Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Mỹ cảm trong “Về lại trên sông”

Mỹ cảm trong “Về lại trên sông”
(Đọc Về lại triền sông của Nguyễn Thế Kỷ)
Trong “tự bạch” của tác giả ở Lời mở đầu, từ sự hối thúc của bạn bè, Nguyễn Thế Kỷ đã gom lại những bài thơ anh viết trong ba bốn chục năm trời, quá nửa viết trên điện thoại cầm tay - viết tranh thủ trên đường công tác, để có  tập thơ này, và  bây giờ đem về lại triền sông quê.
Triền sông là điểm đến đầu tiên và tất yếu ở buổi bình minh văn hóa của nhân loại. Là nôi êm, là điểm xuất phát, dấu ấn trong tiềm thức mỗi con người xa quê. “Đất nước tôi mở cửa là sông/ Ông bà mẹ cha ngồi nghe gió kể…” (Nghe đất nước tự tình - Trần Huy Minh Phương). Ấy nên Về lại triền sông là về lại nơi chôn rau của mình. Nguyễn Thế Kỷ hiện là một trong những lãnh đạo trọng trách, nhưng từ cốt lõi, anh hết sức bình dị, gần gũi. Cảm nhận đầu tiên của độc giả là tình yêu và sự quăn thắt của tác giả đối với Đất nước- bằng cả tâm khảm của một người dân Việt. 
Mảng đầu tiên trong tác phẩm là tình yêu tổ quốc:
Là sự trãi lòng trước những mất mát đau thương to lớn, không thể đếm đo so sánh:
Nếu có thể đo xương máu tiền nhân
Trường Sơn ngút ngàn dễ gì so được
Bao người mẹ, người vợ, người em- nước mắt
Hồng Hà, Cửu Long đâu thể sánh cùng..
Những cuộc chia ly, những vành khăn trắng…
ạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu
(Tổ quốc).
Là ngậm ngùi tưởng nhớ công lao hy sinh của cha ông, của đồng bào, đồng chí:
Đâu rồi ngày ấy trong lau lách
Hạt muối nhường nhau mặn tới giờ
Xác cha giặc kéo bầm thân lộ
Gốc tràm, ngọn cỏ cũng thương đau,
Đâu rồi nơi bạn ta nằm lại
Lục bình thành nấm mộ trên sông
Màu hoa tím đỏ như màu máu
Như ngọn đèn chung mấy lỡ làng.
(Chiều Cần Thơ) 
Năm ấy giữa mênh mông Đồng Tháp
Nắng chiều nhòa nhạt góc nghĩa trang
Thằng bạn ngày xưa cùng lớp học
Dòng tên lặng lẽ tấm bia mòn.
(Cội nguồn)
Khối lượng thơ ca về nỗi đau này là khổng lồ, là “Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, là “Mười ngàn liệt sĩ Trường Sơn/ Trùng trùng bia mộ trống trơn tên người”, là “màu hoa đỏ trước hoàng hôn”… Nhưng  thơ Thế Kỷ  xuất hiện trong ngữ cảnh khác: dọc đường kinh lý, mỗi chỗ đặt chân tới, anh đều không quên tưởng nhớ tri ân sự hy sinh của tiền nhân. Máu xương đó không chấp nhận tình cảnh biên giới biển cả non sông bị kẻ thù xâm hại, anh nhức nhối, trăn trở, đau xót:
Biển dẫu yên mà lòng ta lại động…
Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn…
Đêm không ngủ Trường Sa đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa.
(Thao thức Trường Sa).
Sao biển yên mà lòng ta động? “Động” vì gió chướng, gió hồng hoang mang nặng âm khí, mang điềm gở của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc tràn qua, gào hú trên hình hài Tổ quốc, trên xương máu cha ông bao đời mở cõi.
Sao “áp cờ đỏ lên tim” mà “bỗng lệ nhòa”? Ta khóc vì máu tiền nhân đồng bào đồng chí nhuộm đỏ, đọng lại trên màu cờ; hay vì canh cánh bên lòng: giang sơn có thể lầm than vì có kẻ mang dòng máu Lạc Hồng nhưng đê hèn Ích Tắc: “Ôi cha ông ta bao phen thắng xâm lược/ Có buồn không sinh ra lũ đê hèn…” (Nguyễn Trọng Tạo).
Và anh không chỉ một lần nhắc đến  Hoàng Sa, Trường Sa:
Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà.
(Tổ quốc)
Với nguyện ước yên bình trên đất Rồng Tiên mở cõi:
Biển xanh ôm ấp trời xanh
Rồng Tiên thủa ấy sinh thành Trường Sa…
Đêm qua trong giấc chiêm bao
Có anh lính trẻ dục trâu ra đồng
Luống cày thao thiết bên sông
Và tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa.
(Trường Sa).
Mảng thứ hai, là tình yêu của tác giả dành cho mọi chốn mọi miền đất nước, nơi anh - Người thơ, người kinh lý - đặt chân tới.
Anh “lần” tới biên cương địa đầu Tổ quốc:
Sau ngàn năm, sau vạn năm
Tôi lần câu hát xa xăm tìm về…
Mỏi mòn nửa kiếp hồng nhan
Sương khuya nhuốm tóc mưa ngàn dội vai
Tạc trong trời rộng đất dài
Cho muôn sau  bức tượng đài tình yêu.
(Trước nàng Tô thị).
Nàng Tô Thị, hình tượng lưu kho trong tâm thức mọi người Việt; “Đầu nước đá ôm con/ Cuối nước đá đợi chồng/ Đâu chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng” (Vọng phu- Chế Lan Viên), là hình tượng đau xót của người mẹ, người vợ ở một “ đất nước không phút nào chợp mắt/ không phút nào thôi khao khát bình yên” (Nghe đất nước tự tình - Trần Huy Minh Phương); do vậy mà không ít thi ca than khóc cho thân phận Nàng. Nhưng Thế kỷ có cách biểu cảm riêng, dẫn kết khác. Độc giả thấy anh đến sát bên Nàng, xót thương “nửa kiếp hồng nhan” đã phôi pha vì chiến tranh loạn lạc, anh sờ lên mái tóc gội sương khuya, vịn vào bờ vai mòn ướt mưa ngàn; an ủi Nàng – và an ủi cho cái chạnh lòng tiềm ẩn trong chúng ta, rằng Nàng đã được tạc lên trời xanh tượng đài tình yêu bất diệt. Cũng là “vai đá”, nhưng nó thân thương, đồng cảm và gần gũi hơn  “Chỉ có cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng/ hàng vạn vầng trăng tròn rồi lại khuyết…” (Vọng phu - Chế Lan Viên). Kiểu như cách tiếp cận của lục quân và không quân.
Có lẽ cần nói thêm rằng: Nàng Tô Thị đã được đem nung vôi từ thời ông Bộ trưởng Văn hóa nào đó, lỗi to hơn ông Bộ trưởng năng lượng Nga Xô thời Checnôbưn - đã từ chức sau sự cố, còn ông này không hề hấn gì, vẫn ngồi viết “Sơn nữ ca” (Tô Thị chắc chắn là sơn nữ, nhưng không ca được); Nguyễn Thế Kỷ là đồng nghiệp văn hóa, cấp TW, lúc ấy chỉ mới là cấp phó, lại đến thăm Nàng và đề thơ - thì cũng là điều quý; dù rằng thơ anh được đề lên những mảnh ghép được gắn kết xi măng, lên nàng Tô Thị nhân tạo, thương binh.
Thế Kỷ nặng tình với bản làng  xa  xôi, ở Sìn Hồ nào đó, anh vẽ:
Pú Đao bản nhỏ chơi vơi
Nhà ai neo khói bên đồi hoa mơ…
Nậm Đoong chợ họp lao xao
Bán mua thì ít , gửi trao thì nhiều…
Một vùng non nước trời mây
Ruộng bậc thang lúa vàng hây gọi mời.
(Sìn Hồ)
Ở bức vẽ nhuốm màu tình cảm thương mến này, người ta thấy lại nét bút tài hoa “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…”của Quang Dũng.
Rồi:
Tà Xùa bồng bềnh mây trắng bay
Lúng Ta tóc biếc suối mắt cười
Điệu khèn, inh lả bên vò rượu
Em bảo tình dầy rượu phải vơi…
Sơn nữ Mường La đẹp lịm người.
(Hội hoa ban)  
Và:                    
Vẹn nguyên lối cũ gót xưa
Vẹn nguyên chín đợi mười chờ
Vẹn nguyên tình đầu giang dở
Gom nhặt cả điều lầm lỡ
Thành men kỷ niệm chiều nay
Quả dầu  chín đỏ trên cây
Bỗng một ngày xanh da diết …
(Khâu Vai)
Người quan tâm đến văn hóa đều biết Khâu Vai, ở đó có Chợ Tình cho những ai lạc lỡ một nửa của chính mình, mỗi năm Trời cho một lần gặp như Ngưu Lang - Chức Nữ. Dòng xoáy cuộc đời đã đẩy xô người ta về hai ngả khác nhau; dân Việt nghèo, dân miền cao lại càng nghèo, người ta “bị áo cơm ghì sát đất” (Nam Cao), lại phải đóng khung trong lệ bản luật làng, thủ thường an phận; có một ngày cho trái tim thức dậy, tình cảm dồn nén câm lặng được Vu lan, sổ lồng – là nhân văn. Đề tài  xúc động giới thi ca, và tác giả tham góp một cách độc đáo, tinh tế: “Quả dẫu chín đỏ trên cây/ Bỗng một ngày xanh da diết …”, “Gom nhặt cả điều lầm lỡ/ Thành men kỷ niệm chiều nay”. Câu kết của bài thơ cũng phác họa tính cách, tâm hồn tác giả: “Khâu Vai, Người nhân hậu quá/ Nâng niu góc nhỏ âm thầm”.
Cùng tính cách đó, âm thanh, hình ảnh nông thôn đất nước trong tai họa thiên nhiên triền miên đã neo đậu lại trong tiềm thức, không buông tha anh ngay cả trong thời khắc Xuân sang:
Giọt này lời những ngày qua
Đồng gần bão đến nương xa lũ về
Thập thình trống thúc ngoài đê
Trâu gầy cõng trẻ bơi về cuối thôn
(Tiếng mùa Xuân)
Với Hà Nội - anh chấm phá chỉ với đôi nét nhưng rất tinh tế, chỉ những người sống lâu ở Thủ đô, am tường văn hóa Thủ đô mới nắm bắt được hồn cốt này:
Hà Nội đôi khi chỉ là chút rét
Tiếng rao hàng ướt đẫm sương khuya
Chút dịu dàng của ai giọng nói
Thành nôn nao một cõi đi về
Hà Nội đôi khi chỉ là chút gió
Mắt lá răm vành nón chấp chao
Lá sấu rơi chạm mùi hoa sữa
Thành bâng khuâng một cõi đi về.
(Hà Nội)
Ấy là Hà Nội trong cái rét se ngọt điển hình của xứ Bắc, tiếng rao hàng đêm của những người lao động ven đô quang gánh lần về nhẫn nại mưu sinh - khiến lòng ta  chùng xuống, se lại, như nghe tiếng Từ Quy khắc khoải trong đêm vắng. Ấy là âm thanh đặc trưng: dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào, âm hưởng văn hiến nghìn năm của  cô gái Hà Thành duyên dáng dưới “vành nón  chấp chao” trong gió thoảng. Hàng me, cây sấu; “lá sấu rơi, mùi hoa sữa”… – tất thảy  tạo nên hồn cốt Hà Nội.
Mảng thứ ba, là tình yêu quê hương.
Đấy là miền Trung yêu thương  mà anh luôn mặc cảm mắc nợ. Miền Trung  “xơ xác bão tràn”, lớp lớp người thân chôn vùi đạn lửa:
Thân dẫu náu nương nơi xứ bắc
Lòng luôn mắc nợ với miền Trung…
Bao người thân ngã trong chiều đạn lửa
Bao nếp nhà xơ xác bão tràn qua…
Ăn miếng ngon, thu mình trong chăn ấm
Mà tâm can chớp giật cuối trời.
(Miền Trung ơi).
Thơ về miền Trung  chắc nhiều hơn hai miền Nam Bắc, có lẽ do đặc thù môi sinh khắc nghiệt, “Một miền Trung đất thiếu trời thừa/ Cát/ và gió/ và mặt trời bốc lửa”, “Ôi miền Trung cát bỏng gió Lào/ Tôi lớn lên dưới trời cong rộp ấy” (Miền Trung - Đoàn Xuân Hòa),., nên nhiều người cảm, thương. Nhưng dùng đến thán từ “Miền Trung ơi” như thế này, quả  tôi chưa thấy.
Gặp cơn mưa bất chợt, một mảnh áo tơi tơi tả, một tin bão lũ, tình cảm thương xót, lo lắng thường trực trong anh lại thức dậy:
Mới nắng chang chang, trời trong vắt
Đã mưa xối xả ngập đường đi
Miền Trung cực khổ như định mệnh
Chỉ những tim yêu mãi xuân thì…
(Bất chợt mưa). 
Nơi những chiếc áo tơi sờn rách…
Ấm chè xanh đượm nghĩa xóm làng.
Bão lũ đi qua như cơm bữa
Bom đạn hằn sâu mỗi thớ cày
Những xóm làng bao phen dời đổi..,
(Xứ Nghệ)
Năm ấy nửa đêm nghe đài báo
Bão tràn lụt ngập cả đất quê
Mấy đứa đồng hương quầng mắt trũng
Sông Dinh còn xanh nữa đôi bờ.
(Cội nguồn).
Thương quê nghèo, bão lũ, đạn bom; lại phải “bao phen dời đổi” do chỉ đạo “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang san” của những đầu óc dưới tầm dân trí, anh tự an ủi: vẫn còn đây sự trường tồn của văn hóa, thuộc tính của quê hương:
Ví dặm thành hương hỏa mang theo.
Đã thương nhau sắt son vàng đá
Chọn gừng cay muối mặn gửi trao…
(Xứ Nghệ)
Một mảng lớn trong tình yêu quê hương là thâm tình đối với chốn chôn nhau và gia đình.
“Ơi ga Sy, ơi Yên Thành xứ Nghệ…- Từ Châu Âu, anh  thắc thỏm tiếng còi tàu ga Sy, ga tàu hỏa cách nhà anh chừng 15 cây số, nơi khởi đầu cho những chuyến bay xa:
Tiếng còi tàu đêm tha hương thảng thốt
Nhớ ga Sy trong nỗi nhớ nhà…
Nhớ những chuyến tàu ầm ì đêm tối
Hà Nội – Sy chen chuc lợn gà…
(Ga Sy)
Anh tâm tình với quê:
Quê ạ, ta như người lạc bước
Giữa ồn ào phố thị bon chen
Chốn phù hoa kẻ xa người lạ
Vẫn sắt se góc ruộng ao làng. 
Quê ạ, ta lắm phen lạc lõng
Chốn quan trường danh lợi đỏ đen
Xót mẹ yếu đồng chiêm sấp ngả
Đớn đau cha máu nhuộm chiến trường.
(Tình quê).
Cứ như lời thủ thỉ, ngậm ngùi cùng tri kỷ sau kỳ lang bạt bất đắc chí, trở về nôi êm. Dẫu chốn quan trường, phố thị ồn ào phồn hoa, vẫn cảm thấy lạc lõng, “Vẫn sắt se góc ruộng ao làng”, “xót mẹ yếu đồng chiêm sấp ngả”, nỗi đau cha già tái phát vết thương. Trong mạch cảm tình quê đó, anh không hiểu nổi những kẻ “từ quê ra phố”/ “Trẻ trâu thành ông nọ bà kia” nhưng “quên lạc lối về”.
Núi Gám, tiếng quê gọi là Rú Gám, là một trong ba núi cao đã đi vào câu ca ”Cao nhất là động Mồng Gà, thứ hai hòn Gám, thứ ba hòn Sường”, cùng với sông Dinh là hai cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng của vựa lúa Yên Thành - thường hiển hiện trong thơ văn Nguyễn Thế Kỷ:
Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh
Xa ngái chi cũng mơ về rú Gám…
Mùi chua của bùn, vị nồng của đất
Với cha, quý hơn cả bạc vàng.
(Quê mình)
Quê ạ, có dòng sông ký ức
Cứ duyềnh lên kỷ niệm xanh xa…
Ngay cả khi về cùng cát bụi
Hóa dòng sông thao thiết rộng dài.
(Tình quê)
Năm ấy chuyến tàu ra xứ Bắc
Mắt nhòa núi Gám phía sau lưng
Sóng lúa mặn mòi tình mẹ hát
Đi mô cũng Rộc, Vẹo, Yên Thành.
(Cội nguồn).
Rộc, Vẹo trong bài thơ là hai địa danh đã đi vào văn học sử, ở đấy có hai cái chợ cổ điển cùng tên và là làng nghề nồi đất nổi tiếng,  sản phẩm  tới tận bây giờ vẫn lưu thông tới cả Cao Bắc Lạng, bằng ... xe đạp thồ, đẩy bộ. Núi Gám  bước chân xuống đồng bằng, đứng sừng sững phía sau nhà Thế Kỷ, sông Dinh hiền hòa chảy qua làng -  mọi thứ cứ “duyềnh lên kỷ niệm”.
Anh nguyện khi về đất sẽ “Hóa dòng sông thao thiết”; lời anh: “quý hơn cả bạc vàng” cái mùi chua của bùn, vị nồng của đất”– không phải là ngoa ngữ.
Gia đình - trong tâm hồn nhà thơ là một mảng in đậm.
Thân phụ ông là “Quan huyện”, là Chủ tịch huyện nhiều năm liên tục:
Cha tiếng là “quan huyện”
Nhà hết gạo chạy quanh…
(Mẹ)
Ông là thương binh chống Pháp:
Lòng cha mấy nẻo chiến trường
Hòa Bình, Nghĩa Lộ… trọng thương máu tràn.
Tuyên quang ngày tháng gian nan
Trại thương binh với muôn vàn đớn đau
Thuốc men nào có gì đâu
Nửa viên hạ sốt nhường nhau mấy người.
(Nhớ cha).
Khi rời viện, với một chân cao một thấp, ông phục viên về xây dựng quê hương và chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ:
Những năm đánh Mỹ gian nan
Bước chân cao thấp non ngàn đồng sâu
Cha cùng đồng chí, đồng bào
Chung lưng đấu cật xây bao công trình.
Núi cằn cây đã lên xanh
Mấy mươi hồ đạp mát lành đất quê…
(Nhớ cha).
“Bước chân cao thấp”- bao gồm cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Ông đã lặn lội khắp nẻo huyện nhà nghèo khó, bằng chiếc xe đạp cà tàng “Nhớ cha những tháng những ngày/ Áo sờn, xe đạp, đường lầy, hố bom”, xây dựng  mấy chục cái đập nước lớn nhỏ, nhờ vậy mà nửa huyện vùng cao đã chủ động thủy lợi gieo trồng; cùng với thành tích chiến đấu và phục vụ tiền tuyến, huỵện được phong tặng Đơn vị Anh hùng: “Rạng danh đơn vị Anh hùng/ Có công cha giữa chiến công chung này”.
Và chính trong thời điểm “Sau lưng sừng sững cơ đồ”, ông đã “Công danh nhẹ phủi, cha về quê hương/ Nuôi mẹ ốm, chăm ruộng vườn/ Nặng vai họ tộc, cột rường gia phong”.
Chắc anh đã mực hòa nước mắt:
Mẹ về nước nhược non bồng
Cha thay tình mẹ vun trồng trúc mai
Thương cha mấy vạn đêm dài
Đơn côi cùng nỗi u hoài nước non.
Cha đi, xa xót cháu con
Đạo thần hôn, chửa vuông tròn, cha ơi!                            
(Cha ơi) .
Tôi ngẫu nhiên được biết ông rất sớm, năm 1965, trong ngữ cảnh bi thương. Lúc đó, bác họ tôi là Trưởng phòng lương thực - thực phẩm của huyện, ông là Chủ tịch. Hai ông đi xe đạp lên đường vận động lương thực thực phẩm cho chiến trường. Đến cầu Điển trên đường 33, gặp máy bay Mỹ phá cầu. Bác tôi ở đầu cầu bên kia cầu, trúng mảnh , hy sinh. Ông ở đầu cầu bên này, thoát nạn. Sau này, ông chỉ đạo xây dựng đập nước, rất chú trọng xã tôi- một xã bán trung du, nhiều hồ đập phôi thai - nên thường về “nằm vùng” ở đó cả tháng. Là người đôn hậu, công tâm và tinh tế, nên dân vùng tôi rất kính quý. Tôi còn nhớ có lần, một nông dân thường hay phá bĩnh, nói ngang, đã vặn vẹo ông: “Bác Tờn ơi, đi cày là cái thằng khốn khổ nhất, đít nhọ,  mạt hạng nhất phải không”/ “Chú nói vậy là xúc phạm  giai cấp, xúc phạm mình, Bác Hồ dạy: lao động mọi nghề đều vinh quang”/ “Thế thì tại sao cán bộ bị kỷ luật, họ toàn tống về đi cày?”. Ông vẫy cậu này ra chỗ khác, mở túi dết, lấy 5 viên đá lửa, gói lại và cho cậu ta; từ đấy, cái loa bông phèng ấy mất điện. Một kỷ niệm khác: tôi đến thăm cụ vào dịp tết, trong đám khách có Phan Thanh Hải, người viết tác phẩm “Một nền chính trị ngoại tình”. Chúng tôi đề nghị Thanh Hải tóm lược nội dung cuốn sách. Thanh Hải nói được năm mười câu thì cụ bỏ bàn trà, ra đứng ngoài sân.
Thân phụ Thế kỷ, như tôi biết, là một người cộng sản lũy thừa ba. Phần còn lại, phần thơ trên của người con đã lột tả, thiết nghĩ không cần luận thêm.
Bài thơ “Mẹ” về Thân mẫu tác giả  gây nhiều xúc động.
Mẹ rửa ấm lau nồi
Đồ đất nung nhiều nhất
Mua xoong nhôm, áp suất 
Mẹ gác bếp để dành…
Buổi sáng mẹ thợ cấy
Buổi chiều mẹ thợ cày
Cha tiếng là “quân huyện"
Nhà hết gạo chạy quanh
Nhớ mấy làn say sắn
Ói mật vàng mật xanh
Mẹ ôm con ve vuốt
Tý nữa thành cỏ xanh
Bây giờ về thăm mẹ
Di ảnh khói hương  bay
Nhà mình nay đã khá
Càng thương mẹ những ngày…
Hình bóng về người mẹ  tần tảo, “xong nhôm, áp suất - gác bếp để dành”, đảm đang “buổi sáng thợ cấy - buổi chiều thợ cày”, nghèo khó: chồng “tiếng là “quan huyện”/ Nhà hết gạo chạy quanh”, con “mấy lần say sắn/ Ói  mật vàng mật xanh”- là hình ảnh xót thương khắc chạm vào trái tim người con đẻ và mọi người con hiếu; cuộc sống càng đi lên, vết khắc càng sâu đậm, “càng thương mẹ những ngày…”.
Hình tượng người dì ruột trong bài “Bên mộ dì” gây xúc động đặc biệt cho người đọc. Cộng hưởng với âm hưởng bài thơ “Mẹ”, nhiều người đã tháo mục kỉnh, lau mắt:
Là chị cả mấy người em
Mẹ em đã khổ dì còn cực hơn
Lấy chồng chưa kịp giận hờn
Dượng vào bộ đội nước non… không về
Kể từ dạo ấy đất quê
Dì như chiếc bóng đi về mặc ai
Đêm đêm nén tiếng thở dài
Ngày ngày vạt lúa, ruộng khoai lũi lầm…
Dì và muôn vạn phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đến thân phận Vọng Phu cũng không thể làm. Sống như chiếc bóng, ngày ngày vạt lúa, ruộng khoai, đêm đêm nén tiếng thở dài… – là xác sống. Sự tồn tại là bản năng thiên chức của người làm mẹ, để các con “bấm chân rau cháo lần hồi bước đi”.
Cái xác sống ấy vẫn bị “áo cơm ghì sát đất”, ngoi ngóp tồn tại; chốn nương tựa, niềm an ủi duy nhất là tình máu mủ, gia phong đằng ngoại , “chị em con chấy thương nhau”:
Bao nhiêu vết sẹo tay dì                                          
Bấy nhiêu xa xót mỗi khi ấp vào
Chị em con chấy thương nhau
Quả cà, mớ tép, cọng rau sớm chiều
No chẳng mấy, đói thì nhiều
Tấm lòng thơm thảo, thương yêu vô bờ
Con đi qua tuổi ấu thơ
Uống bầu sữa mẹ, ầu ơ lời dì…
Âm hưởng xót xa đồng vọng lại, “Có nơi đâu trên trái đất này/ Như Việt Nam đắng cay đau khổ… ”, “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”…
Cũng là âm hưởng phần kết  của bài thơ - lời ai vãn, và là cách giải thoát (?):
Hôm nay bên mộ, dì ơi
Con xin lạy giữa đất trời, âm dương
Xanh cao nếu có thiên đường
Dì tôi xứng đáng mười phương Niết Bàn.
Kết thúc phần này, chúng ta cùng khám phá thêm tâm tưởng tác giả qua bài thơ Vu lan, viết gần đây, ở cuối tập thơ:
Sau những núi non kia là tiên tổ
Là mẹ cha đã nước nhược,  non bồng
Mùa Vu lan dẫu muôn vàn hương khói
Có bay về tới cõi hư không.
Qua bài “thơ kết” này cùng với cả  tập thơ, độc  giả dễ nhận thấy tác giả là người con hiếu của quê hương, chí hiếu của gia đình, người ông hiền hòa quý mến của các cháu. Ở đời thường, bạn bè thân hữu đồng nghiệp và kể cả các mối quan hệ cũng dễ nhận ra điều đó. Tôi được chứng kiến nhiều lần, những tháng ngày cuối cùng của thân phụ tác giả. Anh thường trực ngồi xếp bằng trên giường, bên cạnh cụ; xoa bóp, ve vuốt, nhìn cha đầy thương xót; khách đến thăm, anh đều ra gặp xã giao, chỉ vài phút, rồi nói: “Xin ngồi chơi uống nước ngoài này. Hãy thông cảm cho tôi được bên Cụ thêm phút nào hay phút đó!”.
Nhà anh ở quê còn lưu giữ trân trọng mọi kỷ vật của thân sinh, như một bảo tàng, trong đó có chiếc xe đạp cà tàng, còn biển số đăng ký xe , đã nói ở trên.
Mỗi năm, chúng ta sản xuất hàng vài ngàn tập thơ, hầu hết là mĩ học nông nghiệp. Ở khối lượng khổng lồ này, nội dung của nó thường nặng tính ước lệ, gây cảm nhận “biết rồi khổ lắm nói mãi” cho độc giả. Thơ ở mỹ học hiện đại gắn với vòng xoáy vận động của xã hội và tiềm ẩn nhiều bất trắc - nên hầu khắp tác gia lẫn nhà bình luận chọn cách ở yên trong ngôi nhà truyền thống của mình. Có một danh ngôn: “xét cho cùng, mọi tai họa của con người bắt đầu từ chỗ họ không chịu ở yên trong ngôi nhà của họ”, nhưng tác giả của Về lại triền sông là một trong số ít tác gia, đồng thời ‘nâng cấp” mỹ học truyền thống  đã “dám” hé cửa mỹ học hiện đại.
Là người phụ trách lĩnh vực phê bình văn học Quốc gia, anh biết rõ hơn người về trách nhiệm của người viết trước sự biến động, sôi động của cuộc sống xã hội hiện tại, về sự chuyển động nhanh, mạnh của thi ca Thế giới. Thi ca đang vướng kẹt ở quê, một cách cố ý, vì sự an nhiên; mỹ học nông nghiệp đang đóng cửa mỹ học hiện đại. Có lẽ vì thế mà trong Về lại triền sông – là “hồi ký trái  tim” của anh, lẽ ra và đương nhiên là nó phải được thể hiện toàn bộ qua mỹ học nông nghiệp, nhưng đã có hiện diện của mỹ học hiện đại, dù chỉ ở mức hé mở.
Mĩ học hiện đại được thể hiện ở phần đầu tập thơ. Đó là sự day dứt, trăn trở trước một trong hai vấn đề nổi cộm, lù lù trước mắt của dân tộc: nạn ngoại xâm; nạn kia là nội xâm, tên khác của tham nhũng. Anh nhắc lại hình tượng bạt ngàn các nghĩa trang, đến xương máu không thể đo đếm - dù thước đo là dãy Trường Sơn, nước Cửu Long, Hồng Hà; cảnh “xác cha giặc kéo bầm thân lộ”, xác bạn bè đồng chí dưới đáy sông, “màu hoa tím đỏ như màu máu”, rằng “Rồng Tiên thủa ấy sinh thành Trường Sa”… để ai ai cũng phải thấy rằng, đất đai Tổ quốc là xương  máu Tổ tiên nước Việt, “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải giữ lấy nước” (Hồ Chí Minh); không một kẻ nào được phép vô lương, vô trách nhiệm trước nghĩa vụ thiêng liêng đó. Xa hơn một bước, anh bày tỏ  tâm trạng trăn trở, lo lắng  trước vận mạng  của Tổ quốc, mà biên cương - hải đảo là một phần máu thịt “Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc/ Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão/ Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà” (Tổ quốc). Những đóng góp này góp phần gieo vào độc giả tâm thức “Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”- và chỉ đến thế. Chưa đến mức “Đêm nằm mơ biển Đông hộc máu…” “Ôm lá cờ rách nát vẫn còn đi…”, “Họ là ai mà ác hơn quỷ dữ…”, “Ôi cha ông ta bao phen thắng xâm lược/ Có buồn không sinh ra lũ đê hèn…” (Nguyễn Trọng Tạo), nhưng cũng đã là hé mở, là quý hiếm đối với ngữ cảnh một tác gia hai vai còn gánh việc sơn hà. Áp vào “tiêu chí” người cầm bút của Alecxandre Mercereau – được nêu ra tại ở Đại hội nhà văn lần IX: “Làm cho hạt giống nảy mầm trong tâm hồn, đơm bông, kết quả, làm nảy nở bản năng thành cảm giác, cảm giác thành tư tưởng, tư tưởng thành đường lối xử thế… đấy là một thiên chức của người cầm bút” – thì mầm gieo cũng đã phát triển gần đến đoạn cuối.
Để kết thúc bài viết, xin điểm xuyết thêm chút xíu về nghệ thuật tác phẩm.
Ở đây ta gặp không ít những câu thơ hay, tinh tế: “Quả dầu chín đỏ trên cây/ Bỗng một ngày xanh tha thiết”, “Đàn xuân giọt giọt bên thềm/Thơm từng nốt nhạc hương đêm vườn nhà”, “Có ai biết lặng thầm sau giọt nắng/ Ta lại về chắn nẻo đông sang”, “Đã thương nhau sắt son vàng đá/ Chọn gừng cay muối mặn trao nhau”, “Bến bờ nào cũng dội sóng sông Dinh/ Xa ngái chi cũng mơ về rú Gám”…
Phần thơ được phổ nhạc của tác phẩm cũng có nét độc đáo. Được viết độc lập và ngẫu nhiên – Lời mở đầu – bởi nhiều nhạc sĩ khác nhau, hoàn toàn không phải theo “đơn đặt hàng”, nhưng hầu hết các tác phẩm nhạc đều ở nhịp hành khúc (4/4, C). Giai điệu của các ca khúc đều là giai điệu trữ tình, hướng nội, dễ đi vào lòng người nghe.
Mỗi minh họa trong tác phẩm đều là những tác phẩm hội họa thực sự, khán giả thấy được bút pháp tài danh của họa sĩ, sự hội tụ của Picatxô và Vangốc - phong cách hiện đại, gam màu mạnh, có hồn cốt; bố cục chặt, đường nét phóng khoáng, phá cách, tài hoa - tất cả đều có thể đem triển lãm hoặc tự leo lên  tường.
Về lại triền sông là một tập thơ đẹp cả nội dung lẫn hình thức, là món quà phi vật thể cho quê hương xứ sở từ tấm lòng hiếu nghĩa, trách nhiệm, từ tâm hồn thanh khiết  của một người con.
Tháng 10/2017
Võ Văn Hải
Theo http://nguyentrongtao.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...