Đôi điều cảm nhận từ Vị mặn biển đời
Có một niềm vui vì nhận ra những điều bấy lâu chưa thấu hiểu
về một người quen biết trong công tác ở thành phố. Cảm nhận từ tấm lòng Nhân, một
tâm hồn yêu thương, đắm say, lãng mạn. Mong cho sự phong phú của anh sẽ tiếp tục
tỏa sáng giữa trùng khơi đời vô tận mà anh vô cùng yêu quý.
Tôi biết Giáo sư Mai Quốc Liên là nhà nghiên cứu văn học cổ,
nhà lý luận phê bình văn học uyên bác. Khi Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh mời gọi
các nhà văn, nhà thơ hưởng ứng cuộc vận động viết văn bia tại Đền thờ Sài Gòn -
Chợ Lớn - Gia Định, Thường trực Thành ủy đã mời Giáo sư thuyết trình về văn
bia. Vừa rồi tôi được anh gửi tặng một tập thơ 69 bài, cùng với 19 bài thơ dịch
và những bài bình thơ anh sâu sắc, ý nhị, đậm chất gợi mở của các nhà văn, nhà
thơ, nhà phê bình. Đọc và càng đọc tập thơ, tôi càng thấy quý mến anh hơn. Lâu
nay, hiểu anh là người có tư duy nghiên cứu lý luận sắc sảo, thẳng thắn, nay hiểu
thêm anh còn là một hồn thơ, một người làm thơ hay.
Chữ Nhân đậm đà, bàng bạc, xuyên suốt trong Vị mặn biển
đời. Những cảm xúc sâu lắng, tinh tế về con người, về tình thương yêu con người,
thể hiện trong nhiều bài thơ; nâng đỡ, làm đẹp tâm hồn người đọc.
Đọc một Cuốn tiểu thuyết chiến tranh, anh khắc khoải, nhắc nhở
người đang sống về giá trị cuộc sống hôm nay: Nó ám ảnh ta thêm từng khoảnh
khắc/ những gì hôm nay mắc nợ ngày qua/ người ngã xuống trên đường đuổi giặc/
dáng đổ dài trên trang sách hôm nay.
Qua nhiều bài thơ về những con người cụ thể, trong quá khứ và
hiện tại, anh vừa nói thay tiếng lòng của nhiều người, lại có những khám phá
riêng, độc đáo, thi vị.
Anh thể hiện lòng kính yêu Bác Hồ ở một bài tứ tuyệt, chỉ
phác họa vài tứ thơ, vẻn vẹn 4 câu, nhưng để lại ấn tượng (vườn xưa, liễu cũ,
hoa gầy… và mùi hương thoảng bay trong chiều xuống là hoa mộc) cùng cái thanh bạch ngàn năm của mây trắng, anh đã đề trong thơ một
trong những biểu tượng của sự thanh cao, bất tử của một vĩ nhân.
Nghiên cứu lịch sử văn học cổ, anh Mai Quốc Liên vô cùng kính
yêu những nhân vật lịch sử dân tộc như Trần Nhân Tôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,
Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương… Về nhà vua anh minh, nhân từ suốt đời vì nước, vì
dân Trần Nhân Tôn, anh viết Người vứt “ngôi vua như vứt đôi dép rách” - theo lời
người xưa - để vào Yên Tử tu Thiền; tu Thiền nhưng lòng luôn nghĩ về nhân dân,
đất nước: Qua con suối Giải oan/ Đã chạm hồn Yên Tử/ Ngôi vua như dép
rách/ Cuốn theo dòng suối trôi.
Có 2 bài về Nguyễn Du, mỗi bài là một niềm yêu riêng của anh
đối với đại thi hào; nhưng cảm xúc bất chợt gặp sông Tiền Đường, “gặp hồn
Nguyễn Du trên từng con sóng” thì tiêu biểu hơn, với cái cách nói Nguyễn
Du đang hiện diện giữa đời rất hay khi anh chuyển mạch thơ, mong lấy thơ Kiều
làm nhịp đập cho yêu thương: Vì nếu lòng em còn xa cách lòng anh/ Ta sẽ mượn
câu thơ Kiều loi thoi tơ liễu/ Cành liễu mềm như lòng em hiền dịu/ Và Nguyễn về
sống lại giữa tim ta.
Anh ca ngợi: Cái khoảnh khắc nhập thần xuất quỷ/Nghìn
năm xưa chỉ có một lần của nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương: Là sự sống, là khát
khao, hạnh phúc/ Là khối tình lá liễu giọt sương gieo/ Hồn muôn thuở của cuộc đời
trong đục/ Một kiếp người thêm chán nợ tình đeo.
Anh thể hiện tình cảm nồng thắm với Đỗ Phủ, một thi hào thân
thiết với Việt Nam, với văn học Việt Nam, với Nguyễn Du. Chữ Nhân trong thơ Mai
Quốc Liên lại rất sâu sắc với con người hiện tại, luôn là thực tại, luôn là về
con người. 15 câu trong bài Đỗ Phủ giúp người đọc hiểu thêm về Trung Quốc ngày
nay - giàu/nghèo, sang/hèn, lâu đài/mái tranh, nông thôn/thành thị cách biệt rất
xa.
Ngày xưa, khi cụ về làng, các lão nông xách vò rượu đục tự nấu
lấy, đến uống cùng ông, mừng ông về. Nay cũng những lão nông như thế ngơ ngác
trên quê mình: Những lão nông xách vò rượu đục mời ông/ Áo quần cũ, khăn bịt
đầu, ngơ ngác/ Đỗ cô đơn trên chính quê mình.
Tại mộ cụ Đỗ Phủ đầy cỏ xanh, nấm mộ chơ vơ, mà hiếm hoi
người Việt có dịp tới đây, anh kết luận “Cuộc đời là vậy thôi”, thật khó,
nhưng: Chỉ những vần thơ khóc rỏ huyết/ Vẫn còn đây, lay động ngàn đời. Thơ
khóc rỏ huyết là thơ của Đỗ Phủ, cùng là thơ của Nguyễn Du máu theo nước mắt,
là thơ của những nhà thơ vĩ đại, yêu nước, thương dân.
Thơ và cuộc đời, thật dữ dội những vần thơ anh viết về
Dostoievski, kỳ thật anh muốn gửi gắm người đọc trẻ hiện nay - giữa sự phát triển
kỳ diệu của khoa học công nghệ, giúp cho con người bay vào vũ trụ, thật cao, thật
xa, thấy được lòng biển cả, đáy đại dương, thật sâu trong lòng đất và sâu trong
mạch máu, cơ thể người, nhưng có khi con người lại thật cô độc, xa cách nhau
hơn; và hãy “rọi sáng lòng” bằng văn học - bằng những dòng tâm sự: Tôi đọc
Đốt những ngày đất nước chiến tranh/ Bên ngọn đèn dầu sơ tán nhà dân/ Sách mở dở
dang hai đợt bom gầm/ Nghe bão dậy từ lương tâm của Đốt.
Không phải là hoài niệm, mà là sự liên hệ nhân sinh: Hôm
qua giữa Sài Gòn em đọc Đốt chăng/ Say theo những phân tâm, hiện sinh, buồn
nôn, phi lý/ Trong “bản thể cô đơn” có lúc nào em nghĩ/ Người khác - ấy là địa
ngục của lòng em/ Nhưng em có nghe tiếng giày đinh Mỹ nện bên thềm.
Chữ Nhân trong thơ anh thật giản dị, sâu lắng: Tâm hồn
em mang nỗi đau của họ/Trái tim em vang vọng núi sông rền… Bài thơ này anh
làm cách nay đã 36 năm rồi; lúc đất nước vừa đương đầu thắng lợi với hai cuộc
chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, lúc bữa ăn của
người Việt Nam bo bo, khoai lang, khoai mì nhiều hơn gạo, cơm độn bo
bo tình vẫn thắm. Anh vẫn thấy: Để hôm nay trong sách của “thiên tài
ác hung” em đọc/ Giữa cuộc đời nhân hậu tin yêu.
Về những con người và nhà thơ hiện đại, anh thể hiện những điều
chí tình, những lời cô đọng mà toát lên cốt cách của từng người. Phải tâm đắc lắm,
tâm giao lắm, nghĩ về nhau lắm, cùng nhau trải qua nhiều niềm vui, nỗi buồn, trải
qua nhiều cọ xát, gian nan, khó khăn hoặc rất ngưỡng mộ mới có thể viết ra những
dòng súc tích, tinh túy về một người.
Thán phục, ca ngợi thi tài nhà thơ Chế Lan Viên ở 3
bài: Mọc chùm hoa trên đá/ Viết câu thơ chói ngời/ Như Ngân hà một dải/ Vằng
vặc sáng nền trời. Bài về nhà thơ Tố Hữu thật đằm thắm: Chan chứa
lòng anh những giọt lành/ Đâu phải lòng anh dành cho em/ Là cho, đời đó! Phút
giây êm. Bài về nhà văn Anh Đức là tiễn đưa với cõi lòng tan nát một người
anh, người bạn chiến đấu trong nhiều năm, như là đang trò chuyện: Mưa tiễn
anh mát lành, hào sảng/ Trên trang văn anh chân thật một đời…/ Hai anh em đã đi
cùng nhau qua bao tháng năm/ Chừng ấy đủ cho chúng ta tin yêu/ Chừng ấy đủ cho
chúng ta truyền hơi ấm/ Giữa đời này còn lắm đận gieo neo. Anh bàng hoàng
vĩnh biệt/ Người chưa hề quen thân, bác sĩ Tôn Thất Bách, một người tiết tháo
con như bố/ Giữa bao nhiêu mặc cả/ Anh hiền lành thẳng ngay.
Thắm đượm chữ Nhân, anh nhìn thấy, tỏ bày và vun đắp những điều
tốt đẹp, tiêu biểu của mỗi con người. Anh nghĩ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Anh
đã hát “Nối vòng tay lớn”/ Chào Cách mạng về, níu chân người ở lại/ Trong người
nhạc sĩ gầy guộc nhỏ/ Chứa một tình yêu đất nước mênh mông.
Anh chúc thọ nhà báo lão thành Phan Quang tròn 85 tuổi hồi gần
6 năm trước, khắc họa một người, với vị Đường thi: Một thân già giữa giáo
gươm chủ nghĩa/ Bơ thờ tóc bạc gió thu bay.
Kỷ niệm Ấn Độ không phải là về đền, chùa mà đậm chất người, đậm
chữ Nhân; anh như nói thay cho mỗi chúng ta, có khi không dưới một lần thờ ơ với
một người nào đó đã giúp đỡ mỗi chúng ta: Ông lão lái xe, quần áo cháo
lòng, cúi đầu thật thấp/ xin thêm 50 rupi cho chuyến xe đêm vất vả/ Trong túi
tôi không có tiền lẻ, và tôi thờ ơ:/“Thế được rồi”!/ Ông lái xe lầm lũi quay
đi! Anh nhắn: Hàm Anh ơi, em còn ở bên ấy lâu/ Em lại là nhà thơ có trái tim rộng
mở/ Khi có bác lái xe nào xin thêm tiền/ Em nhớ trả giùm anh món nợ.
Một người nghiên cứu văn học cổ làm một bài thơ có nét hiện đại!
Có một bài thơ “thời sự” đậm chữ Nhân, 24 câu nhìn về Iraq,
“hòa bình bị đánh cắp từ đầu thế kỷ”, có điệu, có tứ, có tình, lột tả: Những
quả bom “thông minh” thành quỷ ác/ Trong mắt trẻ thơ nghèo thiếu gạo đói xanh
xao.
Cả màu xanh cũng xanh màu xanh phẫn nộ, anh chỉ ra bản chất
cuộc chiến tranh: Giá Iraq đừng có dầu thì Mỹ/ Sẽ hào hiệp ban đói nghèo,
dịch bệnh như Phi châu. Chia sẻ tức thì bằng gan ruột Việt Nam: Hãy nắm
lấy thắt lưng thù mà chiến đấu, Iraq ơi! Giữa Lửa rực trời bom nổ giữa tim đau,
anh vẫn kiên định một niềm tin thắng lợi: Cho mỗi bước trên kinh thành này mày
run sợ/ Cho vườn treo Babylon chim én lại bay về.
Tình trong thơ anh sâu lắng, nhẹ nhàng, đầm thắm, nhưng không
kém phần dữ dội. Các bài thơ về anh Nguyễn Văn Trỗi, về chị Đặng Thùy Trâm, về
bộ đội về làng, về mẹ, về quê hương lũ lụt… đều đậm tình yêu quê hương đất nước,
về cuộc kháng chiến, Cuộc sống chị đổ máu để giành lại, về khí phách của
người chiến sĩ chiến thắng kẻ thù, chiến thắng cái chết Một tiếng thét giữa
pháp trường, òa vỡ/ Núi sông nghe như hịch gọi lên đường.
Giữa lúc cách mạng thoái trào lịch sử đã đi những hướng
bất ngờ, anh son sắt một niềm tin và gieo niềm tin: Nhưng bất biến là ta, đổi mới
là ta, giữ yên bình Tổ quốc/ Sẽ trụ lại những tấm lòng gan góc/ Sẽ vượt qua
muôn nghìn nỗi gian truân/ Sáng một vầng dương trên biển Đông.
Về tình riêng, khoảnh khắc cuối thu ở Bucarest, lòng xao động,
chắc là anh mượn chuyện để nói lòng yêu đời, yêu cái đẹp - một cái đẹp xứ lạ có
nét hấp dẫn tâm hồn tơ nhện nào vương: Tuyết đầu mùa rơi rối cả lòng tôi/
Và gương mặt như giấc mơ thanh khiết/ Đã đọng trong tôi vị mặn biển đời.
Tập thơ này của anh Mai Quốc Liên có nhiều bài thơ tình; ắt
những tình cảm thật sâu nặng trong lòng, có dịp thì tỏ bày rất nhanh, thật tự
nhiên, giản dị, đi vào lòng người bằng nghệ thuật thơ. Một hồn thơ nhạy cảm, dạt
dào tình yêu Hà Nội “Trái tim anh gửi lại chốn này”: Thôi quên đi giận lẫy
với hờn ghen/ Mặt trời lặn hồ Tây chiều ráng đỏ/ Giọt mưa nào mong manh bay
trong gió/ Giọt men tình say khướt dậy thì xuân. Và ở một ngõ phố, nơi anh
ở: Bước chân em đến thì xuân đến/ Em ngỡ như là búp lá xuân/ Mùa xuân chợt
đến không hò hẹn/ Mà anh đã đợi biết bao lần.Còn khi ở xa người anh yêu thương,
đầy đắm say: Không thư em anh đọc thư gửi em cho đỡ nhớ/ Xuân xa em nắng
cũng lẻ loi buồn. Và lãng mạn: Em là mây trắng cuối thu/ Anh là ngọn gió lãng
du đi tìm/ Em là xao xác cánh chim/ Anh là ứa nghẹn tiếng tim không lời. Hoặc: Nghe
trong giá rét triều yêu mến/ Ước trong tuyết lạnh cầm tay. Anh ghi là đùa tặng
người xưa, thật hóm hỉnh: Kiếp sau ta cùng nhau đại học/ Cùng học văn khoa mê
văn chương. Nhưng điều sau đây thì không phải là đùa đâu: Nắng đẹp
sân trường vương mái tóc/ Thương em thăm thẳm cái canh trường.
Cũng một khoảnh khắc khác, khoảnh khắc gặp nhau giữa nghệ thuật
chèo, đất Nam Định mà chắc là anh yêu lắm, cùng người bạn gái đi công tác
chung: Tiếng chèo khuya như lạ như quen/ Mùa nhãn bờ đê ngọt lịm hồn em/
Trong giấc ngủ em quên mình nhan sắc/ Còn anh, đêm ấy/ Vừa thấy môi son lại tiếc
đời.
Vậy là tôi cả gan nêu cảm nhận của mình về một tập thơ hay,
“ý sâu, lời đẹp”, “trang phục chữ hoàn hảo”, của một nhà nghiên cứu phê bình
văn học. Dẫu sao đó cũng là những cảm nghĩ chân thành, những cảm xúc từ Vị
mặn biển đời mang lại. Có một niềm vui vì nhận ra những điều bấy lâu chưa
thấu hiểu về một người quen biết trong công tác ở thành phố. Cảm nhận từ tấm
lòng Nhân, một tâm hồn yêu thương, đắm say, lãng mạn. Mong cho sự phong phú của
anh sẽ tiếp tục tỏa sáng giữa trùng khơi đời vô tận mà anh vô cùng yêu quý.
NGUYỄN VĂN ĐUA
Theo https://baomoi.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét