Phố. Vào sáng tinh sương đã bắt đầu có từng ngọn gió se se lạnh
trôi về. Cảm nhận đầu tiên là mùa thu len lén đi qua. Nhất là khi bên ly cà phê
vỉa hè có con phố nhỏ lúc ban mai yên tĩnh để mông lung suy tưởng...
Phố. Vào sáng tinh sương đã bắt đầu có từng ngọn gió se se lạnh
trôi về. Cảm nhận đầu tiên là mùa thu len lén đi qua. Nhất là khi bên ly cà phê
vỉa hè có con phố nhỏ lúc ban mai yên tĩnh để mông lung suy tưởng. Thật nhẹ
nhàng như không hề biết, thoáng lãng đãng như sương sớm nhưng cũng dễ cảm
nhận vì cái lạnh bất chợt một chút, se se một chút rồi sau đó là nắng chao chát
ban trưa, hanh nồng ban xế, ngột ngạt khi chiều dần tắt. Để một sớm mai bất chợt
nhận ra một mùa thu về ngang đường phố nhỏ.
Ừ nhỉ, thu đã về. Thu trên những con đường ở phố nhỏ này sẽ
qua nhanh, nhanh như những giọt mưa Ngâu tháng bảy trôi về để có người sẽ chưa
nhận biết vì sự chuyển mùa thì mưa dần đổ trắng trời sau đợt sương sa đặc
quánh. Chẳng hiểu sao tôi và các bạn tôi luôn luôn gặp nhau vào những ngày đầu
thu, giữa thu và cả cuối thu phương Bắc. Cả bọn tứ phương ngồi tề tựu nơi quán
cóc vỉa hè tận Láng Trung, đứa gọi cốc chè chén và quơ điếu cày rít sòng sọc,
nhả khói vào ban chiều tĩnh lặng. Đứa gọi chén rượu làng Vân và quờ tay vào đĩa
lạc nguyên vỏ để nhẩn nha mà nghe thu về trong dịu nhẹ hương hoa sữa rồi rủ
nhau sang phố Hai Bà Trưng dưới tàn sấu kề góc đường râm mát mà nghe nhạc Trịnh
Công Sơn, nhạc Phú Quang bên ly cà phê đen đậm.
Hà Nội trời dịu hơn dù ban trưa còn nóng ngột ngạt nhưng gió
thì đổ về lao xao cành lá, ào ạt tuôn đổ, ào ạt cuốn đi. Đến Cổ Ngư nhớ Trịnh
da diết thương cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, rờn rợn một thoáng Tây Hồ có
loài sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời. Mùa này những cây cơm nguội trên Yên Phụ
chuyển màu của thu nhưng hàng cây cơm nguội phố Lý Thường Kiệt lại lao xao trong
nắng vàng mật. Không như trong Nam, cây cơm nguội mọc từng bụi đan dày theo những
mương nước, dòng kênh dập dờn hoa trắng và từng chùm trái đỏ lắt lay nhỏ bằng đầu
đũa, có lẽ nó chỉ mang tên loài cây địa phương khó xác định và không thể gợi tả
điều gì.
Thu xứ Bắc hiển hiện rõ nét trên những con đường đầy bóng nắng ban ngày, đầy sương trôi dịu dàng vào đêm, khuya nghe rõ tiếng lá rơi trên thềm vắng, tiếng rao cốm nóng của người gánh hàng rong qua con phố nhỏ, tiếng chổi của người quét rác khua nhẹ từ rất sớm hòa trong ánh điện đường. Và thu phía Bắc trên con thuyền từ mạn cầu Long Biên mờ mịt sương mù để thả trôi theo dòng nước lặng tờ, như đậm đặc cả một không gian tĩnh lặng, như có như không trong ánh sáng chập chờn từ cây đèn bão, lạnh của thu thật gần và cũng thật xa cứ gờn gợn theo con nước hòa trong tiếng nói, tiếng cười rúc rích của bạn, trong vệt đen mờ của đôi bờ quạnh vắng triền bãi sông Hồng không tiếng gõ cá mạn thuyền.
Thu xứ Bắc hiển hiện rõ nét trên những con đường đầy bóng nắng ban ngày, đầy sương trôi dịu dàng vào đêm, khuya nghe rõ tiếng lá rơi trên thềm vắng, tiếng rao cốm nóng của người gánh hàng rong qua con phố nhỏ, tiếng chổi của người quét rác khua nhẹ từ rất sớm hòa trong ánh điện đường. Và thu phía Bắc trên con thuyền từ mạn cầu Long Biên mờ mịt sương mù để thả trôi theo dòng nước lặng tờ, như đậm đặc cả một không gian tĩnh lặng, như có như không trong ánh sáng chập chờn từ cây đèn bão, lạnh của thu thật gần và cũng thật xa cứ gờn gợn theo con nước hòa trong tiếng nói, tiếng cười rúc rích của bạn, trong vệt đen mờ của đôi bờ quạnh vắng triền bãi sông Hồng không tiếng gõ cá mạn thuyền.
Dung nhan thu hiển hiện bên Hồ Gươm ban mai như thiếu phụ buồn
ngồi xõa tóc đếm thời gian trong bóng nắng chiều sắp qua khung cửa sổ, vương
vương rèm tơ của chuỗi hoa lộc vừng, mỏng manh từng cành liễu rủ hòa tiếng cười
khe khẽ trôi trên mặt hồ sương giá in đọng những tòa cao ốc mờ mờ sương sa phủ
đầy, phủ đầy trong hư ảo thấp thoáng vệt son cong cong như vành môi thiếu nữ của
nhịp cầu Thê Húc.
Mùa thu rơi trên dáng gầy guộc của người thiếu phụ có đôi mắt
buồn trong buổi chiều cô quạnh từ trong quán nhỏ nhìn xuống Tây Hồ, một kiểu ngồi
tĩnh tại yên bình khó bắt gặp được trong thời buổi này, dáng em ngồi đó thật trầm
tư và lịch lãm để đếm thời gian qua, có thể gốc em là người Châu Khê, Bát
Tràng, làng Lủ thời ấy trong hai vạn dân về Giao Châu có thành Đại La mà sinh
cơ lập nghiệp tạo nên một kinh kỳ 36 phường và thêm huyện Thọ Xương thời Tây
Sơn với tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà... hoặc em là người Hưng Yên, Hà Nam, Nam
Định, Châu Khê, Hà Tây về một Hà Nội ở Hàng Bạc, Hàng Đào với trái tim lọc bao
dòng máu có điệu hát trống quân, ca trù nổi tiếng để thành câu thơ của cụ Nguyễn
Công Trứ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng
An”.
Thu in trên những viên gạch vào Văn Miếu, nắng xuyên qua tán
lá nhỏ giọt lung linh trên mặt hồ, trên chiếc áo dài trắng của cô bé nữ sinh Hà
Nội đang thơ thẩn đếm bước bên hàng bia tiến sĩ, đôi mắt đen nâu ấy cùng nhóm bạn
qua Hồ Thiền Quang Tĩnh có đôi rồng chầu thời Lý. Trong hoang sơ của mảnh đất
hình chữ nhật dáng chim Loan sãi cánh chợt vẳng tiếng chuông Bích Ung, tiếng
mài mực Tàu của các bậc Giám sinh, nét mực long lanh trên tay của Thượng xá
sinh và tiếng trầm bổng đâu đây đoạn kinh Xuân Thu nghe xa vắng rồi chợt ngừng
khi chiếc lá vàng rơi nhẹ vào hồ gợn nước lăn tăn, lũ nhền nhện thi nhau chạy
dài, gót chân son êm nhẹ như nước hồ thu không làm xao động cánh sen nhưng làm
xao xuyến từng lũ ve đang râm ran ngừng tiếng rồi hòa nhịp với không gian se se
nắng cuối thu vàng.
Ngồi với bạn phương Bắc sau tuần rượu ấm với ốc nóng trên phố
Liễu Gai, món ốc bạn bảo phía hồ Tây có nhiều, những con ốc trông như loài ốc
lá trong Nam có mùi hương ngầy ngậy vị bùn non lẫn trong cánh bèo nghe cả hương
đồng gió nội miền Trung gió mưa chao chát, nhìn con đường rộng thênh có lằn
ranh trồng cỏ và hàng cau thẳng tắp mà nhớ nhà da diết. Sau những hàn huyên
chuyện trong Nam ngoài Bắc cứ hòa quyện bất chợt có người rủ sang Tây Hồ để
nghe thu về, sẽ cảm nhận trong tứ mùa trôi qua có thêm một mùa nữa, mùa của cuối
thu đầu đông vừa như có vừa như không. Lúc nghỉ chân bên ngôi chùa cổ,
tất cả những ngôi chùa đều quay về mặt nước hồ Tây mà gõ nhịp chuông vào thinh
không se sắt trong gió thoảng mà vương vấn chút bụi hồng trần để bất chợt, sau
lưng tôi và những bạn phương Bắc, bóng người cùng chiếc xe đạp đang chở hoa vào
chợ đầu mối trong màn sương mù bao phủ lành lạnh, một hình ảnh của gần hai
mươi năm trước tôi mới gặp lại cho dù bây giờ, khu nghĩa trang, vùng đất của
hoa đào biểu tượng, những ngôi chùa cổ thâm trầm với các khu vườn rộng đầy cây
xanh, hay cả những con đường nhỏ, cả một mặt hồ rộng tênh vắng lặng đầy ánh
trăng soi đã dần thu hẹp hoặc đã mất đi, chỉ còn đọng chút gì qua nhịp bánh xe
lăn chầm chậm trong màn sương mờ lạnh kia, trong yên tĩnh thật dịu dàng kia,
trong sự mênh mang bãng lãng kia.
Một thoáng về phố Hiến kề Hà Nội qua ngõ chân đê, xứ sở một
thời “nhất Kinh kỳ, nhì phố Hiến”, thu trôi trên những tán nhãn ven đường, thu
cười nhẹ trên những gương mặt bạn văn chương cũ mới, thu trên mái chùa cổ thâm
trầm hình mắt phượng mày ngài, trôi trên vùng hồ yên tĩnh, len trong những cây
cổ thụ hàng trăm năm, nghìn năm với vẻ đẹp trầm mặc hòa nhịp cùng thời gian
phía trước, hoài niệm thời gian phía sau.
Thu nơi đây êm dịu trên mỗi gót chân
người, dịu êm như ly rượu nhãn sóng sánh màu hổ phách và dịu êm như mặt hồ bán
nguyệt từng có một thời hoàng kim ngựa xe như nước mang mang chút hồn thu thảo.
Đường về Côn Sơn, Kiếp Bạc mùa này đã qua mùa vải chín, heo
heo nắng trải trên các vườn cây. Nỗi oan của Nguyễn Trãi ở khu vườn nào trong
mênh mông màu xanh kia nhưng mỗi bậc thềm vào đền, là mỗi hoài niệm in dấu của
lịch sử. Lịch sử qua mấy nghìn mùa thu xao xác lá, gõ vào thinh không tiếng
chuông chiều thu se sắt quyện vào giếng Ngọc, trôi trên mặt đầm qua mùa hoa sen
nở, tịnh lại trong tâm thức mỗi người có vị anh hùng hào kiệt, cõi tâm linh phảng
phất trên từng gốc cây ngọn cỏ, trên các áng mây trôi tụ hội về núi thiêng của
ngàn năm mây trắng, của chén rượu Côn Sơn đậm đà mà Người đã từng đối ẩm, độc ẩm
mỗi chiều thu của mấy trăm năm qua. Mấy trăm năm đau đáu cùng con dân và mệnh
nước để một ngày trong sớm thu về, Tổ quốc liền một dải và cả dân tộc nghiêng
mình trước Côn Sơn, nâng niu từng viên đá Kiếp Bạc, nhẹ chân trên từng thước đất
của lịch sử mang mang nắng, hiu hiu gió, lay lay cành vải, gờn gợn nước hồ. Bất
chợt, như nghe từ phương Nam nhịp sóng vỗ đất chín rồng đau đáu giọng ngâm của
Huỳnh Văn Nghệ “Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ/ Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn/
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ/ Mỗi lần man mác hương sầu riêng”.
Mỗi đứa đi về mỗi vùng, tạm biệt mùa thu phương Bắc của gần
ngàn năm tạo nên một Thăng Long hoài cổ. Để bây giờ, tôi và bạn chợt nhớ thu về
trên hàng cây cơm nguội vàng, thấy cây bàng lá đỏ, nhẩn nha hạt cốm xanh non để
rưng rưng nhớ, thương thương tiếc, ngậm ngùi theo tiếng còi tàu vào buổi hoàng
hôn trên ga Hàng Cỏ mà về phương Nam xa xôi.
Dù gì, chút gió thu se ngang qua đường phố đủ để cảm nhận có
một mùa thu trong tứ mùa vừa dịch chuyển đi qua trong nỗi nhớ bạn bè, nỗi ấm nồng
từ những người thân yêu, lịch thiệp hào hoa nghĩa tình, và chỉ riêng phương Bắc
nơi ấy, bây giờ cũng vẫn đang còn cuối thu se lạnh đầy xao xuyến với cây cơm
nguội vàng, cây bàng lá đỏ, hạt cốm xanh non...
Huỳnh Thạch Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét