Dân ca và nhạc cụ của dân tộc Xơ Đăng
Đồng bào dân tộc Xơ Đăng có một kho tàng văn hóa với các loại
hình nghệ thuật, từ âm nhạc, múa đến diễn tấu cồng chiêng. Trong đó độc đáo nhất
là các loại nhạc cụ mang âm hưởng núi rừng.
Ca hát là sinh hoạt phổ biến trong đời sống tinh thần của đồng
bào các dân tộc ở khu vực Tây Nguyên, trong đó có đồng bào Xơ Đăng. Tiếng hát
được cất lên khi đi làm nương rẫy, trong lễ hội, cưới hỏi, khi ru trẻ em ngủ
hay khi trai gái hẹn hò… Chị Y Mon, dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum, chia sẻ:
"Lâu lâu thì mình cũng hát. Ở nhà thì mấy chị em họ hàng trong buôn cũng
hay tổ chức hát dân ca."
Múa cồng chiêng - Ảnh: internet
Với người Xơ Ðăng, những làn điệu dân
ca của họ cũng vô cùng phong phú, nhưng phổ biến nhất là những bài hát đối đáp
của trai gái. Nghệ nhân A Khao, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: Đồng
bào Xơ Đăng thường hát đối đáp giao duyên, nam nữ hát đối với nhau khi đi
làm hay trong các dịp lễ hội. Đây cũng là cách để nam nữ thanh niên bày tỏ tình
cảm, tình yêu với nhau. Nghệ nhân A Phâng, dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum, cho
biết: "Trong mỗi làng đều có các bài hát ca ngợi quê hương, đất nước,
ca ngợi tình yêu đôi lứa. Ngày xưa khi yêu nhau, trai gái hay sáng tác những
bài hát về nhau… Những đêm trăng sáng hẹn hò, hát những bài hát ca ngợi tình
yêu, hát cho nhau nghe."
Đàn Klong-put - Ảnh: internet
Đồng bào Xơ Đăng còn có những bài hát ru với giai điệu nhẹ
nhàng, êm dịu nhưng lời ca gắn liền với đời sống lao động sản xuất của đồng
bào. Dù giai điệu của các bài hát lúc rộn ràng hay dịu êm, trữ tình đều là sáng
tạo ngẫu hứng của đồng bào. Không chỉ sâu sắc về nội dung mà nó còn mang trong
mình tiếng nói, lời tâm sự của họ với mọi người xung quanh về cuộc sống của
mình, của buôn làng.
Trẻ em người Xơ Đăng biểu diễn
nhạc cụ dân tộc (Vĩnh Phong/VOV5)
Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, dân tộc Xơ Đăng sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc phục vụ cho nhu cầu ca múa hát. Đời sống gắn liền với núi rừng nên những nhạc cụ của đồng bào, ngoài cồng chiêng, đều được làm từ các loại cây của rừng như tre nứa, gỗ. Nhạc cụ của dân tộc Xơ Ðăng có đàn Tơ rưng, sáo, ống vỗ klông pút, trống, chiêng, cồng, tù và, ống gõ, giàn ống hoạt động nhờ sức nước....
Nổi bật nhất trong các loại nhạc cụ của người dân Xơ Đăng phải nói đến cồng chiêng. Người Xơ Đăng coi cồng chiêng là biểu tượng cho cuộc sống của dân tộc. Chỉ cần nghe tiếng chiêng, người Xơ Đăng có thể nhận ra cộng đồng đang thực hiện những nghi lễ hay hoạt động văn hóa nào. Nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, bà Linh Nga Nie KĐăm, cho biết: Dàn chiêng của người Xơ Đăng có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau và kèm theo một trống giữ nhịp cho chiêng. Theo truyền thống thì trống bao giờ cũng được người Xê Đăng đánh đầu tiên, hòa vào tiếng chiêng tạo nên âm điệu tươi vui, nhộn nhịp cho các lễ hội. Bà Linh Nga Nie KĐăm cho biết: "Người Xơ Đăng có bộ chiêng từ 10-11 chiếc và diễn tấu động, tức là mọi người đi vòng quanh các cột nêu và có dàn múa nữ đi cùng."
Nghệ nhân A Khao (Vĩnh Phong/VOV5)
Độc đáo nhất trong các loại nhạc cụ của đồng bào Xơ Đăng là
đàn Klông pút. Đàn Klông put được chế tạo từ ống nứa hoặc lồ ô và tiếng
đàn phát ra sau mỗi nhịp vỗ tay vào miệng các ống. Khi biểu diễn, các thân nứa,
lồ ô được gác lên một thân cây khác, và dưới đôi bàn tay mềm mại, uyển chuyển của
những người phụ nữ Xơ Đăng, tiếng đàn Klông pút thánh thót vang lên, bay bổng
khắp núi rừng Tây Nguyên. Nghệ nhân A Khao, dân tộc Xơ Đăng, tỉnh Kon Tum, cho
biết: "Ngày xưa, khi tổ chức Lễ ăn lúa mới, người dân đi chặt cây nứa, lô
ô tươi, sau đó để khô một năm mới bắt đầu cắt để làm ống đàn. Cây nứa phải già mới
để lâu được, sau đó cắt ống nứa để cho ra các âm, theo âm của cồng chiêng. Chỉ
phụ nữ mới đánh đàn Klông pút và vỗ tay vào ống để phát ra âm. Chọn những người
đã tập luyện mới đánh được đàn Klông pút."
Đến thăm các buôn làng Xơ Đăng vào mùa xuân hay lúc lễ hội, từ
xa chúng ta đã nghe được tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm hùng, xen lẫn trong
đó là tiếng thánh thót của đàn Tơ rưng, đàn Klông pút… Bên ché rượu cần, những
đôi trai gái Xơ Đăng nắm tay nhau hòa chung điệu múa hay những bài hát ca ngợi
tình yêu quê hương, buôn làng, tình yêu đôi lứa để cùng hy vọng về cuộc sống ấm
no, hạnh phúc.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét