Cảnh đẹp Thăng Long thời Tây Sơn
Chùm thơ Đoàn Nguyễn Tuấn viết về cảnh vật thành Thăng Long,
là một tập thơ kiệt tác trong kho tàng văn học chữ Hán nước ta. Tập thơ gồm
28 bài, như 28 vì sao khuê, nhị thập bát tú, tiếc thay trong Hải Ông Thi
tập, nxbKHXH. 1982 chỉ in lại có 23 bài, tôi xin dịch thơ đường luật hết
23 bài ấy để giới thiệu những hạt ngọc trong thi ca Việt Nam chưa được lưu ý đến.
Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu là Hải Ông, quê làng Hải An, huyện Quỳnh
Côi, tỉnh Thái Bình, là con trai Thám hoa Đoàn Nguyễn Thục (1718-1775) con rễ
Quốc lão Nhữ Đình Toản (1703-1774) triều Lê, và là anh vợ thi hào Nguyễn Du
(1766-1820).
Thuở nho sinh ông kết thân cùng Nguyễn Nể, Phan Huy Ích, Ngô
Thời Nhiệm, Vũ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Ninh Tốn, Võ Tá Định, Nguyễn Gia Cát.. và
nhóm bạn hữu này về sau nhiều người cùng tham gia giúp triều Tây Sơn.
Ông thi đỗ Hương cống đời Lê Cảnh Hưng, nhưng không ra làm
quan triều Lê - Trịnh, mà sau đó lại ra làm quan triều Tây Sơn.
Năm 1788 được tiến cử, ông được vua Quang Trung trao chức học
sĩ Viện Hàn Lâm cùng một lần với Ngô Vi Quý người làng Tả Thanh Oai.
Sau chiến thắng Đống Đa 1789, ông được cùng Nguyễn Nể (hay Đề)
(1745-1805) tiếp sứ bộ nhà Thanh, cùng Nguyễn Nể. Trong một bài thơ tặng đáp sứ
nhà Thanh, ông giới thiệu Nguyễn Nể là “Đỉnh cao thi trận nước Nam“
Mùa hạ năm Canh Tuất (1790) ông được cử đi sứ trong sứ bộ
Phan Huy Ích cùng Vũ Huy Tấn, năm đó ông tròn 40 tuổi. Sứ bộ gồm 150 người, có
vua Quang Trung giả do Phạm Công Trị thay thế, có hoàng tử Nguyễn Quang Thùy,
tướng Ngô Văn Sở, một ban hát 10 người, cống phẩm còn có hai con voi đực,
cuộc đi sứ 6 tháng 14 ngày, nhà Thanh phải hao tổn 800 000 lạng bạc
cho cuộc tiếp rước một sứ bộ đông đảo, trang trọng chưa từng thấy trong lịch
sử, vì bình thường các sứ bộ chỉ khoảng 30 người.
Sau khi về ông được phong Lại Bộ Tả Thị lang (tương đương với
chức Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ ngày nay) tước Hải Phái hầu. Năm 1794 ông được lệnh
vào Phú Xuân, trước khi lên đường ông có làm thơ xướng họa với bạn bè ở Bắc
Thành trong đó có Nguyễn Du.
Khi Triều đình Tây Sơn quyền hành về tay Thái sư Bùi Đắc
Tuyên, xảy ra cuộc biến loạn, quân sư Trần Văn Kỷ bị đày làm lính thú ở Hoàng
Giang, tướng Vũ Văn Dũng đem quân về giết cha con Bùi Đắc Tuyên và tướng Ngô
Văn Sở. Phan Huy Ích thảo chiếu thay vua Cảnh Thịnh giảng hòa hai tướng Vũ Văn
Dũng và Trần Quang Diệu. Sau đó Phan Huy Ích lui về cạnh hồ Kim Âu (Bích Câu) mở
Bảo Chân quán tu đạo Lão, lập nhà học, Phan Mậu Hiên, Tốn Phong dạy nơi này.
Ngô Thời Nhiệm trở về nhà cũ cũng tại Bích Câu, tu Phật thành Đại thiền
sư Hải Lượng viết Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh được tôn xưng là Trúc Lâm Đệ Tứ
tổ. Nguyễn Nể đang giữ chức Hữu Trung Thư, thầy dạy và quân sư cho vua Cảnh Thịnh,
phải tìm cách tránh xa Phú Xuân, xin đi trấn đóng đất thang mộc Tây
Sơn, Quy Nhơn, sau đó được cử làm Chánh Sứ đi mừng lễ truyền ngôi vua Càn Long
cho vua Gia Khánh, khi trở về lại xin đi xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ
An. Còn Đoàn Nguyễn Tuấn lui về Quỳnh Hải làm một ngôi nhà sàn giữa vườn hoa gọi
là Phong Nguyệt Sào (Tổ gió trăng) ở đấy để ngâm vịnh tự gọi là Sào Ông, ông ví
mình với Sào Phủ. Cùng thời gian này Nguyễn Du cũng ở Quỳnh Hải từ 1797 đến
1802, dạy học, dạy văn dạy võ chiêu tập thủ hạ. Khi vua Gia Long ra Bắc, Nguyễn
Du từ Quỳnh Hải đem thủ hạ và lương thực, bò ngựa tiếp rước. Gặp gỡ vua Gia
Long tại huyện Phù Dung trấn Sơn Nam. Nguyễn Du được phong Tri huyện nơi này. Sự
kiện giống như Phi Tử thời Chiến Quốc dâng ngựa cho vua Hiếu Vương nhà Chu được
phong chức Phụ Dung, nước phụ chư hầu, nên Nguyễn Du có danh hiệu là Phi Tử.
Nguyễn Hành trong bài Đi Săn có nhắc đến bút danh này.
Năm 1803, sau khi vua Gia Long lên ngôi, Ngô Thời Nhiệm, Phan
Huy Ích và các quan cộng tác Tây Sơn bị Đặng Trần Thường đem ra đánh tại Văn Miếu,
không thấy có Đoàn Nguyễn Tuấn. Bài thơ Đoàn Nguyễn Tuấn viết
năm 1799, Gửi tri âm nơi Viện cũ, Viện Hàn Lâm, năm 1799 ông viết “Thu
sau, ngựa sẽ trở về làng“. Có lẽ ông đã về hưu trí từ năm 1800, lúc ấy ông mới
50 tuổi. Cuộc đời ông làm quan cho Tây Sơn như thế được 12 năm. Không có
tài liệu nào cho biết ông mất năm nào.
Đoàn Nguyễn Tuấn để lại tập thơ duy nhất là Hải Ông thi tập gồm
241 bài gồm 236 bài thơ Đường Luật và 5 bài phú, hành.
Tập thơ chữ Hán cuả ông là một tuyệt tác trong kho tàng văn
chương chữ Hán Việt Nam, cho thấy tác giả là một người trầm mặc, thanh tao,
chân thành, giản dị, yêu quê hương tổ quốc, hình tượng nghệ thuật trong sáng,
ít điển tích; câu thơ chải chuốt thanh thoát gợi cảm. Trong những bài đó, có một
số vài trực tiếp hay gián tiếp ca ngợi triều đại Tây Sơn, vua Quang Trung và
quang cảnh đất nước dưới triều đại mới một cách chân thành và hào hứng ví dụ những
bài: Qua Nhị Hà xem doanh lũy cũ của quân Bắc, Sáng sớm ngày 27-11 hạ được
thành mừng làm thơ, Đề bức tranh rồng uống nước, Cảnh sắc sau cơn mưa bão, Phụng
hầu xa giá nhà vua thân chinh, kính ghi, Trên sông Nguyệt Đức, nhớ xưa, hai bài
Đáp vấn..
Khi triều Tây Sơn lủng củng thì ông đau buồn, thương tiếc: Thánh
hiền sao nước nghìn năm vững. Nhân bạo tồn vong nửa ván cờ. bài Cuối năm tới
kinh đô Phú Xuân. (Thánh hiền an đắc thiên niên quốc. Nhân bạo đồng quy bán cực
kỳ. bài Thế mạc đáo Xuân kinh)
Tiếc thay toàn tập thơ Đoàn Nguyễn Tuấn đều bằng chữ Hán.
Trong bài viết này tôi xin chuyển ngữ, dịch thơ theo thể thơ Đường luật nguyên
tác, để cho ngày nay chúng ta có thể thưởng thức 23 bài thơ kiệt tác Đoàn
Nguyễn Tuấn tả cảnh vật Thành Thăng Long thời ông sống, những bài thơ thuộc
dòng văn học Tây Sơn với những đỉnh cao Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nể,
Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Ninh Tốn, Nguyễn Huy Lượng..
CỜ THÀNH TRONG NẮNG SỚM: Thành Thăng Long được vua Lý Thái Tổ
dời đô từ Hoa Lư, xây dựng từ năm 1010. Trước đó là Phủ Tống Bình thời nhà Đường.
Năm 866 tướng Cao Biền xây thành Đại La. Năm 1787 nhân chúa Trịnh Bồng bỏ trốn, vua Lê Chiêu Thống cho người đốt cháy toàn thể cung điện Phủ Chúa Trịnh đã xây
dựng trong 243 năm. Năm 1804 vua Gia Long sai Tổng Trấn Nguyễn Văn Thành
phá thành cũ xây thành mới nhỏ hơn. Cờ thành vẫn nằm trong vị trí cột cờ
ngày nay.
Công phu xây dựng thay cho máy tạo hóa. Trông cao chót vót vượt
hẵn lầu năm cửa. Nơi vua ở có 5 cửa là: Cao môn, Khô môn, Ứng môn, Trĩ môn, Tất
môn, trên mỗi cửa có nhà lầu. Cao vút trăm thước sừng sững chống trời. Trỏ
thẳng tầng mây, rực rỡ đỏ vầng dương. Tiến triều mở ra đúng khi gió phất. Bãi
triều cuộn lại sương móc cũng vừa xuống. Muôn năm chiêm ngưỡng, chúc tụng
khôn cùng. Ánh dương không tắt ngọn cờ còn mãi.
CỜ THÀNH TRONG NẮNG SỚM
Xây dựng công phu thay hóa công,
Lầu cao năm cửa ngất trời trông,
Vút cao trăm thước cột trời chống,
Trỏ thẳng tầng mây rực ánh hồng,
Triều tiến mở ra khi gió phất,
Bãi triều cuộn lại móc vừa lan.
Chiêm ngưỡng muôn năm lời chúc tụng,
Ánh dương không tắt, ngọn cờ còn.
THÀNH KỲ QUẢI HÚC
Kiến tác công phu đại hóa ky,
Ngũ môn lâu ngoại vọng nguy nguy.
Cao tiêu bách xích kình thiên lập,
Trực chỉ trùng tiêu ủng nhật huy.
Tiễn cận khai thời phong chính phất.
Bãi triều quyển sứ lộ sơ hi.
Ức niên chiêm ngưỡng vô cùng tụng,
Bất túc dương quang, bất bạt kỳ.
TIẾNG TRỐNG BÁO CANH: Trên thành Thăng Long, mỗi khi đồng
hồ nước báo sang canh đều có tiếng trống. Trong cung điện cũng có tiếng
chuông, mõ báo giờ giấc. Bài thơ này cho ta biết được cách báo giờ giấc ngày
xưa trong thành Thăng Long và cung điện vua khi chưa có đồng hồ Tây Phương. Giờ giấc được báo bằng chiếc hồ đồng khắc 12 vạch, nước chảy nhỏ giọt, đổ
nước vào, nước cạn một khắc là một canh. Một canh ngày xưa là 2 giờ ngày
nay. Một ngày có 12 canh, gọi theo 12 con vật tuổi. Nửa đêm là canh tý,
giữa trưa mặt trời đứng bóng là canh ngọ, đêm có năm canh, gà gáy vào
canh năm. Do đó giờ giấc ngày xưa chỉ tương đối, không chính xác như ngày nay.
Tiếng pháo đầu xuân, cùng tiếng trời thu. Không dằng dặc như
tiếng trống canh trên lầu. Vang hòa chiêng mõ coi việc giờ giấc trong cung.
Đánh tan gió sương báo rõ thời khắc trong đêm. Tiếng vượt qua mấy lần thành
kinh động tổ nhạn. Âm vang khắp dòng sông Nhĩ Hà vọng đến thuyền chài. Gọi là
sông Nhĩ Hà vì sông chảy qua thành Thăng Long như vành tai, nhưng mọi người
quen gọi lầm là sông Nhị. Canh tàn ít nhiều gợi nỗi niềm nhớ quê. Lặng nghe mặt trời nhô lên ngoài song phía đông.
TRỐNG BÁO SANG CANH
Cùng tiếng trời thu pháo trúc xuân,
Mênh mang chẳng giống trống lầu canh.
Vang hòa chiêng mõ giờ cung cấm,
Tan tác gió sương rõ khắc đêm.
Tiếng vượt thanh cao kinh tổ nhạn,
Âm vang sông Nhị vọng ngư thuyền,
Canh tàn gợi chút niềm quê cũ,
Lặng đón vầng đông ánh sáng lên.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LÂU CỔ TRUYỀN CANH
Bộc trúc sơ xuân, thiên tại thu,
Du du bất tự cổ canh lâu.
Minh hòa chính đạc tư cung lậu,
Kích toái phong sương báo dạ trù.
Thanh quá trùng thành kinh nhạn ổ,
Hưởng cùng Nhĩ thủy đối ngư chu.
Canh lan đa thiểu hương quan tứ,
Thính đắc đông song, nhật xuất đầu.
CẢNH DÂM ĐÀM CHUỘI TƠ: Dâm Đàm, đầm sương mù là một
tên khác của Hồ Tây. Có làng Nghi Tàm, do thời Lý nhà vua Lý Thánh
Tông cho, thải bớt số cung nữ trong cung, gã chồng cho ra đây làm nghề nuôi tằm
dệt lụa.
Sắc nước Dâm Đàm gợn lên lăn tăn. Đứng trên cầu xem chuội lụa. Màu thắm hang rồng phô nơi bến lụa. Bến lụa dịch từ chữ ‘luyện chử‘, mang
hai nghĩa bến nước trong sạch như giải lụa trải ra và cũng có nghĩa là bến giặt
lụa. Hang rồng dịch nghĩa chữ ‘long oa‘. Người xưa cho rằng dưới vùng nước
sâu là hang ổ của rồng, Long Cung, cung điện của Thủy Tề Long Vương. Gấm vây
bãi Thước, giặt tại ghềnh Ngân. Gềnh Ngân dịch thoát từ chữ hà ky. Trong câu
thơ còn có chữ Thước phố, điển mỗi năm tháng bảy, mưa ngâu, Ngưu Lang và Chức Nữ
gặp nhau, chim Ô Thước (quạ đen) rụng lông đầu bắc cầu qua sông
Ngân Hà, để nàng dệt gấm gặp chàng chăn trâu. Sao Hôm xuất hiện đầu hôm phía
Tây Mặt Trời, sao Mai xuất hiện khi về sáng hướng Đông trước khi Mặt Trời mọc.
Thật ra hai sao chỉ là một tên gọi Kim Tinh, sao Hỏa, Hy Lạp gọi là Vénus, được
nhìn thấy ở hai góc độ khác nhau; Vénus là vì sao sáng nhất sau Mặt Trời
và Mặt Trăng. Tháng bảy trời mây mù, mưa phùn làm gì thấy sao, nhưng người Á
Đông lại tưởng tượng rằng, sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ gặp nhau nên khóc thành
mưa xuống, rồi lại chia tay. Tầm dâu lẽ sống, mình thường trong sạch;
ngày xưa khi phụ nữ thời kỳ có kinh nguyệt không đụng chạm đến tơ tằm. Sấm
sét phép lạ mà tay chẳng sần: dịch chữ ‘tích lịch kỳ phương‘, ý
nói tiếng đập giũ lụa vang như sấm sét mà tay chẳng chai sần. Chày sương nơi
nao lạnh lùng nện trăng. Tiếng chày đâp vải đêm làm ánh trăng lung linh trên
bóng nước. Tiếng chuội tơ trên hồ đáp lại làm não lòng người.
Dâm Đàm sắc nước gợn lăn tăn,
Đứng ngắm bên cầu chuội tơ tằm.
Màu thắm hang Rồng phơi bãi lụa,
Gấm vây bến Thước giặt ghềnh Ngân.
Tằm dâu lẽ sống thân trong sạch,
Sấm sét lạ kỳ tay chẳng sần.
Vang lạnh chày sương đêm vỗ nguyệt,
Chuội tơ tiếng đáp xót xa lòng.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
DÂM ĐÀM CÁN TY
Dâm đàm thủy sắc chính liên y,
Kiều thượng quan hoàn cán trạc thì.
Thái triệt long ca phô luyện chữ,
Cẩm hồi thước phố dục hà ky.
Tầm tang sinh lý tâm thường khiết,
Tích lịch kỳ phương thủ bất qui.
Hà xứ sương châm hàn đảo nguyệt,
Sầu nhân thanh đáp cán hồ ty.
CẢNH TRĂNG LAY QUÁN TRẤN VÕ. Quán Trấn Võ thờ vị Vũ
Đương Nguyên Quân Huyền Thiên Thượng đế, tay cầm bào kiếm, tả hữu có hai tướng
Long và Xá chầu. Quán ở thôn An Quang quay ra Hồ Tây. Triều Lý định đô đã lập
ra quán này để trấn phương Bắc, đền thờ Đạo Lão gọi là quán. Sang triều Lê, Trịnh
Tạc cho đúc tượng đồng đen: tượng thân dài 9 thước tây, nặng 6, 6 tấn.
Từ đỉnh báu hương bay quyện quanh khóm trúc. Dấu thiêng chân
nhân trấn giữ cõi Nam. Gương tỏa ánh tuệ in xuống bóng đầm (Hồ Tây). Trăng soi
sáng hạt sương đêm, chiếu lấp lánh ngọn cây. Chày kình, tiếng gõ trên mõ
hình con cá kình luôn khuấy động cõi Thiền tịch diệt. Hồn bướm cứ nhọc nhằn
vì mộng đời héo tươi, tích Trang Chu nằm mơ hóa bướm. Chi bằng một chèo
bơi trong gió mát, hát khúc Thương Lương để đáp lại tiếng chê cười.
Sách Mạnh Tử bài Nhụ tử ca: Nước sông Thương Lương trong ư? ta giặt dải
mũ ta! Nước sông Thương Lương đục ư? Ta rửa chân ta. Tiếng chê cười tích
Dương Hùng đời Hán viết bài Giải trào có câu: Hùng đương chép bộ Thái Huyền có
kẻ cười Hùng: ’Lấy huyền dùng bạch’ mà Hùng đối đáp được ngay gọi là giải trào
(giải đáp sự chê cười).
TRĂNG LAY QUÁN TRẤN VÕ
Đỉnh báu trúc xanh quyện khói hương,
Dấu thiêng Trấn Võ giữ Nam cương.
Bóng gươm, ánh tuệ in làn nước,
Trăng sáng cây rung động hạt sương.
Khuấy động chày kình tâm chẳng tịnh,
Nhọc nhằn hồn bướm mộng tàn vương.
Chi bằng chèo quế bơi trong gió.
Hát khúc Thương Lương, mặc ghét thương.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VŨ QUÁN SAO NGUYỆT
Bảo đỉnh hương phiêu triện trúc bào,
Chân nhân linh tích trấn Nam giao.
Kiếm quang ủng tuệ ngưng đàm ảnh,
Thiềm phách minh sương hướng thụ sao.
Tịch diệt thiên cơ kinh lũ động,
Vinh khô thế mộng điệp tần lao.
Bất như nhất trạo thanh phong lý,
Nhất khúc Thương Lương tự giải trào.
CẢNH MÂY ĐỨNG TRÊN ĐÌNH VĂN. Văn Miếu Quốc Tử Giám được
xây dựng từ Triều Lý, nơi đây lúc đầu các hoàng tử và các con quan từ nhất
phẩm đến tứ phẩm ra học, dần dần mở rộng cho mọi sĩ tử ưu tú.
Khoa danh bao đời còn ghi trong sử sách. Hãn thanh,
ngày xưa khi chưa có giấy, người ta đốt thẻ tre cho chảy mồ hôi, để viết chữ.
Nên gọi hãn thanh là sử sách. Qua cuộc biển dâu, đình văn vẫn như xưa. Cửa mở
ra đường thập đạp, bay cao mái gác. Song quyện lấy làn khói bay nhạt kết
bình phong. Vách nhà Quốc Tử Giám có nhiều song gỗ chạm thoáng mát, kết hợp với
khói như bức bình phong. Ân trạch xưa bồi đắp đất học hành. Kỷ cương mới thêm rạng
rỡ sao văn hiến. Dịch chữ Giàn thư tinh: Giản thư chỉ công văn giấy tờ sách vở,
ở đây tượng trưng cho nền văn hiến. Ban mai tươi sáng gặp gỡ mây lành. Cả nước
trông nhờ: mẫu khuôn đầy đủ.
MÂY ĐỌNG ĐÌNH VĂN
Bao đời sử sách chép khoa danh,
Văn hiến xưa nay vẫn miếu văn.
Thập đạo cửa ra cao mái gác,
Khói bay song quyện kết bình phong.
Đắp bồi ân trạch nơi nhà học,
Rạng rỡ kỷ cương bao sách văn.
Buổi sáng mây lành mừng gặp gỡ,
Trông nhờ cả nước mẫu khuôn hình.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
VĂN ĐÌNH TRỮ VĂN
Lịch đại khoa danh tự hãn thanh,
Thương lang y cựu nhất văn đình.
Môn đương thập đạo cao phi các,
Song túc phi yên đạm kết bình.
Ngọc trạch tích bồi danh giáo địa,
Hoàng cương tân bí giản thư tình.
Khánh vân tương kiến quang hoa đán,
Nhất quốc chiêm y cụ điển hình.
CA NỮ PHỐ HÒE NHAI, Hòe Nhai tên một phố nay gần phố Hàng
Than, các cô đầu phố này được Đoàn Nguyễn Tuấn mô tả là một đặc sắc của thành
Thăng Long.
Giọng oanh trăm chiều khéo lựa lời ca. Mắt đẹp đáng yêu
thường gợn sóng sông thu. Thu ba: mắt phụ nữ sáng đẹp như sóng mùa thu. Nhà cửa thanh nhã, tay nâng đàn sáo. Dáng đẹp yêu kiều gượng mang gấm vóc. Với
vóc dáng kiều diễm, bản thân các cô đầu đã đẹp lắm, cho nên trang phục gấm vóc
đối với người đẹp chỉ là sự gượng ép mà thôi, không phải cần gấm vóc mà vẻ
đẹp của các cô tăng lên. Tình xuân trăn trở buồn bả đêm trăng. Các cô hát mua
vui cho mọi người, nhưng đêm trăng đối diện với lòng mình các cô buồn bả trơ trọi
vì không mái ấm gia đình. Điệu cổ thê lương nghẹn ngào sáo trúc. Rung động lòng
người nhất là những chốn phong lưu. Một khúc Nam âm thảnh thơi xướng họa. Ngày
xưa các cụ phong lưu thi sĩ, có thú vui tao nhã làm thơ Nôm, Hát Nói, họp
các bạn thơ xướng họa, làm thơ; nhờ các cô đầu hát, đánh đàn, thổi sáo,
gõ phách giùm để cùng thưởng thức.
CA NỮ PHỐ HÒE NHAI
Trăm giọng oanh vang lựa tiếng ca,
Yêu làn mắt đẹp ánh thu ba.
Thanh tao nhà cửa nâng đàn sáo,
Uyển chuyển kiều nương gượng lụa là.
Trăn trở tình xuân sầu dưới nguyệt.
Thê lương tiếng trống điểm buồn xa.
Động lòng người tối phong lưu ấy,
Một khúc hát Nam cùng xướng hòa.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Bách chuyển oanh hầu xảo lộng ca,
Khả lân mỹ mục quán thu ba.
Tiêu sơ lư xá trì ty, trúc..
Uyển diễm kiều nương cưỡng ỷ la.
Triển chuyển xuân tình sầu dạ nguyệt,
Thê lương cổ điệu yết minh già.
Động nhân tối thị phong lưu xứ,
Nhất khúc Nam âm dật xướng hòa.
ĐÊM NƯỚC HỒ GƯƠM ÁNH LÊN SAO BẮC ĐẨU. Bao năm Vua Lê Lợi khởi
nghĩa cờ, việt để chiếm lại Đông Đô tức thành Thăng Long. Mao là cờ bạch mao.
Việt là cây dáo dài có gắn thêm một lưỡi búa phía dưới. Vua Võ Vương khi chỉ
huy quân đánh nhau với vua Trụ nhà Ân, tay tả cầm bạch mao, tay hữu cầm việt, về
sau người ta dùng hình ảnh này để nói quyền chỉ huy nhà vua khi xuất
chinh. Rồng đi Lam Sơn, còn kiếm để lại hồ. Vua Lê Thái Tổ linh cửu được đưa về
an táng lại lăng tẩm Lam Sơn, Thanh Hóa nơi quê quán nhà vua. Thanh kiếm Thuận
Thiên đã được rùa vàng đớp lấy mang xuống đáy hồ. Lưỡi báu sáng chìm lưỡi
gươm ba thước (ta). Vùng sao Ngưu (sao Hôm) trong suốt một doành châu. Điển gươm
báu Phong Thành và từ Đẩu Ngưu chi khư trong bài Đằng Vương các tự của Vương Bột.
Khi tả sự hùng tráng của quân đội, người xưa thường dùng hình ảnh «Quân
ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu». Ánh sáng thanh kiếm của quân ta sáng
át cả sao Ngưu, sao Đẩu. Sao Hôm và sao Bắc Đẩu hai vì sao sáng nhất trong bầu
trời. Hoa nở sắc xuân vui mừng vì nhiều phen chiến thắng. Đoàn Nguyễn Tuấn
có ý nói đến chiến thắng vua Quang Trung vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Sương
rớt tiếng thu dường nỉ non tiếng khóc giặc tù. Cuộc chiến thắng vua Quang Trung
bắt được nhiều tù binh. Để nối lại bang giao tất cả đều được trao trả về Trung
Quốc. Trải qua bể dâu, hồ vẫn y nguyên. Oai trời còn vẽ bức tranh mây nước.
Đoàn Nguyễn Tuấn so sánh cuộc chiến thắng vua Quang Trung cũng như chiến
thắng vua Lê Thái Tổ.
HỒ GƯƠM ÁNH LÊN SAO ĐẨU
Bao năm cờ việt dẹp Đông Đô.
Rồng đến Lam Sơn, kiếm tại hồ.
Lưỡi báu sáng chìm gươm ba thước,
Sao Ngưu trong suốt một doành châu.
Hoa bừng xuân sắc mừng công trận,
Sương rớt thu buông khóc tiếng tù.
Trải cuộc bể dâu, hồ vẫn thế,
Oai trời còn vẽ Thủy Vân đồ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KIẾM HỒ XẠ ĐẨU
Thập niên mao, việt tỉnh Đông Đô.
Long khứ Lam Sơn, kiếm tại hồ.
Bảo diệm quang trầm tam xích ngạc,
Ngưu khư oánh triệt nhất hoằng châu.
Hoa khai xuân sắc hoan trùng khải,
Sương lạc thu thanh khốc tặc phù.
Thương hải tang điền hồ tự nhược,
Thiên uy do họa thủy vân đồ.
CẢNH KHÓI TỎA LÀNG BÁT TRÀNG. Làng Bát Tràng thuộc huyện
Gia Lâm ở tả ngạn sông HGồng, nổi tiếng nghề làm đồ gốm, đồ sứ, gạch, ngói.
Sông Lô bên trái thành Thăng Long, một tên khác của sông Nhĩ
Hà, Nhị Hà, sông Hồng. Sông Lô xuôi về Nam, dòng thăm thẳm mênh mông. Đứng cách
bờ sông trông sang làng Bát Tràng mờ mờ. Đồ vật nhà Ngu làm ra, lợi cho việc
trao đổi. Nhà Ngu chỉ triều đại vua Thuấn đời thượng cổ Trung Quốc, khi Thuấn
còn hàn vi, từng làm nghề nung nặn đồ gốm. Mây nước Sở không cần mưa cũng thường
tự bay cao. Mây nước Sở, Đoàn Nguyễn Tuấn đùa: Ý nói có mây mà không có
mưa. Mây mưa tích Sở vân Sở vũ. Chuyện vua Sở Hoài Vương đi chơi đầm Vân Mộng
chiêm bao thấy thần nữ Vu Sơn đến hầu chăn gối ở Cao Đường, điển tích từ
bài phú của Tống Ngọc thời Chiến Quốc. Tốn Phong trong 31 bài thơ tặng Hồ
Xuân Hương có câu thơ cũng đùa: Ướm hỏi Cao Đường ai đoán mộng, Gió mưa
đài Sở được bao lần. Hỏi vị quan đoán mộng cho vua Sở Hoài Vương, có đoán được
nhà vua giao hoan với thần nữ Vu Sơn được mấy lần. Mái cong nhà kề sát nhau dọc
đê dài. Chở đất thuyền buồm về mang theo ánh nắng chiều. Chiếm cả cảnh đẹp
trăng gió bốn mùa. Qua lại buôn bán trên sông sóng khói.
KHÓI TỎA LÀNG BÁT TRÀNG
Dòng Lô thăm thẳm chảy về Nam,
Bờ cách, khói lên ngóng Bát Tràng.
Ngu Vật làm ra cho mậu dịch.
Sở Vân mưa vắng tự bay tràn.
Mái cong nhà sát ven đê dọc.
Đất chỡ thuyền buồm theo ánh dương.
Chiếm cả bốn mùa trăng gió đẹp,
Qua lại bán buôn trên khói sương.
BÁT TRÀNG LUNG YÊN
Lô hà Nam há thủy ương ương,
Cách ngạn đê mê vọng Bát Tràng.
Ngu khí tựu đào tư mậu dịch,
Sở vân vô vũ tự phiêu dương.
Phi hoăng tỵ ốc liên trường ngạn,
Tải thổ quy phàm quải tịch dương.
Chiếm đắc tứ thời phong nguyệt hảo,
Yên ba giang thượng vãng lai thương.
LŨY TRE THÀNH ĐẠI LA: Thành Đại La bao bọc ngoài thành Thăng
Long do Cao Biền xây từ cuối thế kỷ thứ VIII, thời Bắc Thuộc. Thời Đoàn Nguyễn
Tuấn còn lại một lũy tre dày.
Cây cao, cây thấp mãi bảo vệ sông núi này. Sừng sững
thành Đại La, vết chim hồng còn để lại. Dấu chim hồng dùng chữ thơ Tô
Đông Pha bài Dẫn từ hoài cựu: Nhân sinh đáo xứ tri hà tự. Ung tự phi hồng
đạp tuyết nê. Cuộc đời giống tựa như gì nhỉ? Giống dấu chim hồng trên
tuyết rơi. Hình thế kho trời, then khóa chia quyền nắm giữ. Như một đám mây
xanh trải khắp lá cành. Khói sương lam soi xuống dòng Lô cả ba tháng xuân. Kèn
trại Tế Liễu lay động làn sương suốt năm canh. Tế Liễu là nơi Chu Á Phu đời Tây
Hán đóng quân chống Hung Nô quấy rối biên giới; vua Văn Đế đi ủy lạo quân sĩ thấy
đồn trại kiên cố, hiệu lệnh nghiêm minh khen: “Thực đáng tài tướng quân”. Tế Liễu chỉ nơi phòng thủ kiên cố thành Đại La. Việc đi lại đổi khác, mà
thành quách vẫn còn đây. Tiếng quyên khóc, tiếng oanh ca đã mấy lần rồi.
LŨY TRE THÀNH ĐẠI LA
Cây cao, cây thấp trấn sơn hà,
Sừng sững dấu hồng thành Đại La.
Hình thế kho trời then khóa giữ,
Mây xanh một đám trải la đà.
Ba xuân soi bóng Lô giang khói,
Năm khắc tiếng kèn Liễu trại đưa.
Qua việc người đời thành vẫn thế,
Oanh vang, quyên khóc mấy lần ca.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Cao đê trường thử trấn sơn hà,
Hồng trảo di tung ngật Đại La.
Thiên phủ hữu tình phân tỏa thược,
Thương vân nhất phiến biến điều kha.
Tam xuân triện cánh Tô Giang thủy,
Ngũ dạ sương minh Tế Liễu già.
Sự vãng, nhân phi, thành quách thị,
Kỷ hồi quyên khấp, hưu oanh ca.
CẢNH RUỘNG HOA LÀNG VÕNG THỊ: Làng Võng Thị tức làng Vó ở
ngay ven sông. Nơi đây thời Đoàn Nguyễn Tuấn có trồng tám mẫu toàn là hoa, đủ
loài hoa lạ. Thời thanh bình khắp các cánh đồng đều trông dâu gai, để nuôi tằm
dệt lụa. Nhưng làng Võng Thị lại trồng hoa, là nguồn sống cả làng, hoa nở đầy mặt
đất. Tám mẫu ruộng mầu, nhiều chỗ đất thuần. Muôn hoa xuân tới đều trổ bông lạ.
Quần phương chỉ mọi loài cỏ hoa thơm. Đời Minh có soạn cuốn Quần phương phả để
ghi các loại thảo mộc, hoa lá. Triều đình Huế, tại Duyệt Thị Đường đời Tự Đức
có vở tuồng Quần Phương Hiến Thụy gồm 100 hồi, diễn trăm buổi. Vẻ tươi khôn
giam nơi u tịch. Ý dùng câu thơ Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị: Thiên sinh lệ
chất, nam tự khí (Trời) sinh ra người đẹp đâu chịu bỏ hoài. Hoa tươi đẹp rốt
cuộc về nhà giàu sang. Hoa bán cho người giàu sang có tiền mua. Sẵn có
sông Tô Lịch, tiện bề tiêu tưới. Qua đông sương giá, hoa lại nở rỡ ràng.
RUỘNG HOA LÀNG VÕNG THỊ
Thời bình đồng rợp bóng dâu gai,
Nguồn sống dân làng hoa khắp nơi.
Tám mẫu ruộng mầu nhiều đất tốt,
Muôn hoa xuân tới trổ hoa tươi.
Vẽ xinh khôn ở nơi u tịch,
Sắc đẹp về nhà phú quý chơi.
Sẵn có sông Tô luôn tưới mát,
Qua đông sương giá lại càng tươi.
VÕNG THỊ HOA ĐIỀN
Thời bình, biến dã ế tang ma,
Nhất ấp sinh nhai mãn địa hoa.
Bát mẫu địa phì đa nõn thổ,
Quần phương xuân cập thổ kỳ ba.
Thiều tư nan cấm u nhàn địa,
Diễm sắc chung qui phú quí gia.
Tự hữu Tô giang tư quán tẩm,
Hàn sương đông quá, hựu phồn hoa.
KHÓA SINH TRƯỜNG GIÁM. Nhà Giám hay Trường Giám, nhà nằm phía
sau đình văn, nơi thờ Khổng Tử, các tiên hiền, Chu Văn An trong Văn Miếu
Quốc Tử Giám, nơi đào tạo nhân tài qua các triều đại ngày xưa.
Kinh Dịch ở quẻ Thoán nói: “Tổn thượng ích hạ, dân duyệt vô
cương, tự thượng há hạ, kỳ đạo đại quang.” Bớt trên thêm cho dưới, dân
vui khôn xiết, từ trên xuống dưới đạo rất sáng tỏ. Bọn ta (Nho sĩ) vốn tự có sẵn
cội nguồn. Xuân ấm trường xưa quay quần học tập. Trường xưa (cựu phán),
trường học các nước chư hầu gọi là Phán cung. Phán Cung dựng lên ở giữa một cái
ao, học trò vòng quanh nghe giảng. Kinh Thi nói: Tư lạc Phán thủy, bạc
thác kỳ cần. Nhớ khi vui với nước bên cung Phán thường cùng hái rau cần. Luôn
rèn nếp mới: chú trọng luận bàn. Thời Đoàn Nguyễn Tuấn đã không còn chỉ học từ
chương, học thuộc lòng, mà đã chú trọng luận bàn. Ngỏ hẽm nhiều năm nức tiếng học
trò. Sân rồng hẹn ngày đáp lời vua hỏi. Thi Đình tại Triều Đình nhà vua đích
thân hỏi các Thí sinh đã đỗ qua khi thi Hương, thi Hội, nhà vua ra đề thi, hỏi
thí sinh việc trị quốc. Người được nhà vua chấm đỗ Tiến sĩ, được ban dĩa
vàng, chén ngọc, áo mũ vinh quy bái tổ. Lòng trời muốn mở Hội Văn Minh. Năm
canh sao Khuê rực sáng cửa trường. Sao Khuê là một trong hai tám vì sao, chủ văn chương, học hành. Năm 1805 Vua Gia Long cho dựng gác Khuê Văn.
KHÓA SINH TRƯỜNG GIÁM
Bớt thêm đắp đổi, đạo càng tinh,
Vốn sẵn nơi ta tự cội nguồn.
Xuân ấm trường xưa cùng học tập,
Luyện rèn nếp mới luận bàn văn.
Ngõ hẹp nhiều năm vang tiếng học,
Sân rồng hẹn đối đáp quân vương.
Lòng trời muốn mở văn minh đến,
Năm khắc sao Khuê rực cổng trường.
GIÁM MÔN KHÓA SĨ
Tổn tích tương hồi, đạo dũ tôn,
Ngô nhân tố tự hữu uyên nguyên.
Xuân dung cựu phán hoàn quan thính,
Thời tập tân qui trọng thảo luân.
Lậu hạng đa niên phi sĩ vọng,
Đại đình chỉ nhật đối vương ngôn.
Thiên tâm tương khải văn minh vận,
Ngũ dạ Khuê tinh sáng học môn.
CẢNH CHÙA CHÂU LÂM SAU CƠN MƯA: Chùa Châu Lâm ở phía Nam Hồ
Tây, sau bị phá và chuyển sang Thụy Khuê thành chùa Bà Đanh. Sau đó lại sáp nhập
với chùa Phúc Lâm.
Mưa tạnh nắng bừng, rừng xuyên ánh sáng. Cơ mầu chân thực như
thấy lòng trời. Trâu chìm tăm bặt, ánh hồ phẳng lặng. Trâu chìm: tích nhà sư Lý
Minh Không đời Lý đi quyên đồng bên nước Tống về, đúc quả chuông lớn (một trong
An Nam tứ đại khí). Nhưng do dùng toàn thứ đồng mẹ cả, nên khi thử tiếng, trâu
vàng (kim ngưu) ở Trung Quốc thuộc về loại đồng con, nghe tiếng đồng mẹ, bỏ chạy
thẳng về Nam. Khi tới Hồ Tây tiếng chuông dứt rồi, trâu không biết đi đâu, liền
lăn lộn biến thành cái vũng trâu dầm tức là Hồ Tây. Thật sự Hồ Tây có nguồn gốc
do một đoạn sông Hồng bị đổi dòng. Năm 1920 dân ba xã An Phụ, An Quang,
Đông An đắp con đường Cổ Ngư ngăn đôi ra, bên Đông gọi là hồ Trúc Bạch, bên Tây
vẫn gọi là Hồ Tây. Phượng đi đài trống cỏ xanh um. Ngày xưa chỗ khu đất trường
Bưởi, Chu Văn An có xây Đài Phượng trên đất gò Mõ Phượng (Phượng Chủy) ở phía
Nam Hồ Tây làm chỗ hóng mát cho vua chúa. Khói nhẹ trong thôn bay phớt trên mặt
nước, Cây xanh trước tháp tỏa bóng râm trên hoa. Một bầu thế giới sạch làu như
rửa. Không vướng một nửa hạt bụi đen.
CẢNH CHÂU LÂM SAU CƠN MƯA
Mưa tạnh nắng bừng rừng sáng tươi,
Cơ mầu chân thực thấy lòng trời.
Trâu chìm tăm bặt hồ im bóng,
Phượng vắng đài không cỏ biếc ngời.
Khói nhẹ làng thôn bay mặt nước,
Cây xanh trước tháp mát hoa cười.
Một bầu thế giới mưa tuôn gội,
Chẳng chút bụi trần bám đất trời.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
CHÂU LÂM VŨ HẬU
Tễ vũ tinh khai tế nhật lâm,
Chân cơ hoảng nhược kiến thiên tâm.
Ngưu trầm tông dẫn hồ quang tĩnh,
Phượng khứ đài không, thảo sắc thâm.
Thôn ổ khinh yên phù thủy đạm,
Tháp tiền thương thúy lạc hoa âm.
Nhất hồ thế giới quang như tẩy,
Bất giả truy trần bán điểm xâm.
Trời tạnh ngắm miền Tây khí lên ngùn ngụt như hun. Mây
trên núi Tản ẩn hiện mơ màng. Ngấn đá ba tầng bao la mờ mịt. Sắc núi lưng trời
khí tốt chan chan. Vòng đất xoay vòng thuộc vùng sao Dực, Chẩn. Nước Việt ở
vùng thuộc sao Dực, Chẩn. Cột trời phân biệt mạch tự Côn Lôn. Dãy núi Côn Lôn ở
phía Tây Trung Quốc gần Tây Tạng, người xưa quan niệm trái đất hình vuông, có
núi cao làm trụ chống trời. Sách Hán Thư chép vua Hán Vũ Đế thăm núi Tung Sơn,
núi Trung Nhạc chính giữa trong Ngũ Nhạc, bỗng nghe tiếng hô Vạn Tuế ba lần.
người đời cho rằng là thần núi hiển linh. (Văn bản thiếu ba chữ này tôi thêm
vào). Lưng đèo Tung Sơn nghe tiếng hô vạn tuế. Vẻ lành khí tốt, điềm vua ta sống
lâu.
NÚI TẢN TRONG MÂY
Quang tạnh trong mây núi ngút ngàn,
Mây trên núi Tản hiện mơ màng.
Ba tầng ngấn đá bao la bóng,
Sắc núi lưng trời khí tốt lan.
Vòng đất xoay vòng sao Dực Chẩn,
Cột trời phân biệt mạch Côn Lôn.
Đèo dội Tung Sơn hô vạn tuế,
Vẻ lành khí tốt thọ quân vương.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TẢN LĨNH VÂN GIAN
Tây thùy tình vọng uất như huân,
Ẩn hiện đê mê Tản Lĩnh vân,
Tam cấp thạch ngân hồn ái đãi,
Bán không sơn sắc tự nhân uân.
Thiên tinh Dực Chẩn khôn duy chuyển,
Địa trục Côn Luân kiền trụ phân.
Nhai vọng Tung Sơn linh vạn tuế,
Tường quang gai khí thọ bang xuân.
BẾN ĐÒ LÀNG SÉT: Bến đò làng Sét tức làng Thịnh Liệt,
huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ở đây có một cái đầm lớn nhiều cá rô, thịt ngon nổi tiếng:
cá rô đầm Sét.
Cách thành vài dậm về phía Nam đó là bến Sét. Cây cối xanh
tươi vẫn còn nguyên vẻ xuân của bến đò xưa. Nước chỗ sâu, nông trải phẳng
ra ngàn khoảng. Người đi qua lại, tiện lợi nhờ một con đò. Bè quan chín nhịp
kéo dây rất gấp. Thuyền chè ba ván, khách được mời uống luôn. Trải bao phong
ba, chẳng có gì xảy ra. Lòng đầm như lụa, cỏ tựa như nhung. Bài thơ này cho ta
thấy một cách di chuyển qua sông của các quan ngày xưa, bến Sét có bè
chín nhịp dùng cho quan, có dây kéo qua sông cho nhanh. Có thuyền chè khách lên
thuyền được mời uống chè.
BẾN ĐÒ LÀNG SÉT
Vài dặm thành Nam bến Sét trông,
Bến đò muôn thuở vẻ xuân xanh.
Chổ sâu nông trải ra nghìn khoảng,
Qua lại người đi, đò bến sông.
Bè quan chín nhịp dây mau kéo,
Thuyền chè ba ván uống trà nhanh.
Giang hồ bao quản người vô sự,
Như lụa lòng đầm, cỏ tựa nhung.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LIỆT TÂN DÃ ĐỘ
Thành Nam số lý Liệt đàm tân,
Phương thụ y y cổ độ xuân,
Thiên khoảnh bình phô thâm thiển thủy,
Nhất chu lợi thiệp vãng lai nhân.
Cửu kiều quan phiệt khiên thằng cấp,
Tam bản trà thuyển ẩm khách tân.
Kỷ độ phong ba hồn bất phạ,
VÓ CÂU Ở BẾN NHẬT CHIÊU: Bến Nhật Chiêu ở bên sông
Hồng, thuộc huyện Vĩnh Thuận, phía Bắc thành Thăng Long, nay là bến Nhật Tân (Từ
Liêm). Ngày xưa bên bờ sông có nhiều vó đánh cá, một tấm lưới vuông rộng đáy thụng,
treo trên một cần dây dài, gốc cột đá làm đòn bẩy. Vó thả xuống nước
sông, người chài cá từ chòi sàn nổi trên sông, kéo lên, cá rơi vào giữa
chổ thụng, người chài cá đi thuyền, dùng vợt vớt cá lên. Vó câu cá
được các nhiếp ảnh gia Việt Nam chụp hình nhiều ảnh đẹp thế kỷ rồi, ngày
nay không còn thấy trên các sông.
Sinh ở thị thành, lại làm nghề cá. Gió mát trăng thanh bạn
cùng nhà nổi. Sóng mây nửa sông, ngàn tầm xanh biếc. Cần dây trăm thước, một
thuyền nhẹ tênh. Đông Bộ cát phẳng ngắm; cảnh trai cò; Đông Bộ Đầu một bến phía
Bắc Thăng Long nơi chiến thắng Nguyên Mông năm 1258. Truyện ngụ ngôn Tô Đại (em
Tô Tần) nói với vua Triệu: “Trai mở miệng phơi nắng trên bãi cát, cò thò mổ ruột
trai, trai kẹp lấy mỏ cò, rồi giằn nhau không con nào tự buông trước: giữ nhau
mãi, đến khi có người đánh cá đi qua, vớ được cả cò lẫn trai.” Tang Châu ngập hết
bạn cùng tôm cá. Tang Châu là một bãi giữa dòng Nhị Hà, cũng còn gọi là Tàm Xá
Châu. Bài Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha có câu: Lữ ngư hà nhi hữu mi lộc. (bầu
bạn với tôm cá và hươu nai). Sông hồ man mác người thật an nhàn.
VÓ CÂU CÁ BẾN NHẬT CHIÊU
Thị thành nghề nghiệp cá sinh nhai,
Gió mát trăng thanh sống nổi trôi.
Khói sóng nửa sông xanh mắt biếc,
Cần dây trăm thước một thuyền chài.
Đông Bộ bãi bờ cò trai ngắm,
Tang Châu nước ngập cá tôm vui.
Sông hồ man mác người nhàn rỗi,
Đổi rượu cơm rau về nhắm chơi.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
CHIÊU CHỮ NGƯ CAN
Thành thị sinh nhai cánh nghiệp ngư,
Thanh phong minh nguyệt bạn phù cư.
Bán giang yên lãng thiên tầm bích,
Bách xích ti can nhất diệp hư.
Đông Bộ sa bình khan bạng duật,
Tang châu lao tận lữ hà ngư.
Giang hồ quảng mạc nhân vô sự,
Hoán tửu qui lai thả phạn sơ.
GƯƠNG NƯỚC KIM ÂU: Hồ Kim Âu xưa ở quảng phố Nguyễn
Thái Học nay không còn nữa, chỉ còn lại Hồ Giám trước Văn Miếu. Trên hồ Kim Âu
có chùa Phật Tích và tháp, trên có lầu Vọng Tiên. Nơi đây còn có dinh Kim Âu do
cụ Nguyễn Nghiễm xây dựng, thi hào Nguyễn Du sinh ra và lớn lên nơi này.
Cuối thời Trịnh năm 1784 dinh Kim Âu bị bọn kiêu binh phá tan, nhân vụ án Thượng
Thư Bộ Lại Nguyễn Khản xử chém 7 kiêu binh. Đốc học Sơn Nam, Thước Kiều
Trần Đạo Chân (Trần Văn Trứ) trong tập thơ Thăng Long tam thập vịnh cũng có bài
Kim Âu thủy giám. Khi triều đình Tây Sơn suy tàn các danh tướng đánh
nhau. Phan Huy Ích về mở Bảo Chân Quán tu đạo Lão, mở nhà học nơi
này và viết Cúc Thu Bách Vịnh. Ngô Thì Nhậm thành Hải Lượng Đại Thiền sư viết
Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh cũng gần đó, được xưng tụng là Trúc Lâm đệ tứ tổ...
Màu ngọc biếc lan tới tháp Phật, lầu Tiên. Hồ như gương, một
làn nước sâu thăm thẳm. Tròn ngậm trời thu, mở ra hộp sáng; Ánh sáng lắng
dòng trong, thấy bóng non xanh. Khi vầng đông mới lên, sóng hồ như vẩy ngọc
tan. Lúc ráng chiều buông xuống, mặt hồ nhìn tựa như rây vàng. Chuyện cũ một đời
người cần chi hỏi đến. Chỉ đợi trăng soi xuống làng trước mặt.
Tháp Phật lầu tiên biếc ngọc lan,
Hồ gương làn nước thẳm mênh mang.
Trời thu tròn ngậm gương trong sáng,
Nắng đọng dòng trong soi bóng xanh.
Ánh sáng vầng đông hồ vẩy ngọc,
Ráng hồng chiều xuống rắc rây vàng.
Chuyện cũ người đời chi hỏi đến,
Chỉ đợi vầng trăng trải xóm làng.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
KIM ÂU THỦY GIÁM
Phật tháp tiên lâu bích ngọc xâm,
Giám hồ nhất thủy tự thâm thâm.
Viên hàm thu thự khai minh hạp,
Quang trạm thanh lưu hiện bích sầm.
Triêu húc sơ thăng lân toái ngọc;
Lạc hà vãn chiếu ảnh sư kim.
Nhất sinh cố sự hà tu vấn,
Trực đãi tiền thôn nguyệt nhất lâm.
LÒ ĐÚC TIỀN HỒ TRÚC BẠCH: Cạnh Hồ Trúc Bạch, có làng
Ngũ Xã là nơi nổi tiếng về nghề đúc đồng, thờ tổ nghề đúc đồng thiền sư
nhà Lý: Nguyễn Minh Không, ngày xưa có lò đúc tiền của các triều đại.
Trên cửu trùng (nhà vua) tính kế cho dân đầy đủ. Đồng tiền
lưu thông trong nước từ lò Trúc Bạch. Người trên đầu cầu gọi than đưa tới. Lửa
từ trên cát tung đàn ve bay. Đàn ve dịch chữ phù trong bài thơ. Sách Dậu Dương
tạp trở chép: Con thanh phù hình dáng giống hệt như con ve nhưng lớn hơn.
Lưu Thần Ký còn chép: Ở phương Nam có giống sâu tên là thanh phù lớn như
con tằm, bắt được con nó thì mẹ nó lập tức bay đến, lấy máu mẹ nó bôi vào tiền
được 81 đồng, lấy máu con nó bôi vào tiền được 81 đồng. Mỗi khi mua hàng hoặc dùng tiền mẹ trước, hoặc dùng tiền con trước, tiền đi xa đều lại trở về,
cứ luân chuyển mãi không thôi. Đời sau nhân điển cố này nên mới gọi đồng tiền
là thanh phù. Lớp lớp khói phủ lên chùa Châu Long (gần chợ Châu Long ngày nay).
Mênh mông suối chảy vào hồ Cổ Ngựa. (Ở vùng Hàng Than ngày nay). Năm tháng
vuông tròn, thuế công nạp đủ. Lưng đeo tiền hà tất phải lên Dương Châu. Ngày
xưa tiền đồng có lổ, xỏ thành xâu, mang trên lưng. Phú ông đi chợ có hầu tớ vác
tiền giùm. Lính tráng thì lương «ba cọc ba đồng», phát tiền sắp
trên ba cây cọc nhỏ, ba cây cọc là ba đồng. Dương Châu tích từ Thương Nghệ tiểu
thuyết chép: Có bốn người khách chơi với nhau, mỗi người đều nói lên chí
nguyện mình. Người thứ nhất nói: Muốn làm quan Thứ sử đất Châu Dương. Người
thứ hai nói: Muốn có nhiều tiền. Người thứ ba nói: Muốn cỡi hạc bay
lên trời! Người thứ tư nói: Muốn đeo trên lưng 10 vạn quan tiền, rồi
cỡi hạc bay tới Châu Dương làm Thứ sử. (Gồm cả ý nguyện ba người trên). Ý câu
thơ nói lên tác dụng của đồng tiền rất lớn, nếu ai có tiền thì có thể thỏa mãn
ý muốn.
LÒ ĐÚC TIỀN HỒ TRÚC BẠCH
Cửu trùng tính kế đủ cho dân,
Trúc Bạch lưu thông tiền đúc đồng.
Người gọi đầu cầu than tới bến,
Lửa soi trên cát đàn ve tung.
Châu Long lớp lớp chùa lên khói,
Cổ Ngựa mênh mông hồ nước tuôn.
Năm tháng vuông tròn công thuế nạp,
Lưng tiền hà tất đến Châu Dương.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
Cửu trùng cận niệm dụ dân đồ,
Tiền hóa lưu thông Trúc Bạch lô.
Nhân tại kiều đầu hô tống thán,
Hỏa tòng sa thượng xuất phi phù.
Tằng tằng yên trảo Long Châu tự,
Hạo hạo tuyền lưu Mã Cảnh hồ.
Tuế nguyệt phương viên công khóa túc,
Yêu chiền hà tất thướng Dương Châu.
RƯỢU SEN PHƯỜNG THỤY KHUÊ: Làng Thụy Khuê ngày
xưa là nơi sản xuất rượu sen để tiến vua. Thi Xã đời Vĩnh Hựu nhà Lê,
trong Tám cảnh đẹp Tây Hồ có bài Pho tượng Phật say làng Thụy. Thật thú vị người
nghệ nhân tạc tượng Phật say không phải là vô tình điêu khắc sai, mà cố ý
tạc tượng Phật say chống gậy nghiêng ngã, mặc dù uống rượu là một giới cấm nhà
Phật, vì làng Thụy Khuê là nơi sản xuất rượu sen nổi tiếng.
Đất kề Hồ Tây là nơị sản xuất rượu tiến cống,( dâng lên vua).
Tiến cống dịch thoát chữ ‘cộng cửu thiên’; Cộng cửu theo Thư Tự là một
thiên mở đầu của Thượng Thư, Phục Sinh nhà Hán cho Cộng cửu là một bộ phận
trình bày về sự tiến cống sản vật quý của chư hầu, đối với thiên tử. Ở đây nói
Thụy Khuê là nơi sản xuất rượu sen để tiến vua. Ngon thay rượu Thụy là tiên
trong làng rượu. Rượu cốt cất nấu xong chứa đầy ngàn chum. Xôi đồ thơm phúc tỏa thơm muôn hộc. Yêu loài hoa cúc muốn tiêu khiển cái hứng Bành Trạch. Bành Trạch
là tên huyện thuộc tỉnh Giang Tây thời Tấn Đào Tiềm đến làm quan lệnh. Sau ông
chán cảnh quan lại, về nhà vui với tùng cúc. Đời quý trọng phẩm chất cao
thượng của ông gọi ông là Đào Bành Trạch. Say rượu thù du bàn chuyện suông về
thơ Đỗ Lăng. Thù du tên một giống cây có quả nhỏ thơm làm thuốc, hay ngâm với
rượu gọi là rượu thù du. Tục Tề Hài Ký chép: “Hoàn Cảnh theo Phi Trường
Phòng học đạo. Sai nghe Phòng khuyên, ngày 9 tháng 9 cả nhà lên núi, tay mỗi
người có đeo một túi thù du và uống rượu cúc. Tới khi trở về nhà thì gia
súc bị cướp giết chết hết. Thế là thoát nạn, của đi thay người.” Đỗ Lăng
chỉ Đỗ Phủ nhà thơ lớn đời Đường có câu thơ đề ngày Trùng cứu: Minh niên
thử hội tri thùy kiện, Túy bả thù du tử tế khan. Sang năm hội ấy ai là mạnh,
Say bốc thù du ngẫm kỹ xem. Tiễn người chớ có làm rượu Đồ Tô. Rượu Đồ Tô tương
truyền là phương thuốc của Hoa Đà, uống vào ngày Nguyên Đán để trừ tà khí. Quý
trọng Thanh Liên thì cho đầu gậy sẵn tiền.Thanh Liên là tên làng và bút
hiệu của Lý Bạch đời Đường. Ông bị các nịnh thần ghen ghét đuổi khỏi triều
đình, vua Đường Minh Hoàng thương tài ban cho thẻ bốn chữ treo đầu gậy: “Đáo xứ
hữu tiền”(Tới xứ nào thì xứ đó cấp tiền). Vì vậy khi ông khát rượu, quan địa
phương phải trích tiền công cấp cho ông mua rượu uống.
RƯỢU SEN PHƯỜNG THỤY KHUÊ
Kề đất Tây Hồ nơi tiến cống,
Ngon thay rượu Thụy vốn làng Tiên.
Nấu xong rượu cốt ngàn chum chứa,
Thơm phức xôi đồ muôn hộc thơm.
Yêu cúc thú vui Bành Trạch hứng,
Say thơ thù tạc Đỗ Lăng bàn.
Tiễn người chớ uống Đồ Tô tửu,
Đầu gậy Thanh Liên tiền sẵn mang.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THỤY PHƯỜNG LIÊN TỬU
Địa tiếp Tây Hồ cộng cửu thiên,
Giai tai Thụy tửu, tửu trung tiên.
Đề hồ nhương tựu thiên chung mãn;
Chưng đạo hương khai vạn hộc chiền.
Ái cúc dục tiêu Bành Trạch hứng;
Túy thù hư thuyết Đỗ Lăng thiên.
Tống nhân mục tác đồ tô nhượng,
Trân trọng Thanh Liên trượng hữu tiền.
CẢNH NGỰA UỐNG NƯỚC SÔNG TÔ LỊCH: Tô Lịch là dòng sông xưa
chảy trong địa phận Hà Nội qua các huyện Thanh Xuân, Hoàng Mai, và là một cạnh
hào thành trong bốn hào bào bọc thành Thăng Long. Tô Lịch là tên một vị thần đời
Tấn đô hộ Giao Chỉ. Là phụ lưu sông Hồng đưa nước sông Hồng sang sông Nhuệ đến
đoạn trung lưu gặp Hồ Tây. Nhiều đoạn sông bị lấp, sông trở thành một ống cống
lộ thiên chứa nước thải. Hiện nay có dự án làm sạch và làm sống lại sông
Tô Lịch.
Thời xưa Tô Lịch là nơi ngựa uống nước. Cảnh ngựa uống nước
sông Tô Lịch được Đoàn Nguyễn Tuấn ca ngợi: Non sông hùng tráng trấn giữ
nước Nam. Có truyền thuyết thần Long Đỗ (Núi Nùng) và thần Tô Lịch là một,
từng phá bùa trấn yểm của Cao Biền đời nhà Đường sang đô hộ. Dòng sông Tô uốn
quanh là sông ngựa uống nước. Tung tăng dưới khe, con cá con tôm thảy đều biết
hết. Cúi xuống uống nước bóng ngựa Ký, ngựa Kỳ một hóa thành đôi. Ký, Kỳ
là ngựa quý thiên lý mã chạy ngàn dậm. Cỏ sắc bên thành tưởng rồng biến hóa. Im
trong tiếng gió mặt nước mênh mang. Đời thánh mừng nay không phải dụng võ. Bài
thơ có lẽ viết sau chiến thắng lẫy lừng vua Quang Trung, oai lừng bốn bể, triều
nhà Thanh nối lại bang giao, anh hùng từ nay không phải dùng võ nữa. Thiên hạ
đã bình trị rồi không phải dùng đến binh đao. Trở về thủng thỉnh dạo qua song
cửa.
NGỰA UỐNG NƯỚC SÔNG TÔ
Non sông hùng tráng giữ trời Nam,
Ngựa uống sông Tô khúc uốn quanh.
Tôm cá dưới khe đà biết hết,
Ký kỳ soi bóng hóa đôi thành.
Bên thành cỏ sắc như rồng hóa,
Trong gió dòng im mặt nước tràn.
Đời thánh nên mừng không dụng võ,
Thong dong về bước dạo qua song.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
TÔ GIANG ẨM MÃ
Sơn hà tráng nhĩ điện Nam bang,
Tô phái oanh hồi ẩm mã giang.
Túng hác ngư hà danh thức lịch,
Lâm lưu kỳ ký ảnh thành song.
Thành biên hữu sắc nghi long hóa.
Phong tế vô thanh nhậm thủy băng.
Thánh đại hân kim vô dụng vũ,
Quy lai nhàn bộ quá sa song.
CẢNH CHĂN TRÂU Ở LINH ĐỘNG: Linh Động là khu vực
chùa Linh Quang, phường Thanh Liệt quận Đống Đa. Đời vua Lê Thánh Tông
(1460-1497) làng Báo Thiên đào được một tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá,
dân làng lập chùa thờ, cầu được nhiều sự linh thiêng, nên còn gọi là chùa Bà
Đá. Chùa có bia xây dựng có chữ Bát Nhã Thiền năm 1725.
Chăn trâu nhà ai chiếm được đất thiêng. Đồng ruộng thong thả
sức người cày. Vó nhàn chẳng thả ra đồng Đào Lâm. Kinh Thư thiên Vũ Thành
có câu «Phóng ngưu vu Đào Lâm chi dã». Thả trâu ra cánh đồng Đào
Lâm (ở Thiểm Tây Trung Quốc) Võ Xương nhà Chu sau khi thắng giặc bèn thả trâu ở
Đào Lâm, mà không phải dùng việc vận tải quân sự nữa. Cỏ tốt thường vui nơi sân
Bát Nhã. Do Kinh Bát Nhã Ba La Mật, ý chỉ chùa chiền. Của nhiều, chẳng cần phiền
lòng Thừa tướng nhà Hán. Do tích Bính Cát, Thừa tướng nhà Hán khi ra đường gặp
vụ đánh nhau chết người không hỏi, nhưng khi gặp người đuổi trâu lồng thì dừng
lại hỏi. Người hầu lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Bính Cát đáp: «Trời
chưa nóng lắm thấy trâu thở hồng hộc, sự trái đạo âm dương (trái thời tiết) nên
hỏi». Người giỏi, đâu phải đợi mượn quan khanh nước Tề. Điển tích Ninh Thích chăn trâu, gõ sừng trâu mà hát bài Mục Ca, được Tề Hoàn Công
triệu vào cho làm quan Khanh nước Tề. Hứng nhàn nói chung, thật là khó vẽ. Vì vẽ
trâu sai ai cũng biết, chứ không như vẽ rồng vẽ lân, vẽ sai chẳng ai biết. Tiếng
hát gõ sừng trâu véo von trước gió.
Chăn trâu ai chiếm đất nhà thiêng,
Đồng ruộng thong dong thỏa sức riêng.
Chẳng thả Đào Lâm khi tản việc,
Vui nơi Bát Nhã cỏ tươi sân.
Của vật chẳng phiền đời Hán Tướng,
Nhân tài đâu đợi mượn Tề Khanh.
Hứng nhàn muốn vẽ nên là khó,
Trước gió gõ sừng hát véo von.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
LINH ĐỘNG PHẠN NGƯU
Ngưu phạn thùy gia chiếm địa linh
Hiêu hiêu quyến mẫu nhiệm nhân canh.
Nhàn đê bất phóng Đào Lâm dã,
Phong thảo thường ngu Bát Nhã đình.
Vật phụ bất phiền ưu Hán tướng,
Nhân tài hà đãi tá Tề Khanh .
Nhất ban dật hứng thành nan họa,
Liêu lượng phong tiền khấu giác thanh.
NGỌN ĐÈN TRUNG THU PHƯỜNG HÀ KHẨU: Hà Khẩu là phố Hàng Buồm.
nơi đây bán đèn Trung Thu làm đủ hình chim, cá, rồng, phượng... màu sắc đẹp đẽ.
Thu đến Hà Khẩu chơi đèn Trung thu. Một khắc ngàn vàng mua cũng mua. Phố khách
vừa vặn gặp đúng đêm rằm. Hoa bạc chiếu sáng một bầu trời băng giá. Dịch chữ
ngân hoa chỉ ngọn đèn, do câu: “Hỏa thụ ngân hoa hợp.” (Cây lửa góp lại thành
hoa bạc) của Tô Vị Đạo đời Đường. Núi sông không đêm, khêu gợi hứng thơ.
Trung thu thắp đèn sáng cả đêm như ban ngày. Gió trăng bao la sánh cùng bạn rượu.
Chớ coi đó là ngọn đèn tầm thường. Mừng có đuốc ngọc, điềm thái bình, thời
tiết thuận hòa. Ngọc chúc, đuốc ngọc theo giải thích Nhĩ Nhã Thi thì bốn mùa điều
hòa là đuốc ngọc. Đời sau cho là đức độ nhà vua đẹp như ngọc và sáng như đuốc
nên gọi là đuốc ngọc. Bài này cho thấy Đoàn Nguyễn Tuấn có ý ca tụng đức độ và
tài năng vua Quang Trung thời thanh bình sau chiến thắng quân Thanh, bác bỏ đoạn
gia phả họ Nguyễn Tiên Điền của Nguyễn Y viết cho rằng Đoàn Nguyễn Tuấn hợp
với Nguyễn Du chống Tây Sơn.
NGỌN ĐÈN THU PHƯỜNG HÀ KHẨU
Thu sang Hà Khẩu đèn Trung thu,
Một khắc ngàn vàng cũng muốn mua.
Khách đến gặp đêm rằm tháng bảy,
Ngân hoa chiếu sáng giá băng hồ.
Không đêm sông núi gieo thi hứng,
Trăng gió bao la sánh rượu bầu,
Chớ thấy tầm thường đèn chiếu sáng,
Thái bình đuốc ngọc thuận ôn hòa.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
HÀ KHẨU THU ĐĂNG
Thu lai, Hà Khẩu thưởng thu đăng,
Nhất khắc thiên kim mãi bất năng.
Khách phố cáp phùng tam ngũ dạ,
Ngân hoa quang chiếu nhất hồ băng.
Giang sơn bất dạ khêu thi hứng,
Phong nguyệt vô biên đối tửu bằng.
Mạc bả tầm thường đăng biểu khán,
Thời điều ngọc chúc hỉ bình trưng.
TIẾNG MÕ GÁT ĐÊM ĐỒN THỦY: Đồn Thủy xưa là trại Thủy
Quân, đường bờ sông Hà Nội ở khu vực bệnh viện Liên Xô. Chim hót, thông reo,
màn đêm đã tối. Xa nghe mỏ canh ở đồn Thủy quân. Trại đặt mấy lần cửa, dựa bên
dòng sông. Kinh Dịch, Hệ Từ nói: “Trùng môn kích thác, di đãi bạo khách cái thủ
chư Dự.” nghĩa là : Mất lần cửa khua tiếng mõ đề phòng kẻ trộm là theo
hình tượng quẻ Dự. Tiếng trống truyền canh năm, vang cùng tù và. Vang thấu sóng
xanh, quá bến đò này. Đánh tan đêm tối, nâng mặt trời sớm.
Tiếng ấy truyền vào tận tai khách thơ. Khi trăng đầy lầu cao, rượu đầy vò. Nguyễn Du trong thơ chữ Hán có bài thơ đùa Đại nhân hý bút, tả cảnh nhà cao cửa rộng lầu cao của Đoàn Nguyễn Tuấn khi ra làm quan Tây Sơn. “Trên bờ sông Nhị nhà chen gần. Đã chiếm cả thành hết cảnh Xuân. Lầu gác đông tây cao ngất dựng.. Rượu quý lầu son khướt chén quỳnh”. Bài thơ Nguyễn Du phù hợp với câu thơ này của Đoàn Nguyễn Tuấn.
Tiếng ấy truyền vào tận tai khách thơ. Khi trăng đầy lầu cao, rượu đầy vò. Nguyễn Du trong thơ chữ Hán có bài thơ đùa Đại nhân hý bút, tả cảnh nhà cao cửa rộng lầu cao của Đoàn Nguyễn Tuấn khi ra làm quan Tây Sơn. “Trên bờ sông Nhị nhà chen gần. Đã chiếm cả thành hết cảnh Xuân. Lầu gác đông tây cao ngất dựng.. Rượu quý lầu son khướt chén quỳnh”. Bài thơ Nguyễn Du phù hợp với câu thơ này của Đoàn Nguyễn Tuấn.
TIẾNG MỎ GÁT ĐÊM ĐỒN THỦY
Chim hót thông reo đêm tối buông,
Mỏ canh Đồn Thủy tiếng xa dồn.
Mấy lần cửa trại bên sông dựa,
Tiếng trống năm canh ốc vọng vang.
Vang thấu sông xanh qua bến ấy,
Đánh tan đêm tối mặt trời lên.
Tận tai thi khách vang vang tiếng,
Trăng sáng lầu cao vò rượu tràn.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THỦY ĐỒN DẠ THÁC
Điểu ngữ, tùng minh, dạ sắc hôn,
Giao văn kích thác Thủy quân đồn.
Trùng môn thiết trại y giang bạng,
Ngũ cổ truyền canh cộng giác huyên.
Hưởng triệt thương lương qua thử độ,
Xao tàn hắc ám ủng triêu đôn.
Tư thanh chuyển nhập tao nhân nhĩ,
Nguyệt mãn cao lâu tửu mãn tôn.
CẢNH BAN ĐÊM QUA SÔNG NHĨ HÀ: Được lệnh phải lên đường
đi sứ gấp mùa hạ năm 1790 đưa vua Quang Trung giả cùng Hoàng tử Nguyễn
Quang Thùy, Ngô Văn Sở, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn .. Áo cũ ngựa gầy ở góc
sông Nhị. Thành quách lờ mờ trong sương mù xanh. Làng quê thăm thẳm dưới làn
mây trắng. Lòng hăng hái mới thử qua sông ngàn khoảnh sóng dồi. Ý biệt ly còn
say với nửa chén rượu tiễn. Rất đỗi đoạn trường không sao ngăn được. Là khi đuốc
hồng lung linh qua sông. Hai câu chót ghi một xúc cảm thật tuyệt tác.
BAN ĐÊM QUA SÔNG NHĨ HÀ
Trong đêm giục giã đường hoàng hoa,
Áo cũ, ngựa gầy qua Nhĩ Hà.
Thành quách mơ hồ sương biếc tỏa,
Làng quê thăm thẳm trắng mây xa.
Lòng hăng hái thử qua ngàn sóng,
Ý biệt còn say nửa chén ngà.
Rất đổi đoạn trường không cản được.
Là khi đuốc sáng lung linh qua.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt :
DẠ ĐỘ NHĨ HÀ
Hoàng hoa hữu mệnh dạ tương thôi,
Tệ cát, luy câu Nhĩ thủy di.
Thành quách mơ hồ, thanh vụ lý,
Gia hương phiếu diểu bạch vân đôi.
Tráng tâm sơ thỉ ba thiên khoảnh,
Biệt tứ do hàm tửu bán bôi.
Tối thị bất câm trường đoạn xứ,
Chúc hồng dao duệ quá giang lai.
Đoàn Nguyễn Tuấn là một Thi Tướng trong làng Thi Ca Việt Nam
khi đi sứ. Thơ ông được chép lưu truyền trên Lầu Hoàng Hạc. Đoàn Nguyễn Tuấn
không hổ danh nước Nam khi thi thố thi ca cùng các quan Trung Quốc, Triều Tiên.
28 bài thơ Yên Đài Thu Vịnh, Vịnh cảnh mùa thu Bắc Kinh, các thi tướng Trung Quốc
cũng khâm phục. Trong kho tàng văn chương chữ Hán nước ta, Hải Ông Thi Tập của
Đoàn Nguyễn Tuấn có một vị trí trang trọng, mặc dù ông luôn luôn khiêm nhường
mình chỉ là một người Khách Biển (Hải Khách, Hải Ông). Thơ Đoàn Nguyễn Tuấn tả cảnh
vật Thành Thăng Long tuyệt đẹp, chứng tỏ tài năng một nhà thơ lớn trong dòng
văn học thời Tây Sơn.
TÀI LIÊU THAM KHẢO:
ĐOÀN NGUYỄN TUẤN. Hải Ông Thi Tập. Viện Hán Nôm. Nxb KHXH; Hà
Nội 1982.
Tinh Tuyển Văn Học Việt Nam. Văn Học Thế kỷ XVIII. tập 5 quyển
2. Nxb KHXH. Hà Nội 2004.
Ngày 26-9-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét