Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Khúc mơ tưởng màu xanh

Khúc mơ tưởng màu xanh
Thân tặng những cư dân mỏ than Hà Lầm - Quảng Ninh và dàn nhạc giao hưởng trẻ Hà Nội “Rhapsody philharmonic”. 
Đời người dài, ngắn tùy theo quan niệm. Trong cuộc mưu sinh cam go vất vả, có khi còn bị đổ máu, nếu ta may mắn có được hơn một người bạn tốt để tâm giao đã là quý lắm rồi. Một bản nhạc tuyệt vời như mang hình bóng của người bạn hiền: Giúp đỡ ta những lúc sa cơ, dẫn dắt ta khi lạc bước, nâng tầm ta lên chốn thanh cao, an ủi ta dặm đường xa mỏi gối.
Một người được sinh ra và lớn lên ở nơi núi đồi và biển cả giao hòa, lại là người con hiếu thảo với cha mẹ, thì người đó có thể trở thành một người bạn tốt. Tình bạn là thứ quý giá nhất của con người, quý hơn nhiều những định lượng vật chất. Danh ca opera lừng danh Pavarotti là vầng thái dương của âm nhạc Italy và thế giới, ông luôn có chương trình “Pavarotti và những người bạn”, âm nhạc và những người bạn diệu kỳ biết bao!
Chẳng hiểu sao những đứa trẻ sinh ra ở Hà Lầm, chúng đặc biệt nhạy cảm trong sự cảm thụ giai điệu và sự thay đổi tiết tấu của âm nhạc. Tiếng rì rào của cơn gió uốn lượn trên đồi thông, tiếng lá rơi xào xạc luôn làm chúng xao xuyến…
Trong cơn gió chiều hanh hao của một ngày cuối thu, vẩn vơ những tâm tưởng không biết từ đâu vọng về:
- Không gì tự nhiên bằng cảnh lá rơi, những chiếc lá vàng rơi như thời thơ ấu của chúng ngây ngô nhắm mắt mặc cho con tạo xoay vần đưa đẩy chúng đến điểm rơi. Tại sao cuộc đời của chúng lại rơi đúng ở một nơi có ít cơ hội nhất để con người được phát triển tài năng?
- Quyền năng nào của tự nhiên làm cho chiếc lá vàng này rơi ấp lên chiếc lá vàng kia mà không liệng trên mặt hồ lặng sóng? Quyền năng nào đưa đẩy để Anh nằm trong quyền lực của Em và thuộc về Em mãi mãi?
Câu hỏi ấy được George Gershwin là một trong những nhà sọan nhạc được yêu thích nhất nước  Mỹ, ông đã trả lời bằng bản nhạc “Rhapsody in blue”. Ta có thể tạm diễn giải ra tiếng Việt là “ Khúc mơ tưởng màu xanh”. Thành phố Brooklyn miền Đông Bắc nước Mỹ, năm 1924 Gershwin đã viết bản “Rhapsody in blue” cho đàn piano và ban nhạc jazz, như một thông điệp gửi cho những cư dân mỏ than hầm lò Hà Lầm Quảng Ninh. Tác phẩm vượt qua khoảng cách địa lý 20.000km, trải qua một phần tư thế kỷ, bản nhạc nổi tiếng của ông mới bay tới được vùng mỏ than và mặc nhiên nó trở thành bản “Rhapsody in Ha Lam”. Đó thật là một điều kỳ diệu của cuộc sống!.
Hà Lầm những năm đầu thế kỷ 20, cuộc sống của người thợ mỏ hòa cùng thiên nhiên hoang dã: Tiếng chó sủa đổng, tiếng ngan ngỗng khàn đặc, tiếng các loài chim hỗn lọan như một đám đông đang chửi nhau, tiếng hổ báo gầm trong đêm khuya là chuyện thường, xen lẫn tiếng rên của người vợ được anh chồng thợ mỏ khỏe như vâm làm cho ngây ngất, đôi khi người ta còn nghe rõ tiếng chửi chồng của cô gái mỏ khó đẻ con so,…Bên trong những tiếng ồn hỗn độn đó, Gershwin đã nghe được âm nhạc của vùng mỏ, bởi vì cuộc sống đơn giản của thợ đào lò Hà Lầm chủ yếu là ngẫu hứng, vừa cổ điển lại vừa rất giống nhạc Jazz.
Sau đây là mô phỏng bản “Rhapsody in blue” của Gershwin tặng cho Hà Lầm:
“Tiếng kèn clarinet mô phỏng tiếng còi tàu xe lửa đánh thức một ngày mới cho cả một thị trấn hầm lò than đang chìm trong giấc ngủ. Công nhân mỏ bừng tỉnh dậy, chuẩn bị đi làm. Không gì sống động hơn cảnh thức giấc ở một nơi mà con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau, dựa vào nhau để cùng vui sống. Thực ra, những chú dế chọi mới là là những cư dân mỏ danh dự thức dậy đầu tiên, chúng đào hang chằng chịt nơi các ruộng lạc ở khu vườn rau. Trước cả rạng đông, chúng bò ra khỏi hang ăn bữa điểm tâm những ngọn cỏ non tơ vẫn còn ngậm sương đêm.
Tiếng xe lửa chở than từ Hà Lầm ra cảng Hồng gai, những nhịp điệu của bánh xe lửa đầu máy hơi nước chà sát trên đường ray, tiếng lắc lư theo một tiết tấu đều đều khi bánh xe lăn qua điểm tiếp nối giữa các thanh tà vẹt.
Những đứa trẻ đi học xa nhà, có khi chúng phải thức dậy trước cả người thợ lò, chuẩn bị bài vở, ăn nhanh củ khoai củ sắn để lấy sức vượt qua đường rừng đầy sương, chằng chịt nhện độc giăng tơ, có khi đạp phải cả rắn rết. Có lần một cô học trò tuổi 13 bị vắt tuồn vào chỗ kín, sự sợ hãi vượt qua cơn xấu hổ của tuổi dậy thì, cô tụt cả quần lót để bạn giúp lấy con vắt ra.
Mùa đông, học sinh Hà Lầm là những cư dân mỏ khổ nhất. Cơ thể chúng còm cõi không một giọt mỡ dư, cái rét có năm xuống gần độ 0, chân đi dép cao su hỏi làm sao chúng chống chọi được với cái giá lạnh cắt da thịt? Cũng may, cuộc đời chúng gắn liền với những đống xỉ than hồng thải ra từ chiếc đầu máy xe lửa, chúng dừng lại sưởi ấm chân tay, ấp một củ sắn lùi nóng hổi lên ngực rồi vừa đi vừa chạy…
Một ngày mới ở mỏ than Hà Lầm rộn ràng hơn bất kỳ buổi bình minh sống động nào trên trái đất. Những bước chân rầm rập của đội quân hầm lò tỏa đi các lò than số 50, 67, 88,… (đặt tên các lò cao so với mặt nước biển), bước chạy của những học sinh đi học xa nhà, bước chân vội vã của một “dàn đồng ca” đàn bà con gái “xắn váy quai gồng” đi ngòi cào vạng, đánh lờ cá bống, mót cá, câu cáy, bắt ốc, đào bông thùa,…
Có người thợ mỏ trẻ trung mới lấy vợ, anh đã mặc đầy đủ quần áo bảo hộ, chân đi ủng, đầu đội mũ hầm lò tề chỉnh có ngọn đèn phía trước, thế mà khi nhìn thấy cô vợ trẻ buổi ban mai hở hang, anh đi làm không đặng, không biết bằng cách nào mà anh “tặng” ngay cho cô một đứa con sau 9 tháng 10 ngày.
Sự sống động ồn ào ấy qua đi cùng những làn sương nhẹ bởi ánh mặt trời đã lên đỉnh con sào. Giữa cái nắng chói chang của buổi trưa hè vàng óng, những vệt mây bay lơ lửng qua đỉnh đồi làm cho màu vàng của rừng cây đổi thành màu nâu thẫm.
Cuộc sống tháng năm của dân Hà Lầm chuyển qua bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông cứ nhẹ nhàng như không. Bốn mùa lịch thiên nhiên nối tiếp đi qua nơi đây: Mùa Xuân hoa đào nở, cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa Hè hoa phượng đỏ rực cả khỏang trời, ve sầu kêu vang ran, trẻ con có thể trần truồng đi tắm suối, lặn bắt ốc biển, mùa Thu cùng với lá vàng rơi là nỗi buồn của đám học sinh vì đã đến ngày tựu trường, mùa Đông thì khỏi phải nói, cái rét hại làm cho những người lao phổi, người già thường chết tươi. Màu sắc cảnh vật cũng thay đổi rõ nét qua từng thời kỳ, phần đệm cho sự đổi thay đó là sắc màu biến ảo của âm nhạc vùng mỏ than, niềm cảm xúc mênh mang chỉ có ở nơi đây - nơi gặp gỡ giữa trời và biển, giữa màu than đen và màu ửng hồng trên đôi má của cô gái vùng than.
Ông Chích nhà đông con, vợ cấm giường vì sợ đẻ thêm con không nuôi nổi, ông ấy “chê của vợ khai” nên không thèm “gần”. Ông thường cắp rổ ra chợ chiều nhưng chẳng mua gì, chỉ nhăm nhe đàn bà con gái đít to là ông dí “của quý” vào. Ông ta đã nhiều lần bị tổ dân phố kiểm điểm nhưng chứng nào vẫn tật ấy.
Chị Nhung được người dân thị trấn gán cho biệt danh “Nhung voi dao găm”. Chị to béo trắng trẻo, khỏe mạnh, đẹp gái, yêu chồng thương con hết mực, nhưng chỉ phải cái tội hay đi ngoại tình. Chị nhiều lần bị công an gọi lên đồn để “hỏi cung”. Quá mù ra mưa, có lần chị tức quá quát thẳng vào mặt anh trưởng đồn:
- Anh mở to mắt mà nhìn xem, sức của tôi như thế này mà chồng tôi chỉ có thể cho tôi ăn mỗi bữa hai bát cơm, tôi đói nên phải đi kiếm ăn thêm bên ngoài chứ!
Anh trưởng đồn nghe có lý đành phải để chị về.
Có lần đi chơi với bạn gái, chị gặp anh A là bồ cũ cũng đang đi chơi với bạn gái, chị bảo bạn, cái thằng A đã “qua tay” tớ rồi mà còn vênh váo cái nỗi gì. Vì thế người Hà Lầm có ý rằng, chị Nhung to khỏe như voi và hay đâm dao găm vào tim các chàng thợ mỏ.     
Hà Lầm có nhà tắm nước nóng công cộng đầu tiên của Việt Nam, hai bên nam nữ chỉ cách nhau một bức tường lửng. Đôi khi bên phòng nữ lại có tiếng kêu ré lên, bởi các cô bất ngờ thấy xuất hiện phía trên tường bàn tay đàn ông vẫy vẫy “xin tý xà phòng”.
Trẻ con Hà Lầm truyền miệng nhau bài thuốc cầm máu cam rất hiệu nghiệm. Nếu đứa nào bị chảy máu thì chạy nhanh về nhà xé gấu quần cũ của đàn bà con gái nút vào hai lỗ mũi thì từ từ sẽ khỏi. Nếu đứa nào có chị gái còn trinh thì nói khó để chị nhổ cho vài cái lông ở chỗ kín, đem đốt lên rồi dí mũi ngửi khói là cầm máu liền.
Hà Lầm có một anh giai người tròn như quả bóng, anh ta chỉ thích ăn mỡ lá lợn kho. Có lần quá tò mò phụ nữ, anh ta táo tợn mò đến nhà vệ sinh công cộng, ngửa cổ ngó từ dưới lên, có cô bất ngờ cúi xuống nhìn thấy cái đầu nam giới, cô ta sợ quá nổ tim mà chết. Kết cục anh ta phải đi tù.
Hà Lầm có hai mẹ con lấy một chồng. Cô con gái riêng của bà từ nhà quê ra bế em bé, không ngờ cha dượng và con riêng của vợ có tình ý với nhau, cô mang bầu. Bà mẹ dỗ ngon dỗ ngọt thế nào cũng không làm cho con gái về quê, cô ta chỉ cần ông bố dượng, thế là hai mẹ con thi nhau đẻ. Khi tiếng còi xe lửa chở than kèm theo va gông chở người đi ngang qua, đám công nhân mỏ trẻ tuổi cùng hô vang “hai mẹ con lấy một chồng”. Cả hai mẹ con cùng chạy ra vỗ bành bạch chửi lại đám công nhân rỗi hơi nghịch ngợm. Một ngày nọ, máy bay Mỹ ném bom trúng nhà, xóa sổ gia đình hai mẹ con lấy một chồng điều tiếng nhất thị trấn.
Hà Lầm có hai vợ chồng đẹp đôi như hoa, sống rất là hạnh phúc, thế mà có lần anh chồng bắt được quả tang vợ ngoại tình. Anh ta chỉ biết ngồi khóc huhu như trẻ con, thế mới buồn cười chứ, chẳng ra làm sao cả. Hà Lầm có đôi trai gái tuổi 13, đọc truyện sex chép tay “Vụ án thành Paris”, chúng dại dột đưa nhau lên đồi thông thực hành theo y cốt truyện, chẳng may người lớn bắt gặp, thế là cánh cửa vào đời của chúng đóng lại.
Có một nét nhạc mảnh mai như một sợi chỉ đào xuyên đến tận trời xanh, đó là tấm lòng của người dân vùng mỏ nhân hậu và thủy chung mà không một biến cố nào làm họ đổi thay. Tính cưu mang đồng loại cao là bản tính gốc của họ, là dũng khí của họ, là điểm son trong toàn cảnh của một bức tranh màu xám. Những người ăn xin, người bị tàn tật, người bị thiên tai,…họ đến được nơi đây là chạm được tay vào sự sống. Vì thế, Hà Lầm là một bức tranh tương phản, là một bản nhạc xen lẫn giữa cổ điển và nhạc jazz.”
Câu ca dao: “Lấy chồng từ thuở 13, đến năm 18 thiếp đà 5 con”. Người phụ nữ của làn điệu ca dao buồn đó góa chồng ở tuổi 25. Một đêm trời không trăng sao, người mẹ trẻ trốn cả dòng họ tha 5 đứa con đến Hà Lầm làm phu mỏ. Trên chuyến xe lửa từ ga Phủ Lạng Thương Bắc Giang đến Hải Phòng, những đứa con thơ dại ăn cơm nắm thiu và khóc dàn dụa nước mắt cầu xin nhà tàu cho đi nhờ. Người mẹ trẻ đó đã từng là hoa hậu của tổng Hòang Mai, đã từng buôn vải bán vàng, vì đàn con thân yêu mà bà đã phải xuống mỏ đi xúc than hầu như cả ba ca.  Người mẹ đó ở vậy cho đến chết. Hỏi rằng người mẹ cổ điển này có còn hiện hữu ở nơi nào trên trái đất?    
Người mẹ kiêu hãnh và khốn khổ đó chính là mẹ tôi. Người con trai út ít của Người đang trầm tư  ở phía bên kia bờ dốc của cuộc đời. Khi nghe bản nhạc Rhapsody của Gershwin, tôi đang dâng tràn cảm xúc như suối nguồn tuôn chảy về phía hạ lưu xanh một màu blue.
Những ngẫu hứng chuyện ở Hà Lầm như những bức tranh minh họa cho bản Rhapsody in blue của Gershwin, gam màu có thể lạnh, có thể nóng, nhạc điệu xen lẫn buồn vui, nhưng đó là phần tất yếu của cuộc sống. Những sai lầm và khiếm khuyết của con người, chúng là nghịch phách, là những âm không ổn định, là phần bè hòa âm để nhà sọan nhạc sáng tạo nên một tác phẩm âm nhạc hòan chỉnh. Những chuyện này có tính Rock, chất Jazz không? 
Hà Lầm trải qua những thăng trầm của lịch sử, những người công nhân mỏ vẫn sống hồn nhiên không tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng duy nhất của họ là tin tưởng vào sự chân thật của trái tim. Họ không bị chi phối bởi những bài kinh niệm Phật, những lời răn dạy của Chúa, họ tự hòan thiện mình, tập trung trí tuệ và sức lực để kiếm miếng ăn và sản xuất em bé. Hà Lầm có nghĩa là một dòng sông bụi, trong dòng sông ấy con người phải khỏe mạnh ngụp lặn để tồn tại và phát triển.
Hà Lầm là một thung lũng đầy ắp tình yêu thương đồng lọai, dù rằng nó giống như một hòn đảo cách biệt với thế giới còn lại. Từ ốc đảo này, người Hà Lầm như nhắn gửi thông điệp đến các cư dân của thế giới rằng: Trong gian khó, họ vẫn có một đời sống tình cảm phong phú và sống động như người dân ở bất kỳ thành phố văn minh nào. Nhịp sống ở nơi đây thay đổi trong sự tương phản rõ nét: Những cô gái sàng than mà vẫn trắng phau phau.
Coda (Đoạn kết) - Trên chuyến xe lửa từ Brooklyn đi Boston vùng Đông Bắc nước Mỹ, những nhịp điệu lắc lư ấn tượng đặc trưng của đầu máy hơi nước đã là nguồn cảm hứng để Gershwin hình thành cấu trúc tòan bộ bản nhạc “Rhapsody in blue”. Bản nhạc bao gồm 26 phân đọan, chia làm 2 phần và 11 đọan có tiêu đề là:
1. True from of jazz (Sự chân thực khởi nguồn từ nhạc jazz).
2. Contrast(Sự tương phản): Nhạc cổ điển gặp nhạc jazz.
Bản nhạc nguyên thủy Gershwin  soạn cho đàn Piano độc tấu và ban nhạc jazz với thời lượng 9 phút. Sau đó bản nhạc được hòan thiện dài 16 phút bởi ban nhạc  Paul Whiteman và ông còn mở ra một chương trình radio với slogan “Everything new but the Rhapsody in blue” (Mọi điều thì có thể đổi mới, nhưng bản nhạc Rhapsody của Gershwin thì mãi mãi là màu xanh). Vùng mỏ than Hà Lầm, Hà Tu, dọc theo bờ biển từ Hồng Gai đến Cọc 5, cọc 3, cọc 6, Cẩm Phả, Cửa Ông, cuộc sống của người dân mỏ gắn liền với tiếng còi tàu xe lửa. Mùa hoa thông rắc phấn vàng khắp vùng núi đồi Quảng Ninh, bạn đứng trên đồi cao nhìn ra xa, nghe giao hòa giữa sóng nước Hạ Long và tiếng thông reo, bỗng vọng vang  tiếng còi tàu xe lửa... Trong không gian và thời gian ấy, bạn hãy lắng nghe bản Rhapsody in blue. Nếu bạn nghe một lần, vài lần thì đó là bản nhạc của nước Mỹ, nếu bạn nghe nhiều lần trong sự đổi thay của thiên nhiên bốn mùa, trong những tâm trạng khác nhau của đời sống tình cảm, thì đó là bản nhạc của Việt Nam, bản “Rhapsody in Ha Lam”.
Đà Lạt ngày 26/2/2012
 Hoàng Ngọc
Theo http://trieuxuan.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...