Đi trên con đường vừa quen, vừa lạ - khí hậu lành lạnh của
mùa đông cao nguyên làm trong tôi trào dâng cảm xúc.
Thị trấn mỏng manh nhỏ bé, thân thương làm sao những con
người đã gặp.
Chợ
khuya…
Những chiếc bàn thấp lè tè được bày bán dọc theo quốc lộ 20
khoảng chừng hai trăm mét, gồm đủ các món ăn nhậu: Cháo gà, vịt, hủ tíu, mì,
trứng vịt lộn… cùng ngổn ngang giọng nói của các miền quê. Người nội thị có,
vãng lai có và những người mới nhập cư cũng có, đa số họ là những người từ miền
Trung, miền Bắc vào đây trong vụ mùa thu hoạch cà phê nở rộ.
Những chiếc xe ôm tấp nập đến rồi đi làm cho cảnh chợ đêm
thị trấn thêm phần náo nhiệt. Tiếng chầm chậm của những chiếc xe đò 54 chỗ biển
đề "Hà Nội - Bảo Lộc" dừng lại, chốc chốc những chàng trai, cô gái
nhà nông trên gương mặt còn vẻ ngái ngủ uể oải bước xuống xe với những hành
lý thật đơn giản, một túi xách du lịch hoặc chiếc ba lô màu nhà binh.
Những chiếc xe ôm ào tới, họ nói với nhau những gì rất lẹ rồi
đưa nhau đi giữa đêm khuya dưới ánh đèn vàng mờ đục trong sương đêm cao
nguyên.
- Họ đưa nhau đi đâu giữa đêm khuya thế hả cô? dường như đêm nào cũng thức trắng ở chợ "âm phủ" này
nên cô rành mọi chuyện, cô nhanh nhảu trả lời:
- Anh ạ, họ đưa những người ấy vào cho nhà vườn.
Một thoáng bỡ ngỡ vì đêm đã quá khuya, độ chừng một giờ
sáng - Tôi hỏi tiếp:
- Giờ này còn ai thức để mà tiếp, thế họ sẽ ngủ ở
đâu?
Cô
bán hàng tiếp lời tôi:
- Anh yên tâm, các chủ nhà vườn đã đặt sẵn với mấy
người xe ôm rồi, năm nào cũng vậy… cứ đến mùa thu hoạch cà phê, thanh niên
nam nữ ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc tấp nập đổ về đây tìm việc, vả lại các
chủ nhà vườn cũng rất cần lao động cho công việc thu hoạch kịp thời vụ, nếu
hoa cà phê nở sớm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng cho mùa sau.
Tôi im lặng cúi đầu.
Thương thay những người nông dân quê mình ở miền Trung, miền
Bắc nghèo khổ lắm mới phải vất vả, bươn chải để bù đắp thêm cho mùa màng ở
ngoài xứ luôn thiếu trước hụt sau.
Có những cô gái trạc chừng mười tám, đôi mươi chắc lần đầu
tiên tới miền cao nguyên không khỏi ngỡ ngàng bởi cái chợ khuya với khí hậu
lành lạnh đến buốt tai, thế mà cũng có nhiều người lui tới ăn nhậu.
Mới chiều nay thôi, tại nhà hàng trung tâm thị trấn, những
người ăn mặc bảnh bao, tướng tá phương phi, bụng nhô ra phía trước. Họ ngồi với
nhau ở bàn tiệc đầy ắp những món ăn cao lương mỹ vị, nào tôm hùm, cua rang muối,
cánh gà chiên bơ… cùng những lon bia Tiger chất lượng như vàng. Họ cụng ly
rôm rốp và hò hét với nhau một trăm phần trăm "dô" thế mà họ chẳng
chừa lại mảy may một chút phần trăm nào để hướng thiện. Mấy cô gái mặc đồ đồng
phục với bộ váy ngắn cũn cỡn còn được uống cạn ly với quí khách, vẫn biết các
cô chẳng gì thích thú lắm, nhưng đó là sự bắt buộc bởi công việc tiếp thị là
phải chịu đựng, phải chiều lòng khách, mới có thể bán được nhiều hàng, mới
mong có đủ thu nhập trang trải cuộc sống qua ngày và đôi khi còn phải phụ
giúp gia đình.
Một tiệc nhậu thừa mứa, khi đứng dậy có người muốn nghiêng ngả, gần cả chục ly bia đầy ắp sủi tăm đang rất cô đơn bởi các món mồi đã bị băm nát và các khách quý đã say giọng nói méo xệch chệnh choạng ra về.
Họ nào có biết đâu những người nông dân chân quê phải bôn
ba vật lộn bán sức lao động dưới bầu trời áp thấp nhiệt đới âm u mà khí hậu ở
cao nguyên thường lạnh đến tím da để kiếm tìm những đồng tiền công ít ỏi, gom
góp tiết kiệm dành dụm đến cuối năm về quê lo tết mà lũ trẻ ở nhà mòn mỏi
ngóng trông.
Có cái gì đó trong tim tôi nhói đau, giọng nói của quê
hương nghe như não lòng mà nhiều năm xa xứ, tôi dường như quên lãng.
Những chàng trai, cô gái của quê hương tôi đấy, khúc ruột
miền Trung thân thương khô cằn bão giông, thiên nhiên hà khắc đã giành giựt của
con người biết bao mồ hôi nước mắt.
Ăn hết tô cháo vịt xong, tôi trả tiền và lững thững bước đi
trong đêm, nhìn những vì sao rơi mà lòng tôi thầm mơ ước những điều tốt đẹp
nhất sẽ đến với con người.
Những hạt sương đêm hay những giọt nước mắt làm nặng khóe mi tôi chẳng kịp nhận ra.
Viết tại cao nguyên Di Linh
Mùa đông năm 1999
|
Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017
Lành lạnh của mùa đông cao nguyên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết...
-
Hoa muộn - Nơi mùa xuân đi qua Vũ trụ này không có bắt đầu và không có kết thúc. Hay nói đúng hơn, con người không biết nó bắt đầu từ đâu ...
-
Lời kỹ nữ - Xuân Diệu A.TÁC GIẢ: I. Cuộc đời: Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng T...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét