Cảm nhận về ý nghĩa của ngày Tết
Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất,
có phạm vi phổ biến rộng và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết
Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam,
nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu
giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Chữ Nguyên có
nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới.
Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm,
người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân
ông bà tổ tiên. Ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất
xứ từ (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển
lần lượt các mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với
một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng
phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có
liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người
nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu,
bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia
đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết
đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn
ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được
khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một
thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp
yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời.
“Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó
là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. “Từ
thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Theo quan niệm
truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối
quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung
cho xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua,
chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì
vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết.
Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc
đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở
xa về…Tết đến từ ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc
trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét.
Tết cổ truyền Việt Nam là thế đơn sơ nhưng ấm áp và tràn đầy
tình thương. Lòng tôi lâng lâng nhìn cây Đào đang ra hoa trước nhà lòng hân
hoan mong chờ tết đến. Mong xuân về để xóa tan cái giá lạnh của mùa đông và
mang tia nắng ấm áp về với mọi người mọi nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét