Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

Về Bản Đôn ngắm khu lan rừng “Troh Bư”

Về Bản Đôn ngắm khu lan rừng “Troh Bư”
 Ông Hưng với tình yêu lan rừng đã 
thành lập khu bảo tồn lan lớn nhất Việt Nam. 
 Troh Bư trong cách gọi của người Ê Đê nghĩa là “lũng cá lóc” chỉ vùng đất xanh tốt, nơi từng có nhiều cá lóc sinh sống. Trải qua bao cuộc bể dâu, vùng đất Troh Bư tốt tươi năm xưa giờ đây đã trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước có chung tình yêu với vẻ đẹp hoang sơ của các loại lan rừng. 
Để có được thành quả này, ông Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) mất nhiều năm cải tạo, biến mảnh đất hoang sơ thành khu bảo tồn lan rừng lớn nhất Việt Nam.
Ông cán bộ mê bảo tồn lan
Một ngày nắng vàng dịu, trên con đường từ TP. Buôn Ma Thuột tìm lên vùng đất Buôn Đôn, chúng tôi bị níu giữ trước tấm gỗ mang tên “Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư” bởi một khu bảo tồn lan tại Việt Nam từ trước đến nay là chưa có. Từ đường lộ, rẽ ngoặc theo con đường đất đỏ quạch chừng 500m, mọi người trong đoàn ai cũng ngỡ ngàng với không gian xanh mát, rực rỡ sắc hoa.

Vào khu bảo tồn lan, một người đàn ông bận đồ công sở, tầm thước bảy, mày rậm, tóc muối tiêu đứng bên giò lan nở xinh xắn nở nụ cười với khách. Ông chủ với dáng vẻ xuề xòa, ít nói, đối diện tôi lại là ông Đỗ Tuấn Hưng, nhà bảo tồn lan nổi tiếng Đắk Lắk.
Nếu nhìn bên ngoài, ông Hưng chẳng có dáng dấp nông dân chân lấm tay bùn với bộ trang phục có phần trịnh trọng. Sau vài phút trò chuyện, ông Hưng hiện đang làm công việc cán bộ văn phòng tại Sở NNPTNT Đắk Lắk và nghề sưu tầm lan chỉ là… tay ngang. Những ngày cuối tuần khi công việc văn phòng nông nhàn, ông Hưng lại rong ruổi từ trung tâm thành phố đắm mình cả ngày trong khu bảo tồn để chăm sóc, tự tay đặt những giò lan mới sưu tầm lên thân cây rừng.
Ngược dòng quá khứ khoảng 20 năm về trước, ông Hưng, một cán bộ công chức, lương công việc hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Gom góp tiền của dành dụm, ông lên khu vực Troh Bư hiện giờ mua lại mảnh đất hoang sơ để trồng cà phê, hồ tiêu.
“Troh Bư hồi đó toàn sỏi đá. Vài năm đầu, gia đình trồng vài héc ta cà phê nhưng không trông coi khiến kẻ xấu dòm ngó trộm cắp vơi dần”, ông Hưng kể. Không ai trông giữ nên vài năm tiếp theo, khu vực Troh Bư cứ thế mọc lên cây hoang dại, cây rừng xanh tắp.
Bản thân ông Hưng trong quá trình làm cán bộ nông nghiệp có dịp đi thực địa trong những khu rừng nguyên sinh tại Tây Nguyên. Vào rừng, điều mê hoặc ông chính những lớp rừng lan nở hoa ngát hương. Thế nhưng chỉ vài năm sau khi trở vào rừng khảo sát, những rừng lan ngày xưa đã ít dần do nhu cầu chơi lan của người dân ngày càng cao. Sau biết bao suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng, ông Hưng mạnh dạn sưu tầm nhiều loài lan quý để “trả lan về đúng với rừng”.
Hiện khu bảo tồn Troh Bư hiện có khoảng 200 loại lan với hơn 10.000 giò gắn trên cây sống, diện tích 2 ha rừng tái sinh tại đặc hữu của vùng Tây nguyên như giáng hương, thủy tiên, quế lan hương, nghinh xuân, hồng nhạn… Dẫn khách lội con suối nhỏ đến với một giò lan cắm rễ sâu trong gốc cổ thụ, ông Hưng giới thiệu, Troh Bư trước hoang dại nhưng nhờ cải tạo cùng với con suối chảy ngang đã trở thành khu vực lý tưởng để các loài lan nảy nở. 

Du khách lang thang trong khu bảo tồn lan rừng lớn nhất Việt Nam. 
Mơ về Ngũ bách lan viên
“Săn lan rừng” và sưu tầm để “trả lan về rừng” liệu có mâu thuẫn với nhau, tôi thắc mắc. Ông Hưng lý giải, nhiều người chơi lan với mục đích giải trí hoặc sưu tầm vài giò lan tô điểm không gian ngôi nhà. Riêng ông, mê lan không chỉ để giải trí mà còn bảo tồn nguồn gen quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.
Từ những năm 2000 trở lại đây, ông Hưng sử dụng vài héc ta đất rừng để trồng cây. Từ những cây rừng trưởng thành, ông Hưng sử dụng kỹ thuật ghép lan vào chính những thân cây như tự nhiên.
Gần 20 năm gắn bó và phát triển Troh Bư thành khu bảo tồn lan rừng lớn nhất Việt Nam nhưng với ông Hưng, mọi thứ như mới bắt đầu. Ông Hưng mong muốn khu bảo tồn sẽ tiếp tục mở rộng, sẽ phát triển thành “Ngũ bách lan viên” nổi tiếng thời nhà Trần từng được ghi trong sách sử.

Ông Hưng cho biết, không gian khu bảo tồn Troh Bư được ông thiết kế linh động, đa dạng với nhiều công trình gắn bó chặt chẽ với văn hóa Tây Nguyên hùng vĩ. Việc đan xen tượng gỗ người Ê Đê, xây dựng nhà sàn của đồng bào vùng cao hoặc các bộ chiêng đồng, trống cổ, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt… nhằm để khách vãng lai có thể hiểu thêm về một vùng đất Tây Nguyên nắng gió nhưng còn lắm bí ẩn với các nét văn hóa thú vị.
Tại khu bảo tồn lan Troh Bư hiện còn dàn chiêng đá có 23 thanh, ngắn nhất 0,6 mét, dài nhất 1,5 mét bằng đá mẹ bazan cổ xưa, được giữ nguyên bản không qua chế tác, khi gõ phát ra âm thanh như dàn cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số, hiện vẫn được sử dụng. Nơi đây cũng đang lưu giữ một chiếc thuyền độc mộc dài 9 m, rộng hơn 1,7 m, do một nghệ nhân ở Buôn Đôn chế tác từ một cây sao cổ thụ nguyên khối rồi nhượng lại cho ông Hưng.
Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng được trao cho chiếc thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất và dàn chiêng đá cổ xưa nhiều thanh nhất thuộc sở hữu của ông Hưng và khu bảo tồn lan lớn nhất Việt Nam. 
Hữu Long
Lao động online - 1/1/2018
Theo http://www.amazingvietnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...