ như in những buổi nói chuyện của ông thu
hút và “hớp hồn” hàng ngàn thanh niên thành phố tại khuôn viên số 4 Duy Tân, bấy
giờ là Câu lạc bộ Thanh niên. Và từ những bài học Tuổi trẻ, lý tưởng, niềm
tin và hy vọng ấy,… lớp trẻ chúng tôi phơi phới nhập cuộc với lý tưởng và hoài
bão đầy chất lửa và thơ được ông truyền cho trong suốt hành trình tuổi trẻ của
mình. May mắn là người tiếp cận bản thảo đầu tiên được hoàn thành nhờ sự tận tụy
và tấm lòng của các trợ lý thân thiết của ông như chị Trần Thị Ngọc Lan và anh
Nguyễn Thiện Chiến..., tôi thật sự xúc động về cuộc đời 80 năm sôi nổi bềnh bồng
của một người mà “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.
Đọc những trang Cuộc đời và ký ức của ông, lịch sử
cận hiện đại Việt Nam hiện ra sống động, oanh liệt vì trong đó có một
trái tim đang đập. Phải nói tận đáy lòng, thế hệ trẻ thành phố chúng tôi diễm
phúc có ông không chỉ với tư cách từng là người lãnh đạo Thành Đoàn trong phong
trào đấu tranh đô thị của tuổi trẻ thành phố thời chống Mỹ mà còn với tư cách của
bậc lão thành cách mạng, một người anh, người bạn lớn của tuổi trẻ thành phố.
Sau ngày hòa bình lập lại ông luôn dõi theo, động viên, nhắc nhở thậm chí phê
bình các cán bộ Đoàn chúng tôi trong công tác lãnh đạo phong trào thanh niên đô
thị thời kỳ mới. Trong công tác báo chí, xuất bản ông luôn sát cánh cùng chúng
tôi với tư cách cộng tác viên và hơn thế với tư cách người nhà (như nhiều lần
ông đã tự nhận). Đọc Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức chúng tôi hiểu
vì sao ông gắn bó và yêu mến thế hệ trẻ đến thế bởi đó chính là vì ông yêu
chính tuổi trẻ của mình.
Xuất bản tập sách Trần Bạch Đằng - Cuộc đời và ký ức nhân
dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông, chúng tôi xem đây như là món quà tri ân của
tuổi trẻ thành phố với tất cả lòng kính trọng và yêu quí nhà cách mạng lão
thành, nhà văn hóa lớn, người bạn lớn thân thiết của tuổi trẻ thành phố - Trần
Bạch Đằng.
Tháng
6 - 2006
Quách Thu Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét