Những người tình trong thơ Nguyễn Bính
Nguyễn Bính, nhà thơ nổi tiếng của Phong Trào Thơ Mới từ những
năm 1936 đã tự xác nhận tâm hồn mình đối với tình yêu:
Yêu, yêu, yêu mãi thế này
Tôi như một kẻ sa lầy trong yêu
(Lòng Yêu Đương)
Mẹ cha thì nhớ thương mình,
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi.
(Thư Gửi Thầy Mẹ)
Chàng tha thiết kêu gọi những “đấng tình lang” hãy cùng chàng
làm một việc mà chưa có một người nào trên thế gian nầy dám nghĩ đến:
Ai yêu như tôi yêu Nàng
Họp nhau lại, họp thành làng cho xinh
Chung nhau dựng một tràng đình
Thờ riêng một vị thần linh là Nàng!
(Lòng Yêu
Đương)
Và quả thực Nguyễn Bính đã “sa lầy trong yêu” và bao nhiêu là
người yêu đã xuất hiện trong thơ của chàng:
Có thể là một người tình chỉ có trong tưởng tượng:
Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười...
(Ghen)
Có thể là một cô gái nhà bên kia - “cách nhau cái giậu mồng
tơi xanh rờn”- yêu trong câm nín, để rồi:
Đêm qua nàng chết thật rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng.
(Người Hàng Xóm)
Có thể là một cô gái - “tôi với nàng tuy không biết nhau”- thế
nhưng khi nàng từ trần, chàng lại thấy rằng mình đã yêu:
Nước mắt chạy quanh tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về
Giờ đây tôi thấy hồn cay đắng
Như có ai mời chén biệt ly.
(Viếng Hồn Trinh Nữ)
Hay có thể chỉ là một người yêu trong mộng:
Cô chẳng bao giờ biết đến tôi
Mà tôi dan díu mấy đêm rồi
Mấy đêm dan díu người trong mộng
Mộng tỉnh, canh tàn, lệ ướt rơi
(Nhặt Nắng)
Không kể những mối tình thoáng qua, những mối tình của một thời
tuổi nhỏ không mấy đậm nét trong cuộc đời tình ái của chàng như kiểu “mối tình”
(?) với một cô Nhi bé bỏng ở quê ngoại ngày xưa:
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát duyên lành cũng bỏ tôi!
(Hoa Và Rượu)
thì, mối tình đầu làm ray rứt hồn thơ của Nguyễn Bính nhiều
hơn cả, có lẽ là mối tình câm với cô nữ sinh tên Oanh mà chàng thường gọi là
“cô Oanh sông Nhuệ”. Vâng, đó là một mối tình câm, mối tình một chiều, mối tình
mà chàng chỉ biết thầm yêu trộm nhớ để cuối cùng nhận lấy nỗi tuyệt vọng chua
cay:
Tâm hồn tôi là bình rượu nhỏ,
Rót lần, rót mãi xuống nàng Oanh.
Không xua tay nhưng nàng đã vô tình
Hắt ly rượu hồn tôi qua cửa sổ...
(Tâm Hồn Tôi)
Tuy chỉ là một mối tình không được đáp đền một cách xứng
đáng, thế nhưng, cũng chính từ mối tình tuyệt vọng đó, Nguyễn Bính đã sáng tác
nên tập thơ TÂM HỒN TÔI. Vì không nói được với người mình yêu những gì mình muốn
nói, nên Nguyễn Bính đã viết tập văn xuôi NGẬM MIỆNG để giãi bày với người mình
yêu mối tình tuyệt vọng của mình.
Rồi thời gian cứ vô tình lặng lẽ trôi qua. Và thời gian cũng
xóa đi cho Nguyễn Bính nỗi hận tình chua xót để sau này, khi nhắc đến Oanh,
chàng đã nhắc đến tên nàng bằng một nỗi hờ hững đến vô tình:
Nhớ Oanh tôi nhớ cô Oanh
Xa xôi cách trở hỏi tình thắm phai?
Hay:
Nghỉ học cô Oanh lòa một mắt,
Lấy chồng chị Trúc bó hai tay!
Thế rồi, năm 1937, tập thơ Tâm Hồn Tôi của Nguyễn Bính nhận
được giải thưởng khuyến khích về Thơ của Tự Lực Văn Đoàn.
Năm 1939, tập thơ Bức Tranh Quê của nữ sĩ Anh Thơ cũng nhận
được giải thưởng khuyến khích về Thơ của Tự Lực Văn Đoàn.
Hai thi tài đó đã gặp nhau.
Nguyễn Bính và Anh Thơ có nhiều điểm giống nhau: cùng được học
ở trường rất ít, cùng có tài về thơ và dòng thơ của họ cùng mang nhiều hình ảnh
quen thuộc của đồng quê xứ Bắc.
Và hai tâm hồn thơ đó đã yêu nhau. Họ yêu nhau tha thiết. Hẳn
vậy. Có một bận, nàng từ Bắc Giang về thăm Hà Nội. Họ gặp gỡ nhau. Tâm sự. Rồi
nàng trở lại quê. Chàng buồn nhớ không bút nào tả xiết:
Biết lối nào lên tới xứ nàng?
Để người Hà Nội nhớ mang mang
Nàng đi Hà Nội buồn như chết
Hà Nội buồn như một lỡ làng!
(Một Lần)
Rồi những cánh thư tình nồng cháy yêu đương. Rồi những lời thề
non hẹn biển. Và có một lần, nàng đã để lại trên má chàng vết son môi của một nụ
hôn nồng cháy. Các bạn chàng kể lại rằng chàng đã không rửa mặt nhiều ngày vì
chỉ sợ mất đi vết son môi của người yêu thơ mộng:
Có một trai hiền, một gái xinh
Ngang qua, chừng giữa chuyện ân tình
Trai cười: “Bữa ấy mình toan giữ
Mãi dấu môi son trên má mình!”
(Nhớ Người Trong Nắng)
Ấy vậy mà rồi họ phải đành đoạn chia tay. Tại sao? Tại vì
chàng nghèo quá! “Nghèo”! Cái lý do sao mà cay nghiệt! Phải “môn đăng, hộ đối”!
Do vậy mà nhà nàng không muốn kén khách đông sàng là một chàng thi sĩ kiết xác:
Có gì tiếng cả nhà thanh
Cơm ăn đủ bữa, áo lành đủ thay
Còn tôi sống sót là may
Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ.
Con tằm được mấy tiền tơ
Chao ôi, mà ước mà mơ lấy nàng!
(Nhà Tôi)
Thế là nàng đang tâm bẻ một chữ đồng làm đôi! Nguyễn Bính nhớ
lại những lời thề non hẹn biển. Có lẽ họ đã thề thốt nặng lời - nhất là nàng:
Ai thề như mới hôm qua
Lấy nhau không được chẳng thà chết đi!
Quên lời thề ước, nàng bước lên xe hoa về nhà chồng. Nàng đã
bước qua con tim tan nát của Nguyễn Bính để về “nâng khăn sửa túi” cho một “ông
thầy thuốc”! Cái con người hiền lành làm vậy mà trước nỗi tuyệt vọng kinh hoàng
đã làm những câu thơ thật chua cay để gởi cho người hơn một lần chàng đã yêu
tha thiết và cũng đã được nàng yêu tha thiết:
Những tưởng trăm năm đến chết thèm
Ai ngờ chấm dứt chuyện kiêng khem!
Bài thơ kẹp chặt vào đơn thuốc,
Hũ mực phun đầy cả ống tiêm
Chị sắp lên râu làm chức mẹ
Anh mà xuống nước đóng vai em!
Bấy lâu bịt chặt lầu thơ lại
Những lời thơ “tai quái” quá! Những ý thơ “ác” quá! Nàng
không thể chạy trốn vào đâu được:
Bài thơ kẹp chặt vào đơn thuốc
Hũ mực phun đầy cả ống tiêm!...
Nay bức tranh quê đã vén rèm!
Bức Tranh Quê là tên thi phẩm được giải thưởng Tự Lực Văn
Đoàn của Anh Thơ! Tục chăng? Thanh chăng? Có lẽ vì bài thơ “quái ác” nầy mà sau
nầy, khi viết hồi ký về đời mình, nữ sĩ Anh Thơ đã hoàn toàn phủ nhận mối tình
đầu của bà với nhà thơ Nguyễn Bính!
Nhưng dù sao thì mối tình nồng thắm cũng nhiều, tuyệt vọng đắng
cay cũng lắm đó đã gợi hứng cho Nguyễn Bính hoàn thành thi phẩm HƯƠNG CỐ NHÂN.
Và có những điều trong thơ không thể nói hết về mối tình nầy, chàng đã lại phải
mượn văn xuôi để giãi bày nguồn tâm sự sâu kín của mình, đó là tập đoản văn HAI
NGƯỜI ĐIÊN GIỮA KINH THÀNH HÀ NỘI.
Quả thực, Anh Thơ đã để lại trong cuộc đời tình ái của Nguyễn
Bính một vết thương khá đậm nét. Buồn bã và cô đơn, chàng viết:
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi riêng một góc trời riêng anh!
(Rượu Xuân)
Và chàng buông lời hờn tủi nghe não nuột đến nát lòng:
Mấy khoa thi chót thầy ơi
Thầy không thi đỗ để rồi làm quan
Để rồi lắm bạc nhiều vàng
Để cho con được lấy nàng, thầy ơi!
(Nhà Tôi)
Một tiếng nấc nghẹn ngào! Cứ tưởng rằng nỗi bi lụy nầy sẽ làm
cho Nguyễn Bính trở thành một gã thất tình miên viễn! Thế nhưng, chẳng bao lâu
Nguyễn Bính lại sa lầy trong một cuộc tình mới. Cũng đắm đuối chung tình. Cũng
da diết yêu đương. Tên nàng là Nguyễn Thị Tuyên, em gái của nhà văn Nguyễn Đình
Lạp, tác giả của tập tiểu thuyết xã hội NGOẠI Ô, do nhà Hàn Thuyên xuất bản năm
1941 tại Hà Nội. Nàng tên là TUYÊN, nhưng Nguyễn Bính đã đặt lại tên cho nàng
là TÚ UYÊN, dù chàng thừa biết Tú Uyên - Trần Tú Uyên - là tên của một nhân vật
nam trong truyện Nôm BÍCH CÂU KỲ NGỘ. Nhà Tú Uyên ở phố Bạch Mai (mai trắng) gần
phố Huế (đế kinh) ở kinh thành Hà Nội, còn Nguyễn Bính cũng ở Hà Nội trên một
căn gác mà chàng đặt tên là gác Hoàng Mai (mai vàng). Có một bận chàng thi sĩ
đa tình đi ngang qua nhà nàng và rồi chàng thấy tâm hồn mình như chết chìm ở
đó:
Nhà nàng ở gốc cây mai trắng
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh
Có một buổi chiều qua lối ấy
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh...
Chàng thì “dệt mãi mộng ba sinh” cùng nàng, còn Tú Uyên?
Nàng ở lầu hoa, ở đệm bông
Có đêm nào nghĩ đến tôi không?
Không, không, chả có đêm nào cả
Chả có đêm nào hé cửa song...
(Người Con Gái Lầu Hoa)
Có thể là chàng đã đòi hỏi quá nhiều. Cũng có thể chàng đã hờn
mát mà nói như thế, chứ thực ra, hai người đã yêu nhau thực, đã từng hẹn hò và
từng gặp gỡ như trong thơ của chàng đã trình bày. Trong các mối tình của Nguyễn
Bính, có lẽ đây là mối tình đong đầy nước mắt.
Thi nhân vốn là nòi đa cảm. Và Nguyễn Bính được xem là người
đa cảm vào bậc nhất trong giới thi nhân:
Em đã dùng khăn chị để lau
Bao nhiêu nước mắt của u sầu!
(Khăn Hồng)
Vắng bóng cô gái hàng xóm cũng có thể làm cho chàng rơi lệ:
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn... rưng rưng!
(Người Hàng Xóm)
Gặp người trong mộng cũng có thể làm cho chàng rơi nước mắt:
Mấy đêm dan díu người trong mộng
Mộng tỉnh, canh tàn, lệ ướt rơi!
(Nhặt Nắng)
Nghĩ về một người con gái chàng yêu mà chưa dám ngỏ lời cũng
có thể làm cho chàng khóc:
Có một nghìn đêm tôi chiêm bao
Ba đêm nay khóc với mưa rào
Đêm nay mắt đỏ rồi mưa tạnh
Tôi khóc âm thầm dưới bóng sao
Đó là 4 câu thơ trích trong bài thơ “Người con gái ở lầu
hoa”. Và “người con gái ở lầu hoa” đó chính là nàng Tú Uyên! Mối tình với Tú
Uyên rồi cũng dở dang:
Nàng Tú Uyên ơi!
Cả mùa mai trắng đã rụng rồi!
“Mai trắng đã rụng” tức là tình yêu của chàng với Tú Uyên, cô
gái ở phố Bạch Mai đó đã không thành.
Rồi Tú Uyên bước lên xe hoa về nhà chồng. Nào ai biết được
tâm trạng của Tú Uyên khi nàng bước lên xe hoa. Chỉ biết rằng, sau ngày nàng bước
chân lên xe hoa, Nguyễn Bính đã làm một bài thơ khóc cho mối tình nầy thật tha
thiết, thật não nùng và dĩ nhiên là cũng đầy nước mắt.
Chàng hồi tưởng lại những giây phút họ gặp gỡ và tình tự với
nhau:
Lạy Chúa con xin Chúa một giờ
Mười hai - giờ Ngọ, của tình xưa
Chúng con hai đứa Uyên và Bính
Thường hẹn hò nhau những buổi trưa!
(Nguyện Cầu)
Những buổi trưa hẹn hò với bao lời thề non hẹn biển. Có thể
là họ đã vẽ ra một tương lai tuyệt vời sống bên nhau cho đến khi đầu bạc răng
long. Ấy vậy mà rồi nàng phải bước lên xe hoa về nhà chồng. Cứ theo như Nguyễn
Bính, nàng “bất đắc dĩ” mà bước lên xe hoa:
Hắn phải lấy chồng là khổ lắm,
Bởi vì, lạy Chúa, rất chua cay!
(Nguyện Cầu)
Nguyễn Bính đã quả quyết điều nầy, bởi vì, theo chàng, họ đã
yêu nhau tha thiết, Bính yêu Uyên tha thiết và Uyên cũng yêu Bính thiết tha.
Nàng bước lên xe hoa về nhà chồng mà như bước vào cõi tuyệt vọng đọa đày:
Hắn đã yêu con đến tận cùng
Thế mà tròn thủy chẳng tròn chung
Hôm qua hắn bước lên xe cưới
Khóc lả người đi Chúa biết không?
(Nguyện Cầu)
Trong cuộc sống hôn nhân, cứ theo như Nguyễn Bính, Tú Uyên khổ
lắm. Có khổ gì hơn khi nghĩ rằng mình suốt đời phải chung sống với người mà
mình chẳng yêu thương! Và Nguyễn Bính cũng thương cho số phận hẩm hiu, chua xót
của người mình yêu:
Hai đứa hai nơi khóc một giờ
Bên chồng mà hắn vẫn bơ vơ
Chúa ơi! Cứu rỗi linh hồn hắn!
Nước mắt con nhòa hết tập thơ!
(Nguyện Cầu)
Giờ đây, mỗi lần nghe tiếng chuông nhà thờ buông đúng vào giờ
ngọ - cái giờ nghiệt ngã của kỷ niệm - chàng lại hồi tưởng về người yêu, về những
lần hẹn hò thơ mộng đắm đuối của hai linh hồn yêu nhau tha thiết:
Đứng bóng từng dòng chuông ngọ đổ
Từng dòng chuông ngọ đổ chơi vơi
Con nghe chuông đổ rồi con khóc
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!
Bính đã thay mặt cho Uyên để cùng chàng kêu gọi đến Chúa tuy
họ không phải là những con chiên. Họ là những người ngoại đạo. Nhưng Nguyễn
Bính, trong một lúc tuyệt vọng cùng tột, chàng đã phải tin rằng mối tình của
chàng và Uyên không đi đến kết cuộc tốt đẹp là do sư sắp đặt của Chúa và họ cố
xin một chút bình yên cho tâm hồn khi họ tin như vậy:
Lạy Chúa con xin Chúa thế thôi
Một giờ yêu quý nhất trên đời
Chúng con ngoại đạo tuy ngoại đạo
Cũng lạy mà tin có Chúa Trời!
(Nguyện Cầu)
Lại một lần nữa, Nguyễn Bính cố quên đi mối tình tuyệt vọng
nhưng mà làm sao quên được:
Đêm nay ngồi khóc trong trăng lạnh
Trăng đắm chìm đi, gió thở dài
Tôi nhớ đến người - ôi diệu vợi
Ở lầu hoa ấy trong rừng mai...
Tôi tưởng rồi tôi quên được người
Nhưng mà nản lắm, Tú Uyên ơi!
Tôi vào sâu quá và xa quá,
Đường lụt sương mờ lụt lá rơi...
(Diệu Vợi)
Và mối tình tuyệt vọng với nàng Tú Uyên đã để lại cho chúng
ta một thi phẩm với nhiều bài thơ đong đầy nước mắt: NGƯỜI CON GÁI LẦU HOA.
Qua mấy lần tuyệt vọng vì tình, nỗi buồn không kiềm chế được,
cộng thêm với nếp sống buông thả của giới nghệ sĩ thời tiền chiến, chàng đắm
mình trong xóm yên hoa.
Và,
* Nếu kết quả của mối tình giữa chàng với nàng Oanh, với nữ
sĩ Anh Thơ, với Tú Uyên là những đứa-con-tinh-thần, những thi phẩm đã tạo nên sự
nghiệp thi ca của Nguyễn Bính: Tâm Hồn Tôi, Hương Cố Nhân, Người Con Gái Lầu
Hoa.
* Thì, mối tình với Dung, tên cô gái trong xóm yên hoa, ngoài
kết quả là bài thơ thật thống thiết “Có Bấy Nhiêu Lời Tâm Huyết Ấy” về sau đổi
lại thành tên “Oan Nghiệt”, oái oăm thay, lại đưa đến kết quả là một
đứa con vật chất, đứa con gái đầu lòng trong kiếp làm đàn ông của Nguyễn Bính.
Đối với Dung, có lúc chàng đã nhắc đến tên nàng bằng một giọng
điệu vô cùng khinh bạc, nghe sao mà xa lạ:
Lại chuyện con Dung đẻ tháng ngày!
Thì cũng có khi chàng nhắc đến tên nàng bằng một giọng vô
cùng trìu mến:
Người ta bảo Dung là một “đào nương”, là một “ca kỹ”. Thế
nhưng, dù có là “đào nương” hay “ca kỹ” gì gì đi nữa để gọi là làm đẹp cho cái
thân thế cần phải giấu kín của Dung, thì oái oăm thay, chính Nguyễn Bính, người
tình của nàng, lại đã khai báo huỵch toẹt cái nghề không mấy tốt đẹp của nàng:
Dung ạ, những đêm màn rũ thấp
Ân tình bên gối khách làng chơi
Em có biết rằng trong giấc lạnh
Con mình mớ ngủ gọi tên ai?
(Oan Nghiệt)
Dung của Nguyễn Bính là như thế đó. Đau thương lắm. Chua cay
lắm. Nhục nhằn lắm nữa. Nhưng dù sao thì họ cũng đã yêu nhau. Họ đã sống với
nhau theo cái kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng!”. Và cho đến khi Dung bụng
mang dạ chửa thì Nguyễn Bính lại nổi máu giang hồ.
Vào năm 1942 chàng bỏ đất Hà Nội ngàn năm văn vật để vào đất
Thần kinh thơ mộng có con sông Hương nước chảy lặng lờ, có những con thuyền
tình chơi vơi trên sông nước, và có cả những cơn mưa “cứ kéo dài ra đến mấy
ngày” buồn ơi là buồn! Ở Huế chưa được bao lâu, vào một ngày cuối Thu, Nguyễn
Bính nhận được thư của Dung:
Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Công chúa, tháng ngâu, ngày nguyệt tận...
(Oan Nghiệt)
Vậy là Dung đã sinh cho chàng một cô con gái vào một ngày cuối
tháng bảy âm lịch:
Công chúa - Tháng Ngâu - Ngày nguyệt tận!
Nhận được thư của Dung chàng đã nghĩ miên man đến kiếp sống
đau thương của Dung, nghĩ đến tương lai đầy đen tối bất trắc của con gái và
nghĩ về hiện trạng bấp bênh của mình mà chua xót thở than:
Đời cha nay ở mai đi đấy
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc, cười...
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Thì lấy gì mà nuôi nấng con!
Không ai biết rõ Nguyễn Bính cho bằng chính Nguyễn Bính biết
về mình! Chàng biết chắc rằng không cách nào chàng có thể có một mái ấm gia
đình để cùng Dung và con gái chung sống với nhau! Nghĩ đến những lời cầu chúc của
chàng cho con gái sao mà đắng cay, sao mà chua xót:
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu, môi chớ son
Ngu đần xấu xí hay tàn tật,
Yên phận chồng con, yên phận con
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệt
Bảy nổi ba chìm với nước non
(Oan Nghiệt)
Và rồi Nguyễn Bính tưởng tượng đến một tương lai “oan nghiệt”,
đến một cuộc trùng phùng “oan nghiệt”, đến nỗi bất hạnh “oan nghiệt” của cha
con chàng:
Cha lo ngại lắm là con gái,
Chẳng có bao giờ biết mặt cha!
Con mười sáu, bảy xuân đương độ
Cha bốn, năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đèn nép mặt hoa
Chàng chàng, thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố, con con chẳng nhận ra
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha!
(Oan Nghiệt)
“Cha lo ngại lắm là con gái, chẳng có bao giờ biết mặt cha”!
Phải chăng đây là một lời tiên tri “oan nghiệt”? Hay, phải chăng đây là một quyết
định “oan nghiệt” của chính Nguyễn Bính? Cái câu hỏi “oan nghiệt”: “Bao giờ tôi
biết mặt con tôi?” (Oan Nghiệt) đã bị chính Nguyễn Bính cố tình khước từ “trả lời”!
Bởi chưng, hình như đâu vào khoảng cuối năm 1943, Nguyễn Bính cùng hai nhà văn Vũ
Trọng Can và Tô Hoài làm một chuyến xuôi Nam, bỏ đất Thần kinh thơ mộng để tìm
về Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Đông. Và chàng quên Dung bé bỏng, quên cả đứa con
gái bèo bọt của chàng!
Ở Sài Gòn một thời gian, Tô Hoài và Vũ Trọng Can lại quay về
Hà Nội, còn Nguyễn Bính được thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết mời về thăm quê
hương Hà Tiên nên thơ của họ. Đó là vào khoảng đầu mùa hạ năm 1944. Chàng được
nhà thơ Đông Hồ đãi như một khách quý, dành riêng cho chàng một căn gác mà Đông
Hồ đặt tên là “Nam Phong tiểu các” để cho chàng làm nơi sáng tác thơ. Chàng ở lại
đây có mấy tháng và cũng đã để lại đây một cuộc tình với người cháu gái của nữ
sĩ Mộng Tuyết. Tên nàng là Tú Ngọc.
Trong vườn thấp thoáng bóng ai đi
Cô cháu, Minh hương, tuổi mười bảy
Mũi thẳng, mi cong, tóc mướt dài
Răng đều, môi mọng, ngực tròn mẩy
Gặp nhau, chào nhau, rồi quen nhau
Ngày một ngày hai thành luyến ái.
Mới gặp nhau, nàng gọi Bính là “chú” vì “chú Bính” là bạn thơ
của dì Mộng Tuyết. Thế rồi, ngày một ngày hai cung đàn đổi bậc. Tú Ngọc đã để lại
cho Nguyễn Bính bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm của một người tình vừa ngây thơ, vừa
trong trắng trong những ngày chàng dừng bước giang hồ trên mảnh đất Hà Tiên đầy
thơ mộng:
Vườn trăng cầm tay, thương quá đi!
Một ngày không gặp, nhớ biết mấy!
Thơ tôi nàng gối trên đầu giường,
Đêm che ánh đèn đọc vụng mãi.
Khăn tôi xổ chỉ, áo long khuy
Nàng bảo đưa nàng khâu vá lại
Có hôm tôi bệnh nằm li bì
Nàng đến canh chừng siêu thuốc cháy.
Áo len đương mặc, cởi cho tôi
“Hà Tiên gió biển lạnh lắm đấy!”
(Hà Tiên, Người Xóm Rẫy)
Chàng yêu Tú Ngọc biết mấy! Và nàng cũng yêu chàng biết mấy!
Chàng ước ao được dệt mộng chung đôi với người yêu bé bỏng:
Tài hoa bảy bước đã thành thơ
Mà vẫn một đôi tay trắng mãi
Lấy đâu có được tám mươi thành
Để đổi cho tròn viên Ngọc ấy?
(Hà Tiên, Người Xóm Rẫy)
Vậy mà rồi giấc mộng cũng không thành! Tội nghiệp cho cô bé
“người yêu xóm Rẫy” của Nguyễn Bính! Ngày xưa chàng bị “cô Oanh sông Nhuệ” dày
vò! Ngày xưa chàng bị nữ sĩ Anh Thơ hắt hủi! Và giờ đây chính Nguyễn Bính lại hắt
hủi, dày vò Tú Ngọc, người yêu bé bỏng của chàng. Nợ giang hồ lại réo gọi. Và
Nguyễn Bính lại cất bước ra đi:
Rồi tôi khăn gói lại lên đường
Nàng ra bờ sông đứng khóc mãi
Tàu đi xa mấy dặm sông dài
Ngoảnh lại vẫn còn tay Ngọc vẫy!
(Hà Tiên, Người Xóm Rẫy)
Ôi! bàn tay bé bỏng của người con gái đáng thương ấy làm sao
giữ nổi cánh chim giang hồ!
Nguyễn Bính bỏ Hà Tiên dù rằng Đông Hồ và Mộng Tuyết hết lòng
mời chàng ở lại để chàng có điều kiện hoàn tất tập truyện dài bằng thơ mà chàng
lấy nhan đề là Thạch Sương Bồ.
Nguyễn Bính bỏ xóm Rẫy dù rằng ở đó người yêu bé bỏng Tú Ngọc
của chàng đã van vỉ, đã khóc lóc hết nước mắt.
Chàng trở lại Sài Gòn. Đành đoạn. Rồi cuộc chiến tranh Việt
Pháp bùng nổ cuối tháng 12 năm 1946. Không còn nghe chàng nhắc đến Tú Ngọc nữa.
Không còn nghe chàng nhắc đến mẹ con của “người bến Tầm Dương Dung bé bỏng” nữa.
Và hình như chàng cũng không còn điều kiện để nhắc đến những “cô Oanh sông Nhuệ”,
những “Anh Thơ”, những “Tú Uyên” của một thời yêu đương lãng mạn nữa. Nhưng dù
sao, thì với những cuộc tình hoặc tuyệt vọng, hoặc đau thương đó cũng đã để lại
cho chúng ta, những người yêu thơ Nguyễn Bính, những tác phẩm thơ tuyệt diệu:
Tâm Hồn Tôi, Hương Cố Nhân, Người Con Gái Lầu Hoa, những bài thơ “Có Bấy Nhiêu
Lời Tâm Huyết Ấy” (còn gọi là Oan Nghiệt) và “Hà Tiên, Người Xóm Rẫy” như những
viên ngọc quý trong kho tàng văn chương của dân tộc.
ĐÀO ĐỨC NHUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét