Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Con cò trắng đã phải lòng câu ca

Con cò trắng đã phải lòng câu ca
NSND Thu Hiền thú nhận: phải yêu dòng nhạc dân tộc đến độ... hết tơ lòng mới thôi! Mà tơ lòng của một nữ nghệ sĩ đã hát suốt 50 năm qua e rằng “càng đong càng lắc càng đầy”.
Mẹ tôi thích nghe Duyên quê, Tình thắm duyên quê, Hoa cau vườn trầu, Hà Tĩnh mình thương, Sợi nhớ sợi thương... Có cả một file nhạc Thu Hiền trong điện thoại tiện ích để mẹ tôi khi thích là mở.
“Thu Hiền hát làm mát nắng gắt bữa ni” - bữa ni trời miền Trung đổ nắng, mẹ tôi cảm khái. Tiếng hát của một người đàn bà hát miệt mài suốt hơn 50 năm qua làm tan mệt nhọc của một người đàn bà đã hơn 30 năm cày cuốc ruộng đồng.
Đưa tình vào câu hát mình yêu
Tôi mang câu chuyện người nông dân mê tiếng hát NSND Thu Hiền ra “làm quà” trong buổi gặp gỡ bà tại Hà Nội. Thu Hiền cười, nguyên má lúm đồng tiền, giản dị nói: “Tấm lòng hồn hậu của người nông dân luôn tìm về với nhạc dân ca. Ðó là điều đáng quý”.
Chung thủy như nhất với dòng nhạc dân tộc, Thu Hiền đã khai phá thành công những ca khúc dân gian ba miền, đặc biệt là các nhạc phẩm viết về miền Trung. Ðến bây giờ, người nghe hát dễ nhận ra bà đã yêu thương đất - người miền Trung như ruột thịt. Mưa hay nắng, đồng ruộng hay núi rừng, tình lúa và duyên trăng, hoa cau, vườn trầu, bờ sông, cây cải... cứ mường tượng trong tâm trí nhiều người. Thu Hiền hát là tri ân. Hát làm say lòng người.
“Khoai sắn miền Trung đã nuôi tôi nên người” - Thu Hiền tỏ lòng mình. 10 tuổi đã đi hát. 15 tuổi đã vào chiến trường. Tuổi thanh xuân của nữ nghệ sĩ là những chuyến quân hành qua đèo Linh Cảm, ngã ba Ðồng Lộc, vượt sông Bến Hải... để hát và động viên tinh thần chiến đấu của đồng đội.
Thu Hiền đi dọc miền Trung, sống và hát. Dòng sữa của Thu Hiền khi đang nuôi con nhỏ còn san sẻ cho nhiều em bé miền Trung bú ké. Hỏi thật nữ nghệ sĩ về chi tiết này, Thu Hiền cười: “Ðúng đấy! Thời chiến tôi nuôi con nhỏ, đi diễn nhiều nơi, gặp em bé nào khát sữa cũng cho”.
Khi đất nước hòa bình, bao nhiêu thấu tình thấu cảnh trong giọng hát khi mượt mà khi day dứt ấy lại ru cuộc đời tiếp diễn. Như bổn phận làm dịu bao cay đắng, như khắc khoải từ tâm, như chính bộc bạch của nữ nghệ sĩ: “Tôi đã sống hết mình với âm nhạc và tình yêu. Một chiếc áo ấm mùa đông mình chia sẻ với bạn, một nén hương cho ngày giỗ bố nuôi cho đến cách trao tình yêu thương cho người thân ruột thịt... Sống có tình để đưa tình vào câu hát mình yêu”.
Hôm nay, trong căn nhà ở phố Mai Dịch (quận Cầu Giấy), Thu Hiền ngẫu hứng hát Thương ơi điệu ví - một sáng tác của nhạc sĩ Lê An Tuyên. Êm, luyến láy với cách phát âm theo phương ngữ xứ Nghệ, không cần nhạc, bà chú ý dựng một hình tượng biểu trưng - sông Lam quấn quýt núi Hồng muôn thuở.
Hát một đoạn “...con cò trắng cũng phải lòng câu ca...”, Thu Hiền ngừng lại, tôi khẽ hỏi: “Thưa chị, chị phát hiện điệu ví dặm từ bao giờ?”. Không ngờ, mắt rưng rưng, bà kể: “Chất ví dặm có trong tiếng khóc xé lòng của bà mẹ quê vùng Nghệ Tĩnh khi chứng kiến đạn bom chiến tranh vùi nhà cửa và người thân trong chốc lát! Tôi nghe ra điệu đó, lúc ấy tôi mới 15 tuổi thôi”. Bà chín nhớ mười thương câu dân ca và thấu tận những trạng thái dân gian gắn với đặc tính câu hát đậm chất vùng miền.
Tuổi đời đã ngoài 60, bà hay xúc động khi gợi kỷ niệm về một thời khoác balô, mặc áo lính. Thu Hiền còn giữ chiếc võng dù, chiếc ănggô, những bức ảnh chụp ngẫu nhiên trên chiến trường. Ngắm kỷ vật, bà tìm lại những rung động chân thật nhất khi hát các ca khúc đã sống cùng đời lính như: Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long, Bài ca 5 tấn, Khâu áo gửi người chiến sĩ, Vàm Cỏ Ðông...
Dân ca - lựa chọn chẳng lạc thời
Trong lòng còn những đam mê, Thu Hiền vẫn thường gác lại những buổi sáng cùng chồng đi tập thể dục, ăn sáng rồi đưa đón cháu nhỏ đi học ở Sài Gòn, một mình ra Hà Nội dựng bài cho thí sinh Sao Mai 2013. Vận bộ quần áo bà ba đen, bà lên sàn tập để dạy hát, truyền lại kinh nghiệm xử lý ca khúc cho từng người. Lắng nghe thí sinh hát, bà sửa từng từ, từng câu để xóa mờ bao non nớt của người trẻ trót yêu dòng nhạc dân gian.
Từ tốn và nhỏ nhẹ, Thu Hiền nói: “Hát quan họ phải lúng liếng ra quan họ. Hát dân ca Nghệ Tĩnh phải toát lên sự sâu nặng nghĩa tình. Hát một câu có âm hưởng ca trù phải nhấm nhẳng, day dứt từng chữ từng câu...”.
Thu Hiền tuổi này thích lùi sau sân khấu, tận tụy dạy học trò và mong họ “chín” dần theo thời gian khổ luyện. Nhưng bà sòng phẳng trong cách nghĩ về chuyện dạy hát: “Tôi chả nghĩ sẽ đi dạy. Các thầy, cô bên nhạc viện dạy cho các em luyện thanh và kỹ thuật để giữ hơi. Nhưng các thầy cô không nắm được hết sự tinh tế của từng bài. Tôi có thuận lợi nền tảng để dựng bài hát nên cộng hưởng cùng sự đột phá sáng tạo của lớp trẻ, để dòng nhạc dân gian khẳng định được giá trị bền vững đối với công chúng”.
Huyền Trang, thí sinh Sao Mai 2013, cho biết: “Tôi học cô bài Trở về và Thương ơi điệu ví. Cô truyền cảm xúc để tôi hiểu hết bài hát. Tôi đã học được những luyến láy mềm mại của dân gian. Mỗi bài hát có một nguồn gốc, một phong cách của vùng miền. Cô phân tích từng từ, từng câu. Ví dụ như có câu cần hát nhấm nhẳng, còn câu này cần hát rất tình cảm như đang nói với nhau: ...mẹ sinh ra em để em ru lời dịu ngọt... Rồi có đoạn làm khán giả đã tai thì người hát lên cao như ...nỗi nhớ sao mà da diết thế..., nhưng (bỗng) xuống nhẹ ...ôi, câu ca ghét ngọt ghét thương/ ơi, câu ca muối mặn gừng cay...”. Học trò của Thu Hiền đang tận lực học hỏi để không phụ những đêm thức trắng dựng bài của bà. Mà với bà, cũng là bài hát đấy nhưng người hát sau hay trước đều phải có dấu ấn để người nghe cảm nhận được sự mới mẻ.
Khi truyền kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình cho nhiều người trẻ, bà cũng khẳng định một điều: dân ca là nguồn cội, những ca khúc sống mãi trong lòng công chúng đã chứng tỏ con người càng muốn gần nguồn cội như thế nào. Thế hệ ca sĩ trẻ hôm nay có nhiều lựa chọn các dòng nhạc hấp dẫn, nhưng ai đã yêu, nâng niu câu hát dân ca thì cũng là một lựa chọn không bao giờ lạc thời.
Làm sao Thu Hiền hát và dạy hát ngày càng tình hơn các khúc dân ca? “Ðể trả lời câu này thì khó quá, khó không thể tưởng tượng nổi. Chỉ có điều là bây giờ tôi đã già rồi, vẫn cứ say sưa, yêu và hay xúc động với những gì mình đã trải qua” - Thu Hiền làm duyên một chút. Bà đã chọn lối sống không ồn ào mà trọn tình với câu ca.
Trọn tình để bay đi trong xứ sở dân gian đẫm đầy âm nhạc, như một cánh cò mải miết và vị tha!
NSND Thu Hiền sinh năm 1952 tại Phú Thọ. 10 tuổi, Thu Hiền đã thoát ly gia đình đi hát cùng bộ đội. Bà được Nhà nước phong tặng nghệ sĩ nhân dân năm 1993. Hơn 50 năm đi hát, gần 50 đĩa được phát hành, NSND Thu Hiền là một người hiếm hoi bình thản hát nhạc dân ca trong mọi đổi thay của thị hiếu âm nhạc.
Nhìn lại nửa thế kỷ đi hát của mình, Thu Hiền nói: “Tôi chỉ nói một câu đơn giản: tôi là một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Tiếng hát vừa là đam mê vừa là chỗ tựa nương cho chính đời mình”.
Trần Anh
Theo https://tuoitre.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...