Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Hiện thực cuộc sống từ “Thế rồi một buổi chiều” của Nhất Linh

Hiện thực cuộc sống từ “Thế rồi 
một buổi chiều” của Nhất Linh 
Văn học từ lâu đã trở thành một nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống con người. Trong hoàn cảnh sống, nhân dân lao động qua các thế hệ vẫn nối tiếp nhau thầm lặng sáng tạo văn học của riêng mình. Niềm vui, nỗi buồn, hoàn cảnh, tư tưởng, văn hóa phong tục có thể đưa con người đến với nền văn học và nghệ thuật.
Mỗi người cầm bút có một mối quan tâm riêng, điều đó tạo nên đặc thù trong sáng tác văn học của họ, nhằm một mục đích nào đó, bằng cách này hay cách khác để gửi gắm thông điệp hay ít ra cũng gửi đến công chúng những suy nghĩ, những hiểu biết phong phú, giải phóng con người khỏi những suy nghĩ chật hẹp của bản thân. Văn học giúp cho con người có được trạng thái vui, buồn, yêu, ghét nhiều hơn, tạo ra những biến đổi trong tư tưởng, tình cảm. Văn học còn là nguồn phản ánh hiện thực cuộc sống một cách sinh động và là nguồn tiếp sức năng lượng tinh thần cho con người trong cuộc sống. “Khám phá và thể hiện đời sống tâm lý của con người cùng những mối quan hệ xã hội đa dạng của nó, văn học giúp con người liên tưởng đến cuộc sống của chính bản thân mình. Nhiều tác phẩm đi vào đời sống tinh thần người đọc như những tấm gương soi, giúp người đọc phát hiện ra chính bản thân mình. Sự nhận thức thế giới biến thành quá trình tự ý thức của người đọc” [1, 54]. “Thế rồi một buổi chiều” là một tác phẩm văn học phản ánh hiện thực cuộc sống qua câu chuyện tình cảm lãng mạn giữa một sư cô và một thanh niên cách mạng. Qua đó, nhà văn Nhất Linh gợi cho người đọc nhận thức được tình huống và kết quả của vấn đề xảy ra trong cốt truyện. Hoàn cảnh đã đưa họ gặp nhau, sự băn khoăn khi phát sinh tình cảm và sự quyết định cuối cùng của cả hai là “đi theo tiếng gọi của đời tục lụy, đời ái ân”.
Trong “Thế rồi một buổi chiều”, Nhất Linh đã tạo ra nhân vật Dũng đang gặp nạn, bị truy đuổi của bọn người xấu xa, cùng đường nên “liều vào một cái ngõ con, đi hết quãng đường, gặp một cái cổng chùa, nửa khép nửa mở” và Dũng hít phải “một dãy hồng nở hoa, thoang thoảng đưa hương thơm” (chất lãng mạn mở đầu). Nơi đây, Dũng được Sư bà cứu nạn và gặp được “đôi mắt hoa đương đăm đăm nhìn chàng, đôi mắt ngạc nhiên của cô sư trẻ tuổi” (cái duyên gặp gỡ ban đầu). Rồi khi Dũng hốt hoảng, lo sợ trước tình cảnh nguy cấp của mình, thì Dũng lại “lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ của cô sư. Chàng thoáng thấy vẻ đẹp oanh liệt, lạ lùng hiện lên nét mặt dịu dàng của người sư nữ đã điềm tĩnh tìm cách cứu chàng, che chở chàng như một người chị”. Khi được thoát nạn, Dũng “mới để ý đến giọng thanh tao của vị sư nữ, đến đôi bàn tay xinh xắn, trắng trẻo đương nhẹ nhàng xếp lại mấy phần oản, và đôi bàn chân nhỏ nhắn trong dép da mộc mạc”, “dưới ánh đèn, nét mặt sư cô nhiễm một vẻ đẹp thần tiên: hai con mắt từ bi dịu dàng nhìn Dũng thương hại, như an ủy chàng”. Rồi vì tính mạng, cuộc đi bất toàn, Dũng được sư cô cho tạm lánh trong một gác khánh bỏ hoang để chờ cơ hội ra đi. Dũng ở đây trong mười ngày, nhận được sự quan tâm ân cần của sư cô. Đôi khi, Dũng cảm thấy ngại vì “sư cô là người tu hành, tôi là một người… một người trần tục”, nhưng Dũng lại cảm nhận sư cô “là một người sư nữ vừa dịu dàng, xinh đẹp, lại vừa lanh lẹ, vui tính. Đó là một sự thường lắm”. Một tình cảm phát sinh trong lòng Dũng ngày một lớn “dần dần Dũng thấy sự mong mỏi của mình vượt ra ngoài sự thường đó, chàng tha thiết gặp mặt sư cô như người khát mong được uống nước suối… Khi trông thấy sư cô, Dũng thấy trong lòng êm ả, quên hẳn cái thân trốn tránh, tưởng tượng như người đương đi nắng thấy thoang thoảng có hương sen theo ngọn gió mát ở đâu đưa lại”. Nói chung, Dũng đã dành tất cả sự ưu ái và ngưỡng mộ đối với sư cô để rồi cuối cùng dẫn đến một tình yêu chân thật.
Quan điểm của sư cô lúc đầu khi cứu Dũng thoát khỏi tình trạng nguy cấp: “là kẻ tu hành, thì cốt chỉ có lòng thương người, xin ông đừng quan tâm gì cả”. Nhưng “dần dần hai người trông thấy nhau có vẻ thẹn thùng, ngượng nghịu”. Và, “Thế rồi một buổi chiều… sư cô thấy tâm hồn mình lạnh lẽo với gió hiu hiu rung động với lá thông rì rào… chiều hôm ấy, đem lại cho sư cô những cảm giác mới lạ, gợi trí sư cô nghĩ tới những nỗi ái ân, yêu thương của quãng đời đã qua, quãng đời mà sư cô tưởng đã xóa mờ trong trí nhớ… nàng lánh đời ba năm nay… trong da thịt nàng cái dư vị không bao giờ phai của những sự yêu thương cũ”. Đối trước câu hỏi của Dũng “sư cô, vì sao lại đi tu?”, đã gợi cho sư cô nhớ lại “những ngày đau đớn của quãng đời tục lụy ba năm về trước… nàng muốn lánh xa sự đau khổ thì sự đau khổ lại càng như ác nghiệt đuổi theo”. Từ đây, nguyên nhân sư cô che chở cho Dũng được hé lộ: “sự tình cờ run rủi cho nàng gặp Dũng, một thiếu niên có chí khí mà ngay lúc buổi đầu khi tìm cách che chở, nàng đã đem lòng ái mộ”. Khi biết được nguyên nhân sư cô đi tu, Dũng đã đưa ra lời khuyên rằng: “Nếu sư muốn lánh xa tình ái mà vào đây thì thực là nhầm. Sư cô tưởng con đường đi tới sự quên, con đường ấy chỉ đưa người ta đến sự nhớ mà thôi… Theo ý tôi tưởng, người ta muốn quên… không gì hơn là quên mình trong sự hành động”. Dũng cũng có hoàn cảnh khổ đau, nhưng khi “chàng dấn thân vào một cuộc đời hoạt động, một cuộc đời sống vì người khác, chàng đã quên hẳn được những vết thương cũ, đời chàng tuy vất vả nhưng tâm hồn chàng lúc nào cũng thư thái”.
Nhà văn Nhất Linh đã mô tả diễn tiến tâm trạng của người sư nữ đi tu vì chán nản đến tuyệt vọng quãng đời tục lụy của mình. Nhưng khi vào chùa tu trong ba năm qua thì “tiếng chuông chùa với mùi nhang thơm chỉ như gợi cho nàng nghĩ đến sự lạnh lẽo của một đời cô độc, khô khan, gợi cho nàng mơ ước những sự yêu thương vơ vẩn”, “nàng mơ màng nghe thấy một tiếng khác tha thiết hơn: đó là tiếng gọi của tình thương yêu không thể dập tắt trong lòng,…”, nghĩa là sư cô vẫn chưa giải thoát được sự ràng buộc của ái tình. Khi gặp Dũng, nghe Dũng nói chuyện, sư cô đã xác định “những câu nói của Dũng nói ra, sư cô cho là rất phải, rất hợp với tâm hồn sư cô”. Còn Dũng “chàng thấy tâm tính chàng đối với sư nữ không phải là một thứ tình thoáng qua, một thứ tình có thể theo thời gian mà phai lạt được”. Hai con người, với hai hoàn cảnh đã có sự cảm thông với nhau và thật sự đã có tình cảm với nhau, “hai người mà trước kia sự chán nản ở đời đã làm cho tâm hồn khô héo, rỗng không, nhưng nay lại trở về với cái đời đầy đủ, cùng đem theo hai tấm tình yêu và hai tấm lòng ham sống”. Nhất Linh đã xây dựng tâm trạng người cô đơn nhưng đang đối diện trước một khung cảnh ấm áp, khơi gợi tình yêu của cuộc đời: “trong căn gác nhỏ ấm áp, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn con, hai người ngồi đối diện bên mấy chén chè nóng, hơi lên nghi ngút. Bên ngoài bắt đầu mưa to…”. Cuối cùng thì nhà Phật không thể “yên ủy” cho những tâm hồn chán nản nên họ đã quyết định cùng nhau ra đi, mặc kệ cho: “sau lưng hai người, tiếng chuông chùa liên tiếp nhau mỗi lúc một nhỏ, rồi như đua nhau, theo nhau dần dần tan vào quãng hư vô…”. Họ đã ra đi, không cần biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao, chỉ biết hiện tại này, họ khao khát một tình yêu của cuộc đời như những con người thế tục.
Nhà văn Nhất Linh
Có thể cho rằng, nhà văn Nhất Linh đã đưa ra một tình huống của cuộc đời, một cái “duyên” của con người thế gian khi vướng vào tục lụy, điểm hay dở, tốt xấu thì độc giả sẽ tự cảm nhận được. Điều đáng nói ở đây, nhà văn Nhất Linh có thể đúng khi viết: “một tâm hồn chán nản mà nhà Phật không thể yên ủy được”. Dưới cái nhìn Phật học, đi sâu vào kinh tạng Nguyên thủy hoặc Luật tạng của Phật giáo, người xuất gia đúng Chánh pháp là người “vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không xảo trá, không lường gạt, không hư ngụy, không mất thăng bằng, không cao mạn, không dao động, không nói phô tạp nhạp, hộ trì các căn, ăn uống có tiết độ, chú tâm tỉnh giác, không thờ ơ với Sa-môn hạnh, tôn kính học tập, sống không quá đầy đủ, không uể oải, từ bỏ thối thất, đi đầu trong viễn ly, tinh cần, tinh tấn, chánh niệm, an trú, tỉnh giác, định tĩnh, nhứt tâm, có trí tuệ,…”[2, 116-117]. Thế mới biết, từ bỏ đời sống gia đình để làm người xuất gia tu hành rất là khó. Người xuất gia phải vì Phật pháp tồn tại để soi tỏ thế gian. Người muốn xuất gia phải vọng bái lên không trung lạy bốn ân: cha mẹ, quốc gia, sư trưởng, Tam bảo. Xuất gia phải hoằng truyền Chánh pháp vì lợi ích của đạo và vì muốn thoát ly sanh tử, nên người xuất gia không để ngoại trần quấy rối, dao động tâm, luôn lấy “Giới – Định – Tuệ” làm trọng tâm trên con đường tu hành như Đức Phật đã dạy: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại (trần) không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội (trần), không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại (trần) không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết, trong tương lai” [3, 513 - 526]. Lại nữa, “Phẩm Tịnh Lự” trong “Pháp Uẩn Túc Luận” có nêu bốn hạng người xuất gia: 1) Thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia; 2) Tâm xuất gia nhưng thân chưa xuất gia; 3) Thân và tâm đều xuất gia; 4) Thân và tâm không xuất gia. Đứng ở khía cạnh Phật học cho “Thế rồi một buổi chiều” thì nhân vật sư nữ này thuộc hạng người thứ nhất: thân xuất gia nhưng tâm không xuất gia. Các luận sư A-tỳ-đàm đã phân tích hạng người này như sau: “có một loại người đối với những dục cảnh, thân người ấy tuy đã xa lìa những dục cảnh, nhưng tâm vẫn còn đắm trước. Như có người cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chánh tín xuất gia. Người này, tuy thân tướng là xuất gia, nhưng tâm vẫn còn tham luyến nhớ nghĩ về những dục cảnh mà người ấy đã được cảm thọ trước đây. Những người này, gọi là thân xuất gia mà tâm chưa xuất gia” [4, 194]. Chính vì tâm tánh chưa xuất gia nên sớm muộn gì vẫn bị nghiệp lực [5] lôi kéo, đó là lẽ đương nhiên. Sự nhận thức này giúp cho người đọc có thể không rơi vào phê phán nhân vật, mà trái lại người đọc còn có thể thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Nhưng đứng ở góc độ Phật pháp mà nói, tất nhiên, hạng người này không nên xuất gia, vì chỉ làm uổng phí thời gian và không đạt kết quả tốt đẹp. Họ có thể chọn đời sống chánh tín của người Phật tử tại gia là tốt nhất.
Nhất Linh là một trong những bút danh của Nguyễn Tường Tam (1906-1963). Ông là một chính khách, nhà báo và nhà văn nổi tiếng, là người thành lập nhóm “Tự lực văn đoàn” của giai đoạn 1930 – 1945 thuộc dòng văn học hiện đại, từng là chủ bút của tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay. Các tác phẩm văn học của Nhất Linh mang tính hiện thực xã hội và lãng mạn. Tập truyện ngắn “Thế rồi một buổi chiều” của Nhất Linh được viết những năm 1934 - 1937 [6]. Đây là thời kỳ mà con người cần phải nương tựa vào nhau mà sống. Cũng là thời kỳ mà cánh cửa nhà Phật không đủ điều kiện, khả năng để phát triển giáo dục và hoằng pháp vào cộng đồng Phật tử, thậm chí cộng đồng Phật tử cũng không thể dốc toàn tâm huyết cho sự nghiệp phát triển Phật pháp. Bằng lối văn điêu luyện, đầy chất sáng tạo, Nhất Linh đã dẫn dắt người đọc đi vào cốt truyện từ đầu đến cuối một cách thuyết phục khi lấy bối cảnh xã hội thời kỳ tranh đấu cách mạng, xã hội loạn lạc.
“Thế rồi một buổi chiều” của Nhất Linh có xu hướng tự do cá nhân, đầy chất lãng mạn và tính hiện thực xã hội. Điều đó nói lên sự ước mơ đi theo tiếng gọi của trái tim yêu thương đời thường, khát khao tận hưởng hạnh phúc của ái tình, sống một đời sống lao động bình thường và tận tụy với công việc. Nhưng, “Thế rồi một buổi chiều” cũng đã phản ánh một hiện thực cuộc sống của người xuất gia tu hành không thích hợp với Chánh pháp của Đức Phật. Cửa từ bi của nhà Phật luôn rộng mở tiếp nhận và chuyển hóa khổ đau, ban vui cho chúng sanh, nhưng không thể chuyển nghiệp lực của chúng sanh khi họ vẫn còn bó chặt tâm mình vào tư tưởng, tình cảm thế tục (yêu, ghét, vui, buồn, hận, oán, tương tư, ái luyến), nghĩa là họ còn “vướng nghiệp trần” theo cách nói của nhà Phật.
Chú thích:
1] Hà Minh Đức (chủ biên) và các tác giả, Lý luận văn học, NXB. Giáo Dục, Hà Nội, 2007.
[2] Kinh Trung Bộ tập 3 (nguyên bản Pali), Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, NXB.Tôn Giáo, TP. Hồ Chí Minh, 2005.
[3] Kinh Trung Bộ tập 3 (nguyên bản Pali), Việt dịch: HT. Thích Minh Châu, NXB.Tôn Giáo, TP. Hồ Chí Minh, 2005.
[4] Thích Hạnh Bình, Tìm hiểu giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2007.
[5] Nghiệp lực: Nghiệp là sự tạo tác, tức những hoạt động của thân tâm như hành vi, ý chí hoặc chỉ cho những sinh hoạt của thân tâm do ý chí sinh ra. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành do những hành vi đời quá khứ kéo dài đến hiện tại hoặc tương lai. Nghiệp lực là năng lực của nghiệp. Tất cả quả vui, khổ đều do nghiệp lực dẫn phát. (theo Từ điển Phật học Huệ Quang, quyển III, Thích Minh Cảnh chủ biên, NXB. Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2010).
[6] http://vi.wikipedia.org/
Hoa Duyên
Theo http://www.daibi.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...