Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Mưa qua thơ văn và âm nhạc

Mưa qua thơ văn và âm nhạc 
Nói đến trời mưa là nói đến cảnh vật u buồn, âm u, ủ dột. Đường sá lầy lội, ướt át triền miên. Mùa mưa là mùa của buồn bã, mùa của hoang vắng lạnh lùng. Nhiều lúc nhìn mưa rơi, ta cảm thấy lòng dâng lên nỗi buồn vời vợi. Buồn vì cảnh vật sao mà tiêu điều xơ xác, nhất là trong đêm khuya trong phòng thanh vắng, thân cô đơn nghe từng giọt mưa cứ rơi đều đều rả rích, thánh thót như nức nở bên thềm vắng.
Từ xa xưa, đề tài Mưa đã trải dài theo thời gian trong nhiều tác phẩm tuyệt tác, các thi nhân đã gửi gấm tâm trạng của mình qua những vần thơ bất hủ.
Ta hãy nghe Bà Huyện Thanh Quan tả cảnh mưa rơi chiều thu qua những dòng thơ thật là xơ xác tiêu điều:
Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Trước cảnh mưa rơi thật tiêu sơ hiu quạnh, lòng người cũng tự nhiên cảm thấy não nề buồn bã. Cây cối như rũ rượi bơ phờ đứng dầm trong mưa qua những ngày rét mướt. Lại thêm cảnh bến đò vắng miền quê hoang dã đã thôi thúc thi sĩ Anh Thơ dệt nên những vần thơ gợi lên cho ta thấy một Bức Tranh Quê với cảnh vật sao mà ủ rũ bơ phờ:
Tre rũ rượi ven bờ chen ướt át,
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt,
Mặc con thuyền cắm lại đậu trơ trơ.
Mưa đã tạo nên cảnh vật buồn thảm, tiêu điều. Nhưng trước cảnh buồn, nhũng người đang yêu đã bị mưa ngăn cách, chia ly, nỗi lòng đã dấy lên tâm trạng biết bao ê chề. Cô đơn hiu quạnh để ngồi nhìn mây trời bay về đâu mà lòng nhớ nhung triền miên. Trong những đêm khuya thanh vắng nghe tiếng mưa rơi trong sự mong chờ, rồi thao thức nhớ người yêu. Mưa cứ dai dẳng ngày này qua ngày khác, chàng thầm đếm từng ngày để xem trời mưa đã kéo dài bao lâu rồi mà chưa tạnh. Chàng mong chờ may ra sau cơn mưa dài người yêu sẽ đến? Nguyễn Bính đã biểu lộ tâm trạng mình qua những vần thơ lục bát đầy cảm xúc trong mong chờ hy vọng:
Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm này nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?
Đã bao đêm không ngủ vì luôn nhớ người yêu để mong nhớ sầu tương tư rồi tự nhũ là mình thao thức bao đêm trường nhưng không biết người yêu có thấu hiểu mình chăng?
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng....
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho?
Nhưng đau đớn thay, bao nhiêu thương nhớ đợi chờ, mưa đã tạnh rồi, chàng vẫn không thấy nàng sang chơi, nên buồn lòng, chàng đã nức nở lệ sầu giữa dòng đời cô đơn hiu quạnh, thương cho kiếp người lẽ bóng:
Hôm nay mưa đã tạnh rồi,
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục bên bàn rưng rưng.
Nhớ con bướm trắng lạ lùng,
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Mong chờ hy vọng nhưng rồi không gặp được nàng, chàng càng thương nhớ rồi lại nhớ thương. Mưa cứ dai dẳng và trời càng mưa chàng càng nhớ nhiều và nhớ nhiều rồi tư hỏi, không biết người mình nhớ có nhớ mình chăng? Rồi liên tưởng đến những cơn mưa trên xứ Huế buồn, khiến cho cảnh vật càng thêm ưu sầu:
Trời mưa xứ Huế sao buồn quá,
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày.
Nhớ ai, ai nhớ mà thương nhớ?
Như ta đã thấy một Nguyễn Bính nhớ người yêu để phải đem lòng tương tư, nhưng không phải chỉ có Nguyễn Bính nhớ người yêu mà bất cứ ai khi có người yêu cũng đều mang một tâm trạng như nhau nhất là khi phải đối diện với mưa chiều. Nhà thơ Vi Anh đã bày tỏ nỗi niềm của mình trong nỗi mong chờ đối với đấng phu quân qua bài “Mưa Tím Hoàng Hôn” với những dòng thơ ngũ ngôn sau đây:
Mưa chiều trên sông vắng,
Nhớ anh buồn bâng khuâng
Ngón tay em thầm lặng
Đưa tình vào mênh mông.
Em đang buồn nhớ anh, ngoài trời cơn mưa chiều vội đến, lòng em tê tái nhìn cơn mưa chiều thổn thức. Mưa ướt đẫm chiều hoang vắng:
Sợi tóc dài thương nhớ
Bềnh bồng trôi trong mưa
Cơn mưa chiều vội vã
Ướt đẫm chiều hoang liêu.
Mưa hoàng hôn tím buồn cả khung trời, tím cả mây bay, bao nhiêu ước hẹn cũng đượm bao nét buồn và cả lòng em cũng không tránh khỏi buồn miên man:
Mưa hoàng hôn tím ngắt
Tím tà áo mây bay
Tím khung trời ước hẹn
Tím lòng em nhớ anh.
Lại cũng có những người nhớ người yêu mà không thể mong chờ, phải lặn lội dưới mưa để cố tìm gặp người yêu vì đã lỡ hẹn hò từ trước. Chàng đi đến quán nhỏ bên đường nơi hè xưa phố cũ, mong ngóng trông chờ, lòng buồn miên man và vẫn chưa thấy người yêu xuất hiện. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã diễn tả nỗi sầu da diết trong các vần thơ sau đây:
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ.
Biết bao người thương nhớ người yêu và mong nhớ người yêu đến, có người lại đội mưa tìm người yêu, lại cũng có người cùng đếm bước với người yêu dưới mưa để tiễn người yêu về sau giờ tan học. Chàng dìu người yêu đang còn tuổi học trò đi dưới mưa qua phố buồn giữa đại lộ hoàng hôn cho ta thấy hình ảnh đẹp tuyệt vời của những mối tình thơ mộng và lãng mạn trong thi ca Việt Nam. Nhưng chưa hết, sau khi tiễn nàng về nhà, chàng lại bắt đầu nhớ nhung buồn bã để rồi phố xá cũng buồn theo dưới cơn mưa tầm tã giữa phố đông. Nhà thơ Song Nhị tỏ bày nỗi lòng mình như sau khi nhớ lại những kỷ niệm xưa:
Đã một lần hình như xa xưa
Ta đưa em về dưới phố trời mưa
Cơn mưa tầm cuối giờ tan học
Rồi nhớ thương nhau mấy chẳng vừa.
Đã một lần trời mưa phố đông
Ta nghe như ướt cả trong lòng
Đưa em con phố buồn như nước
Một kẻ đi rồi ta nhớ trông.
Thế nhưng có nhiều người hẹn mà không đến để người yêu phải mỏi mắt trông chờ. Chiều thứ bảy là thời gian hẹn hò, là thời gian mong đợi nhưng ngoài trời mưa nhẹ bay, nàng ngồi một mình trong phòng thanh vắng, lòng buồn vời vợi. Nàng ước mơ chàng đến bên nàng trao cho nàng những nụ hôn say đắm. Nhưng thực tại chàng vẫn không đến, chàng đã lỗi hẹn. Nàng thầm nghĩ hẹn mà không đến, để nàng phải ngóng trông, sao nỡ đày đọa nhau như thế. Ôi, chiều thứ bảy âu sầu. Hoàng Ngọc Thủy đã tỏ bày nỗi cô đơn của nàng đang chờ đợi người yêu trong chiều thứ bảy mưa buồn:
Chiều nay thứ bảy trời mưa
Sao anh không đến hẹn hò với em
Trời mưa ướt cả môi mềm.
Sao anh không đến hôn em nghẹn ngào?
Cho em tìm thấy trăng sao
Đọng trong đáy mắt anh ngào ngạt hương.                            
Trời mưa một bóng em gầy
Hẹn mà không đến, sao đày đọa nhau?
Ôi! Chiều thứ bảy âu sầu!!!
Mưa cũng trải dài trong âm nhạc Việt Nam qua bao thời gian của nhiều thập niên trước và ngay bây giờ mưa vẫn còn sụt sùi, rỉ rả đó đây.
Mưa cũng là nguồn cảm hứng vô tận của các nhạc sĩ. Nhạc sĩ Lam Phương đã viết nên những lời ca thật ủ dột âm u, những màu sắc buồn bã của đêm mưa ướt át lạnh lùng trước thân phận trẻ thơ với kiếp sống mong manh trong Kiếp Nghèo. Những hạt mưa cứ rơi rớt nhanh xuyên qua áo tơi mà vô tình có biết đâu đến số kiếp nghèo hẩm hiu như thế này:
Đường về đêm nay vắng tanh
Dạt dào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đi tối tăm
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi.
Mưa cứ lạnh lùng rơi những giọt mưa thánh thót trên đường vắng đã được nhạc sĩ tạo thành một giai điệu tuyệt vời nghe thật lâm ly não nuột. Đây ta thấy người nhạc sĩ đã cảm hứng từ những cơn mưa tình yêu ướt át nhưng nồng nàn và cháy bỏng, hay cơn mưa trong nỗi nhớ miên man về những người tình đã đi qua trong một ngày mưa rơi:
Nếu ngày xưa bước đi nhanh 
qua con đường mưa
Thì anh đã không gặp người
Nếu ngày xưa em nhìn anh nhưng không mỉm cười
Thì anh đã không mộng mơ.
Rồi mùa thu đến đã gieo nỗi sầu cho nhân thế; nhạc sĩ Đặng Thế Phong đã diễn tả nỗi buồn của mình qua Giọt Mưa Thu trong tiết thu buồn:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Người đã buồn, nhưng chim chóc cũng cầu van nhắn nhủ trời đừng mưa nữa để cho cảnh vật bớt buồn vì mưa buồn mà đã gợi cho lòng người cũng buồn lây:
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
 mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly.
Cảnh vật buồn lê thê, người cũng mong mây tan, nhưng mưa cứ vẫn còn rơi thì lòng người buồn biết bao giờ nguôi được nỗi sầu:
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi.
Nhưng rồi mưa gió vẫn từ đâu kéo về giăng mù khắp lê thê, và biết đến bao giờ:
Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời...
... Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu.
Thế rồi nhớ lại một chiều mưa rơi âm thầm, nhạc sĩ Nhật Ngân đã đưa nàng về nhà chồng với một tâm trạng u buồn. Mưa đã để thấm ướt chiếc áo xanh và làm đẫm ướt mái tóc em. Nhạc sĩ lại còn phân vân, nếu xưa kia trời không mưa thì đâu cần chàng phải đưa nàng về, nhưng chẳng lẽ cùng đi chung lối về mà nỡ lòng nào quay mặt bỏ lơ:
Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, chàng vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ núi sông đi chiến đấu khắp phương trời, trong khi nàng ở lại hậu phương sống với bao niềm mơ ước, với bao mộng đẹp, muôn ngàn ý thơ. Rồi với thời gian trông ngóng mong chờ, nàng đã thay một lối về, quên cả người đang lặn lội trong gió mưa:
Rồi thời gian lặng lẽ trôi
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ.
Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa...
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.
Lại cũng một đêm mưa đã gợi nỗi lòng của người đang vấn vương buồn nhớ người yêu. Nhạc sĩ Huỳnh Anh trong Lạnh Trọn Đêm Mưa đã phải thở than van lơn cho mưa đừng mưa nữa vì mưa đã làm cho phố nhỏ càng buồn thêm, càng mưa người nhạc sĩ đơn côi trong phòng nhớ lại nơi gác xưa thêm lạnh vắng, và đường khuya càng vắng đìu hiu:
Mưa buồn ơi thôi ngừng tiếng
Mưa cho phố nhỏ càng buồn thêm
Mưa rơi gác xưa thêm lạnh vắng
Phòng côi lắng tiêu điều
Đường khuya vắng đìu hiu.
Mưa kéo dài lê thê trọn đêm đã làm thổn thức lòng nhung nhớ của người nhạc sĩ, nhưng người nhạc sĩ biết rằng bao thương nhớ chỉ là mộng mơ, nhưng đêm nay nghe tiếng mưa rơi mà lòng buồn vời vợi, và mưa đêm gợi sầu riêng ai cho đến bao giờ mới dứt:
Đêm sầu đi trong tủi nhớ
Bao thương nhớ chỉ là mộng mơ
Đêm nay tiếng mưa rơi buồn quá
Mưa đêm sầu riêng ai
Buồn ơi đến bao giờ.
Không phải vì mưa đã gợi sầu thương nhớ, mà chính lòng người đã sẵn nhớ nhung nên mưa đã gieo nên nỗi sầu nhân thế. Mưa đã gợi cho chàng nhớ ai. Và rồi mới chợt tự hỏi người yêu có còn nhớ chàng chăng, rồi tự nhũ riêng mình vẫn u sầu nhung nhớ qua những đêm mưa triền miên làm chàng mãi nhớ người yêu đã xa cách:
Mưa ơi! mưa ơi!
mưa gieo sầu nhân thế
Mưa nhớ ai?
Biết người thương còn nhớ hay quên?
Riêng ta vẫn u hoài
Đêm đêm tiếp đêm nhớ mong người
đã cách xa.
Mưa cứ đều đều rơi giọt ngoài phố vắng, tiếng hạt mưa rơi như những điệu nhạc buồn nghe thấm thía. Người nhạc sĩ đã nhớ lại đêm nao chàng đã dìu nàng đếm bước và đã tâm sự trao nhau biết bao là tình ý và chờ mong đến bao giờ:
Mưa buồn rơi ngoài phố
Nghe như tiếng nhạc buồn triền miên
Đêm nao chốn đây ta dìu nhau
Trao muôn ngàn lời thơ
Chờ mong đến kiếp nào?
Trước cảnh mưa buồn trong phố vắng, người nhạc sĩ đã nhớ lại bao kỷ niệm xưa cùng nàng đội mưa và nghe mưa rơi như tiếng nhạc buồn triền miên. Nhưng chưa hết, trong Mưa Rừng, nhạc sĩ Huỳnh Anh đã nhân cách hoá hạt mưa nhớ ai mà mưa mãi không dứt. Giữa cảnh rừng núi bao la hoang vắng nên người nhạc sĩ tự hỏi phải chăng mưa buồn vì tình đời, và từ đó mưa đã gieo vào lòng người thì quả thật là nỗi buồn thật thiết tha và thấm thía:
Mưa rừng ơi! Mưa rừng!
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên
Phải chăng mưa buồn vì tình đời,
Mưa sầu vì lòng người
Duyên kiếp không lâu.
Nhạc sĩ cũng tự hỏi không biết mưa từ đâu mưa về mà làm cho hoa lá tả tơi. Mưa gió lạnh lùa vào ngoài hiên để cho lá vàng rơi lìa cành gợi cho thân cô đơn thêm buồn tủi:
Mưa từ đâu mưa về?
Làm muôn lá hoa rơi tả tơi
Tiếng mưa gió lạnh lùa ngoài mành
Lá vàng rơi lìa cành
Gợi ta nỗi niềm riêng.
Tâm trạng của một tình yêu đơn phương không được đáp trả “mong ước xa xôi” và cứ thế mưa buồn lại gợi bao thương nhớ bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, người nhạc sĩ tự than thở mưa thương ai và nhớ ai trong bóng đêm thân cô đơn này biết gửi tâm tư về đâu. Mưa càng rơi càng gieo bao buồn thảm sầu thương vào lòng mình. Thật đau đớn bẽ bàng:
Ôi! ta mong ước xa xôi,
nhưng đêm mãi cô đơn gửi tâm tư về đâu?
Mưa thương ai? Mưa nhớ ai?
Mưa rơi như nức nở mưa rơi trong lòng tôi.
Mong chờ thương nhớ bóng dáng người xưa trước cảnh mưa rừng hoang vắng càng làm cho lòng người cảm thấy thất vọng ê chề. Chỉ còn than với thở để rồi cơn mưa rừng về muộn màng, chiều cũng gần tàn mà bóng dáng người yêu đâu chẳng thấy, chỉ còn ôm nỗi thương nhớ muôn đời làm sao quên được:
Mưa rừng ơi! Mưa rừng
Tìm đâu hỡi ơi bóng người xưa
Mỗi khi mưa rừng về muộn màng
Bóng chiều vàng gần tàn
Lòng thương nhớ nào nguôi.
Quả thật mưa đã gợi bao nỗi sầu nhân thế qua thi văn lẫn âm nhạc. Trước cảnh mưa rơi, người đã mang sẵn nỗi buồn lại càng buồn thêm.
Mưa thường mang cảm giác buồn, nhưng hoàn cảnh lại là mùa Thu, mùa Thu gieo bao sầu nhớ cho chẳng riêng ai, con người đã mang sẵn một tâm trạng ê chề buồn tủi, tất cả quyện vào nhau để thành khối sầu sâu thẳm và da diết. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng thổ lộ: ”Đồng thanh tương ứng, Đồng khi tương cầu” chẳng phải đó sao.
Tháng 11/2016
Lê Ánh
Theo http://www.ninh-hoa.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...