Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Sông nước trong tâm thức người Việt

Sông nước trong tâm thức người Việt
Sông nước từ lâu vẫn là hình ảnh quen thuộc, dung dị nhất về quê hương, bản quán trong lòng mỗi người dân Việt.
"Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiếu không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?..."
Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã tranh luận và giảng giải rất nhiều về khổ thơ hay nhất bài này. Nhìn từ góc độ văn hóa còn thấy thêm rằng "tiếng sóng" dào dạt không phải từ đáy sông mà từ "trong lòng" ấy chính là tâm thức sông nước có sẵn trong mỗi người. Người Việt xưa cũng như nay, nói tới chia ly, cách trở vẫn hay nghĩ tới hình ảnh dòng sông, con đò, bến nước... Nghịch lý mà Thâm Tâm đưa ra là "không" mà "có" ấy tựa như một điểm nhấn có giá trị biểu cảm và thẩm mỹ rất đặc trưng cho tâm hồn dân tộc. Người ra đi, dù không qua sông vẫn nghe âm vang sóng vỗ và dòng sông không có ấy, qua ngôn ngữ thơ, thực sự đã chảy trong tâm hồn người đọc.
Nói tới sông nước trong tâm thức của người Việt là đề cập tới khá nhiều vấn đề liên quan: điều kiện địa lí, môi trường sống, tiến trình lịch sử, đặc điểm dân tộc và phong tục, tập quán v.v... Trong giới hạn của một bài viết ngắn cũng là một ý kiến phát biểu, chúng tôi chỉ nói đến sông nước có liên quan đến nhận thức, tư duy, cách ứng xử cũng như biểu hiện tâm hồn, cảm xúc của người Việt từ xưa đến nay.
1. Nước Việt Nam có nhiều con sông lớn nhỏ, rộng hẹp khác nhau nhưng hầu như vùng, miền nào cũng có. "Nước" trong tiếng Việt còn có nghĩa là Tổ quốc, lãnh thổ, quốc gia, đất nước... Sông nước tồn tại cùng với con người. Với những cư dân lúa nước, nước không chỉ là điều kiện tiên quyết của kinh tế nông nghiệp (nước, phân, cần, giống) mà còn là yêu cầu đầu tiên cho mọi sự lựa chọn từ nơi sinh sống đến vị trí quan trọng nhất là kinh đô của một nước. Trong một bài viết có tên “Vị thế địa - văn hóa của Hà Nội nghìn xưa trong bối cảnh môi sinh lưu vực sông Hồng và cả nước Việt Nam”, cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã vẽ ra tứ giác nước của Hà Nội trong đó có hai con sông quan trọng: sông trước là sông Nhị và sông sau là sông Tô. Giáo sư Vượng cũng cho rằng: "... các cửa ô cơ bản ngày trước của thủ đô Hà Nội đều là cửa nước (đúng với khái niệm Watergate), ví dụ: Ô Cầu Giấy nằm ở ngã ba Tô Lịch - Kim Ngưu...", và tư duy sông nước ấy còn có liên quan đến việc hình thành nên những cảng thị như mặt tiền của cả một vùng duyên hải miền Trung [7:366]. Thượng tọa Thích Nguyên Đức, trụ trì chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa cũng cho rằng ngay cả việc dựng chùa, tưởng như chỉ cần chọn nơi hẻo lánh, "thâm sơn cùng cốc" để thuận tiện cho việc tu hành, thì thực ra yếu tố nước vẫn được tính đến đầu tiên. Suối nước, giếng nước nhà chùa thường rất trong và ngọt và không chỉ có trong văn chương của Nguyễn Tuân [5]. Trong nhận thức của người Việt, sự hiện hữu của sông nước khẳng định sự tồn tại của sự sống, hay nói khác hơn, giá trị của nước chính là đem lại cuộc sống cho con người. Nước dồi dào, cây cối xanh tươi, mùa màng sung túc; sông cạn, nước khô có nghĩa là sự sống đang cạn kiệt, đang bị hủy diệt.
Dần dần, từ tự nhiên tồn tại khách quan, nước hiện hữu, chi phối nhận thức và cách ứng xử trong mỗi con người. Sông nước là dòng chảy bất tận của thời gian (Dù cho sông cạn, đá mòn...); là sự xác định giới hạn về không gian (Đôi ta cách một con sông...), là nguồn cội thiêng liêng (Uống nước nhớ nguồn), là niềm tin trong cuộc sống (Có nước, có cá/ Sông có khúc, người có lúc), là đạo đức và cách hành xử (Thác trong hơn sống đục/ Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo)... Những tính chất: lỏng, mềm, trong, linh hoạt, liên kết không có ranh giới, truyền nhiệt, dễ bốc hơi... của nước dường như đều có ảnh hưởng tính cách của người Việt. Đó cũng là hệ quả tất yếu từ mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Khi nói đến hệ giá trị trong văn hóa truyền thống của người Việt, giáo sư Chu Xuân Diên lưu ý rằng: "Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, người Việt phụ thuộc vào tự nhiên, nương nhờ tự nhiên hơn là chiếm lĩnh, làm chủ tự nhiên. Khuynh hướng đó trong ý thức thể hiện thành sự tôn trọng, sự sùng bái tự nhiên, trong hành động thể hiện thành những sự lựa chọn có tính chất thích nghi với tự nhiên, tận dụng sức tự nhiên hơn là chinh phục tự nhiên, dùng sức người thay thế tự nhiên, trong sinh hoạt thể hiện thành lối sống hòa hợp, hòa mình với tự nhiên, gắn bó với môi trường tự nhiên..." [2:256-257]. Người Việt từ xa xưa đã sống hòa với sông nước đến mức coi sông nước như người. Cách đặt tên sông phổ biến ở cả nước là: sông Cái, sông Con, sông Cả... cũng thể hiện một mối quan hệ rất thân tình, rất gia đình của con người với tự nhiên. Sông nước cho dù có lúc làm nguy hại hay gây khó khăn cho cuộc sống con người thì con người cũng biết chấp nhận như một lẽ tất yếu của tự nhiên. Chuyện “Sơn Tinh - Thủy Tinh” dù có thừa nhận thần núi thắng thần nước, nước dù có dâng cao mấy cũng không ngập núi được, nhưng hằng năm lũ lụt vẫn xảy ra vì Thủy Tinh vẫn nhớ mối thù xưa và Thủy Tinh vẫn là một vị thần mang tính cách người, hành xử như là một người bình thường. Sự giận dữ của tự nhiên đối với con người phần lớn là do con người đã không tôn trọng nó. Điều này còn được thể hiện rất ấn tượng qua nhiều truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc như truyện “Bà Mọi hú”, truyện Câu dầm... Trong truyện “Bà Mọi hú”, nhà văn Bình Nguyên Lộc lí giải vùng ruộng rừng phía tây Hồ Nai - Biên Hòa luôn khô cạn là do Bà Mọi linh thiêng giận đồng bào Kinh phá rừng nên đã bịt tắt dòng nước. Tiếng hú tuyệt vọng, đau đớn của người đàn bà rừng rú mà thần thánh ấy vang vọng, là lời nhắc nhở mọi người về cách ứng xử với tự nhiên, về việc cần bảo vệ nguồn nước. Truyện “Câu dầm” cũng vậy, thông qua chuyện báo ứng hoang đường của ông Ba, hệ quả tất yếu của chuyện vét sạch cá ở sông suối, ao hồ thật khủng khiếp và con người phải hứng chịu lấy. Câu cá là thú vui, là để kiếm sống nhưng xét ở góc độ cân bằng sinh thái, nếu câu triệt để thì môi trường sông nước sẽ bị hủy diệt.
Nam Bộ là vùng sông nước vì có tới 57.000km đường kênh rạch, sông nước [2:313]. Cũng như Bình Nguyên Lộc, nhà văn Sơn Nam là cây bút của sông nước miền Nam. Tác phẩm của ông không chỉ khai thác văn hóa sông nước Nam Bộ làm đề tài, bối cảnh dựng truyện mà còn thể hiện rất đặc thù ngôn ngữ, nhận thức và cách ứng xử của người miền Nam trong môi trường và cuộc sống sông nước. Đọc “Mùa "len" trâu”, “Một cuộc biển dâu”, “Bắt sấu rừng U Minh hạ”, “Con Bảy đưa đò”... của Sơn Nam sẽ nhận ra cá tính người miền Nam trọng nghĩa, hào sảng, dễ dãi... thể hiện trong sự gắn kết với nước: ruộng ngập nước, trồng lúa nước, tôm cá rắn rùa... là thức ăn có sẵn dưới nước, nhà trên nước, chợ trên nước, đi lại trên nước bằng ghe, xuồng, coi hát trên nước, đua ghe trên sông, nhân duyên trên nước; thậm chí con trâu, con chuột cũng biết bơi và người chết vào mùa nước thì đành an táng bằng cách dìm xác dưới nước...
2. Như vậy, sông nước vừa là hình ảnh chung của đất nước vừa rất cá biệt, vừa là tự nhiên khách quan vừa thể hiện tính bản địa, sự khác biệt của văn hóa mỗi vùng miền. Những con sông đều giống nhau ở dòng nước chảy giữa hai bờ, nhưng sông Hồng khác với sông Cửu Long và càng khác với những con sông ngắn mà dốc, chạy từ miền núi phía Tây đổ xuống biển Đông ở khúc ruột miền Trung...
Theo tài liệu [4:90], tỉnh Phú Yên có khoảng 50 con sông có chiều dài trên 10km, trong đó phần lớn là các sông ngắn từ 10 đến 50km. Mật độ sông ngòi khá dày, trung bình là 0, 5km/km2, nhưng vào mùa nắng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8, 9 nhiều sông, suối hầu như đều cạn kiệt nước. Nguồn nước cung cấp chủ yếu là nước mưa và có từ 70 đến 80 % lượng nước tập trung vào mùa mưa, gây nên hiện tượng ngập, lụt thường xuyên. Trong kí ức của người dân, mưa lụt và nắng hạn đều đáng sợ và đều liên quan tới nước Trời. Người nông dân thường cầu khấn "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống...". Mưa nhiều, mưa ít cũng là do đấng quyền năng này "Ông không tha, bà không tha. Trời cho cây lụt hai ba tháng mười...". Con người thật khiêm nhường, vì cầu mong nên mọi sự ban phát dù quá đáng, dù làm hại người xin, vẫn được coi đó là của "cho", của Trời. Sông nước cũng không đủ rộng, đủ dài để con người có cảm giác "bèo dạt, mây trôi" hoặc "lênh đênh mặt nước" như miền Nam và miền Bắc. Có chăng người ta sợ những con "ma gia", oan hồn của những người chết nước, thỉnh thoảng lại hiện lên đòi những người khác là "họ Lê, họ Nguyễn, họ Trần..." thế mạng.
Mặt khác, Phú Yên cũng như các tỉnh duyên hải miền Trung, vì có mặt tiếp giáp với biển Đông nên trong sự nhận thức con người, biển mới là biểu tượng hùng vĩ, vững bền của tự nhiên. Người dân hay "ngó ra ngoài biển..." và rất nhiều câu ca dao bắt đầu bằng cụm từ "ngó ra" như vậy. Sinh hoạt văn hóa gắn với biển có phần lấn át văn hóa sông nước. Phú Yên không có một lượng từ ngữ lớn gắn liền với sinh hoạt sông nước như phương ngữ Nam Bộ nhưng cũng có một hệ thống ngữ nghĩa khá đa dạng thể hiện nếp sinh hoạt, tư duy của người dân vùng biển, đặc biệt là có hiện tượng biến âm địa phương ở những làng ven biển. Nhiều người tự giải thích đó là do nguồn nước hay cho đó là dân biển "ăn sóng, nói gió" và sóng gió, muối biển làm cứng tiếng nói của họ. Thế nhưng, như một sự tiếp nối truyền thống, người dân vẫn giữ tục cúng giếng, cúng sông và trên mâm cúng sóc vọng, cúng nhà mới, bao giờ cạnh hai món gạo, muối căn bản cũng có chai hoặc chén nước trong. Trước mỗi nhà là một vò nước giếng. Vò làm bằng đất nên mùa hè nước không nóng mà mùa đông nước cũng không lạnh. Ai đi ngang qua, nếu khát, cũng có thể ghé vô múc gáo nước uống. Bên cạnh vò nước thường có một chậu đất trồng hành, trồng hẹ hay trồng rau. Nước uống còn dư trong gáo là để tưới cho chậu rau ấy. Nhà văn Võ Hồng còn kể một chuyện hà tiện, "để dành" nước rất đáng yêu của người miền Trung: Một bà cụ thấy trời mưa đem hết ang, thau, chậu trong nhà ra hứng nước mưa, tới khi cần cái thau lớn mà đổ nước đi thì tiếc nên bà khệ nệ bưng thau nước mưa đổ lại xuống giếng!
Trăm sông đều đổ ra biển cả nhưng sông vẫn có đời của sông, biển vẫn sống đời của biển. Chỗ gặp gỡ là cửa biển, là vùng nước "xà hai" mặn ngọt pha trộn như là một kiểu vừa tranh chấp vừa hòa hợp tạm thời. Văn hóa các tỉnh ven biển miền Trung với mặt tiền là biển, mặt hậu là núi cũng giống như một vùng nước "xà hai", có sự giao thoa mạnh mẽ, thú vị so với hai đầu Nam và Bắc của đất nước. Biển dù rộng lớn, đem lại nhiều lợi ích cho con người thì cũng không thay thế sông suối được, cũng như nước mặn không thay cho nước ngọt được. Đặc biệt hơn, không dễ gì mất đi trong tiềm thức, tâm hồn người Việt hình ảnh con sông quê hiền hòa, trong mát.
3. Năm 1948, trong thời kháng chiến chống Pháp, Hoàng Cầm viết bài thơ “Bên kia sông Đuống”, sau đoạn tả con sông với dòng nước trong và bờ cát trắng, nhà thơ bày tỏ tâm trạng, cảm xúc: "Đứng bên này sông sao nuối tiếc/ Sao xót xa như rụng bàn tay...". Chữ "rụng bàn tay" đó quả là bất ngờ. Ai cũng có thể nói hay về lòng yêu mến của con người đối với quê hương, nhưng nói như Hoàng Cầm thì mới cảm nhận được thật cụ thể và máu thịt về quê hương đối với mình. Con sông quê đã như một phần thân thể (phần quan trọng, không thể thiếu là bàn tay) gắn bó chung trong mỗi con người. Và con sông Đuống hay còn gọi là sông Thiên Đức chảy qua tỉnh Bắc Ninh của Hoàng Cầm bỗng trở thành một sinh thể có linh hồn, có tâm trạng và thân thiết, gần gũi xiết bao! Từ con sông cụ thể trên những vùng quê khác nhau đã chảy thành sông thơ, sông nhạc... trong văn hóa Việt Nam. Từ văn hóa có liên quan đến cảm hứng sáng tác, đến cảm hứng du lịch và nhiều ý tưởng khác cho cuộc sống. Trong mỗi người chúng ta vừa có những con sông cụ thể mà ta gắn bó vừa có những con sông bắt nguồn từ sự tiếp nhận văn hóa (qua văn chương, hội họa, âm nhạc...). Đi lên vùng Tây Bắc, hay là chưa từng đến đây nhưng khi nhắc đến tên sông Đà, thế nào bạn cũng hình dung bằng hình ảnh Nguyễn Tuân miêu tả "Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo..." [6:161]). Văn chương, nghệ thuật đôi khi làm cho nhiều sự vật rất tầm thường trở nên lấp lánh, đáng yêu hơn và hiệu quả mà nó đem lại chính là tình yêu đối với quê hương, là cảm xúc trong tâm hồn. Tồn tại một cách bình đẳng và gắn kết với những con sông trên bản đồ địa lí, hành chính của đất nước là những con sông trên bản đồ văn chương, nghệ thuật. Sông Đà của Nguyễn Tuân, sông Đuống của Hoàng Cầm, sông Lấp của Tú Xương, sông Trà Bồng của Tế Hanh, sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Côn của Nguyễn Mộng Giác, sông Phường Lụa của Võ Hồng...; rồi sông Lô, sông ĐăKrông, sông Ba, sông Hiền Lương, sông La, sông Mã, sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Cỏ Đông... nổi danh trong nhạc, trong họa... Có con sông thơ, nhạc và cũng có những con sông lịch sử mãi mãi khắc ghi như sông Bạch Đằng, sông Cầu, sông Gianh, sông Bến Hải... Sông nước tự bản thân nó đã là gương mặt quê hương...
Sông quê, ao làng, giếng nước... là nơi in hình mây trắng, trời trong, là nơi gần gũi để gửi gắm biết bao tâm sự, nỗi niềm của người dân quê. Tế Hanh có con sông "xanh biếc" gắn liền với tuổi nhỏ của mình. Hai mươi năm sống xa quê, dòng sông ấy vẫn "lai láng chảy" từ nỗi nhớ của nhà thơ, và còn tiếp tục hóa thân trong tâm hồn hàng triệu người đọc. Có lẽ vì nước dễ lây lan và có khả năng hóa giải mọi điều chăng? Ngày xưa cô Tấm đi xem hội ngẫu nhiên đánh rơi chiếc giày xuống nước như gieo cầu hạnh phúc; còn nàng Vũ Thị, vợ Trương sinh, lại bỏ mình theo làn nước vì oan ức, tuyệt vọng. Các cô gái làng ai chẳng một lần thầm ngắm dung nhan mình qua mặt ao, mặt sông, giếng nước hay thậm chí là chum đựng nước... Có biết bao mối lương duyên kết thành hay tan vỡ từ những lần gánh nước hoặc qua sông, qua đò. Thi sĩ Hồ Dzếnh, tác giả của bài “Chiều” nổi tiếng, chính là kết quả của tình yêu giữa người thanh niên Quảng Đông phiêu bạt với cô lái đò trên sông Ghép (Thanh Hóa). Hồ Dzếnh nói rằng, nước Việt in hình trong thơ của ông:
"Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng
Con sông be bé, cái làng xa xa..." [1:45]
Nếu những con sông quê hiền hòa, be bé chảy xuôi dòng kết nối nên tình yêu quê hương thì giếng nước và những mặt ao (nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ) chính là nơi thể hiện rõ nhất đặc điểm của văn hóa làng và nếp sinh hoạt trong gia đình người Việt. Cái giới hạn cong cong, tròn tròn khép kín, chật hẹp mà thăm thẳm ấy, luôn chứa đựng biết bao chuyện buồn vui của đời người. Nhà có cưới, nhà có tang ma, có con nhỏ, có khách, dậy sớm và thức khuya, hẹn hò và thề thốt, ồn ào hay lặng lẽ... đều gắn với giếng nước, cầu ao. Người ta trò chuyện, chia sẻ, giãi bày, tâm sự hay gây sự nhiều khi từ giếng nước, cầu ao... Nhà nghiên cứu văn hóa Toan ánh ví cái ao, cái giếng đối với làng quê giống như chén nước mắm không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình [1:45]. Diễn trình Nam tiến của người Việt cộng với những điều kiện tự nhiên khác biệt đã làm cho sự ràng buộc của "văn hóa làng" càng vào miền trong càng lơi lỏng đi, chỉ có số phận chìm nổi của người phụ nữ ngày xưa thì nơi nào cũng gợi xót xa, thương cảm. Nhiều khi họ phải lấy câu "phận gái mười hai bến nước" để tự an ủi mình, hay chỉ biết làm một cái bến tĩnh tại, âm thầm chờ đợi: "Thuyền ơi có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền". Khi thuyền tình tan vỡ, họ cũng chỉ biết oán trách con đò, dòng nước: "Cha mẹ cho em sang chuyến đò nghiêng. Đò chùng chiềng đôi mạn em ôm duyên trở về..."...
Sông nước từ xưa đến nay đã chảy trong tâm hồn người Việt với biết bao buồn vui của một đời người, với biết bao thăng trầm, đổi thay của thời cuộc. Người chưa một lần qua sông, qua đò, chưa từng sống cạnh sông nước nhưng nghe câu hò của một chàng trai của vùng sông nước phương Nam: "Hò ơ... Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ/ Mùng ai có rộng, cho anh ngủ nhờ một đêm!" thì cũng thấy rất thú vị và tâm hồn lâng lâng, bắt nhịp...
Sông nước hóa thành giá trị văn hóa và có khả năng làm tươi mới tâm hồn con người...
4. Cuối cùng, cần phải nói rằng sông nước cũng như tình yêu không phải là vĩnh viễn, bất biến mà luôn vận động, đổi thay. Dù người xưa hay lấy sông núi để thề bồi nhưng vẫn có chuyện "sông cạn, đá mòn" xảy ra. Câu nói nổi tiếng "Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông" của học giả Heraclite (530 - 470 tr.CN) xem ra vẫn là nỗi ám ảnh chung cho con người hiện đại về bước đi của thời gian cùng với sự thay đổi liên tục của xã hội và thế giới tự nhiên trong đó có sông nước. Nhiều giá trị văn hóa bị mất đi và thay thế bằng những giá trị mới. Con người cần kiến thiết những công trình vĩ đại nhưng cũng phải bảo vệ những cái gần gũi, thiết yếu là nguồn nước tự nhiên. Lũy tre và ao làng không thể trói buộc con người hay ngăn cản sự đổi mới, nhưng sông nước, làng quê vẫn vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người Việt Nam. Quá trình đô thị hóa và cuộc sống công nghiệp hiện nay đã khiến cho diện tích mặt nước tự nhiên hầu như đều bị thu hẹp lại. Nguy cơ mất cân bằng trong môi trường sinh thái cũng như sự mai một, khô cạn của một nền văn hóa sông nước đã có tự nghìn năm không phải chỉ là lời cảnh báo.
Nhắm mắt lại, ta không chỉ nghe tiếng gọi đò của Tú Xương từ con sông Lấp đã mất, mà còn nghe âm vang, đồng vọng biết bao nhiêu tiếng gọi đò khác... u hoài và da diết!.
Tài liệu tham khảo:
Toan Ánh, “Ta về ta tắm ao ta” trong cuốn Lá rụng về cội, Nxb. Thuận Hóa, 1992, tr.45.
Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr.256-257.
Hồ Dzếnh, Một hồn thơ đẹp, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.248.
Nhiều tác giả, Đặc điểm khí hậu thủ văn Phú Yên, Nxb. Nông nghiệp phối hợp với Sở Khoa học & Công nghệ Phú Yên xuất bản, 1995, xem từ tr.90.
Nguyễn Tuân, “Những chiếc ấm đất” (trích Vang bóng một thời), đã đăng trên tạp chí Tao đàn số 8 (16/6/1939)
Nguyễn Tuân, “Người lái đò sông Đà”, Văn học 12, tập I, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.161.
Trần Quốc Vượng, Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.366.
Nguyễn Thị Thu Trang
Nguồn: tạp chí văn hóa dân gian
Theo http://vanhoanghean.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...