Dân ca Gia Rai (Jrai)
Người Gia Rai hay Jrai, là một dân tộc nói tiếng
Gia Rai thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo. Người Gia Rai còn có các tên gọi
khác là người Giơ Rai, Chơ Rai, Tơ Buăn, Hơbau, Hdrung, Chor hay Gia
Lai.
Người Gia Rai là một nhánh lớn của tộc người Rang
Đê cổ hay còn gọi là người Ê Đê cổ được ghi chép khá nhiều trong
các bia ký Chăm Pa, sự tấn công của đế quốc Mông Cổ, sau này là Nam Tiến của
người Việt đã đẩy bộ phận người Chăm Pa lên vùng bình nguyên Cheo Reo
hòa hợp với người Ê Đê cổ tạo ra nhóm tộc người tự gọi là Anak
Jarai tức con cái của Jarai. Trong văn hóa và tính cách của người Gia
Rai có nhiều yếu tố Chăm Pa trung đại so với người Ê Đê chịu ảnh hưởng đứt gãy
của yếu tố Lâm Ấp Chăm Pa cổ đại. Người Gia Rai còn giữ được yếu tố ngôn ngữ
Rang Đê cổ đó là ngôn ngữ đa âm hơn so với người Ê Đê láng giềng.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Gia Rai ở
Việt Nam có dân số 411.275 người, cư trú tại 47 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố.
Người Gia Rai cư trú tập trung tại tỉnh Gia Lai (372.302 người, chiếm 29,2% dân
số toàn tỉnh và 90,5% tổng số người Jrai tại Việt Nam), ngoài ra còn có ở Kon
Tum (20.606 người), Đắk Lắk (16.129 người). Đây là dân tộc bản địa có số dân
đông nhất Tây Nguyên.
Gùi - vật dụng không thể thiếu khi lên rẫy. (ảnh KT)
Người Gia Rai sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt nương rẫy;
lúa tẻ là cây lương thực chính. Công cụ canh tác của người Gia Rai giản đơn, chủ
yếu là con dao chặt cây, phát rừng, cái cuốc xới đất và cây gậy chọc lỗ khi tra
hạt giống. Chăn nuôi trâu, bò, lợn, chó, gà phát triển. Xưa kia, người Gia Rai
có đàn ngựa khá đông. Người Gia Rai còn thuần dưỡng và nuôi cả voi. Đàn ông thạo
đan lát các loại gùi, giỏ, đàn bà giỏi dệt khố váy, mền đắp, vải may áo cho gia
đình. Săn bắn, hái lượm, đánh cá là những hoạt động kinh tế phụ khác có ý nghĩa
đáng kể đối với đời sống của họ xưa và nay. Có nơi ở nhà dài, có nơi làm nhà nhỏ,
nhưng đều chung tập quán ở nhà sàn, đều theo truyền thống mở cửa chính nhìn về
hướng Bắc.
Người Gia Rai sống thành từng làng (plơi hay bôn).
Trong làng ông trưởng làng cùng các bô lão có uy tín lớn và giữ vai trò điều
hành mọi sinh hoạt tập thể, ai nấy đều nghe và làm theo. Mỗi làng có nhà rông
cao vút. Đây là tộc người duy nhất thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo có nhà rông, có thể
do ảnh hưởng của cư dân Ba Na thuộc hệ ngôn ngữ Môn-Khmer. Có nhóm A Ráp của
người Gia Rai thực ra là người gốc Ba Na đã bị Gia Rai hóa.
Gia Rai là tộc người duy nhất ở Tây Nguyên đã có một tổ chức
xã hội tiền nhà nước với hai vua: Vua Nước và Vua Lửa, còn được
gọi là Tiểu quốc Jarai.
Dân tộc Gia Rai theo truyền thống mẫu hệ, phụ nữ tự do lựa chọn
người yêu và chủ động việc hôn nhân. Sau lễ cưới, chàng trai về ở nhà vợ, không
được thừa kế tài sản. Trái lại, con gái lấy chồng lần lượt tách khỏi cha mẹ ra ở
riêng, được phân chia một phần tài sản. Con cái đều theo họ mẹ. Ngoài xã hội,
đàn ông đóng vai trò quan trọng hơn, nhưng trong nhà phụ nữ có ưu thế hơn.
Người Gia Rai mặc trang phục truyền thống trong lễ hội. (ảnh
KT)
Trang phục của người Gia Rai ít nhiều gần với trang phục của
người Ê Đê, nhưng có nét riêng trong phong cách tạo hình và trang trí. Mặc dù
hoa văn trang trí cụ thể các nhóm khác nhau nhưng có thông số chung của tộc người.
Thường nhật, nam đội khăn, theo lối quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một
bên tai, hoặc quấn gọn ghẽ như khăn xếp của người Kinh. Khăn màu chàm. Nhìn
chung nam giới Gia Rai đóng khố. Khố này thường ngắn hơn khố ngày hội, là loại
vải trắng có kẻ sọc.
Phụ nữ để tóc dài búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Áo
là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là kiểu chui đầu cổ “hình thuyền”, riêng
nhóm Gia Rai Mthur lại có kiểu cổ thấp hình chữ V và các loại cổ phổ biến. Trên
nền chàm áo được trang trí các sọc hoa văn theo bố cục ngang thân áo ở cổ, vai,
ống tay, giữa ngực, gấu áo và hai cổ tay áo. Đó là các sọc màu đỏ xen trắng và
vàng trên nền chàm hoặc màu xanh nhạt diệp và màu chàm. Váy là loại váy hở quấn
vào thân (kích thước trên dưới 140 cm x 100 cm). Phong cách trang trí trên váy
cũng thiên về lối bố cục ngang với các đường sọc màu (như áo là chính). Có nhóm
ở Pleiku với nguyên tắc trên nhưng được mở rộng thành các mảng hoa văn ở giữa
thân váy, nửa thân dưới áo và hai ống tay. Trang sức có vòng cổ, vòng tay.
Nói đến dân tộc Gia Rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ
nổi tiếng như “Đăm Di đi săn”, “Xinh Nhã”… Dân tộc Gia Rai cũng độc đáo trong
nghệ thuật chơi chiêng, cồng, cạnh đó là đàn T’rưng, đàn Tưng nưng, đàn Klông
pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của người
Gia Rai. Người Gia Rai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu,
không còn đủ sức nữa, mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ
chức trong làng hay trong gia đình.
Giai điệu của dân ca Gia Rai thường nồng nàn, mạnh mẽ, sâu đậm,
thiết tha, vui buồn tột cùng, dễ đi sâu vào lòng người, thường được tiến hành
theo quãng 5 đúng đi xuống liền bậc (Sol-Fa-Mi-Do) Sự tiến hành của các giai điệu
có thể thay đổi nhưng tiết tấu thì ít khi thay đổi. Thí dụ bài Lên nương và Bơ
hơ chim (xem clip), dân ca Jrai.
Dân ca Gia Rai có các thể loại:
– Hát nói gọi là Knhă
– Hát có nhịp điệu gọi là adoh
– Hát giao duyên gọi là nhik
– Hát kể trường ca gọi là hri.
– Hát có nhịp điệu gọi là adoh
– Hát giao duyên gọi là nhik
– Hát kể trường ca gọi là hri.
Dân ca Gia Rai:
1. ĐI THĂM BẠN
Ơ Này, Beng Geng anh này!
Ơ Này, Tu Đê anh này
Làng Buông ta xa nhau
Làng Buông ta xa nhau
Khi xuân về (bơ o bơ)
Đi thăm bạn (bơ bơơ)
Ơ Này, Tu Đê anh này
Làng Buông ta xa nhau
Làng Buông ta xa nhau
Khi xuân về (bơ o bơ)
Đi thăm bạn (bơ bơơ)
2. DẬY ĐI! HLIM
Dậy đi! Hlim dậy đi!
Hlim em ơi, dậy đi dậy nào
Kìa mặt trăng tàn, kìa mặt trăng tàn rồi
Hlim dậy thôi dậy dĩa lúc
Dậy đi em Hlim ơi
dĩa lúc đi nào
Kìa mặt trăng tàn rồi
trăng nghiêng nghiêng tàn rồi
Hlim ơi!.
Hlim em ơi, dậy đi dậy nào
Kìa mặt trăng tàn, kìa mặt trăng tàn rồi
Hlim dậy thôi dậy dĩa lúc
Dậy đi em Hlim ơi
dĩa lúc đi nào
Kìa mặt trăng tàn rồi
trăng nghiêng nghiêng tàn rồi
Hlim ơi!.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
3. MÙA HẠ
Ơi, ơ rừng nắng chiếu khắp nơi nơi
Lá biếc xanh bao đẹp tươi
Suối cá bơi vui từng đàn
Chim trời dập dìu về từng đàn
Người rộn ràng cùng theo nhau
đến suối mát trong cùng vui đùa
Người rộn ràng mừng hè về
Người rộn ràng mừng hè về.
Lá biếc xanh bao đẹp tươi
Suối cá bơi vui từng đàn
Chim trời dập dìu về từng đàn
Người rộn ràng cùng theo nhau
đến suối mát trong cùng vui đùa
Người rộn ràng mừng hè về
Người rộn ràng mừng hè về.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
4. LÊN RỪNG
Chúng ta đi lên rừng.
Dắt theo dao bên mình.
Ôi đẹp sao núi rừng Tây Nguyên quê hương mình
Hãy lắng nghe vi vu
Tiếng núi rừng âm vang
Chúng ta đi lên rừng
Bên tai tiếng con chim ca mừng,
Xa xa suối reo, nghe tưng bừng
Tây Nguyên quê hương mình
Nơi đã sống bao đời
Chúng ta yêu cây rừng
Nước suối xanh trong lành
Nơi đã nuôi ta bao đời
Mùa đông tới giá lạnh,
tìm cành khô trong rừng
Ngồi quanh bếp lửa hồng
Lòng ta vui dạt dào.
Dắt theo dao bên mình.
Ôi đẹp sao núi rừng Tây Nguyên quê hương mình
Hãy lắng nghe vi vu
Tiếng núi rừng âm vang
Chúng ta đi lên rừng
Bên tai tiếng con chim ca mừng,
Xa xa suối reo, nghe tưng bừng
Tây Nguyên quê hương mình
Nơi đã sống bao đời
Chúng ta yêu cây rừng
Nước suối xanh trong lành
Nơi đã nuôi ta bao đời
Mùa đông tới giá lạnh,
tìm cành khô trong rừng
Ngồi quanh bếp lửa hồng
Lòng ta vui dạt dào.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
5. HÁI HOA BÊN RỪNG
Ta đi hái hoa bên rừng
Nghe tiếng suối reo không ngừng
Hoa thắm đang đợi chờ
Bao mơ ước đang đợi chờ
Ta đi hái trái ngon trong rừng
Nghe náo nức tiếng chim trên cành
Con chim trắng bay lượn vòng
Nghe chim hót vui trong lòng.
Nghe tiếng suối reo không ngừng
Hoa thắm đang đợi chờ
Bao mơ ước đang đợi chờ
Ta đi hái trái ngon trong rừng
Nghe náo nức tiếng chim trên cành
Con chim trắng bay lượn vòng
Nghe chim hót vui trong lòng.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
6. BUỔI SÁNG
Nắng lên rồi, dòng suối nước trong
Đàn ong đi tìm hoa thơm nơi nơi
Nắng lên rồi, gọi ta lên rừng
Cùng hái rau về
Nào đi nhanh chân
Ta lên rừng cùng nhau hái măng
Cùng bắt cá trong giòng suôi trong xanh
Đàn ong đi tìm hoa thơm nơi nơi
Nắng lên rồi, gọi ta lên rừng
Cùng hái rau về
Nào đi nhanh chân
Ta lên rừng cùng nhau hái măng
Cùng bắt cá trong giòng suôi trong xanh
Nấu bát canh phần anh lên nương
Làm rẫy sớm chiều
Lòng em thương anh
Sáng sớm nay lên nương xa
Mà lòng em thương anh.
Làm rẫy sớm chiều
Lòng em thương anh
Sáng sớm nay lên nương xa
Mà lòng em thương anh.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
7. ĐÊM TRĂNG
Trăng sáng soi trên lưng núi
Trăng sáng soi in hình trong suối êm
Trăng tràn ngập làng buông hiền hòa
Đây Tây Nguyên bao la khúc ca
Tiếng sáo réo rắt hát mừng
Rừng rì rào cùng suối reo
Quê hương thân yêu,
nương rẫy được mùa vui sao
Trong ánh trăng buông làng yên vui
Tiếng T’rưng ngân vang rộn ràng ngày đêm
Đây Tây Nguyên khi trăng lên.
Trăng sáng soi in hình trong suối êm
Trăng tràn ngập làng buông hiền hòa
Đây Tây Nguyên bao la khúc ca
Tiếng sáo réo rắt hát mừng
Rừng rì rào cùng suối reo
Quê hương thân yêu,
nương rẫy được mùa vui sao
Trong ánh trăng buông làng yên vui
Tiếng T’rưng ngân vang rộn ràng ngày đêm
Đây Tây Nguyên khi trăng lên.
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
8. ANH YÊU THƯƠNG
Tiếng hót chim rông
Lòng em càng rộn ràng
Đàn chim đẹp sao cùng hót
Hòa tiếng ngàn vang
Ngày Tháng anh bên em
Anh yêu thương ơi
mối tình nồng nàn
Dạt dào tim em từng ngày đêm
Nhớ anh
Nào có thấu chăng
Anh ơi!
Lòng em càng rộn ràng
Đàn chim đẹp sao cùng hót
Hòa tiếng ngàn vang
Ngày Tháng anh bên em
Anh yêu thương ơi
mối tình nồng nàn
Dạt dào tim em từng ngày đêm
Nhớ anh
Nào có thấu chăng
Anh ơi!
NS Nguyễn Đình Nghĩa ký âm.
Dưới đây mình có các bài:
– Kế thừa, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai
– Độc đáo Lễ cầu thần mưa của người Gia Rai
– Lễ hội cầu mưa đặc sắc của người Gia Rai
– Lễ đền ơn đáp nghĩa của người Gia Rai
– Lễ hội đâm trâu ở buôn làng Gia Rai
– Lễ bỏ mả (Pơ Thi) của người Gia Rai
– Nhà Rông Gia Rai
– Nhà mồ cổ Gia rai – Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
– Độc đáo Lễ cầu thần mưa của người Gia Rai
– Lễ hội cầu mưa đặc sắc của người Gia Rai
– Lễ đền ơn đáp nghĩa của người Gia Rai
– Lễ hội đâm trâu ở buôn làng Gia Rai
– Lễ bỏ mả (Pơ Thi) của người Gia Rai
– Nhà Rông Gia Rai
– Nhà mồ cổ Gia rai – Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Cùng với 6 clips tổng thể văn hóa truyền thống dân tộc Gia
Rai và 1 link phóng sự dân ca Gia Rai để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng
thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.
kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.
Kế thừa, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở Gia Lai
(Vũ Ngọc Bình)
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kiệt tác truyền khẩu
và di sản phi vật thể của nhân loại.
Ở Gia Lai, cồng chiêng được người Gia Rai gọi là ching, người
Ba Na gọi là ching chêng. Tuy nhiên ở mỗi nhóm địa phương cũng còn có những
cách gọi khác nhau: Người Gia Rai Chor (vùng Ayun Pa, Ia Pa) gọi là Ching dù chỉ
có một chiếc hay trọn bộ; nhưng người Gia Rai Aráp (ở Chư Pah) chỉ gọi những
chiếc không có núm là ching, có núm là chêng và khi hợp đủ thành bộ mới được gọi
là ching chiêng.
Cồng chiêng có mặt trong mọi nghi lễ cộng đồng cũng như của từng
gia đình, từ lễ hội liên quan đến từng cá nhân, cộng đồng cho đến những lễ hội
quan trọng trong một mùa trồng tỉa của cư dân nông nghiệp.
Người Gia Rai, Ba Na không đơn thuần chỉ coi cồng chiêng là một
loại nhạc cụ mà còn là một linh khí, là phương tiện giúp con người giao tiếp với
thần linh đồng thời cũng là phương tiện để chuyển tải thông tin nhanh nhất giữa
các buôn làng.
Trước đây, người Gia Rai, Ba Na chỉ đánh cồng chiêng khi gia
đình hay cộng đồng có việc. Nghe tiếng chiêng, những người trong làng, trong
vùng hiểu ngay rằng ở phía có tiếng chiêng đang có việc gì để đến chia buồn hoặc
chung vui.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, cồng chiêng vẫn được người Gia Rai,
Ba Na coi là những tài sản quý. Những tù trưởng giàu có trong cộng đồng – theo
quan niệm của đồng bào – không phải là những người nhiều vàng, nhiều bạc mà là
những người có nhiều ché, nhiều chiêng.
Người Gia Rai, Ba Na sử dụng cồng chiêng nhưng bản thân họ
không đúc được cồng chiêng. Những điều tra khảo cổ học cũng như điền dã dân tộc
học trong vùng người Gia Rai và Ba Na cho đến nay vẫn không phát hiện thấy
trong phạm vi cư trú của họ có nghề đúc đồng. Công cụ đúc đồng duy nhất được
tìm thấy ở Gia Lai cho đến nay chỉ có một mang (một mặt) khuôn đúc rìu đồng nằm
trong khu vực giao tiếp giữa người Việt và người Ba Na.
Phương pháp đánh cồng chiêng theo truyền thống của người Gia
Rai là mỗi người đánh một chiếc. Tiếng cồng chiêng vang lên là âm thanh phối hợp
ăn ý, nhịp nhàng của cả một tập thể sử dụng một bộ hay nhiều bộ cồng chiêng. Ở
cả người Gia Rai và Ba Na, cồng chiêng chỉ do người đàn ông sử dụng, chưa thấy
trong trường hợp nào có phụ nữ đánh cồng chiêng.
Không phải đến khi UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng
chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại thì tỉnh
Gia Lai mới quan tâm đến giá trị văn hóa độc đáo này.
Năm 2003, Gia Lai đã tổ chức cuộc liên hoan cồng chiêng toàn
tỉnh lần thứ VI, thu hút 22 đội cồng chiêng với gần 700 nghệ nhân tiêu biểu của
các huyện, thị xã, thành phố tham gia.
Trong những liên hoan gần đây, Gia Lai đã mở rộng nội dung
theo hướng liên hoan nghệ thuật dân gian để có thể thu hút và bảo tồn thêm nhiều
loại hình văn hóa dân gian độc đáo khác mà địa phương chưa có điều kiện tổ chức
những cuộc thi riêng như: sử dụng các nhạc cụ cổ truyền ngoài cồng chiêng, hát
dân ca, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ dân gian… Ðây là một trong số ít biện pháp hữu
hiệu nhằm duy trì thường xuyên việc dạy và học cồng chiêng tại cộng đồng.
Nghệ thuật cồng chiêng là giá trị nội bật trong tài năng sáng
tạo của người Gia Rai, Ba Na nói riêng, cư dân bản địa Tây Nguyên nói chung; nó
bắt rễ sâu từ lịch sử – văn hóa của những tộc người này. Ðến nay, cồng chiêng vẫn
“sống” trong các buôn làng… Nhưng, với tác động của cơ chế thị trường, nhất là
sự xâm nhập của các văn hóa tôn giáo ngoại lai mà nhiều di sản văn hóa cổ truyền
của cư dân Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp
dần phạm vi ảnh hưởng. Hơn bao giờ hết chúng ta cần tới sự hợp lực của cả cộng
đồng để kế thừa, bảo vệ và tôn vinh di sản văn hóa vô cùng quý giá này.
Chuẩn bị Lễ Cầu Mưa.
Độc đáo Lễ cầu thần mưa của người Gia Rai
(TH-Cinet-DTV)
Trong các nghi lễ của người Gia Rai, cầu mưa là một trong những
lễ hội quan trọng, là sự kiện mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong thần linh đem mưa
về cho buôn làng, để đồng bào Gia Rai ở khắp mọi nơi có cuộc sống ấm no, hạnh
phúc…
Người Gia Rai ở huyện Krông Pa (Gia Lai) quan niệm, “thần
mưa” là vị thần cho những hạt nước để mang lại sự sống cho vạn vật, và mang lại
nhiều may mắn và hạnh phúc cho người dân nơi đây. Người Gia Rai gọi mưa là “Hơ
Jan” và rất coi trọng “Hơ Jan” vì giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức,
rát bỏng, làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng.
Nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước
mưa xuống, bệnh tật xuất hiện, đói rét đeo bám liên miên. Vì thế mỗi năm người Gia
Rai luôn tất bật chuẩn bị cho lễ cầu thần mưa.
Để chuẩn bị cho lễ cầu mưa, trước tiên người Gia Rai dựng một
cái giàn để cúng bến nước trước. Tiếp là cúng các vị thần cây lồ ô, tre, nứa.
Sau đó người Gia Rai về làng dựng cổng và làm một cái giàn ngay con đường xuống
bến nước, treo lên bộ da của con chó, đặt một thanh đao, cột một đoạn sợi chỉ
màu đen. Điều đó là để ngăn chặn sự xâm nhập của các con quỷ ác đến hại người
dân trong làng.
Lễ cầu thần mưa khác với tất cả các nghi lễ cúng khác vì người
cúng không phải Già làng, mà người có ngôi nhà ở đầu nguồn bến nước sẽ chọn người
cùng hướng dãy nhà của mình để thay mặt cho dân làng đứng ra cúng. Người cúng
phải đứng nghiêm chỉnh và khoanh hai tay vào nhau trước ngực, cầu khấn: “Hỡi
các vị thần thánh hãy cho chúng con có những hạt mưa, hãy xua đuổi những con quỷ
quái ác đến hại dân làng, hãy cho những ngôi nhà có sự mát mẻ, các cô gái không
chồng, góa phụ có sự sống”…
Chuẩn bị dâng heo làm lễ.
Với người Gia Rai, không chỉ có việc cầu mưa cho buôn làng
mát mẻ mà ngay cả trên nương, trên rẫy cũng phải cầu mưa để cho cây bắp lên
cao, cây lúa trĩu bông. Nếu không, cây bắp, cây lúa sẽ chết khô vì cháy nắng.
Trước tiên họ phải cất công đi lên nương, lên rẫy thăm dò những các vị Yàng
xung quanh để các vị Yàng bày cách làm lễ cầu mưa.
Lễ cầu mưa ở rẫy khác với lễ cầu mưa ở làng, vì ở đây chỉ
cúng cho thần rẫy, linh hồn của các ông bà tổ tiên, các vị thần thánh. Giàn
cúng được dựng ngay tại rẫy chứ không phải bến nước hay các bụi cây lồ ô, tre,
nứa. Ở rẫy, việc cầu thần mưa năm nào cũng giống năm nào, lễ vật dâng lên duy
nhất là 1 con gà nướng, một ghè rượu màu vàng, theo phong tục thì ở rẫy không
được cúng ghè màu đen, mà phải là màu vàng, tượng trưng cho sự vàng ươm của hạt
bắp, hạt lúa được mang về đầy chòi. Người cúng phải ngồi xuống, không được đứng
như làm lễ ở làng, khoanh hai tay vào nhau trước ngực khẩn thiết cầu khấn: “Hỡi
thần rẫy, hỡi ông bà tổ tiên, hỡi các vị thần thánh, xin các vị hãy cho đám rẫy
của con có được hạt mưa để cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông, đừng để cho những
con chim, con thú dữ đến phá phách cây bắp, cây lúa của nhà con!”.
Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt
say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình,
nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Bên ngoài,
tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên, và những phụ nữ sẽ bước vào với điệu
xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến
các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành
kính.
Lễ đền ơn đáp nghĩa của người Gia Rai
Một nét đẹp đã trở thành truyền thống trong đời sống tinh thần
của nhiều dân tộc trên dải đất Việt Nam là lòng tôn kính, yêu thương và biết ơn
sâu sắc ông bà, cha mẹ. Ăn ở hiếu thảo đối với cha mẹ đã trở thành đạo lý quan
trọng trong đạo làm người. Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai cũng nằm
trong quan niệm “Cây có cội, nước có nguồn”, nhưng cách thể hiện có những nét độc
đáo riêng và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của họ.
Người Raglai coi lễ này không phải là chuyện nội bộ của một gia đình, mà là việc
chung của cả cộng đồng và do đó được xếp vào trong hệ thống lễ hội chung, như lễ
bỏ mả, lễ cưới, lễ ăn cơm mới, lễ cúng Yang…
Đền ơn đáp nghĩa cha mẹ, tiếng Raglai là “Ea tixâu pilâu
dhadha”. Bất cứ người Raglai nào cũng đều cho rằng công lao của cha mẹ như núi
cao, như nước mạch nguồn chảy ra. Và họ tâm niệm sẽ đền đáp xứng đáng ngay từ
khi còn ở chung nhà, chung bếp cho đến khi có vợ, có chồng ra ở riêng. Nhưng
như thế chưa đủ, theo tập tục của người Raglai, việc đền ơn đáp nghĩa cha mẹ đối
với họ phải được nâng lên thành nghi lễ, được họ tộc và buôn làng chứng kiến,
thừa nhận, như thế mới được coi là trọn vẹn. Theo quan niệm đã có từ lâu đời của
người Raglai, điều bất hạnh lớn nhất của con người là cha mẹ qua đời mà người
con chưa kịp làm lễ Ea tixâu pilâu dhadha. Sự ân hận này nhiều khi ray rứt người
con suốt cả đời. Do đó, mỗi người Raglai khi trưởng thành, ngoài trách nhiệm
chăm sóc, kính yêu cha mẹ thường ngày, nếu cảm thấy cha mẹ có dấu hiệu già yếu
(sức khỏe kém, da mặt có nhiều nếp nhăn, tóc bạc, kém ăn, mất ngủ…) thì phải
chuẩn bị lễ vật để tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ.
Thông thường, lễ vật gồm có thịt heo, thịt gà, gạo, nếp, rượu
cần, một ít trầu cau, thuốc lá… Nhà nhiều của thì chuẩn bị làm lễ lớn, giết
trâu, bò… người nghèo thì tùy theo khả năng kinh tế của mình mà tổ chức. Vật chất
không phải là tiêu chuẩn để đánh giá tấm lòng hiếu thảo của con đối với mẹ cha,
cái chính là thái độ, là tấm lòng của người con đối với cha mẹ trong quá trình
chăm sóc và nuôi dưỡng. Sự có mặt của bà con trong buôn làng vừa biểu thị tình
cảm quý mến, vừa để chứng kiến việc thực hiện một tập tục xã hội. Họ mang đến
những lời chúc tụng chân thành của cộng đồng đối với gia đình nói chung và cha
mẹ của gia chủ nói riêng. Những gia đình khá giả, hoặc gặp những năm được mùa,
thường tổ chức cuộc lễ này rất lớn và vui chơi kéo dài hai ba ngày đêm.
Về nghi thức, khi cỗ bàn được bày ở giữa nhà, thì mẹ cha – đối
tượng chính của buổi lễ – được mời ngồi vào vị trí trung tâm, nơi trên mâm cỗ đặt
một đĩa thịt và lòng heo đủ món. Những người khác gồm bà con, họ hàng, người
trong buôn… đều tề tựu đông đủ chung quanh. Sau khi tiến hành lễ khấn vái các
Yang, mời gọi tổ tiên, ông bà và những người khuất mặt cùng về chứng kiến tấm
lòng của con đối với cha mẹ, người con rót một chum rượu trắng thật đầy kính cẩn
mời mẹ cha. Tiếp đó, người con tự tay bưng đĩa thịt, gắp từng miếng đút cho cha
mẹ ăn để tỏ lòng hiếu thảo, trước sự chứng kiến của cộng đồng. Nếu đĩa thịt được
ăn hết, thì đó là một niềm hạnh phúc rất lớn đối với gia đình người con. Hoặc
có thể cha mẹ chỉ ăn vài miếng tượng trưng, như thế cũng đã đủ là điều vui sướng.
Trong không khí hân hoan ấy, chủ nhà mời bà con, họ hàng cùng chia sẻ niềm vui.
Họ vừa ăn uống, vừa trao đổi những lời chúc tụng tốt đẹp đối với gia đình và những
người cao tuổi trong buôn. Lễ vật còn được dành ra một phần để mẹ cha đưa về
cúng ông bà tại nhà mình và biếu cho một số người thân.
Sau bữa tiệc, đến phần sinh hoạt văn nghệ, vui chơi. Khi tiếng
mã la nổi lên cùng dàn nhạc hòa theo, nam nữ thanh niên và cả những người lớn
tuổi cùng nhau nhảy múa, ca hát. Cuộc vui kéo dài đến suốt đêm.
Lễ đền ơn đáp nghĩa cha mẹ của người Raglai nhìn về hình thức
có vẻ như rất đơn sơ, mộc mạc, nhưng bên trong hàm chứa một đạo lý sâu sắc được
cả cộng đồng thừa nhận và hưởng ứng nhiệt thành, đầy tình nghĩa. Truyền thống đạo
lý mang đậm tính nhân văn này đã được các thế hệ người Raglai kế thừa và bảo tồn
cho đến ngày nay.
Lễ hội dâng trâu.
Lễ hội đâm trâu ở buôn làng Gia Rai
Mỗi khi cây H’lưng đầu buôn, cây Ê táp giữa
làng ra nụ, nở hoa, đó chính là lúc con trai, con gái các buôn làng Gia Rai chuẩn
bị đón hội hè. Gặt hái xong xuôi, đây là thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi nên mọi
nhà, mọi buôn làng đều lo chuẩn bị các lễ ăn cơm mới, lễ đâm trâu, lễ ăn nhà mả
tưng bừng, rộn rịp với các trò vui chơi và ăn uống no say.
Đồng bào Gia Rai thường tổ chức ngày hội đâm trâu trong khoảng
thời gian từ đầu tháng Chạp cho đến tháng ba âm lịch năm sau. Thời gian tổ chức
khoảng hai hôm.
Người Gia Rai gọi ngày đầu của lễ đâm trâu là ngày vào mùa (mút),
ngày cuối cùng là ngày ăn đầu trâu (bong kơ).
Để chuẩn bị cho ngày lễ, đồng bào vào rừng chặt lấy bốn cây
to bằng bắp chân đem về làng và khắc lên đó những hình hoa văn rất đẹp. Những
cây đó gọi là cây Ging Ga. Họ còn lấy 4 ngọn lồ ô và cũng khắc lên đó nhiều
hình hoa văn để buộc làm tua. Ngoài ra họ còn chặt cây lồ ô gọi là gốc về làm
cây thần cắm ở giữa. Sau đó họ dùng sợi dây thật mềm và chắc buộc trâu vào cột
Ging Ga, đồng thời trói 1 con heo to đặt áp sát vào cột.
Những chàng trai có nhiệm vụ đánh trống, đánh cồng, chiêng
trong ngày hội thì đầu phải chít khăn đỏ, mặc áo blan hay áo ló (áo
chui đầu, không có tay), đóng khố kteh (khố hoa). Các cô gái thì mặc
áo phia (loại áo lễ của nữ giới), mặc váy kteh (váy hoa), đầu
quàng khăn trắng. Người già, trẻ em thì mặc những bộ đồ mới nhất, đẹp nhất.
Thầy cúng (Riu Yang) bước đền gần cột trâu khấn vái lâm râm.
Vừa xong thì chiêng trống nổi lên cùng với tiếng hú của mọi người tham dự khiến
cho buôn làng trở nên sinh động và rộn ràng lạ thường.
Khi chiêng trống vừa dứt, tức thì những chàng trai khoẻ mạnh
tay cầm dao sáng loáng nhảy ra múa may, dao chạm vào nhau nghe loảng xoảng để
diễn tả cuộc chiến đấu để bảo vệ buôn làng. Sau cuộc nhảy múa này họ bắt đầu
đâm trâu. Chàng trai nào chỉ đâm một nhát dao mà trâu chết thì được mọi người
tán thưởng, riêng các cô gái thì bàn tán xôn xao. Ai không đâm được trâu hoặc
đâm trâu không chết thì bị mọi người chê bai.
Làm thịt trâu xong thì họ lấy thịt chia đều cho từng bếp
trong buôn làng. Một phần thịt trâu được dành lại để uống chung tại nhà Rông.
Riêng đầu trâu thì gác lên cây cột lễ. Phải đợi cho Riu Yang (thầy cúng) khấn
lần thức hai thì cuộc vui chơi, ăn uống, múa hát mới thật sự bắt đầu và kéo dài
cho đến hết ngày hôm sau đó.
Sáng ngày thứ ba, đầu trâu được rước về nhà Rông. Đầu trâu được
lấy hết thịt để làm món ăn, còn chiếc sừng thì giữ lại và đem giắt lên vách nhà
Rông.
Ngày này vui chơi, múa hát chủ yếu ở trong nhà Rông và phần lớn
người tham dự là những người đứng tuổi và các cụ già.
Cứ thế, từ gia đình này đến gia đình khác, từ buôn làng nọ đến
buôn làng kia, lễ đâm trâu được tổ chức luân phiên suốt mùa nắng ráo khắp các
buôn làng người Gia Rai.
Nhà mồ cổ Gia rai - Kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Lễ bỏ mả (Pơ Thi) của người Gia Rai
Người Giarai Mthur thuộc một nhóm người Giarai vừa khá lớn vừa
khá đặc biệt của dân tộc Giarai. Địa bàn cư trú chính của người Giarai Mthur là
huyện Krông Pa và phía nam huyện Ayun Pa (xã Ia Rbol) của tỉnh Gia Lai. Nếu
nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy, người Giarai Mthur sống ở phía đông nam của
tỉnh Gia Lai và cũng thuộc phía đông nam địa bàn cư trú của người Giarai. Nơi
cư trú của người Giarai Mthur nằm gọn trong khu vực giáp ranh với hai nhóm dân
tộc lớn cùng thuộc ngữ hệ Malayô - pôlinêdiêng; người Chăm ở phía đông.
Điều khá đặc biệt là, cái tên Mthur (nghĩa là nghèo nàn)
không chỉ là cái tên để chỉ một nhánh của người Giarai mà cũng là cái tên chỉ một
nhánh người Êđê phía đông - người Êđê Mthur. Còn người Giarai Mthur ở giáp với
người Chăm (như ở xã Đắc Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) lại tự gọi mình là
người Chăm Hroi. Ngoài người Êđê Mthur ra, người Êđê Ktul, Êđê Mã Laiô và Êđê
Kđrắc đều có rất nhiều nét tương đồng về văn hóa với người Giarai Mthur. Do đó,
có thể nói, trong văn hóa truyền thống của người Giarai Mthur có nhiều sắc thái
chung cho cả người Êđê và người Chăm Hroi. Ngay trong tang ma nói chung và lễ bỏ
mả nói riêng của người Giarai Mthur, theo những kết quả điều tra nghiên cứu của
chúng tôi, có không ít những yếu tố gần với người Êđê.
Theo quan niệm của người Giarai Mthur ở Đắc Bằng và Ia Rto,
khi người ta chết thì hồn người chết (m’ngắt dêi) biến thành ma (atầu). Sau khi
làm lễ bỏ mả, hồn ma của người chết mới được đi tới thế giới của bà Jung, các hồn
ma sinh sống và làm việc như những người sống, nghĩa là cùng ăn uống, lấy vợ, lấy
chồng, ốm đau và chết. Sau khi chết, hồn ma biến thành con nhện (vak vai). Bà
Jung thả con nhện lên mặt đất.
Khi chết, nhện biến thành giọt sương (ia ngom) rồi tan vào đất.
Bà Jung lấy đất có thấm giọt sương đó làm ra người – rồi cho nhập vào những người
phụ nữ có chửa. Khi người phụ nữ sinh con thì hồn ma lại trở về với kiếp người.
Người Ê Đê cũng có những truyền thuyết và quan niệm tương tự về buôn làng tổ
tiên (buôn Atao) do vợ chồng thần Băng Bơ Dung, Băng Bơ Đai cai quản. Vì thế, để
cho hồn ma của người chết đến được với buôn làng của tổ tiên, người Giarai
Mthur và các nhóm người Êđê phía đông đều có tục làm lễ bỏ mả cho người chết.
Tập tục này đã có từ lâu và còn tồn tại cho đến tận hôm nay.
Ngay trong các trường ca (khan) của người Giarai Mthur và người Êđê, có những
đoạn nói về lễ bỏ mả thật sinh động. Ví dụ, trường ca Xing Nhã của người Êđê và
Giarai mô tả việc Xing Nhã làm lễ bỏ mả cho cha mình như sau: “Mãn mùa lúa. Vào
một buổi sáng đẹp trời, sương trốn nắng. Xing Nhã sai nô lệ vào rừng chặt cây
kơnia, chặt những cây gòn to nhất để dựng nhà mồ cho cha là Giarơ Kốt ở gần núi
Bơlô. Tin ấy truyền đi buôn phía đông. Tin ấy lan sang làng phía tây. Từ người
Bi Kơrông sống dọc bờ sông, tối người Mơnông cắm lông chim trên đầu ở bên bờ suối;
tất cả đều nô nức mang rượu,thịt, chiêng trống đến mừng chàng Xing Nhã dựng nhà
mồ cho cha”.
Lễ bỏ mả tại Gia Lai. Rượu cần chảy suốt ngày đêm. (ảnh KT)
Còn lễ bỏ mả cho Đăm Bi và Xinh Chơ Niếp được
trường ca Xinh Chơ Niếp mô tả: “Về phần Chiêm Tơ Mun, thì sau mấy
mùa trăng lặn, trăng lên, sức khỏe của mẹ chàng đã phục, làn da đã trở lại như
xưa. Một buổi tối đầy sao, nhiều gió, chàng gọi Chiên Mơ Nga tới nhà
bàn việc làm lễ bỏ mả cho Đăm Bi và Xinh Chơ Niếp. Sau đấy, họ
đem rượu ra uống suốt mấy ngày liên tiếp bên đồi Lơ Mui. Mả Xinh Chơ
Niếp và Đăm Bi làm chung một chỗ, xây chung một hướng. Cây nêu
cao tận trời, khắc chạm tận gốc. Bốn phía mồ đều đẽo tượng gỗ lớn. Tượng ngồi,
tượng đứng, trông rất linh thiêng. Trai gái ở buôn gần dắt bò, ở buôn xa đem rượu
tới ăn lễ. Chiêng trống không ngừng, nhảy múa không ngớt. Âm vang, chấn động cả
vách núi, lưng trời”.
Mặc dầu không còn những lễ bỏ mả lớn của các tù trưởng lớn mà
các trường ca mô tả, nhưng người Giarai hôm nay vẫn làm cho người chết những
ngôi nhà mồ kút (bơxát kut hay nok kut). Đồ sộ uy nghi và tổ
chức lễ bỏ mả trọng thể, đông vui.
Như các nhóm Giarai khác, người Giarai Mthur vẫn giữ tục chôn
chung và bỏ mả chung. Do đó, để tổ chức được lễ bỏ mả, trước đó cả tháng trời,
các gia đình có người chết cùng dân làng đã phải bắt tay vào chuẩn bị. Mọi người
phải lên rừng chặt gỗ đem về đẽo các cột kút, kơlao, chạm khắc tượng
người, tượng thú, phải chuẩn bị rượu, thịt, gạo nước cho lễ bỏ mả. Chỉ sau khi
mọi thứ đã làm xong, lễ bỏ mả mới có thể tổ chức được.
Người Giarai Mthur thường chọn những ngày trăng sáng nhất (tuần
thứ hai tức tuần trăng tròn của tháng) để bắt đầu làm lễ bỏ mả hay ăn bỏ mả (hoă
lui bơxát) như người Giarai thường gọi. Khi vầng trăng của ngày 14 đã nhô lên
treo lơ lửng trên đỉnh các cây cột kút và klao của nhà mả
(tức khoảng 10-11 giờ đêm) các gia đình có người thân phải làm lễ bỏ mả cùng cả
dân làng tấp nập đi ra khu nhà mồ đã được dọn dẹp sạch sẽ để bắt đầu lễ hội bỏ
mả của làng. Vì thế mà người Giarai Mthur gọi hôm đầu tiên của lễ bỏ mả là ngày
vào nhà mả (mưt bơxát).
Trước khi cuộc vui của lễ hội bùng lên, người chủ của lễ (người
đại diện cho gia đình có người chết được chôn đầu tiên ở khu nhà mả) đến bên
ngôi nhà mồ mới, xụp trước bàn thờ (P’nang) đã bầy sẵn rượu, thịt cúng và đọc
bài cúng với những lời mở đầu như sau: lễ bỏ mả đến ngay sau lưng rồi. Từ nay,
người sống ăn cơm trắng, còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa đỏ của các thần…
Sau đấy, người chủ lễ mới bày tỏ tâm tư và nguyện vọng của những người sống:
“xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu nữa. Từ nay, chúng tôi
sẽ không còn mang cơm, sẽ không còn mang nước cho ma nữa. Nếu muốn ăn thịt gì,
xin ma hãy hỏi thần Trăng; nếu muốn ăn cá, ăn thịt, xin may hãy hỏi thần Trời.
Thôi, từ nay, thế là hết, như lá m’nang đã lìa cành như lá m’tư đã
tàn úa”.
Khi tế cúng vừa xong, thì lập tức, trong ánh lửa bập bùng của
hàng chục đống lửa và dưới ánh trăng mát dịu, tiếng cồng chiêng rộn rã nổi lên.
Theo nhịp âm thanh cồng chiêng mọi người hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ
nhấp nhô huyền ảo trong đêm. tiếng nhạc cồng chiêng của đêm bỏ mả, như một sức
hút diệu kỳ, kéo tất cả dân làng, kéo bà con họ hàng ở buôn gần, buôn xa tới.
Càng về khuya, tiếng cồng chiêng càng rộn rã, thôi thúc, các đống lửa càng bùng
to hơn, nhịp chân múa nhảy càng rộn rã hơn. Hầu như suốt cả đêm cho đến sáng, cả
làng quây quần bên ngôi nhà mồ: ai múa nhảy cứ múa nhảy, ai đánh cồng chiêng cứ
đánh; ai uống rượu cứ uống, ai mệt thì ngủ ngay bên những đống lửa ấm áp để
sáng hôm sau bước vào ngày hội chính của lễ bỏ mả - ngày vỡ (p’chăh) hay ngày
ăn lớn (hoă prong).
Sáng hôm hoă prong, vào khoảng 6, 7 giờ sáng, các gia
đình cùng chung làm lễ bỏ mả dắt trâu hoặc bò đến buộc quanh ngôi nhà mả; đem
những ché rượu tới cột thành từng hàng dài bên nhà mả. Sau đấy, những con vật bị
giết đem thui và làm thịt. Thịt, xương trâu bò được chế biến ra thành nhiều loại
thức ăn, nhiều món thức ăn: có loại dành riêng để chia cho những người chết được
gọi là thịt tế lễ (m’nong dưm), có loại để chia cho những người tới dự (chơnút
m’nong). Khi thức ăn đã được chế biến xong, các bà, các chị nổi lửa đun nấu thức
ăn rồi chia ra những chiếc mâm lá chuối được bày la liệt quanh ngôi nhà mồ.
Nhà mồ của dân tộc Gia Rai.
Trong khi dân làng lo chuẩn bị cho bữa ăn lớn hay bữa cơm bỏ
mả (hoă sơi bơxat), thì các gia đình có người chết đem mía (phun tbou) và chuối
(phun a’tơi) đến trồng bên cạnh nấm mộ, đem gói cơm và gói thịt cùng ché rượu
và con gà nhỏ (ană mnu) đặt lên mộ rồi ngồi khóc lần cuối vĩnh biệt người chết.
Để không khí hôm bỏ mả đỡ buồn, dân làng và khách các nơi tới đánh cồng chiêng,
múa nhảy thành đoàn đi quanh nhà mả. Đến quá trưa, cả khu nhà mả thật sự đã
thành một bữa ăn cộng cảm lớn. Từng tốp, từng tốp ngồi quây quần bên các mâm
cơm (mâm bằng lá chuối) cạnh những ché rượu cần vừa ăn uống vừa trò chuyện vui
vẻ. Các bà, các cô cũng đem phần cơm, thịt và rượu vào nhà mả để những người
trong các gia đình có người chết ăn uống và tâm sự lần cuối với người thân đã
khuất của gia đình mình.
Lúc bữa cơm cộng cảm kết thúc cũng là lúc người chủ lễ đến
bên bàn thờ đọc lời cúng bỏ mả với nội dung như sau: “Xin ma đừng gọi, đừng
lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Chúng tôi đã làm nhà mồ rồi, đã tạc
những cột kút, cột klao, đã vẽ những hình vẽ bằng máu trâu, máu bò rồi. Ché rượu
cúng đã đặt xuống mà rồi, con gà con đã được thả rồi. Chúng tôi đã bỏ ma rồi”.
Đợi cho người chủ lễ đọc lời khấn xong, mọi người vào nhà mả đưa những người
góa ra sông tắm, chải đầu, mặc áo váy, khố mới cho họ rồi đưa họ về khu nhà mồ
đang rộn ràng tiếng cồng chiêng và nhịp chân múa nhảy.
Ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi mời, kéo những người góa vào vòng
múa của dân làng. Lúc này, những người góa không còn xõa tóc, không còn mặc khố,
váy bẩn rách của thời kỳ để tang nữa. Lúc này họ đã mặc lên người những bộ quần
áo lễ hội mới, đã nở nụ cười trên môi. Khi những người góa nhập vào đoạn nhảy
múa của dân làng là lúc họ đã được giải phóng, đã không còn phải ràng buộc gì với
người đã chết nữa. Từ nay, họ được sống cuộc sống bình thường như mọi người,
nghĩa là được đi ăn uống vui chơi ở các lễ hội, được quyền tái giá nếu họ muốn.
Nước sông đã rửa sạch những năm tháng chịu tang trên người họ, lễ cúng cuối
cùng đã cắt đứt mọi quan hệ giữa họ và những người chết. Còn những hồn ma của
người chết thì, sau lễ cũng cuối cùng, đã được con gà con đưa về buôn làng tổ
tiên bắt đầu một cuộc sống mới - cuộc sống của những hồn ma để chu kỳ tiếp theo
sẽ lại trở về làm người.
Sau những vòng múa tưng bừng sôi nổi giữa dân làng và những
người góa, lễ bỏ mả coi như đã kết thúc và mọi người ai nấy về nhà nấy, bỏ lại
phía sau ngôi nhà mả xinh đẹp mà mình vừa làm xong cho thời gian và thiên nhiên
hủy hoại. Trước khi ra về, mọi người bốc thóc ném lên mái nhà mồ rồi tranh nhau
cướp lấy một số hạt thóc từ mái nhà mồ rơi xuống đem về để được phúc và để mùa
tới làm ăn thịnh vượng. Khi mọi người ném thóc lên mái nhà mồ, ông chủ lễ nói lời
cuối cùng tuyên bố (p’thao) bỏ mả: Thế là xong hết tất cả rồi. Gia đình và dân
làng đã bỏ mả rồi. Từ nay chúng tôi không còn dính líu gì với nhà mả nữa. Từ
nay, nếu xảy ra chuyện gì không hay, không tốt với nhà mả thì cũng đành vậy
thôi vì chúng tôi không còn gì dính líu nữa.
Mặc dầu các nghi lễ đã chấm dứt, ngôi nhà mồ đã bị bỏ và các
hồn ma đã ra đi, những hội lễ bỏ mả còn tiếp tục thêm một ngày nữa tại các gia
đình của những người chết vào ngày hôm sau. Hôm đó, bà con họ hàng tới thăm hỏi,
ăn uống, vui chơi cùng các gia đình tại nhà họ chứ không ra nhà mả nữa. Thức ăn
còn gì, gia chủ đem hết ra đãi khách. Vì thế ngày cuối cùng này của lễ bỏ mả được
gọi là ngày rửa nồi (săch go).
Những chàng trai, cô gái Gia Rai vui mừng nhảy múa trong tiếng
cồng chiêng, trống tưng bừng. Họ thể hiện các điệu múa truyền thống với một niềm
tin thành kính.
Trang phục dân tộc Gia Rai
(TQ-DTV)
Tương tự nhiều dân tộc khác vùng Tây Nguyên, trang phục của
dân tộc Gia Rai có nhiều điểm tương đồng nhưng vẫn có những nét riêng trong
phong cách tạo hình và trang trí hoa văn.
Trong sinh hoạt hàng ngày, đàn ông Gia Rai đều đóng khố bằng
vải trắng có kẻ sọc nhiều màu, người địa phương gọi là Toai. Ngoài ra, họ còn đội
khăn, khăn được quấn theo lối nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai,
hoặc quấn gọn ghẽ như khăn xếp của người Kinh.
Khố có hai loại, khố thường thì không có hoa văn trang trí,
may bằng vải mộc để trắng, có một vài kẻ sọc màu đen. Loại khố thứ hai là khố mặc
trong nghi lễ hay còn gọi là Toai Kteh. Ngày lễ, đàn ông Gia Rai đóng khố bằng
vải chàm dài khoảng 4m, rộng chừng 0,30m, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ
nhiều màu ở hai đầu và đặc biệt không thể thiếu màu chàm.
Ngày nay, tộc người Gia Rai vẫn tồn tại hai xu hướng, một
nhóm ở trần và nhóm khác mặc áo. Áo màu đen cộc tay (aolo) hoặc có loại dài
tay, hở nách, khoét cổ chui đầu và có đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai
sườn mang đậm dấu vết kiểu pông-sô. Khi trời lạnh, họ thường choàng thêm tấm mền
hoặc vắt chéo trước ngực. Có hai loại mền, mền màu chàm đen và mền màu chàm trắng.
Đường trang trí là những đường mép vải trên khung dệt , hai đường trang trí giữa
mền cũng là đường trang trí mép vải.
Sơn nữ Gia Rai.
Ở Gia Rai những người giàu có hoặc có thế quyền đều mặc áo chàm
che kín mông, tay dài, chui đầu, có một mảng sợi màu đỏ làm khuy và khuyết cài
từ cổ đến ngực. Dưới dải cúc là miếng vải đỏ hình vuông khâu đáp vào để làm dấu
hiệu là áo.
Về trang phụ nữ. Phụ nữ có chồng ở Gia Rai thường để tóc dài,
rồi búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Và cũng giống như nam giới, phụ nữ
Gia Rai cũng mặc áo may kiểu chui đầu, cổ khoét cao, mở cúc ở đường bờ vai, có
trang trí các dải hoa văn ở chân gấu áo, ngang ngực, hai bên vai, nách và trên
hai cánh tay áo, riêng nhóm Gia Rai Mthur lại có kiểu cổ thấp hình chữ V và các
loại cổ phổ biến. Nét nổi bật trên tà áo của phụ nữ Gia Rai là những dải hoa
văn màu đỏ rực lên làm lu mờ nền màu chàm đen.
Phụ nữ Gia Rai mặc váy màu chàm dài ngang bắp chân, quanh
thân và gấu váy dệt nhiều đường hoa văn chỉ khác chạy song song. Váy có hai loại,
váy mặc thường ngày thì không có nhiều hoa văn trang trí, kích thước chừng 140
cm x 100 cm. Họ mặc váy bằng cách quấn quanh thân từ eo xuống bụng, mép vải giắt
vào hông rồi dùng thắt lưng buộc lại. Trong ngày lễ hội, phụ nữ Gia Rai mặc váy
đẹp hơn bởi các đường nét trang trí hoa văn. Nét đặc trưng nhất trên váy là có
nhiều hoa văn trang trí gần mông của váy.
Trang sức của người dân Gia Rai thường mang theo là khuyên
tai, vòng cổ, vòng tay bằng bạc hay sợi dây chuyền bằng đồng hoặc bằng hạt cườm.
Ngày nay, cả nam và nữ Gia Rai đều mặc váy ống, cạp váy đính
nhiều tua vải khác nhau. Họ mặc áo váy đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn và nhiều kiểu
dáng hơn, thậm chí, một tộc người Gia Rai sinh sống gần quốc lộ, thị xã, thị trấn
thì trang phục hàng ngày gần như tương tự người Kinh.
Nhà Rông của dân tộc Gia Rai.
Nhà Rông Gia Rai
Nhà rông Gia Rai cũng bề thế và hoành tráng nhờ kiểu dáng kiến
trúc đặc sắc của nó nhưng thường nhỏ hơn nhà rông của dân tộc Bana.
Nóc nhà cao trên dưới 15m và hơi gồ lên. Nhà lợp cỏ tranh ,
hai mái chính có những nét cong nhịp nhàng, như mái nhà rông cao của người
bana, và hợp lại với nhau thành một góc hẹp, vì thế nhấn thêm cảm giác về chiều
cao của ngôi nhà. Nhà rông Gia rai thường có ba gian.
Nhà rông Gia-rai có sàn cao, mở cửa ra vào ở cửa mặt trước
nhà và cũng có sàn sân ở ngoài cửa, thấp hơn mặt sàn nhà một chút. Ngoài dải
hoa văn trên nóc nhà, người Gia-rai còn thường trang trí bằng cách tạc hình quả
bầu, hay hình đôi sừng dài dựng thẳng lên và đỡ một thớt gỗ tròn, hình nồi đồng,
ché v.v...
Do có sự khác nhau về ngôn ngữ, ở các tộc người khác nhau có
những cách gọi khác nhau về nhà rông,. ở mỗi tộc người có một dạng nhà rông
khác nhau, cả về hình dáng, cách trang trí… tuy nhiên giá trị của nó vẫn như
nhau ở các tộc người. Nhà rông là một biểu tượng văn hóa của cộng đồng các tộc
người ở Tây Nguyên. Trong những thành tố làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên thì
nhà Rông chứa một vai trò quan trọng, bên cạnh giá trị vật chất, nó là nơi ẩn
chứa những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên.
Nhà mồ cổ Gia rai - Kiến trúc nghệ thuật độc đáo.
Nhà mồ cổ Gia rai - Kiến trúc nghệ thuật độc đáo
(TQ-DTV)
Lời cúng hồn hòa trong ánh lửa bập bùng soi tỏ những bức tượng
nhà mồ độc đáo tạo nên không gian huyền bí cho ngôi nhà mồ của người Gia rai
trong ngày lễ bỏ mã. Để rồi, những ngôi nhà ấy trở thành niềm tự hào của người
sống và là nơi trú ẩn vĩnh viễn của người chết.
Theo phong tục từ ngàn đời nay, trước lễ bỏ mả vài chục ngày,
người Gia-rai vào rừng chọn cây gỗ tốt để dựng nhà mồ. Nhà mồ là sản phẩm kiến
trúc độc đáo được xây dưng từ những bàn tay tài hoa, khéo léo của cả cộng đồng.
Những người già có nhiều kinh nghiệm thì chịu trách nhiệm trang trí mỹ thuật,
còn thanh niên trai tráng thì dựng cột và làm những việc nặng nhọc hơn.
Khi đo đạc làm nhà mồ, người ta không dùng thước mà dùng những
đơn vị cơ thể người. Ví dụ: 1 hapa (một sải tay); 1 hlok (1 cánh tay); 1
hagan (1 bàn tay)… Lấy con người làm trung tâm, làm hệ thống đơn vị đo lường
đã cho thấy việc coi tầm vóc con người là chuẩn mực, đề cao vẻ đẹp con người đó
cũng là một nét độc đáo trong nghệ thuật và kiến trúc dân gian Tây Nguyên.
Trong kiến trúc, một trong những nét nghệ thuật là ở chỗ những công trình lớn
thường được thiết kế sao cho kiểu dáng nhẹ nhàng thanh thoát, thì các công
trình nhỏ lại có dáng dấp hoành tráng đồ sộ. Những ngôi nhà mồ Tây Nguyên chính
là những công trình nhỏ mà dáng vẻ lại hoành tráng đồ sộ, mang tầm khái quát
cao. (quehuongonline.vn)
Điều đặc biệt là kỹ thuật dựng nhà mồ hoàn toàn thô sơ. Chính
điều đó tạo cho nhà mồ một dáng vẻ nguyên sơ mộc mạc với nét đẹp tự nhiên
nguyên thủy.
Nhà mồ được dựng theo kết cấu, hai mái lớn (2 mái chính) hình
thang cân, 2 mái nhỏ (2 chái) ở hai đầu hồi đều hình tam giác cân, vách được
ghép kín bằng những thân cây gỗ dựng sát vào nhau, có 2 cửa nhỏ mở về hướng
đông. Thường thì nhà mồ có 8 cột gỗ đỡ bộ mái, tạo thành 2 hàng cột theo chiều
dọc nền nhà.
Đeo mặt nạ nhảy múa trong lễ bỏ mả (pơ thi). (ảnh KT)
Kết cấu mái nhà mồ khá đơn giản, gồm một hệ thống các xà đơn
và xà ngang, trên đó lợp bằng những tấm gỗ ván dày khoảng 3 cm, cạnh bên có đẽo
gờ để lấp chồng khít với nhau. Trên hai mái chính đều lợp một tấm đan bằng nan
tre lồ ô với đầy hoa văn trang trí. Hoa văn trên mái nhà mồ được trang trí công
phu thường vẽ theo lối dân gian, thường là hình cây rau dớn, cây đót, hoa bát
canh, hoa hạt đa, hoa sao, hoa chàm… đặc sắc nhất và nổi bật nhất là”hoa cây
đoái”.
Chiếm vị trí trung tâm ở mỗi mái, gồm hình 5 thân cây có cành
lá hoa quả và có những con chim bay lượn phía trên; dưới gốc cây có người dùng
nỏ bắn chim, phụ nữ đeo gùi, những người uống rượu cần….Trên mái nhà mồ, ngoài
các đồ án hoa văn vẽ, cũng có mô típ hoa văn hình quả trám được tạo bởi kỹ thuật
đan nam, tất cả như tạo thành một bức tranh lớn, đẹp và hấp dẫn.
Hình ảnh các tượng gỗ là một điều không thể thiếu và tạo nên
nét đặc sắc nhất cho các ngôi nhà mồ. Thông thường, quanh mỗi nhà mồ người Gia
rai có 27 tượng gỗ nhô lên nối tiếp liền với những cột chính để liên kết với hàng
trăm khúc gỗ tròn nhỏ dựng thành hàng rào. Tượng gỗ được gọt đẽo thô sơ, giản
lược trong đường nét, hình khối, có tính gợi tả chứ không cặn kẽ chi tiết, song
hết sức sinh động, mộc mạc mà chân thực, mang đậm triết lý nhân sinh, cái siêu
thực và cái hiện thực đan xen hài hòa. Theo quan niệm của người Gia rai, người
chết cũng có cuộc sống như người dương gian. Vì vậy, tập hợp những tượng gỗ
xung quanh nhà mồ là hình ảnh diễn tả những người đi theo hầu hạ người chết.
Không những thế, nó còn có tác dụng tô điểm, làm cho buổi lễ bỏ mả sinh động
hơn.
Những tượng gỗ này có nội dung hết sức phong phú đa dạng, phản
ánh đầy đủ và chân thực cuộc sống của người dân tộc Gia-rai. Tượng gỗ thể hiện
sự sinh sôi nảy nở của một cuộc sống ở bên kia thế giới. Đó là hình ảnh một cặp
nam nữ đang trong tư thế tín giao, hình người đàn bà chửa, hình người ngồi
trong tư thế hài nhi, hình người mẹ bồng con… tất cả diến tả một sự kết hợp âm
dương để sinh thành nên sự sống. Con người thuở nguyên sơ, phô bày trong dáng
khoả thân, minh chứng sức mạnh truyền đời của loài người với những nét đẽo khô
ráp nhưng được cường điệu những bộ phận người cần được phô trương, bởi thế đường
nét mạnh mẽ, gây ấn tượng rất mạnh, rất khác thường. Với những đường nét thô sơ
nhưng được những nghệ nhân chạm khắc tinh tế và có hồn.
Nhà mồ không chỉ là một công trình kiến trúc mang tính tín
ngưỡng lâu đời mà còn là một công trình nghệ thuật tổng hợp, gồm nghệ thuật
điêu khắc, hội hoạ, kiến trúc và trang trí mỹ thuật độc đáo.
Trở Về Tây Nguyên - Đàn T’Rưng - Nhạc cụ
độc đáo của dân tộc
Gia Rai - Ban nhạc
Gia Đình Trẻ Việt trình diễn tại Nhật
Cực đỉnh đàn T’rưng với dòng nhạc Mozart
Ban nhạc Gia Đình
Trẻ Việt trình diễn tại Nhật
Đàn K’ny Gia Rai
Cồng chiêng Jarai
Dân ca “Bơ Hơ Chim”
Điệu múa Xoan của dân tộc người Jrai
Trần Lê Túy Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét