Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Lặng lẽ một tiếng đàn

Lặng lẽ một tiếng đàn
Ngày nay thính giả của Đài Tiếng Nói VN đã quen thuộc với những chương trình ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên của Đài. Những chương trình ấy đã góp phần vào việc giữ gìn và phát huy vốn ca nhạc truyền thống của quê hương dân tộc. Tuy nhiên ít ai biết về một trong những người có công đầu trong việc xây dựng tổ ca Huế trên làn sóng Đài Tiếng nói VN. Đó là nghệ sỹ Tôn Nữ Lệ Minh – một người con của Huế.
Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoàng tộc, cả cha và ông, cô, chú đều là những danh cầm. Ông nội và cha của chị có làm quan (những chức quan nhỏ), nhưng đều là những nghệ sỹ tài tử, phong lưu, lưu danh ở đời bởi tài nghệ điêu luyện. Từ nhỏ chị đã học đàn với cha là ông Nghè Kiêm - một nghệ sỹ giỏi cả 5 cây đàn Huế, nhưng ông vẫn thường say cây đàn tỳ.
Ảnh minh họa - Ảnh: TmT
Nhà thơ Lưu Trọng Lư, người bạn đời của nghệ sỹ Lệ Minh đã viết về Tôn Thất Kiêm, vị nhạc phụ tài hoa của mình như sau: “Từ trong tình cảnh ngang trái mà ông đã trải qua, ông đã viết nên những lời thơ thắm thiết, da diết để rồi hòa vào từng điệu khúc Nam Bình, Nam Ai…. Tôi vẫn vốn trân trọng điệu Nam Bình cất lên trong sóng gió dòng hương, nhưng khi giọng Nam Bình riêng của ông cất lên, tôi đã thẩn thờ, xao xuyến…”
Buổi ấu thơ, Lệ Minh đã học những buổi học đàn đầu tiên với người cha – người thầy rất khắt khe trong việc dạy dỗ con cái. Nhưng rồi những buổi học đầu tiên ấy cũng đã trôi qua suôn sẻ vì chị đã bộc lộ những cảm thụ âm nhạc của mình. Và chị đã luyện được những ngón đàn tinh tế. Chị nhớ lại: mỗi khi ông nội bất thường đến nhà con trai là ông Tôn Thất Kiêm thì cũng là những lần diễn ra những buổi hòa nhạc “tam đại đồng đường”. Những lúc ấy, dù là nửa đêm hay gà gáy, bé Lệ Minh vừa tỉnh ngủ đã cầm lấy cây đàn tranh gảy lên những tiếng “tưng tưng” để ông nội vừa lòng.
Từ rất trẻ, Lệ Minh đã đi dạy đàn. Có lần chị đi dạy đàn cho con gái Phạm Quỳnh, lúc đó là thượng thư giáo dục của triều đình Huế. Nhà thơ Lưu Trọng Lư một người rất yêu đàn, ca Huế đã viết về tiếng đàn người bạn đời của mình: “Mỗi tiếng đàn dạo qua trước khi vào bản chính, tôi tưởng như trời vừa thổi qua một cơn gió tươi mát lạ thường.
Tiếc gì còn nửa đường tơ
Cho hoa quên nở, trăng mờ quạnh soi”   
Một điểm nổi lên ở chị là lòng yêu thương con người, yêu thương chồng con hết mực và tinh thần đấu tranh cho lẽ phải. Đối với nhà Lưu Trong Lư, chị là người thính giả, đọc giả và là người phê bình đầu tiên các tác phẩm của nhà thơ. Chị đã động viên khuyến khích nhà thơ lao động nghệ thuật ròng rã trong 45 năm qua. Với đức tính khiêm tốn, chị không bao giờ cho mình là một nghệ sỹ. Tuy nhiên, lúc nào và ở đâu, Lệ Minh cũng sẵn sàng ngồi đàn cho những ai tha thiết muốn nghe tiếng đàn tri âm, tri kỷ.
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chị chào đón chế độ mới với tất cả tấm lòng sôi nổi của tuổi trẻ. Các anh, em của chị đều tham gia cách mạng. Chị hào hứng tham gia những buổi liên hoan văn nghệ chào mừng nền cộng hòa non trẻ. Chị ngâm thơ, diễn kịch, múa hát và tiếng đàn tranh của chị như rộn ràng hơn, tươi sáng hơn. Chị đóng vai thầy phù thủy, cũng biết “bắt quyết” biết “phì phà” như thầy phù thủy, chị đóng vai Phồn Y trọng kịch “Lôi Vũ” của Tào Ngu, một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc.
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, mặc dù rất yêu Huế, rất yêu mẹ, chị đã giã từ cảnh cũ người xưa hòa vào cuộc sống lớn lao của dân tộc, chấp nhận gian khổ hy sinh. Hành trang của chị lên chiến khu Hòa Mỹ có cây đàn tranh. Qua bao năm tháng gian lao, bao lần bom đạn, ốm đau, cây đàn tranh của người con gái Huế vẫn đủ phím, đủ dây. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh và đồng chí Tố Hữu vẫn thường nói “Tiếng đàn của Lệ Minh rất lạc quan, rất tươi!”.
Âm nhạc Huế mà chị thừa hưởng từ người ông, người cha – những nghệ sỹ nổi tiếng đất thần kinh có thêm sức sống do chế độ mới, cuộc đời mới đưa lại. Cây đàn theo chị đi qua cuộc kháng chiến, theo chị đi tham dự Đại hội liên hoan thanh niên sinh viên thế giới. Âm nhạc Huế và cây đàn tranh - ấy là một phần máu thịt của đời chị. Chính vì vậy, năm 1954 khi hòa bình lập lại trên một nửa đất nước, khi đồng chí Tố Hữu đặt vấn đề chị về Đài Tiếng Nói VN công tác, chị đã xúc động nhận lời. Chị cầm lại cây đàn như gặp lại một nỗi niềm, một người bạn.
Thế là cùng với vận hội đất nước, tiếng đàn tranh nơi vườn nhà gần chùa Linh Quang (Huế) năm xưa, như chắp thêm cánh bay xa trên làn sóng của Đài Tiếng nói VN. Người nghệ sỹ xứ Huế vẫn chưa có dịp trở về với Huế, nhưng trên lĩnh vực công tác mới này, chị như thấy Huế gần hơn. Và những năm tháng đất nước bị chia cắt, chị đã mang tiếng đàn vào tận giới tuyến Vĩnh Linh phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất tổ quốc.
Chị cùng các nghệ nhân, nghệ sỹ như Mộng Ứng, Châu Loan, Hồng Lê, Trần Ngọc Bích… đã xây dựng thành tổ ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên của Đài Tiếng nói VN. Chị có con trai là bộ đội trong thời chống Mỹ.
Xưa tiễn chồng đi rười rượi tóc xanh
Nay tiễn con đi rung rinh đầu bạc
Và người nghệ sỹ đã trở thành người mẹ liệt sỹ.
Nghệ sỹ lệ Minh qua đời năm 1998, thọ 79 tuổi. Hàng chục năm lặng lẽ phục vụ cho làn sóng của Đài Tiếng nói VN, tiếng đàn tranh của người nghệ sỹ vẫn còn đây.
Vẫn còn đây tấm lòng của người con xứ Huế trải qua bao nỗi thăng trầm.
 Trt
Theo http://tintuc.hues.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...